3 SỰ TỰ LỪA DỐI
- Cậu có con không Tom?
Câu hỏi đột ngột này của Bud khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Các cơ mặt của tôi giãn ra. Tôi có cảm giác như sự sống đã trở lại trên khuôn mặt của mình.
- Có ạ, tôi có một con trai. Cháu tên Todd và đã được mười sáu tuổi.
- Thế cậu có còn nhớ cảm giác của cậu khi Todd chào đời không? Có phải cháu nó đã làm thay đổi quan điểm sống của cậu không? - Bud hỏi.
Đã mười sáu năm kể từ ngày Todd chào đời. Thế nhưng, ngay sau đó, các bác sĩ đã chẩn đoán Todd mắc phải chứng rối loạn mất tập trung (attention deficit disorder - ADD). Tôi không thể không đau lòng mỗi khi nghĩ đến Todd. Trong ngần ấy năm, cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối. Nhưng câu hỏi của Bud cũng đã gợi lại cho tôi không ít ký ức ngọt ngào.
- Vâng, tôi nhớ chứ. - Tôi bắt đầu trầm ngâm. - Tôi nhớ lần đầu tiên được ôm Todd vào lòng, đặt tất cả hy vọng và tình thương yêu vào đứa con trai bé bỏng của mình .
- Tôi cũng thế. - Bud nói và gật đầu, vẻ cảm thông. - Tôi muốn kể cho cậu nghe chuyện của tôi, bắt đầu từ sự ra đời của đứa con trai đầu lòng nhà tôi. Tên cháu là David.
Và Bud bắt đầu chìm vào dòng hồi tưởng.
- Khi đó, tôi đang làm việc cho một hãng luật danh tiếng thế giới. Năm đó, tôi được cử tham gia một dự án tài chính quan trọng có liên quan tới ba mươi ngân hàng lớn trên toàn cầu. Khách hàng của chúng tôi cũng chính là người cho vay đầu tiên của dự án. Vì tính chất quan trọng của dự án nên rất nhiều luật sư của nhiều hãng luật đã được huy động. Chỉ riêng hãng của chúng tôi cũng đã có tới tám người được cử đến từ bốn văn phòng khác nhau. Lúc đó, tôi là một trong hai thành viên ít kinh nghiệm nhất cả nhóm, chịu trách nhiệm soạn thảo năm mươi hợp đồng con dựa trên hợp đồng chính. Đó thật sự là một dự án hấp dẫn bởi lợi nhuận mà nó mang lại là rất cao, kèm theo đó là rất nhiều khoản khen thưởng hấp dẫn như du lịch quốc tế miễn phí. Một tuần
sau khi tôi nhận lời tham gia dự án đó, Nancy - vợ tôi - báo cho tôi biết cô ấy đã mang thai. Đó quả là thời gian tuyệt vời đối với vợ chồng tôi. Tám tháng sau, ngày 16 tháng 12, David chào đời. Trước lúc Nancy sinh, tôi đã làm việc cật lực để có thể dành trọn ba tuần bên vợ con. Cuộc đời tôi chưa bao giờ được hạnh phúc như thế!
Nhưng chỉ mười ba ngày sau đó, tức là ngày 29 tháng 12, tôi nhận được một cú điện thoại từ phía đối tác. Họ yêu cầu tôi phải có mặt trong cuộc họp giữa “tất cả các bên” tại San Francisco .
- Trong bao lâu thưa ông? - Tôi hỏi lại.
- Đến khi nào kết thúc hợp đồng, có thể là ba tuần mà cũng có thể là ba tháng. - Bud trả lời.
- Cứ nghĩ đến việc để Nancy và David ở lại Virginia một mình là tôi lại cảm thấy bất an. Nhưng tôi
không thể không đi. Sau khi đã hoàn thành mọi việc ở Washington , tôi miễn cưỡng lên máy bay tới San Francisco . Thật khó nói hết cảm giác của tôi khi chia tay gia đình bé nhỏ của mình. Tôi mang theo tấm hình của vợ con và đã bật khóc khi ra khỏi nhà. Và tôi là người cuối cùng tới văn phòng ở San Francisco , thậm chí sau cả anh bạn đến từ London . Do đến trễ, tôi đành phải ngồi ở tầng 21, tại căn phòng dành cho những vị khách cuối cùng, trong khi ban lãnh đạo và mọi người đều ở tầng 25.
- Và trong suốt thời gian đó, tôi đã làm việc một mình ở tầng 21 với khung hình vợ con trước mặt.
Trong khi đó, hầu hết các hoạt động đàm phán, hội họp giữa các bên… đều diễn ra ở tầng 25. Ngày nào tôi cũng làm việc từ bảy giờ sáng và kết thúc ngày làm việc của mình vào một giờ sáng hôm sau. Và đều đặn mỗi ngày ba lần, tôi xuống căn-tin dưới tiền sảnh mua một chiếc bánh mỳ vòng, một cái sandwich hoặc có khi chỉ một đĩa sa-lát rồi lại quay về tầng 21 vừa ăn vừa xem qua các tài liệu.
Chợt Bud ngừng lại, nhìn sâu vào mắt tôi và tiếp tục:
- Nếu cậu hỏi mục tiêu của tôi lúc ấy là gì, thì chắc chắn tôi sẽ nói rằng: “Tôi muốn soạn ra những văn bản tốt nhất để có thể mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng của mình và cũng để hợp đồng này kết thúc thắng lợi”, hoặc một điều gì đó tương tự như vậy. Bây giờ, tôi sẽ kể cho cậu nghe về những điều mà tôi đã được trải nghiệm tại văn phòng San Francisco ấy. Tất cả các cuộc đàm phán về nội dung của những văn bản mà tôi đang soạn thảo đều diễn ra ở tầng 25. Mỗi một thay đổi nhỏ trong cuộc đàm phán đều ảnh hưởng đến công việc của tôi. Thế mà trong suốt thời gian đó, tôi chẳng bước chân lên đó lần nào. Không những thế, trong khi mọi người ở tầng 25 đều được phục vụ ăn uống đúng giờ thì tôi lại cặm cụi mỗi ngày ba bận xuống căn-tin phía
dưới sảnh. Tôi cảm thấy rất buồn vì không ai bảo cho tôi biết điều đó. Trong mười ngày, tôi đã bị phê bình hai lần vì không cập nhật kịp thời những thay đổi diễn ra ở tầng 25 vào tài liệu của mình. Nhiều người cũng phàn nàn rằng họ không biết tìm tôi ở đâu. Nhưng cậu biết không, thực tế thì chẳng có ai thông báo với tôi về bất kỳ điều gì cả.
Đến đây, Bud lại ngồi xuống ghế.
- Đấy, với những điều tôi vừa kể, cậu có nghĩ là tôi đã hoàn toàn chú tâm vào việc “soạn ra những tài liệu tốt nhất để có thể mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng của mình và cũng để hợp đồng này kết thúc thắng lợi” không?
- Không, tôi nghĩ là không, thưa ngài. - Tôi trả lời và ngạc nhiên thấy giọng nói của mình đã trở nên nhẹ nhàng hơn so với lúc trước. - Tôi nghĩ thậm chí ngài còn không thích tham gia vào dự án đó. Vì ngài đang còn bận tậm vào chuyện khác.
- Cậu nói đúng. - Bud đồng ý. - Tôi đã không gắn bó với dự án đó. Thế theo cậu, vị đối tác đứng đầu có nhận ra điều đó không?
- Tôi nghĩ ông ấy đã nhận ra. - Tôi nhận xét.
- Đúng vậy. - Bud gật đầu. - Tôi đã không thật sự tham gia vào dự án này, không giữ đúng cam kết, không nắm bắt được tiến trình đàm phán và còn gây khó khăn cho người khác. Nhưng hãy xét thêm điều này: làm thế nào tôi có thể hợp tác với mọi người xung quanh nếu họ kết tội tôi không toàn tâm hoặc không tích cực tham gia vào công việc được kia chứ? Cậu có nghĩ tôi nên đồng ý với họ không?
Tôi bỗng trầm tư trước câu hỏi này dù nhìn bên ngoài, tình trạng lúc ấy của Bud rõ ràng là đang có vấn đề trong mắt mọi người.
- Không, tôi cho rằng ngài sẽ có cảm giác phòng thủ khi bị nhận xét như thế.
- Cậu nói đúng. Hãy nghĩ đi, ai đã chấp nhận rời xa đứa con mới sinh để tới San Francisco ? Là tôi. -
Bud nói và tự trả lời cho câu hỏi của mình.
- Ai đã làm việc liên tục hai mươi tiếng mỗi ngày? Là tôi. - Giọng ông bỗng sôi nổi hẳn lên. - Ai đã tập trung làm việc một mình trong một gian phòng nằm dưới 4 tầng lầu so với mọi người? Là tôi. Và ai đã bị lãng quên, thậm chí không hề được quan tâm dù chỉ là một vấn đề cơ bản là phục vụ bữa ăn hàng ngày? Vẫn là tôi.
Vậy thì từ góc độ của tôi, ai mới là người đang làm cho mọi việc trở nên khó khăn hơn đối với ai?
- Tôi nghĩ, ngài đã xem chính mọi người mới là nguyên nhân gây ra tất cả những rắc rối này. - Tôi trả lời.
- Cậu hiểu ra vấn đề rồi đấy. - Ông ta đồng ý. - Nếu ở vị trí của tôi, xét về mức độ cam kết, gắn bó và nắm bắt công việc, cậu có nghĩ rằng chính tôi mới là người thực hiện cam kết tốt nhất trong dự án đó không?
Không một ai phải đương đầu với nhiều thách thức như tôi, trong khi tôi vẫn làm việc cật lực bất chấp những khó khăn đó.
- Quả có thế, thưa ngài. - Tôi trả lời, thả lỏng người trên ghế và gật đầu. - Ngài đã phải chịu đựng tất cả những điều đó.
Bud lại đứng dậy và bắt đầu đi lại trong phòng.
- Tôi bị coi là không toàn tâm trong công việc, không tích cực hợp tác và thậm chí là còn gây khó khăn cho mọi người trong dự án. Tất cả những điều đó là sự thật và đó là vấn đề lớn. Nhưng còn có một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, và đó là vấn đề mà cậu và tôi sẽ bàn hôm nay.
Tôi hoàn toàn bị thu hút bởi những điều Bud sắp nói.
- Đó là việc tôi đã không thể nhận thức được vấn đề mà mình đang gặp phải. - Bud dừng lại một lát, rồi hướng về phía tôi và nói chậm rãi từng tiếng một. - Chắc chắn không thể có bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề thiếu cam kết trong công việc của tôi nếu tôi không tìm ra giải pháp cho vấn đề lớn hơn đó.
Đột nhiên, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Tôi đã bị cuốn theo câu chuyện của Bud mà quên mất dụng ý của ông đằng sau đó. Rõ ràng, câu chuyện này là dành cho tôi. Hẳn ông ấy đang nghĩ rằng tôi gặp phải một vấn đề lớn. Đầu óc tôi bắt đầu chạy đua với sự lo lắng khi giọng nói của Bud tiếp tục vang lên.
- Cậu biết không Tom, những nhà triết học gọi sự mù quáng bướng bỉnh mà tôi đã thể hiện ở San Francisco là “sự tự lừa dối”. Còn ở Zagrum này chúng ta gọi nó bằng một danh từ riêng biệt là “nhốt mình trong hộp”. Nghĩa là, khi chúng ta tự lừa dối tức là ta đang tự “nhốt mình trong hộp”.
- Rồi cậu sẽ hiểu rõ hơn về khái niệm này. Trước hết, như cậu thấy đấy, ở một góc độ nào đó, tôi đã bị “mắc kẹt” trong chính kinh nghiệm của mình ở San Francisco . Sở dĩ như thế là do tôi đã không hề nghĩ rằng mình đang có vấn đề. Tôi chỉ nhìn mọi thứ từ góc độ của mình và chối bỏ thẳng thừng những góp ý của mọi người xung quanh. Vì thế mà tôi đã “nhốt mình trong hộp” - hạn chế, kín mít và mù lòa. Cậu có hiểu không?
- Có chứ, tôi hiểu ngài đang nói gì. - Tôi hưởng ứng trong sự cuốn hút của câu chuyện.
- Không có gì phổ biến hơn sự tự lừa dối của cá nhân trong các tổ chức. Từ kinh nghiệm làm việc của mình, tôi có thể chắc chắn là cậu cũng đã từng nhìn thấy vô số người như vậy.
Đúng thật chẳng hề khó để nhận ra một người như thế. Tôi nghĩ ngay đến Chuck Staehli, giám đốc điều hành cũ của tôi. Ông ta là một người đơn giản và có phần hơi ngốc nghếch. Thế nhưng ông ta lại không coi trọng ai ngoài bản thân mình.
- Vâng, tôi có biết một người như vậy.
- Tốt, vậy cậu có nghĩ rằng anh ta biết mình đang có vấn đề không?
- Không, tất nhiên là không rồi.
- Đúng như vậy. - Bud nói. - Con người chúng ta luôn chối bỏ sự thật là mình đang có vấn đề. Đó gọi là sự tự lừa dối bản thân. Đây là một hiện tượng phổ biến và trở thành nguyên nhân gây tổn thất lớn nhất trong các tổ chức.
Bud đặt hai tay lên thành ghế và tựa lưng vào ghế.
- Cậu còn nhớ mấy phút trước tôi đã bảo rằng cậu nên biết về vấn đề cốt lõi của ngành khoa học nhân văn không?
- Có, thưa ngài.
- Thì chính là nó đấy. Sự tự lừa dối - chiếc hộp - là vấn đề đó.
Bud ngừng lời, nhìn thẳng vào tôi một hồi lâu rồi nói bằng giọng thân tình:
- Tom ạ! Tại Zagrum này, mục tiêu mang tính chiến lược hàng đầu của chúng ta chính là hạn chế thấp nhất sự tự lừa dối ở cả phương diện cá nhân lẫn tổ chức. Và để giúp cậu hiểu được vì sao nó lại quan trọng với chúng ta như thế, tôi sẽ phải kể cho cậu nghe một câu chuyện tương tự trong ngành y tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét