Sau phẫu thuật, dù phẫu thuật nội soi hay mổ hở, người bệnh cũng cần phải vận động sớm để tránh những tai biến, đồng thời giúp sức khỏe chóng hồi phục.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc BV ĐH Y Dược TP.HCM, vận động sau mổ sẽ giúp người bệnh tránh được những tai biến (có thể xảy ra sau phẫu thuật), giúp loại thải những chất tiết ở phổi và đường hô hấp; làm gia tăng sự giãn nở của phổi, ngăn ngừa sự kết dính của các tổ chức sau mổ; ngăn ngừa biến dạng cột sống; duy trì tầm vận động đai vai và khớp vai; ngăn ngừa teo cơ và yếu cơ; cải thiện tuần hoàn máu; giúp nhu động ruột hoạt động trở lại bình thường…
Nếu ít vận động, người bệnh sẽ dễ bị táo bón; có nguy cơ bị nghẽn tắc phế quản dẫn đến xẹp một phần phổi; bị viêm phổi do vi trùng, ứ huyết ở phổi, dính màng phổi (sau phẫu thuật liên quan đến lồng ngực).
Thuyên tắc phổi và nhồi máu phổi là tai biến dễ xảy ra sau phẫu thuật vùng bụng, chậu, chi dưới, đặc biệt với những người béo phì, bệnh tim, viêm tắc tĩnh mạch. Với những cuộc mổ ở vùng bụng, nếu không có sự vận động đúng cách sau mổ, nhiều khả năng người bệnh sẽ bị liệt ruột, dính ruột. Với bệnh nhân phẫu thuật liên quan đến hệ tuần hoàn, ít vận động sẽ khiến máu lưu thông kém, chảy chậm dễ tạo thành máu đông gây viêm tắc tĩnh mạch.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Chinh, Trưởng bộ môn Gây mê hồi sức Trường ĐH Y Dược, gây mê làm cho người bệnh bị mất ý thức, cảm giác tạm thời. Việc phục hồi sức khỏe sau mổ có gây mê sẽ chậm hơn mổ gây tê rất nhiều. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, vận động đúng cách đóng vai trò quan trọng. Cụ thể:
Tập thở: thở đúng cách giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn sau mổ. Tuy nhiên, việc hít thở sâu thường làm tăng cảm giác đau khiến người bệnh e ngại; đồng thời không ít người không dám thở mạnh vì cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến vết mổ. Đó là quan niệm không đúng. Dù đau, người bệnh cũng cần cố gắng tập hít thở thật sâu vào cả ngực và xuống bụng, giữ hơi rồi tống hết hơi ra ngoài. Điều tuyệt vời là nó sẽ giúp cảm giác đau giảm nhanh hơn và vết thương chóng lành hơn. Đồng thời, người bệnh cũng cần tập ho, khạc để đẩy tiết dịch, đàm ở phổi, đường hô hấp ra ngoài.
Vận động cơ: dù chưa thể ngồi dậy, khi nằm người bệnh vẫn có thể cử động tay chân, chỉ đơn giản với việc gồng cơ bắp bằng cách nắm chặt hoặc bóp tay, chân, cơ sẽ căng lên làm ấm cơ thể, khiến mạch máu lưu thông tốt hơn. Nên tập cử động tăng dần, thời lượng cũng tăng lên mỗi ngày; bắt đầu từ bàn chân/tay đến cẳng tay/chân, di chuyển dần vào vai, đùi, háng; kế tiếp là nghiêng người sang trái, phải; ngồi dậy và đi lại. Trường hợp sức khỏe người bệnh kém, bị đau nhiều, với người lớn tuổi thì người nhà tham khảo hướng dẫn của bác sĩ để có hỗ trợ phù hợp.
Với những phẫu thuật ở ổ bụng, sau khi vết mổ đã được cắt chỉ và liền da tốt, người bệnh còn cần tập tăng lực cho cơ bụng.
Vận động tiêu hóa: với những cuộc mổ không liên quan đến đường tiêu hóa, người bệnh nên sớm ăn uống, ngay cả khi không thèm ăn, để kích thích tiết dịch vị, giúp hệ tiêu hóa sớm hoạt động trở lại. Người bệnh có thể bắt đầu bằng việc uống nước, ăn cháo đường, cháo thịt hoặc xúp.
Việc luyện tập phải được tiếp diễn liên tục sau thời gian người bệnh xuất viện. Nên vận động nhẹ nhàng, tránh làm những việc nặng và gắng sức. Nếu thấy đau bất thường thì sớm gặp bác sĩ để được tư vấn.
An Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét