Hiển thị các bài đăng có nhãn Khi Lấy Chàng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khi Lấy Chàng. Hiển thị tất cả bài đăng

P07: Liên hiệp hội phụ nữ… đi đẻ

Số bà bầu kín đặc mấy phòng chờ đẻ đến tối cũng vắng hẳn. Giờ mỗi giường chỉ còn hai người, tráo đầu đuôi cũng có thể nằm nghỉ tí rồi. Có lẽ ngày xưa mọi người bảo mình cái miệng to hơn cái mặt chăng, mà tính đến 7g tối mình đã quen sạch cả bốn phòng chờ.
Hình như nỗi cô đơn và sợ hãi khiến các bà bầu dễ thân thiết nhau hơn. Khoác tay nhau đi lại khệ nệ trong hành lang vẫn còn vẳng tiếng khóc của trẻ và tiếng hét của một ai đó đang cố rặn. Những lời thì thầm rủ nhau trốn phòng chờ đẻ ra cổng tranh thủ gội đầu. Đâu đó có bà bầu không ăn được món nọ thì đổi món kia cho bà bầu khác rồi cùng cười.
Thi thoảng các y tá cũng nhắc nhở không được ăn đồ khó tiêu như trứng, cơm rang... để nhỡ đâu phải mổ đẻ lúc gây mê thức ăn dễ sộc lên thực quản, dễ sặc mà chết. Ai cũng vâng dạ răm rắp nghe theo. Ở đây không có tiếng nói của thời trang, ai cũng rũ rượi trong bộ đồng phục nát bét nhàu nhĩ của viện.
Hoa lá cành trên vải không còn nhìn rõ nữa. Áo buộc bằng dây nhưng có cái dây cũng không còn. Váy là hình chữ nhật cuốn tròn và có dây rút, bà nào với nhầm thì dây rút cũng thiếu, đành báo người nhà cho mượn cái kim băng. Mọi giày dép của bầu bị bỏ lại ngoài cửa, có mấy đôi dép lê tự bao giờ trở thành của chung. Ai leo lên giường thì mất dép. Đầu tóc ai cũng bù xù. Mà  lạ thật, biết bao nhiêu con người đấy, chẳng thấy ai chải đầu làm đẹp.
Đêm thứ nhất không thể ngủ được, hình như ai cũng vậy thì phải. Đèn thắp sáng trưng. Ngoài ô cửa sổ, người nhà của các nạn nhân đi đẻ vẫn ồn ã chuyện trò hoặc chới với căn dặn. Trong này, hành lang tiếng lết dép của các bà bầu đi lại, tiếng trẻ khóc ré lên mỗi lần xuất xưởng. Tiếng bà bầu ỉ ê rên rỉ hay khóc thét nghe miết cũng thành quen.
Thi thoảng tiếng dụng cụ y tế loảng xoảng trên chiếc xe kéo bằng inox đánh rầm một cái khi cô y tá kéo xe qua một khe hở gạch. Cứ hai tiếng một lần, hai cô xinh xinh thực tập viên đi nghe tim thai các mẹ. Vậy là  3g sáng cũng  như 3g chiều mà thôi. Ở đây, không có ngày và đêm.
Mấy đứa cùng nằm phòng chờ số 12 bắt đầu thân nhau nhưng cũng căng thẳng vô cùng. Vì phòng này nằm ngay cạnh phòng đẻ nên cứ giật mình thon thót sợ hãi. Ở đó có cái Nguyệt xinh nhất, có lẽ vì thế người nhà của nó cũng chiếm số đông nhất ngoài cửa sổ.
Cái Phương béo tròn dịu dàng thành phần gia quyến giống mình, chỉ có hai vợ chồng, một trong một ngoài thôi. Một cô bé nữa ở tỉnh xa về đây do thai bảy tháng vỡ ối mà chưa đẻ được, đã nằm trước hai ngày rồi. Và một bạn nữa có ông chồng lúc nào cũng lẩm bẩm:
- Nó đi đẻ còn ngủ được, mình chỉ đi theo thôi mà lại mất ngủ mới dở hơi chứ.
Anh chồng vui tính ấy luôn đứng chờ ở ô cửa cho vợ ăn hết khẩu phần ăn mang vào. Mua cháo chân giò cho vợ ngoài cổng, vào đến phòng thì còn cháo hết chân giò.
- Thôi anh về đi, cuộc chiến còn dài mà. Có gì em gọi điện cho. Bác sĩ bảo em còn lâu.
- Em còn cần gì nữa không? Có cần anh ở lại không?
- Không, em đủ rồi. Anh đi đi kẻo khuya.
- Ừ, anh về nhé.
Mình và chàng quyến luyến chia tay hệt như dạo mới yêu. Vậy mà có lúc mình cảm thấy những giây phút xao động ấy sau ngày cưới đã chết chỏng rồi. Mưa đông ướt đầy trên vai áo rét của chàng. Chàng vội vã đến mức tả tơi hai tay hai cặp lồng, đầu đội mũ bảo hiểm, túi áo nhét sữa, túi nilông, và giấy bút cái phồng to cái phồng bé.
Chàng bảo: đội mũ nặng thật nhưng cho nhanh, nhỡ đâu phải nhào đi hay đỡ phải mở cốp cất mũ. Kể ra đàn ông đi cổ vũ cho quy trình vượt cạn cũng khổ lắm, nhất lại vào đêm đông.
- Ơ, thế ông này về à? Không ở lại với chúng tôi cho vui. Yên tâm, có chỗ ngủ hết rồi. Khách sạn Hilton hẳn hoi nhé. Ở lại cho vui, ông ơi.
Anh cháo chân giò vỗ vai chàng và chỉ về phía dãy nhà mới xây còn bỏ hoang đối diện dãy nhà chờ đẻ. Ở đó mấy ông chồng phụ tá liên hiệp hội phụ nữ phòng 12 đã rải sẵn những chiếc áo mưa ra nằm rồi. Hóa ra ở ngoài hành lang mưa gió ấy, các ông chồng cũng có hội có thuyền.
Thân ơi là thân.
Ngày thứ hai
Nếu có ai phỏng vấn xem cái gì ấn tượng nhất ở bệnh viện phụ sản thì chắc mình sẽ trả lời: nhà vệ sinh. Trời ơi, trời có xuống đây đi đẻ cũng không thể tưởng tượng được. Gần một trăm con người nơi đây mệt mỏi chờ đợi một cái nhà vệ sinh duy nhất. Bẩn dễ thương chứ nếu miêu tả là dễ sợ thì quá xoàng xĩnh.
Nỗi khiếp sợ thứ hai của các bầu con so là những lần giao ca khám nhận. Hai ngón tay của bác sĩ thì quen rồi nhưng cái lối ra cho em bé thì chưa quen. Vậy là mỗi lần khám xét, khua khoắng, bà bầu nào cũng nhắm tịt cả mắt, khó chịu đến rùng mình. Đứa nào cũng đùn đẩy nhau lên bàn đầu tiên. Vì không phải chỉ có bác sĩ khua khoắng, mà còn có cả bác sĩ thực tập khua khoắng. Người ta gọi họ là… sinh viên thực tập.
- Yên tâm, đêm nay sẽ đẻ!
Lời bác sĩ như thể lời của trời đất. May quá rồi, chứ cứ ở đây mãi chết vì stress chứ không phải chết vì đau đẻ mất. Mình mừng rỡ báo tin với chàng và dặn chàng đêm nay ngủ lại. Cái Phương bảo mình:
- Mỗi lần y tá gọi người nhà ra xem mặt một em bé xuất xưởng và một cái xe đẩy bà sản phụ sang phòng điều dưỡng là một lần sốt ruột nhỉ.
- Ừ, yên tâm rồi sẽ đến lượt chúng mình, bà nhỉ!
Hai đứa nắm tay nhau đi nốt quãng hành lang đi bộ còn lại cười rinh rích. Đồng cảm.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

P06: Nhập cuộc (tiếp theo)

Vừa buông bọc đơn bọc kép xuống sàn nhà, mình vừa sợ vừa làm mọi thứ theo lời bác sĩ. Cái phòng rộng lạnh lẽo toàn màu trắng khiến mình ớn lạnh. Eo ơi, thế mà trong giới xìtin có đứa bảo yêu màu trắng. Đứa đó chắc phải cho đi đẻ mới biết mùi.
Gạch lát đá trắng. Đá ốp tường trắng. Drap trắng. Mọi dụng cụ y tế màu trắng. Áo bác sĩ cũng màu trắng. Chỉ có sản phụ là mặc đồng phục không rõ màu gì.
Tiếng hét của một chị đang rặn em bé làm mình thót cả tim ra khỏi những ý nghĩ mông lung về màu trắng. Có sẵn hai chị đang nằm dang chân rặn đẻ. Chỉ có mình là leo lên để khám nhận nên các bác sĩ giục nhanh nhanh. Hai bên tường có đến năm sáu chị đang dựa lưng đau đớn chờ đến lượt mình lên bàn. Mặt mày méo xẹo, đầu tóc bù xù, chân tay run rẩy.
Ôi trời đất ơi, thế này thì có ai phong danh hiệu anh hùng cho những bà mẹ không hả trời. Dạng nhát gan như mình thì làm thế nào đây. Cái bụng to của mẹ ơi, làm thế nào để con ra mà không đáng sợ như thế kia hả trời.
- Còn lâu mới đẻ. Xuống đi, về phòng chờ đẻ.
- Dạ - mình vụng về leo xuống cái bàn đẻ cao ngất ngưởng - thế phòng chờ đẻ là phòng nào ạ?
- Ở ngoài kia kìa.
Không có bác Thuận ở đây, họ quát mình chẳng khác ai cả. Nhanh thế, được gửi gắm rồi mà bác ấy cứ như cơn gió ấy. Bác ấy về đi tắm thuê cho con người ta. Mình ngơ ngác đơn lẻ. Còn cả nhà trở về và yên tâm mình đã có bà bác sĩ ở bên.
- Bác sĩ ơi, cho em hỏi tí.
- Gì nữa đây. Vẫn ôm bọc bọc gói gói vào đây làm gì?
- Dạ, thế em nằm ở phòng nào ạ?
- Có bốn phòng đấy, chị vào phòng nào thì vào.
- Dạ, nhưng em thấy phòng nào cũng đông quá ạ.
- Ơ hay, chị này buồn cười nhỉ. Ở đây chúng tôi không có phòng riêng cho chị đâu nhé. Các phòng nó đông thế đấy. Chị tìm được phòng nào ghé tí mông vào ngồi ké thì vào. Đi đi.
Lại một lần nữa mình ôm hành lý lạch bạch đi chậm chậm tìm kiếm giữa bốn cái phòng chờ đẻ. Mỗi phòng có bốn giường. Nhưng mỗi giường có đến ba bà bầu là ít. Kẻ ghé mông, người ngồi. Ai cũng mệt mỏi. Bỗng mình nghe thấy cuối hành lang có tiếng ai gọi. Ở đó cánh cửa đã bị khóa, chỉ còn tí khe cửa lập lờ. Khu vực này chỉ có bà đẻ và bác sĩ nên tiếng động lạ làm mình tò mò đi tới.
- Chị, chị gì ơi, cho em hỏi tí?
- Dạ, gì ạ?
Tiếng người bên kia cánh cửa nghe quen quen. Nhưng cái tầm "bom đạn" này hễ có ai nói ngọt hơn bác sĩ là thấy quen rồi. Khe cửa nhỏ quá, không nhìn thấy nhau được nên đành đứng đó lắng nghe.
- Chị ơi, chị làm ơn tìm cho em xem ở đó có ai là Hiền ở Lạc Long Quân không ạ. Chị ơi, chị giúp em gọi cô ấy ra đây với. Chị ơi, chị giúp em.
- Anh, anh ơi, em đây mà.
- Ai đấy?
- Em, Hiền đây.
- Em à? Em thế nào rồi? Bác sĩ bảo sao? Bao giờ đẻ? Bao giờ anh được vào?
Mình mừng rỡ trong tiếng vỡ òa lo lắng của chàng. Hai đứa nói với nhau qua khe cửa kín bưng. Sao lần này nghe được tiếng chàng, mình lại mừng thế không biết. Cảm giác đỡ bơ vơ hơn biết bao nhiêu. Còn chàng như lạc giữa biển tìm thấy ngọn hải đăng. Chàng cũng mừng không kém.
- Anh ơi, em thấy những người chờ đẻ ở đây người nhà trèo qua bancông gặp nhau ở phía cửa sổ bên tay trái ấy. Anh qua đó đi.
- Ừ, ừ, để anh tìm.
- Khoan đã anh ơi!
- Sao?
- Ở đấy đông lắm. Anh đừng thấy không chen được thì bỏ em lại đây một mình nhé. Em sợ lắm! Mình hét lên để nhắn nhủ chàng thêm câu nữa. Hình như giọng mình đã thảm lắm rồi. Chàng đã ở lại, thế mà mình tưởng bị bỏ rơi một mình. Phụ nữ lúc đi đẻ không hiểu sao có đông người đến mấy vẫn thấy cô đơn. Có ai cho một lời hỏi thăm thôi cũng thấy như vớ phải cọc. Ôi, mình biết ơn chàng biết bao nhiêu.
Hành lang ngoài bancông hẹp chỉ chừng 40 phân nhưng mỗi ô cửa của phòng chờ đẻ cũng phải chất chứa chục người nhà cố ngoi ngoi cái mặt vào nhìn con mình, dặn dò cháu mình, gửi đồ vào cho vợ mình là ít. Ai cũng bon chen chỗ. Còn ở trong, các bà mẹ tương lai mệt mỏi lĩnh đồ qua ô cửa. Chuẩn bị đón em bé, nhưng chẳng có ai là phấn khởi cười tung tóe, chúc tụng nhau cả. Ai cũng căng thẳng.
Sau nửa giờ vợ chồng tìm nhau, một chạy dọc hành lang tìm chỗ có thể chen được qua cánh cửa sổ, một cũng hớt hải chạy theo qua từng phòng ngó cửa, xem anh yêu của mình đâu. Chỉ có bốn cái cửa sổ của bốn phòng, nhưng lượn qua lượn lại đến mòn cả mặt. Cuối cùng cũng nhìn thấy nhau. Chàng méo xẹo rúc được mặt vào cạnh sườn một bà béo chiếm gần hết ô cửa để hỏi han mình còn thiếu gì. An ủi đôi ba câu rồi hẹn trưa mang cơm lên.
Tạm biệt nhau. Chàng đi. Mình ở lại với mọi thứ chơi vơi khôn cùng. Cắp túi đồ, thong thả tìm chỗ có thể ghé chân ngồi chờ. Ui cha, hóa ra đi đẻ là thế!

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

P05: Một tháng tiếp theo…Nhập cuộc

Một tháng tiếp theo…
Mình vẫn đi đi về về những ngày làm công ăn lương đều đặn. Và tất nhiên vẫn diễu qua cái cổng đầu làng và bờ giếng lúc nào cũng đông người.
Mấy ánh mắt càng ngày càng bám sát mình hơn. Có người còn thở dài, chép miệng nói mình là con cá rô. Ghét họ thật, mọi ngày đi ăn bún cá rô thấy bát bún ngoài thịt còn đầy trứng đấy thôi!
Một tháng tiếp theo nữa...
- Sao lại có giống gì mà điếc thế không biết. Ăn bao nhiêu chỉ thấy đắp hết vào người vào mỡ. Tịt cả đít để đẻ.
Tiếng ai đó đang nói ở ngoài ngõ vọng vào bancông Tầng 3 làm mình kéo chăn lên trùm đầu. Mình không muốn tin đó là giọng của mẹ. Mình càng không muốn xuất hiện trước đám đông nữa. Mình chỉ muốn có chàng ở đây để chàng hiểu những lúc không có chàng thì như thế nào.
Mình thấy cô đơn. Dạo này công nhận đã thành ma cũ trong nhà rồi, công nhận bố mẹ không còn khách sáo với mình nữa. Có gì là bố mẹ nói luôn. Mình có kể chàng cũng không tin. Thường là thế, đàn ông họ nghĩ: đúng là chuyện đàn bà! Nhưng họ cứ thử làm đàn bà một lần xem, chả sợ chết khiếp với thù trong giặc ngoài ấy chứ.
- Hiền này, ra đây chị bảo, nhanh nhanh lên!
Chị Mười cấp dưỡng của công ty vẫy vẫy gọi mình ra đầy trìu mến. Hai chị em quý nhau lắm. Lần nào xuống phòng ăn của công ty trước giờ cơm trưa chị cũng cho mình ăn vụng đồ ăn.
- Chị có mớ rau muống nhà tự trồng sạch lắm, chị bó thêm mang cho em này.
- Trời, chị làm gì mang đi cho vất vả. Em không cầm đâu, ngại chết đi được. Chị để mà bán. Chết thật đấy. Cứ tự mình làm khổ mình.
- Chị nghèo, không có gì cho em, bó cho em mớ rau, em đừng chê chị mà.
Tấm lòng của bà chị làm mình không nỡ từ chối nữa. Mình cầm mớ rau, cảm ơn chị mà trong lòng thương chị ấy quá. Lấy chồng từ năm 19 tuổi, một nách nuôi chồng và hai con, giờ lại vác bầu đứa thứ ba nữa, vậy mà tình cảm với đồng nghiệp vô cùng. Chẳng phải người đi làm nào cũng có được tấm lòng như chị. Nhưng mình không biết rằng mớ rau ấy là họa sát thân của mình...
- Mày phải xem lại mày đi. Mày về làm dâu nhà tao bao lâu rồi mà mày không nghĩ cho nhà tao là thế nào? Mâm cơm tối vừa đặt xuống, cả nhà còn chưa kịp ngồi thì bố đã trút cơn sấm sét lên đầu mình. Vậy là tất cả chạy sang phòng bên trú mưa. Còn mình, mâm cơm và bố chồng.
- Nhà tao gia giáo bao nhiêu năm, con cái học hành đàng hoàng. Mày cũng được ăn học tử tế, thế mà mày... Đến cả mớ rau muống mà mày cũng đi xin. Mày làm tao xấu hổ quá. Xấu hổ với làng xóm xung quanh. Ngày mai ra ngoài đường tao còn biết nhìn mặt ai.
Mình quỳ xuống bên mâm cơm, chẳng có ai bênh vực, chàng cũng dạt đi trú cơn sấm rồi. Bố cứ nói, nói nhiều lăm. Bố gằn giọng, đủ nhỏ để mình thấy thặt lại trong lòng. Khi còn con gái, bố mẹ đẻ mắng sao không thấy thắt đến thế. Mẹ đẻ có mắng, có khi còn cãi cố. Giờ chỉ biết lặng im mà nhìn xuống đất. Bố vẫn nói, những lời bố nói tỉ lệ thuận với nước mắt trong lòng mình. Nó nhiều quá, trào ra cả mắt, đơn độc và xót xa.
- Mày về đây, bố quí mày như con Bố thương mày mày con một không biết gì, quen được bố mẹ làm cho hết. Nhưng mày không biết nghĩ gì cả. Mày càng ngày càng quá đáng hết lần này đến lần khác. Mày về đây, tao có khiến mày chào hỏi tao đâu. Nhà tao ba đứa con, đứa nào đi, đứa nào về đều không phải chào. Thế mà mày… mày chào từ đầu xóm đến cuối xóm, khác gì mày bảo tao không biết dạy con.
Nỗi ấm ức như một cục đất nghẹn tắc trong cổ làm mình chỉ biết khóc. Bài nói dài gần hai tiếng của bố đã kết thúc, mọi người trong nhà đã ngồi vào mâm cơm mà chàng chẳng mảy may nói một lời. Cầm bát cơm vừa khóc vừa ăn, mình không nuốt được nhưng cũng không dám bỏ cơm, sợ tội còn to hơn. Không dám bỏ công việc rửa bát trọng đại của mình. Còn bố, bố bỏ về phòng đóng cửa.
Bố bỏ cơm.
11g đêm, mình vẫn khóc. Không hiểu sao lần này vẫn khóc. Không hiểu sao lần này mình
không tự dỗ nổi mình nữa. Khóc từ 6g chiều đến giờ, cứ như là ăn vạ ấy, lấy đâu ra nhiều nước mắt thế. Lúc này mình chỉ cần bờ vai chàng chìa ra, chỉ cần chàng vỗ vỗ vào lưng mình an ủi. Mình sợ chàng bênh mình mà điều tiếng với bố mẹ. Mình chỉ cần lúc này, chỉ có hai vợ chồng, chàng hãy là mái che cho mình nép thôi. Nhưng...
- Thôi, nín đi!
Chàng kéo dài cái giọng đầy khó chịu. Hết, cái mái che chỉ dành cho mình duy nhất một mẩu câu gồm ba từ ngắn gọn. Rồi chàng lôi sữa chua ngồi ăn cho trận bóng đá trên tivi thêm hứng thú. Chàng quên mất chàng có vợ. Chàng quên mất là mình bỏ bố bỏ mẹ để đến nơi này vì yêu chàng. Chàng quên mất là mình vẫn đang ngồi ở góc phòng bịt miệng khóc vì sợ ai đó nghe tiếng, chàng ơi...
- Nhà anh rộng quá, một trăm mét lận, nhưng không có lấy nổi một mặt gạch lát cho em dung thân.
- Khổ thế nhỉ, không sao đâu, em cứ như thế thì sống với ai được.
Cố nén không ào cơn khóc to quá khổ kẻo tầng 1 và tầng 2 nghe tiếng. Mình nói với chàng điều đó chỉ để mong một chút gì nữa vỗ về. Nhưng không.
Bỏ lên trần phơi quần áo, ngồi bệt xuống bịt miệng kẻo vỡ òa, nước mắt vẫn nhiều thế, nóng ran cả mặt, mình nấc lên: Mẹ ơi, cho con về với!
Hôm ấy dài quá, mãi không hết. Mà có lẽ vẫn dài mãi, đến bây giờ vẫn chưa thể nào quên. Không biết có phải do bố mẹ chồng nghĩ mình tịt nên ghét mình hơn không?
Chỉ biết rằng đêm hôm ấy mình vẫn ôm mặt khóc thay cho ngủ. Chàng ăn xong sữa chua, ngồi nhìn mình một lúc rồi ngủ gật. Còn bố lục tục đi nấu mì tôm.
Hôm ấy, mình không biết rằng mình đã có thai.

Nhập cuộc
Một buổi sáng u ám...Lại xếp hàng khám thai. Lại xếp hàng siêu âm. Lại xếp hàng chờ kết quả...
Hai vợ chồng mệt mỏi vì cứ hai ngày lại đèo nhau đi khám một lần. Mình cười nhìn sang chàng đang chơi điện tử trong điện thoại trên ghế chờ:
- Kể ra mãi chẳng đẻ cũng tốn kém ra phết, anh nhỉ.
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại.
- Các bà bầu ở đây bà nào cũng mệt mỏi, anh nhỉ.
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại.
- Mấy bà đằng kia đau đẻ nhìn sợ không kìa anh.
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại.
- Anh ơi, anh để em nói chuyện một mình à?
Chàng gật đầu, mắt không rời điện thoại. Mình điên tiết. Máu bà bầu ai cũng sôi sẵn trong lòng, lại sẵn mệt mỏi. Mình ghé vào tai chàng, rít lên nhỏ giọt:
- Này, nói cho mà biết nhé. Còn chơi điện tử nữa thì bà ném đi luôn đấy. Đừng có trêu tức nhau. Đây đang nẫu ruột đây.
Chàng không gật đầu nữa, nhét điện thoại vào túi quần, ngồi chỉn chu lại trên chiếc ghế chờ lạnh lẽo, cười hì hì như thể chưa nghe thấy lời dọa nạt nào, hoặc như thể lời dọa nạt đó chẳng bõ bèn vào đâu.
...
Phòng siêu âm đông người, ai cũng ngại ngùng kéo quần kéo áo trong tiếng gắt gỏng của bác sĩ. Ai cũng phải đóng tiền cho bệnh viện để nuôi bác sĩ, nhưng ai cũng bị bác sĩ nhìn bằng cặp mắt ban ơn. Mình ước thầm sau này con gái lớn lên cũng sẽ làm... bác sĩ, ước hẳn cho con làm trưởng khoa ở bệnh viện lớn cơ. Mình được nhờ, mà cả họ cũng được nhờ. Chứ mỗi lần xếp hàng ở ngoài kia, không có người quen, chờ đến đỏ cả mắt.
Rồi vội không chờ được, phải quen dần với việc nhét vào túi mấy cô cầm sổ tờ hai mươi nghìn rồi về chỗ. Chưa về tới chỗ sẽ được gọi. Ngày đầu lên bệnh viện to, mình bị hớ, nhét tận năm mươi nghìn. Các chị cùng chờ ở đó ai cũng lắc đầu: “Chịu chơi thế này thì qua hết các cửa chờ, chắc sạt nghiệp, em ơi” .
- Không thấy âm vang tim thai. Nước ối đục. Cho nằm viện chờ đẻ nhé. Lời sấm truyền của ông bác sĩ làm mình như bị giật lại khỏi các ý nghĩ lung tung đang tràn lan trong đầu. Chẳng hiểu sao lúc nào vào bệnh viện, trong đầu mình cũng toàn những ý nghĩ "phản động". Nhìn màn hình trắng đen lòe loẹt, chỉ có bác sĩ mới hiểu, mình có biết gì đâu. Bác sĩ bảo sao thì làm vậy thôi. Vâng lời bác sĩ, mình lạch bạch cầm tờ giấy phán truyền đi báo tin cho chồng:
- Anh ơi, bác sĩ bảo nhập viện rồi. Chúng mình phải làm gì bây giờ.
- Ơ... ơ.
Chàng cuống quýt, cuống đến nỗi cứ loanh quanh như thể đáy quần có lửa. Hết xoay bên trái rồi đến bên phải, chẳng biết phải làm gì. Còn mình nửa mừng nửa lo. Nhưng cũng biết cầm đỡ chàng cái túi và mở đường dẫn lối cho người đàn ông tội nghiệp ấy:
- Bây giờ chúng mình đi rút tiền, rồi về nhà cho em lấy đồ nhé.
- Ừ... ừ... đi rút tiền thôi. À... à... gì nhỉ? Ừm... ừm... (chàng vẫn loanh quanh với cái ghế chờ, gãi đầu gãi tai) À, mới lại từ từ đã, để anh gọi điện về bảo mẹ. Mẹ bảo có quen một bác sĩ trong này.
- Vâng!
Mình ngoan ngoãn như một chú cún nhỏ, mặt phấn chấn trong nỗi run sợ. “Mình sắp thấy em bé của riêng mình rồi. Ôi trời ơi, mình sắp bị đau quằn quại như mấy chị đằng kia đấy thôi”.
- Anh ơi!
- Gì?
Chàng hỏi nhưng vẫn đang mải nghe chuông chờ cho cú gọi về nhà.
- Em... em sợ lắm.
- Sợ gì, đẻ vài lần rồi sẽ quen mà.
- Vâng!
Nỗi run sợ nhiều hơn lúc trước, nhưng cũng không biết nói gì khác ngoài câu vâng ngoan ngoãn với chàng. Chàng an ủi, xoa đầu mình như một ông bố ra trò. Chàng tự tin với chuyện “sợ gì” của chàng, như thể chàng đã đi đẻ cả chục lần rồi ấy.
- Vâng... vâng... Dạ... dạ... Vâng... vâng...
Cúp máy.
Mặt mình hồi hộp.
Mặt chàng nghiêm trọng.
- Mẹ bảo cứ ở đây. Mẹ hỏi dì Vinh xem số của bà bác sĩ quen để nhờ bà ấy rồi làm thủ tục như bình thường.
- Nhưng chúng mình phải đi rút tiền chứ anh? Em sợ nhập viện phải đặt cọc một khoản. Em chuẩn bị hai cái túi sẵn ở nhà rồi. Mình về lấy là em đủ hành lý tư trang ngay. Cái bu gà lại lạch bạch ra cổng bệnh viện, leo lên xe và rong ruổi với chàng. Hôm ấy chẳng tìm thấy cái bốt rút tiền nào. Có thấy cũng hỏng máy.
- Ơ, mày về làm gì? Mẹ mày ra đó với dì Vinh rồi đấy.
- Con về lấy đồ ạ.
- Nhanh lên kẻo mẹ mày chờ.
Chẳng biết trước khi đi mẹ đã lên văn bản thông báo cho cả làng Đông biết chưa mà hôm ấy giữa cơn mưa phùn mùa đông giá rét, giữa con đường làng nhỏ hẹp sập sùi có một cái thùng phi lạch bạch trong đôi giày bệt, hai tay hai túi hành lý, chạy ra xe chàng đang chờ ở đầu làng trong tiếng reo hò, hỏi han của hàng xóm hai bên đường. Y hệt như cầu thủ bóng đá chiến thắng trở về nước vậy. Cổ động viên mừng rỡ hai bên đường.
...
- Chúng mày lại còn đi đâu để cho bác sĩ người ta chờ?
Câu hét quen thuộc và cái dáng chống tay hai bên nạnh sườn giống cái ấm Samovar của Nga làm mình nhận ra mẹ từ xa. Chàng lôi xềnh xệch mình vào sảnh chính của viện. Chẳng kịp giới thiệu gì, chỉ biết có một bà bác sĩ béo tròn, cao đến mang tai mình lôi tuốt mình vào phòng làm thủ tục.
- Cháu chị Thuận à?
- Ừ, mày làm luôn cho nó cái bệnh án để nằm viện.
- Cháu vào buồng trong lấy đồng phục thay đi. Vừa thay cô vừa hỏi luôn nhé. Tên? Tên chồng? Nhà ở đâu? Đẻ con thứ mấy?...
- ...
- Nhà cháu có tiền sử bệnh gì không? Xét nghiệm đầy đủ hết chưa? Có sổ y bạ sẵn đây chưa?
- ...
- Ơ, cái con này, sao mày vẫn chưa mặc xong à?
Nhanh lên cho người khác còn làm việc chứ. Bà bác sĩ cáu làm mình càng cuống quýt. Khổ, con bé còn bận chọn cái áo với cái váy nào mới mới sạch sạch một tí để mặc mà chẳng thấy. Thế là đành phải chui bừa vào bộ nào đó cho kịp.
Trở ra, bác Thuận thì thầm:
- Cháu gửi lại cô ấy hai mươi nghìn để cảm ơn đi.
- Vâng.
Tưởng gì chứ hai mươi nghìn để khỏi phải xếp hàng thì đúng giá quá rồi. Hóa ra các bác sĩ với nhau cũng ở mặt bằng chung như thế. Bệnh nhân cũng tình nguyện một cách dễ chịu. Bước ra khỏi phòng làm thủ tục, mẹ dúi cho mình hai bọc đồ của mình, rồi bác Thuận lôi mình lên phòng chờ đẻ. Vội vàng bước, vội vàng hớt hải, vội vàng đuổi theo bác. Nhìn lại, cả nhà dừng ở ngưỡng cửa thang máy, ánh mắt chia ly. Mình giống như lần đầu tiên ở lại lớp mẫu giáo, vừa sợ vừa mất hết tinh thần.
- Nào, leo lên bàn để khám nhận nào?
- Dạ?
- Ơ, cô này, còn đứng đấy à? Không bỏ quần ra? Ở đây chẳng có chuyện ngượng đâu. Nhanh lên, không ai chờ được.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

P04: Tháng đầu tiên…Tịt

 Tháng đầu tiên…
Đã đến lúc phải đóng tiền ăn cho mẹ chồng rồi. Chẳng biết phải đóng bao nhiêu. Hỏi các chị trong công ty, mỗi bà một ý. Kinh tế mỗi nhà một khác nên cái khoản tế nhị ấy mỗi người một ý riêng thôi.
Bọn con gái chưa chồng đương nhiên cũng như mình dạo nọ. Đi làm có bao nhiêu thì đắp vào thân, biếu bố mẹ đẻ được bao nhiêu thì biếu, có hỏi thì chúng nó biết trả lời mình ra sao.
- Tao bảo này, vợ chồng mày nghèo, chỉ ăn có một bữa ở nhà, lại đi làm cả ngày, tối về có tí thì đi ngủ. Tính ra có mấy tiếng ở nhà. Chắc mỗi đứa năm trăm!
- Mà có khi chúng nó còn chẳng buồn bật đèn ấy chứ, giảm trừ được khoản tiền điện, ba trăm thôi, em ạ!
- Ừ, đứa nào da đen là đều ngại bật đèn cả!
- Ha... ha... ha...
Mấy bà chị tệ bạc luôn biến mọi câu chuyện về một vấn đề mà… tất cả chúng ta đều hiểu. Tự dưng cả hội đồng cố vấn cười ha hả vì vấn đề không thắp đèn.
- Thế thắp đèn ngủ thì nộp bao nhiêu các bà ơi? Các bà bậy bạ quá, để cho mấy đứa kia chúng nó còn lấy chồng chứ.
- Ôi trời, bọn này bây giờ khôn lắm, không tồ như chúng tao ngày xưa đâu.
- Ha... ha... ha...
Sau hai ngày tham khảo ý kiến bạn bè, cô dì chú bác...
- Anh đưa tiền cho mẹ nhé!
- Thôi, em đưa đi.
- Anh buôn cươi nhỉ, anh la  con trai mẹ cơ mà. Em ngại lắm. Sao việc gì động đến tiền anh đều đùn cho em thế?
- Em đưa đi (chàng kéo dài giọng ra điều khó chịu.
Chàng vẫn luôn là thế, cái gì ngại là trốn tiệt).
Nói rồi chàng biến mất, chối bỏ trách nhiệm gửi tiền ăn. Chàng vẫn tệ như thế. Từ ngày lấy chàng, chưa thấy chàng che chở gì cho mình cả. Chàng cứ để mặc mình trước mọi cơn gió mới. Những cơn gió mà dù mạnh hay nhẹ cũng khiến mình loạng choạng, lơ quơ không biết bấu víu vào đâu, vì cái mái che là chàng chạy mất tiêu rồi.
Thôi chết, thế nhỡ sau này có bão thì sao? Không lẽ mình vẫn chỉ có một mình thôi sao?
Thụt thò mãi ở cửa bếp, chỉ khi mẹ ngước mắt nhìn lên mình mới dám bước vào. Lạ thật, dạo con gọi mẹ bằng bác ấy sao tự nhiên thế. Đến nhà là Lý Thông cười nói tưng bừng, chuyện trò bả lả nghe chừng vui tươi. Rồi còn vào bếp nấu hộ con bạn cái gì cũng ra dáng nữa chứ. Vậy mà về làm dâu được một thời gian rồi, đứng ở cửa bếp cũng sợ, nhìn thấy mẹ chồng cũng sợ. Căng thẳng vô cùng.
- Mẹ!
- Ờ, cô đi lên nhà đi, xuống đây làm gì?
- Mẹ ơi, tháng này vợ chồng con mới cưới, chưa có nhiều. Anh Hậu còn lo tiền làm ăn nữa, nên... (ngập ngừng không nổi, mình cười trừ). Con biết bố mẹ vất vả vì chúng con, nên đáng lẽ chúng con phải đóng góp nhiều hơn... Mẹ ngửng mặt lên nhìn mình chằm chằm làm mình bối rối. Mẹ lắng nghe xem con bé rườm rà này nói những gì. Mình căng thẳng! Có lẽ những lần tập thuyết trình cho buổi hội thảo hoặc đứng lớp giảng cho các khóa đào tạo nhân viên mới ở công ty cũng không đến nỗi như thế này. Chẳng lẽ "tắt đài" ngay lúc này à? Lại tiếp tục lí nhí bài nói dở dang thôi:
- Nhưng thôi, chắc bây giờ còn thiếu bao nhiêu thì bố mẹ cho bọn con. Rồi sau này...
- Thôi được rồi, nộp tiền ăn chứ gì?
- Dạ... ơ... vâng.
Bài diễn văn còn chưa nói hết. Bao nhiêu sự chuẩn bị còn chưa thể hiện, ấy vậy mẹ đã hiểu ý mà cắt ngang sự run rẩy của mình. Sự cắt ngang ấy làm mình im tịt đến ngơ ngác. Chẳng biết phải nói tiếp cái gì cho mẹ nghe.
Thôi chết, quên sạch những gì mình còn chưa nói, mình ngại ngùng đưa mẹ cuộn tiền gập làm bốn đang giấu trong tay. Mẹ ơi, may mà mẹ hiểu ý!
Lần đưa tiền tháng sau…
Mình đã thành ma cũ. Đỡ lo lắng và trơ hơn nhiều. Nộp cho mẹ gấp rưỡi lần trước, có lẽ vì thế mà tự tin lên không? Chẳng có bài diễn văn nào cả, ngắn gọn mà sao tình cảm ơi là tình cảm:
- Mẹ, mẹ...
- Gì thế?
- Tiền về... tiền về... mẹ ơi!
- Ừ, ừ, tiền về... tiền về. May quá, dạo này tao thua hết cả tiền. Thế này là được rồi!
Mình hả hê sau khi chuyển khoản cho mẹ đúng lúc.
Mẹ vẫn vui như mọi khi. Cuộc sống mà, rồi sẽ thích ứng hết thôi.

Tịt
Mẹ chạy huỳnh huỵch lên gác 3 đầy giận dữ: - Cái vỏ bao bì băng vệ sinh trong thùng rác là của mày à?
- Ơ... dạ... vâ...n...g! Nhưng nó chỉ là cái vỏ túi thôi ạ? (mình lo sợ và ngơ ngác trả lời mẹ)
- Tao không nói chuyện ấy, tức là mày vẫn chưa có gì hả?
- Ơ...
- Tao lại cứ tưởng mày... Ôi giời ơi!
Đoạn thở dài ngao ngán, mẹ không giấu nổi nỗi thất vọng và giận dữ trong ánh mắt nhìn mình. Còn cô dâu bé nhỏ vừa sợ lại vừa lo!
Mẹ cũng như bao bà mẹ thương con khác, mong có cháu cho vui cửa vui nhà. Các bà cùng hội “hai số cuối” của mẹ bà nào cũng có cháu hết rồi. Chỉ có mẹ là vất vả nuôi các con ăn học, rồi đến năm 32 tuổi anh con trưởng mới đủng đỉnh đi lấy vợ. Mẹ không mong sao được.
Tối nào cũng vậy, vào lúc tiếng nhạc “xổ số ca” trên tivi rộn rã là các bà bế các cháu tụ tập. Có cô bé Chích Bông mới 2 tuổi đầu đã biết hét lên: “Kết... kết...” và chập chững đi tìm sổ  cho ba chép kêt qua. Con những đứa khác nhảy tưng tưng theo nhạc. Mẹ ngồi đó chỉ có một mình, nách không mang theo cháu nào cả. Chắc mẹ cũng buồn.
Dự định tích cóp đã rồi mới sinh em bé đã bị dập tắt thẳng thừng khi có một hôm mình đi làm về sớm la cà buôn chuyện ở bờ giếng làng. Mọi người cứ hỏi chuyện rồi có người nhìn mình với ánh mắt thương cảm, có người còn vỗ vai an ủi. Chả hiểu ra làm sao cả. Cuối cùng sau 1 tiếng đồng hồ đấu tranh khai thác, mình cũng hiểu nguyên nhân.
- Này, em nói nhỏ.
- Hả... hả... cái gì mà bí mật thế?
Mình hí hửng lắm, cô em họ chồng tỏ ra thân thiện bá vai bá cổ mình chuẩn bị lộ bí mật gì đây. Chuyện bí mật, nói thật phụ nữ nào cũng muốn nghe. Một trăm phụ nữ thì có đến một trăm lẻ một người thích thầm thì. Nhưng mấy ai giữ được bí mật.
- Mấy hôm trước ấy, mẹ chị ngồi đây nói chuyện này...
- Ừ... ừ...
- Mẹ chị kể với các bà ở đây về chị nhiều lắm. Buồn cười, bà còn bảo là chị bị tịt đấy... Ha... Ha...
- Ơ hay, sao lại thế?
Mình không thốt ra câu ấy, nhưng trong lòng bỗng chột dạ thốt lên câu ấy. Cái mặt hứng khởi đón chờ câu chuyện bị tưng hửng trong nháy mắt. Trong tiếng cười ha... ha ấy, mình biết cô em họ chỉ buồn cười các cụ già thôi.
Nhưng...
Tự dưng... mình... thấy bị tổn thương.
Mẹ vẫn vậy. Ừ, ai chẳng vậy. Nhưng sao mẹ nỡ nói mình thế chứ. Bản thân mình còn không biết mình có tịt hay không mà.
- Ha... ha... ha...
- Sao anh lại cười? Anh càng cười, em càng buồn lắm.
- Trời ạ, em cứ như cây xấu hổ ấy. Đúng là...
Nói rồi chàng gí ngón trỏ đáng ghét vào trán mình. Gạt tay chàng ra, mình chẳng buồn kể chuyện cho chàng nữa. Kể chuyện cho chàng nghe mà chàng làm như mình kể chuyện cười ấy. Chàng không bênh mình gì cả.
- Anh biết tình hình chúng mình rồi đấy. Không lẽ mẹ nói vậy mà anh lại chế giễu em à?
- Úi giời, Hiền tịt. Ha... ha... Hiền tịt!
- Im đi, đồ tồi. Có anh tịt thì có. Trông cứ như con cò hương thế kia, tịt là cái chắc.
- Này, quên đi nhé, đây là nhà vô địch!
Nói rồi chàng gồng đôi bắp tay như cẳng cò lên mà gồng. Cái mặt cười toe toét để lộ hàm răng khấp kha khấp khểnh. Càng nhìn càng bực.
- Này anh, gồng vừa thôi kẻo đứt gân, lăn đùng ra đấy thì chết toi. Mai cả làng Đông này lại kháo nhau là Hậu vừa tịt vừa bị đứt gân bắp tay. Thật tội.
Chàng không ra vẻ nhà vô địch nữa, lẳng lặng lao ra giá sách cầm lấy vỉ thuốc của mình ném vào sọt rác.
- Thôi, anh quyết định rồi, chúng mình sẽ sinh em bé.
- Anh có nuôi nổi em không? Lương em thấp lắm đấy.
- Nuôi được.
- Anh có dỗ được con mỗi khi nó khóc đêm không?
- Ngon lành!
- Anh có biết sinh em bé phải chuẩn bị cẩn thận lắm không?
- Kệ, đến đâu tính đến đó.
- Anh có sợ em đẻ con gái không? Mà không khéo em đẻ con gái, mẹ lại lấy lá chuối lót tay đuổi em đi cũng nên.
- Con nào cũng được.
- Điêu.
- Hề... hề...
Thế là chàng vứt hẳn vỉ thuốc của mình đi rồi. Phí thật, mới uống có 10 ngày. Chàng bậy bạ thật!

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

P03: Những bài hát không bao giờ thuộc - Tiền

Những bài hát không bao giờ thuộc
Vậy là mình đã về làm dâu nhà chàng được hai tháng. Trong đó có một tháng xây dựng tư cách đạo đức. Cũng may chưa vỡ cái bát đĩa nào. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là làm cho ai trong họ hàng nhà chàng ghét.
Mẹ mình bảo: “Mày làm mẹ nhẹ cả người. Chiều con, cứ để học hành, mọi việc mẹ làm cho hết. Cuối cùng gả đi, chỉ sợ bị người ta chê con mình!”. Thật tội cho mẹ.
Ngày giỗ ông.
Sau khi nghe thông báo từ "tổng chỉ huy trung ương", mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có dịp gặp gỡ họ hàng nhà chàng cho gần gũi. Lo vì chưa thật sự biết các phong tục ở đây như thế nào. Ví như sau khi cưới chàng vài ngày ấy thấy mình rửa bát một mình giữa trời rét ngoài sân, chàng ra ngồi ở cửa chờ. Vợ rửa xong thì chàng bê đỡ vào nhà úp bát hộ. Vậy mà chàng vừa vào trong nhà một cái, mình đang lúi húi quét sân thì mẹ ở đâu đã xuất hiện, ghé vào tai mình làm mình giật thót cả tim. Mẹ thì thầm:
“Này, đàn ông làng Đông không có thói quen rửa bát đâu nhé. Mày đừng làm cho ông bố nhìn thấy mà ông ấy ghét đấy”. Trong lòng run lên bần bật, mình dạ mà trong lòng tự hứa thật sắt đá: “Có chết cũng không dám để chàng úp bát giúp mình nữa”. Âu đấy cũng là chưa biết về phong tục tập quán. Âu đấy cũng là cô dâu mới thôi mà.
Tiếng khóa mở cửa dưới tầng 1 làm mình vội vàng tung chăn lao ra khỏi giường. Nếu có cuộc thi xem ai tai thính nhất chắc chắn mình sẽ tham gia để giành giải nhất mất.
Thật đấy, bình thường thời con gái, mình ngủ nhiều nhưng cũng là đứa ngủ thính lắm. Mình tự hào vì điều này bởi lẽ nhờ ngủ thính mà nhiều khi mọi người cứ tưởng mình ngủ, nói xấu mình thật lực. Mình nghe thấy hết, có lúc còn bất bình định vùng dậy cãi nhưng lại thôi, vì nếu làm như thế lần sau mọi người sẽ cảnh giác. Nói xấu mình nhiều nhất luôn là bố. Còn mẹ cứ ra sức bênh vực. Có lúc thấy ghét bố, bố chê mình thế sao còn nuôi mình làm gì!
- Mẹ cho con đi chợ cùng mẹ nhé, con sẽ xách đồ cho mẹ đỡ nặng!
- Đi đâu mà đi. Không khiến đâu. Cô ở nhà đi. Tôi đi với dì Vinh. Chúng tôi đi còn nhiều chuyện để bàn. Rồi mẹ đi với tiếng đóng cổng cành cạch. Bỏ lại sau lưng là mình đứng tần ngần ngoài cửa chính. Mùa đông 2006 được Nhà nước và Chính phủ công nhận là mùa đông rét, vậy mà mình mặc cái áo len phong phanh đứng ở cửa tần ngần, tẽn tò, ngơ ngác vào lúc 6g sáng, không dám quay trở lại phòng ngủ mà cũng không dám chạy theo mẹ.
20 phút sau...
- Anh ơi, nằm... dịch vào... cho... em nằm... với.
- Sao lại rét thế, không chịu mặc cho đủ ấm rồi đi đâu thì đi (chàng cáu kỉnh vừa dịch vào trong giường vừa nói).
- V...â...ng (mình lập cập trong tiếng run rét trả lời).
- Tưởng em đi chợ với mẹ?
- Mẹ không cho em đi. Mẹ bảo mẹ đi với dì Vinh vì có chuyện phải bàn.
Chàng lại động đến nỗi đau của mình, làm giọng thuật lại của con bé tội nghiệp trong mình có vẻ méo đi đôi chút. Chàng cười, quay lại véo má vợ an ủi:
- Mẹ và dì sáng nào chẳng đi chợ với nhau. Các bà ấy còn phải bàn xem chiều nay đánh con gì ấy mà. 7g sáng là giờ tính xem nguyên nhân vì sao hôm qua về chẵn lẻ.
Còn 3g chiều là giờ tính xem hôm nay lẻ chẵn sao đây. Em hiểu chưa? Thôi, đừng buồn làm gì. Ngủ đi!
Đúng là đồ đàn ông vô tâm, ngủ thế nào được mà ngủ. Hay nói chính xác hơn là không dám ngủ. Mình cũng rửa mặt rồi mà. Đành nằm trong chăn chăm chú lắng nghe tiếng cổng bao giờ lại lạch cạch, mẹ về và mình lại lao xuống phụ giúp chuyện bếp núc. Nằm im lắng nghe... mùa xuân về!
...
Cứ tưởng đây sẽ là dịp để mẹ và họ hàng thán phục tài nấu nướng của mình. Mọi ngày ở nhà, mỗi ngày có cỗ bàn hay hội họp, mình vẫn được làm bếp trưởng. Nhà  mình ông bà nội toàn các chú, các chú lại toàn con trai. Thế là mình vẫn luôn chịu trách nhiệm đi chợ và nấu nướng mà. Có mấy đứa em họ lon ton giúp sức, vui ơi là vui. Nhưng...
Dì bảo:
- Mày xem bóc tỏi thì tỏi thì bóc, nếu không thì nhặt rau sống thôi. Biết gì mà làm.
- V...â...n...g!
Mẹ bảo:
- Thôi, thôi, cô đi chỗ khác cho khỏi vướng chân.
- V...â...n...g!
Tự dưng mình chỉ luẩn quẩn như một đứa trẻ lên ba...
Hết việc vặt, hết những việc được phép làm, mình mệt mỏi bò lên tầng ba ngồi cho đỡ buồn. Ở dưới bếp, tiếng mẹ và các dì bảo nhau vẫn còn rõ:
- Mày cho nó làm làm gì? Nó con một thì biết làm cái gì mà làm. Quét cái nhà còn chẳng sạch nữa là.
- Thì em có để nó làm đâu. Tôm chị em mình mua trăm nghìn một cân, ai dám đưa cho nó chế biến, nhỡ nhịn đói cả nhà thì sao?
...
Tiếng cười dưới bếp làm mình chán không buồn xuống nhà nữa. Chui vào chăn lắng nghe tiếp. Lạc lõng...
...
Bữa tụ họp nhân dịp giỗ ông cuối cùng cũng xong. Họ hàng nhà chàng thật đông, đặc biệt là đội ngũ tuổi teen.
Nhưng khi bữa ăn kết thúc, đứa nào cũng có đủ lý do chính đáng để ra về sớm hoặc để được miễn dọn rửa. Trời mưa đông tối sớm. Cái sân ngổn ngang như chiến trường. Sáu mâm bát đĩa đủ loại và... một cô dâu mới về nhà chồng. Nhớ lại khi còn ở nhà, mỗi lần rửa bát mấy chị em xúm vào, vừa cười đùa vừa chuyện làm, công việc mới nhanh làm sao. Giờ chỉ còn mình mình. Nào... vừa hát vừa làm thôi...
Hát những bài hát đã thuộc.
...
Hát những bài hát hơi hơi thuộc.
...
Chết mất, môt mình cô dâu lúi húi ngoài sân, lắng nghe tiếng cười trò chuyện của già trẻ lão ấu trong nhà mà tủi quá. Hiền ơi, cố lên nào!
...
Hát những bài hát dạo đi mẫu giáo vẫn hát.
...
Hát những bài hát chưa thuộc.
...
Ui cha, sao 6 mâm bát lại nhiều thế này!
...
Ư ử giai điệu của những bài hát không thuộc tí nào.
...
Cuối cùng, cuộc chiến cũng kết thúc.
Đôi bàn tay chỉ toàn lướt trên bàn phím.
Giờ...
Tê cứng... đỏ au... không co duỗi được. Thôi nào, đừng tủi thân mà khóc ở đây. Có gì thì lao lên phòng đóng cửa sau. Hay hôm nào về kể cho mẹ để được an ủi vỗ về. Thôi nào, lấy chồng phải khác chứ, ai hầu mà đòi sướng. Thôi nào, mọi người cười cho đấy. Rồi mai cả làng lại đem chuyện này ra mà cười. Thôi nào... thôi nào...
Tự dỗ dành mình.
Vậy mà...
Úp xong đám nồi trong bếp, mình vẫn ứa nước mắt không sao cầm lại được. Những giọt nước mắt vô lý không có tí âm thanh sụt sịt. Nó trào ra, lăn vụng trộm trên mặt, bị gạt vội đi và khô dần trong tiếng cười nói của những họ hàng mà mình còn chưa biết hết tên.

Tiền
Con trai cả lấy vợ, mẹ công bố: “Toàn bộ đồ đạc trong căn phòng này không có trong trí nhớ của chúng tôi đâu nhé!” và chàng hiền lành cười cười: “Mẹ cứ để đó, kệ con!”.
Hôm ấy có mặt mình sang chơi mà trong lòng hoang mang biết bao nhiêu. Trời ơi, có nên lấy chàng hay không đây? Mẹ chàng khiếp thế cơ mà? Còn chàng, cái bến đỗ của tôi đây sao? Liệu có an toàn cho tôi gửi gắm nốt cuộc đời còn lại của mình không đây?
Chưa biết chừng một ngày nào đó chàng nghe mẹ, dắt mình ra khỏi nhà cũng nên!... Nhưng thôi, chắc mẹ chồng tương lai nói vậy thôi chứ trong lòng chẳng ác ý gì. Thôi, bỏ qua và tiếp tục yêu chàng nào!
Vậy là hai năm yêu nhau, ngoài tình yêu còn có con lợn đất làm chứng. Cứ hết tháng mình và chàng lại trích nửa tiền lương bỏ lợn. Đủ để sắm nội thất cho phòng cưới. Vừa mừng vừa hạnh phúc, nhưng bản thân mình còn thêm một cảm xúc nữa: tủi thân! Bố mẹ chồng chẳng cho nổi một cái... giường.
Cuộc sống chẳng bao giờ có tiệt toàn màu hồng. Cũng chẳng bao giờ có tiệt toàn màu đen cả. Nó là sự tổng hòa của loang lổ cơ man là màu. Có lẽ vì thế mà tình yêu sau ngày vu quy bắt đầu loang lổ. Trút bỏ bộ váy cưới đẹp lộng lẫy là chữ... nghèo. Toàn bộ tiền mừng mẹ cầm cả. Chỉ để cho chàng vỏn vẹn hai triệu đồng. Mẹ cũng chẳng đưa danh sách cho để biết họ hàng hay bạn bè mừng bao nhiêu. Chuyện đương nhiên, sau này còn đi mừng người ta cho phải đạo. Mẹ bảo: "Ai cũng mừng như nhau, danh sách cái gì mà danh sách!”.
Chẳng còn những buổi rủ nhau đi uống cà phê hay đi ăn ở những quán quen. Dạo đó có lúc sĩ lên mình đòi trả tiền. Oai thật! Dạo ấy mình hỏi: “Sau này lấy nhau thi thoảng anh có rủ em đi ăn tiệm cho hâm nóng tình yêu không?”. Chàng gật lấy gật để: “Đương nhiên rồi!”. Còn bây giờ có tiêu pha gì thì là tiền của hai đứa thôi. Quá tay là chết. Bây giờ phải tự nuôi mồm rồi. Còn phải nghĩ đến chuyện ky cóp nữa.
Lấy nhau về, tay trắng. Chưa kể còn nợ vụ chứng khoán. Hai trái tim đồng tự nhủ: lập nghiệp thôi. Dành dụm được chút ít rồi mới sinh em bé. Không thể sống căn nhà tranh được. Cố gắng lên!
Nhớ hôm lại mặt chàng rủ rê:
- Đi tuần trăng mật em nhé!
- Tiền đâu mà đi?
- Có hai triệu đây này (chàng vỗ túi đồm độp).
- Ôi trời, hai triệu thì đi vòng quanh hồ Tây hả anh?
Hay sang Gia Lâm thuê cái nhà nghỉ, ở tịt trong đó mấy ngày rồi về?
- Ừ, ý của em hay đấy, để anh tính xem nào. Nếu sang Gia Lâm, cả ăn cả ở chắc được... gần tuần!
- Cái gì...? (mình hét lên khi bị chàng bơm vá vào câu châm biếm)
- Hí... Hí.
- Anh làm thế thật em đập chết rồi ăn thịt, phần còn lại cho lên nóc tủ, bày hoa quả đấy!
- Ừ, anh đùa, anh đùa. Nhưng số tiền ít ỏi đó đi chỗ nào tầm như Hà Tây là được mà. Đi ba ngày thôi.
- Ừ... ừ... Mà thôi, anh ạ. Mình đang không có tiền, anh còn phải trả nợ nữa. Không đi cũng chẳng sao đâu, anh ạ. Có lẽ tiêu tiền mà trong lòng cứ nghĩ đến kiếm tiền cũng không vui đâu. Số  tiền đấy anh để trả nợ anh Vân đi. Còn em tuần này vẫn chưa hết phép, em sẽ ở nhà với bố mẹ cho thân mật, cơm nước cho gia đình. Sau này chúng mình có tiền đi sau.
- Em việc gì phải thế?
- Thôi, em để dành tuần trăng mật đến khi nào chúng mình bớt khó khăn hơn cũng được mà.
Chàng không nói gì, cũng chẳng dỗ dành gì mình nữa.
Chàng quay mặt đi, ngồi một xó, cúi mặt xuống và... chăm chú chơi điện tử trong điện thoại di động của chàng.
Mình cũng không nói gì, lặng lẽ ra đứng dựa cửa sổ, trong đầu mênh mang mong đến ngày mà mình bảo chàng là sẽ bớt khó khăn hơn. Rồi đôi khi ý nghĩ về những lịch trăng mật của những đứa bạn xen ngang sự mênh mang của mình. Mình ngước nhìn lên chỗ có mây cao nhất để nhìn, mà cũng để nước mắt đang ngấn đầy đỡ trào ra.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

P02: Kiếp làm dâu - Con đường tình yêu

Kiếp làm dâu
Ngày đầu tiên làm dâu... Nằm mãi không ngủ được. Mình sợ ngủ quên. Bóng tối khiến mình càng lạ nhà hơn, chỉ biết định hướng đâu là cái đồng hồ. Tích tắc... tích tắc...
Mẹ dặn, bác cả dặn, hai bà cô dặn, tổng cộng sáu bà dì cũng dặn: "Phải dậy từ 5g sáng mà quét nhà đấy nhá, cọ ấm chén nữa, làm bữa sáng nữa..., rõ chưa?".
Và mình cũng sợ bị "giang hồ" đồn là cô dâu này lười lắm, nên phải cố mấy ngày đầu thôi. Trời ơi, sao đêm dài thế. Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Nhìn sang bên, tự dưng thấy căm thù chàng. Vì chàng mà mình đến nông nỗi không dám ngủ thế này đây...
...
Bịch
… Ơ... Ôi... Ơ...
Mình giật mình tỉnh giấc, nhìn vội đồng hồ đã 6g30 từ lúc nào. Chàng ném cái chân gác dở của mình chễm chệ đặt lên cổ chàng khiến mình đứt giấc. Trời ơi, mình... Sao mình dám ngủ trong cái thời "bom đạn" này. Trời ơi, phi ra khỏi giường ngay thôi!
... Bữa sáng...
7g cả nhà mới túc tắc dậy từng người một. Ai cũng uể oải, chắc bởi hôm qua diện lắm thứ quá làm cơ thể quá tải, lại ăn thừa chất nữa. Quả này bữa sáng mình không phải làm đây.
Nhưng... sau một tiếng quét ba tầng nhà, dọn vệ sinh sân vườn, cọ ấm chén... thấy mẹ chồng đi đun thức ăn, mình hốt hoảng vào bếp. Thôi xong rồi, bữa sáng muộn.
Mình sợ. Mẹ chẳng nói gì.
Mình thở phào nhẹ nhõm. Ôi sao mình may mắn thế!
Mãi về sau mình mới biết rằng mẹ im lặng... để chiều mang sang hàng xóm kể!
Chàng vẫn ngủ quay đơ quên cả về nhà vợ lại mặt.
Mình chỉ muốn òa khóc.
Tức quá. Trời ơi, các chị ơi, những đồng đội hay buôn chuyện với nhau ơi, giờ thì em tin vì sao các chị bảo em hôn nhân là cái toalet rồi. Đúng là  người ở  ngoài chỉ muốn vào. Và  người ở  trong chỉ muốn ra. Quả  này em ham rẻ lấy phải chàng rồi. Của rẻ là của ôi rồi. Đứa nào xui em lấy chồng hơn nhiều tuổi cho nó sướng, thế là em chọn chàng hơn em 6 tuổi, để giờ em biết mình hớ rồi. Kiểu này phải ngồi thiền lại để nhớ đứa nào xui mất thôi. Hu... hu...
... Ba ngày sau...
Họ bên nội có giỗ và nhà chàng đăng cai tổ chức. "Thế vận hội" này đông thật. Thanh niên nhiều mà các cụ cũng nhiều. Mình có cơ hội để biết ai thì phải xưng hô như thế nào. Nhưng ngượng thật, các em đều hơn tuổi mình. Ngày xưa chưa lấy chàng, chúng nó đều gọi mình bằng em. Giờ mình đâm ra sợ!
... Ăn... ăn... ăn...
... Tám... tám... tám...
... Ăn... ăn... ăn...
... Tám... tám... tám...
Cuối cùng thế vận hội giỗ đã xong. Các cô thanh niên xìtin dọn hộ mình bát đũa ra sân, cười nói tưng bừng. Cứ ngỡ chị em sẽ có cơ hội gần nhau hơn khi cùng rửa bát.
Nhưng...
Đứa thứ 1: Thôi, em về đi học đây.
Đứa thứ 2: Em cũng thế.
Đứa thứ 3: Em chiều nay có hẹn quan trọng lắm, chị làm hộ em nhá.
Đứa thứ 4: Để em vào xem có ai sai cái gì không nhá...
Đứa thứ n: ... 1.001 lý do...
Ngoài sân xe máy, bàn ghế, mình, sáu mâm bát đã ăn xong, ba xô nước và một niềm tin: chàng sẽ tới bên mình tựa như anh hùng cứu mỹ nhân.
... Một tuần sau...
Hôm thế vận hội giỗ, chàng say nên "bò" đi sân vận động Hàng Chiếu. Mình vừa rửa bát vừa hát cho chóng xong việc. Hát hết những bài đã thuộc, hát cả đến những bài chưa thuộc, rồi huy động nốt những bài chỉ thuộc một câu còn đâu là ư ử giai điệu, cuối cùng mình cũng xong. Nghĩ thầm ở nhà mẹ thì lười thế!
Còn hôm nay, ông trời ơi, ông trời giúp mình rồi, cuối cùng cũng đến ngày đi làm lại. Nhớ công ty quá. Người ta có một tuần trăng mật ở đâu đó, còn mình có một tuần vỡ mật ở nhà. Cũng tại mình không dám đi tuần trăng mật vì sợ tiền sử nhà chàng chưa có ai đi, nay mình đầu têu sẽ bị coi là phá hoại, đành bảo chàng ở nhà với bố mẹ cho vui. Giờ càng nghĩ càng thấy tiếc. Đành lòng mong mau mau đến ngày đi làm. Mừng quá là mừng thôi.
Ngày đầu tiên đi làm lại, cảm giác như cô học trò mới xin được việc, lại lâng lâng tự do. Chỉ có điều nhìn thấy những anh đẹp trai ngoài đường tự dưng thấy tiếc. Biết vậy, mình ở giá cho các anh ấy thèm.


Con đường tình yêu
 .. Trước khi cưới chàng 11 năm...
Mình là bạn thân của em gái út nhà chàng. Hai đứa chỉ biết học mà không biết làm đẹp là gì. Luộm thuộm, ngốc nghếch, chỉ thích đọc truyện 7 viên ngọc rồng. Mục tiêu cố sao cho điểm phẩy cuối năm không được dưới 7,0.
Chàng là  sinh viên đại học. Da trắng, râu cạo rồi nhưng vẫn xanh rì nửa mặt, gầy gò với chiếc xe đạp Thống Nhất không còn biết màu nguyên bản. Và mỗi khi tết đến chàng mừng tuổi mình 2.000đ.
Năm ấy Hà Nội bắt đầu có xe buýt, tuyến bờ hồ là 2.500đ. Hai con bé học lớp 8 rủ nhau đi chơi tết bằng xe buýt cho đỡ tò mò, dù đứa nào cũng say xe. Chàng phá lệ mừng tuổi mình ba tờ 2.000đ và xoa đầu bảo: "Còn phải mua vé lượt về mà". Em gái chàng làu bàu đằng sau với con mắt mang hình viên đạn: "Mừng tuổi nó những 3 tờ, mừng tuổi người ta có mỗi một tờ...!". Mình sướng hết chỗ nói.
... Trước khi cưới chàng tám năm...
Mình đã là nữ sinh trung học. Buồn cười, mấy anh lớp trên cứ cưa mình mà không cưa con bạn mình. Nó ức mình lắm. Nhưng chàng vẫn mừng tuổi và  xoa đầu mình mỗi khi tết đến. Chắc thời giá leo thang, giờ là 10.000đ. Có lúc mình tự hỏi: "Anh không biết là em lớn rồi sao?".
Một hôm con bạn mình kboe anh mang bạn gái về nhà, tự dưng mình thấy lòng tan nát. Mình buồn như bị điểm 1 vậy, rồi lại nghĩ: "Thôi, anh cứ yêu đi, yêu xả láng bao nhiêu cũng được. Nhưng em sẽ là người chờ anh ở cuối con đường tình!".
Giờ nghĩ lại, sao mình khiếp thế nhỉ? Ăn nói vu vơ mà thành lời sấm truyền, sợ thật.
... Trước khi cưới chàng ba năm...
Mình hãnh diện khi chỉ còn một năm nữa tốt nghiệp đại học. Vừa đi học vừa đi làm, nhà lại có quán nước ven hồ Tây nữa nên mình bận tối mắt tối mũi, chẳng còn thời gian đi đâu. Có lẽ vì vậy những con thiêu thân tự đến. Quán của mẹ lúc nào cũng đông. Thường 11g đêm mẹ dọn hàng về. Thế là những chàng trai đứng dậy thi nhau dọn giúp mẹ. Thật là vui. Quán lúc nào tiếng cười cũng tràn khắp. Rồi ở cơ quan nữa, ở lớp nữa, mình vui vì được mọi người quan tâm yêu mến.
Chàng đến vào một buổi bán hàng giúp mẹ. Chàng khoe đi thăm bạn tiện đường ghé qua. Về sau khi cưới rồi chàng  mới để lộ rằng hôm đó chàng bốc phét.
Ngồi một xó không dám nói gì. Chàng và cốc trà đá, bẻ các đốt ngón tay và nhìn ra hồ.
Hết giờ bán hàng.
Mẹ, mình, các chàng trai khác lại cũng dọn hàng. Chàng đứng dậy, móc ví trả tiền mới sợ chứ, xin phép... bác ở... cháu về!
Tự dưng mình bắt đầu ghét chàng.
... Trước khi cưới chàng hai năm...
Rất nhiều biến cố xảy ra trong một năm ngồi với cốc trà đá của chàng. Những khi chàng nhào tới giải quyết các rắc rối mình gây ra ở công ty mới. Những hôm chàng ngồi mốc ở nhà mình trong khi mình đi chơi với bạn. Cuối cùng, mình trả lời lời yêu của chàng rằng: "Em phải yêu cho đủ sáu anh, người thứ bảy em sẽ lấy. Để còn có cơ hội xếp sáu anh kia ăn một mâm!". Chàng lặng lẽ di đầu mũi giày xuống đất, lặng lẽ đứng lại chỗ hẹn, mình tung tăng bỏ về, trong lòng đầy hả hê. Đáng đời!
Quả thật, mình ghét chàng.
... Hai năm sau...
Không hiểu vì sao mình đồng ý cưới chàng. Đến tận bây giờ vẫn không hiểu. Trước khi cưới nhau một năm, mẹ chàng đi xem bói còn bảo lấy mình về trong nhà sẽ có người chết cơ mà. Mình đã dứt khoát bỏ chàng, bỏ tên đàn ông hiền lành đến mức mẹ nói thế cũng mang ra kể với mình. Vậy mà loanh quanh vẫn lấy chàng. Cuộc hôn nhân mà có lẽ chàng là kẻ thắng cuộc. Chiến thuật không cưa mình mà cưa bố mẹ, họ hàng, ông bà của chàng đã thành công. Còn mình, ồn ào như một cơn bão… thua cuộc. Mình lấy chàng mà không quên được câu bố mẹ nói: "Nó hiền lành thế mới không sợ trai gái, rượu chè, hút chích".
Trong hai năm, chàng cứ đi đâu theo mình, bạn bè lại hỏi: "Ai đấy?" với ánh mắt tinh quái. Còn mình, vẫy tay làm hiệu, trả lời như đúng rồi: “À, đệ ấy mà". Chàng cười cười, không có ý kiến gì phản kháng. Miết rồi cũng quen.
Ngày về quê mình ra mắt, mấy đứa em họ ùa ra hỏi: "Ai đấy hả chị?". Chàng nhanh nhẹn đỡ lời: "À, anh là đệ của chị Hiền". Cả lũ trố mắt. Không ai dám hỏi gì nữa, lẩn xa chị nó sạch. Cuối năm ấy mình ôm bó hoa về theo chàng. Bắt đầu những ngày tháng đầy bất ngờ và thách thức.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

P01: "Khi lấy chàng" - Sự hấp dẫn của những tình tiết

Xin đoan chắc với bạn đọc một điều rằng: đây là quyển nhật ký gia đình với nhiều chi tiết đắt giá, lôi cuốn. Nó chẳng khác nào một cuốn phim được quay chậm, giàu kịch tính, có nước mắt, có nụ cười, có xung đột, có nút thắt mở.
Và quan trọng hơn hết là không làm người xem nhàm chán, bởi lẽ nó được viết từ một văn phong hóm hỉnh, dí dỏm, đáo để nhưng hết sức chân thực của một cây bút tập tễnh viết lần đầu, nhưng khá chắc tay.
Thông thường, các đoạn văn thuyết phục và hay nhất thường  nằm ở phần đầu hoặc giữa. Nhưng đối với nhật ký Khi lấy chàng... thì đi ngược lại quy luật. Càng đọc người ta càng thấy thú vị, càng thấy lôi cuốn, buộc phải tiếp tục tò mò xem “cô gái Hà Nội” thuộc thế hệ 8X này đã trải qua một quá trình yêu đương, lấy chồng, làm dâu và sinh con như thế nào?
Bắt đầu từ phần 13 trở đi, chúng ta sẽ phát hiện thêm nhiều góc cạnh đối kháng nhau trong đời sống nội tâm của nhân vật cũng là chính tác giả. Tuy không hoàn toàn giống, nhưng chắc chắn bất kỳ ai từng bước vào đời sống hôn nhân đều tìm thấy một điều gì đấy để chia sẻ từ câu chuyện tự thuật sinh động này.
“Hoa hồng đẹp nhưng có gai”, cũng như một cuộc hôn nhân dù hoàn hảo cách mấy, dù trước đây hai người trong cuộc đều cảm thấy hài lòng về nhau, thảy đều có bất đồng và sóng gió. Điều cần thiết là họ đã giải quyết mâu thuẫn phát sinh ra sao?
Dẫu có lúc thất vọng đến cùng cực nhưng tận sâu thẳm, “cô gái Hà Nội” của chúng ta hiểu rằng khi có tình yêu và biết sống vì nhau thì mọi rào cản, khó khăn đều có thể vượt qua. Vì thế mặc cho hoa hồng có gai, nhưng ai cũng mong muốn sở hữu những đóa hồng rực rỡ.
TỦ SÁCH TUỔI TRẺ & NXB TRẺ


Cưới
Ngày được chàng yêu, trời đất như chao đảo. Mình là nhất. Một ai đó đã nói: đối với phụ nữ đang yêu, thế giới này chỉ có hai nhóm đàn ông: nhóm 1 - người tôi yêu, chỉ có một, nhóm 2 - tất cả đàn ông còn lại!
Nhưng với chàng, mình đã có lần hỏi: "Ở đây, ai là tướng?" và chàng trả lời: "Anh biết phận anh rồi, em là tướng chứ ai". Hạnh phúc khiến mình không tin lời các chị đã lấy chồng cảnh báo!
Và đám cưới...
Chàng luống cuống không đeo nổi nhẫn cho mình. Chàng không vòng tay qua eo như những cô dâu chú rể khác. Chàng chỉ cầm tay mình lôi đi, cứ như con ăn trộm bị bắt quả tang. Về sau chàng bảo: anh ngượng!
... Buổi chiều đầu tiên ở nhà chồng...
Mệt mỏi trút bỏ bộ áo cánh, rửa vội cái mặt dày bình bịch phấn vừa khóc xong để xuống sân dọn dẹp với anh em nhà chồng. Khách về  hết rồi, chỉ còn mình ở chốn toàn người lạ, giờ thì kể cả chàng cũng là người lạ nốt. Đám trẻ con xếp hàng một, mỗi đứa cầm một cái bát chờ bà gì múc cho xúp trong cái nồi to tướng còn thừa ở cỗ.
Một ai đó đưa mình cái bát, bảo mình đứng đó chờ ăn xúp. Đám trẻ con lớn bé có cả xô đẩy làm mình bị ép gí vào tường. Tủi thân quá, cảm giác như đi xin ăn ở nhà người lạ, cảm giác bị bỏ rơi cho dù chính mình là kẻ đi theo "giai" cơ mà. Nhìn chàng vẫn còn khà khà với mấy đứa bạn vô duyên ở lại muộn, mình òa khóc lần nữa. Không biết chạy vào đâu, sợ trẻ con nó cười, mình chui vào gầm cầu thang khóc.
... Buổi tối...
Cuối cùng cũng xong đống ngổn ngang sau đám cưới.
Mình xin phép bố mẹ cho đi gội đầu. Chàng đưa mình ra đầu làng...
Xong cái đầu và cái mặt sạch sẽ, mình mở mắt và ngồi dậy. Cô bé gội đầu khen mình xinh nhưng mình không để ý, bận đảo mắt tìm chồng. Mọi ngày là mình cười toe toét khi đươc khen đây.
Hôm nay thì không. Môt ba  ngồi chơI ở đó bảo: "Chồng mày trả tiền và về trước rồi. Nó bảo bao giờ xong thì tự về". Ối trời ơi, 11g đêm, một mình đi từ đầu làng đến cuối làng để về nhà... trong ngày trọng đại. Ngày đầu tiên làm vợ chàng....
Đêm tân hôn...
Về đến nhà, mở cửa phòng, tạm gác uất ức trên quãng đường vừa xong. Tự hỏi chàng bận gì mà vội về thế. Có thể có việc gấp. Nhưng...
Hả, chàng đang xem bóng đá!
Mình: Tắt đèn cho em ngủ cái!
Chàng: Tắt bây giờ người ta cười cho. Mới có 11g.
Mình: Nhưng em mệt, phải đi ngủ sớm để mai 6g dậy quét nhà mới rồi rửa cốc chén, mẹ em dặn thế.
Chàng: Để yên để anh xem bóng đá!
Xong, mình trùm chăn đi ngủ, lòng đầy căm hận chàng.
Thật phí cái áo Vera rõ quyến rũ của mình, thật phí sữa tắm hương hoa hồng của mình, thật phí công mình đứng trước gương mãi, ngập ngừng mãi mới dám bước ra. Thật phí một đêm trọng đại.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN