Home » » 04: Phút Nhìn Lại Mình

04: Phút Nhìn Lại Mình

Phút nhìn lại mình - Khởi đầu (tt)
Biết giữ gìn ký ức, kỷ niệm đẹp của tình bạn và tình yêu là một cách để tự quan tâm và trở về với chính mình.

Chàng trai như hiểu ra vấn đề: - Những điều chú nói cháu chưa nghe ai nói đến cả, nhưng quả thật là đôi lúc, cháu cũng lờ mờ cảm nhận được như vậy. Giờ đây cháu đã tìm ra hướng đi thực sự cho mình rồi.
Sau một lúc, người bác sĩ tiếp tục:
- Bất cứ khi nào cảm thấy người khác thiếu tôn trọng mình, chú lập tức nhìn lại cách mình đang đối xử với bản thân. Cuộc sống hiện tại của chú rất tốt đẹp. Đó là nhờ chú đã biết cách quan tâm bản thân, ở nhiều phương diện. Dĩ nhiên, có những lúc chú cảm thấy dường như mình chưa được xem trọng đúng mức. Chỉ là chuyện nhỏ thôi, nhưng cũng đủ khiến ta phiền lòng. Chẳng ai lại cảm thấy bình thường được khi bị người khác xem nhẹ.
Chàng trai thông cảm:
- Cháu có thể hiểu được cảm giác đó.
- Nhưng chỉ sau một lúc, chú thôi không nghĩ về những điều đó nữa. Miễn là mình đúng, mà có sai đi nữa thì có sao nào – ai mà chẳng có lúc sai. Phải phân biệt đâu là lời góp ý chân tình, đâu là lời châm chọc, định kiến. Chú nghĩ có lẽ chú đang tự biến mình thành nạn nhân của những lời bình phẩm. Có câu ngạn ngữ “Trên đường đi, nếu cứ mỗi lần nghe tiếng chó sủa mà bạn dừng lại thì bạn sẽ chẳng bao giờ đến đích cả”. Nhưng đó là đối với những bình phẩm, chỉ trích không thiện chí mà thôi. Rồi cuối cùng, chú cũng xác định được kẻ đã gây rắc rối cho mình. Đôi khi không phải là người nào khác…
- Mà là chính chú, có phải không?
- Quả đúng như vậy! Ai cũng có quyền lựa chọn cách cư xử với bản thân: hoặc trở thành người bạn tốt nhất, hoặc là tự biến mình thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của chúng ta.
- Chú có thể nói rõ hơn không?
- Có nhiều lúc, người khác sẽ thấy chú đã không sống theo đúng như mong đợi của họ, và họ phản ứng lại. Điều đó phần nào làm cho chú khó chịu. Vì thế, chú luôn cố gắng làm hài lòng hết mọi người. Nhưng rồi như thế cũng không làm chú thấy thoải mái, vì chú không hoàn toàn sống thực với mình.
Mãi về sau, chú mới hiểu ra được chút ít về tính cầu toàn. Đừng bao giờ trông mong một ngày hoàn hảo như một bữa tiệc đầy thức ăn ngon, bánh, hoa tươi và nến. Cũng chẳng thể nào tìm được trên đời này những người bạn hoàn toàn hiểu mình và có thể chia sẻ với mình tất cả mọi việc.
Điều duy nhất chú có thể làm để được hạnh phúc hơn là phải học cách biết ơn những gì mình đang có. Lòng biết ơn thật sự đấy.
Chàng trai trẻ kết luận:
- Như vậy, nỗi thất vọng hay sự buồn bực của con người đều là do: hiện thực chúng ta phải trải qua khác xa so với những gì chúng ta mong muốn.
- Đúng vậy! Cho nên giờ đây, thay vì ngồi so sánh thực tế và ước mơ, chú đã có thể nhìn thẳng vào hiện tại và thầm biết ơn những điều tốt đẹp mà cuộc sống đã ban tặng. Dù còn nhiều ước mơ mà chú chưa thực hiện được, nhưng những gì chú đang có cũng đã tốt đẹp rồi: một công việc yêu thích, người thân yêu bên cạnh, những người bạn tin cậy, những đồng nghiệp cởi mở, một ngôi nhà xinh xắn, ấm cúng…
Rõ ràng, cảm giác muộn phiền là do chính chú tự tạo ra. Chú đã quá để ý đến sự khác biệt giữa thực tại và ước muốn của mình. Ít ai lại có được một cuộc sống trọn vẹn đúng như mong ước. Cách tốt nhất để được thoải mái là loại bỏ sự khác biệt đó, đừng để ý đến nó và hãy tập trung vào hiện tại.
Ngừng một lúc, ông bác sĩ tiếp tục:
- Có thể cháu đã biết, những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta cần hoàn toàn khác nhau. Để có thể chăm sóc tốt bản thân, người ta nên quan tâm đến những điều họ cần.
Chàng trai khẽ nhướn mày:
- Khác nhau như thế nào ạ?
- Cần, đó là những thứ giúp chúng ta duy trì một cuộc sống an toàn, bền vững. Còn muốn, đó là những gì mà với chúng, ta hy vọng sẽ được thỏa mãn và hạnh phúc trong thời điểm đó. Tạm hiểu sự khác biệt đó như là “Tôi cần có không khí để thở” và “Tôi muốn có một thanh kẹo bạc hà”.
Cũng tương tự như thành công và hạnh phúc vậy. Nhiều người rất thành công nhưng hình như chẳng bao giờ thấy hạnh phúc. Cuối cùng, có lúc họ sẽ nhận ra những thứ mà họ đang cố sức theo đuổi và giành giật lại dường như không phải là thứ giúp họ sống vui hơn.
Bản thân chú thường thấy mình thành công khi có được những-gì-mình-muốn. Còn hạnh phúc, chú lại chỉ thấy hạnh phúc khi cảm thấy mong muốn những-thứ-mình-cần. Hơi khó hiểu phải không?
Đó là cách của chú để có thể nhìn được mọi việc rõ hơn. Chỉ cần chú dừng lại và xem lại những mong ước mà mình đang theo đuổi…
Đến đây, người bác sĩ ngừng lại, im lặng, hình như ông muốn chàng trai tập trung hơn nữa vào câu chuyện của mình.
- Con người ta chẳng bao giờ biết thế nào là đủ – Ông nói tiếp – Một điều nữa là, chúng ta sẽ không bao giờ có thể có đủ mọi thứ mà mình muốn cả. Nói khác đi, những thứ mình muốn là những thứ nhiều lúc mình không thật sự cần đến. Ta chỉ muốn có chúng, thế thôi. Cũng giống như tiền bạc vậy. Khi một người muốn có tiền thì anh ta sẽ làm đủ mọi cách xoay ra tiền, để rồi thấy rằng nó chẳng giúp anh ta hạnh phúc hơn. Nhưng anh ta vẫn muốn có nhiều tiền hơn, vì anh ta hy vọng một ngày nào đó, tiền sẽ mang lại cho anh ta sự sung sướng.
- Vậy thì làm sao chú phân biệt được đâu là cái mình muốn và đâu là cái mình thật sự cần?
Vị bác sĩ dựa mình vào ghế và chậm rãi nói:
- Chỉ cần chú chịu bỏ ra một ít thời gian để xem xét và nhận ra điều gì thật sự làm cho mình cảm thấy vui vẻ. Thỉnh thoảng, chú ghi lại những mong muốn của mình và dần dần tìm cách phân tích chúng. Chú nghĩ về chúng trong những lần đi dạo bộ hay khi ở một mình tĩnh lặng. Cần nhất là phải lắng nghe được tiếng nói bên trong. Chú đã tự hỏi: “Liệu những thứ mà mình đang theo đuổi có thật sự cần thiết với mình không?”. Rồi thường là sau đó, chú tìm đủ lý do để có thể loại bớt một số mục tiêu.
Hồi còn nhỏ, chú có theo học một lớp trượt ván. Một hôm, chú thấy có hai thầy trò đang tập luyện ở sân trượt. Cậu học trò đang cố gắng thực hiện một cú nhảy từ trên cao, trong khi người thầy – đang đứng dưới đất – không ngừng hét lên: “Cẩn thận với mấy cái xe đang đậu ở kia đấy!... Coi chừng trúng phải cái xe màu xanh bây giờ! Cẩn thận đấy…”. Cháu có đoán được chuyện gì xảy ra với cậu học trò không?
Cậu ta luống cuống nhìn xuống và rơi sầm vào cái xe xanh đó! Lúc đó, thầy của chú liền quay qua nói với chú: “Em nhớ bài học này nhé: đừng bao giờ nhìn vào những nơi mà em không muốn đặt chân đến”.
Chàng trai hào hứng:
- Cháu hiểu rồi! Giống như là, đừng có quá tập trung vào những điều mình không cần đến. Như thế cuộc sống của chúng ta sẽ bớt bị áp lực hơn.
- Đúng vậy. Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu như cứ cố đâm đầu vào để đạt được một mục tiêu nào đó, rồi cuối cùng phát hiện ra là mình chẳng lúc nào cần đến cái mục tiêu “hàng đầu” đó cả.
- Dĩ nhiên là sẽ rất thất vọng. Thậm chí đâm ra nản lòng nữa, vì thấy mình thật phí công phí sức. Rõ ràng, chúng ta nên biết đâu là điểm dừng để mà nhìn lại.
- Không sai! Nếu chính mình mà cũng không dừng lại và ngẫm xem điều gì là tốt nhất cho bản thân thì còn ai có thể thay mình làm điều đó chứ! Thật đơn giản. Một khi đã quan tâm đúng mức đến bản thân mình thì chúng ta sẽ thấy mình trở nên quan trọng và có ý nghĩa, để từ đó, tự động viên mình hãy luôn cố gắng.
- Vậy, trong những lúc sự việc không xuôi theo ý mình, chú sẽ làm gì? Khi đó, chú quan tâm đến mình bằng cách nào?
- Chú sẽ nhìn thẳng vào sự không suôn sẻ đó, cho đến khi chú tìm được một vài điểm sáng của vấn đề. Cháu cũng có thể làm theo cách này đấy.
- Vâng, cháu sẽ thử. Nhưng… chỉ cần có thế thôi sao?
- Ồ không, đôi lúc chú cũng phải dùng đến phương châm “đơn giản hóa mọi việc”. Cuộc sống thật ra cũng không mấy phức tạp – nếu ta nghĩ được như thế. Và cháu sẽ thấy áp lực trong mình giảm đi rất nhiều. Chú thường bỏ bớt, bỏ bớt… cho đến khi nhìn ra được cốt lõi của vấn đề hay tìm được điều mình thật sự cần đến.
- Vậy phải làm gì để đơn giản hóa được cuộc sống hả chú?
Vị bác sĩ muốn chàng trai tự tìm lấy câu trả lời.
- Thế cháu nghĩ là cháu có thể làm gì để đừng phức tạp hóa cuộc sống của mình? – Ông nhìn chàng trai nheo mắt cười rồi đứng lên đi ra cửa – Cháu có hay chơi thể thao không? Hay lại không có thời giờ. Chú rất thích cảm giác khi di chuyển trên sân tennis.
- Chơi tennis ư? Thích thật!
- Ừ! Tác dụng của việc chơi thể thao cũng giống như tiếng cười vậy. Và đó cũng là một cách để quan tâm đến bản thân. Chơi thể thao là tốt cho cơ thể nhưng đồng thời, nó tác động tích cực đến tinh thần. Khi di chuyển trên sân và nhận ra việc quyết định đánh bóng theo hướng nào là quyền của mình, sẽ quyết định kết quả trận đấu, cháu sẽ thấy rất thú vị. Mình thủ thì đối phương tấn công, còn mình tấn công thì đối phương phải lui về phòng thủ. Cuộc sống cũng đơn giản vậy thôi. Chú thường chơi tennis với bạn bè, thỉnh thoảng còn đi bơi hay đá bóng nữa.
Anh mỉm cười:
- Chú năng động quá. À, cháu có một anh bạn khá thân. Cuộc sống của anh ta cũng không suôn sẻ gì lắm nhưng cách sống rất thú vị. Anh ta chủ tâm nhìn cuộc đời như một trò chơi. Mỗi sáng trước khi mở mắt, anh ta đưa tay quơ khắp xung quanh. Cháu cá là chú không thể đoán được tại sao anh ta làm vậy. Anh ta bảo để có thể an tâm là mình đang không nằm trong sáu mảnh ghép của quan tài, là ngày hôm đó của anh vẫn còn tốt chán!
Ông bật cười:
- Vậy có thể gọi “trò chơi cuộc đời” đó là một thái độ sống. Cách cháu nhìn cuộc đời quyết định cách cháu quan tâm bản thân. Mỗi người trông đợi một viễn cảnh khác nhau ở tương lai. Viễn cảnh đó có thể làm họ nản lòng hay hứng thú là tùy thuộc vào họ. Lựa chọn thái độ sống và ước mơ là quyền của mỗi người.
Với chú thì dường như chỉ có một lựa chọn cho cảm xúc: hoặc là yêu thương, hoặc là sợ hãi – chỉ được một mà thôi. Chú coi các trạng thái tâm lý còn lại đều chỉ là những hình thái khác của hai cảm xúc trên.
Anh hỏi:
- Thế còn sự lo lắng?
- Lo lắng chính là sợ hãi, vì những điều vượt ngoài tầm kiểm soát, những điều mà chúng ta không thể biết đến.
Những khi không dành đủ thời gian cho bản thân, chú lại không thể kiểm soát được cảm giác sợ hãi của mình. Còn với yêu thương, khi chú không cố kiểm soát hay cố giấu tình cảm thật thì chú lại thấy rất vui, và cảm thấy được quan tâm vì mình đã sống thật. Thật hạnh phúc cho những ai biết và dám sống thật.
Trước khi thực hiện một quyết định nào đó, chú đều dừng lại và tự hỏi: “Quyết định này là dựa trên yêu thương hay chỉ xuất phát từ sợ hãi?”
Bất cứ quyết định nào, nếu xuất phát từ sợ hãi, dù chú có ý thức được điều đó hay không, đều tạo ra những ảnh hưởng không tốt với chú.
Nghe đến đây, chàng trai trẻ thừa nhận cũng đã có lúc, những quyết định của anh là xuất phát từ cảm giác sợ hãi.
Ông nói tiếp:
- Mỗi khi đưa ra quyết định dựa trên yêu thương, không bị cảm giác sợ hãi chen vào, thì chú đều cảm thấy hài lòng, cho dù kết quả có như thế nào đi nữa.
Một cách nữa để áp dụng thành công nguyên tắc quan tâm đến bản thân là phải biết cho đi, bất cứ thứ gì, tiền bạc, thời gian, tình yêu chân thật…
Chàng trai không khỏi ngạc nhiên:
- Đó cũng là một cách quan tâm đến bản thân ư? Cháu nghĩ nó thuộc về khía cạnh khác.
- Là một. Bởi vì, khi một người còn có thể cho đi thì chứng tỏ người đó không phải sợ gì nữa cả – anh ta cảm thấy mình lúc nào cũng sung túc, giàu có và có thể sẻ chia.
Có những lúc bị cảm giác sợ hãi  xâm chiếm, chú vẫn cố gắng cư xử theo tiếng gọi của tình cảm. Thế là nỗi lo sợ ấy biến mất.
Lắng nghe vị bác sĩ nói, nhìn vào phong thái tự tin của ông, chàng trai tự hỏi không biết liệu mình có thể học được cách chăm sóc và quan tâm đến bản thân hay không. Như hiểu được nỗi lo lắng của anh, ông lên tiếng:
- Chú sẽ kể cho cháu một câu chuyện có thật. Chuyện này xảy ra với người láng giềng của chú, khi ông ấy còn trẻ. Hồi đó, ông ấy băn khoăn không biết liệu có nên chấp nhận đến làm việc cho một công ty lớn ở thành phố hay không. Ông ấy bèn tới hỏi ý kiến một người mà ông rất kính trọng.
Lời khuyên mà ông ấy nhận được là: “Hãy lên thành phố một mình bằng xe lửa và không mang theo bất cứ thứ gì để đọc hay viết. Nhớ là phải đăng ký một phòng riêng biệt để không ai có thể quấy rầy. Đến bữa ăn cũng đừng ra ngoài mà hãy yêu cầu người phục vụ mang thức ăn tới. Chỉ thế thôi”.
Người bạn láng giềng của chú tỏ ra nghi ngờ lời khuyên này, nhưng ông ấy vẫn làm theo. Sau vài ngày đi đường, ông đâm chán việc chỉ ngồi thừ ra ngắm cảnh qua ô cửa. Theo cháu thì ông ta sẽ làm gì tiếp theo?
- Chắc ông ấy sẽ bắt đầu suy nghĩ về việc gì đó.
- Buộc phải thế thôi! Vậy là ông ấy đã thật sự có một khoảng dừng để nhìn lại mình. Câu trả lời dần trở nên rõ ràng. Và ông quyết định sẽ nhận công việc đó. Ông không có gì phải hối hận và nhờ thế, ông làm việc rất tốt và thành công.
- Câu trả lời lúc nào cũng nằm sẵn trong bản thân mình, phải không chú?
- Đúng đấy. Người đã chỉ cho ông bạn của chú cách tự khám phá câu trả lời hẳn cũng biết điều này. Khi ông bạn láng giềng của chú dừng lại và chịu lắng nghe bản thân, đó là lúc ông ấy đang tự quan tâm đến mình. Rồi từ đó, ông có thể quan tâm hơn đến gia đình và những người chung quanh.
Những điều này hoàn toàn đúng với tất cả chúng ta. Mỗi người luôn biết được điều gì là tốt cho mình. Chỉ cần đừng cuống lên là chúng ta có thể nhận ra ngay.
Còn giờ thì cháu có đoán được lời khuyên chú muốn dành cho cháu là gì không?
Chàng trai đứng lên cười và nói:
- Cháu đang khỏe nên không có lý do gì mà nhập viện để được yên tĩnh suy nghĩ. Chắc cháu phải làm một chuyến đi xa trên xe lửa một mình…
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Phần 1: Quan tâm đến bản thân

Đã một tuần trôi qua kể từ ngày trò chuyện với ông bác sĩ, nhưng chàng trai trẻ vẫn cảm thấy chưa hoàn toàn thoải mái. Anh cứ nghĩ đi nghĩ lại về những điều được biết sau cuộc trò chuyện đó. Chỉ là vấn đề dành một phút quan tâm bản thân thôi, nhưng để đi đến hành động thì không dễ chút nào.
Anh vẫn chưa làm được gì cho mình cả.
“Có lẽ tại mình chưa thật sự tin vào hiệu quả của nó – Anh tự biện hộ trong khi đang lái xe – Cũng có thể nó đòi hỏi mình phải nghiêm khắc với bản thân hơn nữa”.
Việc thay đổi không dễ như anh tưởng. Phải thừa nhận là anh khá dị ứng với những gì không ổn định. Nhưng anh cũng biết là để được vui vẻ và hạnh phúc hơn, anh cần phải làm một điều gì đó chứ không phải là chỉ ngồi im chờ đợi.
“Bây giờ mình cần phải làm gì đây? Để xem nào… – Anh với tay tắt chiếc tivi, miệng lẩm bẩm – Có lẽ cái tivi này đã lấy mất của mình nhiều thời gian và làm mình phân tâm quá”.
Anh cố tập trung vào tay lái nhưng đầu vẫn mãi nghĩ đến những điều ông bác sĩ đã nói.
Vì một vài lý do nào đó mà ông ấy đã phải học cách…
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Quan tâm đến bản thân
Khi gặp khó khăn hãy đơn giản hóa mọi việc, và bình tĩnh, nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề. Bạn sẽ tìm ra cách giải quyết.

Việc ông ấy làm là dần loại bỏ những điều rườm rà quanh vấn đề, cho đến khi sự việc trở nên thật đơn giản và từ đó, bản chất thật của nó sẽ hiện ra. Nhưng, anh cho rằng các vấn đề trong cuộc sống phức tạp hơn nhiều và không dễ gì nhìn thấu ngay được cốt lõi của sự việc. Giống như cuộc sống của anh hiện nay, lúc nào cũng đầy rắc rối, khó khăn. Phương châm “đơn giản hóa mọi việc” của ông bác sĩ có vẻ như chẳng mấy phù hợp với anh.
Chàng trai tiếp tục nghĩ lại những lời của ông.
…Giữa những điều muốn và cần luôn có một sự cách biệt. Anh phải nhìn ra được sự cách biệt này. Giống như khoảng cách giữa những say mê ảo tưởng và niềm vui đời thường…
…Rồi còn nhiều điều khác mà ông ấy đã nói đến, để có thể hạnh phúc hơn.
Nhưng tất cả lại không dễ thực hiện. “Vậy thì cuối cùng, ý tưởng nào là đơn giản nhất để mình có thể áp dụng được ngay?” – Anh tự hỏi.
Vừa lúc đó, xe anh chạy đến một ngã tư và gặp đèn đỏ. “Phải dừng lại. Đúng rồi! – Chàng trai tự cười với mình – Thật dễ, chỉ cần dừng lại, nhìn nhận và lắng nghe! Dừng một phút – tự hỏi bản thân làm cách nào để có thể tự chăm sóc – rồi im lặng lắng nghe tiếng nói bên trong. Những điều đó mình có thể thực hiện được ngay lúc này”.
Anh quay nhìn ra phía sau và thấy không có nhiều xe. Như vậy, anh có thể an tâm sử dụng hết một phút cho mình. “Bây giờ, có cách nào tốt nhất để mình tự chăm sóc không?” – Anh im lặng và chờ bên trong mình lên tiếng trả lời.
Lúc đó, hình ảnh chiếc kính chiếu hậu bụi bặm đập vào mắt anh. Cái kính đó thật bẩn. Anh khẽ cau mày: “Chắc phải đưa cái xe này ra tiệm rửa thôi!”.
Nghĩ đến việc lái một chiếc xe sạch sẽ, sáng bóng, anh chợt cảm thấy thích thú. Bây giờ thì chiếc xe của anh đang bị bụi bẩn và bùn bám đầy, bên trong cốp xe, đồ đạc bị vứt lộn xộn và trông thật nhếch nhác. Dường như, tình trạng chiếc xe đã ảnh hưởng đến tâm trạng của chủ nó, tự nhiên, anh cũng cảm thấy mình không được quan tâm và quá ư là bừa bộn. Nhưng, đành phải thế thôi, anh bận quá, chẳng lấy đâu ra thời gian để đi rửa xe. 
Mà hình như anh đã định đem xe đi rửa mấy lần rồi thì phải – ít nhất anh cũng muốn chùi sơ qua bên ngoài. Nhưng rồi hết làm việc này đến lo việc khác, anh lờ đi chuyện mang xe ra tiệm rửa.
“Ồ! Mình đã bỏ qua một cơ hội để được vui vẻ hơn rồi!” – Vừa nhủ, anh vừa lấy khăn giấy lau chiếc kính chiếu hậu. Nó cũng còn sáng lắm.
Lúc này, anh đã biết rõ mình cần phải làm gì. Chỉ có điều, anh tự trách, sao mình không làm điều đó sớm hơn.
Rồi anh cũng dành được chút thời gian để đưa chiếc xe đến tiệm rửa xe. Chiếc xe được rửa sạch sẽ, bóng lộn như mới. Bình nước ắc-qui cũng được châm đầy. Anh gọi điện về nhà báo cho gia đình biết là mình sẽ về trễ một chút.
Đến lúc thanh toán, chàng trai mới biết tiệm rửa xe này không chấp nhận thanh toán thẻ, họ yêu cầu trả bằng tiền mặt. Nếu là vài ngày trước chắc hẳn anh đã rất bực mình – cả ngày làm việc mệt mỏi, giờ lại gặp phải rắc rối này nữa. Mà sao người ta lại từ chối loại thẻ thanh toán uy tín bậc nhất này của anh cơ chứ.
Nhưng hôm nay anh không hề cảm thấy bực bội gì cả. Anh đang vui vì mình đã làm được một việc cho bản thân. Bên cạnh đó, anh thấy cũng chẳng thể phàn nàn gì về chất lượng dịch vụ ở đây, họ làm việc thật chu đáo và cẩn thận. Không nhận thanh toán bằng thẻ vì đây là tiệm rửa xe nhỏ chứ có phải là siêu thị đâu. Anh vui vẻ rút tiền mặt ra trả rồi thanh thản về nhà.
“Ngạc nhiên thật, chỉ bỏ thời gian ra rửa xe thôi mà lại giúp tâm trạng mình thay đổi –  Chàng trai tự nhủ, không quên đưa mắt nhìn chiếc kính chiếu hậu bóng loáng – Nhìn sự việc khác đi một chút mà lại cảm thấy bản thân mình được chăm sóc. Lạ thật!”.
Những gì xảy ra tiếp theo cũng khác với mọi ngày. Bình thường, khi về đến nhà, dù mệt hay không thì anh cũng chỉ muốn kiếm thứ gì đó ăn qua loa rồi nằm xoài ra xem tivi. Nhưng hôm nay, anh quyết định sẽ làm khác. Anh sẽ đọc một cuốn sách nói về cách giải tỏa stress. Lâu lắm rồi anh không đụng đến sách vở nên chỉ đọc được một lúc, anh đã cảm thấy buồn ngủ. Anh liền bỏ quyển sách xuống và xem tivi với mọi người trong gia đình. Cũng thoải mái, nhưng không thú vị mấy.
Qua tối hôm sau thì anh đọc xong quyển sách. Anh thấy những phương pháp mà quyển sách chỉ ra quá đơn giản, đơn giản đến mức anh đâm ra nghi ngờ. “Nhưng cứ thử thực hiện xem sao” – Anh tự nhủ.
Đêm kế tiếp, anh tìm cho mình một nơi yên tĩnh trong nhà và đặt một chiếc ghế bành ở đó. Ngồi vào ghế, hai chân duỗi thoải mái, cơ thể hoàn toàn thả lỏng, chàng trai nhắm mắt lại và cố gắng điều khiển hơi thở của mình. Một lúc sau, nhịp thở của anh trở nên sâu và đều đặn hơn.
Sau đó, anh bắt đầu nhẩm đi nhẩm lại trong đầu một con số duy nhất: 01. Anh cố điều khiển tâm trí mình, không để bất kỳ ý nghĩ nào khác xâm chiếm. Dần dần, anh chìm vào trạng thái thư giãn. Khi có một luồng suy nghĩ mới xen ngang, anh nhẹ nhàng thoát khỏi nó, chỉ bằng việc lặp lại nhiều lần số 01. Cứ thế, anh duy trì bài tập đó trong hai mươi phút.
Thời gian đầu, anh không nhận ra chút tác dụng nào của những buổi luyện tập. Mà thật ra thì anh cũng không trông mong là sẽ thu được kết quả gì. Nhưng anh vẫn cố gắng duy trì việc này vào mỗi buổi sáng, trước khi đi làm và buổi tối, trước khi đi ngủ. Rồi dần dần, anh thấy đầu óc mình hình như không còn nặng nề như xưa nữa. Rõ ràng, bài tập đã có tác động đến anh. Dù không nhận thức rõ nó có tác động ra sao, vào lúc nào, nhưng anh biết là nó có hiệu quả. Cổ và vai anh không còn bị căng và mỏi sau mỗi ngày làm việc nữa. Áp lực cuộc sống cũng dường như trở nên nhẹ hơn.
Khám phá mới này khiến anh rất hào hứng, anh quyết định đọc lại cuốn sách. Lần này, anh nghiên cứu sâu và kỹ hơn nội dung những phương pháp thư giãn. Rồi anh thực hành một cách khoa học, bài bản hơn. Và dĩ nhiên, hiệu quả của bài tập cũng thấy rõ hơn: anh hoàn toàn thanh thản và được giải thoát khỏi những áp lực.
Sau một thời gian dài luyện tập, phương pháp thư giãn này đã trở thành thói quen của anh.
Tuần tiếp theo, anh phải thực hiện một chuyến công tác quan trọng đến nhiều nơi và vì thế, anh phải di chuyển liên tục. Đi cùng anh có hai người cộng sự. Bất ngờ, chuyến bay đầu tiên đi từ thành phố của họ bị hoãn lại đến hai tiếng đồng hồ. Và vì thế, máy bay phải hạ cánh vào lúc 2 giờ khuya.
Mọi người đều biết được tính chất đặc biệt quan trọng của cuộc họp sáng ngày mai nên rất lo lắng. Cần phải đến khách sạn sớm để có thời gian nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng rồi, máy bay của họ lại phải nhường đường đáp cho một máy bay khác nên đã phải chuyển hướng và hạ cánh xuống một phi trường cách điểm đến cả hàng trăm dặm.
Vậy là ba người lại phải tiếp tục ngồi trong taxi. Phải mất hơn ba tiếng họ mới tới được khách sạn. May mắn thì họ có thể chợp mắt được một vài phút trước cuộc họp.
Chàng trai thấy mình hoàn toàn kiệt sức. Phải làm một cái gì đó để lấy lại tinh thần. Ngồi trên taxi, anh không khỏi tức giận khi nghĩ đến những tình huống oái oăm đã xảy ra. Nếu chuyến bay đúng giờ thì có lẽ sẽ tránh được sương mù. Hoặc giả máy bay không cần phải nhường đường đáp thì họ cũng đã thoát khỏi cảnh phải ngồi trên xe đến mấy tiếng đồng hồ.
Sự mệt mỏi xâm chiếm lấy anh. Anh lo lắng nghĩ: “Làm sao mình có thể tham gia cuộc họp quan trọng ngày mai với tình trạng như thế này? Phải làm gì đây?”.
Anh buộc mình tập trung hơn. Bỏ qua hết mọi suy nghĩ lung tung, anh bắt đầu tự hỏi: “Liệu có cách nào tốt hơn để tự giúp mình không? Mà trong hoàn cảnh này thì chắc cũng chẳng làm được gì nhiều. Mình thay đổi gì được đây?”.
“Những suy nghĩ của mình…” – Anh thoáng nhận ra. Rõ ràng là anh đang tự làm rối mình bằng những suy nghĩ bực dọc. Lập tức, anh quyết định thay đổi cách nhìn nhận tình huống và thái độ của mình. Không nên để thời gian ngồi trên taxi trở thành một khoảng thời gian phí phạm. Biết đâu nhờ đổi sân đáp mà máy bay anh tránh được một vụ va chạm nguy hiểm, và dĩ nhiên, so với việc bị tai nạn thì việc phí thời gian ngồi trên taxi còn dễ chịu hơn. Anh thôi không bực mình nữa.
Anh chợt nhớ đến lời ông bác sĩ. Theo ông ấy, nếu chỉ trong một phút, để có thể thay đổi – gần như mọi việc thì anh cần phải:
Với phút nhìn lại mình, bạn sẽ nhận ra, và điều chỉnh hoặc thay đổi thái độ,cách nhìn.
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét