Home » » Nối ghép những mảnh đời sau hơn 40 năm lưu lạc

Nối ghép những mảnh đời sau hơn 40 năm lưu lạc

Như một phép mầu khi những dòng thông tin trên báo Dân trí được đăng tải về bài viết “Mẹ và những trang nhật ký chưa viết”. Điều lạ lùng, sau khi báo đăng những tia hy vọng, những thông tin và những mảnh ghép của cuộc trùng phùng đang dần trở thành hiện thực.

Chân dung cựu chiến binh Võ Hạnh.
Chân dung cựu chiến binh Võ Hạnh.

Tôi đã từng tin vào lời khuyên ấy nhưng đã có lúc tôi thất vọng và dường như vô phương trong cuộc tìm kiếm người thân của gia đình bị thất lạc sau bốn mươi năm bởi chiến chinh. Nhưng rồi, vào một đêm, như là một định mệnh - một tia hy vọng lóe lên và bừng sáng trong tôi! Điều kỳ diệu đã đến và hôm nay đây tôi vẫn cứ tưởng là mình đang sống trong một câu chuyện cổ tích!
Kể từ hôm báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết: “Mẹ và những trang nhật ký chưa viết”. Tôi lướt đọc lại nhưng tim bỗng như muốn ngưng đập - “Anh chết thật rồi sao? Anh Thạnh ơi...”. Tại sao không phải là một cái tên khác mà lại là “...Anh Thạnh”? Và rồi, từng chữ, từng lời trong bài viết dường như dẫn tôi trở về với câu chuyện của người ông ngoại - câu chuyện về người em trai liệt sỹ và cô em dâu sau gần sáu mươi năm lưu lạc.
Tôi không thể nhớ hồi ấy là năm tôi bao nhiêu tuổi, nhưng câu chuyện mà ông ngoại tôi kể cho tôi ngày ấy thì lại in sâu vào tâm khảm tôi không thể mờ phai. Gia đình ông ngoại tôi có ba trai, một gái; người anh cả là Võ Hiếu, ông ngoại tôi thứ hai là Võ Hạnh, ông Thạnh là người con thứ ba và cô út tên Sang.
Cha của ông ngoại tôi mất sớm và khi cô út Sang lên sáu tuổi thì bà mẹ cũng qua đời. Vào một buổi chiều, sau ba ngày chôn cất mẹ, ba người anh trai lén gửi út Sang lại cho một nhà hàng xóm rồi rủ nhau trốn lên Núi Chúa theo kháng chiến và cuộc ly tán của gia đình ông tôi bắt đầu từ đó.
Sau một năm thì ông Hiếu bị giặc Pháp bắt và bị xử bắn cùng với 26 du kích ngay tại chân núi Chúa. Một năm sau nữa, ông ngoại tôi cũng bị địch bắt và đày ra Côn Đảo với án tù 10 năm. Còn ông Thạnh thì được tập kết ra miền Bắc.
Ông ngoại tôi kể ngày ông đặt chân lên Côn Đảo cũng là ngày địch xử bắn chị Võ Thị Sáu. Ông tôi cùng với một số tù nhân tìm cách vượt ngục nhiều lần nhưng thất bại. Sau mỗi lần vượt ngục bại lộ ông bị địch tra tấn hết sức dã man.
Chân dung liệt sỹ Võ Thạnh.
Chân dung liệt sỹ Võ Thạnh.
Năm 1963, ông tôi mãn hạn tù và được trả tự do, rồi lại tìm cách bắt liên lạc với cách mạng. Ông tôi được tổ chức phân công trở lại hoạt động bí mật tại xã Văn Hải, nay là phường Văn Hải của TP Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Thời gian này, làng quê của ông tôi là thôn Thái An thuộc xã Thuận Mỹ, huyện Thuận Bắc, nay là huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã bị địch dồn dân lập ấp để cách ly với chiến khu cách mạng núi Chúa. Cô út Sang theo nhà hàng xóm dạt về Dư Khánh cách quê cũ ba mươi cây số. Chồng cô út cũng đi theo cách mạng và đã hy sinh ngoài mặt trận.
Ông ngoại tôi lấy vợ tại vùng quê mà ông nằm vùng hoạt động. Vào những năm ấy, trong bối cảnh khốc liệt của cuộc chiến và cảnh mưu sinh vì gia đình, ông tôi chưa kịp nghĩ đến việc liên lạc tìm người thân thì vào một ngày của năm 1968, một người phụ nữ dắt hai đứa con nhỏ tìm đến nhà ông tôi và họ đã nhận ra anh em-người phụ nữ đó chính là út Sang của ông ngoại tôi.
“Sao mấy anh ác quá vậy, sao ngày ấy không dẫn theo em lên núi Chúa mà bỏ em lại một mình...”- Cô Út nghẹn ngào nức nở, họ ôm nhau cùng khóc.
Miền Nam giải phóng, ngày vui chưa được tày gang thì bà Sang nhận được một lá thư từ Nghệ An gửi vào. Người viết thư, bà Lê Thị Tuyết Mai nhận là vợ của liệt sỹ Võ Văn Thạnh và kể rõ ngày tháng năm chồng bà hy sinh. Ông ngoại tôi lập tức viết thư về nông trường Hạnh Lâm (ở Nghệ An) - nơi cô em dâu đang công tác nhưng không hiểu sao lá thư bị trả lại.
Vậy là manh mối để tìm người em dâu và tung tích người em trai liệt sỹ của ông ngoại tôi lại mất hút nhưng nỗi niềm mong ngóng tìm lại người thân vẫn khắc khoải nung nấu trong lòng ông ngoại tôi.
Vào một ngày mưa rơi rả rích khoảng năm 2001-2002 đoàn thanh niên nơi ông ngoại tôi làm chủ tịch xã đi thăm nghĩa trang Trường Sơn và tình cờ tìm được ngôi mộ của ông Thạnh. Hy vọng để tìm được người em dâu, người đang thờ phụng liệt sỹ Thạnh lại được nhen lên.
 
Bằng tổ quốc ghi công liệt sỹ Võ Hiếu.
Bằng tổ quốc ghi công liệt sỹ Võ Hiếu.
Ông ngoại tôi bệnh tình và ngày một già yếu, ông kể hết những gì liên quan đến ông Thạnh cho tôi nghe và hy vọng đứa cháu ngoại có thể làm được điều ông ao ước. Từ đó, trong suốt cả thời gian đang ở trong trường đại học cho đến ngày ra trường, bằng mọi cách tôi cố tìm kiếm thông tin về quê của bà Mai.
Người ta bảo rằng nơi đó là rừng núi heo hút khó tìm lắm; tôi hỏi tin tức về người phụ nữ Lê Thị Tuyết Mai ở nông trường Hạnh Lâm thì người ta nói không có địa chỉ ấy. Tôi gọi điện hỏi Sở Lao động thương binh và Xã hội Nghệ An, người ta bảo nông trường đã giải thể. Tôi không nhớ là đã gọi đến bao nhiêu số điện thoại nhưng rồi cũng chỉ nhận được những câu trả lời: Không có, không biết, đã giải thể...
Khi mọi hy vọng, tim đèn le lói trước cơn bão lớn với tôi dường như đang dần tắt lại thì bỗng dưng nó được thổi bùng lên trong cái đêm kỳ diệu ấy. Cái đêm mà bài đăng trên báo điện tử Dân trí đã có rất nhiều cuộc điện thoại về hỏi thăm, động viên tôi. Trong số đó, có những người ở tận trời Nam (Sài Gòn) đã tiết lộ cho tôi biết tất cả các địa danh, tên các nhân vật và tình tiết câu chuyện là có thật được viết dựa theo ba cuốn nhật ký của bà Lê Thị Tuyết Mai - vợ của liệt sỹ Thạnh và một phần qua lời kể của cô giáo Phan Thị Hằng, con của bà Mai hiện đang thay mẹ thờ phụng Liệt sỹ Thạnh.
Bà Mai vợ liệt sỹ Thạnh và Bằng Tổ quốc ghi công.
Bà Mai vợ liệt sỹ Thạnh và Bằng Tổ quốc ghi công.
Và tôi, được PV báo điện tử Dân trí thường trú tại Nghệ An cho số điện thoại của cô Hằng - người đã đọc bài trên báo Dân trí khẳng định những tình tiết, cốt truyện trong bài viết trên là người thân của mình. Rồi những sau đó, những cuộc đàm thoại giữa tôi và Hằng chỉ là nước mắt và nước mắt vì chúng tôi quá hạnh phúc bởi tất cả các thông tin qua lại của hai gia đình đều trùng khớp.
Sau đó tôi còn gửi bút tích lá thư của Bà Mai gửi vào năm 1975 và di ảnh của ông Thạnh cho cô Hằng “giám định” và đối chiếu - Tất nhiên là không có gì sai sót.
Ông ngoại tôi vui lắm, niềm vui không thể nào tả nổi. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má tuổi tác của ông ngoại tôi - Những giọt nước mắt hạnh phúc của sự đoàn tụ trở về; nước mắt của một quá khứ thương đau, ly tán!
Tôi cũng khóc, tôi khóc vì đã tìm thấy ông Tư Thạnh của tôi, tìm được bà Mai người vợ Liệt sỹ, người đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình để chờ chồng, tìm chồng và thờ chồng suốt cả cuộc đời. Tôi khóc vì quá hạnh phúc bởi biết thêm ở cuộc đời này có những người phụ nữ can trường chịu đựng, hy sinh và thủy chung như bà Mai, như cô giáo Hằng.
Trong những ngày chờ đợi cuộc gặp gỡ đoàn tụ của hai gia đình, tôi vội vã kể lại câu chuyện này và một lần nữa mong bạn đọc hãy chia vui với gia đình chúng tôi; và mong những gia đình khác có hoàn cảnh tương tự xin hãy đừng thôi hy vọng - Hãy tin vào cuộc đời, vào những điều tốt đẹp của ngày mai. Xin cảm ơn báo Dân trí đã làm chiếc cầu nối kỳ diệu cho sự gặp gỡ đoàn tụ của những cuộc đời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét