Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, anh lính hải quân về lại quê nhà, mang theo những câu chuyện ly kỳ về cuộc chiến. Trong số đó có chuyện kể về lần anh thoát hiểm dưới đáy biển sâu. Theo lời anh, lần ấy trở về từ cõi chết, anh như được mở ra cái nhìn mới về cuộc sống, về cái vô hạn của thời gian và hữu hạn của đời người.
“Tháng 3 năm 1945, dưới độ sâu 276 thước Anh ngay gần bán đảo Trung Nam, tôi đã học được bài học quan trọng nhất trong đời.
“Đó là lần đụng độ ác liệt giữa tàu hải quân Anh và hạm đội Nhật. Lúc ấy, qua hệ thống ra đa, chúng tôi phát hiện một hạm đội Nhật đang hùng hổ tiến về phía mình. Năm quả ngư lôi từ tàu ta bắn ra đều không trúng đích. Đột nhiên, cả ba tàu chiến Nhật cùng hướng thẳng về phía chúng tôi đang ẩn nấp. Quái lạ, chúng có mắt thần hay sao mà định vị tài thế? Cứ nhằm tàu chúng tôi mà băng băng lướt tới. Thì ra chúng được thông báo vị trí chính xác thông qua hệ thống vô tuyến của máy bay trinh sát. Tàu chúng tôi lập tức lặn sâu đến 150 thước Anh để tránh tầm nhìn, tất cả hệ thống làm lạnh và máy phát điện đều phải đóng kín, đồng thời tất cả chuẩn bị tinh thần ứng phó với bom chìm – thứ vũ khí nguy hiểm bậc nhất của hạm đội Nhật.
“Quả nhiên, chỉ ba phút sau, sáu quả bom chìm cùng phát nổ từ bốn phía, tàu Nhật điên cuồng tấn công. Chúng tôi lại phải tiếp tục lặn sâu xuống biển đến 276 thước Anh để tránh bị sát thương. Bom chìm ném liên tục suốt 15 tiếng đồng hồ, có đến mấy chục quả nổ cách tàu chúng tôi chỉ chừng 50 thước Anh, gần hơn chút nữa thì tất cả chúng tôi đã tan xác!
“Bọn tôi nằm nín lặng, cố trấn tĩnh tinh thần. Tôi gần như nghẹt thở, trong đầu cứ chờn chợn ý nghĩ: “Lần này chết chắc rồi”. Nhiệt độ trong tàu ngầm lên đến 40 độ C nhưng chúng tôi rét run cầm cập, tay chân lẩy bẩy, đứa nào đứa nấy toát mồ hội lạnh ướt đẫm người. Dưới độ sâu mịt mù, âm u và lạnh lẽo, thời gian như ngưng đọng trong nỗi sợ hãi tột cùng. Trong bóng tối đầy đe dọa, tôi cảm giác như cõi chết đang bao trùm cả đáy biển sâu. Phía trên kia, đạn pháo vẫn ầm ầm rung chuyển.
“Mười lăm giờ trôi qua trong hãi hùng. Cuối cùng thì trận công kích cũng ngừng hẳn, sau khi đã bắn hết sạch đạn pháo, tàu Nhật mới chịu bỏ đi.
“Mười lăm tiếng đồng hồ ấy, đối với tôi, dài đằng đẵng tựa mười lăm triệu năm, tưởng chừng như một quá khứ dài miên viễn đang về chết trong giây phút kinh hoàng của hiện tại. Ở ranh giới quá mỏng manh giữa sự sống và cái chết ấy, ký ức lần lượt hiện về trong tôi như cuốn phim quay chậm, trong bóng tối câm lặng ngút ngàn. Tôi nhớ lại tất cả sự kiện xảy ra trong đời mình, những buồn vui, đau khổ, hờn giận, những mối bận tâm lo lắng, dằn vặt, trở trăn.... Tôi đã từng lo đủ thứ chuyện trên đời : tiền đâu mua nhà, tiền đâu mua xe, tiền đâu sắm sửa quần áo cho vợ con... Tôi đã bực bội gây gổ với vợ cả chuyện vụn vặt chẳng đáng gì, tôi đã từng đau đớn khổ sở suốt tuần chỉ vì một vết thương cỏn con...
“Giờ đây, tất cả phiền muộn khổ đau của bao nhiêu năm qua đều trở nên vô nghĩa, nhỏ bé trước thời khắc này, khi giữa sự sống và cái chết là một ranh giới quá đỗi mỏng manh. Đứng trước ngưỡng cửa của cõi chết, tôi mới hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống”.
Cuối cùng, anh kết luận :
“Từ lúc ấy, tôi đã biết quý trọng mỗi giây phút mình tồn tại trên đời”.
Khi đối diện với cái chết, con người mới nhận ra những băn khoăn lo lắng, cả những đau khổ tuyệt vọng trước đây của mình mới nhỏ bé, tầm thường làm sao! Đừng vì một vết thương nhỏ trên người mà đem lòng sầu muộn nhé! Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy nhớ, nỗi đau mà bạn đang chịu đựng chưa phải là nỗi đau khổ tột cùng.
Trích từ "Chỉ là bước khởi đầu" - NXB Văn hóa Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét