Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiếng Người. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiếng Người. Hiển thị tất cả bài đăng

P07: Tiếng người

Nhưng buổi tối mới chỉ bắt đầu. Không thể về vào lúc này. Anh đi về phía phòng lễ tân. - Cho tôi xem sơ đồ phòng – anh nói.
Cô gái lễ tân không nghi ngờ gì đưa cho anh bảng ghi tên người và tên phòng. Duy lướt ngón tay trên danh sách để tìm tên Hoàng. Lần thứ nhất, không thấy. Anh trấn tĩnh và cẩn thận kiểm tra lại lần hai. Vẫn không thấy. Rồi lần ba, lần bốn, vẫn không thấy. Duy thở ra. Anh trả lại sơ đồ và quyết định đi dạo một vòng quanh khu nhà nghỉ.
Nhưng anh đi dạo có đến bốn vòng quanh khu resort mà chẳng thấy ai. Không thấy bóng áo trắng đâu. Cũng chẳng thấy Hoàng. Anh ráo riết nhìn ra phía con đường rải sỏi chạy xuống bãi biển. Anh căng mắt nhìn vào những bóng đen cạnh bụi cây. Cũng chẳng có ai. Từ khu bể bơi ra đến khu nhà sàn hoàn toàn không có họ.
Sự không tìm thấy làm cái khao khát và nhớ nhung càng trở nên đậm đặc. Nó trở thành một thứ sống còn. Anh muốn nhìn thấy nàng. Anh phải nhìn thấy nàng. Anh phải biết là nàng chưa biến mất vĩnh viễn.
Đi đến vòng thứ năm, vẫn không thấy bóng người con gái áo trắng hay Hoàng. Từ  trong phòng nhảy, lác đác có người trở về phòng. Anh không muốn ai nhìn thấy anh. Nhưng anh cũng không muốn đi về phòng mình.
Nhưng rồi, người túa ra từ phòng nhảy ngày càng đông. Họ cười cợt. Tiếng cười như những xô bùn lỏng ào lên người anh. Cảm giác ô uế ngấm vào da. Đi kèm với nó là sự bực bội. Một cái gì đó dường như đang cười to và hả hê nói với anh rằng rốt cuộc anh cũng chẳng thoát. Anh cũng giống như những người đang túa ra từ phòng nhảy: làm những việc mình không muốn, và sau đó xấu hổ khi nhớ lại. Anh cũng giống họ – lúc này đang cười cười nói nói, nhưng sau những ngôn từ thia lia là những bí mật tăm tối và rệu rã. Thật nhớp nhúa khi nghĩ rằng bí mật của mình cũng giống bí mật của người khác.
“À, Duy đây mà. Tôi lạ gì. Tôi biết anh ta”.
Anh xăm xăm đi về phòng mình.
Trước khi bước vào phòng, anh liếc nhìn một lần cuối ra bãi biển. Chẳng có ai ngoài đó. Biển đêm lấp lánh sáng dưới ánh trăng. Hơi lạnh chờn vờn trên mặt nước. Những chòi lá cọ và những cây thông cắt những bóng đen sắc nét xuống mặt biển sáng lấp lánh.
Anh thở mạnh.
Một thứ quý giá thuộc về anh vừa vuột ra như cá sống quẫy khỏi tay. Trong lòng bàn tay chỉ còn lại khoảng không rúm ró của những ngón tay co quắp cùng sự nhớp nháp.
Nhớp nháp ăn lan như con hủi từ tay lên người. Không chỉ có những ngón tay co rúm mà toàn bộ con người anh cũng vừa co rút. Anh chỉ còn là một chấm đen li ti trong vũ trụ rộng lớn. Hai chân anh đứng trên mặt đất như một thứ vôi rẻ tiền bám vào mặt tường dốc đứng; rồi sẽ rộp lên, bong và rơi xuống.
Những bí mật nhớp nhúa. Tất cả chỉ là bùn lỏng; chúng sẽ trôi tuột qua kẽ tay. Anh không ràng buộc với bất cứ cá thể người nào. Cả mối ràng buộc vô hình với cái bất khả tri cũng đã đứt lìa. Anh giống tất cả họ nhưng lại không được họ gộp chung vào “đó”.
Đó! Nó vừa mới lại tóm được anh.
========================
Trong phòng, Phong đang vứt quần áo lên giường ngủ. Thấy anh vào, Phong cười: - Anh học nhảy ở đâu mà nhảy giỏi thế? Em nhảy như con cung quăng.
Rồi cậu ta tặc lưỡi:
- Anh Hoàng nhảy cũng đẹp. Bác đấy công nhận giỏi thật. Cái gì cũng giỏi.
- Hoàng ở phòng nào?
- Bác ấy có ở đây đâu. Hai vợ chồng ở bên khu Paradise cơ. Bác ấy bảo vợ bác ấy có thẻ VIP bên đó.
Duy vứt điện thoại xuống giường. Anh nắm vào một góc của tấm ga trải giường và giật cho nó phẳng ra. Anh đã không định giật mạnh như thế. Một góc của tấm ga bật tung. “Trưởng giả! Những kẻ ở ngoài mơ tưởng một thế giới xa hoa với những trò chơi lớn, bước đi lớn, trí tuệ lớn, nỗi lo và niềm vui cũng lớn. Cứ vào đó đi. Vào đó đi. Bong bóng. Bong bóng”.
Duy nhét lại tấm ga giường rồi đi vào nhà tắm. Anh vục đầy nước lên mặt. Trong gương, mặt và tóc anh đầy những giọt nước. Chúng bám trên da thành từng nốt nhỏ. Anh nhìn trân trối vào kẻ trong gương. Khuôn mặt hắn giống như một miếng bì lợn đã cạo sạch lông, nhợt nhạt, lấm tấm những cái mụn nước nhỏ trong suốt. Anh cúi đầu nhìn xuống những ngón chân. Những móng chân vỡ, sứt, và vàng ệch – kết quả của những năm tháng lao động và lang bạt. Những đầu ngón chân hơi bè ra thành một múi thịt nho nhỏ, trong khi những đốt xương trồi lên. Một vài cái lông đen lún phún, loăn xoăn đâm lên từ da thịt.
Anh giật phăng gấu áo ra khỏi quần.
Đã mười một giờ đêm. Anh quay số về nhà mẹ vợ. Phải năm tiếng chuông đổ mới có người nhấc máy. Là mẹ vợ anh. Bà lo lắng hỏi anh có chuyện gì không.
- Mẹ cho con nói chuyện với M.
- Nó ngủ rồi – mẹ vợ anh nói – Xông xong nó đi ngủ ngay.
- Ngủ rồi hả mẹ?
- Ừ.
- Thế thôi mẹ ạ. Mai con gọi.
Anh đóng máy điện thoại. Khoảng cách tám tiếng từ giờ đến sáng mai trở nên xa vời vợi. Thậm chí vô cùng. M đang ngủ. Nàng đang ở một thế giới khác. M không phải nhìn những thứ anh đang nhìn.
Anh đi tắm rồi lên giường nằm. Ở giường bên kia, Phong đang nằm quay mặt vào tường, thì thầm với ai đó qua điện thoại di động. Anh nghe loáng thoáng những “công ty anh…” rồi lại “phòng anh…” rồi “bọn anh…”, rồi “mấy em ở công ty anh…”. Tên của Hoàng lẫn trong cuộc nói chuyện.
- Anh đi ngủ đây – Phong nói to trên điện thoại và nhỏm dậy – Nhảy nhiều mệt quá. Mai bọn anh phải họp sớm.
Cậu ta cất điện thoại và cười hớn hở với anh:
- Em tắt đèn đi ngủ nhé?
- Ừ – anh nói.
Nhưng Phong không tắt đèn. Cậu ta đột ngột cười to:
- Em sắp có bồ rồi – cậu ta ngừng một hơi rồi lại bật cười – Em thích một con bé xinh lắm nhưng nó chưa đồng ý. Lần này em đi về là đổ…
- Tắt đèn đi – anh nói.
Căn phòng chìm vào bóng tối. Mười phút sau đã nghe tiếng Phong thở đều đặn ở bên kia.
Duy không ngủ được. Những ý nghĩ và hình ảnh loang loáng, nhòe nhoẹt trong óc anh. Rồi đến một lúc nào đó, anh nhận ra anh đang nghĩ đến việc người con gái áo đỏ và Hoàng nằm cạnh nhau trên giường của một căn phòng nào đó. Da thịt họ sẽ chạm vào nhau. Anh ta có quyền chạm vào nàng. Còn anh thì ở đây.
Lại là cảm giác nhớ nhung và phi lý chiếm lấy anh. Nỗi nhớ như dao, cắt vào da thịt và đầu óc, khiến từng tế bào trong cơ thể đều tỉnh thức và rã rời. Nỗi nhớ như một con mắt đen trong, lặng lẽ nguyền rủa năng lực nhìn thấy của chính mình. Nỗi nhớ làm mù lòa và tê liệt tất cả những cảm giác khác.
Trong sự tê liệt đó, chỉ có một ý nghĩ còn rõ ràng: chắc chắn người con gái đó đang nghĩ đến anh.
Anh bắt đầu trở đi trở lại trong đầu cái khoảnh khắc nàng nhìn anh trong phòng ăn. Rồi lúc họ nhìn nhau trong phòng nhảy. Nàng đã nhìn thấy anh thế nào? Lúc anh cười ở trong phòng ăn? Lúc anh nói chuyện với người ngồi bên cạnh? Lúc anh nhảy những điệu điên rồ ở giữa phòng? Lúc anh tiến lại phía nàng?
Nàng có thấy khuôn mặt anh? Có thấy nụ cười của anh không? Có thấy anh điềm tĩnh và dễ mến không? Có thấy anh bốc đồng và nhiệt tình không? Có thấy anh mạnh mẽ? Có thấy anh giỏi giang và phong cách? Có thấy anh đặc biệt?
Nhưng hơn thế, có biết rằng đằng sau tất cả những thứ này là một người nào không? Có biết quá khứ của anh? Suy nghĩ của anh? Tài sản khổng lồ của anh? Con người đích thực bên dưới những thứ này? Biết những tiếng nói mà một đời người có lẽ không đủ để bày tỏ hết? Biết thấu suốt cả một con người – cả một con người – là anh? Biết hết tất cả những thứ mà anh cũng không thể biết cho chính mình, chỉ cảm giác được nó bằng một con mắt vô hình? Biết cái chỉ có thể thấy bằng im lặng trong bóng tối?

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P08: Tiếng người

Buổi sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, Duy phát hiện ra mình vừa mới mơ. Trong mơ, anh phải đến trường để làm một bài thi rất quan trọng. Hình như là một bài thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Đúng sáu giờ sáng, anh tỉnh dậy. Sáu giờ mười lăm, anh đã rửa mặt, đánh răng xong. Nhưng cặp sách rỗng không. Sách vở mà anh chuẩn bị từ tối hôm trước đều biến đâu mất. Anh phải lần tìm từng thứ. Sách toán. Sách luyện thi. Giấy. Thước kẻ. Bút… Sáu rưỡi, anh vẫn chưa ra khỏi nhà. Rồi sau đó, không hiểu sao, anh đã thấy mình đứng trong ga tàu điện ngầm. Nhà ga Grand Central trên phố 42 trong khu Manhattan của New York. Anh phải lên tàu số 4 sang Brooklyn. 
Trong nhà ga, một hàng dài người đang đứng phía trước, chen lấn nhau để lên tàu. Duy nhẫn nại xếp hàng. Ngay phía sau anh là một gã đàn ông cao to. Không nhìn rõ mặt hắn, chỉ có hơi thở của hắn phà vào tai anh nóng hổi trong lúc cả thân người đồ sộ của hắn cứ từ từ nhích dần lên để chiếm chỗ của anh. Duy nói, giọng lạnh tanh: “Nếu anh muốn, anh có thể đứng vào chỗ tôi”. Y lập tức bước lên, không buồn cảm ơn anh. Y tiếp tục ngó đầu qua vai người đằng trước.
Rồi cũng lên được tàu. Tàu chạy rất nhanh, chỉ thấy vụt qua bên đường những cánh đồng lúa mạch, những cánh đồng tuyết, thảo nguyên cỏ, những đường núi quanh co; rồi những đồng lúa và những đoạn hầm tối.
Đột nhiên có tiếng loa thông báo tên bến tàu sắp tới. Duy nhận ra anh đã lên nhầm tàu số 7 đi Queens. Đồng thời lúc đó, anh muốn đi vệ sinh. Anh chạy về phía buồng vệ sinh ở cuối toa. Nhưng đầu anh thì bảo anh phải chạy nhanh lên, mà chân anh thì nặng như chì. Líu ríu từng bước nhỏ. Người ta cản đường anh. Một đám hành khách đứng chắn ngay lối đi. Tàu lắc. Ai đó níu anh lại hỏi điều gì đó về làm sàn nhà. Rồi sau đó, anh nhìn thấy gã đàn ông to lớn lúc trước chen hàng anh ngồi chắn ngay ngoài cửa buồng vệ sinh. Hắn phá lên cười, chỉ vào chân anh cho những người khác thấy. Duy cúi xuống nhìn. Anh đang cởi truồng.
Cảm giác xấu hổ xộc thẳng vào da thịt. Cả cảm giác sợ hãi nhỡ tàu. Anh ngồi thụp xuống một chiếc ghế ở cuối toa tàu. Anh khép hai chân lại và thủ hai tay xuống để che. Hai tay anh chạm vào dương vật. Nó lạnh toát, cứng đờ. Không ai nhìn anh nhưng chắc chắn tất cả đều biết anh cởi truồng. Một lúc sau, anh xuống tàu, chuẩn bị chuyển sang con tàu khác. Lúc con tàu cũ vụt qua, anh thấy người con gái mặc áo đỏ ngồi ở trong khoang cuối. Nàng nhìn anh bằng con mắt của một người ngồi tàu nhìn những người đứng bên barie chắn tàu ở một ga xép xa lạ nào đó. Anh đứng trên ga, chỉ mặc duy nhất trên người một chiếc áo sơ mi trắng. Hai tay anh vẫn đang thủ ở phía dưới để che dương vật.
Cuối cùng, anh vẫn không đến kịp buổi thi. 
============================
Ngày hội thảo cuối cùng. Buổi sáng, anh dậy sớm là phẳng phiu chiếc áo sơmi trắng và sport suit. Nhìn miếng lụa bóng màu tím thêu nổi mấy chữ Ralph Lauren phía trong, anh có một cảm giác thỏa mãn lặng lẽ và lạnh lùng. Cũng gần như đồng thời với sự trỗi lên của cảm giác thỏa mãn là cảm giác ngao ngán.
Giờ giải lao buổi trưa, một cách tự động, anh và Hoàng dần tiến lại gần nhau. Hoàng hỏi anh:
- Anh về hôm nay à?
- Anh cũng về hôm nay? – anh hỏi lại.
- Tôi ở lại – Hoàng trả lời – Bà xã tôi muốn ở lại chơi chút. Sáng Chủ nhật bọn tôi mới về.
Hình như ai đó vừa đâm sầm vào Duy. Choáng váng bao trùm cơ thể. Liền đó là cảm giác buồn thê thảm. Ba giờ chiều nay, anh sẽ rời khỏi đây. Nàng thì chỉ vào ăn cùng mọi người vào buổi tối.
Từ lúc ấy, lòng anh như lửa đốt. Anh hầu như quên hẳn Hoàng và những người xung quanh. Anh phải nhìn thấy nàng một lần nữa. Anh phải bằng cách nào đó nói cho nàng biết anh về Hà Nội đêm nay.
Một giờ chiều, anh rời phòng họp. Anh vội vã thu dọn bàn chải và đồ cạo râu. Anh vứt quần áo vào vali – quần áo bẩn lẫn với quần áo sạch. Anh lấy một cái khăn mặt bọc hộp nữ trang bằng đá cẩm thạch anh mua làm quà cho M rồi bỏ nó vào túi ngoài của chiếc vali kéo. Anh đã muốn mua một cái gì đó khác; nhưng cả khu bán souvenir của resort không hề có gì ngoài những đồ chạm khắc đá. Những quả trứng cẩm thạch thô kệch đứng cạnh những hình phật bà và những ông Phúc-Lộc-Thọ toe toét cười.
Duy vào nhà tắm, vuốt lại quần áo và đầu tóc cho thẳng. Anh hối hả đi xuống cầu thang. Sau đó, anh bắt đầu đi từ góc này sang góc khác của cả khu nghỉ mát, vừa đi vừa lia mắt sục sạo. Từ bãi biển sang nhà ăn. Từ nhà ăn ra bể bơi. Rồi anh trở lại khu họp. Anh sang khu rừng thông gần đó. Rồi toàn bộ khu phòng nghỉ.
Đến khi biết chắc là nàng không ở trong khu nhà này, Duy đi ra cổng.
- Paradise ở đâu? – anh hỏi người gác cổng.
- Anh đi dọc đường này…
Duy không đợi nghe hết. Anh lập tức rảo bước về hướng được chỉ. Trời ấm, nhiều gió. Mồ hôi bắt đầu rịn ra ở thái dương anh.
Lúc thấy cái cổng cao, đan bằng tre, có chữ Paradise rất to ở trên, tim anh đập mạnh. Anh bắt đầu để ý thấy mình đang bước đi vội vã. Anh có cảm giác là anh đang bị quan sát. Duy ghìm bước lại, ưỡn thẳng lưng. Anh bước đàng hoàng. Anh đút hai tay vào túi quần cho khỏi thừa thãi.
Bây giờ mới là lúc khó xử. Anh sẽ làm gì tiếp? Đi vào trong nhà nghỉ và hỏi về nàng? Rồi đến gõ cửa phòng? Anh sẽ nói gì? Tôi sẽ về Hà Nội đêm nay, tạm biệt? Hay là sẽ không nói gì, chỉ chờ nàng ra mở cửa, gật đầu chào, rồi đi? Hay là sẽ xăm xăm đi tới, bất chấp, và làm bất cứ cái gì mà lúc đó anh “in the mood”? Hay là sẽ đi vào trong khuôn viên rồi chờ? Biết đâu sẽ gặp nàng. Hay là kiên quyết đi tìm nàng và nói hết tất cả? “Tất cả” là những gì?
Anh vừa nghĩ những điều trên, vừa giận dữ cười nhạt với chính mình: Từ bao giờ, anh lại phải suy nghĩ những câu hỏi kiểu này? Từ bao giờ, anh không còn phăng phăng làm những gì lóe lên trong đầu anh, bất chấp hiểm nguy và suy nghĩ của người khác? Trong lúc nghĩ thế, ở đáy tâm trí anh hiện ra khuôn mặt M. Khuôn mặt lẫn loáng thoáng trong những thứ loáng thoáng trôi nổi khác.
Cái cổng tre đã ở trước mặt. Người bảo vệ liếc nhìn anh. Anh ta vừa tò mò dò xét, lại vừa có cái vẻ cung kính, săn đón của một người phục vụ nhìn một người khách trông có vẻ giàu sang. Duy giữ khuôn mặt lạnh lùng. Chân anh cứ thế tự động bước đi; nhưng không phải là tiến tới chỗ người bảo vệ mà đi thẳng tiếp theo con đường. Anh đang đóng vai một người đi dạo ngang qua.
Ở cuối con đường trải nhựa, anh dừng lại dưới một gốc cây thông. Anh nhìn xuống bãi cát và nhớ ra. Bãi biển này kéo dài về tận nơi anh ở.
Ý nghĩ đó vừa nhen lên, Duy đi cắt từ đường nhựa xuống bờ cát. Anh bắt đầu đi về phía nhà nghỉ của anh. Anh bước chậm nhưng kiên quyết; vừa đi vừa nghĩ rằng lâu lắm rồi anh không đi dạo một mình.
Anh đi dọc ngay sát mép nước, chỗ cát đã ướt nhưng sóng không lên được tới nơi. Tất cả sức nặng cơ thể và ý chí của anh dồn xuống những bắp chân. Anh để ý đến những cơ đùi căng lên mỗi lần anh nhấc chân; rồi đến sự lún của bàn chân trong cát khi anh đặt chân xuống; và một chút căng của đường gân phía trên gót chân khi anh bước tiếp.
Đến khu bãi biển thuộc nhà nghỉ Paradise, Duy đi chậm hơn. Cả khu bãi biển tĩnh lặng. Phía trong khuôn viên, một người đang xén tỉa cây. Một cô phục vụ mặc blu trắng đang bê một rổ bát đi về phía nhà bếp. Không có bóng khách. Mùa này không phải mùa du lịch.
Đến đoạn chính giữa bãi biển, anh dừng hẳn lại. Không cần phải đắn đo nữa. Anh nhìn thẳng lên khu nhà nghỉ, ráo riết tìm. Không thấy bóng ai. Anh đứng bất động năm phút, cảm giác rõ nàng đang ở rất gần anh. Không khí anh thở dường như cũng có kết nối với nàng.
Anh bắt đầu xăm xăm đi vào khuôn viên.
Anh đi khắp các bungalow dành cho khách VIP.
Anh ra sân tennis.
Anh vào nhà ăn.
Bể bơi.
Anh đi khắp khu nhà tầng dành cho khách loại thường.
Anh lùng sục trong vườn cây cảnh nhỏ của resort.
Không có ai.
“Vô ích, vô ích” – hai tiếng này trỗi lên và đều đều lặp lại trong đầu anh.
Duy quay lại mép nước. Anh đứng đó, thản nhiên nhìn thẳng lên căn phòng ở đối diện với anh. Rồi anh quay người, điềm tĩnh đi dọc bãi biển, trở lại phòng mình.
Trong phòng, cái vali kéo nằm gọn gàng trên giường. Tất cả hành trang của anh chỉ có vậy. Tất cả đã sẵn sàng cho một chuyến đi mà lúc này cái gọi là “đích” bỗng nhiên trải rộng và xa hun hút. Anh tự nhìn thấy mình trong hai tiếng nữa sẽ kéo vali này ra xe, đi vào thành phố và lên máy bay đi tới cái đích xa xôi đó. Với mỗi chuyển động, anh sẽ rời xa nàng. Tức là rời xa một cái gì đó thân thiết rất khó cắt nghĩa, thuộc về anh. Chắc chắn thuộc về anh, như hai bàn tay này thuộc về anh.
Hai bàn tay trống rỗng.
Nỗi nhớ nhung, khao khát và bất lực lại trào lên đặc quánh quanh anh. Bất kể nó bắt nguồn từ đâu, anh biết sự nhớ nhung mong ngóng này là có thật.

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P06: Tiếng người

Một nửa phòng ăn bắt đầu lục tục đứng dậy. Những tiếng ghế sắt kéo ken két trên mặt đá. Họ gọi nhau đi sang phòng nhảy.
Đã bắt đầu nghe thấy tiếng nhạc lớn từ đó vọng sang. Những người phụ nữ và thanh niên trẻ hào hứng sang trước. Phong và các đồng nghiệp khác của anh cũng đứng dậy, rời bàn.
Duy tiếp tục ngồi. Ở bàn bên kia, anh nghe ai đó hỏi Hoàng có sang phòng nhảy luôn không. Hoàng cười, nói gì đó không rõ. Nhưng liền đó, Hoàng và người con gái áo trắng đứng dậy. 
Họ là một cặp hoàn hảo – điều ấy anh phải thừa nhận. Tất cả mọi người trong phòng cũng thừa nhận vì tất cả đều lén nhìn theo họ đi ra cửa.
Có một màn kịch đang diễn ra. Hoàng vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên chính. Tất cả những người còn lại chỉ là khán giả. Là khán giả mà không hề biết mình là khán giả. Họ nghĩ là họ không hề phải trả tiền cho buổi trình diễn, nhưng mà họ có. Họ chỉ đang trả góp mà không biết. Thậm chí trả đắt hơn nhiều so với cái giá họ tưởng. Hóa đơn sẽ đến sau. Lúc ấy thì quá muộn.
Duy muốn xô ghế đứng lên bỏ đi. Không thể chấp nhận sự lạm dụng này. Rốt cuộc, anh vẫn ngồi. Anh tiếp tục ăn. Chậm rãi.
Khi không còn gì trong đĩa để ăn, Duy đứng dậy. Anh là người cuối cùng rời bàn của mình. Anh đi lòng vòng quanh các bàn ăn vẫn còn lác đác người. Anh dừng lại chào hỏi vài đồng nghiệp. Rồi anh đi ra cửa, hướng về phía phòng ở.
Nhưng phải đi ngang qua phòng khiêu vũ. Cửa phòng lúc này mở toang. Ánh sáng từ đó hắt ra thành một hình chữ nhật méo dưới sân. Những vệt màu xanh đỏ chạy qua chạy lại trên hình chữ nhật méo đó. Tiếng nhạc phát ra làm rung không khí. Những rung chấn lan cả đến chỗ anh, táp vào ngực và tai anh. Duy khẽ liếc mắt về phía đó. Trong những bóng người lộn xộn bên trong căn phòng, Hoàng đang ngửa mặt lên cười to với ai đó. Anh ta đã trở nên dễ nhận dạng đến mức ấy.
Duy đổi hướng. Anh bước về phía phòng khiêu vũ. Nhưng anh không vào vội. Anh đứng ngoài hành lang, nhìn xuống bãi biển. Từng người một đi từ phòng ăn vào phòng khiêu vũ. Những người đứng hóng mát bên ngoài cũng lần lượt bị tiếng nhạc và ánh đèn lôi kéo vào trong. Khi bên ngoài không còn ai, Duy thong dong đi vào, làm người cuối cùng bước vào phòng nhảy.
Hội trường lúc sáng đã biến thành một sàn nhảy lớn. Bàn ghế, máy chiếu phim được cất hết. Phía trên bục là máy tăng âm, loa, micro và hai DJ. Đèn xoay bảy màu được đặt ở bốn góc và chiếu từ trên xuống. Nhạc lớn, khiến ai cũng phải gào lên mới nghe thấy nhau. 
Khoảng giữa phòng họp trống trơn. Những ánh đèn chạy qua chạy lại trên sàn đá loang loáng. Không khí quánh lại rồi bị đánh bạt ra vì những nhịp trống. Vẫn chưa có ai ra nhảy. Hơn một trăm con người dàn đều thành một vòng tròn túm tụm. Họ cười cười. Chờ đợi. Họ gọi nhau và đùn đẩy. Rốt cuộc vẫn chưa có ai ra sàn.
Liền đó, tiếng vỗ tay và những tràng cười ré lên ở một góc. Vòng người dãn ra. Hoàng đang kéo tay vợ giám đốc công ty ra sàn. Ông giám đốc đứng phía sau, cười rung cả người. Ông ta lấy tay đẩy sau lưng bà vợ đang miễn cưỡng đi theo Hoàng. Những người đứng quanh ông ta cũng chìa tay ra đẩy góp vào lưng người phụ nữ. Vòng người khép lại.
Hai người kia đã ra đến khoảng trống giữa phòng. Tuy nhiên, họ không đứng ở chính giữa mà nép sát vào vòng người. Những cánh tay tiếp tục chìa ra xua xua, đề phòng hai con mồi bỏ chạy. Hoàng cười tự tin. Anh ta nắm hai tay người phụ nữ hơi mập kia để dìu bà ta ra dần giữa sàn. Bà ta cưỡng lại. Rốt cuộc, họ bằng lòng với việc đứng ở gần vòng người. Hoàng bắt đầu đi theo nhịp và dìu người bạn nhảy thấp hơn mình cả một cái đầu. Sau một lúc cưỡng lại, người phụ nữ kia cũng đi theo nhịp. Họ bước qua bước lại nhịp nhàng. Rõ ràng, họ không định nhảy mà chỉ định mua vui và mở màn cho mọi người.
Và họ đã thành công. Tất cả đều nhìn đôi bạn nhảy cộc lệch và cười vui vẻ. Tất cả say sưa và thoải mái.
Đúng lúc ấy, lại một tràng cười và vỗ tay ré lên ở góc đối diện với anh. Vòng tròn lần này dãn ra rộng hơn. Giám đốc công ty và người con gái mặc váy trắng đang bước ra sàn. Lại một cặp đôi cộc lệch nữa.
Trên sàn, Hoàng và bà vợ giám đốc quay đầu nhìn đôi bạn nhảy mới. Họ cười và bắt đầu nhảy hào hứng hơn.
Nhạc chuyển sang bài Play that funky music, white boy(9) của Wild Cherry – cái đĩa nhạc funk một thời rất thịnh hành ở những sàn nhảy Mỹ và trên radio. Lúc anh còn đi làm sàn nhà chui với “dân Mễ”, họ chỉ có một chiếc radio bám bụi mở nhạc rả rích cả ngày trong lúc làm việc. Giờ ăn trưa, họ ngồi ăn dấm dúi trong nhà hoặc tầng hầm của chủ. Họ nghe nhạc, lim rim chợp mắt 10 phút, tán gẫu. Cậu bạn Honduras của anh hay cao hứng nhảy và kéo anh nhảy theo. Đến giờ, anh còn nhớ rõ cái tiếng nhạc rè rè từ chiếc đài cũ, thậm chí cả những đoạn nhạc quảng cáo ngắn của các đài FM. Vùng quanh Boston là WXKS 107.9. Ở Pennsylvania có WKSB 102.7. Vermont có WZRT 97.1. New York thì không nhớ xuể số đài.
Lúc này, nhạc đang mở hết cỡ. DJ trên bục vỗ tay theo nhịp. Trong phòng cũng vỗ tay theo. Rầm rập. Rầm rập.
And they were dancin’ and singin’ and movin’ to the groovin’
And just when it hit me somebody turned around and shouted:
Play that funky music white boy
Play that funky music right
Play that funky music white boy
Lay down that boogie and play that funky music till you die(10)
Nhạc funk dồn dập. Tuy thế, cả bốn người kia vẫn chỉ dậm chân qua lại nhè nhẹ. Tiếng nhạc và ánh sáng đã đỡ cho họ. Duy nhìn ông giám đốc to béo, mặt đỏ au. Hai bàn tay to lớn nắm chặt hai bàn tay người con gái áo trắng.
Máu trong người anh chạy rần rật. Tiếng trống dập và tiếng hát nhừa nhựa của Cherry Wild đánh bạt những ý nghĩ. Chỉ còn lại cảm giác săn gằn của cơ bắp. Chúng muốn phá tung cái đang diễn ra.
Trước khi anh kịp suy nghĩ thì Duy đã thấy mình đi ra sàn. Chỉ một vài bước chân, anh đã tách khỏi vòng tròn người và đứng vào chính giữa khoảng trống giữa phòng.
Nhưng đứng ở đó rồi, anh lập tức tiếc. Anh không muốn làm những thứ này. Chắc chắn là không muốn. Thế mà anh đã đứng ở đây.
Đèn màu đang rọi thẳng xuống mặt anh. Tiếng huýt sáo ré lên. Tiếng vỗ tay lẫn trong tiếng nhạc. “Nhảy đi, nhảy đi” – những người xung quanh hét lên. Trừ bốn người đang nhảy kia, hình như ai cũng đã nhận ra anh. Họ biết người mua vui mới đã xuất hiện. Một người mua vui chuyên nghiệp hơn. Đẳng cấp cao hơn. Quyết liệt hơn. Lạnh lùng hơn.
Duy kéo cao ống tay áo sơmi trắng. Anh chờ xong đoạn nhạc dạo.
- Yeahhhhhhhhhh! – giọng của Wild Cherry.
Bốn nhân vật kia đã biến mất vào vòng người bên ngoài. Sàn nhảy chỉ còn lại mình anh. Bắt đầu rồi…
Trong lúc nhảy – và biết mình là một người mua vui hoàn hảo, Duy vẫn kịp nhìn thấy nàng đứng khoanh tay nhìn anh. Có lẽ nàng hơi cười. Duy thì không cười. Mặt anh lạnh tanh. 
==============================================
Ban đầu là những cậu thanh niên trẻ nhất công ty. Họ lôi theo các cô gái. Các cô gái lôi những người phụ nữ đứng tuổi. Rồi tất cả những người còn lại ùa ra sàn.
Gần trăm con người khua khoắng và hò hét, làm đủ các điệu bộ kì quái quanh anh. Những khuỷu tay và bộ ngực chạm vào anh. Mùi mồ hôi, nước hoa, phấn sáp, thuốc lá, đồ biển táp vào anh. Tiếng cười nói và tiếng nhạc chà trên da, khoan vào tai. Không khí tan chảy.
Duy cười với những người xung quanh. Trong lúc ấy, chân anh lách dần ra. Khi đã hoàn toàn ở vòng ngoài cùng, anh dừng hẳn lại. Anh ngồi xuống cái ghế ở gần dàn nhạc, khuất sau thùng loa lớn. Từ đó nhìn ra, anh thấy người con gái áo trắng đang đứng ở một góc đung đưa người nhè nhẹ. Hoàng đang ở cùng một nhóm khác. Họ bá vai nhau thành vòng tròn, vừa đi vừa đá chân và vung tay ra hai bên.
Giữa đám đông hàng trăm người này, chỉ có mỗi cử động của người con gái kia là có ý nghĩa. Duy muốn đứng lên đi lại gần nàng. Anh tưởng tượng mình đến đứng ngay đằng sau nàng. Anh sẽ áp người vào gần lưng áo trắng nhưng sẽ không chạm vào nàng. Họ sẽ cùng đung đưa một nhịp; có thể thỉnh thoảng sẽ vô tình chạm vào nhau.
Aaaaaaa….
Cái người con gái như thể một người bạn thơ ấu mà anh đã không bao giờ có. Cái người lẽ ra phải ở cùng khu phố với anh lúc nhỏ. Cái người lẽ ra phải thích anh mặc dù không tuyên bố. Cái người lẽ ra phải làm cho anh nhung nhớ, rồi đã chuyển đi trồng cà phê ở Lâm Đồng. Cái người phải sống trong những giấc mơ toàn bầu trời bằng nước màu đỏ đục không vỡ, đầy những con cá vàng và rùa. Cái người lẽ ra phải có trong một tuổi thơ mà anh phải có thể nhớ lại rõ ràng hơn chứ không chỉ là một thứ cao su nhún lì và hoi.
Đấy là một nỗi nhớ và ham muốn lạ lùng. Khao khát và ham muốn như một tầng bên dưới của hạnh phúc, bất chấp hạnh phúc; chứ không phải khao khát và ham muốn vì không có hạnh phúc. Chúng đến từ một thế giới rất xa và rất sâu – một thế giới anh chưa từng biết đến.  
Cái này khác lạ cả với thế giới có M.
M. Phải rồi. M. Anh lắc mạnh đầu. “Không phải lúc này; bây giờ không phải lúc” – có cái gì đó bảo anh như thế.
Anh vẫn ngồi dính xuống ghế. Anh nhìn dán vào cái bóng trắng đung đưa ấy. Giữa những tiếng nhạc đập vụn không khí và ánh sáng nhòe nhoẹt, anh không còn cảm giác chắc chắn về bản thân nữa. Là một ai đó chứ không phải là chính anh đang ngồi chập chờn ở đây và để những tiếng người cùng tiếng nhạc xô đẩy. Cái người ngồi ở đây chỉ có một ước muốn là buổi tối này sẽ không bao giờ hết và sự ồn ào tan chảy này không bao giờ tàn.
Rồi đột nhiên, những tiếng nhạc trôi hết ra. Một tiếng saxophone cất lên. Nhạc slow. Hoàng lập tức rời đám người bá vai bá cổ để đi lại gần người con gái áo trắng. Họ ra sàn. Một vài cặp thanh niên trẻ cũng lên sàn. Nhưng họ đều cố tình nhảy ở các góc. Ở chính giữa sàn vẫn là cái bóng áo đen cao lớn màu đen của Hoàng dính với bóng thanh mảnh áo trắng quần đen của nàng.
Hoàng đã nâng hai tay nàng lên và vòng nó ra sau gáy anh ta. Hai tay Hoàng khóa phía sau lưng nàng. Họ áp sát người vào nhau. Cả sàn nhảy nhìn họ. Duy cũng nhìn. Mắt anh ghim chặt vào bàn tay nàng trên vai Hoàng. Như thể đó là điểm neo đậu duy nhất của cái thế giới nhộn nhạo xung quanh anh.
Vừa lúc đó, hai tay nàng trượt xuống khỏi vai Hoàng. Nàng không chỉnh lại chúng. Nàng để cho chúng nằm hờ hững trên hai cánh tay Hoàng.
Từ lúc ấy, anh không nhìn vào bàn tay nàng nữa. Anh nhìn chằm chằm xuống sàn nhảy. Những mũi giày, tà váy, ống quần lướt xéo qua mắt anh. Lần nào, anh cũng lập tức nhận ra gót giày của nàng. Nàng đi một đôi giày cao gót đế nhỏ; quai giày là hai sợi dây mảnh đính những hạt đá giả kim cương, vắt chéo từ phía ngón chân cái qua phía bên này bàn chân. Nàng hơi kiễng trong khi khiêu vũ. Gót giày rời khỏi mặt đất chừng một xăngtimét.
Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua. Rồi nhạc bất thần chuyển sang disco. Cái điểm nhỏ trên sàn nhảy mà anh đang nhìn lập tức bị xéo nát bởi những giày dép, quần áo lộn xộn. Anh ngẩng lên. Hoàng đang thì thầm gì đó vào tai người con gái áo trắng. Cả hai bắt đầu lách về phía cửa.
Duy đứng phắt lên. Tất cả âm thanh, màu sắc và cảm giác biến thành một đám tối dày đặc; ngoại trừ nhận biết về sự di chuyển của cái bóng áo trắng phía trước anh. Lúc này chỉ có một tiến trình tự động duy nhất trở nên có nghĩa: anh có nghĩa vụ phải đi ngang qua nàng, để nàng nhìn thấy anh. Nếu không, tất cả những thứ đã diễn ra từ đầu buổi tối sẽ trở nên vô nghĩa.
Họ gặp nhau ở ngay cửa ra vào. Mắt Duy nhìn nàng lơ đãng, như nhìn một khuôn mặt lạ, tình cờ thấy trên đường đi. Nàng cũng nhìn anh bằng con mắt trong suốt.
Trong ánh đèn màu xanh đỏ lướt vun vút qua lại trong phòng, và cái không khí rung lên bần bật cùng với những vòng người đang xô đẩy, hò hét, chỉ có ánh mắt của nàng và anh là đứng yên.
Anh không nhìn thấy Hoàng đi trước nàng một bước, kéo tay nàng.
Anh cũng không thấy những người xung quanh.
Anh không nghe thấy những thanh âm trôi dạt.
Anh không cảm thấy chân mình và người mình.
Cả sự tồn tại cũng biến mất.
Những vệt sáng chạy qua chạy lại trên mặt nàng nhưng không chạm vào mắt. Nàng không cười nhưng Duy nghĩ là anh thấy có một nụ cười ở trong mắt.
Nàng biết.
Nàng biết điệu nhảy điên rồ lúc nãy là cho nàng. Nàng biết cả việc anh đã phải gặp nàng ở đây, để nàng nhìn thấy anh và anh nhìn thấy nàng. Nàng biết cả ý nghĩa của cái nhìn lơ đãng như của người lạ nữa.
Rồi nàng đi theo Hoàng. Hai người biến mất sau cửa.
Duy thấy người lâng lâng. Anh lách trở lại góc phòng kia và đứng đó nhìn các đồng nghiệp của anh nhảy. Một trăm con người phấn khích. Một trăm con người cố gắng lắc hông, ưỡn ngực, vẩy tay, khuỳnh chân. Không một ai biết nhảy. Nhưng có hề gì; mọi người đang vui vẻ thực sự. Anh đứng nhìn. Chờ đợi.
Nhưng một lúc sau vẫn không thấy Hoàng và người con gái quay lại. Anh tiếp tục chờ. Không hề có ai quay lại. Họ đã đi. Sàn nhảy trở nên trống rỗng. Hơn một trăm con lăng quăng đang ngoe nguẩy một cách lố bịch – bao gồm cả anh. Anh bỏ ra ngoài. 

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P05: Tiếng người

Họ họp tiếp đến chiều tối rồi nghỉ. Duy về phòng cất tài liệu trước khi xuống nhà ăn. Phòng của anh hướng ra bãi biển. Phong – cậu thanh niên cùng phòng với anh chưa về.
Anh nằm ngửa trên giường, vắt tay lên trán. Cơ bắp mệt rũ. Cánh tay đang vắt trên trán nặng như một thanh dầm sắt. Anh thở mạnh để đẩy hết hơi thở cũ ra ngoài. Rồi anh lại thở mạnh lần nữa. Ở đâu đó, lâu rồi, anh đã trở về nhà cùng với cha anh sau những bữa tiệc. Khi ấy, người anh cứng lại trong những bộ quần áo là phẳng phiu, chân tê bại vì phải đứng, đầu căng ra để đoán ý cha. Cả buổi tối anh đã phải đi theo những cái ngoắc tay rất khẽ của ông, trong lúc mặt anh đeo một vẻ cung kính và tự tin thường trực. Chính là chúng! Lần nào trở về, anh cũng lử lả.
Một cái gì đấy xưa cũ mà anh tưởng đã rũ bỏ được nó trong nhiều năm qua rốt cuộc đã bắt kịp được anh.
Một người bạn ấu thơ mà anh từng từ mặt rốt cuộc lại tình cờ gặp anh khi cả hai đã lớn. Hắn ta cười to, chỉ vào anh và nói với những người xung quanh: “À, Duy đây mà! Tôi lạ gì. Tôi biết anh ta”.
Biết anh? Biết anh?
Duy ngồi bật dậy khỏi giường và móc điện thoại khỏi túi quần. Anh bấm số điện thoại ở nhà. Im lặng hun hút trong ống dây. Rồi những tiếng tút dài, ngắt sự im lặng đó thành từng quãng. Anh chờ hai tiếng quen thuộc:
- Anh à?
Nhưng không có ai nhấc máy. Anh bấm số di động của M. Vẫn chỉ là những tiếng tút dài. Cơn mệt mỏi trở nên nặng nề hơn. Anh thở mạnh một lần nữa rồi chậm rãi đút điện thoại trở lại túi quần.
Lúc chuẩn bị đi xuống nhà ăn, anh nhìn qua cửa sổ. Người con gái áo đỏ hôm qua đang đứng một mình trên bãi cát, quay mặt ra biển.
Chính là nàng. Hôm nay trời ấm như mùa hè. Nàng mặc một chiếc váy dài kiểu cách giống hệt chiếc váy đỏ hôm qua, nhưng màu trắng. Vẫn quần lụa màu đen trơn bên trong. Gió thổi thốc vào người nàng, khiến cho những đường cong ở eo và hông hiện ra rõ nét.
Lúc này, dọc bãi cát không một bóng người. Xa xa ngoài khơi, vài người đang lướt sóng bằng những chiếc dù lớn, sặc sỡ. Thỉnh thoảng gió lớn lại thổi họ bay lên khỏi mặt nước. Biển sóng to, ầm ào đập vào bờ cát. Mỗi lần có con sóng lớn, nước tràn sâu vào bờ, lấn tới chỗ nàng đứng. Nhưng nàng cũng chẳng nhúc nhích; chỉ nhìn sóng đổ vào dưới chân rồi rút ra.
Qua những khung sắt cửa sổ, người con gái bỗng nhiên như bị đóng vào trong một bức tranh chân dung: nền là biển xanh phía xa, và nàng đứng ở đó.
Duy đi hẳn ra ngoài hành lang. Mắt anh dán vào nàng như bị hút bởi nam châm.
Ngay lúc đó, người con gái quay người lại. Như thể nàng biết anh đã luôn đứng đó, nàng nhìn thẳng vào anh. Từ xa, không thể nhận ra các đường nét khuôn mặt để biết nàng có cười hay không. Anh tin là nàng không cười. Nàng biết.
Bây giờ, trận đấu đã bắt đầu. Trong hai người, ai ngoảnh đi trước sẽ là người thua cuộc. Họ cứ thế nhìn nhau.
Đột nhiên, cả không gian rung chuyển vì những tiếng nhạc. Duy choáng người. Mặt đất vừa nứt toác dưới chân anh. Hóa ra là điện thoại di động của anh vừa đổ chuông. Anh cúi xuống lấy điện thoại ra và nhìn số. M gọi.
Duy vừa mở máy vừa quay người đi vào trong phòng.
- Anh à?
Tiếng M oang oang trong ống nghe. Không cần áp tai vào điện thoại cũng nghe thấy.
- Em đang ở nhà mẹ – M nói – Em để quên di động ở nhà.
- Thế à? – anh khẽ đẩy ống nghe ra xa tai, đồng thời nhận thấy mình cũng đang nói rất to.
- Anh ăn tối chưa?
- Chưa – Duy xuống giọng và liếc mắt qua cửa sổ về phía biển – Em ăn tối chưa?
- Em ăn rồi. Hôm nay mẹ nấu phở.
- Ừ… Ngon không?
- Ngon. Em ăn được hai bát to. Mẹ cho nhiều quế với hành trần. Để giải cảm.
- Ừ.
- Em hết ốm rồi.
- Thế à? (anh lại liếc về phía bãi biển)
- Anh đã đi chơi đâu chưa?
- Chưa.
- Sao anh không đi chơi cho vui?
- Ừ.
- Em muốn anh về sớm – M cười khúc khích – Ngủ một mình chán quá. Hôm nay em ngủ ở đây với mẹ.
Duy thoáng hình dung M nằm một mình trên chiếc giường to trong phòng ngủ của họ. Anh muốn nói một điều gì đó âu yếm, nhưng những lời quen thuộc thường ngày không sao thoát ra. Chúng bị tắc ở chỗ nào đó trước khi ra đến vòm họng. Anh có thể nhìn thấy chúng ở xa xa, nhưng không thể gọi chúng. Vừa lúc đó, anh nghe tiếng mẹ vợ anh gọi M trong điện thoại “Chuẩn bị đi xông đi con”.
- Em phải đi xông đây không nước nguội mất – M nói nhanh.
- Ừ, em đi xông đi – anh nói và thở mạnh ra.
- Em nhớ anh lắm! – M nói to trong điện thoại.
Duy bật cười. Anh thì thào vào ống nghe:
- Anh cũng nhớ em lắm.
- Em đi xông nhé – tiếng M xa dần.
Duy đóng điện thoại. Anh đứng trong phòng mấy giây. Anh vừa làm gì? Anh đang định làm gì? Anh đang ở đâu? Cái gì vừa xảy ra? Đâu? Đâu? Đến chỗ nào rồi? 
====================================
Trong nhà tắm, Duy nhìn mình trong gương. Mắt anh nhìn thẳng nhưng vẫn chưa thể định thần. Những thanh âm hỗn độn ù ù trong óc. Anh vốc nước, táp mạnh lên mặt. Cái lạnh đẩy những tiếng ù trôi ra ngoài.
Anh khóa cửa phòng. Lúc bước ra hành lang, anh nhìn xuống bãi biển. Không có ai ở đó. Bãi biển hoàn toàn trống. Anh vội vã đi xuống thang gác đến phòng ăn.
Phòng ăn ồn ào tiếng cười nói và tiếng bát đũa. Từ bên ngoài đã nghe rõ cả một quầng âm thanh lộn xộn, phủ lên những bóng người. Bữa tối hôm nay ăn theo kiểu buffet. Thức ăn được bày xung quanh một dãy bàn ở giữa phòng; bàn ngồi ăn được xếp rải rác quanh đó. Mọi người đang xếp thành hàng dài để lấy thức ăn vào đĩa. Duy chưa bước vào phòng vội. Anh đứng lại ở cửa ra vào và kín đáo nhìn khắp phòng ăn. Không thấy bóng váy trắng. Cũng không thấy bóng áo đen của Hoàng đâu cả.
Ai đó gọi tên anh. Duy nhìn về phía tiếng gọi. Phong đang vẫy anh từ trong góc phòng. Mấy đồng nghiệp ở Hà Nội ngồi cùng bàn đó. Anh gật đầu đáp lại rồi lách qua dãy người để đi về phía họ.
Vỏ tôm, càng cua, mai cua và vỏ sò đã chất thành một đống nhỏ chính giữa bàn ăn. Những vệt nước đỏ và vàng lem nhem trên tấm khăn phủ trắng.
- Anh đi lấy đi – Phong giục – Nhanh lên không mọi người ăn hết bây giờ.
Duy miễn cưỡng đi ra, xếp vào dòng người. Những người trước và sau anh vừa chờ đến lượt vừa chỉ trỏ các món ăn. Thi thoảng, cánh tay họ quệt vào anh. Anh bỏ qua những cánh tay quệt bằng cách nhìn chăm chú vào lưng áo của người đằng trước và nhích dần lên mỗi khi cái lưng áo đó lùi ra xa khỏi tầm mắt anh. Đến lượt mình, anh chừa tôm và cua ra. Anh chọn những gì trông gọn gàng và không phải bóc. Cũng chẳng biết là những gì. Anh nhặt mỗi thứ một ít rồi bê đĩa trở lại bàn ăn.
Phong và các đồng nghiệp của anh nói chuyện rôm rả trong khi ăn – chuyện thức ăn, chuyện thể thao, chuyện công việc, chuyện tắm biển, chuyện đi chơi trong thành phố, chuyện ai giàu, ai mới phá sản, chuyện con cái, chuyện chính trị, chuyện công nghệ, chuyện tiền thưởng Tết, chuyện du lịch, vân vân…
- Chốc nữa có nhảy đấy – Phong nói – Mới thuê nhạc công về rồi.
Những người quanh anh ồn ào.
- Anh có sang nhảy không? – Phong hỏi anh.
- Không – anh nói.
- Sang nhảy cho vui – Phong cười – Mấy khi…
Anh không trả lời. Từ đó trở đi, anh chỉ chăm chú ngồi ăn và nghe mọi người nói chuyện. Câu chuyện nhắc đến Hoàng. Một ai đó hỏi một người khác về xuất thân của Hoàng.
- Rồi sẽ lên Bộ thôi. Vào đây chỉ là hình thức! – ai đó nói thõng.
- Cơ cấu cả!
Họ nói về một kế hoạch rõ ràng cho Hoàng mà ai cũng có vẻ biết rất rõ. Duy tự hỏi không biết những đồng nghiệp của anh có nghĩ rằng có một kế hoạch nào đó sắp sẵn cho cái người mang họ Nguyễn Phước nổi tiếng là anh hay không (họ nên biết là chẳng có kế hoạch quái nào cả). Nếu có, họ đã giả vờ rất khéo trong mấy năm qua.
Một lát sau, Duy đứng dậy kéo ghế để đi lấy thêm thức ăn. Ngay bàn bên cạnh, người con gái áo trắng đang ngồi ăn. Nàng cúi đầu. Đĩa của nàng cũng không có cua với tôm trong khi trước mặt những người ngồi cạnh nàng cũng có những đống vỏ tôm và mai cua nhỏ. Hoàng ngồi cạnh nàng ở phía bên kia. Một tay Hoàng đặt lên lưng ghế của nàng. Anh ta đang say sưa nói chuyện với những người khác.
Họ đến vào lúc nào? Sao anh không nghe thấy tiếng cười của Hoàng từ nãy đến giờ? Nàng đã nhìn thấy anh bao lâu? Có lẽ nàng đã ngồi đó suốt lúc anh ngồi ăn như một cái bóng, chẳng nói chuyện với ai? Từ vị trí đó, nàng chỉ có thể nhìn vào lưng anh.
Trong giây lát, tay chân anh trở nên thừa thãi. Cái đĩa trong tay đột nhiên trở nên một vật lố bịch, nham nhơ những vệt nước sốt màu vàng. Anh không biết dáng đứng của anh có thẳng thớm không hay lại khấp khểnh. M vẫn hay bảo anh thường đứng hơi gù lưng; mỗi lần nói thế, nàng thường để một tay ra trước ngực anh, một tay ra sau lưng anh để uốn người anh thẳng lên. Nhớ đến đây, anh khẽ ưỡn người. Anh hít một hơi dài và thở mạnh ra. Rồi anh bắt đầu đi quanh bàn ăn.
Khi anh đứng ở cái bàn tròn, đối diện với người con gái áo trắng, Duy cố tình dừng lại lâu hơn một chút. Anh cầm cái thìa to xúc món gì đó màu vàng vàng ở trước mặt vào đĩa. Người phía sau anh chỉ vào đĩa của anh và nói một câu gì đó. Anh không nghe rõ nhưng anh quay sang người này, vừa nở một nụ cười vừa nói rằng món này rất ngon (không biết nó là món quái gì). Người bên cạnh anh nói tiếp một điều gì đó. Có lẽ nó cũng không có gì đáng cười nhưng anh vẫn tiếp tục cười và nói chuyện với người đó. Chân anh bước đi quanh bàn. Đĩa thức ăn theo đó đầy lên.
Khi cuộc đi dạo quanh bàn buộc phải kết thúc, anh từ tốn đi về lại bàn. Anh không hề nhìn về phía có bóng áo trắng mặc dù không lúc nào cái bóng mờ mờ đó thoát khỏi mắt anh. Anh biết nàng đang nhìn anh. Anh giữ người thẳng thớm. Bước đi đàng hoàng. Anh khẽ kéo cái ghế nghiêng đi một chút để ngồi chéo.
Từ phút ấy, anh bắt đầu hào hứng nói chuyện với người bên cạnh anh. Anh cười. Anh sẻ một ít thức ăn của anh vào đĩa của Phong. Anh chăm chú lắng nghe người đối diện nói gì đó về chuyện học phí cấp một. Anh pha trò. Trong lúc làm tất cả những việc đó, anh không quên vừa nói vừa cố tình quay ngang mặt ra. Từ vị trí đó, nàng sẽ nhìn thấy mặt anh nhìn nghiêng; và anh nhìn được thấy nàng bằng đuôi mắt. Anh biết là nàng nhìn anh thỉnh thoảng trong lúc ăn. Anh biết cả cánh tay của Hoàng vòng sau lưng ghế nàng trong suốt thời gian đó. Và tiếng cười cùng giọng nói sang sảng của Hoàng thì không lẫn đi đâu được.

 PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P04: Tiếng người

Ngày thứ ba của tuần họp. Vào buổi tối, sau khi đi bơi về, Duy xuống phòng ăn muộn hơn giờ quy định 15 phút. Khi anh bước vào phòng, các bàn ăn đã kín người.
Chỉ có một bàn chính giữa phòng vẫn còn hai chỗ trống. Không ai muốn ngồi ở vị trí trung tâm. Anh đi tới đó, khẽ gật đầu chào mấy người ngồi cùng bàn. Một người phục vụ đi tới, đặt trước mặt anh một bát súp ngô non nấu với thịt cua.
Anh cắm cúi ăn, không để ý đến những người ngồi cùng bàn. Anh chỉ biết có ba người đàn ông và một người đàn bà không quen (chắc họ từ văn phòng Sài Gòn ra). Trong lúc ăn, anh nghe thấy ba người đàn ông nói chuyện với nhau về những dự án chung cư cao cấp sắp triển khai. Anh theo dõi cuộc nói chuyện chừng một phút rồi quên mất.
M. Không biết giờ này nàng đang làm gì ở nhà. Tối qua, khi anh gọi điện cho nàng thì nàng đã đỡ sốt nhưng chưa khỏi hẳn.
- Mấy hôm nay đang mưa phùn anh ạ – M nói.
M nói và ho khan. Anh hình dung mặt nàng sẽ đỏ hồng lên mỗi lần ho khan. Anh hình dung cả căn hộ của anh với những cánh cửa gỗ cao. Cái cửa sổ đằng sau vừa mới bị gãy chốt và anh chưa kịp làm lại (lẽ ra mình đã phải sửa ngay lập tức khi nó vừa gãy chốt). Anh hình dung cả con đường vào nhà. Những ngày mưa phùn, mặt đường sẽ nhão ra. Khu đất nhiều ao nhỏ sau nhà mùa này luôn bốc lên một thứ sương giá và chướng khí lúc sáng sớm. Chúng không tốt cho sức khỏe của M.
Bây giờ, có lẽ M cũng đang ăn tối. M luôn ăn rất chậm.
Đến một lúc nào đó, Duy cảm giác có người đang nhìn anh. Anh ngẩng đầu hướng về phía có ánh mắt. Đối diện, một người con gái đang nhìn anh chăm chú. Nàng có mái tóc tỉa ngắn và nước da trắng. Vóc người mảnh dẻ. Xương cổ lộ thành hai vạt chéo. Miệng rộng. Đôi môi mỏng, tô son nhạt. Một vết chàm đen nhỏ lạ lùng ở trên trán. Trong một giây, mắt anh và mắt nàng nhìn nhau. Duy không kịp tự vệ. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt đen. Đôi mắt mở toang. Ai vừa lặn xuống lòng hồ tối?
Trong thoáng chốc, tất cả những cảm giác cuộc đời tua nhanh trong óc anh. Những năm tháng tuổi thơ triền miên trong sự hãnh diện khi so sánh mình với bạn bè, đồng thời ngấm ngầm thấy nó vô lý và xấu hổ – và phải dùng sự hãnh diện đè bẹp cảm giác xấu hổ… Những năm cấp ba và năm đầu tiên ở đại học –  anh là trung tâm của lớp học mà chẳng có lấy một người bạn thực sự thân… Những tháng ngày ngắn ngủi ở Matxcơva – mọi người thấp thỏm còn anh ngấm ngầm thích thú… Những năm tháng đầu tiên ở New York – khi mà anh lần đầu nhận biết rõ ràng anh có thể chết trong studio của anh nhiều ngày mà sẽ không có ai biết. Rồi Pennsylvania, Maine, New Hampshire – những buổi tối lái xe một mình qua các bang, chỉ nhìn những vạch phân cách mắt mèo sáng lên trên đường và nghe những bản Nocturne của Chopin… Cái cảm giác một mình mình trong trời đất, không kết nối với người mà chỉ còn kết nối với cái bất khả tri tồn tại dưới trạng thái một sự thấu biết khổng lồ như một tấm chăn tàng hình ôm trùm vũ trụ… Cái cảm giác toàn bộ bản thể mình đã thu lại thành một con mắt nhìn không chớp ra bên ngoài.
Người con gái kia biết.
Nàng biết những điều ấy.
… 
Người đàn ông ngồi cạnh nàng vừa quay sang thì thầm vào tai nàng. Nàng nhấc mắt khỏi anh, quay sang gật gật đầu với người kia. Họ nhanh chóng đứng dậy, rời khỏi bàn.
Duy nhìn theo, đồng thời nhận ra anh đang nín thở.
Nàng mặc một chiếc váy lụa trơn không tay màu đỏ, buông thẳng đến đầu gối. Bên trong là quần dài bằng lụa trơn, màu đen. Tay nàng cầm một chiếc áo khoác mỏng. Người đàn ông kia mặc áo sơ mi trắng, bỏ trong quần âu đen. Anh ta cao. Gáy lớn. Cổ ngắn nhưng to. Hai bả vai vồng lên dưới lớp vải áo sơ mi, khiến thân người hình thành một chữ V rõ ràng. Cánh tay dài. Người thẳng. Bước đi vững. Nếp là trên quần âu căng ra ở phần mông.
Hai người kia đi về phía cửa rồi biến mất vào vùng bóng tối bên ngoài. Trong lúc họ đi, người đàn ông hơi vòng tay đỡ sau lưng cô gái áo đỏ. Cánh tay anh ta chạm rất khẽ vào lưng áo đỏ, làm đường võng ở eo người con gái thoáng hiện ra.
Trước mặt Duy từ lúc nào đã có một đĩa cơm với gà nướng. Anh cầm dao xẻ cái đùi gà. Anh cắt thịt đều đặn; ăn đều đặn. Từ đó đến cuối bữa, không thấy hai người kia quay lại bàn ăn. Bát súp của họ bỏ dở ở đó. Váng bơ trên mặt bát súp nguội thành một lớp màng cứng.
Khi về đến phòng, Duy gọi điện cho M.
- Em đang xem The Simpsons trên đĩa – M nói – Xem lại vẫn buồn cười.
Anh cố nhớ lại cái giọng nghèn nghẹt của những nhân vật hoạt hình trong The Simpsons. Những tiếng nói giọng giả và những cử động giật cục trôi nổi trong óc anh.
- Em ơi, Tết này mình đi Campuchia đi.
Anh nói bất thần vì anh vừa chợt nghĩ đến Angkor với những mặt Phật bằng đá xanh khổng lồ trên tháp Bayon bốn mặt. Những vành môi dày trĩu nặng và những đôi mắt đá xanh không tròng.
=====================================================
Buổi sáng hôm sau, trong lúc chuẩn bị quần áo để lên phòng họp, bất giác Duy nghĩ anh phải ăn mặc nghiêm chỉnh hơn mọi khi.
Anh nhìn đống áo quần mang theo; tất cả đều nhàu nhĩ vì anh đã không treo chúng lên từ hôm đến. Anh nhặt một chiếc áo sợi thô dài tay màu trắng và quần bò. Rồi anh vào nhà tắm, cẩn thận cạo râu và nhìn mình trong gương.
Hạnh phúc chắc chắn để lại dấu ấn của nó trên mặt người. Nó xóa những quầng thâm, những hốc và vòm. Im lặng cũng để lại dấu ấn trên da thịt. Những thời khắc thả lỏng của bốn năm qua đã là phẳng da thịt anh. Đôi mắt anh từ bao năm nay vẫn một màu đen như thế, nhưng ánh nhìn đã trầm xuống. Đường xương hàm không còn bạnh ra thành hai lưỡi mác rõ rệt như trước mà chìm xuống, biến vẻ khắc khổ trên khuôn mặt mà cha anh thường gọi là “quý tộc” thành sự trầm mặc.
Buổi sáng đó, công ty chia thành từng nhóm nhỏ để thảo luận. Người đàn ông đi cùng cô gái mặc áo đỏ hôm qua đến ngồi vào nhóm của Duy. Anh ta mặc áo len mỏng cổ lọ màu đen bên trong, bên ngoài là suit dạ với hàng cúc đồng lớn có hai chữ B khắc nổi, lồng vào nhau. Duy nhìn vào tấm giấy trên ngực áo của anh ta. Tên: Hoàng. Anh ta chìa tay ra trước:
- Tôi nghe nói về anh rất nhiều.
Anh ta nói giọng Bắc pha miền Nam. Duy chìa tay ra bắt lại. Sau đó, buổi họp bắt đầu.
Chủ trì nhóm của anh là “chú Thành”, một người đàn ông gần 60 tuổi, phó giám đốc chi nhánh miền Bắc. Một người mà ai cũng quý và không ai sợ. Trong 10 người ngồi quanh bàn, ba người phụ nữ chủ yếu cười và vuốt phẳng quần áo. Những người đàn ông còn lại thủng thẳng. Hoàng xung phong làm thư ký cho nhóm.
Sau 10 phút, vị trí trưởng nhóm và thư ký đã âm thầm hoán đổi. Hoàng không hề làm gì đặc biệt. Anh ta chỉ ngồi thay từ ngữ. Anh ta nói những câu đại loại:
- “Làm khách hàng hài lòng tối đa”… Nhưng thế nào là “tối đa”? Mình nên đổi thành “Nâng cao năng lực khách hàng”.
- Chú Thành, chú thấy cụm từ “Tăng cường chia sẻ giữa nhân viên và lãnh đạo trong công ty” thế nào? Con thấy hơi suồng sã quá. “Chia sẻ” rất là chung chung. Chia sẻ cái gì? Mình phải nhấn mạnh thẳng vào quá trình ra quyết định trong công ty ha chú? Nhân viên phải có quyền tham gia nhiều hơn, đúng không chú? Có thể viết “Tăng cường vai trò nhân viên trong quá trình ra quyết định”? Hay là “Tăng cường tính dân chủ trong quy trình ra quyết định?” Chú nghĩ sao?
- Phải gom mấy mục này lại… Gom thành “Quan tâm tới đời sống tinh thần và gia đình của nhân viên”.
- Vân vân…
Cứ như vậy. Các đồng nghiệp của anh nói, Hoàng biên tập. Tất cả đều hăng hái; như thể đây là công việc sáng tạo quan trọng bậc nhất.
Duy im lặng. Anh đã nhìn thấy cái này ở đâu? Y hệt như thế này. Một nhóm người ngồi quanh bàn. Những tiếng nói văng ra lộn xộn; một người khác tóm lấy chúng, cắt gọt, quét sơn, và nẹp chúng lại. Cũng là những từ ngữ tương tự như thế này. Cũng sự hào hứng tan chảy một cách nhiệt thành như thể họ đang sáng tạo một kiệt tác. Anh đã nhìn thấy cái này ở đâu? Ở đâu?
Một cảm giác ơn ớn không rõ ràng chạy thành sóng khắp người anh. Những ý nghĩ và cảm giác chờn vờn. Anh cố túm lấy chúng để cột lại. Vô ích.
Thuyết trình bắt đầu vào giờ thứ hai. Nhóm của anh lên sau cùng. Hoàng là người đại diện. Anh ta khéo léo lách qua những chiếc bàn để đi lên khoảng trống trước hội trường. Cái dáng cao lớn, tự tin trong bộ đồ đen bắt người ta phải nhìn và ngầm ngưỡng mộ.
Một vài giây im lặng kéo dài; rồi bài thuyết trình được mở màn bằng một câu pha trò. Quanh anh, những tiếng cười rộ lên. Sự ơn ớn trên da anh càng rõ hơn. Và khi Hoàng bắt đầu nói, hai tay vung lên một cách tự tin, mắt nói, miệng nói, thân người nói, thậm chí cả những khoảnh khắc im lặng tuyệt đối chính xác cũng là một cách nói thì Duy nhận ra nguồn gốc cơn ớn lạnh của mình: Hoàng trông giống hệt như anh hồi 17 tuổi – lớp trưởng và cán bộ Đoàn xuất sắc ở Đại học Xây dựng, triển vọng và tương lai của trường cũng như của dòng họ Nguyễn Phước.
Tuổi 17.
Xung quanh anh, hơn 100 con người còn lại trong phòng đều đang dán mắt vào Hoàng. Miệng họ cười; mắt họ ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ như những luồng sáng chiếu ra từ ánh mắt, bay thẳng về phía Hoàng. Chúng đan thành một cái lưới nhún. Những cô gái trẻ đổ người về phía trước, một tay chống cằm, mắt mơ màng. Những người già mím môi trầm mặc. Cả cái này nữa – anh cũng đã biết. Anh biết cả cảm giác của Hoàng khi đứng ở trên kia: một mình trước hàng trăm người, một mình làm chủ một khoảng không hẹp về diện tích nhưng trải ra vô tận vì sự lâng lâng.
Từ đâu đó trong cái khoảng không lâng lâng vô tận ấy, óc anh bắt đầu nhặt lên những mối dây. Trí não như một người quăng chài ngủ quên đột nhiên tỉnh dậy hối hả kéo tấm lưới đã chìm dưới nước từ lâu. Với mỗi động tác kéo, ngôn từ âm thầm hiện ra như những con cá chết qua đêm mắc cứng trên mắt lưới:
- Cười (2 giây sau, Hoàng cười)
- Dừng lại (2 giây sau, Hoàng dừng lại)
- Từ từ ngẩng lên, nhìn bao quát khắp phòng (Hoàng đã ngẩng lên, bắt đầu nhìn bao quát khắp phòng)
- Nhìn từng người một, không được để sót một ai (Anh mắt Hoàng bắt đầu lia đến anh)
- Ngừng, hỏi xem có ai thắc mắc không (Có ai có thắc mắc gì cứ tự nhiên phát biểu ha? – Hoàng nói)
- Pha tro hoặc danh ngôn (“Sophocles, một trong ba tác giả vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại từng viết…”)
- Bóng gió về bản thân (“Tôi nhớ, lúc ba tôi còn đang làm với bác Liên, ba tôi hay kể chuyện bác Liên…”)
Hai mươi phút trôi qua. Đến lúc Hoàng kết thúc phần thuyết trình, tiếng vỗ tay dậy lên. Hoàng cười, trịnh trọng cúi chào. Một tay anh ta đặt lên ngực áo trái. Anh ta cúi lâu hơn quy tắc thông thường chừng 5 giây. Những tiếng vỗ tay vì thế mà kéo dài thêm 10 giây. Bài học thứ n: Mình bày tỏ sự chân thành với người khác trong 5 giây, người khác sẽ tán thưởng mình lâu gấp đôi.
Duy nhìn quanh. Vĩnh viễn từ đây, cái tên và khuôn mặt của Hoàng đã được tạc vào một chỗ nào đó trong đầu những người ngồi quanh anh. Chỉ cần một cử động chính xác vào một thời điểm chính xác! Điều này – và vô vàn những bài học khác – cha anh đã âm thầm nói với anh từ năm anh 7 tuổi. “Miễn là có, dù chỉ một người ở xung quanh, con không bao giờ được sơ suất. Con phải nhớ thiên hạ dễ bỏ quên nhưng không bao giờ, không bao giờ bỏ qua”. Anh đã nhớ và đã âm thầm thực hành nó như một thứ bản năng thứ cấp trong suốt những năm cấp 2, rồi cấp 3, rồi năm đầu ở Đại học Xây dựng, thậm chí cả ở Moscow; cho đến lúc anh thấy mình chỉ có một mình ở New York, khi không một ai để ý anh mặc gì, nói gì, làm gì, từ đâu tới và sẽ đi về đâu.
Vào giờ giải lao ngay sau đó, Duy đứng trong hành lang kín đáo quan sát Hoàng. Anh biết quanh anh, rất nhiều cặp mắt khác cũng dõi theo Hoàng.
Hoàng đứng một mình. Rồi anh ta bước tới chiếc ghế sưởi nắng ngay cạnh bể bơi của resort. Tiếp đó: (1) Thong thả ngồi xuống; (2) Duỗi dài người trên ghế; (3) Từ từ châm thuốc lá; (4) Nhả khói chậm rãi. Bài học thứ n+1: Khi đến thời điểm củng cố sự nổi bật, phải đứng ở chỗ mà người khác có thể nhìn thấy.
Chỉ ba phút sau, giám đốc công ty và trưởng đại diện văn phòng phía Nam tiến tới gần Hoàng. Họ châm thuốc cho nhau và cười lớn trong lúc nói chuyện. Tiếng cười đánh động những bóng người túm tụm trong hành lang. Họ liếc về phía Hoàng. Một cách tự động, những đám đông cứ hình thành dần quanh chỗ Hoàng. Bài học thứ n+2: Một cái cười lớn với một người có quyền sẽ tác động nhiều hơn cả năm cười đùa với những người dưới mình.
Buổi chiều trôi qua. Hoàng đi từ chỗ này sang chỗ khác, kéo theo sự huyên náo. Dường như ai cũng muốn lớn tiếng quảng bá về mối quan hệ thân thiết này. Hoàng không vội vàng. Anh ta nói chuyện với người này, hỏi chuyện người kia, châm thuốc cho người khác, nghiêm trang, cung kính với người khác nữa. Bài học thứ n+n: Phải đối xử với từng người như thể họ là một cá thể đặc biệt và có tầm quan trọng đặc biệt với mình.
Vào lúc nghỉ uống trà giữa buổi chiều, Hoàng đứng ngay cạnh anh. Hoàng cất tiếng trước:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với anh từ sáng mà bây giờ mới có dịp.
Anh cười mỉm thay câu trả lời.
- Ba anh và ba tôi biết nhau đấy – Hoàng nói tiếp.
- Anh biết cha tôi?
- Biết chứ. Ai mà không nghe tiếng viện sĩ Nguyễn Phước Trọng Khiêm? – anh ta nhấn mạnh chữ “viện sĩ”.
- Ba anh và ba tôi trước còn đi bộ đội cùng nhau. Hình như ở chiến trường Nam Lào.
- Cụ nhà anh là…? – anh lịch thiệp hỏi lại.
- Ba tôi nghỉ hưu năm ngoái rồi, nhưng trước đó thì ba tôi làm trợ lý cho bác Liên.
- Anh họ Lê?
- Vâng.
Anh chợt nghĩ đến người đàn ông thấp mặc comlê đen và ngồi với chân không chạm đất trong phòng khách nhà anh. Cái người ngồi chắp tay trước bụng, miết hai ngón cái vào nhau trong lúc anh rót trà và mắt phải liên tục nháy. “Chú Phương” – cha anh gọi người đó như vậy.
- Thế thì tôi gặp ba anh ở nhà tôi rồi – anh nói từ tốn và nhìn dáng người cao to của Hoàng.
- Ủa, vậy hả? Anh gặp ba tôi bao giờ?
- Tôi không nhớ rõ; lúc đó tôi còn nhỏ.
- Tôi có nghe ba tôi kể chuyện gia đình anh. Ổng ngưỡng mộ ba anh lắm. Ổng bảo trong họ Nguyễn Phước thế hệ ba anh thì ba anh là người xuất sắc nhất nhưng lại dứt khoát không chịu ra chính trường. Hình như cụ từ chối lên Bộ Giáo dục rất nhiều lần.
- Vậy à?
Anh nhớ lại cái nhìn của cha anh lúc họ gặp lại ở sân bay. Và cả cái bóng lớn của ông trong phòng khách suốt những năm anh còn nhỏ.
- Anh vào công ty lâu chưa? – Duy đổi câu chuyện.
- Sáu tháng…
- Trước anh làm ở đâu?
- Tôi mới đi tu nghiệp nước ngoài về.
Vừa lúc đó, chuông điện thoại của Hoàng đổ. Anh ta xin phép rồi rút điện thoại ra nghe.
- Em hả?
Anh ta tự động đi cách ra một quãng. Từ khoảng cách không xa lắm, Duy thấy Hoàng cười to, thỉnh thoảng lại xuống giọng thì thầm.
Mấy phút sau, Hoàng quay lại chỗ anh, khuôn mặt vẫn còn cười mỉm.
- Bà xã tôi – Hoàng thanh minh – Hỏi xem mấy giờ vào ăn tối.
Anh ta lắc đầu, cười cười. Duy nói:
- Khi nào anh ra Hà Nội thì đến chơi với cha tôi.
- Thật vậy hả, có làm phiền cụ không? Tôi vẫn mong có lúc được gặp cụ vì ba tôi ca ngợi quá chừng.
- Hôm nào anh ra thì nói với tôi, tôi dẫn đến gặp ông cụ. Tôi đoán ông cụ sẽ quý anh hơn cả tôi.
Anh nói rồi quay trở vào bàn. Cả phòng họp chỉ có một mình anh. Các đồng nghiệp của anh vẫn túm tụm từng nhóm bên ngoài. Anh nghe rõ tiếng cười của Hoàng vọng vào. Anh lấy bút bi nguệch ngoạc phác những vòng tròn bánh xe lên một tờ giấy trắng. Anh cẩn thận vẽ các nan hoa thật thẳng và đều. Rồi anh vẽ những bông cúc và những hình lập phương nhỏ đan chéo vào nhau.

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P03: Tiếng người

Ký ức thơ ấu là một thứ ký ức có chọn lọc và bao giờ cũng bị co ngắn. Với Duy, tuổi thơ của anh dường như đã biến thành một dải thời gian đàn hồi. Anh đã cuộn nghiến cái dải vật chất ấy, từng vòng, từng vòng, thành một quả cầu cao su.
Thời gian qua đi, bề mặt quả cầu ngày càng nhẵn lì – những mặt người, tiếng người, sự kiện cứ phai dần rồi ăn liền vào xác thịt thời gian. Chúng trộn lẫn vào nhau thành một thể co nhún, không điểm cao, không vực sâu. Trên cái quả cầu nhẵn thín ấy chỉ còn một vài mấu cao su nhỏ, thi thoảng cộm lên trong trí nhớ của anh mỗi khi có một giai điệu hay một hình ảnh gợi nhớ… Những vạt váy trong suốt và cánh tay hờ hững của những thiếu nữ tập ballet trong tranh Degas. Những con kiến đen bò ra từ các hốc xương trong tranh của  Salvador Dali… Áo may ô trắng và râu quai nón của những người đàn ông Pháp đội mũ vành thẳng trong bức tranh ăn trưa của Renoir… Tiếng piano trong những bản nocturne của Chopin… Rồi Rachmaninov… Johann Sebastian Bach… và Verdi.
Lúc nhỏ, Duy không bao giờ biết đích xác của cải của dòng họ. Mọi thứ luôn tồn tại mơ hồ bằng những câu chuyện có màu sắc huyền thoại mà cha anh kể nhát gừng khi giải thích cho anh về những đồ vật trong nhà. Ví dụ như cái đỉnh đồng đen có đôi sư tử hí cầu với hai con hạc cao ở trên bàn thờ ông nội là đồ gia bảo của dòng họ truyền lại từ thế kỷ 17. Sở dĩ cái đế của con hạc bên phải bị sứt là vì lúc chạy Pháp ở Yên Thế, cụ nội anh đã phải bỏ hết vàng bạc của cải xuống giếng. Cụ đã định mang bộ đỉnh đồng và con hạc theo, nhưng phút cuối, lại phải vứt nốt xuống giếng.
Những thứ huyền thoại đó, cùng những chi tiết nho nhỏ khác làm anh mơ hồ rằng gia đình anh không giống những người xung quanh. Mùa đông của thập kỷ 70 và 80, anh mặc những chiếc áo dạ mang về từ Liên Xô trong khi bạn bè anh mặc áo len nhà đan lấy. Mùa hè, bạn bè anh phải đi mua đá khay về uống, nhà anh có tủ lạnh riêng và điều hòa nhiệt độ. Ngày Tết, mẹ anh không bao giờ phải xếp hàng để mua những hộp mứt 250 gam màu hồng vẽ cành đào, những bao thuốc Phù Đổng, hay rượu chanh. Họ ăn trên bàn ăn trải khăn trắng và phòng khách luôn cắm hoa. Chuyện khăn trải bàn và hoa là hai chuyện mà lúc vui miệng và không có mặt cha anh, chú út Khang thường thì thầm với anh rằng đấy là tàn dư “cốt cách tiểu tư sản” và tinh thần “sỹ phu Bắc Hà” của cha anh. Có một bữa cơm tất niên lúc anh học lớp 11, chú út Khang uống say và vỗ ngực kể câu chuyện mà ai cũng đã nghe cả trăm lần: rằng ngay trước giải phóng, chính chú và cha anh là một trong những người được “cụ Tố Hữu với cụ Lê Chưởng” giao viết sách giáo khoa hệ 12 năm đầu tiên của miền Nam để dùng sau ngày giải phóng. “Hồi đấy” – chú Khang lè nhè – “nhà ở Khâm Thiên thì bị nó ném sập mẹ nó xuống, thế mà vẫn cặm cụi viết sách với bọn ông Cương, ông Chính, bà Sính”. Rồi chú tuyên bố rằng nhờ bỏ ngành giáo dục mà “em dám cá với bac cả, ở Hà Nội này em là thằng bỏ tiền túi mua ô tô riêng đầu tiên”. Chú Khang hẳn còn tuyên bố nhiều nữa nếu cha anh không cầm lấy cốc rượu từ tay chú hắt xuống đất.
Chú Khang không phải người duy nhất trong nhà đã bỏ con đường học hành. Trong tất cả những người con của ông nội, chỉ còn lại cha anh, phó khoa vật lý một trường Đại học lớn ở Hà Nội lúc đó, đi theo con đường khoa học. Tuy thế, từ lúc anh bắt đầu ý thức rõ hơn về mọi việc, anh luôn có cảm giác lờ mờ rằng chính “sự gàn dở của bác cả” này (như cách chú Khang gọi) khiến cho ai cũng nể cha anh. Quyền lực của ông dường như lớn hơn nhiều cái vị trí phó khoa vật lý mà ông đảm nhiệm.
Trong nhà, không ai dám chất vấn quyền lực ấy.
- Anh! – mẹ anh thường rụt rè khoảng giữa bữa cơm tối – Chú Phương xin phép tối mai đến gặp anh. Anh có tiếp chú ấy được không để em nói lại?
- Anh! Thím Hà nói cuối tuần hai vợ chồng chú thím ấy sang hỏi ý kiến anh về chuyện cho thằng Minh nghỉ làm Nhà nước ra mở công ty.
Cha anh ừ hữ. Ông luôn ừ hữ. Với anh, bao giờ cũng là những dặn dò một lần duy nhất – và phải được tuyệt đối tuân thủ:
- Ăn cơm phải ăn thật sạch, không được để thừa thức ăn. Ăn xong, phải lập tức rửa bát của mình rồi vào phòng học bài.
- Học bài xong phải lập tức xếp sách vở ngăn nắp; chuẩn bị sẵn cặp sách và quần áo cho ngày hôm sau.
- Ngày hôm sau phải dậy đúng 6 giờ sáng. Tan học, không được đàn đúm vô bổ, phải lập tức về nhà.
- Về nhà phải tự làm lấy việc của mình, không được để bác Mẫn làm.
Bác Mẫn là người bà con xa, không chồng con, đã ở giúp việc trong nhà từ lúc anh mới đẻ. Khi không có khách, bác Mẫn là người pha trà cho cha anh trong phòng khách. Nhưng khi có khách, thì quy tắc bất di bất dịch là Duy hoặc mẹ anh phải pha trà. Ngay hàng xóm của anh có lẽ cũng không biết nhà anh có người giúp việc.
Nhưng có một nơi mà cả mẹ anh và anh cũng không được động vào: cái tủ chè khảm trai ở chính giữa nhà. Cái tủ bằng gỗ gụ, đánh vécni đen; hai bên cánh tủ khảm tích Trương Lương ba lần dâng giày cho Hoàng Thạch Công trước khi lên làm tể tướng. Bên trên nóc tủ là bàn thờ ông nội anh – mặc quân phục gắn huân chương, khuôn mặt mỉm cười hiền từ. Bên trong tủ kính, cha anh đặt những bộ bát đĩa bằng sứ Giang Tây mỏng tang thêu bách điệp xuyên hoa. Cạnh đó là những bộ ly pha lê Waterford. Một bộ cờ tướng bằng ngà voi khảm trai. Những cái đĩa sứ men lam thời Minh Mạng vẽ Vương Chất xem tiên ông đánh cờ đến quên thời gian; khi tỉnh ra về nhà thì một trăm năm đã qua. Bộ chén trà sứ xanh, có những hàng chữ Tàu nhỏ viết dọc mà cha anh hay ngâm nga mỗi khi lau chúng: “Thiên thu bần tiện thành tri kỷ. Nhất khúc dao cầm sơn thủy tâm”(7).
Những thứ đồ sứ ấy – đều đặn mỗi tháng một lần, cha anh tự tay lau chùi chúng. Bao giờ khi lau, ông cũng mở Rachmaninov, rồi cẩn thận sắp  những cái đĩa và ly pha lê lên mặt bàn. Đôi khi, ông ngồi gần nửa tiếng đồng hồ bên cửa sổ để quan sát ánh sáng chiếu qua thành những chiếc bát sứ Giang Tây và đổi màu dần trên những hình bách điệp xuyên hoa. Đôi khi, ông để cho nắng vỡ thành những đốm cầu vồng qua cái mấu tròn của những chiếc ly Waterford. Ông khẽ xoay cái ly trong tay cho những đốm sáng tụ lại rồi tản ra trên mặt bàn. Đấy có lẽ là những lúc duy nhất mặt ông phảng phất cười.
Ở góc tủ, cạnh những đồ sứ và pha lê là một con búp bê Matryoshka của Liên Xô. Một khuôn mặt thiếu nữ nông dân Nga quàng khăn sarafan đỏ với những lọn tóc xoắn màu đen phía trước trán. Đôi mắt tròn choán gần hết khuôn mặt. Hai gò má là hai vòng tròn đỏ rực. Cô gái ôm một con gà trống trong lòng. Đó là món quà cha anh nhận từ “đích thân chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học” khi ông rời Liên Xô với bằng tiến sĩ vật lý.
Hết cấp hai, Duy vào cấp ba Chu Văn An. Ở nhà, cha anh bắt đầu cho anh ngồi tiếp khách cùng.
- Ngồi đi – cha anh chỉ vào cái ghế đặt cạnh ông.
Anh ngồi xuống. Cha anh khẽ liếc mắt. Anh lập tức kéo ghế lùi xuống một chút. Bài học thứ nhất: người nào có chỗ người đó.
- Chào chú Phương đi con. Chú Lê Phương là trợ lý thứ trưởng Bộ Xây dựng. Chú Phương với cha là bạn cũ.
Anh chào người đàn ông thấp; chân dường như không với tới mặt đất khi ngả người dựa vào lưng chiếc ghế khảm trai. Ông ta chắp tay trước bụng; hai đầu ngón tay cái miết vào nhau trong lúc chờ anh rót trà. Đuôi mắt phải của ông ta liên tục nháy. Bài học thứ hai: Hãy nhìn thần thái và khí chất toát ra từ người đối thoại. Có người là phượng hoàng, có người là loài dơi.
- Thế nào? – cha anh mở đầu câu chuyện với khách.
Cha anh nói nhỏ, nhát gừng. Khách không bao giờ suồng sã hay lớn tiếng. Bao giờ cha anh cũng giới thiệu họ là bạn cũ, là học trò của ông nội, là họ hàng xa với bà nội, là người quen cũ của gia đình, vân vân… Đôi khi cha anh và khách hút thuốc; họ gảy tàn thuốc cũng khẽ khàng. Hầu như không bao giờ có tiếng cười. Những câu chuyện dường như rời rạc, xa xôi. Tất cả trôi đi trong một trật tự chưa bao giờ được tuyên bố rõ ràng.
Mười sáu tuổi, anh đỗ á khoa vào Đại học Xây dựng và được cử đi học ở Liên Xô. Nhưng cha anh kiên quyết phản đối. Anh ở lại trong nước học đại học. Hết năm thứ nhất, một biến cố bất ngờ xảy ra.
Có một đêm cuối mùa hè, anh cùng một người bạn đi về từ một buổi sinh nhật. Trời sắp giông. Gió lớn và bụi. Đường phố vắng người. Anh phóng chiếc Cub 81 rất nhanh, vừa đi vừa phải nhắm mắt để tránh bụi. Khi anh lao từ con đường nhỏ gần Phủ Tây Hồ lên, anh đâm thẳng vào một người đi xe đạp. Vài ngày sau, người này chết.
Hai tuần sau, anh đã thấy mình xuống sân bay Sheremetyevo cùng với một nhóm du học sinh lẫn lộn miền Nam, miền Bắc, miền Trung. Sau khi thử máu; các bạn anh kéo nhau vào phố mua mì và trứng về ăn, còn anh được một “người quen” của cha anh đón về đại sứ quán. Một tuần sau đó, anh bắt đầu vào học. Anh bắt đầu thấy những bản nhạc mà anh từng nghe trong phòng khách hồi còn ở nhà ngay từ những người chơi đàn trên đường phố. Anh thấy tuyết trắng như anh từng mường tượng và cái lạnh anh chưa từng biết. Đi kèm với nó là rủi ro, hỗn loạn, thấp thỏm dâng dần lên. Ám ảnh về cái chết do chính anh gây ra chưa kịp ăn vào người đã bị ám ảnh về sự hỗn loạn xung quanh đè bẹp. Thực tại thúc vào, nhấn chìm quá khứ. 
Nửa năm sau khi anh sang, Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Cha anh đưa anh về Hà Nội. Trong ba tháng, anh không được ra khỏi nhà. Cha anh không hề nhắc lại về vụ tai nạn. Không ai trong nhà nhắc lại với anh. Ba tháng sau, cha anh gửi anh đi Mỹ. Anh đến New York để nhập học ở Đại học Columbia, ngành xây dựng.
Cấu trúc công trình. Hệ thống hạ tầng đô thị. Phân tích kết cấu đàn hồi và dẻo. Các nguyên lý thiết kế. Thiết kế cấu trúc thép. Thiết kế cấu trúc bêtông. Nguyên lý địa kiến tạo. Đất. Kỹ thuật móng. Hạch toán công trình… Anh lao vào học.
Mười tám tuổi – niềm vui chóng quên, còn nỗi buồn thì vĩnh cửu. Cuộc sống lớn lao nhưng cái chết thì vĩ đại.
Những năm tháng một mình đầu tiên ở New York, hoàn toàn tách rời thế giới cũ, anh bắt đầu nhớ lại cái đêm mùa hè nhạt nhòa đó. Ban ngày, anh ép nó vào một góc xa của trí nhớ… biến nó thành một thứ sự kiện chạng vạng bên bờ của thực và ảo. Anh hình như đã làm chết một người… Mà có thể là anh chưa từng làm ai chết…  Ánh sáng ban ngày làm nhòe mọi thứ. Nhưng ban đêm, trong bóng tối của cái studio nhỏ, khuôn mặt không rõ của người đi xe đạp cứ hiện ra nhập nhoạng. “Ta đã làm chết một người” – cái tiếng nói nhỏ ấy lạnh lùng dội lên mồn một.
Anh bắt đầu cầu nguyện. Không phải cầu Chúa. Không phải cầu Phật. Không phải cầu ông bà tổ tiên. Cũng không phải cầu khấn với người chết. Không có đích cụ thể cho lời cầu nguyện. Trước khi đi ngủ, anh nhắm mắt lại. Anh bắt đầu nói thầm rất chậm rãi trong óc: Ta đã làm chết một người. Ta đã làm chết một người.
Những lời nói lặp lại hằng đêm. Chúng lặp đi lặp lại như một người miệt mài quăng chài một mình trong đêm tối trên một vùng nước sâu. Quăng mãi, quăng mãi. Rồi dần dần cũng có cảm giác tấm lưới trong tay mình nằng nặng. Nhưng anh không bao giờ dám kéo lưới lên. Anh chờ.
Và đấy là lúc anh xăm chữ M kia. Một buổi tối, bóng đèn trong phòng bị cháy. Anh đi ra cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đầu phố để mua bóng mới. Cạnh quầy tính tiền có một cái giá nhỏ bán kính lão, kính mát rẻ tiền, son chống nẻ, pin, kẹo cao su, xổ số cào, những bưu thiếp New York cũ kỹ. Rồi đến những hình xăm nhỏ bằng nilông, có thể dán rồi bóc. Đa số hình xăm là bọ cạp, thái cực, mặt trăng khuyết, rồi rồng, hổ, đại bàng, những ký tự Latin, những câu Kinh Thánh. Anh cầm chúng lên xem trong lúc chờ đến lượt tính tiền. Khi đến lượt mình, anh bỏ luôn hình xăm mặt trăng khuyết mà anh đang cầm xem vào chung với hộp bóng điện. Anh bóc tấm giấy bên dưới và đập mạnh cái hình xăm vào trán. Da thịt phía dưới lượt nilông lập tức có cảm giác bức thở và cầm tù. Cảm giác ấy làm anh thích thú. Trên đường về, ở góc phố Broadway cắt với phố 133, anh nhìn thấy một cửa hiệu xăm mình kiêm xem bói bài tarot. Anh đột ngột rẽ vào.
Anh xăm một chữ M nhỏ viết cách điệu theo lối chữ Hebrew cổ lên vai trái. Chữ M trông giống ba cái móc câu rời rạc, đứng song song với nhau.
Chữ M đó dường như là hành động bất thần cuối cùng của tuổi trẻ. Sau nó là bắt đầu một trạng thái tỉnh táo mới mà anh không thể tả cụ thể, chỉ có thể tóm lại bằng hai chữ: Anh biết. Thế thôi. Trí óc anh vào ban ngày cũng như ban đêm luôn như một con mắt đen trong mở to và trân trối nhìn ra bên ngoài. Nó ở bên trong anh nhưng lại cũng ngầm đứng từ trên cao nhìn anh sống trong cái đời sống này – một thứ đời sống hình thành bằng cách cộng từng giây phút vào nhau, đi từ việc này sang sự việc tiếp theo; một trạng thái tồn tại cô độc nhưng rõ ràng, không sợ hãi, không ngạc nhiên.
Cô độc nhưng rõ ràng – đấy là cảm giác rõ nhất về những năm tháng từ lúc anh đến New York cho đến lúc gặp M. Tất cả những cảm giác khác cùng với những sự kiện của những năm tháng này đều đã bị hạnh phúc mà anh có với M làm cho nhòa đi. Đến mức, những lúc thử nhớ lại, anh không thể tưởng tượng là anh quả thực đã sống qua tuổi trẻ của anh như thế.
Năm thứ nhất ở đại học, anh đã theo một người bạn Honduras cùng lớp đi làm chui cho những chủ thầu xây dựng Mexico. Bưng bê đồ lên xuống xe tải, hút bụi và lau sàn sau khi công nhân chính đã sửa xong nhà, sơn và gắn hồ vào các mối nối bằng những tuýp sơn kết dính Alex Painter’s Acrylic Latex Caulk của DAP.
Hết ba năm rưỡi đại học, anh tốt nghiệp magna cum laude(8). Cha anh muốn anh về nhà. Nhưng anh không về. Ông khuyên anh học tiếp bằng MBA. Anh không học. Trái lại, anh đi làm cho New York Empire – một trong những công ty tư vấn xây dựng và phát triển địa ốc lớn nhất New York. Hai năm sau, anh có thẻ xanh.
Trong những năm sau đó, bất chấp sự thúc giục, mắng mỏ, dọa dẫm, rồi van xin của cha anh, Duy kiên quyết không về lại Hà Nội. Có thẻ xanh rồi, anh bắt đầu làm ăn riêng. Kỹ sư xây dựng. Quản lý công trình. Giám sát thi công. Đại diện bán thiết bị xây dựng. Môi giới vật liệu composite. Thầu làm sàn nhà, làm mái, làm hàng hiên, rồi mua nhà cũ để sửa và bán lại. Anh bắt đầu tự đọc sách tài chính và đầu tư chứng khoán. Anh mua bán bất động sản nhỏ. Làm gì không quan trọng lắm, miễn là thay đổi và di chuyển. Những năm tháng di chuyển. Di chuyển liên tục. Anh không ở lại công việc nào quá lâu. Không sống ở đâu quá lâu. Không gắn với ai quá lâu. Không từ chối giúp đỡ ai nhưng không bao giờ nhờ vả ai. Không chủ động liên lạc với ai và không bao giờ tìm kiếm khi mất liên lạc với ai. Không bao giờ mời ai đến nhà; thậm chí không bao giờ cho ai địa chỉ. Chán New York, anh đi New Jersey, rồi North Carolina, Ohio, rồi lại về New York.
Năm 28 tuổi, anh gặp M đang du học ở New York.
Mấy tháng sau khi gặp, họ cưới nhau. Hai năm sau, khi M học xong, anh theo M về Hà Nội.
- Em muốn về nhà – M nói.
Anh đóng những quyển tranh, sách kiến trúc và sách chuyên môn vào những thùng đầy và gửi đường biển về Việt Nam. Hầu hết quần áo và các đồ đạc khác, họ đem đến cho Salvation Army hoặc vứt bỏ.
Vào ngày đón anh về, ở sân bay, cha anh chỉ lặng lẽ nhìn anh. Trong mắt ông, anh thấy đầy những mảng tối u uất. Nhưng M đứng ở ngay đó, nắm tay anh. Thế là đủ. Bởi vì lúc ấy và lúc này, anh biết tất cả công việc, tiền bạc, chức vụ, bạn bè, du lịch, thậm chí cả cha mẹ anh em cộng lại cũng không bằng cái cảm giác biết chắc chắn có một người là M sẽ đi với anh đến cùng trời cuối đất. Kể cả nếu tất cả sẽ lìa bỏ anh, phỉ nhổ anh và phản bội lại anh thì vẫn sẽ còn có M yêu thương anh. Kể cả nếu anh sẽ mất tất cả thì anh vẫn có thể làm lại từ đầu và anh vẫn là người giàu có trong tình yêu với nàng. Họ vẫn có một thế giới riêng để nương náu. Chỗ đó bất khả xâm phạm.
Bất khả xâm phạm bởi vì nó nằm bên trong anh. Anh yêu M. Yêu ở hơn cái mức mà chữ “yêu” thường làm người ta nghĩ đến giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Duy hay nghĩ ngấm ngầm rằng anh đã khám phá ra bí mật lớn nhất của cuộc sống. Điều ấy, trong nhân loại, có rất ít người biết hoặc may mắn có được. Điều ấy chỉ mình anh biết. “Biết” tức là “biết”. 

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P02: Tiếng người

Đấy là dịp họp mặt thường niên của công ty. Lần này, cả trụ sở Hà Nội và văn phòng Sài Gòn đều tập trung ra Đà Nẵng. Họ đặt phòng ở một resort nằm ngay trên bãi biển.
Ngày thứ nhất và thứ hai của tuần trôi qua buồn tẻ. Họp buổi sáng và buổi chiều. Rất nhiều báo cáo và phát biểu. Đến chiều tối, mọi người ăn chung trong phòng ăn lớn của resort; rồi sau đó, người đi tắm biển lạnh, người đi dạo, người đi vào trong thành phố chơi, người thuê xe chạy ra tận Hội An. Duy thường ngồi ở ngoài bãi cát một lúc rồi về phòng đọc sách và đi ngủ sớm. Anh không thích tiệc tùng. Không thích đám đông. Biển thì trên thế giới này, anh đã đến quá nhiều bãi biển rồi. Canary ở Tây Ban Nha, Bora Bora ở Polynesia thuộc Pháp, Honolulu của Hawaii, Corfu ở Hy Lạp, East Hampton và hầu hết các bãi biển lớn ở cả bờ Đại Tây Dương lẫn bờ Thái Bình Dương của nước Mỹ.
Không có M, chỗ nào cũng vậy.
Từ lúc lấy nhau đến nay, gần bốn năm qua, hầu như anh không đi đâu xa mà không có M đi cùng. Thậm chí, họ đi chợ cũng đi cùng nhau. Bạn bè anh thường trêu rằng M đang biến anh thành một người đàn ông nhu nhược, quấn vợ.
Anh gật đầu, công nhận.
Anh chỉ công nhận mà không bao giờ giải thích cái cảm giác buổi tối ngày Hội Hóa Trang ở New York cách đây bốn năm. Lúc ấy, anh mới chuyển đến sống với M được hai tháng trong căn hộ một phòng ngủ trên phố La Salle. Lúc ấy, M cũng còn đang học nốt chương trình thạc sỹ của nàng ở Đại học Columbia.
Căn hộ 50 mét vuông trên tầng ba của họ đã có sẵn đồ đạc lúc họ dọn vào. Một phòng khách lớn có một bộ salông màu nâu đỏ, sàn nhà lát gỗ nâu, tường quét sơn màu hồng nhạt và treo rải rác những bản sao tranh Renoir. Phòng ngủ có một chiếc giường đôi lớn đã có sẵn chăn và ga trải giường cũng gam hồng và nâu đỏ, tủ quần áo, bàn phấn và tủ đầu giường đều bằng gỗ màu cánh gián. Bức tranh người tàng hình – một người đàn ông không có khuôn mặt – của Jos De Mey treo ngay đầu giường. Bếp và nhà ăn liền với nhau và liền ra phòng khách. Trong nhà tắm, đối diện với bồn toilet và bồn rửa mặt là một bức tranh lớn vẽ những hình bánh xe đặt cạnh nhau để đánh lừa thị giác người nhìn. Nếu người ta nhìn thẳng vào một điểm nào đó trên bức tranh, những bánh xe ở bên cạnh điểm nhìn đó dường như sẽ quay. Sau khi họ dọn vào, anh đã thay tất cả những bức tranh Renoir và Jos De Mey trong nhà nhưng giữ lại bức tranh bánh xe. Mỗi lần nhìn nó xuyên qua gương rửa mặt, anh có một trò tiêu khiển là luyện để những bánh xe không thể chuyển động. Và quả là có thể làm cho chúng không thể chuyển động bằng cách cứ nhìn thật thẳng vào chúng – nhìn thẳng mà lại chẳng hề nhìn.
Hàng xóm cùng tầng với họ là một gia đình người Ấn Độ, hai cô gái đồng tính luyến ái người Đức đang học trình diễn jazz ở Nhạc viện Manhattan, một người da đen học tài chính và một người Nhật Bản học một ngành gì đó thuộc khoa học cơ bản, có lẽ là vật lý. Giữa những người hàng xóm này, hai cô gái đồng tính là người anh và M gặp thường xuyên nhất; họ hay mở tiệc đãi bạn và mời cả anh với M. Hai vợ chồng Ấn Độ luôn cố thủ trong nhà mặc dù mùi cà-ri và những tiếng đàn sarod trong những băng nhạc họ mở luôn tràn ra hành lang. Người da đen thường ra khỏi nhà từ sáng sớm và về muộn; nếu anh ta đi vắng, tờ Thời báo Phố Wall của anh ta sẽ chất thành đống trước hòm thư.
Nhưng bí hiểm nhất là người hàng xóm Nhật Bản. Anh chưa từng gặp người này trong cả hai năm sống ở đó; chỉ có M đã gặp anh ta khi người đưa thư bỏ nhầm tạp chí Nature và Physical Review Letters của anh ta vào hòm thư của anh với M và M đã sang gõ cửa để trả lại. Hộp thư dưới sảnh đề tên anh ta là T. Fumikawa; M và anh đã gọi anh ta là Fumi cho dễ. Một vài lần, khi anh và M về nhà khuya, anh nhìn lên tầng ba và ở căn hộ của Fumi, anh thấy bóng một người đàn ông đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Từ chỗ đó, anh ta sẽ nhìn thẳng vào phòng khách nhô ra của anh và M. Người quản lý tòa nhà từng nói với anh rằng thỉnh thoảng Fumi lại hỏi thăm xem M học gì, sắp tốt nghiệp và chuyển đi chưa. Theo lời giải thích của người quản lý thì Fumi muốn chuyển vào căn hộ của anh và M để hưởng cái ban công duy nhất của cả tầng.
Bên ngoài tòa nhà của họ, đi xuôi xuống khu Tây Harlem là những đường phố ken dầy, mỗi phố chỉ cách nhau chừng 200 mét. Những hiệu sách cũ và nhỏ rất nhiều; đôi khi để vào được hiệu sách phải đi xuống cầu thang tầng hầm một cửa hàng bán tạp hóa bên ngoài. Những cửa hàng thực phẩm nhỏ bán thịt, sữa, trứng, rau quả, đồ nhà tắm và đồ vệ sinh; quán ăn bình dân (nhất là các quán pizza, đồ ăn kiểu Caribê và Mỹ Latin, một vài quán Tàu và Nhật lẻ tẻ) rồi những tiệm cà phê chỉ đủ chỗ cho 10 người đứng, hàng kem, tiệm giặt là, hiệu cầm đồ, tiệm may, chi nhánh ngân hàng Chase, Citibank, hàng hoa, các cửa hàng băng đĩa, thậm chí cả nhà hát và bảo tàng mini. Đi ba dãy nhà sang phía Đông là ra đến công viên Morningside; đi sang phía giáp sông Hudson là công viên Riverside; và xuôi xuống phía Nam một đoạn là đã tới công viên Central Park cùng với khu thượng lưu nhiều tòa nhà cổ của Manhattan.
Cứ từ 7 rưỡi sáng, nếu anh kéo cửa sổ lên, tiếng chân dọc cầu thang, tiếng đóng mở cửa ra vào, tiếng còi xe bên ngoài đại lộ Martin Luther King và những tiếng ầm ỳ xa xa của thành phố đã vọng vào. Nhưng chỉ sau 9 giờ tối, tất cả các đường phố xung quanh nhà anh trở nên vắng vẻ. Các cửa hiệu cũng đóng sớm hơn trong các khu trung tâm của New York; và từ nhà anh nhìn ra, chỉ có những cửa sổ sáng đèn cho đến rất khuya. Sau mười hai giờ đêm, những ánh đèn tắt dần, tắt dần ở các khu nhà xung quanh, cho đến 7 rưỡi sáng ngày hôm sau, khi dòng âm thanh lại trỗi dậy. M cũng thường dậy từ trước 8 giờ sáng để đến trường, còn anh phải 8 rưỡi sáng mới ra khỏi nhà, nếu anh phải đi làm.
Suốt cả tháng đầu tiên sống chung với M, anh luôn có một cảm giác thấp thỏm. M ăn rất chậm. Anh ăn xong đã lâu rồi, M vẫn còn đang ăn. Anh đứng lên, rửa sạch bát của anh, lau, rồi cất đi, M vẫn còn đang ăn. Khi cuối cùng nàng cũng ăn xong, nàng không bao giờ rửa bát hay cốc ngay. Nàng để chúng đó. Những cái cốc còn đọng một ít nước ở đáy và những cái bát còn vương mấy hạt cơm cứ nằm chình ình trên bàn ăn.
- Sao em không rửa bát luôn đi? – anh chỉ những cái bát cho nàng.
- Em chưa “in the mood”(5) – M cười.
Trừ làm việc, cái gì cũng phải “in the mood” thì nàng mới làm. Rửa bát. Đọc sách. Nướng bánh. Đi ra ngoài. Cắt tóc. Không “in the mood” thì không làm.
Anh cầm bát của M lén đi rửa lúc M không để ý.
Cứ như vậy một tháng. Dường như cái “mood” của M chẳng có quy luật nào. Bất thần, nàng đến tựa đầu vào vai anh lúc anh đang đọc sách. Bất thần, gần nửa đêm, nàng rủ anh đi ăn pizza ngoài phố. Hay bất thần, họ đi sàn nhảy.
Nhưng gần bảy giờ tối ngày Hội Hóa Trang đó, anh đang lấy quần áo từ trong máy sấy ra, còn M ngồi ở bàn học. Quần áo đang ấm, thơm mùi cỏ khô từ những tấm giấy sấy Bounce. Anh nhìn thấy những cái áo sơmi Ralph Lauren. Bao giờ khi M lấy đồ từ trong máy ra, nàng cũng cuống quít lấy những cái áo này của anh ra và treo chúng lên trước nhất. Anh kéo những cái áo ra; nhưng anh nhìn thấy một vạt màu đỏ ở phía trong. Cái áo khoác mỏng bằng vải sợi bông của M. Cái áo rất cũ – mặt vải đã sờn từng đám thưa thớt. M rất thích cái áo này vì nó rộng thùng thình. Nàng thường mặc nó ở nhà trong lúc ngồi làm việc. Hôm đó, anh nhìn những cái áo sơmi Ralph Lauren. Rồi anh lấy cái áo đỏ của M ra. Anh treo cái áo ấy lên trước.
Bất thần, anh nói:
- Em ơi, anh đang “in the mood” vào Greenwich xem thiên hạ hóa trang(6).
- Đi! – M hí hửng đứng dậy khỏi bàn học.
Họ không đi ô tô mà đi tàu xuống phố Spring; rồi từ đó đi bộ đến chỗ tập trung của đoàn diễu hành ở trên Đại lộ Sáu. Có lẽ chỉ có mỗi anh và M là không hóa trang trong cả biển hàng trăm ngàn người tan chảy vì màu sắc và tiếng ồn. Dân đồng tính luyến ái là những người vẽ mặt và hóa trang cầu kỳ nhất; và họ cũng là những người vui nhất. Họ gọi cả anh và M là “darling”; họ bá vai bá cổ hai người để chụp ảnh. Cả đoàn người kì dị xuất phát từ góc phố Spring lúc khoảng 8 rưỡi tối, và rất lâu mới đi đến cuối đoạn đuờng diễu hành là phố 23. Sau nửa đêm, anh và M mới lên tàu về nhà.
Trong hơn một tháng tiếp theo, cho đến tận lúc mùa đông ăn vào tim thành phố, ngày của anh xoay quanh hai lần đi bộ. Buổi sáng, anh dậy sớm đi bộ dọc đại lộ Amsterdam đưa M đến trường rồi anh lại đi bộ một mình về nhà. Đến chiều, anh lại đi bộ dọc đại lộ Amsterdam để đón nàng. Họ hay sưởi nắng ở các bậc thềm của Low Plaza – những bậc thềm dài rộng mang kiến trúc amphitheater kiểu Hy Lạp cổ dẫn lên tiền sảnh với hàng cột cao và mái vòm khổng lồ của thư viện Low. M nằm gối đầu lên đùi anh và họ nhìn những người qua lại. Lúc đó là những ngày mùa thu cuối cùng, trời se lạnh và nhiều gió đổi mùa; những cây thích ở gần cổng ra vào đã ngả vàng rực, nhìn xa như những bụi cây cháy. Mỗi khi một cơn gió lớn thổi qua, lá cây lả tả như một rừng ánh sáng rớt xuống trong khi phía trên, đống lửa tàn dần.
- Anh bảo có Chúa không? – M bất thần hỏi.
- Không!
Anh nói rồi chờ. Nhưng M chỉ tiếp tục nhìn những cái lá thích rơi xuống thành thảm vàng trên mặt đất, như thể câu chuyện đến đó là kết thúc.
- Mặt ai cũng giống một con vật – M lại đột nhiên nói – anh nhìn người này mà xem (M kéo gấu áo anh để chỉ cho anh thấy một sinh viên da đen cao to đang đi ngang qua chỗ họ). Con báo.
Đúng là giống con báo thật – loại báo đen thường nằm trên cây. Đường sống mũi anh ta to và vuông, gồ lên, hai cánh mũi gằn. Cặp mắt đen, xếch và sắc; hai mắt gần nhau đến mức hai đồng tử đen dường như nhập vào thành một thứ bóng tối phủ lên khuôn mặt và mang vẻ rình rập của loại thú ăn thịt luôn bất thần từ đâu đó nhảy bổ vào con mồi. Màu da của anh ta cũng đen bóng và phảng phất màu của bóng đêm, chứ không phải thứ màu đen ngả vàng như những người da đen khác.
- Còn đây là một bầy chim sẻ – M nói khi một nhóm 5,6 cô gái mặc quần len bó và áo len bó đang tản mát đi thoăn thoắt xuống các bậc thềm.
- Anh là con gì? – anh hỏi.
- Anh á? – M ngẩng lên nhìn chăm chú vào mặt anh – Hmm… anh là con trâu rừng đứng nhai cỏ một mình – M cười.
Trên đường về, họ thường dừng lại ở các sạp sách cũ bày trên vỉa hè. M chạm vào cuốn sách nào, anh cũng lập tức cầm nó lên. “Để anh mua cho em”. Nhưng M nhất định không bao giờ để anh trả tiền.
- Không – M nói – sách của em, em mua.
Rồi họ cưới nhau.
Mùa đông đó tuyết xuống muộn nhưng dày. Cuối tháng 11, trận tuyết nhẹ đầu mùa mới rơi. Nhưng tháng 11 chỉ vừa đi qua, cơn bão tuyết đầu tiên của khắp vùng đông bắc nước Mỹ đã vùi New York dưới một tấm thảm trắng dày đến nửa mét. Sau khi bão tuyết qua đi, trong ba tuần liền, không khí khô kiệt; tuyết biến thành băng; sắt lại từng tảng lớn dọc các đại lộ và bị bụi đường vấy thành một màu đen đúa. Ngay cả những ngày có mặt trời, không khí cũng không đủ ấm lên; không khí đón Giáng Sinh và năm mới ở New York chùng xuống. Khi lớp băng đen bẩn chưa kịp tan để rửa sạch thành phố, cơn bão tuyết thứ hai đã ập xuống, phủ đè lên. Vào đêm Giáng Sinh, anh và M đã lái xe một vòng quanh quảng trường Thời Đại vắng tanh, lất phất tuyết và đầy hơi ẩm. Trên những đường phố lạnh lẽo, chỉ có những bảng điện tử nhấp nháy trên cao và một vài khách du lịch đang ở thăm New York, còn mấy triệu dân thành phố đều quây quần đâu đó trong những căn nhà, quanh lò sưởi hay bàn ăn.
Sáng sớm ngày 26, anh và M rời nhà đi Chittendon, Vermont trượt tuyết ở Lost Horizon Loop. Họ đã ở trên đỉnh núi, hơn 600 mét trên mặt nước biển, cho đến ngày cuối năm. Anh đã chuẩn bị để trượt tuyết và dạy M trượt tuyết nhưng lên tới nơi, rốt cuộc họ nằm dài trong nhà xem tuyết bên ngoài. Đêm nào trên núi cũng có tuyết rơi nhẹ, xóa tan những dấu chân dày xéo của ngày hôm trước. Chuyện lên đây mà không trượt tuyết dường như là hiển nhiên. Buổi sáng ngày 27, họ dậy muộn; rồi chẳng hề thỏa thuận nhưng họ cứ thế nằm trong chăn cho đến chiều. Anh và M nói chuyện vơ vẩn, đùa nhau, làm tình, ăn trưa trên giường, rồi ngủ trưa, rồi lại tiếp tục nằm chơi trên giường cho đến tận chiều tối mới xuống nhà ăn. Sau bữa tối, họ lại về phòng, chui vào trong chăn nằm dài như thế cho thời gian trôi cùng với tuyết xuống bên ngoài.
Anh kể với M rằng năm nay là năm thứ 7 anh đón năm mới ở một nhà nghỉ hoặc trên đường đi. Anh kể khi anh nhỏ, cha anh luôn bắt anh ngồi khai bút lúc giao thừa vì ông nội cũng bắt cha anh làm như vậy. Theo như lời ông nội thì lúc giao thừa là lúc tinh khí trời đất giao hòa, các vị phúc thần sẽ bay trong không gian và sẽ ban phước cho đứa bé nào ngồi học bài. Anh vừa kể vừa cười vì hồi đó, anh đã tin thế thật.
- Em vẫn tin – M nói – Lúc sang năm mới, nếu nhà nào khóa cửa và tối đèn thì các phúc thần sẽ bỏ qua.
Lúc M nói thế là 5 giờ chiều; họ trả phòng khách sạn, lên xe và chạy 6 tiếng để trở về nhà vào ngay trước nửa đêm.
Họ vào nhà. Anh bật tất cả các bóng điện trong phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà tắm cho căn nhà sáng choang. M vứt mũ, tháo vội khăn, bật vô tuyến rồi nàng đi cắm bình nước nóng để pha trà. Khi trà xong cũng là lúc chương trình đón năm mới với Dick Clark trên vô tuyến chiếu đám đông ở quảng trường Thời Đại đếm ngược những giây cuối cùng của năm cũ.
Rồi quả cầu bạc phía trên vỡ ra. Những người đón năm mới ở quảng trường hôn nhau.
- Chúc mừng năm mới – M quàng tay qua cổ anh.
- Chúc mừng năm mới!
Họ đã uống trà bạc hà vào ngày đầu năm.
Từ đó cho đến hết mùa đông, những ngày anh đi làm, và M đi học, thì sáng sớm và buổi tối là thời gian duy nhất họ ở cùng nhau. Anh ngồi làm việc ở một góc, M ngồi ở góc đối diện trong phòng khách. Trong lúc anh kẻ vẽ tính toán, khóe mắt anh lúc nào cũng lờ mờ cái bóng áo đỏ của nàng. M thường làm việc khuya. Nàng không đứng dậy cũng không nói chuyện một khi đã bắt đầu ngồi vào bàn làm việc. Anh luôn chờ đến khi M đứng lên – tức là nàng đã xong công việc ngày hôm đó – thì anh cũng đứng dậy khỏi bàn. Cảm giác im lìm thả lỏng trong lúc hai người lặng lẽ làm việc là một kinh nghiệm lạ lùng với anh. Im lặng như một làn nước trong, lặng lẽ xoa dịu mọi thứ. Nó thật khác với cái im lặng rành mạch và tỉnh táo đã bao bọc anh suốt những tháng năm trước đó…
Suốt bốn năm qua, New York rồi Hà Nội, anh và M. Họ hầu như không có bạn bè ghé thăm và cũng hiếm khi đi thăm bạn bè. Nhưng như thế là đủ. Anh thích cái đời sống tối giản này. Mỗi một ngày của nó, buổi sáng mở mắt ra, anh đã có một niềm khấp khởi là chờ M tỉnh dậy. Nàng thường tỉnh dậy sau anh một chút. Bao giờ, việc đầu tiên nàng làm khi mở mắt cũng là nói “Hôm qua em mơ rất buồn cười”.
- Hôm qua em mơ rất buồn cười – M nói.
- Em mơ thế nào? – anh hỏi.
Và họ nằm trên giường, nghe M kể lại giấc mơ của nàng. Những giấc mơ thường liên quan đến tuổi thơ của nàng. Nàng mơ gặp lại những người bạn cũ từ cấp 1, cấp 2. Họ đi trên những con đường cũ ở ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, có một người bạn trai từ ngày đó luôn xuất hiện trong những giấc mơ: N.
Lúc nhỏ, M và N ở cùng khu tập thể phía Mai Dịch. Hai người chơi thân với nhau. Họ hay đèo nhau lên cầu Thăng Long rồi xuống nghịch ở bãi cát dưới sông Hồng. Hai người “thích” nhau.
- Dĩ nhiên là chẳng đưa nào nhận thế cả. Lúc đấy, em nói là em sẽ không bao giờ lấy chồng (nàng cười). Còn N thì tuyên bố là N không bao giờ lấy người bằng tuổi như em vì hai vợ chồng sẽ cá mè một lứa…
- Thế à?
- Nhưng mà… ha ha… bọn em giao hẹn là nếu đến năm 25 tuổi mà chưa đứa nào có người yêu, thì bọn em sẽ thành một cặp. Hồi đấy nghĩ 25 tuổi là già lắm rồi.
Năm nay M 26. Còn anh 32.
M và N. Họ sẽ thành một cặp – không phải là người yêu nhưng sẽ là một cặp. Không ai được yêu người nào khác nữa. Họ sẽ mua nhà chung và sống với nhau như cái gì cũng được, miễn không phải là người yêu.
- Tự do! – M cười.
Nhưng sau đó thì nhà N chuyển đi Lâm Đồng trồng cà phê và M cũng chuyển đi khỏi Mai Dịch. Họ không gặp lại nhau từ hồi đó.

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )

P01: Tiếng người

Giới thiệu sách
 
Tiếng người
Tác giả: Phan Việt
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Trẻ
Năm xuất bản: 2008
Giá: 39.000 đồng
Giới thiệu:
. Tiếng Người không phải là một chuyện kể đơn giản mà có nhiều tầng nấc để suy ngẫm về các giá trị của cuộc sống, có vẻ đáng nể với một cây bút vừa tròn 29 tuổi.

Không mở mắt, Duy biết M đã tỉnh dậy bên cạnh anh. M vẫn nằm im, hơi thở đều đều, nhưng nàng đã ở đây. Căn phòng dường như ấm lên mặc dù, bằng vào tiếng rít của gió bấc qua khoảng trống bên hông nhà, anh biết Hà Nội đang đi qua những ngày rét đậm.
Và cũng không mở mắt, anh nhìn rõ từng đường nét trên khuôn mặt M. Khuôn mặt anh quý nhất. Khuôn mặt với làn da sáng, vầng trán rộng và đôi mắt rất nhiều lòng trắng, gần như luôn phảng phất màu xanh.
Lúc này, chắc chắn M đang mỉm cười.
- Đêm qua em mơ rất buồn cười.
Anh nghe thấy tiếng cười trong trong của M. Những âm thanh dền dứ trong cổ nàng, như thể nàng dậy từ lâu lắm rồi. Nàng biết là anh đã tỉnh nằm bên cạnh. Nàng biết cả việc anh biết nàng đã tỉnh và anh chờ chính cái câu nói trên.
- Em mơ thế nào?
Giọng Duy không lên không xuống nhưng có một luồng khí ấm bao lấy nó. Anh xoay người nằm nghiêng để nhìn M. M vẫn đang nhắm mắt. Nhưng nàng nhìn. Bởi vì mống mắt nàng vẫn hiện ra những cái chớp mắt phía bên dưới. Những mạch máu xanh li ti khẽ chạy lên chạy xuống mỗi khi nàng chớp mắt.
- Em thấy em đi về khu Mai Dịch… Mọi thứ rất buồn cười. Có một tầng nước hơi đỏ bao quanh trái đất, cách khoảng độ hai chục mét thôi. Em nhìn thấy những con cá vàng to màu sữa, đuôi đỏ rực, to lắm… Cả rùa nữa. Bọn nó cứ bơi sát vào bề mặt dưới của cái tầng nước đấy.
- Thế à?
- Mà rất lạ; chẳng có cái gì chống đỡ tầng nước đấy cả, thế mà nó không ập xuống đầu. Ở bên dưới, mọi người vẫn sống bình thường. Hình như chẳng ai để ý đến nó cả, chỉ có mỗi em là ngạc nhiên.
- Ừ.
- Rồi em ở trong nhà cũ của em đi ra. Rồi em nhìn thấy N.
- Lại là N à?
- Vâng. Nhưng buồn cười là N thì vẫn bé như hồi đấy, còn em thì lại biết rõ và đang suy nghĩ như là người lớn bây giờ. Em còn nghĩ là em đã lấy chồng mất rồi; và em rất yêu anh. Nghĩ rõ mồn một.
- Thế à?
- Xong rồi em chạy đến trước mặt N. Đến đây thì tự nhiên có những người khác ở xung quanh cứ đẩy đẩy em, rồi em cứ tỉnh lại dần dần, em bắt đầu nhận ra là em đang mơ. Em cứ chập chờn. Rồi em ngoảnh đi đâu đó, đến lúc em ngoảnh lại thì N đã biến mất… Lần nào cũng thế… Lần nào cũng cứ đến chỗ gặp lại thì lại tỉnh dậy…
- Anh cũng thấy thế.
M trở mình. Nàng nặng nhọc quay người sang và vòng tay ôm lấy anh.
- Mấy giờ anh đi?
Cánh tay M nhẹ bỗng, những ngón tay hâm hấp nóng, dấp dính mồ hôi. Hơi mồ hôi và hơi nóng tạo thành một quầng ấm mỏng áp vào da anh. Anh có cảm giác nếu M úp lòng bàn tay ở cách da anh khoảng một xăngtimét, thì cái quầng khí ẩm nóng từ tay nàng sẽ tiếp xúc với vầng khí ấm tỏa ra từ người anh.
- Anh ở nhà với em nhé? – anh nói.
- Không!
Tiếng “Không!” dứt khoát mà anh đã biết trước. Anh cầm bàn tay M lên, áp vào má anh. Rồi anh dịch nó sang ngang để những ngón tay của nàng phủ lên mặt anh. Anh chớp mắt thật chậm. Mỗi lần anh chớp mắt, lông mi của anh từ từ cọ vào làn da bên trong những ngón tay nàng. Khi anh thở ra, khí nóng từ chính hơi thở của anh quẩn trong hốc bàn tay hâm hấp sốt của nàng. Chúng lập tức biến thành sương mù bám trở lại vào da mặt anh, nham nháp, âm ẩm. Anh ngửi thấy chính mùi hơi thở của mình. Mùi vọng ra từ sâu trong cơ thể anh… Mùi chứa trong nó cả tim, phổi, gan, những mạch máu và não bộ… Những năm tháng dài của cuộc đời… Những đất và người… Hà Nội, Moscow, New York… Sự sống và cái chết… Đi liền với chúng là mùi da tay và mồ hôi của M. Sự tồn tại sống hiển hiện và những năm tháng của cuộc đời nàng… Căn nhà của họ trên phố La Salle… Mùa đông dài cách đây bốn năm họ đã ở lì trong đó… Và bây giờ là cuộc sống hiển hiện của hai người… Những buổi sáng nấn ná nằm cạnh nhau như lúc này…
Những thứ ấy làm anh xúc động.
Họ nằm im như vậy một lúc lâu. Anh để cho mình tự do chìm đắm trong những cảm giác và sự mơ màng bảng lảng không rõ hình hài.
Khi Duy ra khỏi giường, đồng hồ trong phòng ngủ chỉ 6 giờ 30 sáng. Qua vuông cửa kính trên tường, có thể nhìn xuống khu đất sau nhà. Giờ là tháng Chạp. Hà Nội bắt đầu có mưa phùn và gió nồm, xen vào những đợt rét đậm. Những ruộng rau muống, cải, mùi tàu, và hoa ở phía sau nhà anh đang được ủ. Những luống violet và thược dược nở sớm đóng những vạt tím và vàng trên cả một khoảng ruộng xanh. Thi thoảng lại có một bụi hoa dong riềng đỏ chói đứng kiêu hãnh một mình trên một gò đất. Sương mù bảng lảng trên mặt những vũng và ao nước nhỏ cạnh đó – mặt nước đóng một lớp váng băng mỏng tang, hơi sáng lên trong ánh bình minh nhạt.
Duy khẽ vặn cổ rồi lắc mạnh người. Anh cởi hết quần áo, vứt đồ bẩn vào trong máy giặt. Rồi anh trần truồng đi vào phòng khách đứng hít thở và vặn người cho dẻo. Khi vặn người qua trái, anh khẽ liếc thấy chữ M nhỏ màu chàm, xăm trên vai. Hồi anh mới gặp M ở New York, nàng hỏi anh chữ này là gì. “Minh? Mai? Maria? Michelle? Marilyn Monroe?”.
Anh đã cười “Money!”(1),  M không tin.
Anh lại nói “March”. Tháng Ba. Sinh nhật anh. Lúc hoa anh đào bắt đầu nở chói sáng trên đầu. Lúc tất cả tinh khí của trời đất bắt đầu tích tụ và lan tỏa trên mặt đất. Mùa của lộc và sinh sôi. Mùa sinh của những vĩ nhân. Cha anh thường nhắc nói với anh như vậy khi anh nhỏ.
M dĩ nhiên cũng không tin.
Hay là madman?(2) – Nàng hỏi. Anh là người điên? (M cười)
Hay là Me?(3) I me mine. I me mine.
Hay là mafia? Hay anh là mafia buổi tối đi giết người mà em không biết? (Anh cười)
Hay là Milk? Music? Mother? Macintosh? Magic? Macho macho man? Marijuana? Marquis? Maniac? Muffin?(4) M dò hết tất cả những chữ M mà nàng có thể nghĩ ra.
M quá sạch. Quá nhẹ.
Những đốt xương kêu lên khe khẽ. Cơ bắp chậm chạp lỏng dần. Anh nhìn thẳng vào bệ cửa sổ thấp ở trước mặt. Ở đó có một dãy năm chậu nước nhỏ của M. Những chậu sứ màu rêu, to bằng một cái bát ăn cơm. Chậu ngoài cùng có một đốm sứ màu vàng nhạt trên thân. Bên trong những chậu sứ đó, M nuôi bèo tấm, rêu và những cây hoa súng chỉ nhỏ bằng móng tay. Mỗi lần, bèo tấm phủ xanh chậu sứ, nàng lại vớt chúng ra, đem thả xuống cái ao rau muống gần nhà. Nàng để lại chừng tám, chín cây bèo… cho đến khi chúng lại phủ đầy chậu. Những cây hoa súng không bao giờ có hoa. Chúng chỉ thả những cái lá tròn màu tía trên mặt nước.
Khi anh vào lại phòng ngủ để lấy quần lót mới, M đang nằm trên giường. Nàng quay mặt ra phía ngoài, mở mắt. Thấy anh đi vào, nàng cười khúc khích.
- Duy mông to! – M cười và cầm cái gối nhỏ ném vào người anh.
Duy vươn tay chụp cái gối. Anh thản nhiên úp nó vào mông.
- Đồ phát xít cậy mông to! – M cười sằng sặc.
Trong nhà tắm, nước lạnh từ trên vòi hoa sen xộc xuống. Cái lạnh táp thẳng vào người anh. Nó chà lên các ý nghĩ, khiến chúng đông cứng thành một cảm giác đơn nhất: lạnh. Anh đứng ngửa mặt cho nước chườm dọc xuống người. Mắt anh nhắm lại. Giá lạnh như những móc câu li ti vọc vào da thịt. Nếu anh không nhắm mắt, có lẽ tay anh sẽ đưa lên bao bọc thân mình. Nhưng khi nhắm mắt, dường như tất cả tinh thần của anh biến thành một cái cười nhạt. Nó chặn bàn tay đưa lên.
Rồi cái cười nhạt biến thành sự ngạo nghễ. Sự ngạo nghễ kết thúc ở bình thản. Những móc câu tan ra. Những ý nghĩ trở lại. Anh vẫn cứ chiến thắng. Như anh đã luôn chiến thắng khi giữ được thói quen tắm nước lạnh hàng sáng suốt mười mấy năm qua, mùa hè cũng như mùa đông.
Lạnh và nước. Cả hai thứ này đều đã không còn quyền lực cầm giữ anh. Nhưng chúng cũng là những người bạn đường mà anh không muốn bỏ rơi. Chúng làm anh nhớ. Ở đâu đó rất xa, như ở một cuộc đời khác – anh đã không biết người ta không cần phải một mình mà vẫn có thể hạnh phúc như thế này. Buông lỏng như thế này. Tự do như thế này. Và thấy cuộc sống đơn giản, rõ ràng đến mức này.
Lúc ấy chưa có M.
Duy ngâm ư ư khe khẽ trong lúc tắm. Những tiếng ư ư đôi lúc cuộn đầy lên, căng tức trong họng. Nó chực thoát ra thành một tiếng tru. Nhưng anh nén lại, đẩy nó đi ngược vào trong người. Những tiếng ư ư biến thành một luồng khí nóng, từ từ tỏa ra xoa bóp toàn bộ cơ thể và ngấm vào xác thịt.
Khi anh ở trong nhà tắm ra, M đang ngồi trên sàn phòng khách, cạnh chiếc vali kéo. Vali đã xếp đầy quần áo. Anh ngồi xuống vòng tay ôm ngang vai nàng.
- Thứ Sáu anh về. Họp xong anh về ngay – Duy xiết khẽ cánh tay đang choàng quanh bả vai M.
M khẽ gật đầu. Nàng tựa đầu vào vai anh.
- Anh yêu em lắm!
Ba mươi phút sau, Duy rời nhà. Gần 7 giờ sáng một ngày rét đậm, thành phố còn ngái ngủ. Sương mù giăng đầy trên rừng cây nhỏ mọc dọc sông Tô Lịch, phía bên trái đê La Thành. Gió lạnh và khô tạt vào mặt anh. Mấy cái chợ tạm buổi sáng chưa dọn hết, người bán người mua tràn xuống lòng đường. Có bóng cảnh sát từ phía xa. Ai đó kêu thất thanh. Những người bán hàng trên đường vùng bỏ chạy. Quang gánh, ghế ngồi, rau quả tung tóe. Ai đó đâm vào một người qua đường. Những tiếng quát tháo và chửi rủa. Rồi xe cảnh sát trờ tới. Quang gánh bị giật phăng, hoa quả lăn lông lốc. Một ai đó bị lôi xềnh xệch. Ai đó ra sức van xin. Những người khác lảng vảng xung quanh, chờ cho sự hỗn loạn qua đi để quay lại với việc mua bán vội vàng vào sáng sớm một ngày.
Thiên hạ!
Khoảng năm phút sau, anh đã đến công ty trên phố Tôn Đức Thắng.
Năm tiếng sau, Duy đã ở Đà Nẵng. 

PHAN VIỆT ( Tuoi Tre )