Làm giàu từ những gì nhỏ nhất

Người kinh doanh những món ăn vặt như xoài ngâm, cóc ngâm, khoai lang chiên... không ít, nhưng đầu tư làm thương hiệu, kinh doanh một cách bài bản những sản phẩm được chế biến từ nông sản lại giúp Trần Anh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Linh Anh, gặt hái thành công.
 
Gặp Anh Hoàng vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ, thấy Hoàng rất phấn khởi. Cũng dễ hiểu, bởi trong bối cảnh mứt Tết tiêu thụ khó khăn vì tâm lý e ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng như hiện nay, điều bất ngờ là mứt vỏ bưởi Anh Hoàng đưa ra thị trường lại được tiêu thụ đến mức "cháy hàng".
anh-2
Nâng tầm cho nông sản
 
"Sản phẩm được đảm bảo chất lượng bởi các cơ quan kiểm nghiệm, bao bì sang trọng, nhưng giá thành không quá cao... Các yếu tố này giúp sản phẩm của Linh Anh thắng lớn trong dịp Tết vừa qua", Anh Hoàng tiết lộ bí quyết làm nên thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm.
 
Khi bắt đầu đưa mứt vỏ bưởi ra thị trường, Anh Hoàng cũng có những e ngại nhất định bởi khác với những sản phẩm làm nên thương hiệu Linh Anh trước đây như: xoài ngâm, cóc ngâm, khoai lang chiên..., mứt vỏ bưởi không phải là sản phẩm đã được nhiều người dùng Việt Nam biết đến. Để sản phẩm được phổ biến rộng rãi, cần phải có thời gian. Do vậy, Hoàng đã trù liệu sẵn kế hoạch tiêu thụ từng bước cho sản phẩm.
 
Không ngờ, sản phẩm lại đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng trong dịp mừng năm mới. Anh Hoàng phân tích: "Công dụng của vỏ bưởi trong việc tiêu đàm, chống oxy hóa, trị viêm da, làm đẹp tóc... đã được nhiều người biết đến nên khi có sản phẩm đóng gói sẵn, hợp khẩu vị là họ nhiệt tình đón nhận".
 
Không chỉ mứt, khởi đầu của Linh Anh là cung cấp các món ăn vặt như xoài ngâm, cóc ngâm... Là kỹ sư điện - điện tử nhưng lại sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, xem ra Anh Hoàng đã làm một việc "trái khoáy". Ngày đó, nhìn thấy tiềm năng của thị trường, Anh Hoàng quyết tâm đến An Giang, cái nôi cung cấp xoài, cóc của cả nước, để "tầm sư học đạo".
 
Không người thân thích, Anh Hoàng vừa đi vừa hỏi, thậm chí là phát tờ rơi nêu rõ nhu cầu muốn biết "bí quyết" làm xoài, cóc ngâm để "cao nhân" có thể chỉ hoặc bán công thức cho mình. Nỗ lực của Anh Hoàng rất may đã được đền đáp bởi một người dân địa phương, nay cũng là đối tác cung ứng nguyên liệu cho Linh Anh.
 
Theo Anh Hoàng, một trong những nguyên nhân để sản phẩm của Linh Anh đến tay người dùng thuận lợi là Công ty đã đưa được hàng vào các siêu thị lớn. Tuy nhiên, việc này cũng không đơn giản bởi đơn vị cung cấp phải đáp ứng được những yêu cầu gắt gao từ phía siêu thị. "Ngoài đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp cung ứng hàng cho siêu thị còn phải đảm bảo cả việc thu hồi khi sản phẩm không tiêu thụ được.
 
Thời gian đầu, có sản phẩm tôi cung cấp bị siêu thị trả lại đến 30%, xem như việc bán 70% còn lại là công cốc", Anh Hoàng tiết lộ. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ cần "sống được" trong siêu thị, nghĩa là có lượng người mua thường xuyên, qua khoảng ba tháng thì chắc chắn được xem là sản phẩm tốt.
 
Liên kết để cùng phát triển
 
Không phải đến bây giờ Anh Hoàng mới làm thương hiệu cho nông sản Việt. Sau những ngày đầu phân phối các sản phẩm là đặc sản của Đà Lạt như mứt dâu, rượu vang..., Hoàng đã nhận ra, phải có sản phẩm đầu cuối mới có thể giúp nông dân Việt Nam thoát được thực trạng xuất khẩu thô như hiện nay.
 
Không cần phải "rải truyền đơn" đi tìm đối tác như khi làm xoài, cóc... ngâm, Hoàng may mắn tìm được một đối tác có kỹ thuật làm ra khoai lang giòn. Đây không phải là khoai lang sấy khô thông thường mà chỉ sấy 50%, còn lại chiên chân không nên vẫn giữ được độ bùi, ngọt đặc trưng của khoai lang Đà Lạt. Nhận thấy đó là sản phẩm tiềm năng, Anh Hoàng mạnh dạn đặt vấn đề liên kết và nhanh chóng nhận được sự đồng ý.
 
Cơ cấu của sự hợp tác này dựa trên nhiệm vụ của cả hai phía: đối tác cung cấp công nghệ, Anh Hoàng đảm trách sản xuất, phân phối, làm thương hiệu, bao bì... Phân công cụ thể như thế nên việc đưa khoai lang giòn ra thị trường khá thuận lợi. Hiện khoai lang giòn đang là mặt hàng chủ lực của Linh Anh.
 
Thành công đến nhanh nhưng Anh Hoàng chưa dám hài lòng, anh vẫn miệt mài tìm kiếm để có thể đưa thêm nhiều sản phẩm được chế biến từ nông sản ra thị trường. Hoàng bảo, chỉ khi chủ động được cách thức xử lý nguồn nguyên liệu, tạo nên giá trị gia tăng, nông dân Việt Nam mới thoát được cảnh vừa trồng, vừa nơm nớp lo không bán được sản phẩm thu hoạch.
 
"Tôi vẫn đang liên kết với các trường đại học chuyên ngành, đặt hàng những nghiên cứu mới cho sản phẩm làm từ nông sản và sẵn sàng hợp tác với những đơn vị sở hữu công nghệ chế biến nông sản có tiềm năng", Hoàng nói vậy. 
 
Nguồn internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét