Tính kiểu khác

Chào chị Hạnh Dung! 

Em 28 tuổi, đã lập gia đình, con được ba tuổi.

Vì hoàn cảnh khó khăn nên từ khi bé một tuổi em đã gửi cho bà ngoại ở quê nuôi, vợ chồng lên thành phố kiếm sống. Đến giờ, sau bao nhiêu năm làm lụng, cuộc sống vẫn chật vật. 

Con em càng ngày càng lớn, thiếu sự chăm sóc, bà ngoại ngày một già yếu. Em muốn về quê sống, nhưng chồng em nhất quyết ở lại thành phố, hy vọng kiếm tiền đổi đời. Tiền bạc chẳng thấy đâu, chỉ thấy ngày nào anh cũng đi từ sáng sớm đến tối khuya. Em làm công nhân, lương bị chủ nợ mấy tháng trời, tiền nhà cũng phải khất. Nói ra thì anh bảo em về quê một mình đi, anh không về. Mỗi lần nói đến chuyện này, vợ chồng lại cãi nhau căng thẳng. 

Em biết tính chồng, nếu để anh sống ở thành phố một mình, thế nào cũng sinh chuyện này nọ. Giờ em chẳng biết phải làm sao, phân vân giữa hai lựa chọn: về ở cùng con thì không được ở cùng chồng. Em đang rất bế tắc, xin chị cho em lời khuyên.

Thu Hương (Q.12)

                                  *****************

Trả lời tư vấn của Chuyên viên Hạnh Dung :

Em Thu Hương mến,

Ông bà mình có câu “một kiểng hai quê” là vậy, người ở đây nhưng lòng dạ gửi nơi kia, tấm lòng người mẹ lúc nào cũng đau đáu nghĩ về con mình. Huống hồ, giấc mộng đổi đời ở thành phố cũng không thành, kinh tế khó khăn chật vật, càng làm cho mình phải tính toán cân nhắc nhiều hơn.

Theo Hạnh Dung, có thể những khó khăn, lòng nhớ con, nỗi lo mẹ già… đã khiến em đặt vấn đề hơi “cứng” với chồng: về hay ở. Câu trả lời của chồng em đã rõ, mình không nên đặt vấn đề này ra nữa. Hãy chuyển sang chuyện khác mang tính “kế hoạch” hơn và dễ tìm được sự chia sẻ giữa hai vợ chồng hơn: em đồng ý ở lại thành phố cùng anh, nếu ở lại, mình sẽ làm gì để kiếm tiền, để có thể gửi về quê nuôi con hay sau bao lâu nữa mình sẽ có thể mang con lên cùng ba mẹ? Tốt hơn hết là lắng nghe những gì chồng em dự định, góp ý, chia sẻ với chồng để có hình dung cụ thể về tương lai. Ngay cả khi tính chuyện về quê, cũng phải xem sẽ làm gì ở quê để có tiền sinh sống. Có thể, khi có đầy đủ thông tin rồi, em sẽ đỡ lo lắng hơn, kiên nhẫn hơn trong một thời gian nữa. Làm gì cũng phải tính, nếu sau sáu tháng, một năm nữa… mà mọi việc vẫn không tốt lên, thì sẽ tính chuyện về quê hay thế nào đó. Chồng em khi chia sẻ được dự định của mình với vợ, cũng có thể chia sẻ được nỗi lo lắng, nỗi nhớ con.


Thuận vợ thuận chồng là quan trọng. Nhưng “thuận” không có nghĩa là người này bảo sao người kia nghe vậy. Mưa dầm thấm đất, bắt đầu câu chuyện bằng đường này không được thì mình kiếm đường khác. Trước khó khăn chung, cả hai vợ chồng phải cùng nhau tìm cách giải quyết. Đừng quyết một mình, bởi mình cũng không biết được phía trước sẽ ra sao. Cũng chưa có gì phải chọn lựa gay gắt “chồng hay con” vào lúc này. Chúc em tổ chức gia đình được khéo léo, thuận hòa và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Báo Phụ Nữ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét