Khi xem xét hồ sơ ứng tuyển, nhà tuyển dụng sẽ thẳng tay loại bỏ những CV cứng nhắc, nhàm chán. Đó là lý do nhiều ứng viên thêm phần "Sở thích" vào cuối CV.
Sở thích như một món gia vị khiến CV của bạn thêm phong phú và hấp dẫn. Khi phỏng vấn, nói về những sở thích có thể khiến cuộc nói chuyện bớt cứng nhắc và căng thẳng hơn là chỉ nói về kinh nghiệm, kỹ năng. Hơn nữa qua sở thích, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn có thể hòa hợp được với văn hóa công ty hay không.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp phần "sở thích" thực sự mang lại hiệu quả cho CV và gia tăng cơ hội tìm việc thành công cho bạn:
Tìm hiểu về công ty
Trước khi gửi CV cho nhà tuyển dụng, hãy nghiên cứu công ty để xem loại hình văn hóa ở đó như thế nào. Từ đó, tận dụng kết quả tìm được để tạo sự kết nối với phần "sở thích" trong CV của bạn. Chẳng hạn, nếu công ty đó là một môi trường làm việc với nhiều người trung niên, bạn không nên liệt kê những sở thích “khó hiểu” với họ như chụp ảnh mọi lúc mọi nơi, tham gia các mạng xã hội… nếu công việc của bạn không liên quan tới những lĩnh vực đó.
Thay vào đó, hãy chứng tỏ cho họ thấy bạn có những yếu tố của một nhân viên tiềm năng, độc đáo, phù hợp với văn hóa công ty được thể hiện qua sở thích của bạn.
Tránh liệt kê những sở thích “trẻ con”
Bên cạnh những sở thích không phù hợp với văn hóa công ty, bạn cũng nên tránh những sở thích “trẻ con”, thể hiện sự thiếu chín chắn của bản thân như đọc truyện tranh, chơi điện tử, xem phim hoạt hình… Dù có thể những sở thích đó giúp bạn giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống và được hình thành từ khi bạn còn nhỏ, nhưng liệt kê chúng trong một tài liệu đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chín chắn như CV là không nên. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn chưa sẵn sàng để làm việc như một người trưởng thành nếu viết những sở thích như vậy.
Nhấn mạnh những sở thích độc đáo
Điều gì là niềm vui của bạn? Bạn có phải là người thích chạy marathon? Bạn có chơi trống hay ghita? Hay bạn thích làm vườn? Là một người thích leo núi? Thích cưỡi ngựa? Bạn quan tâm tới vấn đề gì? Điều gì đặc biệt bạn thường làm khi rảnh rỗi?... Một sở thích độc đáo sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn thiện cảm và gần gũi hơn về bạn.
Đặc biệt, sở thích góp phần không nhỏ cho nhà tuyển dụng biết được tính cách của bạn trong công việc. Chẳng hạn, những sở thích như đi du lịch hay các hoạt động thể thao ngoài trời mạnh mẽ phản ánh một con người cởi mở, tiến bộ; sở thích hoạt động với tư cách huấn luyện viên đội bóng nhí thể hiện sự gắn bó và kỹ năng quản lý thời gian tốt...
Một cách gián tiếp, sở thích của bạn nên tương đương với một lý do tại sao bạn là một ứng viên tuyệt vời cho công việc. Nói chung, nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy yếu tố “con người” trong CV của bạn qua phần "Sở thích".
VŨ HUYỀN (Theo CareerBliss)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét