Không ai muốn bị mất việc, nhưng với tình hình kinh tế hiện tại thì ai cũng có thể bị rơi vào tình huống này. Nên làm gì khi bị mất việc? Sau đây là một số gợi ý :
<!-- more -->
1. Cố gắng suy nghĩ tích cực
Một khi bị mất việc, bạn có thể tự nhủ rằng điều tồi tệ nhất đã xảy ra, bạn đã chạm đáy, và khi đã ở đáy, thì từ nay trở đi bạn chỉ có thể tốt hơn. Do vậy, bạn không nên quá hấp tấp hay lo toan điều gì, mà hãy bình tĩnh và suy nghĩ tích cực hơn về tương lai.
Bạn nên kiểm tra lại nguồn tài chính cá nhân, kiểm soát chi phí hàng ngày sát hơn. Bằng cách lập kế hoạch chi tiêu chính xác, bạn có thể tính toán được bạn có thể sống ổn định được trong thời gian bao lâu khi không có việc mà không cần sự trợ giúp của người khác.
Hãy phân tích tình huống hiện tại của bạn : những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro của chính mình trong giai đoạn 6-12 tháng tới. Từ đây, bạn có thể tự đưa ra được kế họach cần làm gì để có được việc làm. Kế họach này nên vạch rõ:
- Bạn muốn làm gì trong vòng 6-12 tháng tới: làm công ăn lương hay làm chủ?
- Bạn muốn làm trong lĩnh vực gì và công việc gì?
- Bạn có đủ kiến thức và kinh nghiệm cho vị trí mong muốn hay cần bổ sung thêm điều gì?
- Bạn cần có thu nhập tối thiểu mỗi tháng bao nhiêu?
2. Chuyên sâu và linh hoạt
Khi sự canh tranh tăng lên, bạn cần tìm hiểu thật rõ lại lĩnh vực mà bạn mong muốn tìm việc. Kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực là một trong những vũ khí sắc bén để dành được công việc mong muốn. Hãy tranh thủ thời gian chưa có việc để trao dồi những kiến thức mà bạn đã phân tích và cho rằng mình cần cho công việc đang hướng đến, đây là thời gian lý tưởng nhất để bạn học đấy.
Bản thân mỗi cá nhân đã phải tiết kiệm chi phí, thì dĩ nhiên các doanh nghiệp cũng vậy. Do đó các bạn nên tìm hiểu rõ hơn về vị trí mình ứng tuyển và sẳn sàng làm việc với một mức lương phù hợp với điều kiện mới, để có thể thuyết phục đơn vị tuyển dụng mà lại không làm bạn mất đi cơ hội có thu nhập. Lương thử việc có thể ở mức thấp hơn khả năng của bạn và vị trí ứng tuyển, nhưng bù lại bạn hãy tự tin để đề nghị một mức lương xứng đáng khi bạn chứng minh được khả năng của mình.
Ngoài ra, đừng quá cứng nhắc với mong muốn tìm được một việc làm trọn thời gian. Việc làm cho dự án ngắn hạn, việc bán thời gian hoặc tự do (freelance) là những con đường giúp bạn có thu nhập và là một trong những chìa khóa bước vào nhiều doanh nghiệp.
3. Đứng ngoài để quan sát
Bạn nên quan sát những doanh nghiệp trong lĩnh vực mà mình muốn ứng tuyển. Hãy cố gắng sử dụng dịch vụ/sản phẩm của doanh nghiệp mình hướng đến và đặt mình là một người khách hàng : tự hỏi tại sao sản phẩm hay dịch vụ họ chưa tiêu thụ tốt? Do chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay khâu chăm sóc khách hàng? Đừng ngại đưa ra những ý kiến giải pháp - càng đơn giản càng tốt - để giúp họ khắc phục.
Có rất nhiều điểm yếu mà chính bản thân doanh nghiệp, người trong cuộc khó nhìn ra và tìm ra giải pháp. Những giải pháp này có thể lại rất đơn giản, bạn có thể viết thư, e-mail hoặc gọi điện nói chuyện với lãnh đạo doanh nghiệp để nói về ý kiến của mình.
Tôi biết có nhiều người đã thành công bằng phương pháp này, bởi vì bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng muốn tìm những nhân viên năng động, sáng tạo và biết đề xuất, để làm cho doanh nghiệp họat động tốt hơn.
4. Mở rộng tiếp thị cá nhân
Có rất nhiều kênh thông tin miễn phí mà bạn có thể tự quảng bá cá nhân. Trước hết, hãy chuẩn bị cho mình một bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh và cẩn thận, kèm theo một tấm hình chân dung trang trọng, cập nhật mới nhất. Và hãy vận dụng các kênh miễn phí như:
- Các trang tuyển dụng trên mạng miễn phí cho người tìm việc.
- Đăng tuyển dụng miễn phí trên các báo.
- Các diễn đàn trên mạng, blog chuyên về lĩnh vực mình hướng đến (nhớ luôn kèm theo thông tin liên lạc).
- Các ghi chú ý kiến bạn đọc sau các bài báo trên các trang tin điện tử.
- Trao đổi thông tin, gặp gỡ, gởi e-mail bạn bè, người thân nhiều hơn để hỏi thăm họ về thông tin tuyển dụng và giới thiệu.
5. Hay khởi nghiệp kinh doanh?
Rất nhiều doanh nghiệp thành công đã bắt đầu gây dựng trong những thời kỳ kinh tế khó khăn. Nếu bạn có năng lực và kinh nghiệm về lĩnh vực của mình, tại sao bạn không khởi nghiệp kinh doanh cho chính mình, khi mà:
- Mọi thứ bạn cần để đầu tư đang rẻ hơn kể cả nhân lực
- Ít đối thủ cạnh tranh hơn
- Việc kinh doanh của bạn dễ nhận được ủng hộ của nhiều người. Thương lượng với các đối tác, nhà cung cấp cũng dễ hơn, giá thành hấp dẫn hơn và có thể hạn mức thanh toán cũng tốt hơn. Khách hàng có thể cũng đang tìm các đối tác hiệu quả hơn.
- Dễ tìm được nhân viên tốt hơn.
6. Thời gian là vàng
Bạn hãy nhanh lên, thời gian không đợi chúng ta, cố gắng nỗ lực tối đa, vì mỗi giây phút chậm bạn sẽ càng gặp nhiều đối thủ cùng phấn đấu cho công việc bạn đang mong muốn.
Dù kinh tế có khó khăn đến mấy, thì vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, có thể có rất nhiều người chưa tìm được việc làm, nhưng chính bạn có thể là người tạo ra sự khác biệt, vì vậy, hãy tự tin và phấn đấu.
Huỳnh Dư An
Home »
Góc Giao lưu- Tâm Sự - Chia sẻ kinh nghiệm
» Những việc nên làm khi bị mất việc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét