Home » » Để thoải mái và vui vẻ hơn khi làm việc

Để thoải mái và vui vẻ hơn khi làm việc

Sự thoải mái và vui vẻ khi làm việc là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu suất trong công việc.

Dưới đây là những cách giúp bạn làm việc với tinh thần thoải mái và vui vẻ hơn:
Hãy xem xét lịch làm việc trong tuần của bạn có sự linh động nào hay không. Chẳng hạn như, nếu bạn cố gắng làm về thật muộn trong ngày thứ Hai, bạn có thể được phép nghỉ sớm vào buổi chiều của ngày thứ Sáu hay không? Nếu được phép nghỉ một buổi trong tháng để làm việc ở nhà, bạn có thể tận dụng khoản thời gian này để vừa làm việc của cơ quan, lại vừa có thể thư giãn với những công việc vặt trong nhà như sửa chữa điện nước, lau dọn bàn ghế, sắp xếp lại mọi vật trong phòng hay chăm sóc vườn hoa…

Bạn nên nhớ rời mắt khỏi màn hình máy vi tính cứ mỗi 45 phút để tránh làm mệt mỏi cho đôi mắt. Hãy xoa bóp nhẹ nhàng vùng thái dương và xung quanh vùng mắt để giúp máu lưu thông, đồng thời hãy đứng lên xoay người trong khoảng 1 phút mỗi giờ để tránh đau lưng dưới.

Hãy chọn ra cho mình một ngày đặc biệt trong tháng để tổ chức ăn mừng sự kiện này. Bạn có thể cùng đồng nghiệp tổ chức một buổi dã ngoại để vừa thư giãn, giải trí, vừa làm tăng thêm sự gắn bó và gần gũi hơn với đồng nghiệp. Từ đó, các hoạt động trong công việc của bạn sẽ diễn ra trôi chảy và hiệu quả hơn nhiều.

Nếu bạn không may bị cấp trên la rầy hay phàn nàn về công việc của mình, bạn nên bình tĩnh và đừng quá buồn phiền và lo lắng. Hãy kiểm soát tinh thần của mình luôn trong trạng thái bình tĩnh bằng cách ngồi xuống một nơi nào đó, nhắm mắt lại và hít thở đều đặn. Trong lúc thực hiện điều này, bạn hay thử tưởng tượng bạn đang nằm trên một cánh đồng tươi mát và đang tận hưởng một bầu không khí trong lành. Cách làm này được các chuyên gia tâm lý trên thế giới khuyên chúng ta nên áp dụng nhằm kiểm soát stress trong mọi tình huống. Nếu cách làm này vẫn chưa làm bạn vượt qua cơn phiền muộn, bạn phải tự hỏi chính bản thân mình rằng “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với mình là gì?”, “Cấp trên sẽ la rầy và phạt mình như thế nào?”. Sau khi tự hỏi những câu hỏi này, bạn cũng nên biết an ủi chính mình rằng, “không ai sẽ phải chết trước những tình huống khó khăn cả”. Vấn đề ở đây là bạn phải biết nhìn nhận vấn đề và khắc phục những lỗi sai của mình. Đừng để tâm lý lo lắng, sợ hãi làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn.

Hãy rửa tay thật kỹ mỗi khi bạn tiếp xúc với bồn rửa tay trong công ty. Đây là cách tốt nhất để bạn tránh được các căn bệnh vặt mà đồng nghiệp của bạn có thể mắc phải và đã tiếp xúc với bồn rửa tay trước đó. Đếu bạn thấy đồng nghiệp của mình bị cảm, ho hoặc kèm sốt thì nên khuyến khích người ấy về nhà dưỡng bệnh. Bằng cách làm này, bạn có thể bảo vệ sức khỏe của mình và giúp cho môi trường làm việc xung quanh bạn lành mạnh hơn.

Nếu bạn cảm thấy uể oải, chán nản hay phát điên vì ánh sáng trong phòng của bạn không đủ sáng để đảm bảo cho bạn làm việc, hãy thay một bộ đèn bàn mới chất lượng hơn. Ánh sáng cũng là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý làm việc, bạn cần chú ý đến điều này.

Sau bữa trưa, bạn có thể nghỉ ngơi trong vòng từ 15 - 20 phút, sau đó có thể đi tản bộ hoặc làm vài động tác thể dục đơn giản. Mọi người đều biết việc vận động trong thời gian làm việc cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, mặc dù thời gian tập hoạt động thể chất có thể chỉ là 10 phút, nhưng cũng đủ làm cho tinh thần làm việc vào buổi chiều của bạn khá lên rất nhiều. Hãy tạo cho mình thói quen luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý, hiệu quả công việc của bạn sẽ tốt hơn.

Tránh dành quá nhiều thời gian để nói chuyện phiếm ở công sở. Nhiều người cho rằng “ tám chuyện” cũng là một biện pháp giảm stress hiệu quả. Nhận xét này không sai nếu việc đó chỉ tiêu tốn ít thời gian, còn khi nó đã chiếm một khoảng thời gian đáng kể trong thời gian làm việc của bạn thì lại mang tính tiêu cực nhiều hơn. Hơn nữa nếu dành quá nhiều thời gian cho việc riêng thì hiệu quả công việc của bạn sẽ bị giảm sút đi rất nhiều.

Hãy để đồng nghiệp giúp đỡ khi công việc của bạn gặp khó khăn. Nhiều nhân viên vì một vài lý do như sợ sếp đánh giá không tốt hoặc sợ đồng nghiệp chê cười nên không dám nhờ người khác giúp đỡ. Bạn đừng nên tự tạo “áp lực” cho công việc của mình mà hãy thẳng thắn và vui vẻ nhờ đồng nghiệp giúp đỡ để công việc được giải quyết tốt hơn.

Sau giờ làm việc, bạn nên tạm gác mọi vấn đề trong công việc lại một bên để tận hưởng niềm vui của cuộc sống gia đình. Bạn có thể vừa nghe những bản nhạc yêu thích vừa đi về nhà bằng xe máy, xe buýt, đạp xe đạp hay đi bộ... Bằng cách này, bạn sẽ thực sự cảm thấy thoải mái vì mình đã cần bằng được niềm vui trong công việc và cuộc sống.

Bạn cũng nên chắc chắn rằng đừng làm việc quá sức. Một số người đã cố gắng làm việc quá sức mình để được cấp trên khen thưởng, hay chỉ vì không muốn đối diện với cuộc sống thực tại ở gia đình… những điều này đều có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn về lâu dài. Các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên làm việc chăm chỉ và vừa sức mình, hãy dành nhiều thời gian để thư giãn để khôi phục lại sức lực của mình. Như vậy, hiệu suất công việc mới nâng cao lên được.

Nếu bạn làm việc trong tòa nhà cao tầng, bạn nên đến văn phòng của mình bằng thang bộ hơn là đi bằng thang máy. Cách làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian luyện tập thể thao tại nhà, vận động như thế này sẽ giúp bạn khỏe khoắn hơn và cải thiện vóc dáng của mình một cách đáng kể.

Khi đứng nghe điện thoại, bạn nên đứng nghe bằng một chân, sau khi cảm thấy mỏi thì bạn có thể đổi chân khác. Cách làm này sẽ giúp cơ chân của bạn được duổi ra và máu lưu thông tốt hơn, từ đó giúp đôi chân của bạn trông đẹp sắc nét hơn.

Cuối cùng, khi bắt đầu một ngày làm việc mới, bạn nên đưa ra kế hoạch cụ thể và cố gắng hoàn thành tốt những công việc đó trong ngày. Bạn phải chú thích những công việc nào quan trọng nên làm trước, công việc nào chưa cần thiết sẽ làm sau. Việc đưa ra kế hoạch cụ thể sẽ giúp bạn định hướng được những công việc bạn phải làm để không bao giờ bị rơi vào hoàn cảnh rối tung rối mù vì công việc.

Đình Huệ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét