Nguyễn Bùi Hữu Nghĩa tại San Francisco |
Một 9X Việt từng sớm trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống nhưng vẫn kiên trì theo đuổi đam mê. Bạn nói: “Không có những thất bại, chẳng thể có tôi của ngày hôm nay”.
Đó là Nguyễn Bùi Hữu Nghĩa (24 tuổi), hiện làm việc cho Google ở thung lũng Silicon, Mỹ.
Thất bại đầu đời
“Rất thông minh, chịu khó và thường gây ấn tượng bởi những lời giải độc đáo, có thể nói Nghĩa là một trong những học trò xuất sắc nhất của tôi thời còn dạy ở đội tuyển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng)” - tiến sĩ Nguyễn Duy Thái Sơn (khoa toán ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nói về cậu học trò của mình.
“Những năm cấp III, mỗi ngày tôi đều dành 10 tiếng bên sách toán dù trước đó sức học khá đều (giải nhất môn toán và tin, giải ba môn lý cấp thành phố). Môn này khó nhằn nhưng tôi lại mê mẩn tính logic trong sáng, coi nó như hơi thở...”, Nghĩa giải thích về việc thường chong đèn học toán tới 2-3g sáng.
Vậy mà trái với mọi kỳ vọng, cả hai lần tham dự giải học sinh giỏi quốc gia năm 2007 và 2008, Nghĩa đều trở về trắng tay. Hụt hẫng và thất vọng. Thất bại ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng kéo trôi cơ hội học bổng du học khỏi tầm tay Nghĩa.
Tốt nghiệp cấp III, Nghĩa tiếp tục chọn học môn toán tại Trường cao đẳng cộng đồng Diablo Valley (Hoa Kỳ).
Thắng
Nghĩa học ngày đêm ngay khi vừa đặt chân sang Mỹ. Chỉ trong hai năm đầu, Nghĩa liên tiếp đạt được chuỗi dài giải thưởng: học bổng thành tích thi toán cao điểm nhất trường, học bổng sinh viên xuất sắc Alpha Gamma Sigma, xếp hạng 17 trong cuộc thi giải toán dành cho sinh viên khối trường cao đẳng cộng đồng toàn nước Mỹ...
Cùng với điểm số luôn duy trì ở mức tuyệt đối (GPA 4.0/4.0), đầu năm thứ ba Nghĩa được chuyển tiếp vào ĐH Berkeley, một trong những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ.
Dù vậy, Nghĩa không khỏi... ớn lạnh khi nhớ về thời gian xin đi thực tập: “Tôi nộp hồ sơ cho rất nhiều công ty, có 15 nơi gọi đi phỏng vấn và họ lần lượt từ chối, lắc đầu! Không nản lòng, tôi làm lại hồ sơ, tham khảo thông tin từ người đi trước, đúc kết kinh nghiệm từ những lần phỏng vấn thất bại và tiếp tục... xông pha. Cuối cùng cũng có hai công ty nhận tôi vào thực tập, trong đó có Google!”.
Rồi Nghĩa tốt nghiệp thủ khoa toàn khóa 2013 (khoa khoa học vi tính) với điểm GPA 4.0/4.0, được nhận vào vị trí kỹ sư phần mềm ở Google (trụ sở chính ở thung lũng Silicon, San Francisco) mùa hè 2013.
“Tôi có dịp làm việc chung với Nghĩa vào năm 2012 và đặc biệt ấn tượng về anh. Nghĩa đã vượt qua nhiều ứng viên sáng giá để được chọn tham gia một dự án khoa học lớn của trường. Chưa dừng lại ở đó, Nghĩa còn được Google tuyển dụng trước khi tốt nghiệp, thành quả đó rất ấn tượng. Tôi tin Nghĩa hoàn toàn đủ khả năng để vươn xa” - tiến sĩ Sergio Guadarrama (khoa điện tử và khoa học vi tính ĐH Berkeley) nói về Nghĩa.
Hàm ơn sự thất bại
Nói về quyết định chọn Google và lắc đầu trước một số công ty khác, Nghĩa giải thích: “Google rất mạnh tay chi tiền cho những nghiên cứu công nghệ rất mạo hiểm như: kính Google, xe không người lái, dự án Internet qua khinh khí cầu... dù họ từng có những dự án lớn thất bại (ví dụ Google Wave) và tiêu tốn rất nhiều kinh phí, công sức. Thái độ dám chấp nhận thất bại để vươn lên của họ khiến tôi đồng cảm, đặt niềm tin và chọn nơi này để đầu quân”.
Ngược lại với nhiều người, Nghĩa luôn hàm ơn những thất bại mà bản thân từng va vấp. Với Nghĩa, sau mỗi thất bại bạn lại hiểu rõ hơn về bản thân cũng như có thêm một trải nghiệm sống giá trị. Và cũng chỉ qua thất bại, Nghĩa mới “thử lửa” được đam mê để kiên định, tự tin hơn với con đường của mình.
CÔNG NHẬT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét