Home » » Đối diện hay chạy trốn?

Đối diện hay chạy trốn?

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Hiện em rất muốn ly thân hoặc ly hôn...

Hiện em rất muốn ly thân hoặc ly hôn nhưng không đủ can đảm quyết định vì sợ bà con, bạn bè cười, sợ mẹ buồn, sợ con cái học hành sa sút vì không được sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Con em : một cháu đang học đại học, một cháu đang học lớp 12.
Hơn 20 năm lấy chồng, tiết kiệm từng xu để gầy dựng gia đình được như hôm nay, nhưng mới đây, em phát hiện chồng em cặp kè với gái mát-xa. Dạo này, anh thường xuyên về trễ, lấy tiền nhà đem đi đâu chẳng biết, lương bổng thì tháng có tháng không. Em buôn bán ở nhà cũng có đồng vô đồng ra, nhưng mình tằn tiện, nhường nhịn cho chồng con trong khi chồng mình đem tiền đi cung phụng người khác. Em suy sụp tinh thần, không muốn buôn bán gì nữa, càng nghĩ càng thất vọng và cảm thấy bị xúc phạm, mất lòng tin.

 Trước giờ, cuộc sống gia đình em cũng tẻ nhạt, vợ chồng ít chia sẻ vui buồn. Nhiều lúc em muốn nói chuyện với chồng nhưng thấy nói nhiều cũng không chuyển biến được gì, lại còn cãi nhau nên im lặng. Giờ em chỉ muốn bỏ đi một nơi nào thật xa, em mệt mỏi và suy sụp quá rồi…


Lê Thị Thùy (TP.HCM)

                                **********************

Trả lời tư vấn của Chuyên viên Hạnh Dung :

Em Thùy thân mến,


Giả sử giờ em làm được điều em muốn, là bỏ đi đến một nơi nào thật xa, quên hết mọi chuyện, thì cũng có hai khả năng có thể xảy ra: hoặc làm lại cuộc đời ở nơi xa đó, hoặc sau một thời gian lại phải quay về cuộc đời cũ. Tất nhiên đầu óc có thanh thản hơn, nhưng các vấn đề vẫn còn nguyên, chờ em giải quyết, thậm chí có thể trong khi em đi xa chúng còn trở nên trầm trọng hơn. Vậy nên, hãy tính tới chuyến đi xa sau khi mình đã giải quyết xong vấn đề, em ạ. Hãy đối diện với khó khăn chứ đừng trốn chạy, bởi ngoài mình, không ai có thể giải quyết các vấn đề đó cả.


Việc thứ nhất, chồng có quan hệ với người thứ ba. Nếu em chắc chắn, chứng cứ đầy đủ, hãy mời anh ấy ngồi lại nói chuyện thẳng thắn. Cố gắng bình tĩnh trong cuộc nói chuyện này. Nếu chỉ là quan hệ thoáng qua, nếu anh ấy còn yêu thương vợ con và muốn giữ gia đình, có thể xem xét hàn gắn. Việc thứ hai là với hai con, các cháu đã lớn, nhất là con trai đầu, em có thể trò chuyện để cháu hiểu và thông cảm cho mẹ trong trường hợp buộc phải có một quyết định nào đó. Việc quan trọng không kém là kinh tế gia đình. Thường các ông ra ngoài mèo mỡ là do rủng rỉnh tiền trong túi. Em buôn bán, quản lý chặt tiền bạc thì sẽ bớt được điều đó thôi. Giờ mình mất tinh thần, bỏ bê việc làm ăn, càng tạo kẽ hở cho những việc làm sai quấy phát triển. Đến lúc công chuyện làm ăn bết bát, mình cũng khó có điều kiện để tự chủ, đứng vững trong những hoàn cảnh xấu.


Không khí gia đình cần phải thay đổi. Im lặng cam chịu không phải là cách làm tốt. Nên mở ra những cuộc trò chuyện, về nhiều chủ đề khác nhau, tạo sự gắn bó, trao đổi và bớt tẻ nhạt trong gia đình. Nếu mình đã cố gắng giải quyết mà vẫn không được mới phải buông. Đừng để nỗi mệt mỏi, chán nản nhấn chìm mình, phá hủy luôn cả những gì mình đã chắt chiu gầy dựng mấy chục năm. Hãy cố gắng lên, em nhé.

Báo Phụ Nữ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét