Hiển thị các bài đăng có nhãn Người đàn bà bí ẩn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Người đàn bà bí ẩn. Hiển thị tất cả bài đăng

Phần 04: Người đàn bà bí ẩn

Ra khỏi tòa án, tôi đi giữa mẹ và em gái. Đầu óc nhẹ tênh, tôi như chiếc bong bóng chực bay lên trời. Em gái tôi huyên thuyên: “Mình đi ăn gì đi. Đúng rồi, em biết một hàng bán món Huế rất ngon. Đi nhé?”. Mẹ tôi cau mặt: “Ăn uống gì? Về nhà cho chị còn nghỉ”. Em gái tôi kêu lên: “Còn khối thời gian cho chị ấy nghỉ.
Mẹ cứ làm cho mọi chuyện căng thẳng thêm làm gì? Xong cả rồi”. Ừ, thì phải, xong cả rồi. Bỗng nhiên tôi không nén nổi cái cười mỉm của mình. Chữ nghĩa hay thật. Chỉ cần một từ đã gói gọn cả cuộc đời đã qua của tôi. Đúng hơn, là cuộc đời làm vợ của tôi.
Ngoái lại nhìn tòa án một lần nữa, tôi nói với mẹ và em gái: “Hai người về trước đi. Con sẽ về sau”. Mẹ ái ngại: “Con đi đâu bây giờ?”. Tôi cười: “Con muốn đi uống cà phê. Một mình thôi. Mẹ yên tâm, con không sao đâu”. Em gái tôi gật đầu: “Ừ, ở Hồ Con Rùa có quán cà phê hay lắm. Chị ra đó mà ngồi. Chừng nào cần em đón thì gọi, nhé?”. Tôi nói: “OK”.
Quán cà phê vắng lặng, chỉ có tôi và một đôi tình nhân ngồi tận góc trong, chụm đầu vào nhau rì rầm. Tôi chọn bàn sát cửa sổ, ngồi xuống.
Nhắm mắt lại, tôi lắng nghe sự trống rỗng bò dài trong cơ thể. Thật lạ. Sao chẳng có cảm giác gì nhỉ? Lẽ ra tôi phải vui thật vui chứ? Như đêm qua tôi đã tưởng tượng rằng sau khi tòa tuyên bố quyết định cho ly hôn, tôi sẽ nhảy lên vì sung sướng. Tôi sẽ nhìn thẳng vào mặt con người đó và cười khinh thị: “Hoan hô tự do”, để xem y có phản ứng gì? Y càng tức tối, tôi sẽ càng sung sướng. Nhưng không. Khi vị thẩm phán bảo: “Sự hòa giải bất thành. Tòa đồng ý cho anh chị ly hôn”, tay chân tôi đều tê dại. Hình như trên cả người tôi, chỉ còn đôi mi hoạt động. Qua những cái chớp mắt, tôi thấy y cũng đứng cứng đơ, hai tay buông xuôi như hai khúc gỗ. Tiếng người thư ký vang lên khiến y và tôi cùng giật mình: “Tuần sau anh chị đến lấy quyết định”. Khi chuyển người đi ra, tình cờ tôi và y lại đối mặt. Dù tôi đang choáng váng nhưng vẫn nhìn thấy một giọt nước lấp lánh trên khóe mắt của y. Y nhìn tôi đúng một giây bằng con mắt đó rồi rảo bước ra ngoài.
Có lẽ giờ này y đã về đến nhà. Căn nhà một thời đã là tổ ấm, nơi tôi và y chia sẻ mặn nồng. Nhưng đó cũng là nơi y phản bội tôi bằng cách đem một người phụ nữ khác về trong khi tôi đi vắng. Y đã thề những lời thề độc địa nhất, rằng y không làm điều gì có lỗi với tôi, rằng đó là một người bạn học cũ lỡ độ đường cần chỗ ngủ. Y nghĩ tôi là loại người ngu đần gì chứ? Khi thành phố có hàng ngàn khách sạn, nhà trọ, chỉ một vài chục ngàn cũng có được chỗ nghỉ ngơi. Y bảo cô ta đang xuống tinh thần vì chuyện gia đình, cần được động viên, an ủi. OK, được. Vậy thì cho tôi biết tên, biết địa chỉ cô ta đi. Tôi muốn tự mình xác minh mọi việc. Y bảo không. Y bảo tôi phải tin y, đừng làm ầm ĩ lên như thế. Tôi muốn điều gì y cũng bằng lòng, chỉ duy nhất một điều không cho tôi biết cô ấy là ai.
Cô ta là ai mà y bênh vực, giữ gìn còn hơn bản thân y nữa?
=============
Tôi dọn sang nhà mẹ. Mặc kệ y năn nỉ, dỗ dành, tôi không thể trở về nơi ấy. Tôi không thể ngủ trên chiếc giường có hơi hướm của một người đàn bà khác.
Mẹ tôi thở dài khi tôi kể chuyện, bảo: “Cái gì tha thứ được thì tha thứ, đừng làm to chuyện, chỉ thiệt thân”. Em gái tôi phản đối: “Mẹ nói gì vậy? Tha thứ để lần sau chị con vắng nhà, anh ấy lại tiếp tục dẫn người khác về à?”. Nó bảo: “Chị phải cứng rắn lên. Chừng nào anh ấy khai thật, lúc đó hẵng hay”.
Tôi nói điều đó với chồng tôi. Y im lặng, đầu cúi gục xuống. Giọng y như một tiếng than: “Sao em không chịu tin anh? Anh đã bảo đó là sự thật”. Trước sau, tên tuổi người đàn bà ấy vẫn ẩn kín trong lòng, y nhất định không chịu nói ra. Em gái tôi lắc đầu: “Ngoan cố quá. Điệu này chắc ăn phải bùa mê thuốc lú gì rồi”. Mẹ tôi mắng nó: “Mày chỉ đổ dầu vào lửa”. Tôi thẫn thờ: “Mẹ không thấy nó nói có lý sao?”.
Thấm thoát, tôi dọn sang nhà mẹ đã được gần một năm. Y vẫn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn, lạ lùng thế, mỗi ngày đều đến thăm hỏi, để lại nhiều thứ quà bánh cho tôi. Mẹ bảo: “Con định hành hạ nó đến bao giờ?”. Em gái tôi nhăn mặt: “Mẹ nói gì mà lạ thế?”. Mẹ lại bảo: “Cứ phải biết rõ người ấy là ai mới được sao? Chỉ làm khổ mình thêm chứ ích gì? Quên đi không được à?”. Em gái tôi nhìn chằm chằm vào mặt mẹ: “Thế mẹ có quên được chưa mà bảo chị ấy phải quên?”.
Câu hỏi khiến mẹ lặng người đi. Bà đứng dậy bỏ đi lên lầu. Tôi mắng em gái: “Mày quá đáng lắm. Sao lại dằn vặt mẹ như thế?”. Em gái tôi ngồi lọt thỏm trong lòng ghế, mặt ỉu xìu: “Tại sao phụ nữ cứ phải khổ vì đàn ông?”.
Hăm ba Tết, chồng tôi mang bánh trái sang biếu mẹ. Y bảo cần nói chuyện với tôi cho rõ ràng. Thì nói. Trên sân thượng, y hỏi tôi: “Em có muốn anh thề độc không? Nếu anh có gì đó với người ta, cho xe cán chết anh đi”. Tôi cười: “Thần thánh nào chứng cho lời thề vớ vẩn đó?”. Y nổi giận: “Em xem cái chết của anh là vớ vẩn à? Sao em lại cạn tàu ráo máng vậy?”. Tôi nhướng mày: “Chà, anh còn quát lên với tôi sao? Hay nhỉ?”. Hai vai y rũ xuống trong bóng chiều sụp tối: “Anh phải làm sao để em quay trở lại nhà? Em hành hạ anh như thế chưa đủ sao?”. Sao y lại có thể nói lên câu nói đó? Ai hành hạ ai? Lòng tái tê oán giận, nhưng giọng tôi lạnh tanh, không cảm xúc: “Anh không chịu nổi thì mình ly dị đi”.
Nói xong, tôi giật mình. Y cũng có vẻ sửng sốt. Ngồi thẳng lưng lên, y trân trối nhìn tôi: “Cái gì, ly dị ư?”. Y bật khóc.
Nhưng, cho đến khi tòa gửi giấy báo mời ra hòa giải lần một, y vẫn không tiết lộ tên người phụ nữ đó. Khi nộp đơn ra tòa, tôi chỉ vì tự ái và muốn dùng nó làm nước cờ cuối cùng để thúc đẩy chồng thú nhận “tội tình”. Tôi đã nghĩ trong bụng, chỉ cần y nói ra, tôi sẽ bỏ qua tất cả. Mỗi ngày, tôi đều chờ nghe tiếng chuông điện thoại, hy vọng y sẽ gọi cho mình. Mỗi ngày, tiếng chuông ấy vẫn bặt tăm. Lòng tôi quằn quại vì đau khổ. Y quả thật đã hết yêu thương tôi rồi.
Y đến tòa án sau tôi. Ngồi trước mặt vị thẩm phán, chúng tôi tránh không nhìn nhau. Y bảo: “Tôi không muốn ly dị. Đó là ý của vợ tôi. Cô ấy hiểu lầm”. Tôi bảo: “Chúng tôi đã ly thân một năm nay. Ly dị chỉ là thủ tục”. Vị thẩm phán quyết định: “Về suy nghĩ thật kỹ. Ba tháng sau trở lại”. Đêm hôm đó, y gọi điện, bảo: “Em có thể về nhà mình một lần không?”.
Căn nhà vẫn y như ngày tôi bước chân đi. Nước mắt tôi chực ứa ra khi nhìn tấm ảnh cưới treo trên tường. Ở đầu giường, trong phòng ngủ cũng có một tấm. Đó là tấm ảnh tôi thích nhất. Trong ảnh, y đang hôn lên mũi tôi. Cái mũi mà y luôn khen xinh như mũi một con mèo. Y đã làm gì với người đàn bà đó trên chiếc giường của tôi, trước tấm ảnh của tôi? Nỗi hờn ghen tưởng đã nguôi ngoai sau một năm xa cách, đã bùng trở lại. Tôi đẩy bật y ra khi y bước đến định ôm tôi vào lòng: “Anh đừng giở trò đó ra với tôi”. Y quỳ thụp dưới chân tôi, khóc: “Anh chỉ yêu một mình em. Tại sao em không chịu tin anh?”. Tôi gào lên: “Nếu anh muốn tôi tha thứ, hãy nói tên người đó ra”. Y bảo: “Anh không thể. Người đó đã chết rồi. Hãy để họ được yên”. Tôi hét: “Nói láo. Nói láo. Nói láo”. Rồi tôi đứng vụt dậy, bỏ chạy ra ngoài đường, vừa chạy vừa khóc như một con điên.
Cái Tết trôi qua nặng nề và buồn thảm, cho dù ngoài mặt tôi vẫn thản nhiên nói cười. Y đã khóa cửa nhà, giao chìa cho mẹ và bỏ đi xa. Y bảo không chịu được cảnh đón Tết một mình. Mẹ tôi thở dài: “Mẹ khuyên nó về quê ăn Tết với chú dì, nhưng nó bảo không muốn hai cụ bên ấy buồn vì thấy nó về một mình”. Em gái tôi bĩu môi: “Kịch”. Mẹ tôi cáu: “Con khốn nạn kia. Mày chỉ muốn gia đình chị mày tan nát mới chịu im mồm phải không?”. Em gái tôi khẽ nhún vai: “Con chỉ nói sự thật”. Mẹ tôi cầm chiếc rổ quăng vào người nó: “Xéo ra chỗ khác. Đến phát điên vì mày”. Tôi bảo: “Mẹ đừng thế. Chuyện của con, con tự quyết định. Lời nói của người khác không ảnh hưởng gì”. Mẹ thở dài, ứa nước mắt.
Lần hòa giải thứ hai không thành. Chồng tôi vẫn cự tuyệt việc ly dị. Chúng tôi lại trở về, suy nghĩ thêm ba tháng nữa.
Lần thứ ba. Một ngày trước khi lên tòa, y gọi điện rủ tôi đi chùa: “Anh muốn thắp nhang cho bố”. Trong y có vẻ trầm tĩnh và gầy đi rất nhiều. Lòng tôi đau quặn, nhưng khi y quay người lại, tôi cố làm mặt dửng dưng. Y bảo: “Ngồi xuống đây một chút đi em”. Cầu thang đi qua một khung cửa sổ mở rộng, nơi có tàn cây hoa sứ nghiêng mình như một chiếc dù, khoe những cánh hoa nuột nà tỏa hương thơm hắc. Y thò tay ra cửa sổ, hái một cành nhỏ, khẽ mỉm cười: “Mau quá. Năm ngoái nó mới chạm đến thành cửa thôi, em nhớ không?”. Tôi bảo: “Anh muốn gì thì cứ nói hẳn ra”. Vẫn mân mê cánh hoa sứ trong tay, y quay hẳn người lại nhìn tôi bằng đôi mắt đăm chiêu: “Trước khi bố mất, anh đã hứa với bố rằng sẽ chỉ đem lại hạnh phúc cho em, sẽ thay bố làm một người trưởng gia đình để lo cho mẹ và Tú được đầy đủ. Cho đến giờ phút này, anh vẫn giữ lời hứa đó. Trước vong linh của bố, anh chỉ xin em thông cảm cho anh. Anh không nói ra được điều em muốn biết là có nỗi khổ của anh, nhưng anh khẳng định mình không làm điều gì có lỗi cả. Em bỏ qua chuyện này đi. Vợ chồng mình sẽ vui vẻ, hạnh phúc như xưa, em nhé?”.
Thật tệ hại. Y lại còn đem cả người cha đã chết của tôi ra để biện minh nữa ư? Tôi đứng phắt dậy: “Anh hãy để cho vong linh bố tôi được yên. Và cả tôi nữa. Giữa chúng ta chẳng còn gì để nói”. Rồi tôi bỏ về. Y không đi theo. Bước xuống bậc thang cuối cùng, nhìn lên, tôi thấy y đứng tì trán vào bệ thờ của bố. Dường như y đang khóc phải không? Tôi cũng muốn khóc nữa, nhưng hai mắt hoàn toàn ráo hoảnh. Có lẽ nước mắt của tôi đã khô cạn mất rồi.
==================
Vậy là chúng tôi đã ly hôn. Khi tòa quyết định, mẹ tôi khóc. Em gái tôi lại bĩu môi cười khỉnh. Khi dắt tay tôi đi qua mặt y, nó vẫn giữ nguyên nụ cười ấy. Thật lạ. Có vẻ như nó còn căm ghét y hơn cả tôi nữa. Vì chuyện ly hôn của tôi mà nó và mẹ đã cãi nhau nhiều lần. Mẹ muốn tôi tha thứ cho chồng.
Nó thì không. Nó bảo: “Mẹ đã từng tha thứ bố. Nhưng cuối cùng mẹ được gì? Bố luôn nhớ thương người ta, đến nỗi bệnh mà chết. Bố có nghĩ đến mẹ đâu?”. Mẹ khóc. Tôi quát nó: “Im đi!”. Nhưng nó vẫn bướng bỉnh: “Im cái gì? Em chỉ nói sự thật. Thà ngày xưa, mẹ cứ ly dị, để bố tự do sống với người ta, có lẽ lúc đó người bố nhớ đến sẽ là mẹ. Tha thứ để rồi đồng sàng dị mộng như mẹ, em phản đối đến cùng”. Nói xong, nó hằm hằm bỏ đi. Tôi ôm vai mẹ: “Mẹ đừng chấp. Nó còn con nít lắm”. Mẹ rũ rượi: “Lỗi tại mẹ. Chỉ tội cho bố con, chết rồi mà cũng không yên”.
Tôi lạnh toát cả nguời, bàng hoàng khi nghe mẹ kể. Hóa ra Tú không phải là em cùng cha cùng mẹ với tôi. Chính bố mới là người tha thứ cho một phút lạc lòng của mẹ. Không những thế, ông còn chấp nhận Tú là con ruột của mình. Khốn nỗi, Tú càng lớn, càng giống người kia, khiến bố không chịu nổi. Ông gây gổ với mẹ, bỏ nhà đi theo một vũ nữ, ăn chơi điên cuồng chỉ vì quá yêu, quá ghen. Mẹ lặn lội đi tìm, ngồi dầm mưa trước căn nhà ông ở suốt một đêm. Gặp được bố rồi, mẹ thụp lạy dưới chân ông, bảo sẽ ôm Tú nhảy sông mà chết nếu ông không về. Mẹ còn bảo sẽ cho Tú vào viện mồ côi nếu bố không muốn nhìn thấy nó nữa. Bố đã chảy nước mắt, về nhà cùng mẹ. Bố bảo mẹ giấu kín mọi chuyện, vì Tú không có lỗi gì. Việc bố trở về nhà hoàn toàn vì chúng tôi, bởi từ hôm đó trở đi, mẹ và bố không còn chung đụng chuyện vợ chồng…
Mẹ bảo: “Tú nhìn thấy sự lạnh nhạt của bố đối với mẹ, lại thấy bố u uẩn hoài nên kết tội bố, cho rằng bố nhớ thương người đàn bà khác mà ruồng rẫy mẹ. Nhiều lần mẹ muốn nói cho Tú biết rõ mọi chuyện, nhưng bố cấm tuyệt. Trước khi chết, bố còn bắt mẹ thề nữa. Mỗi lần Tú xúc phạm bố, mẹ khổ tâm lắm. Chắc mẹ phải cãi lời bố mà nói cho nó biết thôi”.
Ôm mẹ trong tay, lòng tôi như muối xát. Tôi không biết phải an ủi, khuyên bảo mẹ như thế nào. Nhưng tôi nghĩ đến tâm trạng của Tú khi biết rõ mọi chuyện. Nó là đứa quá khích. Liệu nó sẽ làm chuyện điên rồ gì khi biết mình không phải là con ruột của bố? Tôi bảo mẹ: “Từ từ đi mẹ. Để chuyện đó cho con. Chừng nào có dịp, con sẽ nói với nó”.
Giờ ngồi đây, nhớ lại sự việc, tôi hiểu sao Tú luôn xúi giục tôi ly dị với chồng. Nó ghét sự phản bội. Tôi bị lôi cuốn bởi lòng oán hận của nó đến nỗi kiên quyết ly dị, mặc dù trong thâm tâm chỉ muốn làm lành. Nhớ đến ánh mắt tuyệt vọng của chồng, nước mắt tôi từ từ chảy. Lần đầu tiên trong suốt gần hai năm xa chồng, tôi tự hỏi mình đã làm đúng hay sai? Nếu đúng, tại sao tôi lại bị dày vò như thế? Nếu sai, tôi có thể làm gì để cứu vãn? Trong vô thức, bàn tay tôi mân mê chiếc điện thoại di động rồi mở ra. Màn hình nhấp nháy dòng chữ “Chúc em yêu một ngày tốt lành”. Tôi muốn khóc òa lên. Tại sao tôi còn chưa xóa đi dòng chữ đầy âu yếm, ngọt ngào này?
Hôm sau, chồng tôi, không, chồng cũ của tôi tìm đến nhà. Chỉ qua một đêm mà mặt mũi, râu ria y tua tủa, hốc hác thấy rõ. Mẹ tôi ái ngại bảo: “Anh ngồi xuống đi. Mẹ pha cốc nước mát cho mà uống”. Y bảo: “Cám ơn mẹ”. Tôi lặng lẽ ngồi trước mặt y, không nói lời nào. Đêm qua tôi cũng phải uống hai viên thuốc ngủ. Dù gì thì mọi chuyện đã xong, tôi không muốn suy nghĩ nữa. Y móc túi, đưa ra chùm chìa khóa nhà: “Em muốn ở hay muốn bán căn nhà đó, tùy ý. Anh không cần chia chác tài sản gì cả. Trong lòng anh, chuyện ly dị coi như không có. Em vẫn là người vợ mà anh rất yêu thương. Anh đã xin chuyển công tác, về quê làm việc và ở với chú, dì. Bao giờ em suy nghĩ lại thì nhắn cho anh biết”. Tôi hơi bất ngờ trước quyết định của y. Không hiểu sao, lời nói cứ nghẹn cứng trong họng. Đến khi thốt ra đuợc, nó lại là một câu ngớ ngẩn: “Tuần sau lên lấy quyết định ly hôn ở tòa đấy”. Y thở dài: “Em lên mà lấy. Anh không cần”. Rồi y chào mẹ, bước ra khỏi cửa.
Buổi tối, khi nghe mẹ kể lại chuyện chồng cũ của tôi đến giao chìa khóa, Tú ngửng phắt đầu lên: “Thế à? Tốt quá”. Mẹ cau mày: “Tốt gì mà tốt?”. Em gái tôi thản nhiên: “Tháng sau con làm luận văn tốt nghiệp, cần một chỗ yên tĩnh. Con sẽ dọn sang nhà đó để học”. Quay sang tôi, Tú hỏi: “Chị cũng chưa bán căn nhà đó ngay đâu, phải không? Coi như em sang đó giữ nhà cho chị vậy mà”. Tôi thẫn thờ: “ Sao cũng đuợc. Tú muốn làm gì thì làm”.
Thấm thoát cũng gần nửa năm qua. Tú đã bảo vệ luận án xong, nhưng vẫn ở lại bên căn nhà ấy. Nó bảo: “Dọn về làm gì? Rồi chị lại phải thuê người để trông, có phải phí tiền vô lối không? Cứ để em ở. Bao giờ chị bán hẵng hay”. Bán ư? Tôi không định bán căn nhà ấy. Thời gian càng trôi đi, nỗi đau về người đàn bà bí ẩn cũng nguôi ngoai dần. Tôi không còn cảm thấy nổi gai khi nghĩ về chuyện cũ nữa. Trái lại, tôi nhớ đến chồng tôi. Giờ này anh ấy ở đâu? Làm gì? Từ hôm giao chìa khóa nhà cho tôi, anh không hề liên lạc một lần. Tôi cảm thấy chua xót khi nhớ lại lời anh nói: “Chuyện ly dị coi như không có. Em vẫn là người vợ mà anh rất yêu thương”. Có lẽ anh đã quên lời nói đó rồi.
Một lần quá buồn, tôi bỗng muốn về thăm nhà cũ. Xe tắc xi thả tôi xuống ngoài đầu hẻm. Tôi đi bộ trong bóng trăng mờ nhạt, lòng bồi hồi một cách lạ lùng. Đứng trước nhà, định nhấn chuông gọi Tú, chợt thấy cửa hé mở, tôi liền bước vào. Phòng khách im ắng. Có lẽ Tú đang ở trên lầu. Con bé vô tư thật, cứ mở cửa như vầy, có ngày trộm vào khuân hết đồ cũng không biết. Tôi rón rén đi lên cầu thang, định bụng làm Tú giật mình trước khi la cho một trận vì tội trông nhà một cách thờ ơ.
Tú đang nằm trên giường ngủ. Trên mặt nó là chiếc áo pyjama của chồng tôi.
Tôi đứng như trời trồng giữa cửa phòng. Đột nhiên, như có linh tính, Tú giật mình, vùng dậy, hét lên “Ai đó?” rồi thở phào: “Chị hả? Làm em hết cả hồn”. Tôi vẫn đứng sững sờ, mắt chằm chằm nhìn vào chiếc áo pyjama. Nhìn theo ánh mắt của tôi, Tú vội quăng chiếc áo sang một bên, cười xòa: “À, em đang đi học một lớp cắt may. Học cắt áo pyjama mấy lần rồi mà không được. Lúc nãy dọn tủ, thấy cái áo này y hệt kiểu đang học nên lấy ra coi. Rồi ngủ quên mất. Ủa, mà chị sang đây làm gì? Sao không gọi điện cho em trước?”. Tôi hỏi: “ Ngủ mà để cửa mở vậy sao? Có ngày trộm nó vào khiêng đi bán luôn cũng nên”. Tú tròn mắt: “Ủa. Bộ em quên đóng cửa lại hả? Trời, chắc già đến nơi rồi nên lú lẫn. Chị sang có việc gì không? Chị em mình ra ngoài kiếm cái gì ăn nghe. Em đói quá”. Giống như một cơn lốc, Tú nhảy xuống giường, đẩy tôi ra khỏi phòng: “Chờ em thay đồ một chút”, rồi đóng ập cửa lại. Tôi đứng ngẩn ngơ trước cửa phòng rồi lững thững bước xuống thang, ngồi chờ Tú ở phòng khách. Không hiểu sao, một cảm giác kỳ lạ cứ thấp thoáng ẩn hiện trong lòng.
Trong lúc ngồi ăn, Tú lại hỏi: “Chị sang nhà làm gì?”, rồi không đợi tôi trả lời, nó nói một cách thờ ơ: “Hồi nãy chị có để ý không? Em tháo hết mấy cái hình cưới của chị bỏ vô tủ rồi. Đã ly dị mà còn treo, kỳ lắm”. Tôi cảm thấy một cục nghẹn dâng lên ngang ngực. Nuốt ực một cái, tôi nói: “Ừ”. Tú nhìn tôi lom lom: “Chị buồn hả?. Tôi chảy nước mắt, lặng im. Tú nói nhỏ: “Em xin lỗi”. Tôi bảo: “Không sao đâu. Em không cất thì chị cũng cất mà”. Sau hôm đó, tôi không về nhà cũ lần nào nữa. Tôi sợ nhìn những bức tường trống trơ, sợ không gian vắng lặng đến vô tình trong căn nhà đó.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

Phần 03: Nhân quả

Nắng kinh khủng khi chị bước ra khỏi tòa án. Vài chiếc xe Honda rề lại mời chào nhưng chị lắc đầu. Miệng khô đắng, chị bước chông chênh như người sắp ngã qua phía bên kia đường. Nơi ấy có một quán nước vỉa hè.
Phía sau chị, người đàn ông từng đầu ấp tay gối một thời đã ngoắc một chiếc xe ôm và leo lên. Chị nhìn theo, lẩn thẩn nghĩ: “Trông anh ta chẳng có vẻ gì vừa ly hôn cả”. Nghĩ xong, chị giật mình. Không biết nhìn mình, người ta có biết mình vừa ly hôn không?
Người bán hàng bưng ra một ly nước dừa. Chị uống ừng ực một cách thèm thuồng. Vẫn chưa hết khát, chị gọi thêm một ly nữa.
Nắng quá. Mái tôn sẽ nóng bỏng, hắt hơi nóng sầm sập xuống nhà, nơi ba đứa con chị nằm ngủ còng queo trên chiếu. Chiếc chiếu duy nhất anh để lại.
Chiều hôm qua, anh đã dọn sạch mọi thứ:
- Cô bảo không cần tôi, chắc cũng không cần đến những thứ tôi đã sắm. Nếu ly hôn, tôi sẽ lấy tất cả đi.
Chị chán chường, khinh bỉ gật đầu:
- Anh muốn gì cứ lấy.
Chị không ngờ, chỉ sau một tiếng đồng hồ bỏ đi, lúc quay lại, anh đem thêm hai người nữa, khuân hết mọi thứ ra ngoài.
Ba đứa trẻ nhớn nhác, tụm vào nhau mếu khóc trong tay em gái chị. Còn chị, chị chỉ ngồi im. Đến lúc anh bảo hai người đàn ông khiêng tấm nệm và tháo chiếc giường ra, chị chợt kêu lên:
- Anh có còn là người không? Chiếc giường đó của các con anh nằm mà.
Anh cười khỉnh:
- Thì mẹ nó sẽ mua cái khác cho chúng nó.
Chị lặng người.
Anh không chỉ đem đi chiếc giường và những vật dụng anh mua. Sự nhẫn tâm của anh vô giới hạn. Đến nỗi khi chiếc xe hàng rồ máy đi rồi, gian nhà nhỏ trống rỗng chỉ còn lại một cái chiếu và ít chén bát, nồi niêu trong bếp. Em gái chị đưa đôi mắt buồn hiu nhìn quanh rồi bật khóc. Ba đứa trẻ thấy dì khóc, oà lên khóc theo. Nước mắt chị cũng chưc trào, nhưng chị cố nén lại: “Khóc cái gì? Nín hết đi!”.
Đêm hôm ấy, mấy mẹ con chị nằm ôm nhau trong chiếu. Đứa em gái trải báo ra nền nhà. Không có chăn, chị lấy những chiếc áo len, áo bông, đắp cho con và em. Khi tất cả đã yên giấc, chị mới âm thầm khóc một mình.
Buổi sáng. Chị nấu nồi cơm nhỏ, dặn em gái:
- Hôm nay chị lên tòa, chắc về trễ. Em cho các cháu ăn rồi dỗ tụi nó ngủ nhé.
Thế rồi chị quày quả bước đi.
Trước tòa, anh bảo:
- Tôi sẽ nuôi một đứa.
Chị kêu lên:
- Không. Tôi sẽ nuôi hết. Anh không được tách chị em chúng ra.
Tòa bảo:
- Các con còn nhỏ, được xử sống với mẹ. Cha có nhiệm vụ cấp dưỡng hàng tháng.
Anh khăng khăng:
- Nếu không để tôi nuôi một đứa, tôi sẽ không ký giấy ly hôn.
Tòa bảo:
- Cho phép anh chị hội ý, thương lượng cho ngã ngũ rồi báo cho tòa biết.
Chị nài nỉ anh:
- Anh thương con thì đừng tách chúng ra.
Anh phun một hồi khói thuốc vào mặt chị:
- Cô muốn nuôi hết cũng được, nhưng trong giấy tờ phải ghi tôi nuôi một đứa. Bao giờ tôi thích, tôi sẽ đến đón nó.
Mắt anh nheo lại một cách đểu cáng:
- Hay thôi, đừng ly hôn nữa, về sống lại với nhau vậy?
Chị rùng mình.
Thế là, trên tờ quyết định ly hôn, ghi anh nuôi một đứa, chị hai đứa. Khi tòa hỏi phần tài sản, anh mau miệng: “Chúng tôi sẽ tự thỏa thuận”. Chị có cảm giác hết sức buồn nôn nhưng cố nén. Bước ra khỏi phòng xử, anh vừa đi vừa huýt gió. Xuống phía dưới cầu thang, anh chận chị lại, bảo:
- Kiếm thằng nào giàu giàu một chút, lấy tiền của nó mà nuôi con tôi nhé. Cô còn đẹp chán, không khó để kiếm chồng đâu.
Nói xong, anh cười một cách khả ố rồi quẹo vào toilet.
 Chị cũng vội vã chạy vào toilet nữ. Giờ đây, chị có thể nôn rồi.
===========
Chị không thể không ly hôn anh. Cuộc hôn nhân của chị đã sai lầm ngay từ đầu. Khi chị sinh đứa con đầu tiên, anh đã lộ rõ bản tính háo sắc bằng hành động cặp kè với người khác ngay trước mặt chị.
Anh bảo, đàn ông cần chuyện đó, chị sinh nở không đáp ứng anh được thì phải chấp nhận để anh đi giải quyết bên ngoài. Lúc ấy, chị còn trẻ quá. Chị mới mười chín tuổi. Mẹ anh lại khuyên nhủ: “Đàn ông thằng nào không vậy? Nó nói thiệt còn hơn nó giấu sau lưng mình”. Chị đành lặng im.
Hai năm sau, chị lại sinh đứa thứ hai. Mãi khi đứa nhỏ được gần ba tháng, mẹ chồng chị mới đến nhà. Bà đến không phải để thăm dâu, thăm cháu, mà để bảo con trai:
- Mày xuống Bình Dương rước con Kiều với thằng nhỏ lên đây đi. Tao sẽ biểu vợ mày hợp thức hóa nó.
Chị bật ngửa khi biết anh đã có  đứa con trai với một cô vũ nữ trước khi cưới chị. Mẹ chồng chị bảo:
- Con không đẻ con trai được thì phải chấp nhận cho chồng con rước con nhỏ kia về cho nó làm nhỏ. Mày vẫn là vợ lớn, nắm quyền trong tay, mất mát gì?
Nhìn đứa con còn đỏ hỏn trong tay, chị ứa nước mắt, gật đầu đi với chồng và mẹ chồng xuống Bình Dương để rước người phụ nữ ấy và đứa cháu đích tôn về. Thế nhưng, cô vũ nữ đã cười vào mũi họ:
- Ai nói nó là con, là cháu của mấy người? Làm ơn để tụi tôi yên đi.
Lên xe, mẹ chồng chị nhiếc:
- Có miệng mà không biết nói một câu.
Chị bật khóc. Anh bảo mẹ:
- Chắc đứa sau là con trai. Má làm gì dữ vậy?
Nghe lời anh, chị có bầu thêm lần nữa. Biết đâu đứa con trai sẽ giúp anh bỏ thói trăng hoa, ở nhà làm một người chồng, người cha đàng hoàng? Khi nằm trên bàn đẻ, chị cầu Trời khấn Phật cho chị một đứa con trai. Suốt chín tháng qua, chị đã khăng khăng không chịu đi siêu âm. Anh bảo: “Đi siêu âm để biết trai hay gái. Nếu là gái nữa thì bỏ đi”. Giống như bỏ một con gà, một con vịt vậy. Chị không chịu. Ngày đêm, chị ôm ấp sinh linh trong bụng, thầm thì với nó: “Con thương mẹ, đừng là con gái nghe con”. Thế nhưng, Trời Phật đã không nghe lời cầu khẩn của chị.
Ôm con trong tay, chị khóc ròng. Em chị vào bệnh viện thăm, ẵm theo hai đứa nhỏ:
- Chị ơi, cho em ở lại đây luôn. Em không về nhà đâu.
Ánh mắt con bé hoảng hốt, lo sợ. Chị điếng người. Anh thú vật vậy sao? Con bé chỉ mới mười bốn tuổi. Chị cố gạn hỏi:
- Anh ấy có làm gì em không?
Con bé lắc đầu, khóc òa:
- Chưa. Em cầm con dao. Ảnh bỏ đi, nhưng em sợ lắm!
Ra tòa, anh trơ tráo nói:
- Tôi yêu vợ tôi. Tôi không muốn ly dị.
Chị ngồi khóc ngoài thềm khi tòa xử cho thử thách ba tháng. Người thư ký phiên tòa dắt chiếc xe đạp đi qua, đứng lại:
- Sao chị chưa về, còn ngồi đây?
Chị ngước đôi mắt đỏ sọng lên nhìn:
- Cô ơi, làm ơn…
 Nghe chị kể xong mọi chuyện, người thư ký trách:
- Sao hồi nãy trước tòa chị không khai hết ra. Giờ muốn giúp chị cũng khó lắm, phải chờ qua ba tháng.
Chị khóc:
- Vậy mẹ con em sẽ xin vô chùa ở, không ở chung với anh ta nữa. Người thư ký ái ngại lắc đầu.
Có lẽ mủi lòng vì hoàn cảnh của chị, cô thư ký đã làm hết sức. Một tuần sau, tòa đưa giấy mời hai vợ chồng lên. Cầm tờ giấy, anh chửi thề:
- Mẹ, bắt đi tới đi lui hoài!
Quay qua chị, anh bảo:
- Cô muốn ly hôn, tôi đồng ý. Có điều cô sẽ ra khỏi nhà tay trắng, không được đem theo bất cứ món gì trừ áo quần. Tôi sẽ lấy tất cả những gì tôi đã sắm. Đồng ý thì mai lên tòa, tôi sẽ ký.
 Chị gật đầu. Thế là một tiếng sau, anh đưa người về dọn tất cả đồ đạc đi, chỉ để lại một chiếc chiếu, trước kia vẫn dùng để ngồi ăn cơm.
============
Anh biến mất tích, như viên sỏi quăng xuống đáy hồ sâu. Bản án ly hôn bắt anh cấp dưỡng cho các con mỗi tháng sáu trăm ngàn. Thế nhưng suốt từ lúc ly hôn xong đến khi các con chị đã trưởng thành, chị không nhận được một xu nào từ anh.
Những tháng đầu tiên thật cực khổ. Chị xin giúp việc ở một tiệm phở, mỗi ngày chúi mặt chùi rửa hàng trăm chiếc tô váng mỡ. Hàng bán xong, chị còn phải phụ quét dọn, lau chùi. Hai bàn tay trắng trẻo, mềm mại của chị, chẳng mấy chốc đã chai sần, nổi gân. Không hề gì. Miễn là chị nhìn thấy ba đứa con sởn sơ, mạnh khoẻ. Em gái chị cũng trổ mã con gái, mắt biếc, môi hồng dù ăn uống đạm bạc, cực khổ. Nó cương quyết không chịu đi học nữa, bảo là không đành lòng nhìn chị bươn chải một mình. Vừa trông cháu, nó vừa nhận may gia công, nhận đan giỏ, thêu thùa. Nhìn em, chị chảy nước mắt. Không biết đời em sau này có khổ như đời chị hay không?
Làm công cho quán phở được hai năm, chị dành dụm được một số tiền nhỏ. Sang chiếc xe cà phê, nước ngọt, chị xin đứng bán ở vỉa hè ngôi trường mẫu giáo của con chị. Vừa bán hàng, chị vừa âu yếm nhìn các con vui chơi trong trường. Nỗi cực nhọc cũng theo gió bay đi.
Khi con chị vào học cấp 2, chị không còn bán cà phê, nước ngọt ở vỉa hè nữa. Chị đã thuê được một mặt bằng để bán cơm tấm hàng ngày. Không ít người đến ăn để ý đến bà chủ trẻ. Vâng, chị vẫn còn trẻ lắm, và đẹp nữa. Chị chưa bước đến tuổi bốn mươi. Em gái chị đã đi lấy chồng nhưng vẫn về bán hàng phụ chị. Nó khuyên: “Coi ai tốt, đi bước nữa đi chị. Nhà mình giờ cũng tạm yên rồi”. Chị lắc đầu. Một lần sang ngang là quá đủ. Cứ nghĩ đến ngày xưa là chị lại rùng mình.
Thế rồi, bất ngờ chị gặp anh.
Anh vào quán, gọi một dĩa cơm tấm rồi cúi đầu ăn ngấu nghiến. Cả chị và em gái đều không thấy anh. Chỉ đến khi cô gái phụ việc đến quầy nộp tiền, cười khúc khích, bảo: “Cái ông kia, ăn như đói cả tháng”, cả hai chị em mới ngửng đầu lên, tò mò nhìn.
Chị rủn người. Em gái chị cũng sững sờ buông rơi cái muổng. Dù đã nhiều năm trôi qua, dù hình dạng anh thay đổi, chị vẫn không thể quên được con người tàn nhẫn đó. Nhưng tại sao anh lại sa sút đến như vậy? Anh mặc một chiếc áo cũ, vá chằng vá đụp. Chiếc quần kaki bạc màu cũng vá hai miếng trên đầu gối. Gương mặt sạm nắng hốc hác, râu ria tua tủa, trông anh già hơn số tuổi bốn lăm của mình. Anh vừa ăn hết dĩa cơm, vét sạch đến láng bóng chiếc dĩa. Như còn thòm thèm, anh quay người lại, gọi: “Cho miếng cơm cháy đi”.
Chị thụp người xuống, lánh mặt sau quầy, nhưng anh đã nhìn thấy. Anh sựng lại một chút rồi đứng bật dậy, kêu lên: “Hạnh!”.
Sau khi ly dị, anh bán hết đồ đạc, lấy thêm của cha mẹ một số tiền rồi đi vượt biên. Chuyến đi không thành. Anh mất sạch. Trở về nhà cha mẹ, anh muốn lấy thêm một ít nữa nhưng cha anh không cho. Đợi một hôm ông bà đi xóm, anh cạy tủ, lấy hết số vàng bạc dành dụm của ông bà rồi bỏ đi.
Sống cuộc đời giang hồ tứ xứ, khi hết tiền, anh cặp với một cô gái điếm, làm vệ sĩ cho cô ta mỗi ngày. Quen thói xài hoang, lại không bỏ tật trai gái, anh bị cô gái điếm đuổi ra khỏi nhà chỉ với bộ quần áo dính da, sau khi cho đàn em dằn mặt anh một trận.
 Anh bảo: “Đó là lần đầu tiên, tôi nghĩ đến quả báo”.
Lê bước tàn tạ trở về với ý định xin lỗi cha mẹ, anh điếng người khi biết tin cha đã qua đời vì đứt mạch máu ngày anh bỏ nhà ra đi. Mẹ anh cũng lên cơn tai biến, liệt nửa người, lúc tỉnh, lúc mê. Nhưng mỗi khi bà tỉnh, đều gọi anh vào, thều thào: “Đi kiếm con Hạnh. Xin lỗi nó cho má”.
Suốt ba năm qua, anh đạp xích lô, nuôi mình và nuôi mẹ. Anh đạp xe khắp ngả đường, chỗ nào cũng hỏi thăm. Về xóm cũ, người ta bảo chị dọn nhà đi đã lâu, không tin tức gì. Anh cầu khấn Trời Phật cho anh được gặp lại chị và các con, dù chỉ một lần.
- Tôi xin Hạnh. Hạnh có thể đưa các con đến thăm bà nội chúng không? Bà yếu lắm rồi, nhưng tôi hiểu bà chỉ nấn ná sống để được gặp Hạnh.
Em gái chị bật kêu:
- Gặp làm gì? Nếu hồi đó chị em tôi với mấy đứa nhỏ bị bịnh tật, đói rách mà chết, giờ này lấy ai mà gặp mấy người?
Anh cúi gầm mặt, hai vai rũ xuống. Chị bảo:
- Thôi anh về đi. Chuyện đó tôi còn phải hỏi ý mấy đứa nhỏ nữa. Lâu nay, tụi nó chẳng biết gì về cha, về ông bà nội cả. Giờ đột ngột bảo đến, tôi sợ tụi nó bị sốc.
Khi anh đã đi, chị ngồi tần ngần một lúc lâu. Chị không thể ngờ sau khi ly hôn với chị, đời anh lại xảy ra nhiều biến cố như thế. Em gái chị phản đối:
- Kệ họ đi chị. Bao nhiêu năm qua, mình coi như không có họ, giờ cũng vậy đi. Hơi sức nào dính líu đến loại người đó nữa.
Chị im lặng. Chính chị là người muốn chôn chặt quá khứ đau buồn nhất, nhưng không hiểu sao, khi nghe anh nói về bà mẹ liệt giường, thoi thóp sống để chờ được gặp mình, lòng chị chợt nhói đau.
Đêm ấy, chị gọi các con lại:
- Mẹ muốn kể cho các con nghe một chuyện...
Anh xuống tóc ngay trong đám tang của mẹ. Chị và ba đứa con gái đứng im lặng sau quan tài. Khi nhìn thấy chị và ba đứa cháu nội, mẹ anh nấc lên một cái. Hai giọt lệ ứa ra trong hốc mắt sâu hoắm. Bà không nói được lời nào, cứ nắm chặt tay chị cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Mặc cho em gái phản đối, chị vẫn cho các con thọ tang. Cả chị cũng đội một vành khăn trên đầu. Nghĩa tử nghĩa tận, huống gì cả bà lẫn anh đều nhận ra lỗi của mình.
Tang ma xong, anh quỳ trước mặt chị:
- Tôi xin lỗi Hạnh. Mong Hạnh sẽ tha thứ. Ngày mai tôi vào hẳn trong chùa. Ngôi nhà này, mẹ tôi đã di chúc để lại cho các cháu. Mong Hạnh nhận cho linh hồn mẹ được siêu thoát. Tôi rất cám ơn.
Quay sang ba đứa con gái, anh bảo: “Ba xin lỗi”, rồi ôm mặt khóc rưng rức.
Đứa con gái út, đứa bé bị ruồng bỏ từ trong bụng, đưa tay đỡ cha dậy. Nó bảo:
- Mẹ và tụi con đã tha thứ cho ba rồi. Ba cứ yên tâm sám hối.
 Đúng một trăm ngày mẹ anh mất, chị và các con bán căn nhà thừa kế, gửi hết tiền vào quỹ chăm sóc trẻ mồ côi.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

Phần 02: Ngôi sao xanh

Gần nửa đêm.
[Image]
Con đường dẫn vào bến xe vẫn sáng trưng ánh điện. Dãy quán hàng chung quanh lố nhố người qua lại. Chiếc xe khách quẹo vào bến đậu sau khi người lơ xe theo thói quen, hò hét vang rân, tay đập vào thùng xe thình thình để mở đường.
Đám đông xe ôm, xe lôi nháo nhào kéo lại. Lũ trẻ và những người đàn bà lam lũ bán vé số, bánh mì, bánh tét, trà đá xúm lại mời chào rồi chán nản tản ra xa. Có tiếng ngáp dài: “Thôi về bây ơi, chuyến vét rồi”.
Gió khuya thổi vào mặt Nghĩa một luồng ấm lạnh, có vị mặn của muối. Cậu đi theo đám người láo nháo đằng trước chừng chục bước rồi đứng lại. Đi đâu bây giờ nhỉ? Cậu tự hỏi mình.
Cậu lơ xe cũng khoảng tuổi Nghĩa, phong phanh một chiếc áo phạch ngực, lê đôi dép lẹt xẹt đi ngang qua, ngoái cổ nhìn Nghĩa một cách kẻ cả: “Thấy bộ dạng là biết người không phải xứ này rồi. Có muốn giúp đỡ không?”.
Đưa ngón tay vào miệng, huýt lên một tiếng còi lanh lảnh xong, cậu lơ xe nói với người tài xế xe lôi vừa chạy tới: “Đưa huynh này tới khách sạn Cá Vàng”.
Quay lại phía Nghĩa, cậu nhướng mày: “Chỗ đó đàng hoàng, không có ghệ quấy rầy ban đêm. Nhìn tướng huynh thư sinh quá, tới mấy chỗ lèm nhèm là chúng nuốt như chơi”.
Nghĩa mỉm cười cảm ơn. Cậu lơ khoát tay vẻ anh chị: “Ơn nghĩa gì, tứ hải giai huynh đệ. Bữa nào về nhớ số xe của tui là được”. Xong, cậu nghinh ngang đi về một quán ăn phía ngoài cổng, nơi có người đàn bà đứng tuổi đứng ngoắc: “Về ăn cháo khuya nè Tèo”.
Người tài xế xe lôi hỏi: “Cậu có cái túi xách này thôi hả? Vậy cậu lên xe đi”.
Gần hai giờ sáng khi Nghĩa tắm rửa xong và nằm bật trên giường. Mệt mỏi đến cực độ nhưng cậu không tài nào nhắm mắt được.
Hôm qua, khi thu xếp quần áo cho Nghĩa, mẹ khóc: “Con đi chơi vài ngày cho bình tĩnh rồi về với mẹ. Bây giờ mẹ chỉ trông cậy vào các con thôi”.
Nhìn mẹ tiều tuỵ, Nghĩa xót lắm. Càng xót mẹ, Nghĩa càng oán cha. Tại sao gia đình đang tốt đẹp như thế, đang đầm ấm như thế mà ba nỡ phá hỏng?
Khi chuông cửa reng, cả nhà đang vui vẻ trò chuyện bên mâm cơm ngày chủ nhật. Ba đang pha trò câu gì đó mà cả nhà cười lăn lóc. Mặt mẹ đỏ ửng: “Cha con ông chỉ giỏi vào hùa trêu chọc tôi thôi”. Ba gắp một con tôm vào chén của mẹ: “Cái đó gọi là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đền bà con tôm bự nhất nè”.
Chó sủa dữ dội khi chị Tư người làm đưa vào ba người lạ mặt. Bữa cơm tan nát khi một trong ba người đọc lệnh bắt giam ba. Mẹ và chị em Nghĩa sững sờ, chết điếng. Khi cánh cổng đóng lại, hai chị của Nghĩa vẫn đứng chết lặng bên cạnh bàn ăn, còn mẹ thì đã ngất xỉu trong tay Nghĩa.
Người ta bảo ba vướng vào một vụ án tham ô lớn nhất nước. Mỗi ngày, từng tờ báo trong thành phố lại phanh phui ra thêm nhiều việc, nhiều vấn đề. Những hàng tin lớn in đậm tên ba kèm với một tội danh. Cả nhà Nghĩa hoàn toàn sụp đổ.
Hai chị của Nghĩa gắng đi học bình thường được ba ngày thì bỏ về nhà trong bữa thứ tư. Nhất định không chịu nói lý do. Mẹ khóc: “Dù gì thì cũng phải giữ nếp nhà như cũ. Các con đừng nản lòng. Chưa chắc ba đã phạm tội nhiều như vậy. Nghĩa lì lì mặt, bỏ ra ngoài thềm ngồi.
Nghĩa hiểu mẹ nói như vậy để tự an ủi mình thôi. Không nhiều thì ít, những chứng cớ mà người ta đưa ra trên báo cũng khẳng định ba có tội. Hai chị của Nghĩa bỏ học chắc chắn vì những ánh mắt dè bỉu, những câu nói khinh khi kiểu: “Ông già nhỏ đó là trùm tham ô…”; “Đi học làm gì cho mệt, ở nhà cũng có tiền đem tới tận miệng rồi…”; “Con gái nhờ đức cha. Nhỏ đó coi như tiêu”…
Bản thân Nghĩa đã từng nghe những lời nói như vậy. Còn tệ hơn nữa khi Nghĩa là con trai. Sáng hôm trước, thằng Học - đứa chuyên đối kháng với Nghĩa trong việc học -  khi đi ngang chỗ Nghĩa ngồi, đã bỏ lửng câu nói: “Nếu tham ô mà cứ cha truyền con nối thì lớp mình cũng có một thằng tham ô đó nghe”.
Hai bàn tay Nghĩa đã nắm chặt nắm đấm. Suýt chút nữa thì Nghĩa đã lao vào thằng Học rồi. May lúc đó Kim Chi đang ngồi gần, đã giữ chặt tay Nghĩa lại, kèm theo một ánh mắt van lơn: “Đừng. Bỏ qua đi Nghĩa”. Hai nắm đấm của Nghĩa càng xiết chặt hơn. Mồ hôi túa ra đầy trán, Nghĩa nhìn chằm chằm xuống mặt bàn.
Trưa hôm đó, Nghĩa cũng bỏ về nhà. Nhìn mặt Nghĩa, Mẹ không hỏi gì mà đã bật khóc. Tội nghiệp mẹ. Mẹ đã khóc ngày, khóc đêm như vậy kể từ hôm ba bị bắt đi. Mẹ cũng khóc khi người ta hỏi mẹ về công vi?c của ba. Mẹ chỉ là một bà nội trợ, biết gì mà trả lời?
Giống như hai chị, Nghĩa bỏ học. Kim Chi đến tìm: “Nghĩa ơi đừng vậy, mấy tháng nữa là thi rồi”. Nghĩa xẵng giọng với Kim Chi: “Chuyện của Nghĩa, Chi xía vô làm gì? Thi hay không mắc mớ gì đến Chi?”. Mặt Chi buồn thiu: “Ờ, không mắc mớ thiệt, nhưng Chi tiếc cho Nghĩa lắm”.
Hai đứa ngồi trên chiếc ghế đá ở ngoài sân. Dưới gốc cây tràm bông vàng đầy lá rụng. Có lẽ chị Tư không quét đã mấy ngày nay rồi. Nghĩa nói: “Mặc kệ Nghĩa đi. Không phải tại thằng Học đâu. Nhà Nghĩa có chuyện như vậy, Nghĩa làm gì còn tâm trí học hành nữa?”.
Kim Chi cúi người nhặt một chiếc lá, im lặng. Một lát sau, cô nói nhỏ:
– Chi không mặc kệ Nghĩa được. Mỗi ngày, Chi sẽ chép bài giùm Nghĩa. Buổi tối, Chi sẽ ghé đây để giảng lại và làm bài chung. Nghĩa nghỉ vài ngày cho bình tĩnh rồi đi học lại nghe?
Nghĩa không trả lời. Mắt cậu hướng lên những tàng cây đang lung lay trong gió. Kim Chi rụt rè nắm tay Nghĩa:
– Ở vị trí của Nghĩa, Chi sẽ gắng thi đậu để tụi nó im hết đi.
Rút tay ra khỏi tay Chi, Nghĩa đứng phắt dậy:
– Nói dễ nghe lắm. Chi sẽ không bao giờ muốn ở vị trí của Nghĩa đâu.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN
===============================================
Không ngủ được, Nghĩa ngồi dậy châm một điếu thuốc lá. Cậu hít một hơi thật mạnh, lắng nghe vị đắng tràn vào buồng phổi. Đã gần bốn giờ sáng rồi.
Hai tuần nữa người ta sẽ xử ba. Nhà Nghĩa như đang trong tâm bão. Mẹ lao đao, suy sụp nặng nhưng vẫn cố gắng chống chọi, cố gắng đứng vững để lo cho gia đình, lo cho ba. Hai chị của Nghĩa suốt ngày trốn trong phòng, hễ ló mặt ra là con mắt sưng húp, đỏ lựng. Nghĩa lặng lẽ chở mẹ đi rồi lặng lẽ chở mẹ về, bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào, miễn là nơi đó đem lại cho mẹ một niềm hy vọng. Hết chùa chiền, đình miếu, lại đến những ngôi nhà kín cổng, tường cao. Hai mẹ con im lìm suốt dọc đường đi, nhưng mỗi lần dừng lại trước một cánh cổng nào đó, Nghĩa lại nắm chặt tay mẹ như muốn truyền thêm cho bà chút sức lực để chịu đựng. Phải rồi, để chịu đựng những cái lắc đầu từ chối của người ta. Bà con, họ hàng không ai muốn mẹ con Nghĩa tìm đến, không ai ghé thăm, không ai han hỏi lấy một lời. Những điều họ muốn biết thì báo đã đăng cả rồi. Cho mẹ con Nghĩa vào nhà là chuốc lấy phiền luỵ vào thân. Có lẽ họ nghĩ như vậy. Có lẽ họ không muốn lâm vào hoàn cảnh không phải đầu cũng phải tai. Có lẽ thế!
Mỗi lần nhìn mẹ đứng cúi đầu trước những cánh cổng đóng kín, lòng Nghĩa lại đau nhói. Cậu đã quen nhìn mẹ vui vẻ nói cười, quen nhìn khuôn mặt thanh tú dịu dàng ngẩng lên trong cái nhìn âu yếm giành cho chồng con. Mẹ là người đàn bà của tổ ấm hạnh phúc, không phải của cảnh nhà lạnh vắng người. Nước mắt Nghĩa ứa ra âm thầm trên đường chở mẹ về nhà khi cảm thấy bờ vai cậu có giọt nước ấm nóng vừa rơi xuống. Cậu gắt mẹ: “Đã nói mẹ đừng khóc nữa mà. Khóc có được gì đâu?”. Câu gắt gỏng đầy yêu thương của Nghĩa làm vỡ oà cơn tức tưởi của mẹ. Bà gục đầu trên vai con trai, rưng rưng khóc: “Cho mẹ khóc một lần nữa thôi. Chỉ một lần nữa thôi mà”. Nghĩa quờ tay ra phía sau, nắm lấy bàn tay mẹ. Chiếc xe lảo đảo ngừng lại dưới góc tối của một tàng cây. Nghĩa đưa tay quệt nhanh mắt, cậu nói nhỏ: “Thôi mẹ ráng nín đi rồi mẹ con mình về”.
Tờ lịch trên bàn càng rụng xuống, ngày đó càng đến gần thì cơn bão trong nhà Nghĩa càng cuộn lên mãnh liệt. Hai chị của Nghĩa đã nằm lịm sau mấy ngày bỏ ăn. Hai quầng mắt của mẹ như hai hố sâu đen thẫm. Mẹ ngồi đầu giường bón cháo cho hai chị, miệng dỗ dành khe khẽ: “Ráng ăn một miếng đi con”. Nhìn lại hai chị nằm thiêm thiếp, Nghĩa vừa giận vừa thương. Hai chị vốn mỏng manh, yếu đuối, nhỏ lớn chưa hề nghe một câu nặng. Ba mẹ nâng niu, bảo bọc đến thế kia mà. Hai chị sốc là phải, tuyệt vọng là phải. Bỗng dưng chỉ trong một tích tắc đã không còn gì. Y như từ đỉnh núi rớt xuống vực sâu vậy. Một chị khóc, hỏi mẹ: “Thật sự ba có làm điều đó không mẹ?”. Nét mặt mẹ thật là tội nghiệp, thật là sợ sệt, thật là hoang mang: “Mẹ không biết”. Chị kia lại hỏi: “Liệu người ta có xử bắn ba không mẹ?”. Mẹ vội đưa tay bịt miệng chị: “Nói bậy. Ba sẽ không sao đâu. Mẹ tin như vậy”. Chén cháo trên tay mẹ run rẩy, đổ ra nệm giường. Nghĩa đưa tay cầm chén cháo trên tay mẹ: “Để đó con đút cho”.
Hai chị nằm quay mặt vào tường. Nghĩa quát: “Ngồi dậy ăn đi, đừng có hành mẹ nữa. Muốn mẹ chết luôn hả?”. Hai chị khóc oà. Nghĩa cũng khóc. Nghĩa khóc to hơn ai hết: “Chẳng lẽ ba bị vậy rồi cả nhà cũng chết theo sao?”.
Còn một tuần nữa. Mẹ đã ráo hoảnh nước mắt. Trông mẹ cứng rắn lạ thường. Hai chị cũng ngồi dậy, lẩy bẩy phụ việc vặt trong nhà. Chị Tư người làm đã xin nghỉ từ lâu.
Một buổi tối, mẹ gọi cả ba chị em lại để nói chuyện. Mẹ nói rằng cho dù ba có lỗi đến đâu thì ba vẫn là người đã sinh thành ra ba đứa, rằng ba đứa không được nản chí, không được ruồng bỏ ba lúc này. Mẹ nói rằng lẽ ra người ta cũng nên bắt mẹ luôn vì trong suốt những năm vợ chồng chung sống, mẹ chỉ vui sướng thụ hưởng những gì ba đem về nhà mà không thắc mắc vì sao có nó. Sự vui sướng của mẹ có thể là động cơ xúi giục ba chồng chất từ lỗi này sang lỗi khác mà không lường được hậu quả của nó ra sao. Mẹ lại nói, bây giờ mẹ có hối hận cũng đã muộn rồi, chỉ còn một cách duy nhất giúp ba là giải quyết hậu quả được phần nào hay phần đó.
Cũng may căn nhà đang ở là do ông bà nội để lại nên không bị niêm phong. Mẹ nói mẹ sẽ bán tất cả những thứ tài sản có thể bán được để đền bù vào số tiền ba đã tham ô, hầu mong người ta sẽ giảm nhẹ tội cho ba. Sau phiên xử của ba, mấy mẹ con sẽ ăn ở thật tặn tiện, cố đắp đổi mà chờ đợi ba về. Ba đứa phải đi học trở lại, phải cố gắng để làm mờ đi vết đen trong lý lịch của mình.
Nhìn mẹ, Nghĩa thật kinh ngạc. Như đó là một con người khác, một gương mặt khác mà Nghĩa trông thấy lần đầu. Trong suốt cuộc nói chuyện, gương mặt ấy  bừng lên một ý chí quả quyết và can đảm. Hai quầng mắt của mẹ vẫn đen nhưng vẻ u tối không còn đọng lại nữa. Mẹ nói: “Mẹ con mình sẽ làm lại từ đầu”. Hai chị của Nghĩa như bị lôi cuốn bởi lòng quả quyết ấy, đồng thanh: “Dạ”. Mẹ quay lại nhìn Nghĩa. Đôi mắt mẹ như sáng lên khi nhìn thấy Nghĩa mỉm cười.
Có những điều Nghĩa không ngờ được về mình. Trong khi hai chị của Nghĩa dần khoẻ lại, phụ giúp mẹ trong công việc thì Nghĩa trở nên hụt hẫng, mất phương hướng mỗi lần nhìn căn nhà trống trải dần đi. Khi hai chiếc xe của hai chị đã bán, chỉ còn lại chiếc của Nghĩa cho mọi người đi chung, để chơ vơ trong căn phòng rộng, Nghĩa cảm thấy đau nhói trong lòng.
