Home » » Dắt nhau vào đời

Dắt nhau vào đời

Nhiều người biết luật sư Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Trưởng văn phòng luật sư Sài Gòn - Gia Định, Q.Gò Vấp - TP.HCM), nhưng ít ai biết câu chuyện thú vị “năm chị em tuổi liền kề dắt tay nhau vào đại học” của chị em nữ luật sư này. Người chị đầu là Lê Nguyễn Song Quyên (SN 1973), Lê Nguyễn Thuyền Quyên (1974) thứ hai, kế đến là Lê Nguyễn Ngọc Quyên (1975), Lê Nguyễn Trọng Văn (1976) và Lê Nguyễn Quyên Quyên (1978).

!--more-->
Vốn là giáo viên ở Sài Gòn, sau năm 1975, cha mẹ Thuyền Quyên chuyển về Long An làm nông. Đất ít, lại không rành công việc tay lấm chân bùn, ông bà dù rất cố gắng vẫn không đưa được gia đình thoát đói nghèo. Nhưng, ông bà tâm niệm: “Dù có nghèo đến mấy, các con cũng phải học hành để lập thân”. Câu hỏi đặt ra là lo cái ăn chưa xong, làm sao có thể cho năm đứa con tuổi liền kề nhau lên Sài Gòn đi học? Ông bà chỉ biết đưa ra thông điệp: “Khả năng ba mẹ có hạn, tùy mấy đứa lên thành phố tìm cách vẫy vùng”. Hoàn cảnh đó đã vẽ ra một câu chuyện đẹp về sự tương trợ, dìu dắt nhau của năm chị em.

             Trọng Văn, Ngọc Quyên, Quyên Quyên và Thuyền Quyên (bìa phải) cùng mẹ

Nghèo khó cũng là vốn quý
Luật sư Thuyền Quyên rưng rưng khi kể về thời khốn khó ở quê. Chuyện tủi phận “con nhà nghèo” thì nhiều lắm, nhưng có hai chuyện mà mỗi lần kể chị lại rơm rớm nước mắt: “Có những thời điểm, nhà không còn đồng bạc, tôi và chị Song Quyên hái bầu, mướp mang ra chợ. Không quen buôn bán, lại ngượng ngùng, hai chị em ngồi mãi mà vẫn ế. Trời tối, chị em thất thểu mang hàng về, tủi thân, ôm nhau khóc. Rồi có những mùa cha nuôi vịt, chị em tôi đi chăn vịt và ngủ đêm trong lều trông vịt ngoài đồng xa. Chúng tôi thường không ngủ được vì sợ”.

Nhà nghèo, đông con, các con lại sàn sàn tuổi nhau nên khó khăn chồng khó khăn. Thuyền Quyên kể: “Khi ấy, chị em tôi thấy vài người trong làng lên Sài Gòn ăn học thành tài, thần tượng họ lắm, nên quyết chí học”.
Năm 1991, Song Quyên khăn gói lên Sài Gòn, theo học ngành marketing, hệ trung cấp. Lẽ ra, Thuyền Quyên thi đại học vào năm sau, nhưng chưa dám, vì… không biết lên Sài Gòn sẽ bấu víu vào đâu. Đến năm 1993, Thuyền Quyên mới mạnh dạn lên ở trọ cùng chị Hai để theo học ĐH Luật TP.HCM. Lúc này, Song Quyên vừa học vừa tranh thủ đi làm nhân viên tiếp thị để trang trải cuộc sống cho hai chị em. Lần lượt lên ở cùng phòng trọ là Ngọc Quyên (theo học ngành quản trị kinh doanh - ĐH Mở TP.HCM), rồi Trọng Văn (học ngành báo chí - ĐH Mở TP.HCM).

Khó kể hết nỗi cực khổ của bốn chị em cùng trọ học nơi xứ người. Trong căn phòng hơn 10m2 ở Q.Tân Bình, TP.HCM, mấy chị em xoay xở kiểu gì cũng thiếu ăn, nhưng luôn dặn nhau “không ai được bỏ học”. Thuyền Quyên nhớ lại: “Chị Hai đi làm tiếp thị cho một hãng bánh quy, mang bánh mẫu về nhà. Có lúc tôi đã rất thèm bỏ một vụn bánh vào miệng để cảm nhận vị ngọt, thơm mà mình hằng mường tượng, nhưng không dám”.

Lúc này, cậu em Trọng Văn trở thành “người quan trọng” khi được giao nhiệm vụ đạp xe vượt 60km về Long An để “tải lương thực”. Trọng Văn kể: “Tôi thường tranh thủ đạp xe về quê vào thứ Bảy, vài chục cây số đầu còn dễ chịu, nhưng đạp xa quá tôi đuối hẳn, chỉ muốn gửi xe đạp lên xe đò. Thế nhưng, nghĩ đến nỗi thiếu thốn của các chị, của ba mẹ ở quê, tôi cố gắng đạp đến cùng. Nhờ “luyện chân” liên tục như vậy, đến năm 1997, tôi tham gia Hành trình du khảo cung đường Nam Trường Sơn, vượt 1.000km, kể cả những ngày giông bão cũng không bỏ cuộc. Chuyện học của chị em chúng tôi cũng vậy, vì ở quê đã được tiêm “vắc-xin khổ” rồi, nên khó khăn mấy vẫn vững lòng cố gắng. Nhìn ở một khía cạnh nào đó, khổ cũng là vốn liếng quý giá cho hành trang vào đời”.

Mỗi lần cậu em về quê lên, bốn chị em lại có món tươi để cải thiện. Gạo, mướp, bầu, bí thường xuyên được chi viện, ngoài ra, gặp dịp ở quê tát đìa, mấy chị em còn được mẹ kho cho một nồi cá to, đưa lên Sài Gòn ăn dần.

Chị Hai là “đầu tàu”
“Nhiều lúc tưởng như không thể xoay xở được, nhưng chị Hai vẫn lo liệu xong. Chị Hai hay vậy đó”, Ngọc Quyên chia sẻ. Trong mắt bốn người em, chị Hai Song Quyên là thần tượng, một người “năng động đến khó tin”. Ngoài giờ học, cô chạy đôn chạy đáo, làm một lúc nhiều việc, quyết tâm giữ cho bản thân và các em bám trụ giảng đường.

Trọng Văn cho biết: “Chị Hai học giỏi nhất nhà, bề ngoài cứng rắn nhưng rất tình cảm, dịu dàng với các em. Thời sinh viên, tôi cũng có phần hơi “nổi loạn”, nhưng cách sống mẫu mực của chị Hai khiến tôi nể, răm rắp nghe lời. Đặc biệt, chị luôn gợi nhớ cho các em về truyền thống hiếu học của gia đình, nhắc nhở các em không làm điều gì chệch nền tảng đạo đức mà gia đình đã bồi đắp”.

Không những lo cho các em, Song Quyên còn mua được một bộ máy vi tính để các em có điều kiện tiếp cận với tin học. Thuyền Quyên bộc bạch: “Thập niên 90 của thế kỷ trước, máy vi tính hiếm lắm. Có máy tính, chị em chúng tôi say sưa khám phá. Với cả bốn em, chị Hai đều để dấu ấn trong việc hướng nghiệp, rèn luyện tính cách. Sau này nghiệm lại, tôi thấy chị như “đầu tàu” kéo các em theo. Tiếc là chị lo cho các em nhiều quá, không dám chăm chút cho bản thân, thậm chí không dám… yêu. Vậy mà khi các em đã trưởng thành, chị đã ra đi vì bạo bệnh. Tôi nghĩ, có thể do một thời gian dài đi làm lo cho các em, chị bị lao lực”.

Trước ngày đi xa, chị Hai Song Quyên đã kịp nhìn thấy sự trưởng thành, ổn định của các em: Thuyền Quyên đang làm trưởng văn phòng luật sư, Ngọc Quyên là phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng, Trọng Văn làm tư vấn chứng khoán, Quyên Quyên là trưởng bộ phận khách hàng của một ngân hàng lớn.

Thường khi đã có gia đình riêng, anh chị em ít điều kiện thân nhau, nhưng Trọng Văn khẳng định: “Chắc là do mấy chị em chúng tôi có một quãng thời gian đùm bọc, nâng đỡ nhau, nên thân thiết một cách đặc biệt. Chúng tôi hầu như không có bạn thân ngoài mà xem anh-chị-em mình như bạn thân, gặp chuyện gì cũng í ới gọi nhau”.

Ít ai biết, cha của năm chị em này chính là ông Lê Văn Xê - người vừa tốt nghiệp kỹ sư nông học Trường ĐH Nông lâm - TP.HCM năm 2012 và thi cao học vào trường này tháng 8/2013, khi đã… 69 tuổi! Ông được ghi nhận là tân cử nhân cao tuổi nhất VN và là người già nhất dự thi cao học. Ông đi học chỉ với một lý do đơn giản: để con cháu noi gương.

Trong bài phát biểu tại lễ tuyên dương gia đình hiếu học ở huyện Thủ Thừa, Long An năm 2013, ông Xê nghẹn ngào: “Tôi cho rằng, để cho con một bồ vàng không bằng để cho con một bồ chữ. Từ lâu tôi đã rèn con cái phải đùm bọc, nâng đỡ lẫn nhau trong học tập, khi vắng cha mẹ, các con vẫn giữ được nếp nhà. Tôi tự hào khi các con đã có nghề nghiệp ổn định. Vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Trần Triều

0 nhận xét:

Đăng nhận xét