“Đầu bếp không phải là một nghề đơn giản, chỉ cần đam mê là làm được mà bạn cần phải chịu khó học hỏi, trải nghiệm và bản lĩnh thì mới thành công”. Đó là những lời tâm sự của anh Ngô Thanh Hòa - người giành chiến thắng trong chương trình “Vua đầu bếp” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Bắt đầu từ việc nhỏ
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, chàng trai trẻ Ngô Thanh Hòa khăn gói sang Úc du học tự túc với chuyên ngành marketing. Chọn ngành này bởi anh nghĩ rằng ở bất cứ xã hội nào, ngành nghề nào cũng cần đến sự hỗ trợ của marketing. Tuy nhiên, khi chọn con đường du học, anh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên anh sống xa gia đình, phải tự lập tất cả mọi thứ.
Bố mẹ chỉ cung cấp chi phí sinh hoạt, ăn uống cho anh trong vài tháng đầu nên khi mới chân ướt chân ráo sang Úc, anh vừa đi học, vừa vội vàng đi khắp nơi xin việc làm thêm. Tuy nhiên, do không phải là người bản xứ, vốn tiếng Anh chưa lưu loát nên đến đâu anh cũng nhận được cái lắc đầu của người tuyển dụng. Cuối cùng, anh xin vào rửa chén cho một nhà hàng ở gần trường. Anh Hòa kể: “Rất may cho tôi là ở đất nước này, người ta không hề có sự phân biệt gì trong công việc; họ cho rằng nghề nào cũng có những giá trị riêng của nó nên khi làm ở đây tôi không hề ngần ngại, ngược lại tôi còn học được rất nhiều kinh nghiệm, lại có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ để nâng cao khả năng tiếng Anh, hiểu về văn hóa của họ…”. Quả thật, khi làm công việc này, anh nhận ra rằng rửa chén tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vẫn cần đến chất xám, chẳng hạn như phải có kỹ năng rửa, biết cách tổ chức, sắp xếp thì mới nhanh chóng hoàn thành công việc…
Là một người chăm chỉ, lại chân thành và sẵn sàng nhận lỗi khi mình sai nên anh được mọi người yêu quý, từ công việc rửa chén sang phụ bàn, anh phải xin người quản lý nhiều lần mới được đồng ý (sau một năm làm việc - PV). Từ đó, anh vừa làm việc vừa cố gắng hoàn thành việc học. 5 năm sau khi lấy được tấm bằng cử nhân thì cũng là lúc anh trở thành một quản lý nhà hàng và tiếp tục học lên thạc sĩ.
Từ những trải nghiệm trong thời gian vừa học vừa làm ở thành phố Sydney, anh Hòa chia sẻ: “Tôi đã học được rất nhiều thứ, đặc biệt là tính tháo vát và bản lĩnh, bình tĩnh. Có lúc nhà hàng đông khách (70-80 người) mà chỉ có vài người phục vụ, chúng tôi phải xoay xở rất nhanh mới phục vụ kịp”.
Khi học xong, anh đi làm và có thêm điều kiện trở về Việt Nam thăm gia đình nhiều hơn. Anh nhận thấy quê hương đã thay đổi rất nhiều, nền kinh tế đang bắt đầu bước vào thời kỳ hội nhập, đây là cơ hội để anh phát triển sự nghiệp. Vậy là sau 18 năm làm việc miệt mài ở Úc, anh quyết định quay trở về Việt Nam.
Thành công đến từ sự thất bại
Vốn yêu thích nấu ăn nên khi chương trình “Vua đầu bếp” thực hiện ở Việt Nam, anh đã âm thầm đăng ký tham gia với tâm trạng không biết mình sẽ tiến được bao xa trong cuộc tranh tài đầy thú vị này. Anh Hòa tâm sự: “Khi còn ở Sydney, mọi người thấy tôi nấu ăn ngon, mùi vị rất đặc biệt lại trình bày hấp dẫn nên ai cũng khuyên tôi tham gia chương trình Masterchef Australia”. Vậy nhưng, ngay từ vòng đầu tiên anh đã bị Ban giám khảo loại khỏi cuộc đấu. Anh Hòa nhớ lại: “Lúc đó tôi rất bất ngờ, thất vọng vì không hề nghĩ với kinh nghiệm và vốn liếng nấu ăn được tích lũy từ bao năm trời lại có thể nấu dở như vậy. Vì thế, tôi đã xin giám khảo cho tôi thêm một cơ hội”.
Khán giả không thể ngờ rằng, từ một đầu bếp suýt bị rớt ở vòng loại đầu tiên nhưng nhờ có niềm đam mê, bản lĩnh và bình tĩnh trước mọi tình huống đã giúp anh Hòa giành vị trí quán quân. Nhưng có lẽ, hơn ai hết, anh hiểu rằng chiến thắng của mình ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào những trải nghiệm trong thời gian sống cùng gia đình và bôn ba ở Úc…
Sau chiến thắng ở chương trình “Vua đầu bếp Việt”, anh Hòa có nhiều dự định để thực hiện. Trước hết, anh tiếp tục hợp tác với Ban tổ chức chương trình để xuất bản cuốn sách nấu ăn đầu tay của mình. Ngoài ra, anh cũng lên kế hoạch mở một nhà hàng nho nhỏ để có dịp trổ tài nấu nướng cho mọi người thưởng thức.
“Các công ty nước ngoài hiện đang rất chú trọng đến lao động Việt Nam, trong đó có nghề đầu bếp nhưng đòi hỏi tay nghề cao. Vì vậy, đây là nghề đem lại nhiều cơ hội cho bạn trẻ. Tuy nhiên, nghề này không còn đơn giản như trước mà cần phải có những kiến thức ẩm thực, phải tìm tòi học hỏi nhiều mới đáp ứng được nhu cầu của người thưởng thức”, anh Ngô Thanh Hòa chia sẻ.
Sưu tầm
Không ngừng học hỏi
Là con cả trong gia đình, anh Ngô Thanh Hòa thường xuyên phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn… Khi sang Úc du học, khoảng thời gian đi làm thêm giúp anh có thêm nhiều bạn bè là những người chuyên về bếp núc. Họ hướng dẫn anh nấu ăn, cách pha chế rượu, trang trí bàn ăn như thế nào cho đẹp… Thành phố nơi anh ở cũng là nơi hội tụ của nhiều quán ăn đại diện cho các châu lục như quán ăn người Thái, người Hoa, người Ý, người Hy Lạp… Thỉnh thoảng anh ghé qua những quán ăn này thưởng thức, món nào ngon anh lại lấy sổ ghi chép và về nhà tìm mọi cách làm. Chính nhờ những kinh nghiệm này mà các món ăn anh chế biến trở nên rất đặc biệt khi có sự kết hợp hài hòa của mùi vị Á - Âu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét