Home » » Những điều không nên khi thương lượng lương

Những điều không nên khi thương lượng lương

Khi thương lượng lương, bạn cần thực hiện các bước khéo léo để nâng cao giá trị bản thân, gia tăng khả năng tài chính và mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Chỉ cần đảm bảo bạn không mắc phải những sai lầm sau:

Cung cấp thông tin không đúng về mức lương cũ
Nếu bạn nói với nhà tuyển dụng một con số nhiều hơn những gì bạn thực sự kiếm được mỗi tháng, đó là một sai lầm lớn. Họ có nhiều cách để biết được tiền lương chính xác của bạn ở công ty cũ như gọi điện xác nhận với sếp cũ của bạn, hỏi những người quen làm việc ở cùng vị trí/ cùng công ty với bạn… Và khi họ phát hiện bạn nói dối, bạn sẽ không có cơ hội được mời làm việc.

Nhiều người không cố ý nhưng vẫn mắc phải sai lầm này, thậm chí không nghĩ mình đã làm sai. Đó có thể là do họ tính tổng thể cả tiền thưởng/hoa hồng hằng tháng/hằng năm, ngày nghỉ phép, tiền đi nghỉ mát với công ty… Để an toàn và không bị mang tiếng nói dối, tốt nhất bạn nên nói về khoản lương cứng của mình.

Tỏ ra kiêu ngạo
Bạn không nên cố đóng vai một người khác hay hành động một cách cứng nhắc, khó tính để chứng tỏ “mình có giá và mình có quyền kiêu”. Chiến lược này khó có thể giúp bạn thương lượng lương thành công. Tất nhiên, bạn nên cứng rắn nhưng hãy là chính mình. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa nếu các bên thiện chí và tích cực.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tích cực “mở rộng ý tưởng của con người về hành động khả thi và mở ra nhận thức tới những nhận thức lớn hơn, giúp chúng ta sáng tạo hơn”. Vì vậy, hãy thể hiện sự tôn trọng nhà tuyển dụng, vui vẻ, thoải mái để “bôi trơn bánh xe” thương lượng và giúp cuộc sống đơn giản hơn.

Kể lể về tình hình tài chính cá nhân khó khăn
Nhà tuyển dụng không quan tâm rằng bạn đang không thể trả tiền thuê nhà, sắp phải đóng học phí cho con hay muốn mua xe mới. Họ chỉ quan tâm đến giá trị bạn mang lại cho họ, cho công ty. Vì thế, đừng kể lể những câu chuyện “kinh tế buồn” của bạn.

Thay vào đó, hãy cố gắng miêu tả tiềm năng bạn có thể mang lại giá trị cho công ty; cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể đóng góp tích cực ra sao cho công ty, đồng thời thể hiện sự hứng khởi và tự tin.

Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm và có thể dẫn tới phản ứng nhạy cảm, đặc biệt trong những tình huống bất ngờ như bạn đòi hỏi nhiều hơn mong đợi của nhà tuyển dụng. Nhưng nếu bạn trung thực về mức lương trong quá khứ, tích cực trong cách ứng xử và trình bày rõ ràng các giá trị bạn có thể mang lại trong tương lai, bạn sẽ tránh được những lỗi phổ biến trên để tiến tới mức lương cao hơn và tốt hơn.

VŨ HUYỀN (Theo Usnews)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét