Bạn đi làm nhưng luôn cảm thấy buồn chán, không nhiệt tình với công việc? Có thể bạn đang ở trong giai đoạn chán việc. Những gợi ý dưới đây sẽ có ích cho bạn:
Làm mới lại công việc
Một công việc quá bận rộn với hàng tá nhiệm vụ bạn cần giải quyết khiến bạn luôn cảm thấy mình bị “hụt hơi” và không còn sức cố gắng. Lời khuyên dành cho bạn là hãy dành thời gian sắp xếp lại mọi công việc một cách khoa học, việc nào cần thiết thì làm trước. Giải quyết xong công việc này mới chuyển sang việc khác, đừng nên làm mỗi việc một chút, vậy là mọi thứ đều dở dang và chẳng mang lại hiệu quả. Hãy tranh thủ sự giúp đỡ từ phía gia đình, người thân để bạn có thể giải quyết công việc tốt hơn.
Nếu đã thử nhiều cách mà bạn vẫn thấy “đuối sức”, hãy chia sẻ với cấp trên của bạn, họ sẽ giúp bạn tìm giải pháp hoặc sẽ cân nhắc lại khối lượng công việc dành cho bạn.
Làm tình nguyện
Công việc quá nhàn rỗi hoặc nhàm chán cũng là một trong những lý do khiến bạn không tìm thấy động lực để làm việc. Khi ấy, bạn hãy tự tạo cho mình sự bận rộn để “khỏa lấp” cảm giác trống trải này bằng cách tìm thêm một công việc nữa để làm, chẳng hạn làm tình nguyện viên.
Làm tình nguyện viên là công việc mang tính nhân văn, hứa hẹn những điều bất ngờ và thú vị. Muốn làm công việc này không hề khó, bạn chỉ cần tìm kiếm thông tin của các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội và đăng ký tham gia. Bạn cũng có thể tự làm tình nguyện theo cá nhân, bằng cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ thông tin, kiến thức hay vật chất với họ…
Học tiếp
Trình độ non kém, thiếu kiến thức trong công việc là lý do chính khiến bạn không hoàn thành nhiệm vụ. Một lần, hai lần rồi nhiều lần bị khiển trách, bạn sẽ cảm thấy bị stress, cộng thêm tâm lý lo lắng sẽ lại bị “trừ điểm” trong mắt đồng nghiệp và sếp làm cho bạn chán nản và không muốn tiếp tục công việc nữa.
Lời khuyên dành cho bạn lúc này là hãy “hoãn” lại mọi ước mơ, hoài bão, cảm xúc trong công việc để tiếp tục theo học, nâng cao trình độ cho bản thân.
Việc tiếp cận tri thức mới, am hiểu hơn về lĩnh vực bạn đang làm sẽ giúp bạn cảm thấy công việc này thật thú vị và bạn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn.
Nghe nhạc
Đừng cố gắng tiếp tục làm việc khi bạn thấy căng thẳng và buồn chán, hãy dừng lại một vài phút và nghe một bản nhạc bạn ưa thích. Cảm xúc sẽ được cải thiện, tâm hồn sẽ trở nên phấn chấn và khi ấy vẫn chưa muộn để bạn quay lại giải quyết nốt những công việc đang đợi bạn. Nhưng nhớ trang bị cho mình một chiếc tai nghe để không làm phiền đồng nghiệp xung quanh.
Chơi game, ăn vặt hay buôn chuyện
Hãy tự thưởng cho mình 5 - 10 phút để thực hiện những thú vui tiêu khiển khi cảm thấy mệt mỏi với công việc. Cũng giống như nghe nhạc, chơi game hay nhâm nhi một cái gì đó hoặc dành vài phút để kể cho đồng nghiệp những câu chuyện hài hước... sẽ giúp bạn thay đổi tâm trạng nhanh chóng.
Tuy nhiên, đừng nên lạm dụng những thú vui này, vì có thể bạn sẽ bị trừ lương nếu đang làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có kỷ luật nghiêm khắc.
Chọn một nghề “tay trái”
Mở cửa hàng thời trang, bán hàng qua mạng, mở một lớp học gia sư hay tham gia góp vốn đầu tư cùng bạn bè, người thân… là cách để bạn kiếm thêm thu nhập và tìm thấy niềm vui. Tóm lại bạn có thể chọn lựa bất cứ công việc nào, miễn là bạn cảm thấy thích và có khả năng.
Hãy bắt đầu công việc mới bằng chính những lợi thế bạn đang có. Nếu bạn là một phiên dịch, biên dịch hay thông thạo ngoại ngữ, bạn có thể làm gia sư ngoại ngữ. Bạn viết chữ đẹp thì nên nhận kèm học sinh luyện chữ, bạn có khiếu kinh doanh thì có thể bán một số mặt hàng qua mạng…
Tìm một công việc mới
Công việc hiện tại có thể chưa phù hợp với năng lực của bạn, cũng có thể không đáp ứng được mong muốn của bạn hay không đúng lĩnh vực mà bạn yêu thích nên mỗi khi đối mặt với nó, bạn cảm thấy như một cực hình. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bạn tìm một công việc mới đáp ứng những mục tiêu bạn đặt ra.
Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định, vì đây là một sự thay đổi lớn ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của bạn về sau. Hãy đặt lên “bàn cân” những được - mất của công việc mới và công việc cũ rồi mới nên quyết định.
Học cách hài lòng với những gì bạn đang có
Làm một phép so sánh đơn giản, bạn sẽ thấy rằng trong xã hội hiện đại, mọi công ty, cơ quan đều có áp lực công việc. Nếu bạn phải tiêu tốn nhiều sức lực, óc sáng tạo cho công việc bạn đang làm thì chắc chắn bạn sẽ nhận được mức thù lao và chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Hãy xác định rằng trong công việc, bên cạnh niềm đam mê, hứng khởi, sở thích thì luôn có những thời điểm khó khăn, mệt mỏi. Nó là nhiệm vụ của bạn chứ không phải là một thói quen hay sở thích bạn thích là được, muốn thì làm hay khi ghét có thể dễ dàng rũ bỏ.
Đôi khi công việc “chọn” bạn chứ không phải bạn là người chọn công việc, hãy nhìn vào những điểm tích cực mà công việc mang lại cho bạn thay vì chỉ nghĩ đến những mặt hạn chế, tẻ nhạt. Bằng cách này, bạn sẽ tìm lại được hứng khởi và có động lực để “đồng hành” cùng công việc.
KHỔNG THU HÀ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét