Đại gia đình của chị Võ Thị Minh Huệ |
Thương em vượt cạn trong cảnh bơ vơ ở đất nước Rumani xa xôi, chị không ngần ngại bay sang với em. Em sinh khó, chị phải vận dụng vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình năn nỉ bác sĩ: “Hãy cho tôi được vào với em tôi để làm chỗ dựa tinh thần cho nó bớt căng thẳng, lo sợ.
Tôi từ Việt Nam đến đây chỉ chờ đợi giây phút này…”. Bác sĩ không thể khước từ lời van cầu khẩn thiết đó, chị được vào phòng sinh cùng em. Chị nắm tay em, xoa lưng, động viên, hướng dẫn em thở, rặn. Sau cả ngày chuyển dạ đau đớn, đứa bé ra đời trong giọt nước mắt vui sướng của hai chị em.
“Đem em bỏ… trời Tây”
Năm 2003, để chăm sóc em gái và cháu bé mới chào đời, chị Võ Thị Minh Huệ (luật gia, hiện là chuyên viên tư vấn tâm lý của Công ty Tâm Lý Trẻ, Q.Bình Thạnh) đã phải gác lại mọi việc, giao hai con nhỏ cho chồng trông. Kinh qua “hai lứa”, chị chu đáo chuẩn bị từ Việt Nam nào bồ kết, nghệ, thuốc xông… những thứ cần thiết cho bà đẻ. Hai tháng rưỡi, chị em cùng sớt chia niềm vui lẫn nỗi nhọc nhằn “làm mẹ”. Trước lúc ra sân bay về lại quê nhà, chị dặn dò đủ điều, em thì cứ sụt sùi, bịn rịn.
Năm 1984 đậu vào Trường ĐH Vinh với điểm số cao, chị Minh Huệ được nhận học bổng du học (ngành luật) tại Liên Xô (cũ). Tốt nghiệp, chị lại “nhảy” sang Rumani kinh doanh hàng may mặc. Lúc đó, ở Nghệ An cuộc sống và công việc còn khó khăn, nên khi em gái Võ Thanh Huyền tốt nghiệp Khoa Lý, Trường ĐH Vinh, rồi lấy chồng, chị Huệ đã gợi ý em theo chị sang Rumani làm ăn. Vợ chồng chị Huyền sang chỉ một ngày sau khi chị Huệ sinh đứa con thứ hai. Anh Sơn, chồng chị Huệ, tất bật vừa chăm sóc vợ con non ngày tháng vừa lo cho em. Thấy em vợ hòa nhập với cuộc sống mới quá vất vả, anh Sơn hỏi vợ: “Có thực sự cần phải đưa em sang không?”. Chị Huệ quả quyết: “Huyền rất có chí hướng kinh doanh, vợ chồng mình lại có điều kiện giúp. Muốn nâng gia đình thì phải nâng cả nền chứ không phải cứ gửi tiền về cho”. Đồng lòng cùng vợ, anh Sơn dốc sức lo nơi ăn chốn ở, công việc làm ăn cho hai vợ chồng Huyền.
Từ ngày đón em sang, căn hộ 50m2 trở nên chật chội. Hai vợ chồng chị Huệ phải cải tạo hành lang thành phòng riêng cho vợ chồng chị Huyền. Chị Huyền sang mới hai năm, thì năm 2001, đùng một cái, anh Sơn có cơ hội làm việc khá tốt ở TP.HCM nên định quay về nước. “Trước ngã rẽ này, người đầu tiên tôi nghĩ đến là Huyền. Mình đã đưa em sang thì phải lo chu toàn, không thể đem em bỏ… trời Tây được. Em vẫn còn lạ lẫm, biết sống và làm ăn thế nào? Em cũng rất sốc khi biết tin sắp bị chị “bỏ”. Nhưng giờ nghĩ lại, nhờ mình buông tay để em tự bơi, em mới sớm cứng cáp, giỏi giang” - chị Huệ nói.
Với người chị đã giang tay nâng đỡ mình, Huyền luôn tìm cơ hội đền đáp. Chị Huyền phụ giúp tiền học phí cho con gái chị Huệ du học. Năm 2008, chị Huệ gặp một phen chới với do người hùn kinh doanh bất động sản đột ngột rút vốn (số tiền lên đến bạc tỷ). Dù chị Huệ không mở lời, chị Huyền vẫn “đánh hơi” biết được. Không sẵn tiền, chị Huyền phải xoay xở đủ cách để chi viện.
Thương từ khoai sắn thương đi…
Chị Minh Huệ là con gái giữa trong gia đình có năm con đều là gái: Hòa, Hồng, Huệ, Huyền, Hoài. Thời bao cấp, đồng lương của ba mẹ ở nông trường chè, trại chăn nuôi huyện không đủ lo cho các con nên các chị em phải “lăn đi” tìm cái ăn. 3g sáng, mấy chị em thức dậy đi cất rớ bắt tép. Đi sớm vừa lạnh cóng, vừa... sợ ma vì các con mương, ruộng lúa gần với nghĩa địa nhưng đi trễ thì không giành được chỗ tốt. Chị Hòa, Hồng hiền lành, non gan, ba - người đàn ông duy nhất trong nhà - lại đi làm xa nên chị Huệ có lúc phải rắn như con trai để không bị ăn hiếp. Cá tép đem về, thứ phơi khô để dành mùa mưa, thứ mẹ kho mặn quéo để ăn được lâu. Không đủ gạo, cả nhà thường phải ăn độn khoai sắn, bã đậu phộng (thứ được “đặc cách” từ thức ăn của heo). Chị Huệ nhanh tay lẹ chân đi mót khoai sắn được nhiều nhất và cũng giữ “kỷ lục” của xóm về số lần bị cảnh cáo trên loa phóng thanh hợp tác xã. Nhắc lại thời ấy, chị Hồng không quên những lần em Huệ bị giữ lại, chị đến vừa khóc vừa năn nỉ các chú bảo vệ thả em về.
Hành trình đến với tri thức của mấy chị em có lẽ cũng không suôn sẻ nếu thiếu vắng vai trò nâng đỡ của chị em dành cho nhau. Chị Hòa đón em Hoài xuống khu tập thể ĐH Sư phạm Vinh để chăm em và tiện việc học hành. Chị Hồng lo cho Huyền vì ở Nam Đàn với ba mẹ trường xa và phải qua sông nguy hiểm, nhất là mùa nước lũ. Du học sinh ở Liên Xô cũng đi theo truyền thống “chị lớn lo cho em nhỏ” của gia đình. Học bổng mỗi tháng 90 rúp, chị Huệ chỉ tiêu 40 rúp, tự nấu ăn cho đỡ tốn kém, vừa học vừa đan nón len và đi làm thêm. Số tiền dành được, chị gửi về để ba mẹ đóng tiền học cho các em, mua cặp, sách, áo ấm. Ngẫm lại, chị Huệ cho rằng: “Nếu chị em không giúp nhau, tạo cho nhau những nấc thang để vượt lên thì ba mẹ không tài nào lo nổi cho các con ăn học đến nơi đến chốn, cứ phải luẩn quẩn với vòng quay nghèo khó”. Chị Hòa hiện là thạc sĩ Hóa, giảng viên Trường ĐH Vinh; chị Hồng là kế toán trưởng; chị Huyền là giám đốc công ty xuất nhập khẩu ngành may mặc ở Rumani và chị Hoài là thạc sĩ Luật, làm cùng công ty với chị Huyền.
Mẹ chị Huệ năm nay đã 76 tuổi. Bà luôn tự hào, mãn nguyện vì không chỉ năm con gái đùm bọc, san sẻ cho nhau mà năm chàng rể và các cháu cũng gần gũi, hòa thuận.
TÔ DIỆU HIỀN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét