Một phút chia sẻ với tất cả mọi người
– Bạn chỉ có thể quan tâm đến người khác khi đã biết cách thật sự đến bản thân mình.
– Sống để yêu thương người khác bao giờ cũng có ý nghĩa hơn là sống để được người khác yêu thương.
– Chúng ta không thể nào tránh được những mâu thuẫn với người khác, nhưng chúng ta có thể hạn chế nó bằng cách mỗi người hãy tự biết quan tâm bản thân mình hơn.
– Hãy tự hứa với bản thân là không bao giờ trốn chạy chính mình. Chỉ có như thế,
chúng ta mới thật sự quan tâm đến mình và người khác.
– Hãy tự hỏi mình và hỏi người khác: “Hôm nay, bạn đã tự ôm mình lần nào chưa?”
– Mối quan hệ giữa chúng ta chỉ có thể trở nên tốt đẹp khi bạn thật sự hòa hợp với chính bạn và tôi cũng đã thật sự hòa hợp với bản thân tôi
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn
Bước vào nhà ông lần này, anh chú ý ngay đến một quả địa cầu đặt ngay trên bàn làm việc của ông. Rồi anh nhớ lại cuộc nói chuyện lần đầu của hai người. Ông đã nói rằng những người khác – rất nhiều người – ai cũng sẽ được hạnh phúc khi tất cả cùng biết tự chăm sóc và yêu thương bản thân. Những người trong gia đình, bạn bè, thậm chí những người không quen biết nhau hay những người sống cách xa cả nửa vòng trái đất, cũng có thể giúp nhau trở nên vui vẻ và hạnh phúc.
Anh gợi lại chuyện cũ với ông:
- Cháu đã bắt đầu nhận ra ý nghĩa lớn nhất của việc biết tự quan tâm và yêu thương bản thân. Có phải đó là một thế giới yên ổn và hòa bình không?
- Nhờ đâu mà cháu nhận ra điều đó vậy?
- Từ chính cháu thôi. Khi cháu sống thật với bản thân mình thì cháu không còn cảm thấy nóng giận hay trách móc ai cả. Cháu hoàn toàn giữ được sự thanh thản. Cháu còn nhận ra một điều, thanh thản không chỉ có nghĩa là không nóng nảy hay không buồn chán, nó còn có nghĩa là mình đang được sống trong yêu thương.
Mọi người trong gia đình cháu đã nói cho cháu biết suy nghĩ của họ về cháu. Họ nói cháu đã điềm tĩnh hơn rất nhiều, và dễ gần gũi nữa. Rồi họ chủ động đề nghị cháu hãy nhắc nhở họ áp dụng thường xuyên hơn phương pháp một phút nhìn lại mình. Chú thấy đấy, nhờ vậy mà gia đình cháu ngày càng gắn bó và hạnh phúc. Ai cũng hài lòng với mình và với những người khác, hiểu nhau thêm và sống hạnh phúc hơn ngày xưa rất nhiều.
Ông nhận xét:
- Rõ ràng chú thấy cháu khác trước nhiều rồi đấy. Và chú nghĩ chắc cháu cũng có thể đã biết đến điều này: Khi mỗi người biết sống với tình thương yêu bản thân.thì sẽ cảm thấy mình đã được quan tâm đúng mức và hài lòng với mình.
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Và họ sẽ sẵn lòng chia sẻ yêu thương những người khác
Trước khi nghe ý kiến của chàng trai, ông nói: Cháu đừng cho điều đó là quá lý tưởng. Nó hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta, cũng giống như cháu và những người trong gia đình mình đã thực hiện được vậy.
Nhưng chàng trai vẫn tỏ vẻ không đồng ý:
- Với một người nghèo khổ hay ai đó phải chịu cảnh bất công thì làm sao họ có thể dễ dàng tìm được sự thanh thản chứ? Và chỉ với một phút?
- Thật ra thì chú chưa bao giờ ở trong những hoàn cảnh như vậy nên chú không thể nói là mình hiểu hết được. Chỉ có điều, chú luôn tin rằng nếu người đó thật sự cho mình một khoảng thời gian dừng lại và lắng nghe tiếng nói – tiếng nói của cái tôi hoàn thiện bên trong mình thì anh ta cũng sẽ tìm ra được câu trả lời.
Biết rõ là lúc này, chàng trai cũng đang nhận ra một điều gì đó nên ông tiếp tục hỏi anh:
- Vậy theo cháu, lý do quan trọng nhất của việc tự quan tâm và yêu thương bản thân là gì? Khi nào thì chúng ta cần nó nhất? Lúc vui hay lúc buồn? Lúc giàu có hay lúc cơ cực?
- Khi mọi thứ trở nên tồi tệ ạ! Lúc đó không ai có thể giúp chúng ta được, ngoại trừ chính chúng ta. Vì thế, điều tốt nhất mà ta có thể làm cho mình ngay lúc đó là hãy đối xử thật nhẹ nhàng với bản thân và làm điều gì mà mình biết là tốt nhất cho mình.
- Không sai! Thêm một câu hỏi nữa. Điều gì thường dễ mang lại cho cháu sự hạnh phúc? Một thành công lớn hay chỉ là một việc làm nhỏ mà có ý nghĩa?
- Cháu vốn đã từng rất ngạc nhiên về điều này, nhưng rõ ràng là khi làm được những việc nho nhỏ cho mình, cháu vẫn thấy hạnh phúc, như lúc cháu có thể thay đổi thái độ của mình chẳng hạn.
- Vậy đấy. Phải biết là chúng ta hầu như không thể làm gì để thay đổi được những gì thuộc về thế giới bên ngoài, nhất là khi sự việc trở nên tệ đi. Nhưng mỗi người trong chúng ta lại hoàn toàn có khả năng thay đổi những gì thuộc về bên trong mình.
Vậy thì tại sao mỗi người không tự tìm cách quan tâm đến mình, chỉ bằng những việc nhỏ thôi? Cho dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì ta cũng có thể làm được. Làm được như thế rồi, chắc hẳn ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Và với tâm trạng thoải mái, ta bớt gay gắt và cư xử với người khác tốt hơn. Như thế thì, rõ ràng, từng người một, sẽ tác động tích cực đến sự bình yên của thế giới này – dù vẫn còn nhiều người đang hàng ngày phải đối mặt với nghịch cảnh. Tuy nhiên, nếu cố gắng, chúng ta vẫn có thể tìm được cách yêu thương chính mình.
Im lặng, chàng trai suy nghĩ về những điều ông nói. Một hồi sau anh mới đưa ra nhận xét của mình:
- Chú đang cố nói với cháu rằng, việc chúng ta cần làm không phải là đứng ra giải quyết hết mọi vấn đề của thế giới, điều đó là không tưởng. Mà chúng ta sẽ, từng người, cố gắng biết tự quan tâm và yêu thương mình hơn một chút – dù bằng cách nào đi nữa. Như thế là chúng ta đang góp phần giúp cho thế giới này trở thành một nơi đáng sống hơn? – Anh khẽ chớp mắt – Càng ngày, thế giới này sẽ càng ít đi những người sống trong thù hằn và giận dữ.
- Và dù không phải là tất cả, nhưng chúng ta đều sẽ được nhận được nhiều lợi ích từ điều này. Con người, một khi đã dành đủ tình yêu cho chính mình sẽ có khuynh hướng muốn giúp đỡ và hợp tác với người khác.
Hợp tác còn có nghĩa là chú sẽ hợp tác với chính mình. Còn cháu, cháu phải biết cách hòa hợp với bản thân cháu. Đó là nền tảng cơ bản cho sự hợp tác hiệu quả: Chúng ta luôn được là chính mình nhưng vẫn có trách nhiệm với người khác. Sự hợp tác như vậy mới thật sự làm nên sức mạnh.
Khi đã biết nhận lấy trách nhiệm tự quan tâm đến mình – trong mối quan hệ với người khác – thì ta sẽ không còn phải phụ thuộc vào ai cả, nói rõ hơn là không phụ thuộc vào nhóm người nào đó.
Cũng cần phải quan tâm đến sự cân bằng giữa việc giúp đỡ đơn thuần với việc giúp đỡ người khác được sống thật với chính họ. Hai việc đó hoàn toàn khác biệt đấy. Vì chúng liên quan đến khái niệm tự do. Nhiều lúc ta giúp đỡ họ, nhưng thật ra cũng có thể là ta đang xâm phạm đến sự tự do lựa chọn của họ.
Quả thật những điều mà ông nói là hoàn toàn mới mẻ với chàng trai. Anh như vừa được biết đến một bài học lớn nhất của cuộc đời.
- Cháu đã từng nghĩ “trách nhiệm” chỉ là những gì mà mình không muốn làm nhưng mình buộc phải làm, vì nghĩa vụ. Nhưng chú đã làm cháu thay đổi nhận thức về điều này. Trách nhiệm, theo như chú, chính là khả năng và cũng chính là điều mà cháu luôn lắng nghe từ chính mình rồi tự trả lời. Cháu thật sự thích thú với ý tưởng mới mẻ này. Và hình như đó là một điều hoàn toàn hiển nhiên.
Vài tháng trôi qua, một hôm, chàng trai ngồi một mình và nhớ lại tất cả những điều anh đã học được từ trước đến giờ.
Thật là lý tưởng và tuyệt vời nếu như thế giới này ngày càng trở nên tốt đẹp và mọi người sống chan hòa với nhau. Còn bản thân anh, cũng đã làm được một việc ý nghĩa, khi thế giới nội tâm của anh bây giờ đã khác xưa nhiều. Nhưng cũng không phải dễ dàng gì để tự thay đổi chính mình.
Anh đã hiểu thế nào là sự thành công xuất phát từ bên trong một con người, và cũng biết bằng cách nào để có đuợc sự thành công đó. Chỉ đơn giản bỏ ra một phút dừng lại, xem xét và lắng nghe cái tôi hoàn thiện bên trong. Anh đã làm việc đó mỗi ngày, và cho đến lúc này, anh vẫn chưa bao giờ ngưng áp dụng bài học một phút đó – một bài học có ý nghĩa nhất với anh, với cuộc sống của anh: phải biết yêu thương chính mình. Rồi chính sức mạnh của tình yêu bản thân sẽ dẫn anh đến gần với thành công – những thành công bên ngoài cuộc sống.
Dĩ nhiên, lúc đầu anh đã rất băn khoăn và đã từng cho rằng yêu thương bản thân đồng nghĩa với sự tự tôn và ích kỷ. Nhưng thực tế đã chứng minh là anh sai. Đó hoàn toàn không phải là sự ích kỷ.
Còn gì nữa? Anh đã được biết đến sự thanh thản mà mình có được khi sống thật với cái tôi của mình. Quan trọng hơn, đó là bài học về sự cân bằng giữa những cái tôi: cái tôi của mình, cái tôi của người khác và của mọi người. Thế giới bên trong anh đã thật sự trở nên phong phú hơn rất nhiều bằng những bài học từ cuộc sống, từ chính mình và từ những lần biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác.
Cuộc sống bây giờ đối với anh trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn bất cứ lúc nào khác. Không phải chỉ vì anh đã học được cách trở thành một người biết chăm sóc, như vị bác sĩ, mà ý nghĩa hơn thế, anh thật sự đã trở thành một người cho đi tình yêu và sự quan tâm.
Càng quan tâm đến bản thân thì anh càng quan tâm đến người khác nhiều hơn. Và anh thực hiện những điều đó thật dễ dàng mà không hề phải đắn đo suy tính. Đã có lúc anh nghĩ rằng cho bao giờ cũng tốt hơn nhận. Vì thế, anh rất ngại nhận sự giúp đỡ từ người khác. Cho đi làm anh thấy thoải mái hơn, còn nhận điều gì đó từ người khác, anh lại cảm thấy hơi ngượng ngùng. Có lẽ vì anh cảm thấy như mình đang làm phiền hay phải mang ơn người khác. Nhưng, lại một lần nữa thực tế đã chứng minh cho anh thấy, phải có sự cân bằng giữa nhận và cho. Bởi vì không có người chịu nhận thì cũng không thể có người cho đi.
Cho và nhận – không chỉ là từ người khác. Bản thân mỗi người cũng có thể cho chính mình một điều gì đó và có thể nhận từ chính mình, nếu mình thích. Không có gì dễ chịu hơn khi làm được như vậy.
Anh cũng đã hiểu về một điều mà người ta đã nói đến trước đây hàng thế kỷ, đó chính là khả năng tự nhận thức của con người. Câu trả lời luôn có sẵn bên trong bạn. Chỉ cần bạn thành thật với chính mình, chịu trầm tĩnh và lắng nghe.
Mỗi lần, khi muốn đi tìm niềm vui mới cho cuộc sống, anh thường im lặng và lắng nghe cái tôi hoàn thiện của mình – giống như ông bác sĩ đã gọi. Nhưng dần dần, anh không còn gọi nó là cái tôi hoàn thiện nữa, thay vào đó, anh thích gọi cái phần trí óc sáng suốt nằm sâu bên trong con người mình là trực giác khôn ngoan hơn. Và cứ mỗi lần anh chú ý lắng nghe phần trực giác khôn ngoan đó, anh luôn tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề của mình. Và dĩ nhiên, đó cũng là những câu trả lời hết sức thông minh.
Đã lâu lắm rồi, anh không còn nhắc tới sự cố chấp của mình. Vì anh biết, chỉ có cách từ bỏ nó thì anh mới được là chính mình. Có thể cho đó là một sự đánh đổi hoàn toàn xứng đáng.
Sức mạnh thật sự đến với anh khi anh không cố gắng hành động để chứng tỏ, để cố chấp và bướng bỉnh bảo vệ cái tôi của mình. Người ta thường gọi sức mạnh tồn tại bên trong mỗi người là người thầy thông thái – người thầy ở bên trong anh, luôn khôn ngoan, sáng suốt hơn anh, và vĩ đại hơn anh rất nhiều. Và dù thế nào đi nữa thì anh vẫn biết là mình luôn có thể tin vào sức mạnh đó.
Và rồi, với những lần bỏ ra một phút nhìn lại mình, dành riêng cho mình, anh đã tiếp xúc và khám phá được rất nhiều điều về cái tôi rộng lớn và phức tạp của mình. Nhưng anh biết mình vẫn còn phải khám phá và học hỏi nhiều hơn về nó, để có thể tăng thêm sức mạnh cho bản thân.
Mọi việc anh làm được, cho đến bây giờ, chỉ có thể gọi đó là một sự khởi đầu…
Đến đây, dòng tư tưởng của anh đột nhiên bị cắt đứt bởi tiếng còi xe bên ngoài nhà. Vợ con anh vừa mới về tới. Anh luôn hạnh phúc khi nhìn thấy họ. Họ là món quà lớn nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho anh. Và anh luôn cố gắng đem đến cho họ những gì tốt nhất mà bản thân anh có thể. Tất cả là vì hạnh phúc chung của mọi người.
Khi bước ra cửa đón họ, anh chợt nhớ đến những người đã giúp anh thay đổi cuộc đời mình bằng những bài học chia sẻ: người nữ giảng viên, người họa sĩ và dĩ nhiên, không thể quên được, hai vợ chồng ông bác sĩ.
Sự giúp đỡ của họ đã giúp anh hiểu rõ thêm về Cho và Nhận. Anh sẽ cũng như họ, không ngần ngại chia sẻ với người khác những bài học quý giá mà anh đã học được, từ họ, từ bản thân và từ cuộc sống.
Thực tế anh chỉ học thêm được vài điều mới sau những bài học lớn đó. Đúng hơn những điều đó là sự khẳng định lại những chân lý hiển nhiên của cuộc sống mà anh, cũng như những người khác, đã biết đến.
Bài học mới của anh, đó là bài học về cách áp dụng một phút vào cuộc sống bận rộn, hối hả của mình.
Anh sẽ bắt đầu dừng lại, xem xét và lắng nghe.
Anh thường chỉ dừng lại một phút để bắt đầu xem xét, đánh giá những hành động và suy nghĩ ở hiện tại của mình.
Việc tiếp theo, anh sẽ hỏi: “Cách nào tốt nhất cho mình đây?”
Sau câu hỏi là một khoảng thời gian tĩnh lặng. Anh đang lắng nghe câu trả lời đến từ bên trong mình – từ cái tôi hoàn thiện.
Một khi anh đã tìm được câu trả lời, một câu trả lời chắc chắn là tốt nhất cho anh, thì anh sẽ cho phép bản thân mình làm theo điều đó. Và không bao giờ anh phải hối hận.
Chàng trai – để bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã chia sẻ cùng anh bài học từ cuộc sống, giúp anh hạnh phúc và thanh thản hơn – đã quyết định chia sẻ tiếp cho những người khác về bài học này. Và anh cũng nhận ra một điều: Đừng băng qua cuộc sống quá nhanh
Hãy thường xuyên dùng một phút để nhìn lại mình và điều chỉnh. Biết thay đổi khi cần chấp nhận mạo hiểm và đừng bao giờ từ bỏ niềm tin và ước mơ.
Cuộc sống là quá trình cho và nhận. Khi bạn cố giữ lại bạn chẳng còn bao nhiêu. Bạn cho đi. Bạn sẽ được nhận lại rất nhiều từ con người cuộc sốngvà từ chính bạn.
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét