Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn trẻ xem việc rớt đại học như thất bại đầu đời. Mãi quanh quẩn với nỗi đau ấy hay đứng dậy "làm lại từ đầu" còn phụ thuộc vào bản lĩnh, kỹ năng của mỗi người và sự định hướng của gia đình.
Thất bại rớt đại học thường càng khó "nuốt trôi" với những bạn trẻ từng có thành tích học tập tốt. Xin mời các bạn cùng đọc những lời tâm sự, chia sẻ của Hoàng Trân, một bạn trẻ ở TP.HCM đã mạnh mẽ "đứng dậy" theo đuổi ước mơ học tập :
Đã bốn năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên cảm giác thật buồn và thất vọng của những ngày đầu biết điểm thi đại học.
Tôi tốt nghiệp phổ thông vào năm 2009 và dự thi đại học vào tháng 7 năm ấy. Là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm liền, tốt nghiệp phổ thông với số điểm khá cao: 48 điểm, tôi luôn mang trong mình ước mơ trở thành giảng viên đại học. Vì vậy, tôi quyết định thi vào ngành sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Cần Thơ.
Suốt mấy tháng liền ôn thi đại học, hầu như tôi đã nắm gần trọn kiến thức và đủ tự tin bước vào phòng thi. Nhưng cuộc đời có bao giờ phẳng lặng như mong muốn. Đề thi môn văn và môn sử làm tôi bối rối vì tôi không cảm nhận hết được ý nghĩa câu văn nghị luận xã hội, cũng như không thể nào nhớ nổi lượng kiến thức lịch sử của đề thi. Kết quả thi thật thảm hại, tôi chỉ được 12 điểm.
Lúc ấy, tôi hầu như không còn đủ sức để cảm nhận mọi thứ xung quanh, tôi thấy tim mình thắt lại trước sự thất vọng của gia đình. Gia đình tôi không khá giả gì mấy, ba mẹ phải tảo tần suốt tháng quanh năm trên đồng ruộng để kiếm tiền cho tôi đến trường. Bạn bè cũng nhìn tôi với ánh mắt khác đi, một số đứa đậu đại học có vẻ thương hại tôi, nhưng cũng có người xem thường tôi, một số đứa rớt như tôi lại có cái nhìn thông cảm hơn.
Tôi ghét mọi thứ xung quanh. Tôi đã từng là niềm mơ ước lớn lao của gia đình, thầy cô, bạn bè mà giờ đây tôi cũng là người làm họ thất vọng nhiều nhất. Mỗi ngày sau đó, tôi chỉ biết khép mình trong cái “ốc đảo” nhỏ nhoi, tôi không muốn ra ngoài, không muốn tiếp xúc với ai vì tôi sợ ánh mắt của tất cả mọi người.
Tôi nhớ có lần thầy cô đã từng nói: “Thi rớt tốt nghiệp mới là quan trọng nhất, còn thi rớt đại học các em vẫn còn con đường khác để lựa chọn”. Tôi cũng hiểu vậy nhưng với tôi thi rớt đại học là một sự thảm hại vô cùng. “Mình còn con đường nào đây khi khối C mà chỉ có 12 điểm thì xét nguyện vọng khác như thế nào?”, “Học cao đẳng ư, một người từng tốt nghiệp loại giỏi như mình mà phải học cao đẳng sao?”... Những câu hỏi liên tục đặt ra trong đầu tôi.
Học cao đẳng thì có gì là xấu, là không tốt? Có nhiều người tốt nghiệp cao đẳng mà vẫn có sự nghiệp vững chắc trong tay. Hiểu được lý lẽ ấy, nhưng lòng tự trọng trong tôi lớn quá, tôi sĩ diện đến nỗi không muốn mình đậu đại học với số điểm thấp nên mới cố gắng nhiều đến như vậy. Nhưng giờ đây sự nỗ lực ấy chỉ được trả bằng những trái đắng, những giọt nước mắt và bằng ánh mắt thất vọng của tất cả mọi người. Tôi suy sụp hoàn toàn.
Thấy con gái ngày một buồn bã, ít nói, ba mẹ tôi xót xa vô cùng. Dù trong lòng rất buồn nhưng cố kìm nén mà khuyên bảo tôi, cho tôi một chỗ dựa vững chắc lúc tôi gục ngã trên đường đời. Tôi nhớ như in câu nói của mẹ: “Hãy làm lại từ đầu, con gái nhé!”. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ lúc ấy, tôi thấy thương mẹ vô cùng và chỉ ước một lần được nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con xin lỗi!”, nhưng tôi đã không làm được.
Càng ngày tôi càng cảm nhận được sự quan tâm của ba mẹ đối với tôi nhiều hơn. Tôi yêu cái gia đình nhỏ của mình thật nhiều, yêu giấc mơ được đứng trên bục giảng. Chính tình yêu ấy là động lực để tôi đứng lên sau cú ngã thật đau. Tôi bắt đầu lấy lại tinh thần và chú tâm vào việc ôn thi.
Không từ bỏ ước mơ của mình, sang năm sau, tôi quyết định thi lại ngành Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV.TPHCM. Thất bại một lần, tôi rút ra được nhiều bài học cho mình, tôi không học thuộc lòng tất cả các bài như năm trước mà học hiểu bằng kiến thức thật sự của mình. Niềm hạnh phúc dâng tràn khi tôi nhận được điện thoại của bạn học cho hay tôi đã thi đậu với số điểm 20.
Những giọt nước mắt thay nhau lăn dài trên má, tôi chỉ biết ôm thật chặt lấy mẹ để cảm nhận giây phút bình yên và hạnh phúc ấy. Và niềm hạnh phúc nhân đôi khi tôi lại thi đậu lớp cử nhân tài năng của khoa.
Đã ba năm trên giảng đường đại học, tôi luôn nỗ lực hết mình để sống cho ước mơ của mình, để ba mẹ tự hào về tôi hơn. Đến bây giờ, tôi cảm nhận được rằng ước mơ ấy ngày càng lớn trong tôi. Tôi chỉ muốn gửi đến các sĩ tử năm nay một điều: thất bại không bao giờ đến mãi với bạn. Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra.
Dù thành công hay thất bại thì cuộc sống luôn cần sự nổ lực và vượt lên chính mình. Thất bại hôm nay là thành công cho ngày mai. Hãy dám sống và dám thực hiện ước mơ của mình. Đó đã là thành công của các bạn!
Tuổi Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét