8 mẹo thương lượng mức lương khởi điểm cao hơn

Đừng hấp tấp đưa ra đề xuất mức lương trước nhà tuyển dụng mà hãy để quyền đó cho họ. Bạn chỉ nên nói cho họ biết rằng bạn quan tâm đến một công việc xứng đáng, đến sự phát triển của công ty và bạn tin rằng hai bên có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.


Bạn đã qua vòng sơ loại, vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên và nhà tuyển dụng khá ấn tượng với những gì bạn thể hiện, với những kỹ năng và kinh nghiệm bạn có. Nhà tuyển dụng muốn gặp bạn lần nữa để trao đổi thêm một số vấn đề, chốt mức lương trước khi bạn đi làm cho họ.

Cuộc phỏng vấn thứ hai này chứng tỏ họ rất muốn nhận bạn vào làm, vấn đề là cần thỏa thuận mức lương phù hợp. Vậy làm thế nào để thuyết phục nhà tuyển dụng trả cho bạn mức lương khởi điểm cao hơn mà không phải kể lể dài dòng về kinh nghiệm bản thân ? Thực ra, điều đó phụ thuộc phần nhiều vào thái độ và cách nói của bạn.

Dưới đây là 8 lời khuyên giúp bạn thương lượng thành công mức lương khởi điểm cao hơn:

1. Nghiên cứu thật kỹ về công ty
Tìm hiểu càng nhiều về công ty bạn đang muốn về đầu quân, nên nhớ, biết càng nhiều càng tốt. Từ quy mô, tầm nhìn, sứ mệnh đến chiến lược hoạt động, kinh doanh... Có thể bạn mong muốn làm việc ở những tập đoàn lớn, nhưng cũng không nên từ chối những công ty nhỏ nếu bạn được đảm nhận một vị trí cao hơn. Hơn nữa, ở những công ty trung bình, với trình độ và tầm cỡ của bạn, một mức lương cao không phải là quá khó.

Vì thế, bạn cần nghiên cứu thật kỹ về công ty, sau đó đưa ra ý định rõ ràng về mức lương tối thiểu bạn muốn. Như thế để đỡ mất thời gian hai bên thương lượng và nhà tuyển dụng sẽ biết phải làm gì để giữ được nhân tài.

2. Đừng điền mức lương cụ thể vào hồ sơ
Trong mẫu đơn xin việc, hãy để trống phần mức lương mong muốn và những câu hỏi liên quan đến mức lương kỳ vọng. Bạn cũng đừng đưa ra một mức lương tổng cho cả năm hay là cứ khai bừa để lấp chỗ trống. Những câu hỏi về lương nên để trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng khi họ đề cập đến.

3. Hiểu rõ giá trị bản thân
Trong thị trường việc làm đầy tiềm năng, bạn phải biết rõ giá trị bản thân. Nếu đang có nhiều lựa chọn, bạn phải biết tận dụng và tìm cho mình công việc tốt nhất. Bạn có thể hé mở cho nhà tuyển dụng biết những cơ hội đó nhưng tuyệt đối tránh các hành động thể hiện thái độ tự mãn hoặc quá tự tin khiến người đối diện thấy phản cảm. Bạn có thể sử dụng thủ thuật để kết thúc cuộc phỏng vấn sớm vì còn có lịch hẹn phỏng vấn khác.

4. Để công ty đưa ra vấn đề đàm phán mức lương
Đừng hấp tấp đưa ra đề xuất mức lương trước nhà tuyển dụng mà hãy để quyền đó cho họ. Bạn chỉ nên nói cho họ biết rằng bạn quan tâm đến một công việc xứng đáng, đến sự phát triển của công ty và bạn tin rằng hai bên có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng. Nói những gì cần nói và sau đó hãy giữ yên lặng, lắng nghe nhà tuyển dụng.

5. Nhấn mạnh lợi ích của những kỹ năng bạn có
Khi nói về những công việc bạn làm gần đây nhất, bạn nên miêu tả những thành tích đã đạt được. Tốt hơn hết là bạn nên xác định con số cụ thể về những gì bạn đóng góp cho công ty, từ tiết kiệm chi phí, tăng năng suất đến những đóng góp lớn hơn, đưa về lợi nhuận cao cho công ty. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận ra những lợi ích khi bạn về đầu quân cho họ, từ đó, họ sẽ không phải lăn tăn quá nhiều về mức lương của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên nói rõ phần hoa hồng bạn sẽ được hưởng nếu thực hiện tốt các dự án cho công ty.

6. Đừng nháy mắt
Khi nhà tuyển dụng thảo luận về mức lương, đừng nhấp nháy mắt lia lịa cũng đừng chen ngang mà hãy lắng nghe xem suy nghĩ và ý đồ của nhà tuyển dụng như thế nào. Thông thường, người phỏng vấn sẽ đưa ra mức lương cho bạn với những cái gật đầu, để bạn dễ tiếp nhận và chấp nhận với mức họ đưa ra. Vì thế, hãy cứ yên lặng và nhìn thẳng vào người phỏng vấn để họ không thể biết được ý định của mình.

7. Đòi hỏi hợp lý
Thông thường, người phỏng vấn có xu hướng giảm bớt mức lương bạn đưa ra. Nhưng nếu giảm một chút, bạn cũng đừng nên đối đầu, nóng nảy với nhà tuyển dụng. Đó là cách phản ứng khiến bạn dễ bị mất một công việc tốt ngay trong tầm tay. Hơn nữa, nếu mức nhà tuyển dụng đưa ra không thấp hơn là mấy, trong khi đó là công ty bạn mơ ước, bạn được giữ vị trí khá cao thì hãy chấp nhận. Đừng bỏ lỡ việc làm tốt chỉ vì một chuyện quá nhỏ.

Nên nhớ rằng, nhà tuyển dụng bao giờ cũng muốn đưa cho ứng viên mức lương thấp hơn, bởi suy cho cùng thì đó là nghề của họ. Họ vẫn có thể gọi bạn quay trở lại với mức lương khởi điểm như bạn muốn nhưng cũng có thể mời người khác và loại hồ sơ của bạn ra ngoài vì thói tham lam, kiêu ngạo và khắt khe của bạn.

8. Linh động
Nếu bạn thực sự muốn vào làm ở công ty với vị trí đó, hãy linh động với mức lương bạn đưa ra, miễn là công ty chịu trả cho bạn tiền thưởng với những thành tích cụ thể. Tiền là quan trọng nhưng không phải là tất cả để bạn đánh đổi. Thương lượng những đặc quyền, lợi ích khác và mức tăng định kỳ... bạn cũng có cơ hội nhận được mức thu nhập cao.

Đôi khi, cách duy nhất giúp bạn có được mức lương khởi điểm cao là tích cực tìm kiếm những vị trí phù hợp với bạn. Bạn sẽ phải chứng minh được bạn có những kỹ năng mà công ty cần, và một khi công ty thấy hài lòng, thậm chí mức lương họ đề nghị còn cao hơn bạn mong đợi. Vì thế, hãy tin tưởng vào bản thân, tự tin khi đối diện với nhà tuyển dụng và trong mọi trường hợp, bạn hãy chuẩn bị tâm lý, kỹ năng đàm phán thật tốt để giúp bạn thương lượng thành công.

Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét