Vụ việc 7 học sinh cấp hai tại TP HCM bị "bắt cóc" dưới chiêu bài đi "phỏng vấn nhận quà" cuối tháng 8 đã khiến nhiều người hoang mang. Sự việc này cho thấy ngay cả với con lớn thì cha mẹ và trẻ cũng không được mất cảnh giác.
Cuối tháng 8 vừa qua, Minh (học lớp 7, quận 8, TP HCM) và 6 bạn khác đang chơi trong khu chung cư gần nhà thì hai thanh niên đi xe máy đến rủ đi phỏng vấn nhận quà. Trước khi đi, Minh gọi điện cho mẹ xin phép đi chơi nhưng chưa được đồng ý. Thanh niên đi cùng gọi lại cho mẹ em, xin phép đưa em đi 30 phút. Chưa biết chuyện gì xảy ra và người thanh niên kia là ai nên mẹ Minh lớn tiếng: “Không được. Anh cho tôi địa chỉ để tôi đến chở cháu về, nếu không tôi sẽ báo công an”. Ngay sau đó, thanh niên kia cúp máy, mẹ Minh liên tục gọi lại số điện thoại lúc nãy nhưng không liên lạc được.
Sau gần 7 tiếng mất tích, bị hai thanh niên kia dẫn đi lòng vòng nhiều phố và đến một văn phòng, 10 giờ tối hôm đó, Minh và các bạn đã được đưa về chợ Ba Đình (phường 10, quận 8) để tự đi về nhà.
Cũng vì thiếu cảnh giác mà cách đây 20 năm, cô bé Quỳnh Nga 12 tuổi đã bị mất tích tại Nga khi đi nghỉ mát cùng một gia đình người bạn của bố mẹ. Trên xe buýt ra bãi tắm, em ngồi cùng một phụ nữ dẫn theo một đứa trẻ. Đến bãi biển, chỉ Quỳnh Nga ở lại cùng người phụ nữ này. Khi người lớn tắm biển trở lên thì không thấy em đâu. Đến giờ, đã 20 năm trôi qua mà cha mẹ vẫn chưa tìm thấy Quỳnh Nga.
Trước đó, cô bé Thào Thị Pa Na (huyện Bát Xát, Lào Cai) khi mới 14 tuổi đã bị lừa đưa sang Trung Quốc. Khi ấy, mẹ và hai em của Pa Na bị mất tích, nhớ mẹ và em nên khi được người phụ nữ trung niên rủ dẫn đi gặp mẹ, em đã đồng ý đi theo mà không báo gì với cha. Đến Trung Quốc, chỉ được gặp em và không thấy mẹ, Pa Na đã tìm cách bỏ trốn. Nhờ gặp được người tốt mà 2 năm sau, đến tháng 8 vừa rồi, em đã được trở về nhà đoàn tụ cùng bố.
Mới đây, trên facebook, chị Nguyễn Cẩm Vân cũng chia sẻ một câu chuyện cho thấy mưu mô của những kẻ xấu có ý định lợi dụng trẻ em. Khi chị đang ở chỗ làm việc, điện thoại bỗng reng: "Chị Vân phải không ạ?". Chị chưa kịp trả lời thì đầu bên kia cắt máy. 2 phút sau, điện thoại lại reo, một số điện thoại khác gọi đến cũng lại hỏi: "Chị Vân phải không ạ?". Rồi lại nhanh chóng cúp máy. Đang mải công việc, chị thấy bực mình vì bị làm phiền. Nhưng chỉ vài phút sau, cậu con trai ở nhà gọi cho chị và hỏi: "Mẹ có gọi ai tới nhà phun thuốc diệt muỗi không?".
Hóa ra, có hai phụ nữ đến nhà chị bảo con chị mở cửa ra cho họ vào phun thuốc trừ muỗi. Sau khi bị cháu từ chối, họ móc điện thoại ra gọi ngay cho chị, chính xác số di động của chị và câu đầu tiên hỏi chính xác tên của chị. Nhưng sau đó, họ cúp máy và tự huyên thuyên trước mặt con chị như thể đang nói chuyện với chị. Khi bé vẫn ngần ngừ thì chúng lại bồi tiếp cú thứ hai rất nhanh chóng...
Sau khi giả vờ nói chuyện xong, chúng cho con chị nhìn thấy thực sự là cuộc gọi đi là tới số của chị để củng cố thêm niềm tin cho bé. Rất may, bé đã gọi điện thoại cho mẹ để kiểm chứng thông tin. Biết không thể gạt được bé, bọn xấu bỏ đi.
Chuyên gia các vấn đề về trẻ em Nguyễn Xuân Chính (tổng đài tư vấn 1088 Bưu điện TP HCM) nhận xét, nếu với những trẻ em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, vốn vẫn đang được gia đình bao bọc kỹ, kẻ bắt cóc trẻ thường hiểu biết rõ sinh hoạt của trẻ, thì với trẻ tuổi teen, kẻ bắt cóc không cần biết gia đình đứa trẻ như thế nào, vì thực ra ở lứa tuổi này, trẻ đã biết khá nhiều về gia đình, anh em họ hàng, địa chỉ nhà, số điện thoại của người thân, đường về nhà… Vì thế, kẻ bắt cóc trẻ em có thể dùng bạo lực luôn, hoặc có khi đưa ra một gợi ý nào đó, đánh trúng tâm lý của trẻ như rủ đi chơi, cho quà để bắt cóc trong “hòa bình”.
Theo ông Chính, cha mẹ nên dạy trẻ nếu trường hợp bị bắt cóc thì nhớ gọi điện liên lạc cho gia đình, người thân, đi đường nhớ gọi to những người mặc sắc phục như công an, dân phòng, thanh niên xung phong, kêu to hô hoán lên để mọi người đi đường cứu.
Tuy nhiên, phòng hơn chống, cha mẹ phải dạy con biết đề cao cảnh giác: không đi một mình ở chỗ vắng, không đi về khuya, không nhận quà của người lạ. Nếu gặp người lạ, con phải nhớ: “Con không được nghe theo người lạ”, nếu có gì bất thường thì cha mẹ đã báo cho con, hoặc ít ra con cũng phải gọi lại cho cha mẹ xem người lạ kia nói có đúng không. Nếu trẻ đã được phép đi học một mình thì cha mẹ hãy dặn con: “Con đã tự lập được nên không có lý do gì mà con phải đi theo người lạ, không có lý do gì phải nhờ người lạ dẫn đi đâu hay chở về nhà".
Theo ông, nếu trẻ em nhà giàu có thể bị bắt cóc để tống tiền cha mẹ thì trẻ em nhà nghèo có thể bị bắt cóc để biến thành những món hàng. Và trẻ em ở nông thôn thường dễ bị bắt cóc hơn ở thành phố vì người dân quê thường thật thà, dễ bị lừa gạt, và quan trọng nhất là chính gia đình cũng không quan tâm hay đề cao cảnh giác. Nhiều khi nguyên cớ khiến trẻ bị bắt cóc rất đơn giản như được rủ ngồi thử xe máy rồi bị chở ra thành phố.
Chuyên gia tâm lý cũng bổ sung, trẻ dậy thì thường có tâm lý muốn chứng tỏ mình là người lớn, muốn tách rời cha mẹ, vì thế cha mẹ càng phải nhắc nhở con có tinh thần cảnh giác. Cha mẹ có thể sưu tầm những bài báo, những câu chuyện người thực việc thực về những trường hợp trẻ bị bắt cóc để cho con ghi nhớ và rút kinh nghiệm.
Ở tuổi dậy thì, mong muốn chứng tỏ bản thân của trẻ rất quyết liệt. Cha mẹ có thể chiều theo trẻ ở một phần nào đó, như ăn mặc theo xu thế chung của các bạn, nhưng nếu trẻ quá đà thì cha mẹ phải cương quyết nói không. Nếu trẻ chơi bời, làm điều gì đó nguy hiểm thì cha mẹ cha mẹ cần ngăn chặn ngay. Chuyên gia cũng khuyên các bậc phụ huynh khi nói chuyện với con tuổi teen cần nhẹ nhàng và thấu hiểu, làm sao để con cái có thể coi bố mẹ như những người bạn lớn tuổi, từ đó con dễ nghe lời bố mẹ nói hơn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống & Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) cũng cho rằng, thường vào cấp hai, trẻ bắt đầu được trao nhiều tự do hơn trong giao tiếp xã hội. Càng lớn thì nhu cầu này càng mạnh mẽ, cha mẹ muốn cấm cản hoặc kiểm soát cũng rất khó. Do vậy, cha mẹ cần thiết dạy và hình thành cho trẻ tính tự lập, tự chủ trong cuộc sống. Lợi ích đầu tiên là trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân, sau nữa là biết cách bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm.
Tuy nhiên, tự do phải trong khuôn phép với tất cả thành viên. Cha mẹ cần lập ra những “gia quy” như sau:
- Tất cả mọi thành viên đều có mặt ở nhà trước 10 giờ tối. Nếu sống tại nông thôn, nên mặt ở nhà sớm hơn.
- Đi ra ngoài phải thông báo với người ở nhà về các thông tin: mấy giờ về, đi với ai, thực hiện việc gì…
- Luôn gọi điện hoặc tìm mọi cách thông báo với gia đình nếu có tình huống/ sự việc phát sinh ngoài dự kiến so với thông tin đã được “duyệt” trước đó.
Bất kỳ thành viên nào làm sai đều sẽ bị kỷ luật. Nên khuyến khích trẻ tham gia vào việc lập “gia quy” cũng như thưởng/ khen ngợi khi trẻ làm đúng theo những quy định ngầm của gia đình. Lâu dần sẽ tạo ra thói quen và nếp sống cho trẻ.
Để trẻ có thể bảo vệ bản thân, người lớn cần phải thường xuyên nhắc nhở trẻ tuân thủ và thuộc lòng những điều "không" sau đây:
- Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ.
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không nói chuyện điện thoại với người lạ là mình đang ở nhà một mình.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ.
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không nói chuyện điện thoại với người lạ là mình đang ở nhà một mình.
Vì trẻ đã có những nhận biết và tự chủ nhất định, nên cha mẹ cũng có thể gửi trẻ đi chơi cùng gia đình bạn bè hoặc người quen (mà cha mẹ không đi cùng) hay khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Theo chị Mỹ Hạnh, đây chính là phương pháp trải nghiệm khá tốt để trẻ có tính tự lập, tự chủ trong cuộc sống. Để đảm bảo an toàn cho con, cha mẹ nên tìm hiểu trước về hoạt động, lịch trình của toàn chuyến đi; giúp đỡ trẻ trong việc chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ cần thiết cho bản thân; chủ động liên lạc với người trưởng đoàn, cha mẹ nên giúp trẻ thiết lập mối quan hệ thân tình với các thành viên trong đoàn…
Không phải chỉ đợi đến khi con tuổi teen cha mẹ mới dạy con biết bảo vệ bản thân. Việc dạy trẻ nên bắt đầu sớm, khi trẻ có thể nhận thức được sự việc là có thể từng bước dạy trẻ những điều căn bản: vạch ra những giới hạn khi trẻ tiếp xúc với mọi người xung quanh, không ở trong vùng quá gần, khoảng cách một cánh tay với người lạ; Dạy trẻ phân biệt được vùng an toàn, vùng không an toàn trên cơ thể; những đụng chạm nào là được phép, những đụng chạm nào không được phép, kể cả với chính cha mẹ, những người thân của mình.
Kim Kim
0 nhận xét:
Đăng nhận xét