1. “Năm nay em học lớp 5, em đã được cô giáo dạy cho những bài học đạo đức làm người. Đó là phải có trách nhiệm về việc làm của mình."
Tâm sự của một học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, quận 5, TP.HCM đã khiến nhiều đại biểu (tại hội thảo “Vai trò của giáo viên trong việc giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh” do Ban tuyên giáo - Phòng GD-ĐT và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 5 phối hợp tổ chức) giật mình.
Bạn nói tiếp: "Em nghĩ trong cuộc đời của chúng ta có những người có trách nhiệm nhưng có những người không thừa nhận việc làm của mình giống như ba em. Mẹ em kể ba cưới mẹ đến khi mẹ mang thai thì ba đi với một cô gái khác.
Em luôn tự hỏi tại sao lại có những người như vậy trong xã hội. Vào những ngày lễ mẹ dắt em đi ăn và nói: “Phải chi có ba ở đây” rồi mẹ rơm rớm nước mắt. Từ đó khi em làm việc gì sai em đều nhận lỗi với mẹ. Em mong muốn trên thế giới này ai cũng biết nhận trách nhiệm về việc làm của mình”.
2. Lý giải về tình trạng đạo đức của một bộ phận học sinh ngày càng giảm sút, cô Nguyễn Mai Hoa, giáo viên Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cha mẹ học sinh quá bận rộn với công việc, thiếu gương mẫu, ông bà cha mẹ chửi mắng lẫn nhau; thậm chí còn nuông chiều con cái một cách thiếu văn hóa dẫn đến tình trạng học sinh vô lễ với người trên, nhiều em không vâng lời ông bà, bố mẹ, lười lao động, lười học... Trong giao tiếp thì nói năng thô lỗ, cộc cằn”.
Ở nhà như thế, vào trường học thì: “Một số thầy cô giáo chỉ quan tâm đến việc truyền thụ kiến thức văn hóa, chưa thật sự chú trọng đến việc giảng dạy đạo đức cho học sinh. Có giáo viên do chịu áp lực từ nhiều phía đã không tự chủ được trong việc ứng xử với học sinh, lạm dụng quyền lực của người thầy gây không khí căng thẳng trong lớp học” - cô Hoa phân tích.
3. Không phải ngẫu nhiên mà ý kiến của cô giáo Nguyễn Kim Anh, Trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5, đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tại hội thảo: “Trẻ em còn nhỏ tuổi, còn nhiều điều chưa hiểu hết nhưng quan sát của các em thì không bao giờ bị giới hạn. Mắt các em vẫn nhìn thấy tất cả những gì người lớn làm, tai các em đều nghe hết những gì người lớn nói.
Chỉ có bộ não của các em tiếp nhận và xử lý sự việc không hoàn chỉnh như chúng ta. Và nguy hiểm hơn, các em tiếp nhận, ghi nhớ những cái xấu nhiều và nhanh hơn tiếp nhận cái tốt. Một lời giảng của thầy cô các em mất nhiều lần mới nhớ, nhưng một câu chửi thề thì các em lập tức nhớ ngay và khó quên. Vì vậy, muốn dạy đạo đức cho trẻ thì người lớn phải làm gương trước”.
VŨ HOÀNG XUÂN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét