Trường học chỉ đem lại cho con bạn một chút kiến thức, con bạn nên người hay không còn tùy thuộc vào bạn. Các bậc cha mẹ đừng quên dạy cho con mình những điều hay lẽ phải ngoài sách vở nhà trường, tốt nhất là làm gương cho các con noi theo.
1. Anh thanh niên lên thành phố làm công, vì chăm chỉ làm việc nên không bao lâu ông chủ tín nhiệm giao cho anh quản lý một công ty nhỏ. Anh làm việc rất tốt, thành tích công ty ngày một tăng cao nên một thương gia nước ngoài ngỏ ý muốn hợp tác cùng anh. Sau buổi đàm phán, anh mời vị thương gia này dùng cơm tối. Bữa tối thật đơn giản, các mòn đều được ăn hết, chỉ còn lại hai cái bánh bao nhỏ. Anh quay sang nói với cô phục vụ cho hai cái bánh bao vào túi ni-lon để anh mang về. Kết thúc bữa ăn cũng là lúc vị thương gia kia đồng ý sẽ ký kết hợp đồng vào ngày mai.
Ngày hôm sau, sếp anh bày yến tiệc thết đãi vị thương gia. Đang giữa bữa tiệc, đột nhiên vị thương gia hỏi khẽ anh, rằng anh đã tiếp nhận sự giáo dục của gia đình như thế nào. Anh kể, gia đình anh rất nghèo, cha mẹ anh không biết chữ, bài học họ dạy anh bắt đầu từ một hạt gạo. Sau khi cha anh qua đời, mẹ anh đã rất cực khổ nuôi anh ăn học. Bà không hy vọng anh trở thành vĩ nhân mà chỉ mong anh làm tốt công việc của mình là đủ rồi… Sếp anh ngồi bên cạnh nghe thấy, xúc động nâng ly mời anh : “Chúng ta nâng ly vì người mẹ tuyệt vời của anh, anh đã nhận được sự giáo dục tốt nhất của một đời người”.
Những ai đã từng trải qua khổ đau sẽ càng thêm quý yêu cuộc sống. Người lớn lên trong nỗi cơ hàn chắc chắn nhận thức được tầm quan trọng của sự lao động cần cù. Và, những ai ngay từ nhỏ đã biết nỗ lực làm việc thì không thể không có trách nhiệm đối với bản thân và người khác.
Nghèo khổ không đáng sợ, chỉ đáng sợ khi người ta không học được gì từ hoàn cảnh khốn cùng ấy mà còn đánh mất lòng tự trọng của chính mình.
2. Một cô gái diện mạo bình thường, đang học trung học, học lực cũng rất đỗi bình thường. Khi mẹ ốm nặng, cô tranh thủ hai tháng hè đi tìm việc làm, kiếm thêm chút ít thu nhập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Cô nộp đơn vào công ty liên doanh nọ, vị giám đốc người Hàn Quốc mới nhìn qua hồ sơ đã thẳng thừng từ chối. Cô bình thản lấy lại tập hồ sơ của mình, chống tay lên thành ghế và đứng dậy. Chợt cảm thấy đau nhói như có vật gì đâm vào tay, cô nhìn lại, thấy khủy tay mình tứa máu, thì ra trên thành ghế có một cây đinh nhô lên. Sẵn viên đá chặn giấy trên bàn, cô với lấy, đập cây đinh xuống cho bằng phẳng rồi mới quay lưng bước ra. Chỉ lát sau, vị giám đốc Hàn Quốc cho người chạy theo báo cho cô biết, cô đã được tuyển dụng.
Một người sống ở đời với một trái tim yêu thương thì điều tốt đẹp nhất mà người ấy nhận được cũng chính là tình yêu. Cách cư xử của một người với một chuyện nhỏ nhặt, hoặc chuyện không liên can đến họ cũng thể hiện được tấm lòng yêu thương của người đó với cuộc sống.
3. Công ty nọ cần tuyển nhân viên, một trong những điều kiện dự tuyển là phải có hai năm kinh nghiệm trở lên. Có bốn người nộp đơn vào. Ba người đầu tiên đều ghi trong hồ sơ rằng mình có kinh nghiệm nhưng khi phỏng vấn, người ta nhận ra ngay họ chẳng biết tí gì về công việc sắp làm. Đến lượt người cuối cùng, anh nói thẳng với người tuyển dụng là anh không có chút kinh nghiệm gì về lĩnh vực này cả, nhưng anh cảm thấy rất hứng thú, tin rằng qua thời gian thử việc, anh sẽ làm tốt được. Thế là người ta không do dự chấm anh trúng tuyển.
Sau buổi phỏng vấn, người tuyển dụng nói với anh rằng có rất nhiều người tìm việc đã không thành thật khi nói về mình, còn anh lại dám nói thẳng rằng mình không có kinh nghiệm. Họ tỏ ý thắc mắc về sự thật thà này. Anh bèn kể, hồi nhỏ có lần nhặt được tiền, lúc bà nội hỏi, anh đã chối phăng. Bà đánh anh một trận và nói : “Chỉ cần cháu thành thực, cháu sẽ được tha thứ!” Anh không bao giờ quên lời dạy ấy của bà. Thử nghĩ : Một người không dám nhìn nhận đúng con người mình, chỉ biết lừa dối để có được sự tín nhiệm của người khác, thì liệu người ấy có thể tiến xa được không?
Người thành thật là người có dũng khí. Anh ta dám đối mặt với sự thật và chân lý, bộc lộ rõ con người mình trong khi những người khác cứ ngần ngại và tìm cách che dấu. Thành thật là điều kiện cơ bản của một nhân viên, đôi khi, trong nhiều tình huống, nó còn trở thành cách ứng xử thông minh.
Trích từ "Chỉ là bước khởi đầu" – NXB Văn hóa Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét