Kiên trì

Gửi chị Hạnh Dung, 

Em 22 tuổi, đã có việc làm ổn định. Chúng em quen nhau được hai năm, anh ấy đang làm việc tại một công ty lớn. Gia đình anh ủng hộ chuyện tình cảm của chúng em nhưng gia đình em thì ngược lại, luôn phản đối, dù không đưa ra được lý lẽ thuyết phục nào. 
Ba em là người rất gia trưởng, luôn lấy suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác. Không hiểu vì sao ba lại có ác cảm với anh, cấm đoán không cho em qua lại, dù chưa một lần gặp mặt anh. Em đã cố gắng tìm hiểu lý do nhưng ba không chịu nói. 

Dù gia đình ngăn cấm nhưng chúng em vẫn lén giữ quan hệ với nhau, cả hai cùng quyết tâm làm việc thật tốt, sống thật tốt, để có cơ sở thuyết phục gia đình, để cha mẹ em tin tưởng mà đồng ý chuyện hai đứa. Gia đình em cũng bình thường, không danh giá, giàu có gì nhưng chẳng hiểu sao ba em lại đặt mục tiêu quá cao, nhận xét người khác không ra gì. Một lần anh đến nhà, ba em có thái độ lạnh nhạt, sau đó mắng em, làm em rất buồn. Chuyện tình cảm bế tắc khiến em rất mệt mỏi, ức chế; thậm chí có lúc tuyệt vọng chỉ muốn chết đi để thoát khỏi mọi chuyện. Chị giúp em một lời khuyên.

Hy (TP.HCM)

                                  ***********

- Trả lời tư vấn của Chuyên Viên Hạnh Dung :

Hạnh Dung hiểu tâm trạng mệt mỏi, ức chế, thậm chí bế tắc của em khi ba em cứ ngăn cấm mà không hề có một lý do chính đáng. Tuy nhiên, sao em lại nghĩ đến cái chết khi chuyện hoàn toàn có thể giải quyết được, chỉ cần hai em vững tin vào tình yêu của mình. Với hai em, Hạnh Dung nghĩ mình không cần phải có thêm lời khuyên nào vì hai em đã suy nghĩ rất đúng: “cả hai cùng quyết tâm làm việc thật tốt, sống thật tốt, để có cơ sở thuyết phục gia đình, để cha mẹ em tin tưởng mà đồng ý chuyện hai đứa”. Nghĩ được như vậy là rất đáng khen! Nếu hai em cố gắng cùng nhau làm được điều đó, chắc chắn sẽ bảo vệ được tình yêu. Hai em còn rất trẻ, đừng quá bức xúc mà cư xử nóng vội, hãy từ từ từng bước thuyết phục gia đình. Xóa được định kiến của người khác, lại là định kiến của cha mẹ mình, là việc không đơn giản, không thể làm ngay được trong ngày một ngày hai, mà cần kiên trì, khéo léo và nhất là phải có thời gian.


Lúc này, một mặt hai em phải tự chứng minh sự chọn lựa của mình là đúng; mặt khác tìm mọi cách tác động đến ba em. Dù thái độ của ba em có thế nào thì bạn trai em cũng không được phản ứng mạnh, phải giữ cách ứng xử mềm mỏng, chừng mực. Em tìm hiểu xem vì sao ba em có thái độ như vậy, không nhất thiết phải hỏi trực tiếp mà có thể thông qua mẹ, anh chị em trong nhà hay những người bà con có qua lại thường xuyên với gia đình. Cũng có thể lúc này ba chưa muốn em có quan hệ tình cảm mà phải tập trung vào công việc, nên ông ngăn cấm dù không thể đưa ra lý do thuyết phục. Nếu chỉ vậy thì cần thêm một chút thời gian, ông sẽ tự thay đổi. Em cũng phải tranh thủ sự đồng tình của mẹ, nhờ đến những người thân quen mà ba em nể trọng để họ lên tiếng thuyết phục giúp em. Hãy nỗ lực hết mình trước, nếu vài ba năm nữa vẫn không thành công, hai em có thể tự quyết định cuộc đời mình. Quyền tự do kết hôn của hai em được luật pháp bảo vệ. Khi đó, hai em đã chững chạc, kinh tế vững vàng, tình yêu cũng qua thử thách, hãy dùng quyền của mình để đến với nhau.


Phụ N Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét