Home » » Chồng không thích thuê người giúp việc

Chồng không thích thuê người giúp việc

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Chúng em có con nhỏ và cha mẹ của em sống chung. Anh làm ra tiền, có sự nghiệp vững vàng. Lúc trước con còn nhỏ, em ở nhà lo cho con, vì lương em chẳng bao nhiêu mà lúc nào cũng vội vàng giờ giấc, con cái bị ảnh hưởng.

Bây giờ em đi làm lại, là nhân viên hành chính một cơ quan. Anh đồng ý và nói rằng đó là do anh chiều theo nguyện vọng của em, có công việc phấn đấu, ra ngoài giao tiếp xã hội cho khỏi lạc hậu, chứ việc em đi làm là có sự hy sinh của cả gia đình. Cha mẹ em cũng giúp, nhưng anh không muốn các cụ vất vả. Anh không đồng ý thuê Ô-sin vì không muốn có người lạ ở trong nhà. Em phải thuê người theo giờ. Anh bảo em muốn làm gì thì làm, dù có Ô-sin cũng phải lo cho gia đình, anh mới yên tâm. Một đôi lần, anh còn bày tỏ : một số cô nhân viên của anh chuyên môn chả có gì xuất sắc, cũng không lo toan gia đình, đua đòi chuyện phiếm đâu đâu, chả còn gì là người phụ nữ. Anh không ưa như thế.

Em thấy lo. Một mình thì không gánh nổi mọi việc chu toàn. Thuê người thì anh lại cho là không làm tròn chức năng người phụ nữ. Em không biết tính sao. Chị có thể tư vấn giúp em, cách nào tốt nhất? Em xin cảm ơn chị.


Hoàng Thị Hồng Nga (Q.3, TP.HCM)

                             ********************

Trả lời tư vấn của Chuyên viên Hạnh Dung :

Thân gửi em Hồng Nga,


Đúng là bây giờ có nhiều người đi làm không có đóng góp gì nhiều cho xã hội mà việc gia đình cũng sao nhãng. “Bắt” vợ ở nhà là chuyện xưa rồi, không phải bàn nữa. Nhưng thực tế nhiều ông chồng thấy vợ đi làm, tiền chả bõ tiêu vặt, chuyên môn không có gì xuất sắc, nên nghĩ có khi vợ ở nhà lại giải quyết được nhiều khó khăn cho gia đình hơn. Mỗi gia đình có cách giải quyết tùy theo hoàn cảnh.


Chồng em lo ngại vì nhìn thấy thực tế một số phụ nữ ở cơ quan làm việc làng nhàng, sự nghiệp tiền bạc không có gì, lại chỉ tìm thú vui trong các chuyện tầm phào, con cái nhà cửa để mặc cho Ô-sin và cha mẹ, anh ấy sợ vợ mình cũng như vậy. Em nên hiểu tâm lý này và tránh những điều anh lo ngại (vì những điều đó cũng chẳng có lợi gì cho chính bản thân người phụ nữ).


Dù em có thuê người làm cũng không thể buông hết việc nhà cho họ. Người phụ nữ đảm đang không có nghĩa là phải tự mình làm việc nhà từ A đến Z. Miễn là em biết cách tổ chức, sắp xếp chu toàn. Dù có đi chơi, gặp gỡ bạn bè, nhưng vẫn biết mọi việc ở nhà đang tiến triển ra sao cũng thể hiện sự quán xuyến và tài tổ chức. Chồng em sẽ không còn lo ngại việc vợ mình buông bỏ tất cả.


Hạnh Dung tin chồng em không đòi vợ ở nhà làm quần quật nhưng anh ấy vẫn muốn em ưu tiên việc gia đình trong tâm trí.



Chúc gia đình em luôn hạnh phúc.

Báo Phụ Nữ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét