Hiển thị các bài đăng có nhãn Sóng Biển Rì Rào. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sóng Biển Rì Rào. Hiển thị tất cả bài đăng

P02: Gọi điện

Tàu lướt nhanh trên mặt biển lặng như tờ. Hai con nước rẽ sang hai bên sóng sánh. Biển xanh ngắt. Khi tàu hành trình trên sóng yên biển lặng thì thứ bảy và chủ nhật toàn bộ thuyền viên được nghỉ. Trừ sĩ quan boong là phải đi ca. Đi ca là để canh chừng và phát hiện tàu bè khác.
Tránh lưới cá và đâm va có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên đại dương thì đặt ở chế độ lái tự động. Sĩ quan boong trực ca để theo dõi và chỉnh lại góc lái bị  lệch so với hướng chuẩn.
Bộ phận máy thì khỏe hơn. Máy móc làm việc hoàn toàn tự động. Khi một máy móc nào bất thường thì báo động. Lúc đó mới xử lý. Tuy không có người đi ca trực tiếp nhưng cũng chia người đi ca gián tiếp. Đi ca gián tiếp chỉ cần kiểm tra vài lần trong ngày, và xử lý kịp thời khi máy móc báo động. Còn sự cố thì mọi người đều ra tay. Bất cứ lúc nào nhằm đảm bảo cho con tàu hoạt động tốt. Ca gián tiếp thì luân phiên nhau theo tuần. Trực ca gián tiếp là một ngày đêm. Do vậy ai cũng có thời gian nghỉ ngơi.
Đi ca thì không được uống rượu bia. Theo qui định uống một đơn vị rượu thì phải ít nhất bốn giờ mới được đi ca. Cuối tuần đi ca gián tiếp nên sửa lại: uống 4 đơn vị rượu thì được đi ca sau… một giờ. Được nghỉ nên cứ uống thả ga. Không cấm uống. Chỉ cấm say. Mà say rượu còn dễ chịu hơn say sóng. Say rượu thì đóng cửa phòng nằm ngủ là xong chứ say sóng thì không tài nào ngủ được. Chèn mấy chiếc gối mà người vẫn còn lăn qua lăn lại. Khi đó phải dậy uống thật nhiều bia mới ngủ được. Bia có nhìêu ích lợi thế đấy. Trời nóng thì giải khát. Trời lạnh uống vào cho ấm người.
Bia còn là cái cớ để tụ họp. Trên tàu mấy khi tập họp được đông đủ. Làm việc theo ca nên nhóm này rảnh thì nhóm kia bận. Ngay cả họp hành gì cũng vậy, phải có người thế ca, không ai được phép bỏ ca trực của mình. Cuối tuần thường liên hoan là vậy. Liên hoan cho vui vẻ, cho ngày tháng ngắn bớt một chút. Trên bờ, cuối tuần còn đi đây đi đó để thay đổi không khí. Ở trên tàu cuối tuần biết đi đâu. Uống vài ken cho đỡ nhớ nhà.
Gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc. Bia thuốc trên tàu thì vô kể. Ra nước ngoài tàu được mua hàng miễn thuế. Trước lúc tàu nhận thực phẩm thì thủy thủ đặt rượu bia thuốc lá trước. Theo qui định, mỗi người chỉ được để trong phòng một cây thuốc lá, một két bia và một chai rượu. Còn bao nhiêu cứ gởi ở kho của tàu. Mua nhiều để dự trữ trên tàu chứ hàng tháng trên biển hết thì biết tìm đâu. Nhiều người nhịn đói chứ không nhịn được thuốc. Cứ đi lang thang như người mất hồn. Lang thang tìm tàn thuốc để hút. Có tàn thuốc công nhân vứt trên bô cẩu cao hàng chục mét, tàu lắc lư chứ cũng có người trèo lên mót. Trong khu vực của thủy thủ thì làm gì có tàn thuốc. Hút thuốc cũng có phòng hút để phòng cháy nổ. Hút không đúng nơi qui định là bị thuyền trưởng phạt tại chỗ 20 USD. Phạt đến tháng trừ vào lương. Hút ở phòng hút, hút xong là dọn tàn ngay. Không có thuốc thì uống bia cho quên mùi khói.
Cuối tuần ngồi uống bia tâm sự cho vui. Bia nhiều chỉ thiếu sức uống mà thôi. Món nhậu thì khỏi sợ thiếu. Chiều nào nhậu thì tổ bếp lo chuẩn bị nấu nướng từ trưa. Mỗi bữa mỗi món. Tất cả các món từ năm châu. Tàu nhận thực phẩm ở năm châu, thủy thủ được nếm của ngon vật lạ khắp năm châu bốn biển. Muốn món gì thì đặt. Nhà cung ứng thực phẩm nước ấy mang đến tận tàu. Mỗi lần nhận thực phẩm là đẩy xe đưa thực phẩm vào kho mệt nghỉ. Khi nhận thực phẩm, tất cả phải xắn tay. Thuyền trưởng và máy trưởng cũng ra đẩy xe dù là giữa trưa nắng nóng hay lúc tối mùa đông lạnh cắt da.
- Chúc mừng cuối tuần!
- Chúc mừng sóng yên biển lặng!
- Chúc mừng tàu thuận buồm xuôi gió!
- Mừng đêm nay tăng ngày!
Thôi thì đủ lý do. Cụng ly cụng lon có thiếu gì lý do! Uống để ăn ngon miệng. Uống cho máu lưu thông, tuần hoàn tốt. Chung qui lại là vui. Vui để uống. Uống để vui. Một mình có ai uống bao giờ đâu!
Chỉ mỗi lý do tăng ngày là uống mệt nghỉ rồi! Đêm nay còn ngày 27, ngày mai là ngày 1 rồi. Tháng hai này chỉ có 27 ngày! Tàu đi từ đông sang tây, khi qua kinh tuyến 180 thì cộng thêm một ngày. Mười mấy người được biếu không một ngày!Chỉ có mấy người đi ca nhằm vào ca đổi giờ thì lỗ. Họ bị lỗ 24 tiếng đồng hồ đi ca. Mỗi ca của họ là 5 tiếng. Một ca bình thường chỉ 4 tiếng nhưng khi qua mỗi múi thì tăng thêm một giờ. Đổi giờ thì đổi cố định ở ca 8-12. Nhưng nhiều lúc họ đi ca chỉ có 3 tiếng vì tàu đi từ Tây sang Đông. Nhưng dễ gì được cộng 24 giờ, có đi được vòng quanh trái đất mới được cộng như thế! Sướng quá đi chứ! Thôi cụng lon đi nào!
Khi liên hoan, tiêu chuẩn mỗi người hai lon bia. Hai lon là vừa. Trên tàu ăn uống có giờ giấc để phục vụ còn dọn dẹp. Muốn uống thêm thì lên phòng hay sang câu lạc bộ. Nhớ nhà thì uống cho đỡ nhớ. Ngà ngà thì càng nhớ hơn. Nhất là những người mới đi tàu. Gia đình ai mà không nhớ. Có người mới cưới được vài hôm đã phải đi rồi. Không chỉ nhớ gia đình mà nhớ người dưng. Trời sinh cái tính thương nhớ người dưng. Buồn cũng nhớ mà vui cũng nhớ. Thủy thủ lãng mạn. Tình cảm thủy thủ dạt dào. Giữa biển nếu bắt được sóng radio thì gọi điện về cho vơi đi nỗi nhớ.
Tàu đang ở Thái Bình Dương, thời tiết tốt nên hè nhau gọi điện. Có dịp là tranh thủ gọi. Liên lạc với gia đình đâu phải dễ. Không chỉ trên biển mà ngay cả trên bờ. Không phải đến cảng nào cũng gọi được. Có cảng có hộp điện thoại công cộng gần, chỉ cần mua cạc rồi gọi. Có cảng không có hộp điện thoại, phải đi thật xa mới có máy để gọi. Nhiều cảng phải đi taxi cả chục cây mới gọi điện được. Gọi điện nhiều thành thói quen. Gọi để giãi bày. Gọi để thỏa mãn. Giống như thấy đứa trẻ là bồng là nựng vào má gọi là thương nó chứ chưa biết đứa trẻ ấy có thích như vậy hay không.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng gọi điện được. Tàu đến những nước không cùng múi giờ với múi giờ ở nhà. Ở nhà giờ phù hợp thì thủy thủ đang đi ca. Ngoài giờ đi ca thì ở nhà vào lúc nửa đêm. Khi gọi điện cũng phải cộng tới trừ lui cho phù hợp giờ. Gọi về mà phá giấc ngủ người khác cũng không nên. Rồi đi bờ thường đi chung taxi với nhau cho tiện. Chẳng lẽ cứ gọi điện thoại hoài để người khác chờ. Nhiều khi có cạc mà không gọi được là vậy. Để rồi tàu chạy, thấy cứ như lỡ lỡ một việc gì.
Không gọi được ở bờ thì tìm cách gọi bằng sóng radio. Gọi bằng sóng radio thì thích hơn. Nhưng có những nơi có sóng nhưng không gọi được. Gọi bằng sóng radio thì thích hơn. Nhưng có những nơi có sóng nhưng không gọi được. Tàu nằm trong lãnh hải Australia thì không được gọi. Gọi sẽ bị nhiễu sóng cho các thiết bị hàng hải khác. Nhất là thông tin mà tàu phải cập nhật hàng ngày. Một số nước cấm gọi trong lãnh hải của họ vì an toàn quân sự và an ninh quốc gia. Gọi sẽ bị phạt nặng.
Thuyền trưởng Dong Jun San lại không cho gọi bằng sóng radio trên tàu vì sợ… hỏng máy. Người ít biết về máy móc thường sợ máy móc. Thuyền trưởng rất bảo thủ, luôn cho mình đúng. Trên tàu, thuyền trưởng gọi điện thoại cho ai, vừa nói xong là cúp máy, không biết người nghe đã nghe được hay chưa. Chưa bao giờ thuyền trưởng nghe ai nói một điều gì. Khi ngồi nhậu cũng có người phát hiện được: thuyền trưởng nhét chỉ vào kín hai lỗ tai nên không nghe được là phải!
Thuyền trưởng ghi lệnh cấm. Người nào vi phạm là đuổi về nước. Cấm chứ vẫn có người lén gọi. Mỗi lần gọi là có người canh. Mà canh thuyền trưởng khó lắm. Thuyền trưởng không có giờ giấc nhất định. Có nhiều khi ba bốn giờ sáng cũng chưa ngủ, năm sáu giờ sáng đã dậy. Đi đứng bất thường, đang đi thẳng bất ngờ quẹo, chẳng ai biết đường nào mà lần. Được cái là khi thuyền trưởng đi rất dễ phát hiện. Đôi dép lê quai rộng thùng thình quẹt loẹt xoẹt. Thuyền trưởng đi từ đầu hành lang ở cuối hành lang đã nghe, đi trên mấy dãy cầu thang ở câu lạc bộ xem tivi cũng đã biết rồi.
Thuyền trưởng đi dép thì dễ biết chứ đi giày vải thì chịu. Nhưng thuyền trưởng lại có yếu huyệt: thích nhậu. Chiều chiều thuyền trưởng đi lòng vòng, thấy chỗ nào có nhiều dép trước cửa phòng là gõ cửa. Gõ một cái rồi mở cửa bước vào luôn không đợi chủ nhà có đồng ý hay không. Mới đầu có thuyền trưởng, thủy thủ còn vui. Riết rồi thường. Nhậu thì không được nói chuyện công việc. Chỉ hàn huyên tâm sự. Hai nền văn hóa khác nhau nên khó mà hiểu hết. Thuyền trưởng uống vào thì nói nhiều và nói to. Ngôn ngữ trên tàu là tiếng Anh. Khi phát âm những từ âm “i” âm “s”, thuyền trưởng cứ nói đi nói lại, nước bọt bay như mưa. Khổ cho người ngồi gần.
Thuyền trưởng có một kiểu uống rất độc chiêu. Ngửa cổ lên rồi rót. Bia qua thẳng cổ rồi xuống bụng mà không qua miệng. Mùi bia không xộc qua mũi nên không biết say. Uống bia là để thưởng thức. Thuyền trưởng cứ uống ừng ực, có gạt tàn thuốc vào lon bia, uống cũng không biết gì. Có thuyền trưởng cuộc vui đâm ra mất tự nhiên. Dần dần uống ở phòng riêng thì địa điểm luôn di động và bỏ dép vào trong hết.
Liên hoan chiều nay, sóng yên biển lặng nên uống thả ga. Uống xong bên nhà ăn rồi qua câu lạc bộ uống tiếp. Có người ngồi uống cùng, thuyền trưởng rất vui. Hôm nay uống để giữ chân không cho thuyền trưởng lên buồng lái.
Thủy thủ lên buồng lái rà sóng nối máy. Những người ngoài Bắc thì gọi về Hải Phòng radio. Những người ở trong Nam thì gọi Hồ Chí Minh radio. Gọi như thế sóng vừa tốt vừa rẻ tiền hơn. Viễn thông nước mình đắt thứ ba thế giới. Thủy thủ gọi Hải Phòng radio nhiều hơn vì tổng đài Hải Phòng phục vụ tận tình và chuyên nghiệp. Khách hàng là thượng đế. Chỉ cần một người làm đài trưởng. Đài trưởng thì giá cước được giảm một nửa. Cứ gọi vô tư, khi nào về thì đóng tiền lại cho đài trưởng. Giọng nhân viên Hải Phòng radio ngọt như mía lùi. Trước khi cho số bao giờ thủy thủ cũng tìm cách buôn chuyện vài ba câu. Hồ Chí Minh radio thì không bằng. Phải đăng ký và đóng tìên với trạm trước mới được gọi. Mỗi người phải đăng ký các số máy gọi trước. Nhân viên tổng đài thường hay gắt gỏng. Câu nói cứ cụt đầu cụt đuôi.
Nhiều lúc tàu đi vào vùng biển Đông nhưng không gọi được. Nhiều lúc sóng gió nói khản cả giọng mà đầu dây bên kia chẳng nghe rõ. Mỗi lần như thế đời thủy thủ sao buồn quá. Quang năm xa nhà không chăm sóc gia đình, gọi điện nói chuyện với người thân cũng tiếng được tiếng mất. Đi ngang qua Tổ quốc mà không biết tin tức gì về đất nước mình. Mọi người chỉ ngóng tin nhau khi có tàu trong nước đi ngang qua. Đi tàu muốn biết tin tức thì phải lên bờ vào mạng. Mà đâu phải lúc nào cũng đi bờ. Đâu phải nơi nào cũng có dịch vụ Internet.
Mấy người đã lên buồng lái. Đang ca của phó ba. Phó ba Lộc nối máy giúp.
- Hải Phòng radio, tàu X gọi…
- Hải Phòng radio xin nghe, tàu anh đang ở đâu đây?
- Đang ở Ấn Độ Dương đó em!
- Anh nghe có rõ không? Anh phát ở tần số… và thu ở tần số… Tiếng cô nhân viên tổng đài nghe ngọt như đường phèn. Sóng khá tốt nên giọng cô khá rõ. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Ưu tiên cho người có chuyện quan trọng trước. Thứ đến người lớn tuổi. Bác Cút vừa lớn tuổi vửa có chuyện cần. Trên tàu đặt bác tên ấy chứ bác có tên đẹp lắm. Lên tàu ai mà chẳng có tên mới. Có người chết danh luôn.
- Em ơi, cho anh số máy 031…
- Anh ơi, “Thanh” trong “thanh xuân”, chức danh bếp trưởng phải không ạ?
- Đúng rồi!
- Anh vui lòng chờ máy một lát… Anh ơi nói đi, có người nhà bắt máy rồi đấy!
- Alô…
Bác Cút nói về cái chân. Mấy ngày nay cái chân của bác không đỡ mà còn sưng thêm lên. Tại bác không chịu xoa bóp và xức thuốc đúng phương pháp. Bác bị té cầu thang. Bác tuổi cao, đi đứng chậm chạp. Gặp hôm sóng lớn, bác bước không kịp nên bị ngã trẹo cả chân. Bác gọi về để hỏi “thầy”. Bác mê tín lắm. Đi tàu mà cũng mê tín. Thầy bà ở nhà sao biết được chuyện người đi biển. Bác ấy kể thời thanh niên bác có tin quái gì đâu. Thế mà có lần đi tàu giữa biển êm. Thình lình gặp gió lốc xoáy như sóng thần. Cột nước cao hàng chục mét. Tàu tròng trành có nguy cơ lật. Mọi người đã mặc hết áo phao vào rồi. Có người lớn tuổi nhất trong đoàn sai lấy dĩa trái cây rồi thắp nhang khấn vái. Thế mà sóng tan. Dần dần biển êm trở lại. Chẳng biết thật hư thế nào nhưng mỗi người có một lòng tin. Phải tôn trọng lòng tin của người khác. Cầu sẽ được, có kiêng có lành.
Bác Cút hỏi chuyện vợ con qua quýt rồi bảo vợ sang… xem thầy. Nửa tiếng sau sẽ gọi lại.
Gọi điện sóng radio là gọi một chiều. Chỉ có người trên tàu gọi về. Khi nói thì không nghe được. Khi nghe thì không nói được. Người nói và nghe chưa quen thì cuộc nói chuyện cứ bị ngắt quãng vì sóng dội. Nói phải nói một câu thật dài rồi nghỉ cho người đầu dây bên kia nói lại. Nói phải xa xa ống nói. Còn nghe trên tàu thì như nghe radio. Do vậy một người nói chuyện là nghe cả buồng lái. Thủy thủ thì có gì đâu mà giấu. Thư từ còn đọc chung nữa là. Gọi điện tập thể là vậy.
Trong lúc bác Cút đợi người khác kêu thì Hà gọi về chúc mừng sinh nhật bạn gái. Cả mấy tháng không nói chuyện với phụ nữ Hà cứ run lập cập, câu nọ xọ câu kia. Anh chàng cứ líu lưỡi. Bạn gái kêu bận lúc khác gọi lại chứ “Sóng kém em nó nghe mô!”. Hà giận nên không nói được câu nào. Mấy khi gọi được điện. Đến ngày sinh nhật gọi được thì bận! Làm gì mà bận? Bận sao đi chơi tít ngoài Vũng Tàu. Có tiếng sóng biển rì rào trong điện thoại cầm tay còn gì! Thôi bị cắm sừng rồi!
Mà trách sao được con gái. Chờ đợi chi người đi biển. Với con gái một ngày vắng người yêu dài đằng đẵng. Người yêu lại xa cách hàng năm trời. Không người chăm sóc, không người tâm sự. Con gái mà không trút được bầu tâm sự thì chóng già lắm! Con gái lại không thích chờ đợi. Chưa phải tình yêu đích thực mới không chờ đợi được thôi.
Hôm nay gọi mệt nghỉ. Có Vệ cầm máy bộ đàm đứng canh rồi. Có động tĩnh gì thì Vệ gọi ngay lên buồng lái cho mọi người tẩu tán. Thuyền trưởng đã có người chăm sóc kỹ. Có người bật bia cho thuyền trưởng. Đã đến lon thứ 9. Có người nghe thuyền trưởng nói chuyện. Nghe chỉ việc gật đầu. Lâu lâu đế một câu cho thuyền trưởng nói suốt. Bình thường ít có người nào kiên nhẫn nghe thuyền trưởng nói. Trừ khi bị thuyền trưởng giáo huấn và dạy ngoại ngữ. Ngoại ngữ rất cần thiết cho công việc và giao tiếp. Thuyền trưởng còn mở lớp dạy cả vi tính dù rằng vi tính ông chỉ biết lõm bõm. Gõ chữ như mổ cò. Trước lúc dạy, thuyền trưởng học cấp tốc của phó hai. Các thiết bị thông tin hàng hải thuyền trưởng còn học của phó hai nữa là! Có tinh thần là tốt rồi. Đi tàu đầu óc ai cũng phát triển chậm. Tàu lắc lư như đưa võng, đọc vài chữ đã thấy nhức mắt. Ngủ nhiều cũng chán, rảnh thì xem phim. Xem ca nhạc. Rồi bài bạc. Bài bạc cũng đâu đánh công khai. Trên tàu cấm đánh bạc.
Đến chú Cách gọi. Đầu dây bên kia là một đứa trẻ. Chú: “Alô, ai đấy? Bé lớn hay bé nhỏ đấy?”. Tiếng bé gái hờn dỗi:
- Bố không còn nhớ con à? Chưa đầy năm mà bố đã quên con rồi à? Con giận bố đấy! Con là con gái của bố đây. Mà bố này, bố đừng gọi con là bé. Nhà ta chẳng có ai là bé cả. Chị con là Thanh Hương. Chị Thanh Hương đã học đến lớp ba. Con là Thanh Hoa. Con sẽ không giận bố nữa nếu như bố mua thật nhiều quà cho con. Mua quà giống như bạn của con trên lớp ấy. Bố biết không, con đã đi học rồi đấy. Để con kể cho bố nghe nhé!
Lớp con có 26 bạn. Cô giáo con trẻ đẹp và hiền như cô tiên trong truyện cổ tích mà bố kể cho con nghe ấy! Cô không la mắng ai bao giờ. Cô rất thương con nữa đó. Cô khen tóc con đen và dài. Tóc con bây giờ đen dài chứ không vàng hoe như hồi bố đi đâu nhé! Bố nhớ mua cho con chiếc lược bố nhé! Con thích cây lược bằng sừng màu xanh, màu xanh nước biển bố nhé!
Thế bố có nhớ ngày sinh nhật của con không? Sinh nhật con không có bố. Bố có biết năm nay con bao nhiêu tuổi không? Bố không nhớ có đúng không? Con tròn 5 tuổi đấy bố nhé! Bố nhớ nhé! Sao bố không gọi điện chúc sinh nhật con? Nhưng không sao, bố mua quà về bù cho con là được rồi.
Bố có còn nhớ con mèo nhà ta không. Con mèo mà bố xin ở nhà cô Ba về lúc trước ấy. Con mèo bắt chuột giỏi lắm đấy. Nó sinh được ba con đấy bố nhé. Ba chú mèo con rất dễ thương. Tối tối con bế ba chú mèo lên ngủ với con. Thế cho quen để sau này con còn ngủ với chúng chứ khi bố về con không được ngủ với mẹ nữa. Ba chú mèo con lại hay đùa giỡn với con chó Vàng lắm. Con Vàng thì dạo này nó mập thù lù. Đi lại núng na núng nính. Bố có biết vì sao không? Tại dạo này nó không phải đuổi gà ấy mà. Tội nghiệp cho con gà mái nhà ta. Nó đẻ mười bốn trứng. Ấp hai mốt ngày thì nở. Gà con vừa xuống ổ được có bốn ngày thì chết hết. Không phải chết vì nước lên đâu bố nhé. Hôm xuống gà chị Thanh Hương có xem mặt trăng. Đầu tháng xuống gà vào buổi mai đúng không bố? Gà nhà ta chết vì cúm gia cầm đấy bố. Bố đi xa chắc bố không biết dịch cúm gia cầm đâu. Gà vịt chết hàng loạt. Không chỉ mình nhà ta đâu. Bây giờ không ai dám ăn thịt gà vịt nữa. Bố cũng đừng ăn thịt gà vịt bố nhé!
Mà bố nè, bố về nhanh lên chứ mấy con đường trước cửa nhà ta bị đào tung lên mà không được lấp lại. Có mấy đội khác nhau đào đấy bố! Chị Thanh Hương bảo đó là điện, nước và bưu điện. Bố về bảo họ láng dầu lại như trước bố nhé!
Bố về nhanh kể chuyện cho con nghe chứ chị Thanh Hương ít cho con xem tivi lắm. Chị ấy bảo chỉ cho con xem mỗi mười lăm phút hoạt hình thôi. Chị ấy bảo xem nhiều mẹ sẽ không trả đủ tiền điện. Khi nào bố về bố kể cho con nghe thật nhiều chuyện bố nhé! Chuyện về biển bố nhé! Còn bây giờ bố có thích nghe con đọc thơ không? Con sẽ đọc thơ cho bố nghe nhé!
Đứa bé đằng hắng lấy giọng rồi đọc:
Mùa thu lá rụng
Mùa đông rét về
Mùa hè nắng cháy
Mùa xuân nở hoa
Bố ở trên biển
Có ngắm được hoa?
Hay là tám hướng
Bốn phương chân trời?
Thèm bàn tay bố
Hơi ấm mùa đông
Quạt mo ngày hạ
Mùa thu cánh diều
Mùa xuân nở hoa…
Không phải thơ con mà là thơ của chị Thanh Hương làm đấy. Bố nghe con đọc tiếp nhé:
Ra đi từ lúc tháng ba
Xuân qua thu đến đã già tháng năm
Nghìn trùng sóng biển xa xăm
Không tin tức biết hỏi thăm ai giờ?
Nhớ anh em tập làm thơ
Đêm không ngủ nghĩ vẩn vơ làm gì!
Còn xuân anh mãi ra đi!
Đến khi xế bóng lấy gì bù anh?
Những đêm gió mát trăng thanh
Một mình em với trời xanh thức hoài…
Đêm khuya con thức giấc nghe mẹ đọc đấy. Mẹ đọc nhiều lắm nhưng con không có nhớ hết. Bố có thích nghe con hát không? Để con hát cho bố nghe nhé!
Đứa bé hát một mạch ba, bốn bài. Nào là Ngày đầu tiên đi học, Bắc kim thang, Con cò bé bé, Em đi chơi thuyền… giọng bé lảnh lót như tiếng chim họa mi hót. Vừa lúc đứa bé nghỉ lấy hơi, chú Cách nói nhanh như sợ con tranh phần:
- Con hát hay lắm! Lát nữa bố sẽ nghe con hát tiếp. Con để bố nói chuyện với mẹ một chút xíu nhé!
- Bố không thích nói chuyện với con nữa à? Mẹ thường đi làm, chị Thanh Hương đi học suốt. Chỉ có con ở nhà không biết trò chuyện với ai cả. Bố lại không thích trò chuyện với con. Con giận bố đấy! Bố nhớ là chút xíu nữa bố nghe con hát đấy nhé. Chỉ còn có ba bài nữa thôi. Bố nhớ nhé! Để con gọi mẹ cho bố nhé!
Vệ vào nhà ăn uống một cốc nước, khi trở ra thì không thấy thuyền trưởng đâu. Đôi dép lê quai rộng thùng thình của thuyền trưởng vẫn còn đó. Thuyền trưởng đi nhầm đôi dép của Giao. Giao nằm lăn quay trên ghế salon ngáy phò phò như thổi lò rèn. Vệ gọi thất thanh qua máy bộ đàm: “Không thấy thuyền trưởng đâu cả, coi chừng lên buồng lái đó!”. Chú Cách cúp máy cái rụp. Mọi người khẽ mở hai cừa cánh gà nhẹ nhàng lảng ra ngoài. Có người mở cửa chính đi xuống cầu thang. Ánh sáng lọt vào buồng lái. Thuyền trưởng đang đứng sát vách cũng nghe chuyện qua điện thoại. Mắt thuyền trưởng ươn ướt. Hình như thuyền trưởng khóc. Thuyền trưởng thích nghe tiếng trẻ con líu lo chứ có hiểu gì tiếng Việt đâu!

TRƯƠNG ANH QUỐC ( TuoiTre )

P03: Sưu tập

Tàu chạy hằng tháng trên đại dương ai cũng trông đến bờ. Không cần xem trên hải đồ mà nhìn chim chiền chiện và hải âu cũng biết gần đến bờ hay chưa. Làm việc trên biển thời gian dài kinh khủng.
Ngày ngày đêm đêm chỉ có chừng ấy con người quen. Toàm là đàn ông con trai. Được cái là vui. Thứ bảy chủ nhật liên hoan. Cụng ly, hô vang cả câu. Dân thủy thủ ăn to nói lớn. Đi đứng nhanh nhẹn dứt khoát. (Có người còn mạnh miệng nói là dân cao to đen hôi!). Không thể lẫn vào đâu được. Quen quá, nghe tiếng dép đã biết là ai rồi. Nói mã cũng vơi chuyện. Mà đàn ông đâu có nhiều chuyện để nói. Thế là cứ trông cho đến cảng.
Đến cảng một nước, thủy thủ được nhìn phong cảnh, dạo trên đường phố nước ấy. Ăn món ăn của nước ấy, nói chuyện với con gái của nước ấy… Đó là thú vui lớn nhất của người thủy thủ. Mấy ngày tàu làm hàng thì tha hồ mà đi bờ. Khi tàu đỗ cả chục ngày, đi bờ mệt nghỉ.
Đi bờ có chút hơi đất, bù lại những ngày lênh đênh trên biển. Đi bờ để gọi điện thoại về nhà. Đi phố mua sắm và ngắm… con gái. Lâu ngày mới nhìn thấy con gái nên trông ai cũng đẹp. Con gái phương Tây mũi cao, mắt xanh tóc vàng tuyệt đẹp. Thủy thủ hễ gặp người đẹp cứ giả vờ hỏi đường. Nghe được rồi mà cứ lắc đầu. Họ rất nhiệt tình, nói hoài mà thủy thủ không hiểu nên dắt đến tận nơi. Ở các nước nói tiếng Anh nghe để học được bản ngữ của họ. Những nước không nói tiếng Anh thì làm quen để được bày dăm ba câu chào hỏi, cảm ơn. Ai mà chẳng thích!
Tàu ghé cảng gần trung tâm thành phố chỉ cần đi bộ. Càng xa thì có ôtô của Câu lạc bộ thủy thủ đưa đón. Xe chở đến phố hay Câu lạc bộ thủy thủ rồi hẹn giờ đưa về. Ở các nước phát triển mỗi cảng có một câu lạc bộ thủy thủ. Ở đó đầy đủ các món vui chơi giải trí. Thủy thủ được phục vụ tận tình. Người phương Tây rất quí trọng nghề đi bỉên. Nghề đi biển có cái gì đó rất phiêu lưu mạo hỉêm và lãng mạn.
Nhưng cảng không có xe đưa đón thì đi bằng xe buýt. Xe buýt rộng rãi và rất thoải mái. Trên xe yên lặng. Thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại reo. Người có điện thoại reo xin lỗi người bên cạnh rồi mới nghe và chỉ dám nói khẽ. Xe buýt chạy nhanh mà rất an toàn. Nhưng đi xe buýt phải hỏi đường nhiều  lần. Nhiều lúc gấp phải đi bằng taxi.
Đi taxi nhanh nhất, khỏe nhất. Đi mọi lúc mọi nơi và không cần hỏi đường. Chỉ có hơi tốn một chút. Tốn thì tốn. Dễ gì được ra nước ngoài mà đi taxi. Người đi du lịch muốn đi được thế phải mất nhiều tiền lắm. Mà đâu phải muốn đi du lịch ở đâu cũng được. Có những nước không thể đến bằng đường du lịch, chỉ có thủy thủ mới đến được. Thủy thủ đi được khắp nơi trên thế giới. Thủy thủ được đi du lịch miễn phí. Thích quá đi chứ! Vì vậy tàu cập cảng là thủy thủ đi. Ngoài giờ làm việc ít ai có mặt ở tàu. Đến cảng thủy thủ ít ngủ là vậy. Mỗi ngày đêm ngủ chừng vài tiếng. Nhầt là đến những nước gặp Việt kiều hiếu khách. Họ gác việc nhà mà chở thủy thủ đi chơi suốt. Chở đi xem phong cảnh, tìm hiểu nền văn hóa và ăn những món đặc sản của nước ấy. Cả những món ăn Việt Nam. Việt kiều thích dẫn người Việt đi ăn những món Việt Nam như những người xứ Quảng dẫn khách đồng hương đi thưởng thức mì Quảng vậy. Rồi chủ và khách giành nhau trả tiền, một tình cảm rất thắm thiết mà chỉ có những người xa xứ mới có được. Gặp cuối tuần thì họ dẫn đi thâu đêm suốt sáng. Họ còn mời thủy thủ về nhà mà chiêu đãi.
Đến các nước, ngoài việc mua sắm cá nhân thủy thủ còn mua quà cho bạn bè, người thân. Đi xa thì phải có quà. Những người đã có vợ thì mua nữ trang và quần áo… lót. Xem nhà đẹp và tiện nghi là xem nhà bếp và buồng vệ sinh. Người phụ nữ có sang trọng, quí phái không thì nhìn trang phục lót. Vợ đẹp thì chồng cũng sang theo. Sang vì vợ mà, ông bà ta chẳng bảo thế là gì! Vì vậy ai cũng chọn thật nhiều thứ. Toàn là hàng đắt tiền. Mua trang phục lót thường phải lựa cửa hàng văng vắng khác mà mua, thế mà người bán và khách nữ cứ vây lại, trố mắt ngạc nhiên. Đàn ông nước họ không chu đáo như thế! Họ hỏi size (cỡ) của vợ thì biết chứ của chị, em gái và của mẹ thì làm sao biết? Thế là thủy thủ chỉ cỡ người rồi họ chọn giúp rất nhiệt tình.
Hiệp đi bờ nhiều nhất, ngoài ca làm việc là đi. Bất kể cảng gần cảng xa, trời sớm hay tối. Nhiều lúc đi về trễ giờ, người ca trước trực giúp, hôm sau Hiệp trực bù lại. Làm việc trên tàu thoải mái. Ca kíp đúng giờ nhưng có chuyện là nhờ người khác được. Anh em thông cảm cho nhau. Trời còn có lúc nắng lúc mưa. Người chứ đâu phải cái máy. Do vậy Hiệp tận dụng thời gian để đi bờ được nhiều nhất. Mỗi lần đi bờ Hiệp luôm mang theo máy ảnh. Hiệp ghi lại phong cảnh trên mỗi bước chân. Mỗi nước có đặc trưng riêng. Nhật Bản với những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, thỉnh thoảng còn gặp núi lửa phun dung nham đỏ rực lên trời. Những bước đi như chạy của những cô gái Nhật. Đẹp nhất ở đất nước mặt trời mọc là hoa anh đào nở trắng khắp núi đồi… Hiệp còn thích những cánh đồng hoa, những bãi cỏ như thảm xanh ngắt ở Glastone và Portland nước Australia, thích phượng đỏ thắm ở Ấn Độ hay từng đàn hải âu bay dập dìu theo xuồng đánh cá ở vịnh Houston nước Mỹ. Hiệp ghi lại hết những khoảnh khắc hiếm hoi, để rồi khi xem lại Hiệp mỉm cười một mình.
Hiệp còn thích mua hàng lưu niệm. Đến đâu Hiệp cũng mua hàng lưu niệm. Mua cũng phải chọn thứ gọn nhẹ để dễ mang về vì hành lý không được vượt quá bốn mươi cân. Khi mua Hiệp thường nhận được tiền thối lại. Tiền giấy và tiền cắc. Tiền giấy thì dễ chứ tiền cắc không biết để đâu. Bỏ vào túi, khi đi cứ loèng xoèng như dát hơi dạo. Hiệp thấy người Nhật và Tây phương có cách giữ tiền cắc rất lạ. Tiền cắc ở họ tiện lợi và thông dụng, nhất là khi đi xe buýt và mua ở máy bán hàng tự động. Họ cho vào một chiếc đãy nhỏ như đãy đựng trầu rồi đeo vào cổ. Đâu chỉ người nghèo, người đi xe hơi bóng loáng cũng có cái đãy. Thanh niên cũng mang chiếc đãy như thế.
Nhiều nước đồng USD không thịnh hành, thủy thủ đến nước nào cũng phải đổi tiền của nước ấy mới tiêu được. Đổi phải ra Câu lạc bộ thủy thủ hay cửa hàng đổi tiền. Nhiều khi đổi mà chưa tiêu hết vì tàu chạy gấp. Lịch trình tàu bè luôn thay đổi vì thời tiết và đặc điểm hàng hóa. Tiền chưa tiêu được đành giữ chờ khi nào tàu quay lại nước đó. Có khi cả năm tàu không quay lại.
Tiền của mỗi nước mỗi khác. Nhiều nước dùng đồng tiền chung như khối châu Âu dùng đồng euro. Tiền những nước trong khối liên hiệp Anh đều in hình nữ hoàng Elizabeth. Nước không có đồng tiền giấy riêng mà dùng USD như Panama. Tiền mệnh giá rất thấp như Thổ Nhĩ Kỳ, mấy ngàn đồng Việt Nam đổi được cả triệu tiền họ. Loại tiền nào cũng đẹp, cũng lạ mắt. Tiền là một món quà lưu niệm của đất nước ấy. Hiệp cất giữ hết. Hiệp có thêm cái thú sưu tập tiền. Đến nước nào cũng đổi cho được tiền của nước ấy.
Có khi đến những nơi tàu không vào cảng mà chỉ neo ngoài biển làm hàng. Lúc đó không đi bờ được. Để có tiền của nước đó phải đổi lại cho đại lý hay công nhân. Hiệp sưu tầm được tiền khắp thế giới. Hiệp đi năm châu bốn biển trong vòng mấy tháng. Đó là ước mơ của bao người thủy thủ vì có thủy thủ cả một đời không đi ra khỏi được một châu.
Thật thú vị nhưng cũng lắm gian nan. Sưu tập được các loại tiền ấy thì phải đi hàng ngàn hải lý. Đi biển là nghề nguy hiểm nhất. Phải có sức khỏe tốt mới chịu đựng được sự thay đổi thời tiết liên tục, từ vùng nắng nóng kinh người đến vùng quanh năm tuyết phủ. Làm việc trên biển chống chọi với sóng gió và bão biển. Lúc gặp bão, tàu chao đảo cả chục ngày trời. Ăn uống chẳng được mà cứ ói. Ói ra cả mật xanh mật vàng. Những lúc ấy cứ muốn bỏ quách nghề biển cho xong nhưng hết sóng gió thì đâu lại vào đấy. Làm sao không thích khi biển êm ả, tàu lướt trên mặt nước sóng sánh như dầu. Gặp trăng chiếu sáng vằng vặc, mặt biển trắng và lấp lánh như ánh bạc, đẹp tuyệt vời. Chiều chiều cá heo bơi theo tàu, gõ gõ vào thành tàu là chúng nhảy lên khỏi mặt nước biểu diễn và kêu eng éc. Cá heo rất thích giỡn với người. Đi biển tận mắt chứng kiến cá voi phun nước và bơi theo nô đùa với tàu mới thấy đời thủy thủ lý tưởng biết bao.
Đi biển được đến các nước lạ, những vùng đất và chân trời mới. Thích nhất là đến những nước phát triển, thủ tục đơn giản. Thủy thủ đi lại tự do như người dân nước sở tại. Thấy cảnh sống của họ mà thích. Ghét nhất là đến mấy nước chậm phát triển. Thủ tục rắc rối. Nước càng nghèo thì chính quyền cũng càng nhiêu khê. Lên tàu làm thủ tục thì đi cả chục nước. Hoa tiêu cũng thế. Hoa tiêu nước phát triển lên tàu cho quà. Nào là bản đồ, các phần mềm và chương trình hướng dẫn tàu ra vào cảng. Hoa tiêu nước đang phát triển thì đòi quà lộ liễu. Khi tàu đi trên sông Trường Giang, hoa tiêu Trung Quốc vòi quà. Tàu đi hai ba ngày đêm trên sông, mỗi chặng lại thay đổi hoa tiêu. Cứ mỗi trạm mỗi đưa thì có tiền chùa! Tiền tiếp khách có hạn. Hoa tiêu làm việc ăn lương. Thuyền trưởng cho có mấy cây thuốc ba số. Viên hoa tiêu trẻ đem ra cánh gà buồng lái ném xuống dòng Trường Giang. Sương khói trên sông tù mù, trời lạnh ngắt nhưng mặt anh hoa tiêu đỏ rần. Hoa tiêu trẻ mà đã thế rồi. Anh ta thổ lộ: “Vào được chân hoa tiêu phải mất ít nhất là năm ngàn USD”. Nơi nào có thể dùng tiền và sự quen biết để xin việc thì không có công bằng. Không phân biệt kẻ hay người dở, cản trở đất nước phát triển. Vứt thì khỏi hút. Dẫu tàu không tốt thì coi chừng bị thuyền trưởng đuổi xuống khỏi tàu!
Mấy lần tàu đến Ấn Độ. Chính quyền cảng luôn gây khó dễ. Ra vào cảng phải xuất trình giấy tờ. Họ cứ cẩm hộ chiếu và giấy tờ đi bờ xem xong rồi xin đểu. Không cho thì thiệt cho mình thôi. Cảng Vizac Khapatnam, thủy thủ đưa tiền Việt họ cũng lấy, khi gặp người Việt ở tàu khác ra cổng họ lại đổi sang USD. Cảng ở thành phố lớn như Madras (Chemai) cũng chẳng hơn gì. Đi bờ mới thấy người Ấn Độ có hai tầng lớp rõ rệt. Người giàu cũng lắm mà người nghèo cũng nhiều. Người giàu béo trùng trục, đi xe hơi sang trọng. Ăn xin đầy đường. Không chỉ người già và trẻ em mà thanh niên lực lưỡng cũng xin của bố thí. Họ không tìm được việc làm. Họ nằm la liệt dưới gốc cây bên vệ đường và trên hè phố. Nhiều nhất là ở Goa. Mùa hè trời nắng như lửa đốt. Người ăn xin chết vì nắng và vì đói. Trong những đường hầm và gầm cầu người ta xin ngồi từng hàng. Trên đường phố Ấn Độ bò đi lại lông nhông. Tự do như bò Ấn Độ. Người dân chết đói chứ không đụng đến bò. Bò là con vật thiêng liêng ở đất nước này. Người ăn xin thường lấy phân bò trét lên đầu cho may mắn. Tàu cập cảng Ấn Độ, công nhân cảng rất tội nghiệp. Họ đói kém, cho một gói mì tôm họ mừng lắm. Đến bữa thủy thủ luôn chừa phần cơm cho họ. Họ cứ xin áo quần cũ. Đồ thủy thủ không dùng, có bao nhiêu đem cho hết.
Vào cảng thì các kho trên tàu đều bị chính quyền cảng niêm phong nhằm tránh tình trạng buôn lậu. Thủy thủ đi bờ mua thứ gì có giá trị một chút khi qua cổng cảng đều bị làm khó dễ. Họ cấm mua hàng trên nước họ. Tàu nhập cảnh rồi là thuộc quyền quản lý của chính quyền cảng nên bị kiểm dịch rất kỹ. Kho thực phẩm  cũng bị niêm phong. Rượu bia thuốc lá cũng phải gởi mỗi phòng thủy thủ một ít. Để trong kho nhiều sẽ bị xin hết. Có khi chưa kịp lấy ra kho bị niêm phong thì nhịn vậy chứ không dám khui niêm phong. Có cảng bắt phải nộp tất cả máy quay phim máy ảnh lên phòng thuyền trưởng. Tranh ảnh sách báo có hình phụ nữ đều phải nộp, sau khi rời cảng mới được lấy lại. Chính quyền cảng lên tàu thấy phòng nào có là phạt.
Đến Ấn Độ phải khai báo trước lúc tàu vào cảng. Đó là luật khi xuất nhập cảnh. Phải khai chính thức. Thiếu hay thừa đều bị phạt nặng. Do vậy tàu đến cảng là do điền vào tờ khai. Có bao nhiêu loại tiền phải khai hết. Những tiền có giá trị thì khai còn tiền không có giá trị mấy thì cất đi. Hiệp có nhiều loại tiền không tiện khai. Hiệp gói tiền cắc vào bọc nilông và tiền giấy trong bao thư đem xuống buồng máy cất. Buồng máy rộng rãi lại nhiều ngóc ngách. Mấy khi hải quan khám xét buồng máy.
Chuyến đó hải quan lên tàu làm việc rất dễ. Chỉ làm thủ tục qua loa chứ không khám xét gì. Vì tàu đã cho họ rất nhiều thứ. Hải quan mang về mệt nghỉ: bia, nước ngọt, thuốc lá và xà phòng thơm. Ấn Độ rất thích xà phòng thơm. Họ thấy xà phòng thơm thì cười tít mắt chẳng còn thấy gì nữa.
Rời Ấn Độ, Hiệp định mang tiền đã cáy (1) lên phòng cất nhưng chuyến kế tiếp tàu đi đến Indonesia. Nếu đến Ấn Độ phải khai tiền thì đến Indonesia thì phải cáy tiền. Chỉ chừa lại một ít thôi. Tùy theo chức danh (mức lương phụ thuộc vào chức danh cao thấp) mà chừa lại cho phù hợp. An ninh ở Indonesia không đảm bảo, thường có cướp biển. Cướp trên biển còn canh phòng được chứ khi neo tàu để làm hàng mà cướp giả dạng công nhân hay đại lý trà trộn vào thì rất khó phát hiện được. Nhiều đại lý ở Indonesia còn thông đồng với cướp biển. Họ nắm chắc được hàng hóa tàu chở và ngày giờ tàu chạy. Cướp ra tay rất dễ dàng.
Cướp tàu hay hàng thì có bảo hiểm trả. Cướp tiền của thuyền viên thì chỉ có thuyền viên chịu thiệt. Do vậy thuyền viên cáy tiền hết. Lỡ có cướp lên tàu thì chỉ bị mất ít. Làm ra đồng tiền đã khó. Cất giữ lại càng khó. Thủy thủ suốt năm tháng trên đại dương, như con hải âu bay mãi mà chẳng thấy bờ. Việc ai nấy làm. Công việc cứ đều đều như vắt chanh. Những ngày tháng lênh đênh không quan tâm đến tiền. Cứ đến tháng lĩnh lương, lĩnh rồi cất chứ đâu có tiêu được. Có khi đầu tháng đã lãnh lương rồi. Lãnh trước thì làm… trả nợ. Những lúc tàu qua vùng nguy hiểm thuyền trưởng thường phát lương rất sớm. Phát sớm cho an toàn. Cho thuyền viên cáy.
Có rất nhiều chỗ cáy. Người bỏ trong bao gối may lại. Người lật ván giường lên rồi đặt xuống dưới. Người trải dưới thảm lót phòng. Người cho dưới đế giày bảo hộ cũ, người gói vào bọc trộn với rác rồi cho vào sọt rác trong phòng. Mỗi thuyền viên ở mỗi phòng rộng rãi nên cáy cũng không khó lắm. Hiệp cũng lo giấu tìên. Công sức lao động cả năm trời chứ có ít gì. Hiệp không còn để ý đến mớ tiền giấu trước đó.
Tàu nhập cảnh rồi neo đậu làm hàng hơn nửa tháng. Gặp vùng biển lắm cá nhiều mực. Chập tối, dưới ánh trăng mực bơi trắng quanh tàu. Lại đang giữa mùa xuân cá mực rất dễ câu. Trời tối hay sáng gì câu mực cũng được. Thả lưỡi câu xuống nhắp nhắp vài cái là dính mực. Câu lên là luộc ăn lìên. Mấy ngày đầu thủy thủ ăn mực thay cơm. Mực tươi rất ngọt, ngậm mà nghe. Nướng mực lên cứ thơm phức. Câu nhiều quá đem bỏ vào kho lạnh. Rồi kho lạnh cũng không còn chỗ nữa, thủy thủ bắt chước công nhân Indonesia đem mực phơi khô. (Công nhân ra tàu làm việc là phụ, câu cá mực về bán mới là chính). Vài người câu, một người xẻ ruột không kịp. Gặp những ngày xấu nắng phơi cũng lâu khô, lại đem vào nóc nồi hơi buồng máy mà phơi. Khắp tàu đều nghe mùi mực.
Câu mực chán thì thay lưỡi câu cá. Cầm trực tiếp dây cước mà câu chứ không dùng cần. Cá rất lớn. Có con cá chục cân. Câu cá sướng tay hơn câu mực. Khi cá cắn thì dùng dằng mãi. Khi cá kéo thì thả cước ra. Khi con chùng thì kéo lại. Giằng co, vờn cho đến lúc cá mệt dần. Khi cá đã yếu thì kéo đầu cá lên khỏi mặt nước. Cá không hô hấp được nên rất chóng đuối. Khi con cá yếu hẳn thì dùng bao tay mà kéo cước cho khỏi bị đứt tay. Cá lớn phải hai người kéo mới nổi. Xúm lại mà kéo thật là vui. Kéo từ từ chứ kéo nhanh cá gượng sức mọn còn lại vùng vẫy sẽ bị bóc. Nhiều khi kéo lên nửa chừng thì bị rơi tõm trở xuống.
Câu cá chủ yếu cho đã cơn ghìên chứ cá không ngon bằng mực. Câu cá cũng phải có nghệ thuật mới câu được. Dần dần ai câu cũng siêu cả. Cá mực để đầy kho. Trước khi tàu đầy hàng và nhổ neo đi, đêm cuối ấy thủy thủ câu quanh mặt boong cho thỏa thích.
Đã qua vùng nguy hiểm. Thủy thủ lại sắp về nước, ai cũng mừng rơn. Người về được chia làm hai đợt. Danh sách chưa được fax đến, thủy thủ cứ trông ngày trông đêm rồi đoán già đoán non. Thủy thủ không ngủ được cứ dạo lang thang mãi.
Hiệp lại chỗ cũ lấy tiền, tìm mãi mà chẳng thấy đâu. Hiệp làm dấu chỗ này mà, ngay chỗ vách tường, bên trong lớp bố cách nhiệt. Có ai lấy giấu chỗ khác không? Hay có người đùa mà cất đi. Mọi người trong tổ thường thích đùa. Tại Hiệp thường đùa. Đi biển thời gian dài thườn thượt. Đời thủy thủ, một đời lại quá ngắn, một ngày sao quá dài, đùa vui cho ngày tháng ngắn đi một chút.
Hiệp để trong bì thư có ghi tên. Chắc thấy tên Hiệp nên giấu đi thôi. Mà đùa sao lâu thế. Cả tuần rồi mà vẫn chưa trả lại chỗ cũ. Biết tìm nơi đâu? Kỳ công của cả năm nay. Mà đâu phải dễ có được những đồng tiền ấy. Tờ 2 đô Mỹ này. Trên thế giới chỉ có một nghìn tờ thôi. Sở hữu được nó là rất khó. Nào là tiền Ai Cập. Hiệp đổi nó trong lần đến cảng Dammieta, thấy đồng tiền ấy là nhớ ngay đến lần đi hơn ba trăm cây số để đến thăm Kim Tự Tháp và viện bảo tàng quốc gia Cairô. Tiền Pakistan thì nhớ lại lần mém bỏ mạng khi đi chợ bom khủng bố. Nào là tiền Trinidad, đảo quốc nhỏ nằm phía đông Venezuela, nơi lên bảo vệ mà đâm cá ở cầu cảng suốt đêm. Tiền Venezuela, Hiệp đổi được khi đến bar uống nước và xem biểu diễn. Thấy là nhớ đến con gái tuyệt đẹp xứ hoa hậu thế giới. Những cô gái da màu dáng thon thả khỏe khoắn và gợi cảm. Nào là tiền Nam Phi, đất nước cực nam châu Phi lạnh ngắt, nơi có thể thấy cá voi vào đến tận cảng, nước ở châu Phi nhưng lại mang kiến trúc châu Âu. Hiệp đổi lúc đến Cape Town khi đi qua mũi Hảo Vọng – điểm cực nam của châu lục. Nơi mà mười lăm đôla Mỹ một giờ Internet, ngoài tiền giờ còn phải bo cho nhân viên. Nào là đồng bảng Anh, tiền mà Hiệp đổi khi đến Immingham, xứ sở sương mù, cây cối trụi lá như những chiếc xương, chỉ có những cánh đồng cỏ là xanh mướt. Nơi mà nhà nhà có ống khói và đều tắp, 10 giờ trời mới sáng, 4 giờ chiều trời đã tối, người làm việc cả ngày, chỉ ăn nhẹ vào buổi trưa là vậy, nơi mà đi xe buýt mua một vé là đi cả ngày với tất cả các tuyến. Mấy tờ tiền Hiệp đổi ở những nước mà không thể đến bằng đường du lịch được. Những tờ tiền mà bạn bè thủy thủ khắp thế giới tặng cho Hiệp, trên đó có chữ ký của họ nữa. Hiệp định khi trở về sẽ đặt chúng dưới kiếng trên mặt bàn phòng khách để nhớ lại thời đi khắp năm châu của mình. Hiệp quí vì chúng không còn là tiền nữa mà là quà lưu niệm. Chúng vô giá.
Hiệp hỏi từng người trong tổ. Ai cũng lắc đầu. Hay chuột tha đi chỗ khác? Mà tàu mới làm gì có chuột. Chuột ở dưới buồng máy sao sống nổi. Hay mấy AB (thủy thủ boong) đi đo nước dằn tàu thấy mà giấu đi. Hiệp chỉ tránh chính quyền cảng nên giấu sơ sài. Chỗ đơn giản mới an toàn. Chỗ Hiệp giấu lại gần với chỗ đo nước. Khi Toàn xuống đo nước Hiệp hỏi.
- Mày có thấy tiền tao để chỗ này không?
- Tiền gì?
- Chỉ là tiền vớ vẩn thôi mà!
- Mày nói tao lấy tiền của mày hả?
Toàn vứt thước dây, nhảy ập vào Hiệp. Toàn có tiếng là cộc tính, chẳng biết sợ ai. Tức là đánh. Toàn đấm. Đá. Đạp. Hiệp tránh. Né. Đỡ.
Trên tàu đánh nhau là chuyện thường. Năng lượng dư không làm gì, lâu ngày cũng sinh nóng tính. Nhưng đánh nhau mà thuyền trưởng biết được coi như toi. Kỷ luật trên tàu rất nghiêm. Chẳng biết đúng sai, hễ đánh nhau là cả hai cùng về nước. Đâu phải chỉ tốn tiền vé máy bay và chi phí đại lý, thủ tục cho một vòng mà cả cho người bay qua thay. Giận mất khôn. Nếu tính toán như thế thì có bao giờ đánh nhau!
Ban đầu Hiệp chỉ phá đòn. Toàn càng ra đòn hết sức. Toàn xông vào vật. Tức mình, Hiệp dùng đòn hông quật Toàn ngã trắng bụng. Hiệp khóa cổ, Toàn không nhúc nhích được. Hiệp đâu muốn làm thế nhưng càng nhường, Toàn càng lấn tới. Tại Toàn gây sự trước. Hiệp thì hỏi thôi.
Bỗng tiếng báo động máy làm Hiệp giật nẩy người. Hiệp lại đang trực ca. Hiệp buông Toàn, vụt chạy xuống tắt còi báo động và xử lý máy. Toàn hầm hầm lao theo. Thấy Toàn ở phía sau vào buồng điều khiển Hiệp liền khóa chốt trong. Toàn đứng đập cửa một hồi. Có tiếng sĩ quan boong gọi Toàn qua máy bộ đàm về mức nước, Toàn dứ dứ nắm đấm Hiệp mấy cái rồi bỏ đi.
Hết ca, cùng ngồi vào bàn ăn, Hiệp cười cười: “Xin lỗi nhé!”. Toàn cũng cười cười như chưa từng xảy ra chuyện gì. Thủy thủ là thế đó. Nóng lạnh thất thường.
Một buổi chiều Hiệp mở khóa tủ bảo hộ thu dọn đồ đạc. Phong bì đựng tiền nằm bẹp dí dưới góc tủ, lẫn lộn trong mớ găng tay. Sao lại lẩm cẩm thế này. Đi biển đầu óc càng ngày càng sượng đi. Cất một nơi lại đi tìm một nẻo. Hiệp thấy mình có lỗi với Toàn quá. Hiệp hỏi mà chưa uốn lưỡi bảy lần. Cũng may hôm đánh nhau chưa dẫn đến hậu quả gì. Nếu không bây giờ Hiệp biết ăn nói làm sao!
Hiệp chộp lấy cái phong bì như sợ ai đó nhìn thấy Hiệp bước vội lên ba dãy cầu thang, đẩy cửa chạy ào ra ngoài. Ngoài mặt boong gió thổi hiu hiu. Hiệp thấy nóng ran. Hiệp lại sát lan can ném phong bì xuống biển. Chiếc phong bì bay nghiêng nghiêng rồi rơi tõm xuống mặt nước. Nó dập dềnh theo con sóng như muốn giễu cợt Hiệp. Mặt trời tím ngắt đang lặn dần phía cuối chân trời.
Về nước Hiệp sẽ gặp Toàn để xin lỗi. Nhưng biết tìm Toàn nơi đâu? Toàn đã về trong lần thay người đợt trước.

TRƯƠNG ANH QUỐC ( TuoiTre )

P01: Sóng biển rì rào

Giới thiệu sách

Sóng biển rì rào
Tác giả: Trương Anh Quốc
Nhà xuất bản: NXB Trẻ - Hội Nhà Văn TP. HCM- Báo Tuổi Trẻ
Năm xuất bản: 2005
Giá: 22.000 đồng
Giới thiệu:
Suốt những năm 1970-1980, nghề thủy thủ tàu viễn dương là mơ tưởng của nhiều người thời túng thiếu. Truyền thuyết màu xám về cái nghề dễ giàu xổi khiến cho đôi ba tác phẩm đề tài này sa vào công thức, một chiều, ít lưu lại tâm trí. Hiếm có nhà văn nào ở ta viết được một tác phẩm đậm đặc chất biển, đậm đặc chất “viễn dương”, tươi nguyên và hấp dẫn như thế này.

Chưa tối tàu đã bật đèn sáng trưng. Vòi rồng phun nước suốt đêm. Khi có cướp thì dùng vòi rồng ngăn chặn không cho cướp lên tàu. Mỗi lần tàu qua eo biển Malacca thì toàn bộ thuyền viên phải chia ca canh cướp.
Eo biển này giáp ranh với ba nước Singapore, Malyasia và Indonesia. Tàu bè qua lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chủ yếu bằng con đường này. Đây là hải trình ngắn nhất. Tàu bè qua con đường này còn để nhận dầu và mua thực phẩm ở Singapore. Vì chất lượng dầu ở Singapore tốt, giá thấp hơn nhiều so với các nước khác. Thực phẩm ở Singapore ngon, đa dạng mà rẻ. Tàu đi hàng tháng trên biển nên phải để thực phẩm vào kho lạnh. Nhà cung cấp ở Singpore làm việc với tác phong rất công nghiệp, chính xác đến từng ngày. Thủ tục xuất nhập cảnh ở đây đơn giản, tàu bè tốn ít thời gian. Thời gian trên tàu tính bằng phút vì một ngày giá thuê tàu vài chục ngàn USD chứ có ít gì!
Đi trên eo biển Malacca, một bên là Malaysia, một bên là Indonesia. Những hòn đảo lớn nhỏ lúp xúp mặt nước. Đảo hoang vắng một cách bí hiểm. Cây cối vùng nhiệt đới hoang sơ rậm rạp. Khi qua lại eo biển này tàu luôn được nhận fax thông báo của chủ tàu, người thuê tàu, chủ hàng và khuyến cáo của nước sở tại. An ninh vùng giáp ranh không đảm bảo, khó có sự truy quét đồng bộ nên cướp thường hoành hành. Trên tàu lại không được trang bị súng nên khó chống cự. Chỉ có cách phòng.
Từ chiều tất cả các cửa đều đóng chặt và khóa bên trong. Buồng máy lái, buồng máy được hàn hai, ba chốt khóa. Theo thống kê cướp lên tàu thường tấn công vào buồng máy và buồng máy lái để khống chế máy móc, không cho tàu hoạt động. Do vậy chỉ chừa một cửa để đi duy nhất: cửa cánh gà buồng lái. Không ai được phép mở bất kỳ cửa nào để đi ra ngoài. Ban đêm, mọi người không được ra ngoài, trừ thủy thủ đi ca canh cướp. Hai người bên boong, một người bên máy. Một thủy thủ boong đứng phía ống khói canh đằng sau lái. Vì ra đa tàu bị ống khói che khuất không quét được nên cướp thường tấn công từ hướng này. Một thủy thủ canh bên mạn phải. Thợ máy canh bên mạn trái.
Mỗi người canh cướp đều cầm một gậy sắt. Khi đi qua vùng biển này lần đầu tiên thợ cả đã làm cho cả tàu mỗi người một gậy sắt. Người nào dùng được côn thì khỏi dùng gậy. Dân đi tàu hầu hết đều có ngón nghề này để tự vệ.
Hai đèn pha tìm kiếm trên nóc buồng lái cũng được dùng đến. Chúng quay vòng để dễ phát hiện khi có tàu nhỏ áp sát. Tàu bè qua lại eo biển Malacca tấp nập. Khi qua eo biển này thì được mở thêm các đèn mà lúc tàu hành trình không cho phép. Do vậy ban đêm cả eo biển sáng choang, đèn xanh đèn đỏ lấp loáng.
Trực cướp cứ luân phiên nhau đi ca. Mỗi ca 4 giờ. Trực từ 5 giờ chiều đến sáng hôm sau. Đầu đêm gió vùng xích đạo nóng ran người. Hơi muối biển mặn chát. Đi ca ngoài boong phải mang theo nước để uống chứ không được bỏ vị trí. Về sáng thì sương mù, gió lạnh ngắt. Canh cướp phải nhìn và nghe. Nhìn để phát hiện tàu lạ. Vì tàu cướp không bật đèn hành trình hay đèn tín hiệu gì. Trời tối phải căng mắt ra mà nhìn. Tai phải nghe. Nghe có tiếng tàu, canô lạ không. Không ngồi canh một chỗ mà phải dạo và quan sát. Khi có dấu hiệu nghi ngờ là dùng máy bộ đàm báo ngay cho sĩ quan đi ca trên buồng lái. Sĩ quan dùng ống nhòm để xác định lại cho chính xác. Có lúc mấy tàu đánh cá bé tí trôi lượn lờ trước mũi tàu hay tàu kéo xà lan lù lù, hụ còi mà không tránh làm thủy thủ cũng phát hoảng.
Vì sự an toàn cho thuyền viên và con tàu, thủy thủ đi ca canh cướp rất nghiêm. Thuyền trưởng có thể đi kiểm tra bất kỳ lúc nào. Người canh cướp không có mặt tại khu vực được phân công là bị kỷ luật. Giao nhận ca trước 15 phút. Khi có mặt người nhận thì người giao ca mới được rời khỏi vị trí. Không được bỏ vị trí đi gọi ca. Người nhận ca phải đi từ cửa cánh gà buồng lái xuống. Người giao ca cũng đi lên bằng con đường ấy.
Tàu qua khỏi eo Malacca an toàn nhưng đi vòng xuống phía nam của Indonesia nên phải canh cướp thêm mấy đêm nữa. Vào hải phận Indonesia không chỉ canh vào ban đêm mà còn phòng cướp vào ban ngày. Vùng biển Indonesia vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một tàu chạy ngang nên canh cướp rất buồn. Khi Đẳng xuống nhận ca thì Hùng trêu:
- Chỗ của cậu phải là sau ống khói!
- Chỗ nào cũng thế thôi, ở đâu mà chả phải canh!
Hùng trêu Đẳng ở chỗ chức danh. OS (thủy thủ quản) phải ngồi canh ngoài mạn tàu. AB đứng sau cabin canh phía đuôi tàu. Nếu không canh thì AB (thủy thủ đi ca) được đi ca lái nhẹ nhàng hơn. Đáng lẽ Đẳng đã trở thành AB. Mới tuần trước có AB bị bệnh phải bay về nước. Trong lúc chưa có người thay thì một trong hai OS được thăng chức lên AB để đi ca lái (1).
Trước khi chọn, sĩ quan boong, máy và thủy thủ trưởng họp. Theo thứ tự Đẳng được lên AB. Danh sách được trình lên thuyền trưởng. Thủy thủ trưởng lại không ưa gì Đẳng lắm. Đẳng thẳng tính và hay cãi. Thấy chướng tai gai mắt là cãi. Làm xong việc thì nghỉ chứ không ăn cơm chúa múa cả ngày. Nhiều lần Đẳng không làm vừa ý thủy thủ trưởng.
Không học đại học như Đẳng, Hội chỉ học trung cấp. Đi tàu không xét nhiều về bằng cấp, có đủ chứng chỉ cần thiết là được. Đặc thù của ngành hàng hải là bậc lương được tính theo chức danh chứ không tính theo bằng cấp. Học cao thì có kiến thức và giỏi chứ chưa chắc khôn. Hội không giỏi nhưng khôn.
Những ngày chưa có quyết định chính thức của thuyền trưởng cho chức danh mới, Hội càng làm việc siêng năng và lễ phép một cách kỳ lạ. Ngoài giờ làm việc luôn đến phòng các sĩ quan trò chuyện. Hội hay lân la trên buồng lái để chuyện trò với thuyền trưởng. Thuyền trưởng là người nước ngoài nên khi có công việc gì mới thì có người gặp. Nay có người để tán gẫu, thuyền trưởng thích lắm. Người nước nào mà chẳng thích giãi bày tâm sự! Sẵn tàu đang ở cảng Ấn Độ, Hội đi bờ mua cả chục chai rượu về biếu cho sĩ quan mỗi người một chai. Thuyền trưởng hai chai.
Có rượu là thuyền trưởng uống chứ có biết ngon dở gì. Được rượu biếu là quí. Mấy chai rượu sắn giá chỉ vài chục rubi! Nhãn mác chữ ngoằn ngoèo như lò xo và màu mè thật đẹp nên ai cũng nghĩ là rượu quí. Sau này lúc vui máy ba đem ra uống, bị ngộ độc mém chết. Thứ rượu đó chỉ để nướng mực chứ uống gì! Tri kỷ biếu rượu dở cũng quí vì không phải là rượu mà là ở tấm lòng. Mua lòng người mà biếu rượu dỏm! Tức mình, ai cũng mang rượu đó liệng xuống biển hết.
Không lươn lẹo như Hội, Đẳng thẳng thắn nhưng thật thà. Thật thà là cha đứa dại. Đi tàu được thăng chức là một cơ hội tốt. Không chỉ tăng lương mà còn được công ty tin tưởng. Hùng chọc nhưng Đẳng không giận. Mấy khi Đẳng giận ai! Có gì thì nói thẳng trước mặt. Giận làm chi cho nặng bụng.
Ngồi hai bên mạn tàu thỉnh thoảng Hùng và Đẳng phải gọi cho nhau. Gọi để thông báo cho nhau chứ không được trò chuyện. Trò chuyện là mất tập trung. Thuyền trưởng trên buồng lái sẽ nhắc nhở. Khi mạn tàu có tàu lạ đi gần thì gọi để sang hỗ trợ cho nhau. Dùng đèn pin rọi vào phía có tàu lạ để ngầm bảo là đây đang sẵn sàng ứng chiến.
Tàu đã qua khỏi vùng biển nguy hiểm (vùng biển nguy hiểm được khuyến cáo trên hải đồ). Hai thủy thủ canh phía mạn thu dọn vòi rồng và đèn hai bên mạn tàu Hội đã bỏ vào buồng lái thỉnh thoảng mới ra xem chừng. Trời tờ mờ sáng, một chiếc canô cao tốc có gắn giảm thanh bất ngờ ập vào phía đuôi tàu. Hai tên cướp ném móc, thoăn thoắt leo lên tàu. Chúng lao lên cầu thang khống chế Hội. Tên tóc dài dí súng vào Hội. Hội đứng im cho tên đầu trọc trói gô hai tay ra sau lưng.
Trói xong, hai tên cướp đẩy Hội vào buồng lái. Chúng đạp cửa xông vào buồng lái. Trời sáng nên không chốt cửa bên trong nữa. Đại phó đang đi ca liền bấm còi báo động. Tên cướp chĩa súng về phía đại phó bóp cò. Đại phó né người, đạn trượt qua vai rồi xuyên qua tấm kính. Tấm kính vỡ toang, miếng rơi xuống mặt boong loảng xoảng. Đại đội phó đưa hai tay lên cao. Tên cướp nhảy tới trói tay đại đội phó lại.
Với kinh nghiệm của người đi biển lâu năm, cướp đã lên tàu khó chống cự nổi. An toàn sinh mạng là trên hết. Thứ đến là an toàn cho tàu. Bị trói nhưng đại phó vẫn không rời vị trí đi ca.
Cướp bỏ mặc đại phó. Chúng biết người đi ca không phải là thuyền trưởng. Cướp tìm thuyền trưởng. Tên đầu trọc vung mã tấu sáng loáng và trợn mắt quát: “Captain?” (1). Hội đưa mắt nhìn đại phó rồi run lẩy bẩy dẫn hai tên cướp xuống trước cửa phòng thuyền trưởng. Cửa phòng thuyền trưởng không khóa. Hai tên cướp nhảy vào. Thừa cơ Hội lén chạy mất.
Thuyền trưởng còn ngủ trong buồng trong. (Phòng thuyền trưởng có phòng khách và buồng ở). Cửa buồng khóa chặt. Tên cướp cầm mã tấu chém mạnh vào cửa buồng. Thuyền trưởng choàng dậy, mắt nhắm mắt mở mở cửa định quát đứa nào dám phá giấc ngủ của mình.
Thuyền trưởng vừa hé cửa, tên cầm mã tấu đạp mạnh. Tấm cửa bật vào làm thuyền trưởng lảo đảo. Tên cầm súng nhảy tới chĩa súng vào thuyền trưởng. Thuyền trưởng từ từ đưa hai tay ra phía sau đầu: “Don’t shoot me!”. Tên cầm mã tấu thét: “Money?”. Thuyền trưởng tần ngần. Tên cướp tóc dài bắn một phát chỉ thiên. Thuyền trưởng lóng cóng đi lại tủ lấy chìa khóa mở ngăn kéo. Ngăn kéo phía trên đựng chìa khóa ngăn kéo dưới. Đến ngăn kéo thứ tư, thuyền trưởng mới lấy được chìa khóa mở két đựng tiền.
Thuyền trưởng giữ nhiều tiền. Tiền để phát lương cho thuyền viên và tiền mua thực phẩm cho tàu trong nhiều tháng liền. Tiền dự trữ khi có việc phát sinh trên tàu. Giữ nhiều tiền nên thuyền trưởng để nhiều nơi và khóa kỹ. Thuyền trưởng lấy cọc tiền to nhất nhưng có mệnh giá thấp nhất. Tiền có mệnh giá cao thuyền trưởng đã cất hết từ trước rồi. Thuyền trưởng cũng lường trước khi tàu qua vùng biển nguy hiểm.
Tên tóc dài giật cọc tiền dày như cuốn từ điển cho vào túi. Tên cầm mã tấu ra lệnh cho thuyền trưởng đem tờ khai hải quan. An toàn sinh mạnh cho toàn tàu là trên hết, thuyền trưởng muốn cho bọn cướp rời khỏi tàu càng sớm càng tốt. Thuyền trưởng đem ra tờ khai hải quan mới nhất đưa cho bọn cướp, rồi thông báo cho toàn bộ thuyền viên mang tiền tập trung tại Câu lạc bộ.
Vì an toàn sinh mạng và an toàn cho tàu, thủy thủ tập trung nhanh chóng. Trời kêu thì dạ chứ còn cách nào khác, miễn cho bọn cướp rời tàu sớm là tốt rồi. Sống làm ra tiền chứ tiền đâu mua được mạng sống. Sinh mạng vô giá không bảo hiểm nào có thể đền bù được.
Bọn cướp bắt tất cả thuyền viên ngồi vào một góc, hai tay đặt lên đầu. Tên đầu trọc bước vào vung mã tấu chém một nhát vào chiếc tivi để thị uy, chiếc tivi vỡ tan tành. Mảnh vỡ rơi rào rào ra mặt thảm. Chém xong hắn còn giương cao mã tấu, mắt đỏ lườm lườm như mắt trâu điên. Tên tóc dài mắt láo liên, thủy thủy nào rục rịch là chĩa súng về chỗ đó. Thuyền trưởng xin lỗi thuyền viên vì bất đắc dĩ phải làm thế. Cầm tờ khai, thuyền trưởng đọc tên và số tiền. Đến tên ai người nấy mới được đứng lên, nộp xong lặng lẽ về ngồi lại chỗ cũ. Không khí thật ngột ngạt, đến cả mấy phút mới xong, rồi cướp cũng rút lui.
Tên cướp ép Đẳng mở cửa vì Đẳng ngồi gần cửa nhất. Tên cầm súng đi trước, tên cầm mã tấu đi sau. Chúng đi thụt lùi, vừa đi vừa canh chừng. Đẳng mở xong cửa câu lạc bộ rồi mở tiếp cửa ra ngoài boong, phải mở hai ba chốt khóa. Thấy lâu, tên tóc dài thúc gót vào hông Đẳng. Đẳng nén đau gắng sức mở.
Khi Đẳng ra ngoài kéo cửa để mở rộng thêm, tên cướp còn đạp một cái nữa làm Đẳng ngã chúi. Đẳng gượng đứng lên. Sự chịu đựng đã đến giới hạn. Bằng một thế võ bí truyền, bằng hết sức vì cơn tức bừng lên, Đẳng quật một phát. Tên cướp ngã oạch xuống sàn tàu. Nhanh như cắt Đẳng nhảy tới đá thật mạnh vào tay tên cướp khi hắn giương súng bóp cò. Khẩu súng rơi xuống sàn tàu. Súng cướp cò nổ. Đạn trúng vào chân tên đầu trọc đang vung mã tấu chém Đẳng. Đẳng xoay người né, trụ vững một chân rồi quét vào chân. Tên đầu trọc đổ nhào, tay buông mã tấu. Mã tấu phập vào vai tên tóc dài khi tên này đang lồm cồm bò dậy. Máu từ vai hắn phun xối xả như lợn bị chọc tiết.
Tên tóc dài nằm vật ra sàn. Bỗng nó cố sức rướn tới với lấy khẩu súng. Vừa lúc đó phó hai Hải từ bên trong phóng ra giẫm bàn tay nó lại. Bàn tay nó bẹp dí. Nó nằm yên không nhúc nhích. Phó hai cúi xuống chụp nhanh khẩu súng rồi mang đi, bỏ tên tóc dài nằm đó.
Khi phó hai đi rồi, tên cướp rút con găm ở thắt lưng phóng theo phó hai. Đẳng nhìn thấy liền bay tới ôm phó hai. Cả hai cùng ngã lăn xuống sàn. Lưỡi dao găm trượt qua lưng Đẳng, rướm máu.
Còn tên đầu trọc bị thương ở chân, hắn trườn tới cây mã tấu. Vừa chạm được cán thì bị Dũng từ trong nhảy ra nện một gót thật mạnh vào giữa mặt. Tên cướp ôm mặt thét rú lên. Toàn bộ thủy thủ xông ra dùng côn, gậy sắt mà đá, đấm, thụi vào đầu, vào mặt, vào bụng, vào lưng. Hai tên cướp lãnh một trận đòn nhừ tử.
Hai tên cướp bị trói chặt, nằm co ro trên sàn tàu, mặt mày bê bết máu, sưng húp. Hội còn nhảy lại đá thêm mấy cái nữa vào mặt cho bõ tức. Thuyền trưởng giật lại cọc tiền dày như cuốn từ điển. Thủy thủ lôi sền sệt chúng như kéo hai cái bao gạo xuống mặt boong dưới. Lúc lên tàu chúng hùng hổ bao nhiêu thì bây giờ bi thảm bấy nhiêu.
Không biết xử lý thế nào, để chúng trên tàu thì nguy hiểm, vứt xuống biển cũng nguy hiểm. Những tên cướp này xử theo luật rừng mới thích đáng. Nhưng nếu ném xuống biển, sẽ bị luật hàng hải quốc tế phạt. Và khi tàu quay lại khu vực này sẽ bị trả thù. Máy móc bây giờ hiện đại, đồng bọn chúng có thể nhận dạng được một cách chi tiết con tàu trong bán kính hàng trăm hải lý (1). Mà lúc đó đâu còn là đội thủy thủ này nữa, trả thù nhắm đội khác thì oan cho họ lắm. Suy nghĩ một lúc, thuyền trưởng cho người lấy hai chiếc can nhựa loại 20 lít. Vặn chặt nắp can, buộc mỗi tên vào một chiếc rồi đẩy xuống biển.
Chiếc canô chạy theo sau tàu một quảng để chờ đón đồng bọn mang chiến lợi phẩm về. Khi thấy có vật rơi xuống biển nó tăng tốc. Vớt đồng bọn xong nó đuổi theo tàu. Thuyền trưởng lấy súng ở chỗ phó hai bắn chỉ thiên ba phát. Nghe tiếng súng canô không đuổi theo nữa.
Mặt trời đã lên cao hơn cây cọc bít. Biển yên ả, những ngọn đảo hoang vắng bí hiểm. Mấy chú hải âu thong thả vỗ cánh. Chúng bay là là mặt nước. Đột nhiên chúng lao thẳng xuống nước, ngụp lặn trong nước, khi trồi lên mỏ ngậm một con cá trắng bạc đang cố sức vùng vẫy. Hải âu đậu trên mặt nước để nuốt cá. Nuốt xong chúng tắm nước xỉa lông mấy cái như để tự thưởng mình. Khi bay lên, chúng dùng hai chân chạy đà trên mặt nước một đoạn rồi mới bay được lên không.
Vẫn chưa đến giờ làm việc. Thủy thủ đứng ngoài boong xem hải âu bắt cá. Thuyền trưởng gọi tất cả thuyền viên tập trung tại câu lạc bộ. Mỗi người viết một bản kiểm điểm.
Cuối chuyến đó Đẳng bị thuyền trưởng sign off (2) do chống cự lại cướp.
(1) 1 hải lý bằng 1852m
(2) Đuổi việc (bị chấm dứt hợp đồng 

TRƯƠNG ANH QUỐC ( TuoiTre )