Chỉ còn lại hai ngày nữa là đến phiên xử. Nghĩa nói với mẹ: “Con muốn đi xa ít ngày”. Lẳng lặng, mẹ gật đầu. Mẹ thừa biết Nghĩa không chịu nổi không khí của phiên toà, nơi sẽ định đoạt cuộc đời còn lại của ba và của cả bốn mẹ con Nghĩa. Làm sao mà chịu nổi cảnh người ta phán xét, người ta luận tội mình chứ? Nhất là khi mình mới mười chín tuổi. Mẹ nói: “Con cứ đi. Ở nhà mẹ đã có hai chị con chăm sóc. Con yên tâm”.
Vậy là Nghĩa đi. Nghĩa ra bến xe, mua một cái vé về nơi xa nhất. Cậu không biết, chưa từng biết nơi đó. Cậu chỉ muốn chạy trốn thực tế ít ngày.
Đêm dài quá. Nghĩa hút được hai hơi thuốc lá thì dụi tắt. Ngay cả món thuốc lá này, cậu cũng chỉ mới làm quen được vài ngày. Nó chẳng giúp ích được tâm trí cậu bình tĩnh lại, mà còn có vẻ làm cậu mụ mị hơn. Đưa tay nhìn đồng hồ. Nghĩa thấy hai cây kim chỉ cùng một số. Còn một tiếng nữa là bình minh.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN
=========================================
Thay quần áo, Nghĩa xuống lầu. Người bảo vệ ngáp dài: “Trời còn tối mà cậu đi đâu?”. Nghĩa trả lời: “Đi ra biển phía nào chú?”. “Cậu muốn ra biển đón bình minh hả? Đi tới ngã tư, quẹo phải rồi đi thẳng miết là tới biển”. Nghĩa mỉm cười, đưa cho người bảo vệ gói thuốc hút dở: “Cảm ơn chú nghe”.
Trời còn đầy sao khi Nghĩa ra tới biển. Phương đông chưa có dấu hiệu hửng sáng. Gió nồng nàn mùi muối, mùi cát, Nghĩa chọn chỗ lộng gió nhất, nằm dài ra nhìn lên trời.
Có phải ngôi sao kia là sao Hôm? Màu nó xanh biếc, lấp lánh sáng. Đột nhiên Nghĩa nhớ tới Kim Chi. Mắt Chi cũng long lanh như thế khi Nghĩa nói là Nghĩa đi xa và chỉ trở về khi mọi việc đã chìm vào quá khứ. Chi không hỏi Nghĩa đi đâu, cũng không ngăn cản gì, chỉ nói vắn tắt: “Chi vẫn chép bài cho Nghĩa hằng ngày”. Lúc đó, Nghĩa đã im lặng quay đi.
Đúng ra ngôi sao sáng đó gọi là sao Mai. Màu xanh của nó thật đẹp. Chi nói: “Chừng nào Nghĩa thấy buồn thì gọi điện cho Chi”. Nghĩa không ừ hử gì cả. Lòng Nghĩa lúc đó không vui cũng không buồn. Với việc ra đi của mình, Nghĩa chỉ thấy dửng dưng.
Gió càng lúc càng lạnh. Tiếng sóng ùa vào bãi cát nghe xạc xào, rào rạt. Giờ này chắc mẹ đã dậy rồi. Từ lúc ba vắng nhà, mẹ thường dậy sớm như thế để thắp nhang trên bàn thờ ông bà và lầm thầm khấn vái. Sau đó mẹ sẽ ra ngoài thềm chờ sáng với dáng ngồi hiu hắt, buồn tênh. Có lần Nghĩa cũng dậy sớm như thế và ra ngồi cùng mẹ. Chính mẹ đã chỉ cho Nghĩa thấy ngôi sao buổi sáng, thấy màu xanh huyền hoặc của nó và nói: “Nó như niềm hy vọng của gia đình ta”.
Hôm nay mẹ cũng sẽ ngồi một mình như thế. Nghĩa biết khi dõi mắt theo ngôi sao xanh, mẹ không chỉ cầu nguyện cho ba mà còn cầu nguyện cho đứa con trai yêu quý được bình an.
Không hiểu vì sao, càng về sáng thì càng nhiều gió như vầy? Phương đông đã hửng một màu hồng nhạt. Xa khơi kia đã thấy rõ từng con sóng nhấp nhô. Nghĩa lồm cồm ngồi dậy.
Chỉ còn một ngày nữa là đến phiên xử của ba. Hôm nay mẹ sẽ ăn uống ra sao? Sẽ khóc ngấm ngầm như thế nào khi nghĩ đến giây phút nhìn thấy ba ở ngoài toà?
Nghĩa rùng mình. Lạnh quá. Chính Nghĩa cũng hốt hoảng khi nghĩ đến giây phút ấy, khi nhìn thấy ba trong bộ quần áo phạm nhân đứng ủ rũ trước toà.
Hàng ngàn cặp mắt sẽ đổ dồn vào. Không chỉ dồn vào ba đâu, mà còn dồn vào mấy mẹ con Nghĩa nữa. Rồi những tiếng chê trách, dè bỉu mà Nghĩa sợ. Rồi những nụ cười mỉa mai…
Từ biển, Nghĩa đi ngược qua chợ. Cậu mua một ít quà bánh, bỏ vào cái túi nhỏ xách toòng teng trên tay. Đang đi lớ ngớ trong chợ, Nghĩa bị một bàn tay nắm lại: “Ê huynh, đi đâu vậy?”.
Cậu lơ xe hôm qua toét miệng cười. Nghĩa mừng rỡ: “Ủa, hôm nay bạn không theo xe sao?”. “Có chứ, nhưng tới chiều lận”.
Đi theo cậu lơ xe ra một cái quán ở góc chợ, Nghĩa nói: “Còn chỗ không cho mình về với”. Cậu lơ xe khoát tay: “Xong ngay. Ủa, mới tới hồi khuya mà giờ đã muốn về hả?”. Nghĩa cười: “Ờ, xong việc rồi”.
Buổi chiều. Khi xe bắt đầu tách bến, Nghĩa ngoái cổ nhìn lại phía sau. Cậu không thấy gì ngoài đám bụi bay lên mù mịt. Gió thổi tung đám bụi tản lạc khắp nơi. Có tiếng một người đàn bà la lên: “Gái Lớn, bồng em vô nhà!”. Tiếng một đứa trẻ hát líu lo. Tiếng máy hát xập xình từ những quán nước dọc đường cái: “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân”… Nghĩa bâng khuâng thở dài.
Lại hơn nửa đêm khi Nghĩa đứng trước cổng cửa nhà. Trong nhà đèn vẫn sáng, có lẽ mẹ và hai chị đều không ngủ được.
Mẹ ôm Nghĩa vào trong tay, không nói lời nào. Hai chị lăng xăng soạn đồ, thu dọn túi xách cho Nghĩa. Như một hiệp ước ngầm, không ai nhắc gì đến chuyện ngày mai.
Đêm hôm đó, Nghĩa thức tới sáng. Cậu nhìn đăm đăm vào ngôi sao Hôm xanh biếc ở tận trên cao. Bình minh sẽ đến và rồi ngôi sao kia sẽ tắt. Nhưng màu xanh của nó lại chan hoà trên bầu trời, chan hoà trong trái tim của cậu.
Cậu sẽ vững vàng cho dù phải vất vả đến bao nhiêu…
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

Phần 01: Người đàn bà bí ẩn - Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Liên

Hiểu tâm lý phụ nữ sâu sắc, nhất là phụ nữ khi yêu – mẫu người nữ của đa số: mong manh, dễ vỡ, nhẹ dạ…, nhưng khi đau tình thì có thể cực kỳ nguy hiểm… – có thể nói Phạm Thị Ngọc Liên đã thành công với những câu chuyện tình có nhân vật chính là một người nữ.
Thân phận người nữ trong truyện Ngọc Liên thường đều buồn. Hầu hết bị gãy đổ, thất bại trong hôn nhân. Những hệ lụy của sự đổ vỡ thường rất nặng nề về phía nữ giới, bởi với người nữ thì một mái ấm gia đình luôn cần thiết hơn. Người nữ còn thường dốc tất cả vào cuộc hôn nhân của mình: tình yêu, niềm tin, hi vọng… Thế nên cú sốc mà họ phải gánh chịu thường nặng nề hơn.
Dù cùng lúc còn là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ tình, thế nhưng đọc truyện của Ngọc Liên lại hiếm thấy tâm hồn thơ của chị chen vào. Các câu chuyện được kể với một giọng rất lạnh, tỉnh, bút pháp nhiều chỗ cứng cỏi như của một nhà văn nam giới, đặc biệt cách viết gọn ghẽ, dứt khoát, bố cục đâu ra đó như một kịch bản phim. Có thể vì hàng ngày Ngọc Liên còn là một nhà báo…

NGUYỄN ĐÔNG THỨC