Hồi bé, cứ mỗi chiều mong ngóng mẹ tan làm, để được sà ngay vào lòng mẹ, cứ thế hít hà thứ mồ hôi muối chua chua khen khét bụi đường, cười tít mắt khi được mẹ cho quà là cái kẹo, quả cam, vừa được ăn vừa được mẹ ôm đã thấy thật hạnh phúc.
Lớn lên một chút, lại nghĩ hạnh phúc thật xa xôi. Cái tuổi ổi ương mơ mộng xui khiến đi kiếm tìm, hạnh phúc như điều gì đó mơ hồ, lớn lao, xa tít tắp.
Thêm mười năm nữa đắp cho tuổi ô mai thêm vốn sống, thảng thốt nhận ra rằng hạnh phúc thật ra đơn giản lắm. Chiều cuối ngày quy tụ đủ gia đình, bố cười sảng khoái chơi đùa cùng các con trong khi mẹ tủm tỉm vừa nhìn ngắm “giặc trong nhà” vừa thoăn thoắt đôi bàn tay làm bữa tối. Ăn uống xong xuôi cả nhà chở nhau trên xe đi hóng mát phố phường, tạt quán cà phê quen hay tới thăm ông bà nội ngoại, để thấy ánh mắt già đang ủ rũ bỗng ngời sáng niềm vui. Tuổi già ấy mà, thấy cháu con về chính là hạnh phúc.
Thêm dăm năm nữa, vợ chồng đã tích được của ăn của để, không còn cả nhà chở nhau trên chiếc xe cà tàng đi hóng mát như hôm nào. Giờ đi xe bốn bánh, đổi nhà to hơn, người ngoài nhìn vào bảo “nhà này thật có phúc”. Thế mà chẳng thấy vui, vợ chồng tối ngày chúi đầu vào công việc, gặp nhau còn thấy khó, con cái bỏ cho người giúp việc, nhiều lúc thấy chúng thiếu tình thương mà không tìm ra được khoảng thời gian bù đắp. Đùng cái, chồng làm ăn thua lỗ, công ty vợ chuyển đổi nhân sự, tiền bạc trong nhà đội nón ra đi, mất nhà, mất cả xe. Cứ tưởng thôi thế vô phúc, ai ngờ, dắt díu nhau về với ông bà, căn nhà nhỏ lại rộn tiếng cười vui. Vợ chồng chăm chỉ làm lại từ đầu, hết tiền thuê giúp việc phải tự chăm con nhiều hơn, lại thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi các thành viên ở bên nhau, lại thấy mình hạnh phúc.
Cô bạn thân gọi điện bảo bố bạn đang nguy kịch, cả nhà đã về bên giường ông đông đủ nhưng ông chưa thể thanh thản ra đi. Mở mắt thì như không còn biết gì nhưng cứ nhắm là nước mắt lại ứa ra - ông đang đợi con gái út đi học xa nhà chưa kịp về bên bố. Bạn nhờ kiếm giúp một tấm vé máy bay... Sau nhiều nỗ lực cuối cùng cô út cũng về được đến nhà. Người bệnh thấy con thì khẽ cười, gật đầu trút hơi thở cuối cùng, thanh thản ra đi. Cả đời bác sống vui vẻ bên ba người phụ nữ là vợ và hai cô con gái. Căn bệnh nan y cướp bác đi khiến nhiều người khóc thương. Nhưng với số phận một con người, được sống bên những người mình yêu và chết trong vòng tay yêu thương của họ cũng chính là hạnh phúc.
Đứa em họ bỏ chồng, mới rồi tạt nhà chơi tíu tít kể chuyện, “giờ em thanh thản lắm, rũ bỏ được mọi phiền muộn trong lòng”. Nó vừa kiếm được một công việc tốt, đã ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống hai mẹ con. Có người còn thương, ngỏ ý muốn cùng nó nuôi dạy thằng cu Tút. Nhìn nó xinh đẹp, trẻ trung hẳn ra. Nhớ lại cảnh sống không bằng chết của nó với người chồng nghiện cờ bạc, gái gú trước đây, thấy nó bỏ chồng lại hóa hay. Hồi ấy, nó chẳng có lúc nào yên. Đi với gái thì chớ, cứ về đến nhà là thằng kia đánh nó nặc tiền. Vốn liếng vợ chồng có bao nhiêu nó đã khổ sở đưa hết cho chồng đi nuôi bố đề. Nhưng thằng kia lúc nào cũng nghĩ nó còn của chìm của nổi. Nhà chồng vô phúc không bảo được con giai, còn vào hùa bênh vực, bưng bít, cấm con dâu lu loa sợ mất mặt với xóm giềng. Nó cứ sợ con không bố thì khổ nên nhùng nhẵng mãi chẳng dám li dị. Giờ nó bảo: “Biết thế này, em giải tán sớm hơn!”.
Thế mới hay, hạnh phúc là gì còn tùy thuộc ở suy nghĩ của mỗi người. Chẳng có chuẩn mực nào cho hạnh phúc cả, càng không thể áp đặt sống như người này, người kia mới là hạnh phúc. Gia đình trọn vẹn hay khuyết thiếu, có đôi hay đơn côi, sướng khổ, giàu nghèo, miễn cái tâm mình còn thấy mình vui, thì có nghĩa là mình hạnh phúc. Đơn giản thế thôi, có đâu phải kiếm tìm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét