Hiển thị các bài đăng có nhãn Công ty đá độ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Công ty đá độ. Hiển thị tất cả bài đăng

P07: Sao chưa... đập?

* Tai nghe: Sáng, chồng ra quán uống cà phê trước khi đến công sở, nghe người ta kháo nhau: khu mình sắp giải tỏa để xây khu phố mới, hiện đại hơn.
Vợ xách làn đi chợ cũng nghe xì xào rằng khu phố mình sẽ bị giải tỏa để xây chung cư. Con đến trường bị bạn bè hỏi nhà mày sắp giải tỏa phải không? Một đồn mười, mười đồn trăm, chả mấy chốc cả khu phố tôi đã rộn ràng chuyện nhà mình sắp giải tỏa.
* Mắt thấy: Một buổi sáng đẹp trời, có mấy anh thanh niên vác máy quay phim lăng xăng chạy tới chạy lui trong khu phố. Không ai bảo ai, y chóc rằng nhà mình sắp giải tỏa rồi, không chạy đường nào cả. Những kế hoạch vĩ mô âm thầm được thực hiện.
Khu phố tôi trước đây chỉ có 40 hộ gia đình, thế mà trong vòng chưa đầy một tháng đã đột ngột tăng lên hơn 50 hộ. Nhiều người “mất tích” mấy năm nay bỗng xuất hiện đột ngột cùng với một thế hệ tương lai. Nhân khẩu theo đó tăng lên không biết bao nhiêu mà đếm. Chị X con bác Bảy theo chồng đã ba năm, nay cùng chồng con trở về xin bố mẹ cái... chuồng heo cũ để làm nơi cư trú! Bốn đứa con trai của chú Tư nhanh chóng được cưới vợ và đều được cho ra riêng với mỗi đứa  khoảng 4m2. Và cứ thế, nhà ai có con trai thì cưới vợ, con gái thì gả chồng một cách nhanh chóng - thậm chí người thân, hàng xóm cũng chẳng cần phải biết - và đều được... tách khẩu, ở riêng trong một nhà hộp 4m2!
Khu phố cũng chộn rộn hẳn lên với không khí nhà nhà cùng xây, người người cùng dựng, trở thành một đại cộng trường mà chủ yếu để xây dựng công trình phụ hay tường rào rồi ngăn vách làm... nhà. Câu cửa miệng của mọi người lúc này là ai không xây là dại!”.
* Và cười: Chờ hoài chẳng thấy cơ quan chức năng nào xuống giải tỏa, trong khi nhà chật người đông nên cứ ra đụng vào chạm liên tục. Thế rồi chuyện mẹ chồng, nàng dâu cãi nhau; chị em dâu xích mích, anh em ruột vác dao rượt nhau chỉ vì vợ, hay vì con anh đánh con tui, sao bà cho đứa này nhiều, đứa kia ít, thậm chí vì người đông mà toa-lét chỉ có một, một và chỉ một mà thôi! Từ khu phố văn hóa, chẳng mấy chốc khu phố tôi trở thành một điển hình về cái sự ồn ào, mất an ninh trật tự của phường. Đến nước này thì câu cửa miệng của mọi người lại là “sao mấy ổng chưa xuống đập cho rồi, chứ thế này thì khổ quá!”. Mà cũng chẳng biết khi nào?
ĐINH NẶNG (Đà Nẵng)

P06: Tập ảnh “dựa hơi”

Tập ảnh “dựa hơi”
Lâu lắm tôi mới gặp một người bạn. Anh mời tôi về nhà chơi. Bước vào nhà anh, tôi không thể không nghiêm trang ngắm mấy bức ảnh cỡ lớn chụp anh đang bắt tay mấy vị lãnh đạo.
Ảnh nào cũng thấy anh hai bàn tay nắm chặt tay vị lãnh đạo, mặt cười rạng rỡ nhìn vào ống kính, khó có thể lẫn được với ai. Thấy tôi thộn người ngắm ảnh, đầy vẻ kính nể, anh chặc lưỡi:
- Treo vài cái gọi là. Trong này đầy!
Anh dúi vào tay tôi tập an-bum to. Trông tập ảnh đồ sộ sang trọng quá, tôi ngần ngại. Anh giục:
- Xem đi! Giá trị lắm!
Nể quá, tôi phải giở ra xem. Đúng là một tập ảnh có giá trị... dựa hơi. Hầu hết là ảnh anh đứng cùng các vị lãnh đạo cấp thành phố trở lên. Có vẻ toàn những hội nghị quan trọng, bởi vì ai cũng com-lê ca-vát, với khăn bàn, lọ hoa cả. Có lắm bức như anh đứng bên các vị ấy trong dịp hiếu hỉ, thăm hỏi cưới xin gì đó.
Đúng là một tập ảnh chân dung giá trị! Khi thì long lanh đôi mắt ngưỡng mộ nhìn vào vị lãnh đạo đang bước tới; khi thì chắp tay cúi đầu cùng mấy người đang nghe một ông lớn nói gì đó; có lúc lại hớn hở nhìn vào miệng một vị đang cười... Ai có được bộ ảnh vẽ ra được “thần thái” một con người như thế!
LÊ DÂN (Hà Nội) 
===========================
Ấp văn hóa làm gì có trộm!
Thời gian qua ở địa bàn x X thường xuyên bị mất... chó. Mặc dù đã có nhiều khổ chủ cố truy tìm thủ phạm nhưng danh sách những chú khuyển ra đi không bao giờ trở lại cứ ngày càng dài ra, và tất nhiên những tên trộm... “cẩu” vẫn ung dung ngoài xã hội.
Tuy nhiên, đi đêm có ngày gặp ma, một đêm nọ, tên đạo chích phải chạy thục mạng để lại hiện trường một chiếc xe gắn máy! Chú A khổ chủ kể lại: Khoảng 11 giờ đêm, chú đang ngủ bỗng nghe tiếng chó sủa dồn dập, nhưng sau đó thì chú cẩu im bặt, sinh nghi chú ra sân thì phát hiện chú cẩu của mình nằm bất động bên gói cơm. Trở vào nhà, chú lấy dây kẽm cột vào cổ chó rồi cột chặt vào gốc cây gần đó. Chú “báo động” cho cả nhà để chuẩn bị bắt tên trộm. Khoảng 30 phút sau, có tiếng xe máy dừng lại cách nhà chú khoảng 20 mét. Qua bóng đêm lờ mờ, tên trộm lần mò ôm con chó, nhưng bị cọng dây kẽm giữ lại, cùng lúc đó cả nhà “xung phong” vào tên trộm. Nhờ kinh nghiệm dày dặn tên trộm vùng vẫy và chạy thoát, nhưng hắn phải để lại một chiếc xe máy “cánh én”...
Việc kế tiếp là công an xã ấp đến lập biên bản và thu hồi chiếc cánh én đem về ủy ban để điều tra. Không tròn một ngày mà công an xã đã biết được chủ nhân của “cánh én” là một thanh niên sống tại ấp C thuộc xã nhà. Và chỉ vài ngày sau vụ trộm thì “cánh én” đã trở về với cố chủ, hàng đêm nó vẫn gầm rú để sáng ra ai đó rầu rĩ “con Vện của tôi mất đêm qua rồi!”
Qua vụ trộm chó trên nhiều người thắc mắc: Không lẽ pháp luật không nghiêm nên chính quyền xã X mới tha kẻ trộm? Hay tên trộm có ô dù? Và người bảo kê đó là ai? Tất cả các thắc mắc trên đều sai. Vì có một viên chức tiết lộ rằng: “Sở dĩ xã không xử lý tên trộm là vì tên trộm ngụ tại ấp C, mà ấp C là ấp được tuyên dương là ấp văn hóa tháng rồi, mà đã là ấp văn hóa làm gì có kẻ trộm?” (!?)
TRUNG NHÂN (Tiền Giang)
==============================
Lộ cả rồi, bác sĩ ơi!
Trường dạy lái xe lại về huyện “mở khóa” đúng lúc bên cảnh sát mở chiến dịch soát bằng lái bắt rát. Như chết đuối vớ được phao, tôi cùng đám dân huyện chưa bằng cuống cuồng đi hỏi thủ tục làm hồ sơ.
Tiền hồ sơ, chụp hình, học phí và phí “chống rớt” là 350.000đ! Tính ra thóc thì đắt nhưng đổi lấy “đỗ” lại rẻ. Riêng chỉ có cái giấy sức khỏe với tôi mới là bài toán khó. Vì nếu không may gặp bác sĩ giỏi khám, chưa chắc ông đã chịu chứng là tôi chỉ có năm thứ bệnh (tim, thận, áp huyết, tai ù, mắt mờ...) mà lại còn cố tìm giúp tôi vài thứ bệnh nữa là khác. Tôi tâm sự nỗi lo với dân xóm, nhưng ai cũng động viên tôi đừng quá bi quan. Có người còn mạnh miệng trấn an tôi: “Cứ đi khám mới biết. Bác không nghe là mấy ông bác sĩ huyện ta bói bệnh luôn trật nhiều hơn trúng!”. Nghe mãi cũng xuôi tai nên tôi quyết định sẽ đến bệnh viện với những mong được khám... trật.
Phòng khám có gần cả trăm con người đang vã mồ hôi chen nhau. Trong phòng, bốn vị bác sĩ quẳng cả ống nghe sang bên để kịp viết, ký. Các cô y tá dàn hàng ngang làm lá chắn người nhưng không chửi ai, chỉ thấy chửi mèo chó và thời tiết...
Tôi cũng chen vào được phòng, nộp giấy ngay cho một vị bác sĩ. Ông này kéo tôi lại, mắt ngắm, tay ghi lia lịa rồi chuyển giấy cho một ông khác ký. Ký xong ông nọ lại chuyền cho bà kia đóng dấu. Nhìn dây chuyền khám sức khỏe làm việc, tôi hồi hộp quá. Mãi đến khi nhận được giấy tôi mới hết căng thẳng, vội chen ra đi một mạch về nhà. Trên đường về, tôi quyết định sẽ nói dối với dân xóm là mình bị khám rất kỹ (cho giấy có chất lượng).
Nhưng về xóm, hỏi ra tôi mới chưng hửng: thì ra mọi người đã biết cả, chẳng ai phải khám khiếc gì ráo!
Đ.DŨNG (Đắc Lắc)

P05: Anh cứ hẹn... - Tôi nhập viện

Tôi sửa nhà, muốn dời đồng hồ nước từ phòng vệ sinh ra bếp, cách 1 mét. Theo hợp đồng đã ký với công ty Cấp nước trước đó, tôi phải mần đơn xin. Chị vợ tôi cười, bảo là máy móc, sao không kêu thợ một loáng xong ngay! Tôi cự.
Tôi đến công ty nộp được đơn, đương nhiên là phải kèm hợp đồng, hộ khẩu... Phòng quan hệ khách hàng nhận đơn xong, cho... cái hẹn: “Hẹn ngày 9, tháng 7 năm 2002, khách hàng có mặt tại hiện trường để cán bộ kỹ thuật của công ty đến khảo sát đo đạc, lập hồ sơ thiết kế dự toán”.
Ngày 9, tôi có mặt tại hiện trường, chờ từ sáng sớm đến chiều mà người đâu chẳng thấy! Ngày hôm sau, chàng cán bộ kỹ thuật vẫn “ Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé!”, tôi là khách hàng chứ bộ sếp sao? Sáng ngày 11, anh cán bộ đến, có than rằng quá bận, rồi ngắm nghía... hiện trường, ghi ghi chép chép...
- Anh giúp cho nhanh nhanh. Thợ nề thúc quá, họ còn lót gạch nền nữa.
- Đâu có thể nhanh được! - Anh ta lạnh lùng.
Tôi lại được hẹn ngày 22 đến công ty để biết chi phí việc dời đồng hồ nước. Còn khi nào đồng hồ được dời thì có cái... hẹn nữa!
- Tôi phải tới buổi sáng hay buổi chiều vậy anh?
- Thì cứ tới đi.
Nói rồi anh ta phóng xe dzọt. Đúng là quá bận!
Nói nhỏ các bạn nghe qua rồi bỏ. Ngay trưa ấy, tôi đành phải kêu thợ bắt nước, tiền công tất tần tật 49.000 đồng. Quá rẻ! Chỉ một loáng xong ngay.
LÊ KIM DŨNG (Đà Nẵng) 
==========================
Đấy là lần nhóm bạn thân thời phổ thông chúng tôi tổ chức họp nhóm ở nhà cậu lớp trưởng. Cậu Minh còi - bợm chính hiệu, mang đến mấy cà mèn tiết canh vịt thơm phức.
Lâu ngày gặp nhau, bọn con trai hè nhau uống rượu một bữa cho đã đời, không khí buổi họp mặt càng “ấm” hơn khi tôi uống hơi bị quá chén. Tan cuộc, khoảng 10 giờ đêm, tôi lết về đến nhà rồi chả biết gì nữa.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở trong phòng cấp cứu... bệnh viện. Hỏi ra tôi mới biết vợ và bà con đưa tôi vào đây vì tôi bị... nôn ra máu. Vợ tôi kể lại:
- Lúc tối, anh về nhà được vài chục phút, nằm trên giường mà anh nôn ra máu quá trời. Em sợ quá, nhờ mọi người đưa anh vào đây.
- Bác sĩ đã khám anh chưa? - Tôi hỏi vợ.
- Khám rồi! Em nghe mấy cô y tá bảo là hình như anh bị xuất huyết dạ dày đấy! Đang chuẩn bị siêu âm, nội soi gì nữa đó anh!
- Thôi anh không sao đâu! Anh không bị xuất huyết dạ dày mà là rượu chát Đà Lạt đấy. Lúc chiều bạn anh làm xong “tập” đế thì đến “tập” chát Đà Lạt với tiết canh vịt.
Vợ tôi không tin còn đi hỏi bác sĩ để “kiểm tra thông tin” của tôi xem có thật không. Thật là bữa họp nhóm nhớ đời!
NGUYỄN TẤN PHÁT (Quảng Ngãi)
============================
Công ty... đá độ!
Ngày 23-4-2002 vừa qua, sau khi xem phương án kinh doanh thật bùi tai “Chọi gà là môn thi đấu truyền thống của dân tộc cần phát huy”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp liền ấn chỉ cấp giấy chứng nhận cho công ty TNHH thương mại và dịch vụ Danh Doanh - gọi tắt là DADOCO (người lẩn thẩn dễ đọc là... đá độ!) được phép kinh doanh các ngành nghề: “Ăn uống, đua chó, chọi gà, thi chim , đá dế”.
Ngay sau khi có được lá bùa hộ mệnh, hội đồng thành viên (đông tới... hai người) liền đưa vào hoạt động và nhanh chóng nổi đình nổi đám, thu hút ngày càng đông người. Những tay “có tính đam mê chơi gà chọi” ở khắp các trường gà chui lẻ tẻ xung quanh ở các bến xe ôm đều râm ran bàn tán về “trường độ” này. Không khí thật sôi nổi, chỉ có những tay nghiện món mồi gà xác ở các trường gà chui lẻ tẻ mới cảm thấy buồn vì mất đi cơ hội...
Giải trí đâu chẳng thấy chỉ thấy toàn độ là độ làm cho cả ấp Hòa Thuận, xã Hòa An, TX Cao Lãnh ngày thêm hỗn loạn: một số người dân bỏ ruộng rẫy lao vào, nhiều học sinh bỏ trường bỏ lớp kéo tới coi... Chịu riết không nổi nên bà con bắt đầu phản ứng. Từ dân đến xã, rồi từ thị xã lên tỉnh (có công văn hẳn hoi). Rồi báo chí cũng vào cuộc rất quyết liệt.
Thế là sau một thời gian nổi đình nổi đám, DADOCO đành phải đóng cửa vì bị UBND tỉnh quyết định rút phép. Nghe tin sẽ rất nhẹ nhõm nếu đừng đọc thấy câu “giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để thỏa thuận bồi hoàn”...
Cho rồi rút (không cho), rồi đền, rồi... Chắc chắn Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp sẽ rút kinh nghiệm để làm lại.
LÙNG BÙNG (Đồng Tháp)
 

P04: Cái hôn... trời cho - Món quà từ Mỹ

Cái hôn... trời cho
 Cuối năm 1974, vào một đêm nọ hơn 10 giờ, tôi mới từ cứ U Minh về tới gia đình cơ sở quen biết tại xã Tân Lợi (huyện Thới Bình - Cà Mau bây giờ). Để giữ bí mật, nên chị chủ nhà chỉ hỏi nhỏ ít câu rồi bảo đứa con trai chừng 11-12 tuổi vô buồng nằm với mẹ để giường cho tôi ngủ.
Khoảng 3 giờ sáng, lúc tôi đang ngon giấc thì bỗng có tiếng lay gọi. Theo phản xạ tự nhiên, tôi định tung mền vùng dậy thì nghe tiếng con gái thì thào:
- Cô Tư đây Út! 
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì bỗng thấy có bàn tay mềm mại vỗ nhẹ lên đầu tôi rồi “cô Tư” cúi xuống hôn lên đầu tôi cái chụt! Thú thật lúc đó tôi... mềm nhũn cả người không dám hé răng “ừ hử” lấy một lời. Bỗng trong buồng tiếng chị chủ nhà khe khẽ đằng hắng:
- Tư ơi, em lầm rồi, cháu nó đang ngủ đây với chị còn đó là chú bộ đội hồi đêm về khuya...
Nghe tới đây cô gái la nho nhỏ “Trời đất ơi!” rồi lật đật đứng dậy, chạy ào ra cửa biến mất. Tôi thì im re luôn! Đến sáng chị chủ nhà kể:
- Cô Tư đó là em chồng tôi, làm giao liên. Cổ thương thằng Út lắm, lần nào tạt nhà cũng nựng nịu nó một hồi mới đi! Con Tư nó mới 25 tuổi, đẹp gái lắm, giải phóng rồi tìm về đây tôi làm mai cho!
Lúc ấy trong lòng tôi sướng rơn bởi... khi không mà được nhận nụ hôn đầu đời của người con gái, nhưng ngoài mặt tôi thì... đỏ như trái sơri chín vậy!
DIỆP TÂN (Đắc Nông)
==============================
Món quà từ Mỹ
Năm 1987, gia đình tôi sống ở Túc Trưng (Định Quán). Gia cảnh quá khó khăn. Thấy con cái đến trường mà quần áo cũ mèm, vá chằng chịt, lòng tôi đau như muối xát. Chợt nhớ tới bà chị cả ở bên Mỹ, con cháu của bà khá đông, chắc chúng nó dư thừa đồ cũ. Nghĩ vậy nên tôi viết thư xin đại!
Thư tôi gởi đi đầu tháng tư, có dặn rõ đồ gởi về theo địa chỉ chị Sáu tôi ở P.12, Q. Phú Nhuận, TP.HCM... Giữa tháng 6, tôi nhận được điện tín từ Phú Nhuận gởi lên, ghi rõ: “Em xuống nhà chị nhận mười bao quà bên Mỹ gởi về”.
10 giờ sáng hôm sau, vợ chồng tôi hớn hở có mặt tại nhà chị Sáu. Thấy tôi ôm cái bao bố bự xự, chị hỏi: “Bộ cậu mợ chở đậu hay bắp xuống bán xong rồi hả?”. “Đâu có. Bắp đậu chưa thu hoạch mà”. “Vậy cậu mày ôm bao bố theo làm gì?”. “Thì mười bao quần áo cũ chị Hai cho, chẳng lẽ lấy dây cột chùm lại!”.
Chị trố mắt nhìn tôi, rồi đột nhiên ôm bụng cười sặc sụa, vợ chồng tôi ngơ ngác nhìn chị: “Thánh thần ơi! Cậu mày cũng có ăn học, bộ không biết mười “bao” của Mỹ chỉ bằng 4,5 ký lô hay sao?!”. Đến lượt tôi bật cười. Vợ tôi cũng cười. Ba chị em cười nôn ruột.
Chị Sáu lấy thùng hàng trao cho tôi. Bên hông thùng có ghi là 10 pounds (1 pound = 450gr). Bấy giờ tôi mới nhớ mang máng trọng lượng đo lường của Mỹ khác xa với ký lô của Pháp. Mà “ông” bưu điện nào đó không ghi chữ pound mà lại viết chữ “bao” quái ác thế.
Tôi ôm thùng đồ về nhà, con tôi ngây thơ hỏi: “Ủa, tới mười bao mà ba má bán gần hết rồi sao?”... Thế là thêm một trận cười. Ôi, món quà từ nước Mỹ!
NGUYỄN VĂN TÁM (TP.HCM) 
===========================
Bằng lái xe “bao đậu”
 Là chủ kinh doanh vật liệu, tôi phải thuê một số “đệ tử”, phát mỗi đứa một chiếc xe gắn máy 100 phân khối làm phương tiện đi giao hàng. Ngặt nỗi chẳng đứa nào có cái bằng lái xe lận lưng, sợ có ngày bị... công an vịn, tôi quyết định bỏ tiền ra cho tụi nó thi lấy “giấy phép lái xe, môtô hai bánh”.
Nghe bạn bè chỉ trỏ, tôi đến một điểm đăng ký thi lái xe “bao đậu”, có nghĩa là cứ đóng tiền, đến ngày thi có mặt là... đậu, dù có mắt toét, mắc kinh phong gì cũng “Đủ sức khỏe lái xe trên 50 phân khối”.
Đúng ngày thi, tôi dẫn đám lâu la “Bùi Kiệm” lên đường ứng thí. Vòng một thi lý thuyết luật giao thông, giám khảo gọi tên từng người vào phòng thi. Ở ngoài, bụng tôi đánh lô tô bởi tụi nó có đứa đánh cái dấu chéo (x) cũng chưa chắc biết đánh. Vậy mà thi xong tụi nó ùa ra cười toe toét khoe với tôi: “Dzui lắm chú ơi, có cái ông đứng sau lưng chỉ con gạch chút xíu là xong, còn thằng kia nó không biết viết hư giấy thi hoài, tức mình ổng viết giùm luôn, nó chỉ ký tên thôi...”. Hú hồn, kết quả đứa nào cũng... đậu phần thi Luật Giao thông đường bộ! Đến vòng hai thi lái xe trong hình số 8, tụi nó “khớp” hay sao mà chạy cà xiên cà xẹo, không lấy chân chống chắc xe đổ ngang. Nhưng rồi mươi ngày sau, đám “đệ tử” của tôi đều có cái thẻ “Giấy phép lái xe môtô” hạng A1. Từ ngày dắt mấy đứa đi thi lái xe “bao đậu” đến bây giờ mỗi khi ra đường, tôi luôn tuân thủ luật giao thông, đi đứng “kính trên nhường dưới”, vì chung quanh tôi biết đâu chả có cánh lái xe “bao đậu” như đám Bùi Kiệm nhà tôi? Thôi thì tự “kíu” mình là thượng sách!
ĐOÀN XUÂN HÒA (Quận 9)



P03: Tại ông... báo Cười! - Làm chủ gia đình

Tôi có hai thằng con trai, đứa lớn đang học lớp 9, đứa nhỏ mới học lớp 7. Cả hai đứa giống tôi từ hình dáng đến tính tình, nhất là tụi nó mê báo TTC  y hệt tôi!
Lần nào cũng vậy, hễ có báo TTC là ba cha con chùm nhum lại xem và cùng cười một lượt. Vừa rồi, có “hàng” TTC mới nhưng tôi bận công việc (tiếp khách xa tới nhà chơi) nên hai đứa nhỏ tha hồ “mần thịt” tờ báo trước!
Tui ngồi tiếp khách nhà trên mà nghe rõ mồn một tiếng hai anh em tụi nhỏ cười giòn tan... Thú thiệt là tui cũng có... bậm gan gửi chơi mấy bài cho báo, nên càng nghe tụi nó cười tui càng nôn nóng hơn, nhưng đành để tụi nó xem trước, dằn cái “ganh” của mình xuống (mình là cha mà!).
Hồi lâu, tôi nghe anh em nó nói cái gì là lạ:
- Nhỏ này tóc dài mà eo lớn! Còn nhỏ này tóc ngắn mà eo nhỏ... Sai rồi!!!
- Nhỏ này chân dài! Nhỏ đó chân ngắn mà bự, hổng phải!!!... Nhỏ này nè!...
- Ê! Trật rồi! Cái mông này to, mông đó nhỏ...
Tôi đang thắc mắc trong bụng thì nghe tiếng bà xã tôi la lớn, rồi tiếng xô ghế ngã... Hóa ra bà xã tôi nghe hai thằng nhỏ nói bậy liền đứng dậy cầm cái chổi lông gà vụt cho mỗi đứa một roi đau điếng. Thằng nhỏ chạy ra ngoài khóc, còn thằng anh thì tay cầm tờ báo, tay ôm bụng cười lăn lộn.
Truy thì mới rõ trong tờ TTC (số 262 ra ngày 1-5-2004) ở trang “Tiệm tạp hóa H.C.N”, mục Thách đố, họa sĩ CEL có vẽ 10 cái hình và 30 cái bóng của Linda Kiều. Hai thằng con tôi, cố nhìn từng chi tiết nhỏ để so sánh và tìm cho ra những cặp hình nào giống nhau nhất, chứ có nói gì bậy bạ đâu! Thế mà chúng phải chịu đòn thật oan uổng!
Bắt đền... TTC mới được!
NGUYỄN VĂN THẮM (Đồng Nai)
===========================
Làm chủ gia đình
Ngày tôi sắp làm đám cưới, nghe bạn bè xúi, tôi liền đi coi bói. Tính tôi không mê tín, nhưng nghe thằng bạn hăm cũng ớn: “Mày mà hổng nhờ thầy coi, hổng khéo con vợ mày ngồi lên đầu mày đó!”.
Sau khi phân tích đủ điều về duyên số hai đứa, ông thầy mách cho tôi một mánh nhỏ để nắm quyền làm chủ gia đình, khỏi sợ ai cỡi lên đầu, lên cổ.
Ông thầy ghé tai tôi dặn nhỏ... Tôi gật đầu, thật không ngờ để làm chủ được gia đình cần thực hiện một việc quá đơn giản.
Ngày rước dâu, từ trên xe hoa xuống, tôi ôm eo nàng nhẹ bước. Còn khoảng năm trăm mét đường bờ ruộng nữa thì tới nhà, bỗng nàng bứt khỏi tay tôi vượt lên! Tôi vội níu tay nàng: “Em bị sao vậy?”. “Em đau bụng quá!”, nàng đáp vội rồi chạy tiếp. Tôi lập tức tăng tốc đuổi theo nàng.
Hai chúng tôi bỏ hết hai họ phía sau, chỉ văng vẳng nghe: “Chắc bữa trưa bị ngộ độc thức ăn, Tào Tháo đuổi rồi!”. Vào đến sân tưởng nàng quẹo ra... ao cá vồ, ai dè nàng xô cửa vào buồng cô dâu, đến bên chiếc giường cưới ngồi phịch xuống. Lúc đó tôi mới sực nhớ tới lời thầy bói, liền chạy tới đầu giường định ngồi xuống thì nàng, nhanh như cắt, xô phắt tôi qua một bên, chiếm ngay chỗ tôi định ngồi! Hai chúng tôi nhìn nhau sửng sốt. Tim tôi đập thình thịch và tai tôi nghe rõ tiếng thở hổn hển do cuộc chạy thi nước rút của nàng.
Đêm tân hôn đến trong lúc má sát vai kề, tôi mới thủ thỉ hỏi nàng:
- Sao hồi nãy em chạy vội thế?
Nàng cười khì thật thà:
- Mấy bữa trước em đi coi bói, thầy dặn muốn làm chủ gia đình thì khi cô dâu chú rể về tới nhà, cô dâu phải là người đầu tiên ngồi vào vị trí đầu giường cưới.
Nghe xong tôi cười phá ra...
BÍ BO (Nam Định)
===========================
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn?
Ở một tổ dân phố nọ, bà con được kêu gọi phải lắp đặt hệ thống nước máy gấp. Dân cư ở đây suốt mấy chục năm qua đều xài nước giếng khoan, nhưng thời gian gần đây do nguồn nước bị ô nhiễm, sức khỏe của bà con bị ảnh hưởng.
Theo đề nghị của bà con, bác tổ trưởng dân phố đã tình nguyện nhận nhiệm vụ “lên thành xuống quận” để làm khế ước và “rước” thợ về làm. Thợ về, từng nhóm một, hết thợ cắt bê-tông, đến thợ đặt ống nước, và sau cùng là thợ san lấp mặt bằng. Dù hợp đồng với đơn vị thi công đã có chữ ký rành rành, nhưng các ông thợ vẫn thay phiên nhau viện lý do.
Đầu tiên, thợ khoan cắt làm được một đoạn thì bảo lưỡi cưa hỏng rồi, te rẹt dọn đồ, bảo về lấy lưỡi khác, thay vì có thể cho người phóng xe máy mươi mười lăm phút để lấy đồ nghề. Bác tổ trưởng hiểu ý ngay, đành bấm bụng nói: “Thôi, mấy chú ráng, các em ở đây chở các chú về công ty lấy đồ, với lại bà con sẽ bồi dưỡng mà!”. Đoạn sau nói nhỏ hơn, nhưng “Eureka!” ngay. Các ông thợ vui vẻ ra mặt, và lưỡi cưa lại... tự bình phục chạy xoèn xoẹt, không có biểu hiện nào bị hỏng cả. Tất nhiên sau đó, các ông được “hậu tạ” chu đáo, không chỉ cà phê, thuốc lá, ăn trưa, mà cả phong bì nữa.
Thứ hai, ông thợ đặt ống nước đến. Các ông đo đo nghía nghía một hồi, rồi bảo: “Dư rồi, hợp đồng ghi chỉ làm 99 thước mà đo thấy tới 101 thước, phải về trển xin ý kiến”. Thấy các ông ngoe nguẩy thu xếp đồ nghề, bác tổ trưởng dịu giọng: “Các chú coi, trên công ty đã về đo rồi, chính xác là 99 thước. Các chú cố giúp cho bà con nhờ. Mà có dôi dư chút đỉnh thì bà con cũng không để các chú bị thiệt đâu!”. Câu nói này quả là thần dược. Các ông lại lôi đồ nghề ra, và quả thật chỉ có 99 thước. Hai thước tưởng tượng được xóa bằng mấy cái phong bì.
Thứ ba, thợ san lấp xuống. Ôi thôi đường sá bầy hầy vô kể, đất cát tung tóe, bụi mịt mù. Các thợ làm một chập thì bảo: “Hết xi-măng rồi. Ở đây bê-tông dày quá, vượt kế hoạch, anh em lấy đâu đắp vào đây?”. Câu hỏi mà cũng là mệnh lệnh, bác tổ trưởng lại cười rất tươi: “Thì trăm sự cũng nhờ các chú, chứ thế này thì ban điều hành chúng tôi bị bà con rầy chết! Mà các chú yên tâm đi, có gì chúng tôi nói lại với anh X. trên công ty cho. Chỗ tôi với ảnh là bạn bè cả mà!”. Câu này cũng công hiệu thật, còn hơn thuốc tiên nữa. Các thợ làm có siêng năng hơn, nhưng vẫn ra chiều quăng ném lắm, cho đến khi có mấy hộp cơm nóng hổi cùng những ly cà phê mát lạnh đem tới, và vui nhất là lúc mấy ổng được gửi những lời cảm ơn nồng nhiệt bằng mấy tờ giấy xanh xanh.
Ôi! Người ta nói chẳng sai: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!”. Nếu bác tổ trưởng không biết đi trước cái bước ngàn vàng ấy, không “tùy cơ ứng biến”, mà “linh động” thì... trâu chậm uống nước đục (mà không có nước lấy đâu ra nước đục!?).
MÃ HI NHI (TP.HCM)


P02: Sái quai hàm - Kỳ ngộ! - Bắt tại trận

Sái quai hàm
 Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, khi tôi là một sinh viên địa chất mới ra trường. Là lính mới nên đứa nào cũng háo hức lập chiến công. Trong một chuyến thực địa dọc theo một dòng suối, dừng chân bên một cái thác nhỏ, đá lộ ra rất đẹp.
Tôi đo đạc và cố gắng đập đá để thu thập mẫu vật, bất ngờ một hàm răng rơi từ khe đá ra. Tôi nhặt hàm răng, tim đập thình thịch, nghĩ thầm: “Chắc Trời thương người chăm chỉ nên chỉ điểm mình trúng chóc như vầy!”. Đây có lẽ là răng của người tiền sử, bị chôn vùi ở đây hàng chục vạn năm nên nó bị đen xỉn.
Tôi cẩn thận dùng bông lót, ghi “êtikét” với dòng chú thích xác định “Hàm của người vượn hóa thạch”, gói giấy và bí mật giấu tận đáy ba lô sau khi  đã nhìn trước ngó sau cẩn thận.
Hết chuyến lộ trình, trở về đoàn bộ, tôi hí hửng đem đến trình với thủ trưởng đoàn địa chất (với mục đích lấy thành tích cá nhân). Nhận và ngắm nghía mẫu vật một lát, thủ trưởng mỉm cười và bảo tôi đem đi cọ rửa. Càng cọ, hàm răng càng trắng bóng ra... Hóa ra đây là một bộ hàm răng giả của ai đó!
Thủ trưởng tay phải cầm bộ răng giả, còn tay trái đưa lên mồm lấy ra một bộ hàm giả và đặt hai cái sát nhau. Trông chúng cứ như anh em sinh đôi vậy!
Tôi ngượng chín cả người, há hốc mồm đến sái... quai hàm, chẳng nói được câu gì vì cái kết luận vội vàng thiếu khoa học và non nghề của mình!
 Kỳ ngộ!
Anh bạn tôi là nhà khoa học, bộ dạng cũng điển trai nhưng đã gần hết ngưỡng U50 đến nơi mà vẫn chưa vợ. May mắn sao, gần đây có cô văn thư trẻ, mới vào nghề, đem lòng yêu anh. Anh chàng cù lần, giỏi chuyên môn khoa học, chứ quan hệ xã hội thì vụng đủ đường.
Trước người yêu, anh cứ lúng túng như một cậu học trò dốt bị gọi lên bảng vậy. Ấy thế mà cô văn thư lại lấy làm vui thích và yêu anh hơn. Cô dẫn anh đi chơi, trang bị cho anh “hâm” các kiến thức giao tế đời mới, cập nhật cả cho anh các chiêu thức tỏ tình, chăm sóc người yêu, làm quen với bạn bè…, tóm lại là tất tần tật, và cuối cùng là cô dẫn anh về giới thiệu với song thân.
Nhà cô ở cách cơ quan họ làm việc tới 20 cây số. Bữa đó anh rất hồi hộp, ăn mặc cứ như là đi dự hội nghị quốc tế, râu ria tóc tai đã chỉnh chu trước đó vài ngày. Khi bà mẹ ra mở cổng, cô chỉ vừa cất lời giới thiệu “Đây là mẹ em!” thì bỗng nhiên anh tái mặt trợn mắt, lắp bắp không ra hơi. Còn mẹ cô cũng tròn xoe mắt giật lùi lại, không cất nổi một lời. Sau vài giây tím tái, anh líu quíu: “Tôi... xin lỗi... tôi... tôi xin phép!...”. Thế rồi anh lập cập nổ máy quay xe, dông thẳng mặc cho cô văn thư vừa đuổi theo anh vừa khóc...
Ôi, quả là sự đời trớ trêu cho anh: mẹ nàng lại chính là bạn học thời phổ thông của anh. Không những thế, trước đây cô ta đã từng cảm mến anh đến độ bỏ cả sĩ diện con gái để “cọc tìm trâu” nhưng đã bị anh... cự tuyệt đến cùng!
Cho đến nay, chúng tôi vẫn cố tìm cách để hàn gắn họ lại với nhau mà chưa được!
Bắt tại trận
 Ngày ấy, vợ tôi là giáo viên nên chúng tôi được phân ở tạm một căn phòng 12m2 trong khu nhà tập thể cấp 4 của trường. Là thanh tra giáo dục nên tôi thường xuyên đi công tác vắng.
Lần ấy, tôi dự tính cuối tuần mới về được, nhưng rất may là công việc suôn sẻ nên chiều thứ năm xong việc. Tôi đạp xe gần 20km về đến nhà thì cả khu tập thể đã chìm trong giấc ngủ.
Định làm vợ bất ngờ, tôi dựng xe trước cửa và sắp lên tiếng gọi thì chợt nghe có tiếng một đôi nam nữ nói chuyện ở bên trong, lúc to nhỏ thì thào, lúc rì rầm khúc khích. Tôi giận run người, máu ghen bừng bừng nổi lên. Thì ra cô nàng tưởng cuối tuần mình mới về, cho nên... Hừ! To gan thật!
Tôi nhanh chóng phác ra kế hoạch để bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ. Vòng ra sau nhà, tôi rón rén bê hòn đá thật to để chặn cửa hậu, rồi chạy ra đằng trước tiện tay vơ luôn cái bơm xe gắn ở hông xe. Tay nắm chặt chiếc bơm xe, tôi tiến vào cửa giơ tay gõ nhẹ. Tiếng nói chuyện chợt tắt. Sau vài giây có tiếng nữ thì thào: “Hình như có người”. Tiếng nam: “Làm gì có ai?”.
Tôi gõ mạnh hơn, lại tiếng nữ khe khẽ: “Đúng là có người!”. Tiếng nam: “Để anh ra xem!”. Tôi mừng thầm: “Mày ra lại càng hay”. Cửa vừa hé mở, một cái đầu nam bù xù thò ra, ngay lập tức tôi mắm môi mắm lợi giơ cao cái bơm lên nện mạnh xuống đầu tình địch. Chỉ một tiếng “ối” và hắn ngã vật xuống. Tôi chưa kịp hoàn hồn sau cú tấn công ngoạn mục thì tiếng kêu trong nhà vọng ra “Cướp!... Cướp!”.
Chỉ ít phút sau cửa các phòng bật ra và gậy gộc xông đến. Tôi rối loạn cực độ, chân nặng như chì, đầu ong ong chả biết tính sao. Bỗng có tiếng... vợ tôi ở khu nhà bên cạnh la lớn: “Ôi! Các anh ơi đừng... đánh! Anh Hiển nhà em đấy! Anh Hiển ơi! Em ở đây cơ mà”.
Thì ra cách đây hai ngày, nhà trường đột ngột phân cho vợ chồng tôi căn hộ khác. Còn căn cũ của chúng tôi lại được phân cho đôi vợ chồng trẻ kia.
Báo hại, anh bạn trẻ kia đã phải nghỉ một tuần vì “quả ối” tôi tặng nhầm. Còn tôi suốt tuần lễ ấy cũng không dám ra ngoài vì mắc cỡ.
ĐẶNG QUANG (Ninh Bình)

P01: Công ty đá độ

Giới thiệu sách


Công ty đá độ
Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà xuất bản: Tủ sách Tuổi Trẻ - NXB Văn Nghệ
Năm xuất bản: 2008
Giá: 42.000 đồng
Giới thiệu:
“Chuyện ngộ nghĩnh” và “Tai nghe, mắt thấy và… cười” là hai chuyên mục ngay từ khi mới xuất hiện đã được nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ Cười yêu thích. Yêu thích, vì đây là hai chuyên mục được báo dành riêng cho bạn đọc viết, về chính mình và về cuộc sống chung quanh. Công ty… đá độ chính là tuyển tập đầu tiên của hai chuyên mục này, gồm các bài viết được tuyển chọn trên Tuổi Trẻ Cười trong ba năm 2002, 2003 và 2004. Tin rằng bạn đọc đã yêu thích Tuổi Trẻ Cười sẽ hài lòng với tập sách này.




Lời giới thiệu - Công ty đá độ
 “Chuyện ngộ nghĩnh” và “Tai nghe, mắt thấy và… cười” là hai chuyên mục ngay từ khi mới xuất hiện đã được nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ Cười yêu thích. Yêu thích, vì đây là hai chuyên mục được báo dành riêng cho bạn đọc viết, về chính mình và về cuộc sống chung quanh.
Người Việt mình nói chung đa số vốn lạc quan, hài hước, nói riêng về bạn đọc báo Tuổi Trẻ Cười thì cái máu tiếu lâm lại càng có nồng độ cao hơn. “Chuyện ngộ nghĩnh” và “Tai nghe, mắt thấy và… cười” đã đáp ứng được sở thích tự trào và cười châm biếm, phê phán những điều chưa hay trong xã hội của bạn đọc, nên đã được sự hưởng ứng rất mạnh của đọc giả trên cả nước.
Công ty… đá độ chính là tuyển tập đầu tiên của hai chuyên mục này, gồm các bài viết được tuyển chọn trên Tuổi Trẻ Cười trong ba năm 2002, 2003 và 2004. Tin rằng bạn đọc đã yêu thích Tuổi Trẻ Cười sẽ hài lòng với tập sách này.
NXB Văn Nghệ và Tủ sách Tuổi Trẻ