Home » » P06: Tập ảnh “dựa hơi”

P06: Tập ảnh “dựa hơi”

Tập ảnh “dựa hơi”
Lâu lắm tôi mới gặp một người bạn. Anh mời tôi về nhà chơi. Bước vào nhà anh, tôi không thể không nghiêm trang ngắm mấy bức ảnh cỡ lớn chụp anh đang bắt tay mấy vị lãnh đạo.
Ảnh nào cũng thấy anh hai bàn tay nắm chặt tay vị lãnh đạo, mặt cười rạng rỡ nhìn vào ống kính, khó có thể lẫn được với ai. Thấy tôi thộn người ngắm ảnh, đầy vẻ kính nể, anh chặc lưỡi:
- Treo vài cái gọi là. Trong này đầy!
Anh dúi vào tay tôi tập an-bum to. Trông tập ảnh đồ sộ sang trọng quá, tôi ngần ngại. Anh giục:
- Xem đi! Giá trị lắm!
Nể quá, tôi phải giở ra xem. Đúng là một tập ảnh có giá trị... dựa hơi. Hầu hết là ảnh anh đứng cùng các vị lãnh đạo cấp thành phố trở lên. Có vẻ toàn những hội nghị quan trọng, bởi vì ai cũng com-lê ca-vát, với khăn bàn, lọ hoa cả. Có lắm bức như anh đứng bên các vị ấy trong dịp hiếu hỉ, thăm hỏi cưới xin gì đó.
Đúng là một tập ảnh chân dung giá trị! Khi thì long lanh đôi mắt ngưỡng mộ nhìn vào vị lãnh đạo đang bước tới; khi thì chắp tay cúi đầu cùng mấy người đang nghe một ông lớn nói gì đó; có lúc lại hớn hở nhìn vào miệng một vị đang cười... Ai có được bộ ảnh vẽ ra được “thần thái” một con người như thế!
LÊ DÂN (Hà Nội) 
===========================
Ấp văn hóa làm gì có trộm!
Thời gian qua ở địa bàn x X thường xuyên bị mất... chó. Mặc dù đã có nhiều khổ chủ cố truy tìm thủ phạm nhưng danh sách những chú khuyển ra đi không bao giờ trở lại cứ ngày càng dài ra, và tất nhiên những tên trộm... “cẩu” vẫn ung dung ngoài xã hội.
Tuy nhiên, đi đêm có ngày gặp ma, một đêm nọ, tên đạo chích phải chạy thục mạng để lại hiện trường một chiếc xe gắn máy! Chú A khổ chủ kể lại: Khoảng 11 giờ đêm, chú đang ngủ bỗng nghe tiếng chó sủa dồn dập, nhưng sau đó thì chú cẩu im bặt, sinh nghi chú ra sân thì phát hiện chú cẩu của mình nằm bất động bên gói cơm. Trở vào nhà, chú lấy dây kẽm cột vào cổ chó rồi cột chặt vào gốc cây gần đó. Chú “báo động” cho cả nhà để chuẩn bị bắt tên trộm. Khoảng 30 phút sau, có tiếng xe máy dừng lại cách nhà chú khoảng 20 mét. Qua bóng đêm lờ mờ, tên trộm lần mò ôm con chó, nhưng bị cọng dây kẽm giữ lại, cùng lúc đó cả nhà “xung phong” vào tên trộm. Nhờ kinh nghiệm dày dặn tên trộm vùng vẫy và chạy thoát, nhưng hắn phải để lại một chiếc xe máy “cánh én”...
Việc kế tiếp là công an xã ấp đến lập biên bản và thu hồi chiếc cánh én đem về ủy ban để điều tra. Không tròn một ngày mà công an xã đã biết được chủ nhân của “cánh én” là một thanh niên sống tại ấp C thuộc xã nhà. Và chỉ vài ngày sau vụ trộm thì “cánh én” đã trở về với cố chủ, hàng đêm nó vẫn gầm rú để sáng ra ai đó rầu rĩ “con Vện của tôi mất đêm qua rồi!”
Qua vụ trộm chó trên nhiều người thắc mắc: Không lẽ pháp luật không nghiêm nên chính quyền xã X mới tha kẻ trộm? Hay tên trộm có ô dù? Và người bảo kê đó là ai? Tất cả các thắc mắc trên đều sai. Vì có một viên chức tiết lộ rằng: “Sở dĩ xã không xử lý tên trộm là vì tên trộm ngụ tại ấp C, mà ấp C là ấp được tuyên dương là ấp văn hóa tháng rồi, mà đã là ấp văn hóa làm gì có kẻ trộm?” (!?)
TRUNG NHÂN (Tiền Giang)
==============================
Lộ cả rồi, bác sĩ ơi!
Trường dạy lái xe lại về huyện “mở khóa” đúng lúc bên cảnh sát mở chiến dịch soát bằng lái bắt rát. Như chết đuối vớ được phao, tôi cùng đám dân huyện chưa bằng cuống cuồng đi hỏi thủ tục làm hồ sơ.
Tiền hồ sơ, chụp hình, học phí và phí “chống rớt” là 350.000đ! Tính ra thóc thì đắt nhưng đổi lấy “đỗ” lại rẻ. Riêng chỉ có cái giấy sức khỏe với tôi mới là bài toán khó. Vì nếu không may gặp bác sĩ giỏi khám, chưa chắc ông đã chịu chứng là tôi chỉ có năm thứ bệnh (tim, thận, áp huyết, tai ù, mắt mờ...) mà lại còn cố tìm giúp tôi vài thứ bệnh nữa là khác. Tôi tâm sự nỗi lo với dân xóm, nhưng ai cũng động viên tôi đừng quá bi quan. Có người còn mạnh miệng trấn an tôi: “Cứ đi khám mới biết. Bác không nghe là mấy ông bác sĩ huyện ta bói bệnh luôn trật nhiều hơn trúng!”. Nghe mãi cũng xuôi tai nên tôi quyết định sẽ đến bệnh viện với những mong được khám... trật.
Phòng khám có gần cả trăm con người đang vã mồ hôi chen nhau. Trong phòng, bốn vị bác sĩ quẳng cả ống nghe sang bên để kịp viết, ký. Các cô y tá dàn hàng ngang làm lá chắn người nhưng không chửi ai, chỉ thấy chửi mèo chó và thời tiết...
Tôi cũng chen vào được phòng, nộp giấy ngay cho một vị bác sĩ. Ông này kéo tôi lại, mắt ngắm, tay ghi lia lịa rồi chuyển giấy cho một ông khác ký. Ký xong ông nọ lại chuyền cho bà kia đóng dấu. Nhìn dây chuyền khám sức khỏe làm việc, tôi hồi hộp quá. Mãi đến khi nhận được giấy tôi mới hết căng thẳng, vội chen ra đi một mạch về nhà. Trên đường về, tôi quyết định sẽ nói dối với dân xóm là mình bị khám rất kỹ (cho giấy có chất lượng).
Nhưng về xóm, hỏi ra tôi mới chưng hửng: thì ra mọi người đã biết cả, chẳng ai phải khám khiếc gì ráo!
Đ.DŨNG (Đắc Lắc)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét