Đương nhiên là không phải đi ở đường phố Sài Gòn náo nhiệt, đông đúc, chật chội,mà ngay cả lề đường cũng chẳng còn chỗ cho khách bộ hành thong dong dạo bước.
Họ đang thả bộ cùng với nhau ở một phố thị tỉnh lẻ. Lẽ ra có thể kêu xích lô. Xích lô ở đây rất rẻ, một lần lên xuống xe tính giá hai ngàn đồng. Xa gần cũng thế. Nhưng nếu chở hai người thì giá gấp đôi.
Họ biết nhau không nhiều. Đôi khi hội họp, tổng kết cũng có gặp. Nghĩa là quen ở mức độ biết mặt, nhớ tên, biết chỗ làm. Và hết. Nên dứt khoát là không thể ngồi chung một chiếc xích lô được. Một nam một nữ, chẳng phải bạn bè, không phải người yêu, ngồi cọ xát thế, khó chịu lắm thôi. Mà đi mỗi người riêng một cái thì hóa ra xa lạ quá. Cũng kỳ. Dẫu gì cũng có tiếng là chung một đoàn (còn nhiều đoàn khác nữa), ở chung một khách sạn, cùng một tầng lầu đã mấy hôm nay rồi.
Tình cờ họ thấy nhau trên một ngã ba đường.
- Ủa. Uyên. Đi đâu đây?
- Uyên cũng tính hỏi Vinh câu đó.
Vinh chỉ tay một góc ngã ba.
- Tôi đi thăm một người bạn cũ. Bây giờ đi về
- Uyên cũng về. Hình như chỉ cần đi thẳng cái đường này, qua một bùng binh là tới. Phải không?
Vinh nói phải. Và họ đi song song. Vinh nhìn đồng hồ, nói như giải thích.
- Còn sớm. Mà cũng không xa lắm. Đi bộ cho mát.
Họ đi chậm rãi vì Uyên cứ thấy một cây trứng cá rậm lá thì đứng dừng lại, ngửa đầu, nheo mắt tìm kiếm. Trái nào thấp thấp vừa tầm tay, cô nhón chân hái liền. Và ăn sau khi hỏi:
- Vinh ăn không? Ngon lắm.
Rồi cười hăng hắc khi nghe Vinh nói sợ hột trứng cá dính ruột là chết.
- Hù con nít đó. Uyên còn bị dọa là ăn vào sẽ bị nổi mụn trứng cá đầy mặt, lỗ chỗ như cái bánh tàng ong. Nhưng thứ này lại ngọt hơn đường cát mà lại thơm đặc biệt. Xi rô còn phải thua.
Vinh hái cho Uyên những trái mà cô không với tới được. Những cây trứng cá trồng cách quãng. Khi đi giữa khoảng cách các cây trứng cá đó, Uyên nhanh chóng chuyển sự ngắm nghía qua các cửa tiệm, nhà ở bên này, bên kia đường. Cô nhận xét, so sánh với đường phố Sài Gòn. Uyên so cái này với cái khác. Biển ở đây giống ở biển ở… Đường cây trồng nhiều trứng cá giống ở… Dãy núi trước cửa khách sạn giống như núi ở... Cô có vẻ ham muốn tìm tòi, hiểu biết, hăng hái và xông xáo. Bằng cớ là dám tách ra đi chơi một mình ở một nơi hoàn toàn xa lạ, cách Sài Gòn sáu bảy trăm cây số.
Đang nói, đang đi, Uyên chợt đứng lại trước mấy thúng đồ hàng bày dưới đất. Uyên ngồi khuỵu đầu gối, tay bốc đưa lên mũi ngửi, miệng hỏi:
- Trái gì đây? Sim phải không?
Một lon sữa bò trái sim, vỏ màu đen bạc phếch như bị mốc, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, bán chỉ có hai trăm đồng. Uyên mua hai lon, đã định ăn luôn tại chỗ nhưng" sợ chưa rửa qua nước. Để đem về Sài Gòn cho mọi người coi cho biết. Chứ ăn thứ này một lát cái lưỡi đen thui.”
Uyên hình như đặc biệt thích thú những gì thuộc về hoang dã thiên nhiên. Nhìn Uyên mặc bộ váy tươi tắn, mềm rũ, sang trọng đâu nghĩ cô thích ăn những trái cây mọc hoang bờ rào của những đứa trẻ nhà quê. Uyên nhận biết và dám ăn đủ thứ : thù đù, hút mật bông và ăn hột trái đậu ma, chùm bao, nhãn lồng, trái mây mà th6an của nó để làm roi đáng đòn, trái cơm nguội có mùi con cuốn chiếu…
Đi hết dãy phố có hai hàng cây trứng cá râm mát, họ đến bùng binh. Gìờ buổi chiều tan sở, xe cộ ngược xuôi vùn vụt, luật lệ giao thông biến mất nơi cột đèn xanh đỏ, bóng đèn nhỏ xíu như trái cam vẫn nghiêm chỉnh bật tắt. Con đường phải đi tiếp nằm đối diện nơi họ đang đứng ngập ngừng, dè dặt. Uyên rụt vai, đứng sát vào Vinh, bàn tính:
- Sao? Thế nào? Hay là mình đi theo kiểu xe chạy.
Đi theo kiểu xe chạy? Vinh nhắc lại, không nhịn được cười ra tiếng. Chẳng biết Uyên nói thật hay nói đùa. Tuy vậy, sau khi né tránh, lách mình vào đến bờ xi măng ôm tròn cái bùng binh, họ cũng đi phía tay phải hết một nửa vòng tròn rồi băng qua quãng đường xe cộ lộn xộn. Uyên không ngần ngại nắm chặt tay áo của Vinh, vẻ yếu đuối cần sự chở che, như sợ đi trước hay sau Vinh nửa bước thì sẽ bị xe quẹt trúng người.
Họ lại đi tiếp trên lề đường an toàn. Uyên vừa ngắm nhìn nhà cửa ven đường vừa kể :
- Cứ đi như vậy một hồi là tới chợ Đầm. Phải chi không sợ trễ giờ cơm thì mình vô coi cho biết. Coi có gì khác với chọ Đầm ở … Lúc gặp Vinh là Uyên mới đi coi chợ lớn. Ở đây người ta gọi chợ chính của tỉnh như vậy đó. Uyên vô hàng cá. Hay lắm. Cá tươi xanh như đang sống dưới biển. Mà rẻ chỉ bằng một phần mười ở Sài Gòn. Có con cá còn đang thở, cái mang ngáp ngáp liên hồi.
Cái sở thích đó có lạ lùng không nhỉ? Ngày chủ nhật, Uyên náo nức đi chợ. Không phải để dạo xem các sạp quần áo vải vóc. Mỹ phẩm mà đi ngắm rau xanh um, cà chua chín đỏ, tôm cua còn dãy dụa ngo nghoe. Uyên nói. Tất cả đều sống động. Đó là sức sống cụ thể, nhìn nó thấy mình yêu đời. Mình cũng đang sống. Bồi hồi. Rạo rực.
Vinh thì khác. Vinh thích bạn bè tụ họp, đi ăn, đi chơi, chạy xe lòng vòng. Đường Sài Gòn dọc ngang không dứt, đi cả ngày từ sáng đến đêm vẫn không hết lối quanh co bên này bên nọ.
Uyên hỏi:
- Thích đi bộ tà tà nữa chứ?
- Không. Nếu không gặp Uyên, tôi sẽ kêu xích lô. Đi xe quen chân rồi.
Hình như Vinh vừa nói lỡ lời. Uyên có vẻ bị xúc phạm. Uyên bước nhanh chân hơn, qua hai cây trứng cá có trái chín vừa tay hái cũng không dừng lại. Đến cây trứng cáthứ ba. Vinh hái vội mấy trái, chú ý hái luôn cả cái cuống cong cong đầy lông nham nhám. Uyên vẫn đi trước, Vinh sải mấy bước chân là đuổi kịp, xòe tay ra, hỏi mời mọc.
- Trái chín ghê chưa.
Uyên hơi giận nhưng không nỡ từ chối những trái trứng cá tròn căng, đỏ tươi, thơm ngọt. Cô đưa hai ngón tay nhấc cái cuống trái lên. Nhưng không ăn. Uyên để trong lòng bàn tay. Mấy ngón tay khép lại, khum khum giữ cho khỏi rớt. Rồi cứ chăm chú ngắm nghía, chẳng nói tiếng nào nữa. Họ lẳng lặng đi song song. Không gần đến nỗi chạm phải nhau, cũng không kẻ sau người trước quá xa cách. Thỉnh thoảng, một vài người đi ngược chiều tò mò ngoái cổ lại, như muốn đoán biết mối quan hệ của hai người.
Rồi Vinh lên tiếng trước.
- Hình như mình đi lộn đường hay sao ấy.
Uyên cũng chợt nhớ, sao đi mãi chưa thấy chợ. Qua chợ thì đến khách sạn. Thôi lạc rồi. Từ hôm đến chỗ này tới giờ chỉ toàn ngồi trong xe, không để ý đường quanh quẹo. Họ hỏi thăm đường vì không muốn quay lại bùng binh đã quá xa. Mấy người bán hàng trên lề đường tận tình chỉ dẫn. Đi tới ngã tư. Gặp ngã tư. Quẹo trái. Gặp ngã ba. Quẹo phải…
Nhắc lại cẩn thận, họ đi tiếp. Vinh lau mồ hôi. Cái xứ này nóng đến phát chán. Nắng chói chang đến năm sáu giờ chiều. Phòng ở khách sạn mở máy lạnh… Vậy mà, Duyên có thể theo Toàn ở đây được. Nếu lấy mình, Duyên sẽ ở Sài Gòn, muốn về thăm nhà cha mẹ gần hơn, đường xá thuận lọi hơn nhiều. Từ nhà Duyên ra đây phải qua mấy cái đèo dài đằng đẵng. Đẹp thì đẹp thật nhưng nguy hiểm không kém. Cứ đọc thấy mấy tấm bảng đề lối thoát hiểm là rùng mình. Lỡ...
Chắc Duyên không yêu mình. Chắc mình không biết cách làm cho Duyên yêu say đắm đến độ sẵn sàng sống chung thân suốt đời, ở cái chốn xa xôi đầy nắng nóng này. Còn mình đến bây giờ vẫn trơ trọi. Mình đã hăm hở đi kiếm nhà Duyên rồi chẳng dám vào. Cuộc sống gia đình chắc đã làm Duyên không còn vấn vương tơ tưởng những ngày xưa cũ giữa hai nguời. Gặp nhau sẽ nói chuyện gì? Nếu không có dịp ra đây chắc khó còn lúc gặp nhau. Nhưng số nhà của Duyên và Toàn, Vinh không sao quên được.
Bên cạnh, Uyên đang đọc các bảng báo hiệu để dò đường. Cô cười khẽ:
- Chắc vua Quang Trung có bà con với ông Nguyễn Huệ, thành ra hai đường nằm sát bên nhau để tiện bề qua lại thăm hỏi.
Đường Quang Trung? Đi thế nào mà trở ngược lại con đường này. Vinh nhìn số nhà. 15. 17. Sắp tới nhà Duyên. Tim Vinh đập nhanh như mỗi lúc xe đổ xuống đèo. Đến rồi. Cửa rào mở rộng. Toàn - Duyên và đứa con xúm xít quanh chiếc xe.
Duyên ra trước. Nhìn thấy Vinh, Duyên kêu lên mừng rỡ. Tiếng kêu và điệu bộ rối rít của người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Duyên gọi Toàn. Toàn ngó lên. Nhưng cái nhìn thì hướng về phía Uyên đang cắm cúi xăm xoi hàng rào cây bùm xụm. Toàn gọi lớn tên Uyên. Rất lạ.
Uyên đã hái được mấy trái chín đỏ. Bóp một trái dập giữa hai ngón tay đang giơ lên ngạc nhiên. Uyên thảng thốt:
- Sao Toàn lại ở đây ?
Toàn quẹt tay dưới mũi, cuời cươì:
- Dọn vô thành phố lâu rồi. Đi làm cho tiện.
- Ừ phải. Tụi mình bặt tin tức đã bao nhiêu năm mà.
Chủ nhà mời khách vào chơi. Uyên ngó đứa bé đang nhấp nhổm bên cây đàn organ, từ chối.
- Thôi để bữa khác. Cho cháu đi học kẻo trễ giờ.
Bốn người nhìn nhau. Thời đại công nghiệp. Đừng khách sáo. Đi đi mà.
Bằng vẻ nội trợ đảm đang quán xuyến, Duyên buộc hai người phải hứa” Tối đến”. Lâu lắm mới có dịp gặp nhau. Xa xôi cách trở như vậy. Dễ gì.
Hai nguời khách nhìn nhau. Cùng gật đầu với nhau một lượt.
Chiếc xe chạy rồi. Hai người mới bước đi. Uyên tiếp tục ngắm nghía bàn tay khum khum của mình, bây giờ có thêm ba trái bùm xụm bóng loáng, nhỏ bằng hột tiêu. Cuộc gặp gỡ bất ngờ khiến cả hai đều bàng hoàng nhưng cũng làm cho họ thấy như thân nhau hơn. Uyên nói, giọng trầm trầm không còn cao vút như lúc chưa gặp lại chồng của Duyên.
- Hồi đó tôi có về quê Toàn một lần. Không phải ở tại đây. Ở đó chẳng có gì để coi. Chỉ có nắng và cát. Chẳng có hàng quán. Chỉ có một hai xe cà rem lắc chuông leng keng. Loại chuông đeo ở cổ con bò kéo xe. Mua một đồng hay một hào không nhớ, mà còn cắt làm đôi, hai đứa ăn. Tôi đã nói với Toàn rằng, tôi không thể sống ở nơi chẳng có gì để nhìn ngắm cả.
Vinh cũng nói giọng trầm:
- Quê Duyên ở rất xa. Cô ấy không thích ở Sài Gòn. Chỗ này cũng nắng chói khô khan như ở quê Duyên.
Uyên nói câu kết thúc cho cuộc tâm sự bắt buộc phải có giữa hai người.
- Họ rất hạnh phúc.
Và Vinh lập lại, xác định điều đó là đúng.
Từ xa đã thấy nóc nhà khách sạn vượt cao lên chung quanh. Vinh nhìn đồng hồ. Còn lời hẹn bạn bè tối nay. Họ bước nhanh hơn.
Bước lên bậc thềm, Uyên lột giày cầm tay, ghé quầy tiếp tân hỏi băng cá nhân. Họ chia tay nhau, hẹn giờ gặp lại. Vinh ngó mấy miếng băng nhỏ bằng ngón tay, dò hỏi:
- Chắc phải đi xích lô.
Uyên giơ hai ngón tay. Giọng nói lại vui tươi như lúc bất ngờ gặp Vinh ở ngã ba
- Mỗi người một cái.
Ờ. Mỗi người một chiếc xe riêng rẽ. Sẽ khỏi phải giải thích tại sao hai người chúng tôi- cùng một lúc- lại gặp hai người.
Hai người chúng tôi chỉ vô tình gặp gỡ.
Còn riêng mỗi chúng ta, đã từng chỉ có hai người với nhau bí mật, công khai, nồng nàn, tình tứ.
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét