Chúng ta ai cũng muốn được mọi người quý mến, tán thưởng và muốn duy trì tình bạn với mọi người. Chúng ta đều biết rằng nếu không có mối quan hệ hợp tác thân thiện, gần gũi với các cộng sự của mình, thì chúng ta sẽ rất khó thành công.
Tầm quan trọng của sự linh hoạt trong cuộc sống
Theo chuyên gia đào tạo Internet Marketing Dương Anh Tuấn, thì đặc điểm người có tính cách linh hoạt đó là khả năng điều chỉnh về mặt tinh thần và thể chất để thích nghi với bất cứ hoàn cảnh hay môi trường nào mà vẫn giữ được sự tự chủ và bình tĩnh. Tính linh hoạt có thể định nghĩa chính xác nhất là khả năng quan sát, tìm hiểu, đánh giá nhanh chóng một tình huống xảy ra, phản ứng lại một cách hợp lý và ít bị tác động nhất về mặt cảm xúc.
Qua việc rèn luyện tính linh hoạt, chúng ta cũng sẽ rèn luyện được khả năng phản ứng nhanh chóng trong việc nắm bắt cơ hội hoặc giải quyết vấn đề. Điều đó có thể giúp chúng ta trở nên quyết đoán. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh trong cuộc sống, đặc biệt là trong công việc với khối lượng kiến thức mới khổng lồ mỗi ngày, vì thế nếu thiếu sự linh hoạt, chúng ta dễ dàng nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, và khó hình thành mối quan hệ xã hội tốt - một yếu tố quan trọng để giúp bạn đạt đến thành công.
Lộ trình xây dựng sự linh hoạt cho cá nhân
Điều kiện tiên quyết để xây dựng sự linh hoạt là không ngại va chạm. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta cởi mở và can đảm đón nhận những thay đổi trong cuộc sống, sẽ giúp chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn để xoay sở trong nhiều tình huống.
Chúng ta cũng cần rèn luyện khả năng quan sát, tư duy và đúc kết sự việc. Điều này cải thiện sự hiểu biết của bản thân đối với nhiều sự vật, sự việc khác nhau. Rèn luyện được khả năng này cũng sẽ xây dựng cho chúng ta một nền tảng lý luận vững chắc cho bản thân để dễ dàng ứng phó trong mọi tình huống khó khăn xảy ra, đặc biệt là với những cá nhân công tác trong những lĩnh vực yêu cầu có cái nhìn bao quát về bối cảnh chính trị, xã hội, kinh tế...
Yếu tố thứ ba là bớt cầu toàn. Việc này có ý nghĩa quan trọng vì khi bạn quá cầu toàn, thì bạn dễ bị đóng khung, bó buộc trong những quy tắc cứng nhắc của bản thân mình, làm khả năng thích ứng của bạn bị kém đi. Một mặt khác, người cầu toàn thường tạo cho người đối diện có cảm giác bị áp lực bởi những mong muốn, những quyết định của họ trong tập thể, vì thế mà người cầu toàn dễ bị tập thể e ngại, không chia sẻ những kế hoạch và dự định chung.
Làm mới mình mỗi ngày cũng là một bước để tạo nên con người linh hoạt. Chúng ta nên có ý thức thay đổi mình trước khi bị thay đổi bởi những yếu tố tác động của môi trường xung quanh.
Linh hoạt và những yếu tố tính cách liên quan
Có nhiều người cho rằng, linh hoạt thường đồng nghĩa với việc thỏa hiệp, nhượng bộ với người xung quanh trong các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè. Vì thế, họ lo sợ họ sẽ bị mất đi một số nét tính cách, hoặc cao hơn nữa là sự quyết đoán trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, sự linh hoạt không hoàn toàn đồng nghĩa với sự thỏa hiệp, nó chỉ đơn thuần là khả năng cởi mở và thích nghi khi những điều kiện xung quanh thay đổi. Nghĩa là sự thích nghi đó là sự thay đổi về mặt phương pháp hay chiến thuật ứng xử trong mọi việc, tuy nhiên không thay đổi mục tiêu hoặc hệ giá trị của bản thân.
Có một mối liên hệ lớn giữa người bảo thủ và người không linh hoạt. Người bảo thủ chắc chắn không thể linh hoạt, tuy nhiên, người không linh hoạt không phải là người bảo thủ, chính vì thế nhà lãnh đạo cũng không nên vội vàng kết luận điều này ở nhân viên khi chưa có sự tìm hiểu rõ ràng. Khi một người bảo thủ, họ sẽ triệt tiêu tất cả những ý kiến đóng góp xây dựng hoặc chính kiến của người khác; còn người không linh hoạt thì chúng ta có thể thay đổi họ, bằng cách tạo cho họ có một điều kiện tốt để thích nghi và điều chỉnh tác phong của mình trong điều kiện đó.
Như vậy, ở đây chúng ta thấy vai trò của sự thay đổi là quan trọng nhất trong quá trình rèn luyện sự linh hoạt. Nhưng khi thay đổi, ta nên nghĩ đến việc thay đổi tác phong một cách chủ động, chứ không thay đổi để đối phó với những yếu tố chi phối, cụ thể như : đi học một lớp nâng cao nghiệp vụ trái ngành để hiểu biết thêm về thị trường, chứ không phải đến điểm danh đủ buổi để có được bằng cấp để thăng tiến khi có nhu cầu.
Và đễ vẫn giữ được bản sắc riêng của mình trong bối cảnh thay đổi thích nghi với hoàn cảnh, mỗi người cần nhận thức rõ được lý do mình thay đổi (chuyên môn, phòng ban...) để có một lộ trình thích hợp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tránh tình trạng nhảy việc một cách vội vàng, hoặc vướng giữa nhiều lựa chọn công việc không phù hợp.
Khánh Quỳnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét