Facebook, đang được đánh giá là một trong những sản phẩm công nghệ toàn cầu đỉnh cao nhất. Người ta ca ngợi Facebook là mạng xã hội đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng trên toàn thế giới, với đầy đủ các tính năng từ kết bạn, trò chuyện, giải trí đến kinh doanh, quảng cáo.
Có rất nhiều người bị lệ thuốc vào thế giới ảo này!
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Facebook đang là mối nguy hại cho toàn thế giới, khi mà dường như có rất nhiều người bị lệ thuộc vào mạng xã hội này, hay nói dễ hiểu là “nghiện Facebook”. Theo những chuyên gia trên thế giới, việc bị lệ thuộc vào mạng xã hội như Facebook sẽ tạo ra những hệ lụy không tốt trong đời sống thực. Nguyên nhân của những hệ lụy mà mạng xã hội Facebook mang lại không phải từ người làm ra trang mạng mà chính là từ người sử dụng nó.
1. Gây trầm cảm
Chia sẻ hình ảnh gia đình và cập nhật trạng thái về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn dường như là điều hoàn toàn tích cực và vô tội, nhưng đó là một trong những điều Facebook gây vấn đề cho người dùng. Vì sao lại thế? Bời khi những người kém may mắn hoặc đang suy sụp tinh thần lên Facebook và nhìn những điều vui vẻ tốt đẹp mà bạn bè mình đang “khoe”, họ có thể có sự so sánh với hoàn cảnh của mình và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Thử nghĩ xem, bạn có thể chẳng cảm thấy gì khi cuộc sống của bạn ổn thỏa và may mắn, nhưng một ngày kia nếu bạn gặp khó khăn, bạn sẽ cảm thấy ra sao khi thấy cuộc sống mọi người quanh bạn đều quá sức tuyệt vời?
2. Ức hiếp trên mạng
Bắt nạt thường chỉ là vấn đề của trẻ con và trẻ vị thành niên, nhưng nhờ các trang mạng xã hội như Facebook, vấn đề ức hiếp người khác đã được nâng lên một “tầm cao mới”. Thực tế, một người dùng Facebook có thể rơi vào tình trạng bị uy hiếp khi bị người khác đăng những dòng xúc phạm, đặt điều và gây tổn thương, thậm chí là đăng những bức ảnh gây tổn hại danh dự trên “wall” của mình. Và khi những người cùng mạng lưới bạn bè với “bị hại” trên Facebook đọc được những điều không hay và nhìn thấy những bức ảnh "dìm hàng" trên, bạn có lẽ đã hình dung được sự thể sẽ ra sao.
3. Nguy cơ tiếp xúc với các thông tin không lành mạnh
Việc kiểm soát chất lượng và nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội luôn là một điều khiến các nhà quản lí phải thường xuyên đau đầu tìm giải pháp. Sẽ chẳng lạ lùng hay khó hiểu nếu một ngày nào đó bạn thấy được một tấm hình hay đoạn video sex có trên Facebook hay Youtube.
Mạng xã hội mang lại cho người sử dụng các giá trị do chính họ tự tạo ra và nhà phát triển chẳng thế nào cấm người sử dụng suy nghĩ về những thứ “nhạy cảm” trong cuộc sống được
4. Xung đột tôn giáo, vùng miền
Đã không ít lần một nội dung được tổ chức hay cá nhân nào đó đăng tải trên Facebook để mọi người Like và Share để rồi dẫn đến một cuộc cãi vã, chửi bới dữ dội trên đó giữa một nhóm người sử dụng.
Họ không ngần ngại miệt thị và nói xấu nhau thông qua các yếu tố như tôn giáo, vị trí địa lí, … Thậm chí, một hành động thiếu suy nghĩ của thành viên trong nhóm cũng có thể khiến họ bị đe dọa và “chăm sóc” ở ngoài đời thường một cách không thương tiếc. Đã có không ít những trận ẩu đả, thậm chí là án mạng chỉ vì một phát ngôn thiếu suy nghĩ và mang tính kỳ thị vùng miền, tôn giáo.
5. Tiêu tốn thời gian
Facebook nổi tiếng là kẻ tiêu tốn thời gian đáng sợ của nhân loại. Được hỗ trợ trên mọi nền tảng từ máy tính, điện thoại, máy tính bảng và thậm chí là TV, bạn có thể truy cập Facebook mọi lúc mọi nơi. Và phải công nhận là Facebook có sức hút kỳ lạ mà bạn khó mà cưỡng lại. Mới đầu, nhiều bạn biết đến mạng xã hội Facebook (FB) chỉ do bạn bè mời nên tham gia cho có phong trào, sau dần lại thành thói quen. Mỗi lần vào mạng mà không vào Facebook tán gẫu lại cảm thấy bứt rứt không yên. Thậm chí, có những bạn mắc “hội chứng Facebook”, không có việc gì làm cũng vào vào facebook, đôi khi chỉ là update những điều không đâu. Nhiều bạn không bao giờ chia sẻ gì về mình trên Facebook, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để lượn lờ đọc Facebook người khác, xem ảnh hoặc comment mãi không dứt ra được.
Điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp một cách không nhỏ tới tâm tư, tính cách và thậm chí là chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống hằng ngày của bạn. Từ lúc nào đó, bạn đã đối mặt với nguy cơ trở thành một người “nghiện” mạng xã hội mà không hề hay biết.
6. Lừa đảo, bảo mật
Việc lừa đảo thông tin online, lấy đi thông tin người sử dụng với một đường dẫn dính virus không hề hiếm. Nạn nhân thương không hề biết mình đã bị lừa cho tới khi hậu quả dần trở nên rõ ràng hơn. Điển hình nhất là việc các cá nhân tung tin đồn nhảm không rõ cơ sở để câu kéo sự quan tâm của những người dùng khác gây xôn xao xã hội. Theo báo cáo của trung tâm giải quyết khiếu nại tội phạm Internet (ICCC), tổng thiệt hại của các nạn nhân bị lừa đảo trên mạng lên tới 559 triệu USD vào năm 2009, tăng 110% so với năm trước đó. Ngày nay, thật khó mà giữ điều gì được bảo mật, đặc biệt là từ khi có Facebook.
Ngoài ra, vấn đề bảo mật cũng có thể trở nên hết sức đáng lo nếu không may bạn vô tình truy cập vào một đường dẫn nào đó tưởng chừng an toàn do chính bạn bè của mình gửi. Tài khoản của bạn bị mất và sẽ có người mạo danh bạn thực hiện các hành động phi pháp khác.
Giữa những cái "like", Facebook thực sự đem lại những vấn đề đáng "dislike"
7. Ảnh hưởng đến cuộc sống thực
Khi quá quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và nút Like trên Facebook, bạn ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Điều này khiến thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, tám chuyện ngoài đời thực... trở nên ít ỏi. Chúng thực sự không tốt bởi giao tiếp mặt đối mặt luôn mang đến trải nghiệm, cảm xúc chân thật và thú vị hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét