Home » » Những điều chưa biết về căng da mặt

Những điều chưa biết về căng da mặt

Tìm cách duy trì nét thanh xuân của khuôn mặt, chống lại tiến trình lão hóa, là ước mong của mọi giới và mọi lứa tuổi. Cho đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, phẫu thuật căng da mặt vẫn được xem là cách tối ưu trong việc giữ cho khuôn mặt không bị chảy xệ và níu kéo tuổi xuân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hậu quả để lại đôi khi gây biến dạng gương mặt một cách đáng sợ.
<!-- more -->
Các kỹ thuật căng da
Từ năm 2006, thế giới bắt đầu tìm đến các công nghệ RF, đỉnh cao là Thermage với mục đích chống chảy xệ và làm sáng da. Phương pháp sóng RF còn nhằm khắc phục điểm yếu của phẫu thuật là mất tự nhiên, vẻ mặt đơ cứng, không còn biểu lộ cảm xúc.

Một dạng khác được xem là có thể thay thế phẫu thuật căng da là công nghệ laser, đó là sự khuếch đại bức xạ của ánh sáng. Laser cũng được xem là thành tựu trong việc gìn giữ khuôn mặt không còn nhăn thông qua tác động lên lớp cơ bám da.

Dù có nhiều ưu thế hơn so với phẫu thuật căng da, thế nhưng công nghệ RF chỉ có thể duy trì một thời gian ngắn, bởi kết quả còn tùy thuộc nhiều vào cảm giác chủ quan của bệnh nhân. Có nghĩa là, để da mặt săn chắc tối đa, người đi làm đẹp phải chịu được sức nóng cao của công nghệ Thermage, nếu chỉ chịu đựng sức nóng thấp, đồng nghĩa với thất bại. Kinh nghiệm cho thấy, rất ít người chịu được độ nóng này, vì thế, không phát huy tối đa sự trẻ hóa mà máy móc đã thiết kế.

Còn với công nghệ laser, có hai tác dụng phụ xảy ra với tần suất 50%: đó là sạm da và tăng sắc tố. Điều đó đồng nghĩa, các bác sĩ không dám sử dụng bước sóng đúng cho trị liệu căng da mặt.



Nâng cơ bằng chỉ
Giải pháp thay thế được xem là tối ưu nhất ra đời khoảng bốn năm trở lại đây và chỉ áp dụng tại Việt Nam khoảng 1,5 năm nay là chỉ căng da mặt PDO ( polydioxanone), một dạng chỉ sử dụng trong phẫu thuật, dành cho việc may các vết thương.

Chỉ tự tiêu PDO là dạng chỉ được luồn vào trong một cây kim (giống kim tiêm) với chiều dài thích hợp. Các sợi chỉ mảnh như sợi tóc, được cấy nhẹ nhàng dưới da (lớp hạ bì), không gây cảm giác đau và sợi chỉ có thể tự tiêu sau sáu-tám tháng.
Khi thực hiện, bác sĩ sẽ chích và luồn kim dưới da vùng má, các vết nhăn vùng miệng, nếp nhăn vùng trán, các vết chân chim vùng đuôi mắt. Sau khi rút kim ra, chỉ PDO sẽ được giữ lại trong da, có tác dụng nâng cơ nhanh chóng. Ngoài ra, chỉ còn kích thích các mô hạ bì tăng tổng hợp collagen và elastin, có tác dụng làm căng mịn da và trẻ hóa làn da. Mọi thao tác thực hiện đều hết sức đơn giản và nhanh chóng.

Phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho trường hợp phòng ngừa chảy xệ cũng như cho người đã chảy xệ nhiều. Ngoài ra, việc dùng chỉ căng da có thể áp dụng trên da cổ, vốn rất phức tạp. Điểm nổi bật của phương pháp là giữ độ săn chắc của da mặt lâu dài, từ 4-5 năm và cải thiện được độ sáng của da rõ rệt. Thực tế cho thấy, phương pháp này mới sử dụng phổ biến khoảng bốn năm trở lại đây, nên việc kéo dài mức độ trẻ hóa da có đúng với quảng cáo hay không vẫn chưa các bác sĩ nào mạnh dạn khẳng định. Dù rất ít người bị dị ứng với chỉ căng da, thế nhưng, cũng tùy theo cơ địa, có người chỉ không tiêu được, khi ấy, bác sĩ buộc phải lấy chỉ ra, gây tốn kém cho người làm đẹp.

BS Phạm Xuân Khiêm (BV thẩm mỹ Emcas TP.HCM)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét