Bí quyết “chinh phục” mọi cuộc phỏng vấn

Đã bao giờ bạn đối mặt trực tiếp với cả một hội đồng phỏng vấn hay tham gia phỏng vấn cùng 6 ứng viên khác? Những kiểu phỏng vấn như vậy ngày càng phổ biến và chắc hẳn sẽ có thời điểm bạn phải trải qua.


Sự hứng khởi và lo lắng thường song hành cùng nhau khi bạn tham gia bất cứ cuộc phỏng vấn nào. Và nếu hình thức cuộc phỏng vấn khác lạ với những gì thường làm, mức độ lo lắng càng cao.


Dưới đây là 4 kiểu phỏng vấn ít phổ biến hơn bạn có thể gặp phải và một số “bí kíp” để vượt qua một cách thành công:

1. Phỏng vấn với hội đồng tuyển dụng
Bạn sẽ ngồi phỏng vấn cùng một nhóm người có chức vụ cao trong công ty và họ thi nhau đặt câu hỏi cho bạn. Mục đích của kiểu phỏng vấn này là kiểm tra xem bạn kiểm soát tình huống căng thẳng ra sao và liệu bạn có thể nhanh chóng thích ứng với những nhà lãnh đạo cũng như văn hóa công ty hay không.

Cách vượt qua:
Cách phỏng vấn này có vẻ đáng sợ nhưng có một cách đơn giản để vượt qua một cách thành công: hỏi xem ai sẽ phỏng vấn bạn khi công ty sắp lịch phỏng vấn.

Sau đó, tìm hiểu từng người thông qua các mạng lưới xã hội hoặc website công ty, từ đó bạn có thể điều chỉnh cách trả lời của mình với từng người hỏi. Chẳng hạn, trưởng phòng kinh doanh sẽ có những ưu tiên khác nhau với trưởng phòng nhân sự.

Khi bước vào phòng phỏng vấn, hãy chú ý tới từng người trong hội đồng. Nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện, tập trung nhiều hơn vào người đặt câu hỏi. Bạn có thể gọi từng người bằng tên và đừng ngại đặt câu hỏi. Đó là cách để kết nối tất cả hội đồng và biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc nói chuyện thân mật hơn.

Sau cuộc phỏng vấn, hãy gửi thư/email cảm ơn tới từng người, nhớ tạo sự khác biệt cho mỗi bức thư để người nhận cảm thấy mình đặc biệt hơn.

2. Phỏng vấn theo nhóm
Đây là cách phỏng vấn mà bạn ngồi cùng một vài ứng viên khác và tất cả đều cố gắng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Công ty thực hiện cách phỏng vấn này nhằm tiết kiệm thời gian nên bạn cần phải tìm cách để nổi bật hơn và thể hiện mình biết cách là một thành viên xuất sắc trong nhóm.

Cách vượt qua:
Hãy coi những người cùng tham gia phỏng vấn là đồng nghiệp mới thay vì "đối thủ" của mình và hành động một cách thích hợp. Không ngắt lời ứng viên khác và tiếp nối câu chuyện nếu có ai đó ngắt lời bạn.

Hãy chuẩn bị nhiều phương án trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn phổ biến để khi nếu bạn là người thứ ba trả lời cùng một câu hỏi, bạn sẽ có một câu hỏi mới mẻ và sâu sắc.

Bạn có thể được yêu cầu hoàn thành một dự án nhỏ theo nhóm trong cuộc phỏng vấn. Khi đó, hãy tập trung thể hiện kỹ năng hợp tác thay vì ép cả nhóm làm theo ý kiến của bạn. Nhà tuyển dụng tìm kiếm những ứng viên biết cách hợp tác.

3. Phỏng vấn tại hội chợ việc làm
Tại hội chợ việc làm, bạn sẽ chỉ có 5-10 phút để phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Trong thời gian ít ỏi đó, bạn phải gây ấn tượng tốt và khiến nhà tuyển dụng phải liên lạc lại để tìm hiểu thêm về bạn.

Cách vượt qua:
Nhiều người tìm việc thường xem nhẹ cuộc phỏng vấn kiểu này khi ăn mặc xuề xòa, chuẩn bị hồ sơ qua loa… Để tạo ấn tượng tốt, bạn nên chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy mình đã dành thời gian để nghiên cứu về công ty. Các hội chợ việc làm thường công bố những công ty tham gia trước sự kiện, hãy tận dụng thông tin này.

Trong cuộc phỏng vấn, hãy giải thích ngắn gọn kinh nghiệm của bạn có thể đóng góp ra sao cho công ty và đặt ra những câu hỏi ý nghĩa. Kết thúc cuộc phỏng vấn bằng cách thể hiện bạn muốn có cơ hội để có một phỏng vấn dài hơn. Sau đó, nhớ lấy danh thiếp của người phỏng vấn và tiếp tục “tấn công” bằng email cảm ơn.

4. Phỏng vấn “lần thứ n”
Trong thị trường lao động khắc nghiệt, bạn có thể trải qua 5-6 cuộc phỏng vấn liên tục mà vẫn chưa thành công. Quá trình này kéo dài sẽ khiến tinh thần bạn đi xuống.

Cách vượt qua:
Để duy trì động lực, hãy phát triển một lộ trình “tiền phỏng vấn” giúp bạn bình tĩnh và lạc quan. Bạn có thể viết ra lý do bạn muốn công việc đó hay hít thở thật sâu trước khi bước vào cuộc phỏng vấn tiếp theo. Quan trọng hơn, đừng dừng quá trình tìm việc, có thể may mắn sẽ đến với bạn ở cuộc phỏng vấn tiếp theo.


VŨ HUYỀN (Theo CareerBuilder.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét