Home » » Đường tới Harvard của cậu bé da đen nghèo khổ

Đường tới Harvard của cậu bé da đen nghèo khổ

Justin Porter
“Có lẽ tôi đã hiểu tại sao mẹ để tôi đi. Harvard đã bắt tôi phải trưởng thành và nhìn nhận thẳng thắn vào cuộc sống và chính bản thân” - Justin Porter.


Justin Porter và Travis Reginal, hai người bạn đến từ Jackson, Mississppi, từng theo học tại Trung học William B. Murrah, nơi người Mỹ gốc Phi chiếm những 97% và trong số đó, 67% là “nhà nghèo”. Murrah không phải nơi nhóm Ivy League tuyển sinh viên. Học sinh nghèo hiếm khi ứng tuyển vào những trường như thế. Nhưng không, Reginal vừa hoàn thành năm nhất của mình tại Yale. Porter cũng vậy, anh vừa trải qua năm đầu đại học tại Harvard sau một cuộc hành trình gian nan.

Sau đây là bài viết của Justin Porter về hành trình đến Havard, ngôi trường của những gia tộc lừng danh nước Mỹ như Bush, Kennedy hay Romney.

"Đúng y như những gì tấm tờ rơi bóng bẩy đã hứa hẹn, ngay từ giây phút đặt chân lên khuôn viên trường Harvard vào mùa thu năm ngoái, tôi như được đến với một thế giới mới ngập tràn ánh sáng và hứng khởi.

Tôi được thảo luận với Larry Summers về sự trỗi dậy của Trung Quốc khi nhâm nhi vài miếng pizza, tham gia khóa di truyền học do một trong những người đàn ông quyến rũ nhất tạp chí People đứng lớp (ám chỉ Keven Eggan) và ngồi dãy ghế đầu ngay trước nhà văn yêu thích của tôi, Atul Gawande trong một cuộc nói chuyện về sự khác biệt giữa huấn luyện và giảng dạy. Nhưng có lẽ năm thứ nhất vẫn là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời tôi.

Sinh ra và lớn lên cách đó 1.500 dặm trong một căn hộ nhỏ tại Jackson, Mississippi, cuộc đời tôi chỉ có tôi và mẹ. Tôi có một người cha yêu thương nhưng hai người đã chia tay sau khi tôi sinh ra không lâu. Là con một nên tôi được mẹ dành cho tất cả tình thương. Mẹ làm việc cật lực để tôi không phải đụng đến công việc.

Truyền hình, nhạc rap, thậm chí chơi bóng rổ với trẻ con trong khu đối với tôi là một điều xa vời. Đến tuổi thiếu niên, tôi có chút bất mãn nhưng rồi cũng biết trân trọng sự hy sinh vô bờ của mẹ: mẹ đưa tôi đến thư viện mỗi chiều, đèo bòng nhiều công việc để có cái cho tôi ăn và hàng đêm kể chuyện cho tôi nghe trước giờ đi ngủ.

Mùa hè trước năm cuối Trung học, sau khi tuyên bố quyết định ứng tuyển vào một trường tại New England, tôi thấy có chút gì như do dự trong nụ cười ấm áp nở trên khuôn mặt mẹ. Tôi giả vờ như không thấy nhưng luôn bị nó ám ảnh rồi gắng viện ra đủ lý do để ra đi: nào là để chứng minh mình đã đủ cứng cỏi, nào là sợ phải đi theo con đường ít trở ngại nhất, rồi cả cảm giác muôn thủa của thanh thiếu niên khi bị gò bó. Nhưng nghe có vẻ tôi là một kẻ nông cạn và vô ơn.

Mặc dù vậy, tôi vẫn bắt đầu chuẩn bị cho việc ứng tuyển. Hồ sơ đầu tiên dành cho Harvard và khoảng gần chục bộ khác cũng luôn sẵn sàng. Tôi biết cơ hội được nhận vào Harvard không dành cho mình, chính trường tôi cũng chẳng giúp ích được nhiều vì tư vấn viên năm cuối đang phải hỗ trợ cho hàng trăm học sinh. Tôi đã đọc hàng đống cẩm nang chuẩn bị cho đại học. Một trong những bài học tôi rút ra từ đó là: cách nhanh nhất để giết chết một bộ hồ sơ tiềm năng là bài luận văn cũ nhàm kiểu "Tôi xin được kể về lúc tôi chiến thắng trong một cuộc đua tại thị trấn". Tôi viết về sự căng thẳng đang gia tăng giữa khoa học và nhân văn mà bản thân mình nhận thấy.

Tôi tiết kiệm được khoản tiền phải chi cho các tư vấn viên đại học. Tôi tham gia tất cả các lớp chương trình AP (xếp lớp nâng cao) có thể chèn được vào thời gian biểu, 9 trong số 12 lớp là của trường Murrah. Tôi còn tham gia cuộc thi khoa học cấp bang và quốc gia, đóng vai trò lãnh đạo cốt lõi với tư cách là biên tập viên báo trường, Chủ tịch phiên hiệu của Hội danh dự quốc gia Hoa Kỳ tại trường Murrah, lập một đội hùng biện cùng những người bạn thân nhất và dành thời gian rảnh gia sư Toán, tiếng Anh cho lũ trẻ cấp 1, cấp 2.

Đáp lại sự nhiệt thành ấy, tôi nhận được thông báo trúng tuyển Đại học Harvard đúng ba ngày trước sinh nhật. Đêm đó, sau những dòng tin nhắn và cái ôm chúc mừng, tôi ngồi một mình trong phòng và bật khóc.

Tôi thấy bị mắc kẹt giữa hai con đường trải ra trước mắt: một bên là những cơ hội vô tận: học bổng toàn phần, sự nghiệp thăng tiến, cơ hội đi chu du. Nhưng đổi lại, tôi sẽ phải hy sinh những gì? Hai mẹ con tôi chưa bao giờ ổn định về tài chính và trong tương lai sẽ chẳng hề có phép lạ xảy ra. Cái nhìn do dự của mẹ tôi hôm nào giống y hệt lần chúng tôi bị đuổi khỏi nhà. Chuyện gì sẽ xảy ra với mẹ nếu tôi đi mất? Vài tuần sau, mẹ bị sa thải, nỗi sợ hãi của tôi tăng lên gấp bội. Cảm giác tội lỗi vây lấy tôi. Vài tuần cuối năm cấp ba của tôi trôi qua trong nỗi lo lắng, nếu tôi đi, mẹ sẽ phải sống cuộc sống ăn không đủ, ngủ không lành và không còn ai bầu bạn nghe bà kể chuyện nữa.Tôi quyết định trì hoãn việc vào học.

Mẹ bỏ ngoài tai những lời tôi nói: "Việc con được vào Harvard là thành công đáng tự hào của đời mẹ. Mẹ sẽ tự nguyền rủa chính mình nếu con từ bỏ nó."

Tôi đã không từ bỏ
Đầu năm nay, tôi vừa đọc một bài báo về việc các trường đại học hàng đầu thất bại trong việc thu hút sinh viên nghèo thế nào: một nghiên cứu của Stanford cho thấy chỉ vẻn vẹn 34% các học sinh giỏi trong nhóm thu nhập thấp nhất từng theo học một trong số 238 trường đại học hàng đầu đất nước.

Tôi không tin việc tăng các gói cứu trợ tài chính, in ấn quảng cáo bắt mắt sẽ thay đổi tình hình. Vì các nhân tố thực sự cản bước chúng ta đã trở thành lối mòn, đó là nỗi sợ khi bước chân vào một môi trường lạ hoắc, cảm giác tội lỗi khi bỏ người thân ở lại một mình loay hoay với đống áp lực tài chính ngày một tăng và cả trách nhiệm phải đi làm để hỗ trợ cuộc sống và gia đình. Tôi bị phân tâm ngay cả khi làm bài tập, tự vấn mình có vai trò gì ở nơi xa lạ này? Tôi bắt đầu nghĩ: "Mình là ai mà dám nghĩ bản thân thuộc về Harvard, nơi sinh ra những Bush, Kennedy và Romney? Có lẽ mình nên yên vị tại nơi của mình, Mississipi."

Rồi những câu hỏi sau lại xuất hiện: Tại sao chúng lại là vấn đề, giấc mơ và động lực căn bản của mình là gì (Liệu tôi có thực sự muốn trở thành bác sĩ?), thậm chí tôi còn xem xét cả về cơ cấu kinh tế, xã hội tôi đang vướng mắc (Sinh viên Harvard thường dành mùa hè sau năm nhất để du lịch nước ngoài. Tôi đã bỏ qua một đợt thực tập ở Hy Lạp. Thực tập có lương nhưng tôi không nghĩ mình đủ khả năng xoay sở chi phí đi lại).

Trong suốt học kỳ, tôi đã thay đổi theo cách mình chưa bao giờ ngờ tới. Tôi nhìn sang những người bạn của tôi, một tập hợp những con người đam mê văn học, thiên tài khoa học, bậc thầy âm nhạc và thần đồng toán học, ai cũng đang khiêm tốn phấn đấu cho đỉnh cao trong lĩnh vực của mình. Họ truyền cảm hứng cho tôi và niềm hy vọng tương lai bắt đầu mơ hồ hiện ra.

Có lẽ tôi đã hiểu tại sao mẹ để tôi đi. Harvard đã bắt tôi phải trưởng thành và nhìn nhận thẳng thắn vào cuộc sống và chính bản thân.

Tôi sẽ không đánh đổi những trải nghiệm trên vì bất cứ thứ gì."

Justin Porter (New York Times)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét