Bạn có thể đã từng nghe về cách làm giàu của ông “vua vận tải” Daniel Ludwig bằng cách mượn tiền người khác (Other People’s Money). Chúng tôi muốn giới thiệu thêm một cách làm giàu cũng bằng tiền người khác nhưng không phải vay mượn.
Về kinh nghiệmcủa mình, James Ling đã nói “Quan trọng nhất là bạn phải giải được bài toán 2+2=5 hoặc 6.” Thực chất cách làm giàu này cũng mang ý nghĩa là vay mượn tiền người khác nhưng nó không trực tiếp là vay mượn. Đó là cách vay mượn sòng phẳng, công bằng. Đó chính là điều làm tên tuổi của James nổi tiếng khắp thế giới. Nội dung bí quyết làm giàu này như sau.
Một ngày nọ, bạn lóe sáng trong đầu một ý tưởng kinh doanh rực rỡ, đầy tiềm năng. Bạn cần vốn để thực hiện ý tưởng đó, nhưng bạn lại không có đủ tiền, thậm chí quá ít. Vậy bạn sẽ làm gì để biến nó thành sự thật?
Giải pháp của bạn nên là…
Hãy tìm đến vài người bạn giàu có và trình bày ý tưởng của mình, hỏi xem họ có chấp nhận rủi ro để bỏ vốn hợp tác để cùng nhau kinh doanh, hay nói cách khác là mời họ làm những người đồng sáng lập công ty. Nên nhấn mạnh từ “rủi ro” để mọi người hiểu thực tế là bạn không hề mượn tiền ai, cũng không hứa hẹn là sẽ trả lại những gì. Đây là việc mọi người tự nguyện hợp tác với nhau một cách công bằng, những người bạn này theo đúng nghĩa là “cổ đông” cùng sở hữu công ty với bạn. Nếu công ty ăn nên làm ra, ai cũng có lợi nhuận. Nếu công ty chẳng may thua lỗ, tất cả sẽ cùng nói lời chia tay với tiền của mình.
Cụ thể hơn một chút, giả sử bạn có một ý tưởng nghe rất tuyệt và bạn là một người có tài trình bày đã thuyết phục được năm người bạn khác cùng tham gia. Mỗi người sẽ bỏ ta 10.000USD, thì tổng vốn ban đầu của công ty sẽ là 50.000USD. Điều này đồng nghĩa với chuyện mỗi người bạn sẽ sở hữu một cổ phần của công ty. Bạn cũng sở hữu một phần, mặc dù bạn không bỏ ra đồng nào. Với thỏa thuận là thay vì đóng góp bằng tiền, bạn sẽ phụ trách toàn bộ việc kinh doanh của công ty – thực tế thì đây là việc bạn muốn làm ngay khi nảy sinh ra ý tưởng. Như vậy, bạn nghiễm nhiên sẽ trở thành giám đốc điều hành công ty (vị trí này chỉ có một), còn năm người bạn kia vẫn dành thời gian làm công việc của họ, không tham gia việc kinh doanh hàng ngày của công ty. Họ, có thể nói, là những người đang bỏ tiền ra chơi một trò chơi mạo hiểm về tài chính.
Thế là bạn đang điều hành việc kinh doanh ý tưởng của mình với một công ty nhỏ gồm sáu cổ đông, bằng cách áp dụng phương pháp OPM mà không phải bỏ ra một đồng nào. Nếu có lợi nhuận, bạn sẽ được nhận một trong sáu phần đó.
Về lâu dài, nếu công ty thành công, bạn có thể chọn lựa nhiều hướng tiếp theo. Bạn có thể giữ nguyên nội bộ cổ đông nếu những người bạn không muốn có sự tham gia của người ngoài. Còn trong trường hợp các thành viên ban đầu muốn rút vốn bằng tiền mặt, bạn có thể mở rộng danh sách cổ đông ra bên ngoài. Bạn có thể phát triển sáu cổ đông thành hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn với giá trị cổ phần ngang nhau. Bên cạnh đó bạn có thể nâng hoặc giảm giá cổ phần trên thị trường trong hoàn cảnh thích hợp. Nếu việc kinh doanh thực sự thành công, số vốn góp 10.000USD ban đầu sẽ được bán cao hơn rất nhiều. Bạn cũng có thể tạo ra những cổ phần mới, bán ra ngoài thị trường và lấy tiền góp vốn phát triển công ty. Hoặc bạn có thể giữ lại vài cổ phần, xây dựng những công ty con rồi bán lại cho người khác.
Bằng cách này, bạn có thể xây dựng được cho mình cả tập đoàn to lớn mà hầu như hoặc hoàn toàn bằng tiền người khác.
Chuyện “xây tập đoàn” của James Joseph Ling
James J. Ling, được biết với tên gọi thân mật Jimmy, người đã thiết lập nên một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ chỉ trong vòng 14 năm. Suốt những năm 1960, người ta biết đến cái tên James Ling là một doanh nhân thành đạt như Harold Geneen của Công ty Truyền thông Quốc tế và Charles G. Bluhdorn của Gulf & Western Industries, người không ngừng theo đuổi việc xây dựng một tập đoàn ngày càng hùng mạnh.
James Ling sinh năm 1922, lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hugo – Oklahoma. Năm 22 tuổi, ông gia nhập hải quân sau đó được chuyển qua Philippines. Tại đây, ông làm việc thu hồi và sửa chữa thiết bị điện từ việc dỡ tàu. Hai năm sau khi được giải ngũ, ông đã bán ngôi nhà ở Dallas của mình với 2.000USD để mở một công ty chuyên ký hợp đồng lắp đặt điện cho hộ gia đình. Doanh thu tăng trưởng từ 70.000USD trong năm đầu tiên lên tới 1,5 triệu USD vào năm 1955. Ngay sau đó, ông đã mua một công ty về công nghiệp không gian vũ trụ, “vật lộn” với một mớ giấy nợ từ nhiều nơi và ngân hàng. Năm 1960, Ling sáp nhập với Công ty Temco Electronics and Missiles. Năm tiếp theo, ông mua lại Chance Vought Inc., một công ty sản xuất máy bay. Từ năm 1972, tập đoàn này chính thức lấy tên Ling-Temco-Vought viết tắt là LTV.
Đây là tập đoàn tăng trưởng nhanh nhất nước Mỹ từ năm 1955 đến 1965, theo tạp chí Fortune năm 1966. Đỉnh cao của LTV là năm 1969, với 29.000 công nhân cung ứng 15.000 loại sản phẩm riêng biệt – từ hamburger đến tên lửa, từ vợt tennis đến máy bay ném bom.
Với thành công đó, năm 1984 tạp chí Inc. gọi ông là “Beethoven tài chính” người có thể hình dung ra cả một bản giao hưởng khi người khác chỉ nghe một câu nhạc. Đồng nghiệp nhận xét “Khi ông ta nói, bạn phải “nghe nhanh”. Mỗi ngày của ông là một trò cá cược với tiền. Người ta nhìn ông như một anh chàng Texas gan dạ với thần kinh thép đang biểu diễn những trò nhào lộn rủi ro với đồng tiền.
James J. Ling mất ngày 17.12.2003 ở tuổi 81 với căn bệnh ung thư. Vợ ông mất năm 1991. Hiện tại ông còn một con gái, ba con trai, 13 cháu và 23 chắt.
Nguồn Tạp Chí Marketing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét