Home » » 06: Phút Nhìn Lại Mình

06: Phút Nhìn Lại Mình

Phút nhìn lại mình
Ý nghĩa:

Mọi thành công bên ngoài – trong công việc và cuộc sống – đều bắt nguồn từ sự thành công bên trong con người. Để có thể trở nên tận tâm trong công việc, điều trước hết là phải biết tự yêu thương bản thân mình.
– Hãy đơn giản hóa cuộc sống của bạn – đó là nguyên tắc đầu tiên.
– Hãy cư xử với bản thân theo cách mà bạn muốn người khác cư xử với mình. Để làm được điều đó, bạn phải trở thành người bạn tốt nhất của chính mình.
– Hãy thường xuyên áp dụng phương pháp một phút để dừng lại và lắng nghe.
– Hãy nhìn vào cách cư xử và những suy nghĩ đang diễn ra trong bạn rồi tự hỏi: “Làm thế nào để chăm sóc mình tốt hơn?”
– Hãy im lặng và lắng nghe câu trả lời đến từ bên trong bạn. Đó là bạn đang làm theo sự sáng suốt và khôn ngoan – theo “cái tôi hoàn thiện” – của mình, để biết rằng điều gì và như thế nào là tốt nhất cho bạn.
– Khi đã tìm ra giải pháp rồi thì hãy làm theo nó.
Tại sao như vậy sẽ thành công?
– Khi biết tự nhìn lại và quan tâm đến bản thân, chúng ta thường không cảm thấy giận dữ và buồn chán nữa. Chúng ta trở nên vui vẻ, thoải mái với mình và với những người khác.
– Khi vui vẻ và hạnh phúc, chúng ta sẽ làm việc có hiệu quả và cũng dần học được cách tôn trọng những người xung quanh.
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Phần 2: Quan tâm đến người khác

Vào ngày thứ Bảy tuần tiếp theo, chàng trai lại đến gặp vị bác sĩ. Anh mở đầu câu chuyện với vẻ phấn khởi: Cháu đã bắt đầu biết thoải mái với mình hơn, làm được nhiều việc và thấy rất hạnh phúc. Cuộc sống thật tuyệt!
Ông bác sĩ rất hài lòng với những gì chàng trai đã đạt được, nhưng với sự từng trải của mình, ông biết rằng niềm vui của anh vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn.
- Chú có thể hiểu được niềm vui của cháu. Khi mới bắt đầu chú cũng thế. Nhưng cháu không cảm thấy là có điều gì thiếu thiếu ở đây hay sao? – Ông dọ hỏi.
Chàng trai hơi khựng lại. Anh ngạc nhiên với cách đặt vấn đề của ông. Sự hứng khởi trong anh bỗng chùng xuống. Lúc này, theo thói quen, anh dừng lại và tự hỏi: “Mình phải làm gì để tránh được sự thất vọng đây? Cách nào tốt cho mình?” Rõ ràng ông bác sĩ rất vui khi thấy anh có thể áp dụng tốt bài học vào cuộc sống. Nhưng giờ đây, khi ông hỏi như thế, anh biết chắc chắn phải có một lý do sâu xa nào đó. Có lẽ ông muốn anh phải học hỏi thêm. Và đúng là, đôi khi anh cảm thấy vẫn còn điều gì đó chưa ổn. Anh thừa nhận:
- À… đúng vậy! Đôi lúc cháu cũng cảm thấy có gì đó… không trọn vẹn.
Ông khẽ nhắc:
- Chắc cháu vẫn nhớ đến khu vườn được chia làm ba phần đấy chứ? Ba phần: quan tâm đến bản thân, quan tâm đến người khác và cuối cùng là chia sẻ với tất cả mọi người. Điều cháu còn thiếu là vẫn chưa chú ý đến hai phần còn lại của khu vườn. Chính vì thế mà cháu cảm thấy không trọn vẹn đấy.
Liền lúc đó, ông với tay lấy một mảnh giấy nhỏ, ghi vào đó vài dòng rồi đưa cho anh. Ông nói:
- Cháu hãy thử nghĩ về điều này:
Khi chúng ta biết quan tâm đúng mức đến bản thân mình, và người khác
Chàng trai khẽ reo lên:
- Cháu hiểu rồi, hiểu rồi! Như vậy không sớm thì muộn, cháu cũng sẽ chán đến phát ốm mất.
Ông cười ý nhị:
- Chán đến phát ốm với ai?
- Dĩ nhiên là với cháu! Và… những người xung quanh chắc cũng thấy phát ốm lên vì cháu.
- Vậy chú nghĩ cháu đã biết câu trả lời nằm ở đâu rồi, phải không?
- Vâng, nghĩa là phải biết cân bằng những suy nghĩ về bản thân với… việc quan tâm đến người khác. Chắc là phải quan tâm đến người khác giống như quan tâm đến mình vậy. Thật ra thì cũng đã có lúc cháu tự hỏi, việc tự chăm sóc bản thân khiến mình cảm thấy tốt hơn, nhưng không biết những người xung quanh thì thấy thế nào.
- Sao cháu không thử tìm hiểu xem?
- Tìm hiểu bằng cách nào hả chú?
Ông mỉm cười nhưng không trả lời câu hỏi của anh.
- Chắc chú muốn cháu tự tìm ra cách của mình phải không? – Chàng trai ngập ngừng – Để cháu xem… Chắc chắn chú luôn là người biết tự chăm sóc bản thân. Vậy hẳn những người xung quanh chú cũng sẽ có một ấn tượng nhất định nào đó về điều này chứ. Cháu sẽ thử tìm hiểu xem sao.
Sau khi chia tay vị bác sĩ, chàng trai suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, anh cũng biết được là mình cần phải đến đâu và tìm gặp những ai để có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Vài ngày sau, anh đến gặp một cô giảng viên từng là học trò của  người bác sĩ. Anh được đón tiếp rất nồng nhiệt. Sau một lúc thăm hỏi xã giao, người giảng viên chủ động đi vào vấn đề của anh:
- Vậy, điều cháu muốn biết là người khác sẽ nghĩ gì về mình khi chúng ta tự biết quan tâm đến bản thân phải không?
Chàng trai nhủ thầm: “Bà ấy hiểu ra ngay vấn đề của mình. Đáng nể thật!”.
Người phụ nữ nói tiếp:
- Ông bác sĩ mà cháu nhắc tới là một người thầy đáng kính của cô. Ông ấy luôn động viên và giúp đỡ cô. Cho nên, nếu cháu cần cô giúp điều gì thì đừng ngại, cô rất sẵn lòng.
Ngừng một chút, bà bắt đầu kể:
- Vài năm trước đây, ông ấy là giáo sư hướng dẫn của bọn cô. Ông đã chia sẻ với mọi người ở đây một bài học hết sức ý nghĩa. Và thành thật mà nói thì lúc đầu, ông ấy luôn khiến bọn cô phải đau đầu đấy. Nhưng đó là chuyện qua lâu rồi, cho đến khi hình như có điều gì đó xảy ra, và ông ấy hoàn toàn thay đổi. Ai cũng thấy là ông đã dễ tính hơn. Và công việc của ông, vốn đã rất tốt lại ngày càng tốt hơn. Không ai hiểu được điều gì đã xảy ra với ông và tại sao ông lại thay đổi như vậy.
Dần dần, bọn cô cũng đủ can đảm để đặt câu hỏi đó với ông. Nhưng thay vì trả lời thẳng các thắc mắc của bọn cô, ông ấy lại quay sang hỏi ngược lại, cứ làm như ai trong bọn cô cũng biết rõ mười mươi câu trả lời.
Nghe đến đây, chàng trai không khỏi bật cười. Anh hiểu ẩn ý trong câu nói của người phụ nữ. Bà lại tiếp tục:
- Ông ấy thường hỏi: “Các bạn thường bỏ ra bao nhiêu thời gian trong ngày để nhìn lại mình, để tự quan tâm đến mình? Có ai trong số các bạn dành nhiều thời gian cho chính mình không?”
Hầu hết bọn cô đều thừa nhận là mình chẳng quan tâm nhiều lắm đến bản thân. Cả khối công việc đang chờ, lấy đâu ra thời gian cho riêng mình.
Nghe thế, ông liền bảo rằng, riêng ông, ông đã bắt đầu biết dành nhiều thời gian cho bản thân – nhiều như ông đang dành cho người khác vậy. Câu trả lời của ông thật sự làm bọn cô bất ngờ.
- Sao ạ? – Chàng trai ngạc nhiên.
- Bởi vì bọn cô nhận ra sự tiến bộ vượt bậc trong công việc của ông ấy. Bên cạnh đó, những mối quan hệ của ông với người khác cũng được cải thiện thấy rõ. Tất cả những điều đó… mới nghe thì có vẻ chẳng liên quan gì đến những điều ông đang nói đến – tự chăm sóc bản thân. Chính vì thế, tất cả mọi người đều tò mò về ý tưởng này.
Sau đó, ông tiết lộ thêm, rằng ông luôn cư xử với người khác giống như cách ông cư xử với chính mình. Quả thật, những điều ông ấy nói đã buộc bọn cô phải nhìn lại những mối quan hệ của mình. Rõ ràng, việc biết chăm sóc bản thân đã tác động tích cực và cải thiện các mối quan hệ xung quanh ông.
Cô thuộc típ người hay chỉ trích, cô đã thừa nhận với ông ấy như thế. Và hình như bạn bè cô không thích điểm này của cô. Ông liền hỏi là cô hay chỉ trích ai nhất. Cô đành thú nhận: cô thường chỉ trích chính mình nhiều nhất. Ông khuyên cô phải học cách yêu thương mình hơn. Ông còn hỏi cô có định bắt đầu ngay không và nếu có, cô sẽ bắt đầu từ đâu.
Không đợi người phụ nữ nói ra, chàng trai biết ngay bà đã bắt đầu từ một phút nhìn lại mình. Anh tiếp tục lắng nghe:
- Mỗi khi bắt đầu có ý muốn phê phán gì đó về mình, cô lại tự buộc mình phải dừng lại, xem xét rồi tự hỏi: “Liệu có cách nào khác…”
- …Tốt hơn mà mình có thể làm để tự chăm sóc bản thân? – Chàng trai vui vẻ tiếp lời.
- Ồ đúng. Cháu cũng đoán được rồi đấy, kết quả thật tuyệt! Sau một thời gian, cô đã rũ bỏ được cái thói hay chê bai, chỉ trích. Các mối quan hệ của cô, trong gia đình cũng như ở nơi làm việc, cũng dần trở nên khá hơn.
- Cháu có thể biết cụ thể cô đã làm gì không?
- À, mỗi khi bắt đầu xét nét bản thân, cô đều dừng lại và tự hỏi: “Mình đang cư xử kiểu gì vậy?”. Câu trả lời rút ra được là cô đang tự làm mình tổn thương. Sau đó, cô quyết định thay những tư tưởng chỉ trích ấu trĩ bằng những điều mà cô yêu thích ở mình.
Cũng có những lúc cô không hài lòng với kiểu cư xử như vậy của mình, lúc đó, cô có thể thoải mái phê bình cách cư xử của cô. Nhưng không bao giờ cô còn tự trách mình nữa. Không thể đánh đồng những gì chúng ta làm với chính bản thân chúng ta được.
Chàng trai tò mò:
- Rồi chuyện gì xảy ra tiếp đó?
- Dĩ nhiên là cô thấy vui hơn, làm việc tốt hơn, giao tiếp với mọi người cởi mở hơn.
- Cô vượt qua nó dễ dàng thật!
- Không, không dễ đâu. Nhất là trong thời gian đầu, khi mới biết đến phương pháp một phút. Phải sau nhiều lần áp dụng, cô mới thấy có hiệu quả.
Lúc này, chàng trai chợt tự hỏi mình, trong ngày hôm nay, đã mấy lần chàng bỏ ra cho mình một phút. Hình như tổng cộng chỉ có năm lần. Cần phải cố gắng sử dụng thường xuyên hơn.
- Vậy cuộc sống của cô đã thay đổi như thế nào? – Anh tiếp tục hỏi.
- Khi thôi không chỉ trích mình cô cũng ngừng chỉ trích người khác. Dần dần, cô trở nên dễ gần gũi với người khác hơn. Công việc nhờ thế cũng tiến triển, vì có sự hợp tác mà.
Chuyện này được mọi người truyền tai nhau và sau một thời gian, nó trở nên phổ biến trong trường của cô. Ai cũng bắt đầu thử dùng đến phương pháp một phút tự quan tâm đến mình. Kết quả họ thu được không tệ chút nào.
- Thật vậy à?
- Để cô kể thêm cho cháu nghe về chuyện ông Hiệu trưởng của trường cô. Một lần, ông ấy triệu tập cuộc họp và thông báo rằng khoa của bọn cô đã đạt được danh hiệu “Khoa giảng dạy giỏi”. Thật bất ngờ! Dĩ nhiên ông ấy không quên hỏi nguyên nhân. Bọn cô nói với ông ấy về phương pháp một phút. Sau khi nghe, ông ấy buông một câu: “Các anh chị cứ thoải mái áp dụng, miễn là nó có hiệu quả…”.
Sau này, bọn cô có nghe phong phanh rằng ông ấy cũng đã bắt đầu áp dụng phương pháp một phút.
Chàng trai xen vào:
- Cũng đúng thôi. Nó thật sự hiệu quả mà!
- Đúng. Có điều lạ là khi cô dành nhiều thời gian cho bản thân thì dĩ nhiên thời gian cô bỏ ra để quan tâm đến người khác giảm, nhưng không vì thế mà công việc hay các mối quan hệ của cô lại xấu đi, ngược lại, chúng còn trở nên tốt hơn. Có ai lại mong chờ một kết quả lạ lùng thế chứ?
Ngừng một lát để suy nghĩ, bà lại tiếp tục:
- Bọn cô ai cũng xem vị bác sĩ mà cháu quen như một người thầy thực sự. Ông luôn khích lệ bọn cô lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Cho đến bây giờ, hầu hết mọi người đều đã biết dành nhiều thời gian hơn cho riêng mình, công việc nhờ thế cũng ngày càng phát triển. Và không phải chỉ có chất lượng công việc thay đổi…
Người phụ nữ đưa mắt nhìn quanh phòng làm việc của mình. Bà dang rộng hai tay một cách thoải mái:
- Cháu thấy đấy! Chịu bỏ ra một ngày vài phút cho bản thân thật không phí chút nào.
Chàng trai cảm nhận được sự hài lòng pha chút tự hào qua cử chỉ và giọng nói của người phụ nữ.
- Bây giờ, cô thật sự tìm được hạnh phúc với gia đình mình và thành công hơn trong công việc – tất cả nhờ vào bài học mà ông ấy đã chỉ ra cho cô.
Ông ấy cũng từng nói… thế nào nhỉ… rằng một trong những cách tốt nhất để thể hiện sự quan tâm của chúng ta đến mọi người là hãy giúp họ hiểu được tầm quan trọng của tình yêu bản thân. Cô còn giữ hẳn một tờ giấy ghi những suy nghĩ của mình về điều này: Điều tốt nhất để giúp người khác tìm lại mình là hãy chỉ cho họ cách yêu thương bản thân, họ sẽ vui hơn, cảm nhận được sự chia sẻ.
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét