Hiển thị các bài đăng có nhãn Nửa mối tình đầu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nửa mối tình đầu. Hiển thị tất cả bài đăng

P10: Nửa mối tình đầu

Tiếng máy xe để số không, nổ phành phành, làm vang vọng con đường nhỏ hẹp. Cái tên đường vốn không nổi tiếng, lại còn thêm nỗi vắng vẻ hàng quán đèn sáng choang cũng như đèn mờ mờ.
- Thôi về nghe.
Trình nhoẻn miệng cười khi nói cái câu thường ngày ấy, mỗi lần hai đứa chia tay vào lúc mười giờ tối, hoặc hơn một chút. Lúc mà nhà Thủy đóng cửa đi ngủ. Bao giờ nói xong Trình cũng rồ máy xe đi mất. Không quay đầu lại.
Nhưng tối nay thì Trình có ngoảnh cổ ngó lại, rất nhanh.
Thủy cũng bước mấy bước chân không mang dép ra bờ thềm hơi dốc, đứng nhìn theo mãi cho đến lúc bóng Trình khuất hẳn ở ngã ba đầu đường. Rồi mới vội vàng kéo cánh cửa sắt rin rít vì cứ quên tra dầu mỡ.
Thủy chậm rãi đi đằng sau con Minô lên cầu thang, nghĩ thầm “Tối nay mình phải viết nhật kí”.
Thường thì Thủy chờ mười phút, rồi nhấc điện thoại hỏi Trình về tới nhà chưa.
 Không biết tối nay Trình có về thẳng nhà, hay còn ghé đâu đó, kể lể.
Tuần trước, khi đang thả bộ buổi sáng vòng quanh công viên, Trình thủ thỉ
- Sắp xếp bữa nào hai đứa mình đi bơi nghe em.
Trình nói tự nhiên như thường dặn Thủy “ Ngày mai nhớ kêu anh dậy sớm”. Vì Trình có tật ngủ thẳng cẳng một giấc đến bảy giờ sáng. Nhào xuống giường đánh răng rửa mặt chớp nhoáng rồi phóng ra khỏi nhà đi làm. Thường thì chẳng kịp ăn gì cho tới bữa trưa. Từ ngày yêu nhau, Thủy trở thành cái đồng hồ báo thức cho Trình. Điện thoại để ngay bên gối, reng chừng ba hồi thì nghe Trình a lô bằng cái giọng khàn khàn đặc quánh của cái cổ họng khát nước suốt đêm. Cứ gọi như vậy mãi, có hôm Trình khoe “Nhờ dậy sớm, ăn dằn bụng được một chén cơm nguội ấm ấm trong nồi điện”.
Em gái Trình kể tội ông anh “ Anh làm bộ đó. Chớ sáng nào em cũng phải kéo giò ảnh như thi kéo co, có khi còn đâp ảnh như đập lúa vậy đó. Cứ để cho ngủ nướng thỏa chí của ảnh thì tới mười giờ, đánh răng rửa mặt xong, ngồi luôn trong nhà bếp chờ ăn cơm trưa luôn. Chị không biết đâu. Nhiều lần chị gọi xong, ảnh gác máy rồi là nằm xuống ngủ tiếp. Xấu tính lắm kìa.”
Xấu kiểu đó thì có sao đâu. Lúc đó Trình ngủ một mình, đầu tóc bù xù, mắt mũi sưng phù. Chẳng ai nhìn thấy mà sợ mất đẹp.
Còn bây giờ, Thủy phải phô bày thân mình trong cái áo tắm hở lưng hở nách hở đùi hở ngực ra trước mắt Trình thì  xấu hổ ghê quá. Thủy rụt cổ, le lưỡi nói kỳ thấy mồ. Còn Trình nói, cũng vẫn tỉnh bơ
-   Người em đẹp, mặc áo tắm càng đẹp chớ sao. Xấu che tốt khoe mà.
Trình vừa thuyết phục vừa quảng cáo
- Bơi lội là một kiểu vận động toàn thân hoàn hảo nhất. Mà không bị đổ mồ hôi chèm nhẹp.
Nghe Trình nói mà ham. Thủy rủ đứa bạn đi mua áo tắm. Chọn mãi để tìm một cái hở lưng ít thôi, cổ lọ, quần đùi càng tốt. Vô phòng kéo màn mặc thử. Trời
ơi ! Sao nó mỏng tanh, dán sát vào người, có thứ gì trên mình mẩy đều lồ lộ lên hết trơn. Nhìn thấy cũng gần giống như mấy tấm hình chụp quảng cáo trên báo ảnh nhiều màu giấy láng. Ừ thì đẹp. Nhưng nhột nhạt quá chừng. May mà đã cẩn thận chọn lấy cái màu xanh đen.
Đúng ngày hẹn, Thủy gọi điện thoại đánh thức Trình. Rồi khoác túi xách ra đứng sẵn ngoài cửa chờ Trình tới chở.
Buổi sáng đường vắng, xe chạy nhanh, gió thổi vù vù, Thủy xích lên ôm sát lưng Trình, chạm môi vào cái vành tai mát lạnh của Trình
- Ngại quá hà.
Trình cười hai tiếng hì hì, giọng ồm ồm
-    Ai cũng ngại như em chắc hết thẩy hồ bơi trên đời này phải để làm hồ nuôi cá … chiên xù.
Thủy nhéo bụng Trình đau hơn nhiều lần trước, vì Trình kêu thét
- Ai trời ơi. Đồ ác nương tử.
Thỉnh thoảng Trình hay gọi đùa bỡn mà âu yếm Thủy là nương tử, như những chàng bạch diện thư sinh trong truyện liêu trai gọi con hồ ly tinh chín đuôi lắc mình biến hình thành một nàng thục nữ yểu điệu thướt tha dưới ánh trăng thanh. Gọi như vậy nghe hay hay, độc đáo. Lại có vẻ chuyện xưa tích cũ như phim bộ Hồng Kông. Để đôi khi ngẫm nghĩ mỉm cười sung sướng vì mình có được một mối tình thơ mộng.
Mối tình kéo dài đã gần hai năm. Thủy đã bước chân vào cửa nhà Trình, xuống bếp, chiên chả giò chung với cô em gái khéo tay hay làm của Trình, trả lời thăm hỏi mấy câu xã giao dò xét của má Trình,  được con chó xù quí hiếm của nhà Trình cho vuốt ve cả buổi. Có lần cả nhà đi chơi xa, Trình xung phong ở lại coi nhà, má Trình còn nhờ Thủy ghé qua nấu ăn cho Trình nữa. Đến tối, má Trình gọi điện thoại cám ơn Thủy đã hấp mấy khuôn bánh plan quá ngon.
Mối tình kéo dài hơn một năm. Trình đều đều mỗi buổi ghé vào ăn trưa bên nhà Thủy. Thay đổi khẩu vị vì cách nấu nướng không nêm thêm bột ngọt của nhà Thủy. Thủy hay trở đầu đũa quẹt lên má Trình “ Rán tập cho quen nghe cưng”.
Chưa dám bàn bạc hẹn hứa ngày nào sống chung, nhưng cả hai đã ngầm chuẩn bị trước một nếp sống khoẻ mạnh, cường tráng. Năm giờ sáng, Thủy bấm điện thoại  gọi Trình dậy. Hai đứa cùng nhau đi bộ hết một vòng sân trường đua ngựa. Rồi nhà ai nấy về như lúc tự đi tới chỗ hẹn ngay trước lò bánh mì.
Đi được mấy tuần thì Trình nghĩ ra chuyện đi bơi.
Ngực bụng của Trình phẳng lì như mặt bàn, có gì đâu mà ngại.
Hồ bơi tuy mới sáng sớm mà đã khá đông. Trên bờ có mấy người ăn măc lịch sự, áo bỏ trong quần short, đi qua đi lại ngó trời ngó nước, ngó mấy chậu cây cảnh đặt rải rác quanh đó. Trong hồ cũng lố nhố mấy cái đầu trọc lóc đủ màu.
Trình nói nhỏ khi Thủy hỏi nhỏ
- Nón bơi đó. Để tóc khỏi che mắt không thấy đường bơi.
- Ngộ há. Sao anh không nói trước cho em mua một cái.
- Anh quên.
Trình đưa Thủy tới khu thay đồ của phụ nữ, dặn Thủy nếu xong trước thì chờ  để hai đứa gởi đồ chung một ngăn tủ.
Chỉ một loáng, Trình đã quay lại gõ cửa cọc cọc “ Em ơi. Rồi chưa ?” Thủy nói lí nhí “ Chờ chút xíu“. Nhưng tới lúc Trình dậm chân nóng ruột, Thủy mới kéo chốt cửa, ngượng ngùng  bước ra.
Trình kêu ủa ủa.
- Sao bạn đồ này? Làm như đi tắm biển sợ lột da vậy.
Thủy cười lỏn lẻn, như con nít làm xấu bị người lớn quở trách.
- Mặc cái kia vô thấy lạnh lạnh, khó chịu quá.
Trình chắc lưỡi. Tức là chịu thua rồi đó.
Gởi đồ xong, Trình đeo chìa khóa vô cổ tay, ngoắc ngoắc Thủy. Thủy co ro theo Trình đi dọc bờ hồ mà phía dưới nhấp nhô những cái đầu người, để tới đầu bên kia. Trình chỉ tay xuống nước giảng giải
- Chỗ này nước cạn. Tới nách thôi. Không sợ bị sặc hay chìm đâu. Xuống đi em. Khu vực của phụ nữ đó.
Nói xong, Trình nhảy phóc vào vũng nước xanh lơ. Loi ngoi qua tuốt thành hồ phía trước mặt.
Còn lại một mình, bơ vơ và ngượng nghịu, Thủy lom khom leo xuống .
Nhưng mới vừa nhúng một bàn chân chạm nước, Thủy vội rụt lên  bởi nhiều tiếng kêu the thé.
-    Ê ! Khoan khoan.
- Cô kia ! Mặc đồ đó không được xuống hồ.
- Chú gì ơi ! Chú bắt con nhỏ đó lại. Không mặc áo bơi.
Thêm cả đống thứ câu gì gì nữa, rào rào không nghe kịp, Thủy hoảng hồn ngồi phịch luôn xuống nền gạch láng và ướt, hai chân bỏ thòng trong nước, qua mắt cá.
Một trong những người ăn mặc lịch sự áo bỏ trong quần short ngồi trên bờ tiến lại gần Thủy. Anh ta cúi xuống nói êm ái
- Trong kia có chỗ cho mướn áo bơi. Không mắc đâu.
Thủy dạ, gật đầu. Nhưng mắt ngó tìm Trình trong đám người trần trụi ướt mèm để cầu cứu.
Thì ra nãy giờ Trình còn bám thành hồ đứng nguyên tại chỗ, chưa đi bơi đâu tiếp. Tại Thủy hoảng quá nên nhìn không ra. Tại ai nấy cũng đều không mặc áo, đầu tóc xụi lơ lem nhem xấu xí. Lại thêm, sau mấy câu nói của người lạ, mắt Thủy đang tuôn trào đầy ắp nước, nhưng không phải là bị dính thứ nước hồ trong xanh thấy rõ màu gạch lát dưới đáy.
Trình đi bộ về phía Thủy, nhăn mặt, nói nhỏ nhỏ
- Đã nói trước rồi mà không chịu nghe. Ở đây là hồ bơi có quy định rõ ràng, chớ không như ngoài biển muốn mặc gì thì mặc đâu.
Nhưng một nhóm ba bốn người đàn bà đeo kiếng đen thui đang đứng gần đó cũng nghe được. Họ giành nhau hùa theo Trình.
- Bạn em nói đúng đó.
- Xuống hồ là phải mặc đồ bơi thôi.
- Người đẹp mà sợ gì.
Một câu nói cuối cùng làm người Thủy nóng bừng, mặc dù đang ngâm chân trong nước lạnh.
- Diện nguyên bộ màu trắng như vậy xuống nước, nó ướt còn ghê hơn nữa. Thấy hết trơn.
Nói dứt câu, họ ngửa cổ cười hỉ hả rồi ầm ào quơ tay đập chân, hì hục bơi đi mất.
Trình ngó Thủy khiển trách.
-   Giờ tính sao đây ? Thấy người ta nói quê chưa ?
Thủy ngó Trình giận dỗi.
- Không tính gì hết ! Không quê !
- Vậy thì cứ ngồi đó. Coi ai quê cho biết
Thủy hất mặt nhìn bầy chuồn chuồn đang đảo lượn bên trên  mặt hồ nhồi sóng. Hai chân đánh đùng đưa trong làn nước dập dờn ấy. Hai tay chống trên thành hồ như đang đóng một đoạn phim quảng cáo kem sữa rửa mặt hay dầu gội đầu gì đấy.
Trình ngậm miệng, hậm hực trở qua phía bên giành cho đàn ông.
Cái hồ chia ra làm hai căn cứ vào tấm bảng mi ca nhỏ nhắn gắn ở phần vách hồ phía trên, chỗ nước mấp mé tràn lên mỗi lần có nhiều người cùng quậy nước một lượt. Thủy ngồi bên tấm bảng nữ ngó qua bên phần hồ gắn bảng nam. Những người đàn ông da ngăm đen bóng láng đang cắm cúi bơi đi bơi về từ đầu hồ này tới đầu hồ kia. Còn Trình thì cứ đi tới giữa hồ lại quay đầu trở lui. Nhìn cái cách xoay trở của Trình sao mà nặng nề lúng túng, so với người ta nhẹ nhàng mềm mại.
Oi Thủy hiểu.
Trình chẳng phải là người bơi lội rành rẽ.
Hèn chi mấy người đàn bà kia cứ chỉ trỏ cười cợt.
Vậy mà nãy giờ Thủy cứ tưởng họ chọc quê mình không biết nguyên tắc quy định thể thao. Mặc nguyên một bộ đồ short trắng chỉ giành cho đánh tenis mà đòi xuống hồ bơi.
Vậy đó. Thủy cứ ngồi đong đưa chân trong nước. Chẳng biết tính sao. Bây giờ đứng dậy thay đồ cũng kỳ, mặc dù ai cũng hở nách hở ngực như ai. Mà ngồi hoài cũng kỳ luôn.
Một cái đầu trọc màu đen đột ngột dừng lại nói với Thủy.
- Vô trong kia mướn áo bơi rồi xuống hồ đi em. Ngồi một chỗ ướt át như vậy riết, lạnh lắm. Bị cảm đó.
Nghe tình cảm như mẹ con chị em. Sao Trình không biết nói câu này? Nãy giờ Trình không thèm dòm tới Thủy. Cứ chui đầu vô nước. Sặc sụa. Phun nước phèo phèo. Dơ bẩn kinh khủng.
Thủy nói với người đàn bà tử tế kia.
- Em có đem áo tắm mà.
Chị ta giơ cao hai cánh tay lên lộ vẻ ngán ngẩm. Thủy lập tức nhắm tịt mắt lại. Mẹ ơi ! Sao mà lông nách xanh tốt quá chừng ! Còn mấy người kia thì thế nào ?
Hình ảnh rậm rì ấy khiến Thủy tắt ngúm luôn một chút xíu le lói quyết tâm đứng dậy đi thay áo khác.
Ở bên phần hồ của đàn ông, Trình đang xì mũi rột rẹt lẫn trong tiếng chuông báo đã hết suất bơi.
Bữa đó, lần đầu tiên sau ngày Trình ăn cơm chung với cả nhà Thủy, Trình không đến. Vì khi xuống xe, Thủy nói “ Tối nay, anh đừng ghé. Em mệt. “
Trình ừ rồi phóng xe đi rồi gọi điện thoại
- Em giận anh phải không ?
-  Không.
- Đừng nói dối mà.
- Không phải giận. Thôi. Để bữa khác nói.
- Bữa nào ?
- Khi nào em nghĩ xong, em sẽ gọi. Còn từ bây giờ cho tới lúc đó, anh đừng gặp em. Thôi nghe.
Nhưng chỉ ngay tối hôm sau, tức là tối hôm nay, Thủy kêu “ Anh đến đây liền đi.”
Trình đến liền sau hai mươi phút. Người vừa mới tắm xong. Thơm ngát và mát rượi khi xiết Thủy trong hai cánh tay cứng chắc.
- Nhớ em muốn chết.
Thủy tiện tay cài lại cái nút áo đầu tiên cho cái thân thể nồng nàn ấy.
- Vô nhà.
Phòng khách chỉ có hai đứa ngồi sát nhau trong ghế salon to đùng, êm ái.
Thủy vừa nói vừa nhích xa ra
- Tụi mình nên chia tay nhau.
- Chuyện gì nữa đây ? Anh có lỗi gì ?
- Anh không có lỗi gì hết. Anh chẳng thực sự yêu em.
- Ai nói với em chuyện tào lao vậy ?
- Không ai nói. Tự em biết khi em ngồi trơ trọi lạnh lẽo dị hợm trên bờ hồ bơi. Lúc đó anh bỏ rơi em. Mà em thì cần một người che chở.
- Sao em lại nói là bỏ rơi ? Lúc đó em ngồi tỉnh bơ. Em cũng đang làm anh xấu hổ với họ vì có con bồ quê mùa, tới hồ bơi mà không dám mặc áo tắm. Cũng như đi nhảy đầm mà mang dép xốp đi biển vậy. Có nước ngồi trơ mắt ếch ngó thiên hạ chứ nhảy nhót gì được.
- Lúc đó, anh muốn bảo vệ em cũng không thể. Anh chống chọi một mình cũng thừa ngất ngư choáng váng rồi. Em nhìn thấy hết.
Trình vươn dài cánh tay nắm lấy bàn tay Thủy, bóp nhẹ ve vuốt
- Tụi mình đang cãi nhau phải không ?
- Không. Vì hai lẽ. Một là từ bây giờ hết yêu nhau, tụi mình thành hai người xa lạ, cãi nhau là có chuyện to. Thứ hai không còn yêu nhau nữa, nên không cần tranh cãi để đi đến thống nhất nữa.
- Em nói thiệt vậy hả ?
Thủy gật đầu như ông bảo vệ mặt lạnh lùng cho người lạ vào qua cổng cơ quan.
 Trình đứng dậy
- Chừng nào em nghĩ lại, nói cho anh biết.
- Em nghĩ xong rồi.
Trình phẩy tay một cái, bước thẳng ra cửa. Thủy đi theo để nghe Trình nói câu chào quen thuộc, để chẳng bao giờ nghe nữa.
- Thôi. Về nghe. 
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P07: Chat ngoài giờ

Chào ! Không ngờ tay bảo vệ lại có khả năng thần bí hả ?. Chứ sao. Tay ấy hay lắm. Y ta ngồi ngay cổng. Ai vô ra y cũng biết, ngày nào người đó sẽ có tin vui tin buồn, hay là bị tai bay họa gởi.
- Tất cả đều biết là y biết được mọi chuyện về họ như vậy sao?
- Biết ! Bởi vậy đâu ai dám đụng tới y.
- Chỉ có tui không biết gì. Cứ tưởng y là người bất thường.
- Nghĩ vậy mới bất thường đó.
- Thiệt là chuyện gì y cũng biết hết hả ?
- Thiệt.
- Vậy nói chuyện như vầy y có biết không ?
- Không. Vì nhà y không có máy.
- Lỡ y buồn buồn đi tán gẫu  ?
- Hừ. Có cả tỉ người.
- Lỡ y tình cờ” hi” trúng mình ?
- Không “ hi” lại là xong.
- Ờ há. Quên.
- Quên  luôn chuyện đó đi. Nãy giờ tốn hết ba phút rồi.
- Xin lỗi. Nhưng em rất muốn đến nhà y chơi. Nói thiệt đó.
- Dữ không. Chờ muốn hụt hơi mới thấy được một chữ em. Tới làm gì ? Hắn mới li dị vợ đó.
- Để coi bói…
- Cấm ! Em mà hé bí mật này là tôi không lên nữa.
- Đừng xưng tôi mà.
- Hãy nghĩ đến an toàn trên hết.
- Vâng.
- Với lại, coi bói cũng vô ích thôi. Chẳng cứu vãn được gì. Chúng ta mãi mãi chẳng ai là cái vung  nấy cái nồi nào của nhau.
- Em sẽ coi chuyện khác. Chẳng hạn, coi tới chừng nào em gặp người khác. Để em khỏi khổ tâm. Để anh khỏi khó xử, mà lại đỡ tốn tiền khủng khiếp nữa.
- Kệ tui ! Tui khổ không cần ai lo.
- Nhưng em không thể đành lòng nhìn thấy anh như vậy. Em thương anh mà.
- Biết rồi…
- Giận !
-  Biết rồi ! Giận nhưng không được ngưng nói chuyện. Nói tiếp cái vụ thương hồi nãy.
- Không nói. Nói chuyện khác. Hồi sáng anh đi xe màu đỏ. Em đứng ở phòng xép thấy. Xe anh hư hả?
- Không. Hỏi chuyện khác đi. Mà đứng đó làm chi?
- Đợi. Ngày nào cũng vậy. Đợi đến để biết anh đi đường bình yên. Đợi về để biết quẹo hướng nào.
- Coi chừng thành núi đá vọng phu đó.
- Có phải là phu đâu mà thành đá. Chỉ hơi bị tê chân và hơi kì cục trong mắt mọi người thôi.
- Tê chân tại giày cao gót. Còn sợ người ta nhìn thì cứ bảo đang ngắm cảnh là xong ngay. Khi yêu người ta nói dối mà.
- Xúi bậy nghe.
- Không bậy tí nào. Em có thiệt là đang yêu không?
- Có.
- Ai ?
- Tự biết. Mà có quan trọng gì đâu. Tình ảo ấy mà.
- Ảo mới hấp dẫn li kì rùng rợn.
- Hồi hộp nữa. Oi ước gì…
- Đừng ước. Em thừa biết chẳng bao giờ mình dám nói trực tiếp những chuyện như vầy.
- Nói hoài như vầy anh có chán không. Hơn nửa năm rồi. Một tuần ba ngày. Một ngày mấy tiếng đồng hồ. Lỡ có ngày em cạn hết chuyện. Anh sẽ chán em. Mà biết đâu chừng, anh đang nói với hai ba cô cùng lúc này.
- Vậy hả. Thôi em chờ một chút nghe, nhường cho người ta.
Không nhìn coi cái nickname của anh còn sáng đèn hay không. Cô nhanh chóng tắt máy. Việc trả tiền xuôi sẻ vì đã chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Cô cho xe thả chầm chậm khi vào những con đường san sát những bảng hiệu đỏ chói, bay phấp phới một thông tin rủ rê mời chào hấp dẫn “ 100 đồng / phút “. “ Có máy lạnh “ Internet. Chat. E-mail bằng nét những chữ cầu kì bắt mắt hoặc chân phương dễ đọc, đang dợn sóng mỗi khi có gió thổi qua. Anh ấy đang ngồi ở tiệm nào. Không biết. Không bao giờ có thể biết. Như tất cả những chuyện này, không ai có thể phát giác.
- Hôm qua nói giỡn mà bỏ về hả ?
- Sao biết bỏ về ? Kiếm người khác nói chuyện chứ. Có cả tỉ người sắp hàng xin kết nối chớ bộ.
- Anh không tin. Em có phải là hạng người dễ bắt chuyện đâu.
- Tại chưa gặp đối tượng.
- Gặp rồi.
- Anh không phải là đối tượng. Anh là cái đối thoại, là đối chat của em.
- Em nói chuyện có duyên lắm, giống như màu áo em mặc sáng hôm nay. Em có biết anh thích màu xanh không?
- Em biết. Cứ nhìn đồ dùng của anh thì biết. Cái xe, cái nón, cây viết, cái móc gắn khóa, cái ghế mà anh chọn khi ngồi căng tin…
- Lúc nào em cũng theo dõi anh vậy sao ?
- Anh sợ ?
- Không. Cảm động. Em hao tốn thời gian cho anh nhiều quá.
- Anh cũng vậy. Anh đang xài phí thì giờ riêng tư của anh cho em.
- Nhưng nói chuyện với em, anh thấy mình trẻ dại, yêu đời.
- Còn em thấy mình khôn lỏi, già đời như con cáo.
- Anh yêu em !
- Hết hồn ! Như yêu cảnh thiên nhiên ?
- Không. Yêu là yêu vậy thôi. Như con người này yêu con người kia. Nếu em đang ngồi bên cạnh thì anh sẽ… nắm tay em.
- Thôi. Bỏ tay em ra. Em đang bận đánh máy.
- Anh sẽ hôn em.
- Không được. Chỗ này đầy nghẹt người ta.
- Ờ. Chỗ anh đang ngồi cũng vậy.
- Ghế màu xanh gì ?
- Màu hồng. Tìm miết mới có một chỗ ghế màu hồng. Màu ưa thích của em.
- Oi. Em phải nói em yêu anh ngay đây. Anh thật là sung sướng. Còn em đang phải ngồi cái ghế màu vàng. Thứ màu mà anh không ưa. Mà nè. Anh vô tiệm 58 coi mấy mẫu cà vạt em chọn chưa?
- Rồi. Một cái có màu xanh đá chết. Một cái màu xanh cải lương. Xấu !
- Một lát nữa em đi kiếm kiểu khác. Tại chiều nay em bị tay trưởng phòng kêu lại nhắc nhở này nọ.
- Nhắc em phải nhớ nó ?
- Chẳng ai thèm ngó tới em đâu.
- Tại em không biết. Cái thằng ấy rất muốn thích em. Có điều nó không biết cách tìm thấy em theo kiểu của anh.
- !!!
- ???
- Tội nghiệp anh ta. Còn anh thì có tội.
Hết giờ nói chuyện, cô cần cù như một người bán vé số dạo, đi dọc các khu phố quần áo, cố tìm một cái cà vạt theo đúng ý anh. Tìm rồi báo cho anh biết, tùy anh, vừa ý thì mua. Anh không ưa thì hai người lại có thêm nhiều ngày bàn cãi về màu sắc, hoa văn. Anh thích gam màu xanh sống động. Cà vạt phải thắt sẵn, có gắn dây kéo để khoác vào là chỉ việc  chỉnh sửa chút ít. Loại này tuy không thanh  tú đẹp mắt nhưng được cái mau chóng, vì anh luôn vội vã việc này chắp nối việc kia, eo hẹp thì giờ. Các chủ tiệm đều nói một câu như nhau “ Ong xã của chị khó tánh vậy sao không để ổng tự đi mà chọn lựa”. Cô cười, nụ cười lấy làm tiếc của khách hàng khi trả lại món đồ không ưng ý để thay cho câu trả lời khó nói. Nếu mà anh đi cùng với cô, bốn bàn tay âu yếm chạm vào nhau những lúc so đo cân nhắc, thì đâu có chuyện cô phải làm một kẻ đi mua sắm cô độc, không người bàn bạc góp ý, phải băn khoăn khó xử như vầy.
Chỉ có một lần - duy nhất - hai người đi chung. Lần đó anh mời rủ, nhờ cô với chuyên môn nghề nghiệp, hãy chỉ dùm cách vào chat room, vào cái hệ thống “mạng miếc nào mà mình tán ngẫu tùm lum, không ai có thể nhìn lén được” Rồi năn nỉ, làm ơn cho anh mượn một người là cô, để anh thực hành cho quen. Cô đồng ý.
Buổi đầu tiên, họ thử trao đổi về bóng đá. Cô chỉ biết rõ nhất có một điều này : khi thủ môn chụp hụt trái banh lăn vào lưới mình, thì bên anh ta bị thua. Câu chuyện giữa hai người thế là thành ra tẻ ngắt như một trận đấu, mà tất cả các cầu thủ có mặt trên sân đều mỏi rã rời chân tay.
Chưa đầy 5 phút chuyện đã hết sạch, chẳng còn gì để nói. Anh  ngượng nghịu xin thêm một buổi nữa  “ Tại chưa rành”. Cô nói “ Được “. Và nhìn thấy câu này khi mới bắt đầu lần chat thử tiếp theo.  
- Sao em dễ tin người quá vậy ?
- Ý nói gì ?
- Tin rằng anh khờ khịa. Không biết cách vào chat chiếc gì hết.
- Em cứ tin. Ai lừa dối, kẻ ấy có tội.
- Anh rất mong muốn được luôn luôn nói thật với em trong cái không gian công cộng mà rất riêng tư bí mật này. Mãi mãi. Chỉ có chuyện nhờ vả bữa trước là xí gạt thôi. Sẽ không còn lần nào nữa.
Mỗi tuần ba lần. Thứ ba, thứ năm, thứ bảy.
Ngay cổng là cái ngã ba. Bên cạnh cổng lớn, có cổng nhỏ giành cho người đi bộ và xe hai bánh, nên lần lượt người này sẽ ra trước người kia, khi chuông báo hết giờ làm việc. Mỗi người quẹo theo đường của mình. Cả anh và cô đều không muốn biết người kia sẽ tới một cái dịch vụ nào. Cứ việc ghé chỗ thấy thuận tiện. Không kén chọn, ngồi vào bất kỳ máy nào còn trống, và chờ cái tên yêu thương quen thuộc vụt sáng nhấp nháy. Rồi thay nhau kể chuyện sáng hôm nay tức tối, chiều hôm qua buồn cười. Rồi cùng nhau đoán mò ngày mai thế nào, ra sao. Hình cái mặt tròn quay cười nhe răng như cái đầu lâu thường xuyên chen vào câu chuyện có vẻ lăng nhăng đó. Vui lắm. Trước khi ra khỏi máy, anh luôn viết hàng chữ màu hồng” Chúc anh nằm mơ thấy em”. Còn cô thì gởi lên khuôn  mặt có hai gò má đỏ bừng hổ thẹn, thay cho lời chào tạm thời từ giã.
 Mỗi lần gặp gỡ đúng bốn mươi lăm phút, không kém. Và không bao giờ hơn, dù mạch chuyện đang cuồn cuộn tuôn trào. Anh luôn nói trước câu này.
- Để bữa sau nghe. Sợ nó chờ tội nghiệp.
Anh phải gấp rút đi đón đứa con đã đến giờ tan trường. Một trong những nhiệm vụ mà anh được vợ phân công. Bởi vì người nội trợ ấy còn phải ghé chợ chiều. Rồi tất bật về trước soạn sửa, để khi ba cha con vừa bước chân qua cửa, là đã nghe mùi thơm ngon tỏa khắp căn nhà gọn gàng sạch sẽ ấm cúng.
Chuyện này anh kể cô mới biết. Chứ còn nhà anh thì cô chưa bao giờ đến, không bao giờ đến. Cho dù sau này đám tang của chính anh diễn ra rình rang hay lặng lẽ ngay tại ngôi nhà đẹp đẽ ấy, cũng vậy thôi.
Bởi vì trong cái tòa nhà văn phòng cao lớn mênh mông này, cô không phải là người quen của anh.
Cô chỉ là một người yêu tình tứ , lập lờ lấp lửng giữa hiện thực và hư ảo, trên cái mạng lưới máy tính vắng những kẻ rong chơi nhiều chuyện, vào mỗi buổi chiều tan sở không biết làm gì cho tiêu tán hết thời gian rảnh rang, chờ đợi của anh. Người đàn ông học đòi vu vơ mơ mộng, bày đặt lãng mạn vớ vẩn linh tinh, trong cái thời đại nổ bùng tung tóe hàng triệu triệu các xa lộ thông tin.      

LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P08: Có hai người

Người Sài Gòn hiếm khi thấy đi bộ dạo chơi trên đường phố, ngoại trừ mấy ông bà già đi thong thả, từ tốn để phòng chống hay chữa bệnh tim mạch, mỗi lúc sáng sớm tinh mơ. Hai người Sài Gòn này đang đi bộ buổi chiều.
Đương nhiên là không phải đi ở đường phố Sài Gòn náo nhiệt, đông đúc, chật chội,mà ngay cả lề đường cũng chẳng còn chỗ cho khách bộ hành thong dong dạo bước.
Họ đang thả bộ cùng với nhau ở một phố thị tỉnh lẻ. Lẽ ra có thể kêu xích lô. Xích lô ở đây rất rẻ, một lần lên xuống xe tính giá hai ngàn đồng. Xa gần cũng thế. Nhưng nếu chở hai người thì giá gấp đôi.
Họ biết nhau không nhiều. Đôi khi hội họp, tổng kết cũng có gặp. Nghĩa là  quen ở mức độ biết mặt, nhớ tên, biết chỗ làm. Và hết. Nên dứt khoát là không thể ngồi chung một chiếc xích lô được. Một nam một nữ, chẳng phải bạn bè, không phải người yêu, ngồi cọ xát thế, khó chịu lắm thôi. Mà đi mỗi người riêng một cái thì hóa ra xa lạ quá. Cũng kỳ. Dẫu gì cũng có tiếng là chung một đoàn (còn nhiều đoàn khác nữa), ở chung một khách sạn, cùng một tầng lầu đã mấy hôm nay rồi.
Tình cờ họ thấy nhau trên một ngã ba đường.
- Ủa. Uyên. Đi đâu đây?
- Uyên cũng tính hỏi Vinh câu đó.
Vinh chỉ tay một góc ngã ba.
- Tôi đi thăm một người bạn cũ. Bây giờ đi về
- Uyên cũng về. Hình như chỉ cần đi thẳng cái đường này, qua một bùng binh là tới. Phải không?
Vinh nói phải. Và họ đi song song. Vinh nhìn đồng hồ, nói như giải thích.
- Còn sớm. Mà cũng không xa lắm. Đi bộ cho mát.
Họ đi chậm rãi vì Uyên cứ thấy một cây trứng cá rậm lá thì đứng dừng lại, ngửa đầu, nheo mắt tìm kiếm. Trái nào thấp thấp vừa tầm tay, cô nhón chân hái liền. Và ăn sau khi hỏi:
- Vinh ăn không? Ngon lắm.
Rồi cười hăng hắc khi nghe Vinh nói sợ hột trứng cá dính ruột là chết.
- Hù con nít đó. Uyên còn bị dọa là ăn vào sẽ bị nổi mụn trứng cá đầy mặt, lỗ chỗ như cái bánh tàng ong. Nhưng thứ này lại ngọt hơn đường cát mà lại thơm đặc biệt. Xi rô còn phải thua.
Vinh hái cho Uyên những trái mà cô không với tới được. Những  cây trứng cá trồng cách quãng. Khi đi giữa khoảng cách các cây trứng cá đó, Uyên nhanh chóng chuyển sự ngắm nghía qua các cửa tiệm, nhà ở bên này, bên kia đường. Cô nhận xét, so sánh với đường phố Sài Gòn. Uyên so cái này với cái khác. Biển ở đây giống ở biển ở… Đường cây trồng nhiều trứng cá giống ở… Dãy núi trước cửa khách sạn giống như núi ở... Cô có vẻ ham muốn tìm tòi, hiểu biết, hăng hái và xông xáo. Bằng cớ là dám tách ra đi chơi một mình ở một nơi hoàn toàn xa lạ, cách Sài Gòn sáu bảy trăm cây số.
Đang nói, đang đi, Uyên chợt đứng lại trước mấy thúng đồ hàng bày dưới đất. Uyên ngồi khuỵu đầu gối, tay bốc đưa lên mũi ngửi, miệng hỏi:
- Trái gì đây? Sim phải không?
 Một lon sữa bò trái sim, vỏ màu đen bạc phếch như bị mốc, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, bán chỉ có hai trăm đồng. Uyên mua hai lon, đã định ăn luôn tại chỗ nhưng" sợ chưa rửa qua nước. Để đem về Sài Gòn cho mọi người coi cho biết. Chứ ăn thứ này một lát cái lưỡi đen thui.”
 Uyên hình như đặc biệt thích thú những gì thuộc về hoang dã thiên nhiên. Nhìn Uyên mặc bộ váy tươi tắn, mềm rũ, sang trọng đâu nghĩ cô thích ăn những trái cây mọc hoang bờ rào của những đứa trẻ nhà quê. Uyên nhận biết và dám ăn đủ thứ : thù đù, hút mật bông và ăn hột trái đậu ma, chùm bao, nhãn lồng, trái mây mà th6an của nó để làm roi đáng đòn, trái cơm nguội có mùi con cuốn chiếu…
 Đi hết dãy phố có hai hàng cây trứng cá râm mát, họ đến bùng binh. Gìờ buổi chiều tan sở, xe cộ ngược xuôi vùn vụt, luật lệ giao thông biến mất nơi cột đèn xanh đỏ, bóng đèn nhỏ xíu như trái cam vẫn nghiêm chỉnh bật tắt. Con đường phải đi tiếp nằm đối diện nơi họ đang đứng ngập ngừng, dè dặt. Uyên rụt vai, đứng sát vào Vinh,  bàn tính:
- Sao? Thế nào? Hay là mình đi theo kiểu xe chạy.
 Đi theo kiểu xe chạy? Vinh nhắc lại, không nhịn được cười ra tiếng. Chẳng biết Uyên nói thật hay nói đùa. Tuy vậy, sau khi né tránh, lách mình vào đến bờ xi măng ôm tròn cái bùng binh, họ cũng đi phía tay phải hết một nửa vòng tròn rồi băng qua quãng đường xe cộ lộn xộn. Uyên không ngần ngại nắm chặt tay áo của Vinh, vẻ yếu đuối cần sự chở che, như sợ đi trước hay sau Vinh nửa bước thì sẽ bị xe quẹt trúng người.
 Họ lại đi tiếp trên lề đường an toàn. Uyên vừa ngắm nhìn nhà cửa ven đường vừa kể :
- Cứ đi như vậy một hồi là tới chợ Đầm. Phải chi không sợ trễ giờ cơm thì mình vô coi cho biết. Coi có gì khác với chọ Đầm ở … Lúc gặp Vinh là Uyên mới đi coi chợ lớn. Ở đây người ta gọi chợ chính của tỉnh như vậy đó. Uyên vô hàng cá. Hay lắm. Cá tươi xanh như đang sống dưới biển. Mà rẻ chỉ bằng một phần mười ở Sài Gòn. Có con cá còn đang thở, cái mang ngáp ngáp liên hồi.
 Cái sở thích đó có lạ lùng không nhỉ? Ngày chủ nhật, Uyên náo nức đi chợ. Không phải để dạo xem các sạp quần áo vải vóc. Mỹ phẩm mà đi ngắm rau xanh um, cà chua chín đỏ, tôm cua còn dãy dụa ngo nghoe. Uyên nói. Tất cả đều sống động. Đó là sức sống cụ thể, nhìn nó thấy mình yêu đời. Mình cũng đang sống. Bồi hồi. Rạo rực.
 Vinh thì khác. Vinh thích bạn bè tụ  họp, đi ăn, đi chơi, chạy xe lòng vòng. Đường Sài Gòn dọc ngang không dứt, đi cả ngày từ sáng đến đêm vẫn không hết lối quanh co bên này bên nọ.
 Uyên hỏi:
- Thích đi bộ tà tà nữa chứ?
- Không. Nếu không gặp Uyên, tôi sẽ kêu xích lô. Đi xe quen chân rồi.
Hình như Vinh vừa nói lỡ lời. Uyên có vẻ bị xúc phạm. Uyên bước nhanh chân hơn, qua hai cây trứng cá có trái chín vừa tay hái cũng không dừng lại. Đến cây trứng cáthứ ba. Vinh hái vội mấy trái, chú ý hái luôn cả cái cuống cong cong đầy lông nham nhám. Uyên vẫn đi trước, Vinh sải mấy bước chân là đuổi kịp, xòe tay ra, hỏi mời mọc.
- Trái chín ghê chưa.
Uyên hơi giận nhưng không nỡ từ chối những trái trứng cá tròn căng, đỏ tươi, thơm ngọt. Cô đưa hai ngón tay nhấc cái cuống trái lên. Nhưng không ăn. Uyên để trong lòng bàn tay. Mấy ngón tay khép lại, khum khum giữ cho khỏi rớt. Rồi cứ chăm chú ngắm nghía, chẳng nói tiếng nào nữa. Họ lẳng lặng đi song song. Không gần đến nỗi chạm phải nhau, cũng không kẻ sau người trước quá xa cách. Thỉnh thoảng, một vài người đi ngược chiều tò mò ngoái cổ lại, như muốn đoán biết mối quan hệ của hai người.
Rồi Vinh lên tiếng trước.
- Hình như mình đi lộn đường hay sao ấy.
Uyên cũng chợt nhớ, sao đi mãi chưa thấy chợ. Qua chợ thì đến khách sạn. Thôi lạc rồi. Từ hôm đến chỗ này tới giờ chỉ toàn ngồi trong xe, không để ý đường quanh quẹo. Họ hỏi thăm đường vì không muốn quay lại bùng binh đã quá xa. Mấy người bán hàng trên lề đường tận tình chỉ dẫn. Đi tới ngã tư. Gặp ngã tư. Quẹo trái. Gặp ngã ba. Quẹo phải…
Nhắc lại cẩn thận, họ đi tiếp. Vinh lau mồ hôi. Cái xứ này nóng đến phát chán. Nắng chói chang đến năm sáu giờ chiều. Phòng ở khách sạn mở máy lạnh… Vậy mà, Duyên có thể theo Toàn ở đây được. Nếu lấy mình, Duyên sẽ ở Sài Gòn, muốn về thăm nhà cha mẹ gần hơn, đường xá thuận lọi hơn nhiều. Từ nhà Duyên ra đây phải qua mấy cái đèo dài đằng đẵng. Đẹp thì đẹp thật nhưng nguy hiểm không kém. Cứ đọc thấy mấy tấm bảng đề lối thoát hiểm là rùng mình. Lỡ...
Chắc Duyên không yêu mình. Chắc mình không biết cách làm cho Duyên yêu say đắm đến độ sẵn sàng sống chung thân suốt đời, ở cái chốn xa xôi đầy nắng nóng này. Còn mình đến bây giờ vẫn trơ trọi. Mình đã hăm hở đi kiếm nhà Duyên rồi chẳng dám vào. Cuộc sống gia đình chắc đã làm Duyên không còn vấn vương tơ tưởng những ngày xưa cũ giữa hai nguời. Gặp nhau sẽ nói chuyện gì? Nếu không có dịp ra đây chắc khó còn lúc gặp nhau. Nhưng số nhà của Duyên và Toàn, Vinh không sao quên được.
Bên cạnh, Uyên đang đọc các bảng báo hiệu để dò đường. Cô cười khẽ:
- Chắc vua Quang Trung có bà con với ông Nguyễn Huệ, thành ra hai đường nằm sát bên nhau để tiện bề qua lại thăm hỏi.
Đường Quang Trung? Đi thế nào mà trở ngược lại con đường này. Vinh nhìn số nhà. 15. 17. Sắp tới nhà Duyên. Tim Vinh đập nhanh như mỗi lúc xe đổ xuống đèo. Đến rồi. Cửa rào mở rộng. Toàn - Duyên và đứa con xúm xít quanh chiếc xe.
 Duyên ra trước. Nhìn thấy Vinh, Duyên kêu lên mừng rỡ. Tiếng kêu và điệu bộ rối rít của người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Duyên gọi Toàn. Toàn ngó lên. Nhưng cái nhìn thì hướng về phía Uyên đang cắm cúi xăm xoi hàng rào cây bùm xụm. Toàn gọi lớn tên Uyên. Rất lạ.
 Uyên đã hái được mấy trái chín đỏ. Bóp một trái dập giữa hai ngón tay đang giơ lên ngạc nhiên. Uyên thảng thốt:
 -     Sao Toàn lại ở đây ?
Toàn quẹt tay dưới mũi, cuời cươì:
- Dọn vô thành phố lâu rồi. Đi làm cho tiện.
- Ừ phải. Tụi mình bặt tin tức đã bao nhiêu năm mà.
Chủ nhà mời khách vào chơi. Uyên ngó đứa bé đang nhấp nhổm bên cây đàn organ, từ chối.
- Thôi để bữa khác. Cho cháu đi học kẻo trễ giờ.
Bốn người nhìn nhau. Thời đại công nghiệp. Đừng khách sáo. Đi đi mà.
Bằng vẻ nội trợ đảm đang quán xuyến, Duyên buộc hai người phải hứa” Tối đến”. Lâu lắm mới có dịp gặp nhau. Xa xôi cách trở như vậy. Dễ gì.
Hai nguời khách nhìn nhau. Cùng gật đầu với nhau một lượt.
Chiếc xe chạy rồi. Hai người mới bước đi. Uyên tiếp tục ngắm nghía bàn tay khum khum của mình, bây giờ có thêm ba trái bùm xụm bóng loáng, nhỏ bằng hột tiêu. Cuộc gặp gỡ bất ngờ khiến cả hai đều bàng hoàng nhưng cũng làm cho họ thấy như thân nhau hơn. Uyên nói, giọng trầm trầm không còn cao vút như lúc chưa gặp lại chồng của Duyên.
- Hồi đó tôi có về quê Toàn một lần. Không phải ở tại đây. Ở đó chẳng có gì để coi. Chỉ có nắng và cát. Chẳng có hàng quán. Chỉ có một hai xe cà rem lắc chuông  leng keng. Loại chuông đeo ở cổ con bò kéo xe. Mua một đồng hay một hào không nhớ, mà còn cắt làm đôi, hai đứa ăn. Tôi đã nói với Toàn rằng, tôi không thể sống ở nơi chẳng có gì để nhìn ngắm cả.
 Vinh cũng nói giọng trầm:
-    Quê Duyên ở rất xa. Cô ấy không thích ở Sài Gòn. Chỗ này cũng nắng chói khô khan như ở quê Duyên.
Uyên nói câu kết thúc cho cuộc tâm sự bắt buộc phải có giữa hai người.
- Họ rất hạnh phúc.
Và Vinh lập lại, xác định điều đó là đúng.
Từ xa đã thấy nóc nhà khách sạn vượt cao lên chung quanh. Vinh nhìn đồng hồ. Còn lời hẹn bạn bè tối nay. Họ bước nhanh hơn.
Bước lên bậc thềm, Uyên lột giày cầm tay, ghé quầy tiếp tân hỏi băng cá nhân. Họ chia tay nhau, hẹn giờ gặp lại. Vinh ngó mấy miếng băng nhỏ bằng ngón tay, dò hỏi:
- Chắc phải đi xích lô.
Uyên giơ hai ngón tay. Giọng nói lại vui tươi như lúc bất ngờ gặp Vinh ở ngã ba
 -  Mỗi người một cái.
 Ờ. Mỗi người một chiếc xe riêng rẽ. Sẽ khỏi phải giải thích tại sao hai người chúng tôi- cùng một lúc- lại gặp hai người.
 Hai người chúng tôi chỉ vô tình gặp gỡ.
 Còn riêng mỗi chúng ta, đã từng chỉ có hai người với nhau bí mật, công khai, nồng nàn, tình tứ.
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P09: Gần như một chuyện tình yêu

“ Coi chừng nhé! Cẩn thận. Thằng ấy coi vậy mà không đàng hoàng đâu. Nếu nói nặng, thì nó là một đứa có bà con với Sở Khanh đấy ”. Những kẻ thường xuyên tốt bụng và hay chuyện đã thì thầm như thế, khi thấy tôi và Khiêm, mấy lúc sau này hay trò chuyện với nhau.
Tôi nghe, đầu gật gật, mắt nhìn xuống đất, ra vẻ tiếp thu. Nhưng bởi họ không biết. Giữa tôi và Khiêm đâu chỉ dừng lại ở đó. Nói cười với nhau công khai trước mắt mọi người là chuyện thường. Khiêm đã có vài lần đến nhà tôi. Tôi cũng có mấy lần tới nhà Khiêm. Mặc dù chỉ đứng ở ngoài sân, trao đổi vài câu chuyện thường ngày, hỏi han đôi điều chưa rõ lắm, nhưng như thế đã đủ riêng tư lắm rồi, bởi chỉ có hai người chúng tôi biết. Thật mà. Vì chưa ai hỏi han, xầm xì gì cả.
Thiên hạ có thói quen nhìn thấy một nam một nữ, không bà con thân thích, đứng ngồi nói chuyện riêng với nhau là phán đoán “ có vấn đề tình cảm “. Chúng tôi đang bị nhận định như thế. Nhưng riêng giữa hai người, chúng tôi biết, chưa là gì, chưa đi tới đâu. Có lẽ bởi đã quá chín chắn tuổi đời, nhiệt tình đã vơi cạn. Khiêm chưa muốn đi đo kính, vì khi đọc báo chưa cần đưa thẳng cánh tay ra xa. Khiêm tự an ủi “ Để mắt trần đọc cũng còn tạm thấy “. Tôi kém tuổi Khiêm đúng ba tuần. Và tôi khổ sở giấu cặp kính để nhìn gần cho rõ của mình trong túi xách. Khi vắng người và cần kíp lắm, tôi mới miễn cưỡng đeo lên mặt. Có ai tình cờ bắt gặp, tôi giải thích như kêu oan “ Tại mắt yếu sẵn. Chứ đâu phải ai đến tuổi này cũng đeo “
 Biết tôi phải đeo kính, Khiêm cười như giành được phần thắng khi thi đua, cá cược.
 _ “ Thấy chưa. Hảo cái gì cũng thua tôi “
Cái điều luôn luôn hơn tôi làm cho Khiêm rất thích chí. Trong việc làm, nếu tôi cứ phải thỉnh thoảng bỏ đi loanh quanh, ngắm nhìn lung tung hoặc thở dài sườn sượt, thì Khiêm cứ ngồi lì như một đứa bé làm nư, ăn vạ. Bất cứ việc gì, hễ lao vào làm là Khiêm bị cuốn hút. Không cần ăn, không cần uống nước, không chịu nghỉ ngơi. Không cần biết mọi người chung quanh phản ứng ra sao. Ai hỏi, nói  cũng không nghe . Tôi bảo “ Người gì kỳ cục “ Khiêm chỉ cười như nhân vật kịch trong tình huống cực kỳ sảng khoái. Tôi trách móc “ Cười như vậy tức là không thèm nghe góp ý. Đường ta ta cứ đi “. Khiêm ngưng cười “ Như vậy là bạn có thể hiểu tôi đấy. Tôi đổ vào công việc tất cả say mê, trách nhiệm và lương tâm của tôi. Kể cả khi yêu. Tôi dám chắc ngay trong chuyện này Hảo cũng không bằng tôi đâu “-
“ Chuyện gì? Chuyện yêu đương ấy hả. Khiêm có yêu bao giờ chưa mà dám nói mạnh miệng  thế “- “ Hảo đã biết gì mà nói “
Theo tôi được biết, Khiêm chưa từng có người yêu nào hết.
Nguồn tin ở đâu ? Thì từ những người tốt bụng kia, từ những vụn vặt cuộc sống tôi đã thấy.
Hễ có cô nào độc thân là thiên hạ gán ghép cho Khiêm, chọc ghẹo, ép uổng chụp những tấm ảnh vô tình, hoặc cố ý ngồi sát bên nhau chụm đầu sát tóc. Rồi chẳng đâu vào đâu. Những cô gái ấy, người thì lấy chồng, kẻ thì tiếp tục độc thân. Họ tiếp tục nói cười với Khiêm, bình thường, như trước đây chưa hề có chuyện sắp sửa hay đã từng “bồ bịch” với nhau.
Người ta đổ thừa tại Khiêm. Khó tính. Nhút nhát. Sỏi đá. Giá băng. Cành khô củi mục. Đủ thứ khái niệm thiếu tình cảm, mất cảm xúc. Tôi cũng nghĩ và nói theo như thế cho đến một bữa tiệc cưới gần đây. Tôi ngồi cạnh Khiêm do yêu cầu sắp sếp cho đủ chỗ. Ly rượu nhỏ bằng ngón chân cái chuyền đến tôi. Tôi nhăn mũi ngửi, nhìn Khiêm cầu cứu.
_ “ Uống dùm. Tôi chịu thua “
_ “ Đã nói Hảo lúc nào cũng thua tôi mà “.
Tính ra Khiêm uống hai ly. Có lẽ vì vậy nên nói chuyện một hồi, Khiêm hạ giọng như tâm sự.
_ “ Tôi chỉ cần kiếm người hiểu mình thôi. Ngày xưa, lâu rồi, có một người đã hiểu. Nhưng không còn ở đây nữa. Vả lại người ấy cũng không muốn hiểu tôi. Uổng vô cùng “
_ “ Thế còn mấy cô kia, không phải đã từng hiểu hay sao. Tôi nhớ Khiêm đã quen rất nhiều cô. Tôi có thể kể lại Nguyễn Thị, Trần Thị, Lê Thị.”
Khiêm nghiêm mặt, như ông giáo chỉnh học trò.
 _ “ Hảo nghĩ quen là như thế nào? Như thế nào gọi là quen ? “
 _ “ Thì là nói chuyện riêng, người ta chọc ghẹo “.
 _ “ Còn gì nữa “.
 Tôi trả lời thật tình.
 _ “ Không biết “
 _ “ Nghĩa là không biết chi hết. Chỉ nói mò thôi. Hảo chưa hiểu tôi đâu “.
Tôi nói đùa để giấu tình cảm thật của tôi. Điều này thì bình thường. Ai chẳng vậy. Dại gì nói, khi chưa biết rõ đối phương
 _ “ Không. Tôi không muốn hiểu Khiêm. Hiểu để làm gì chứ “
 _ “ Cũng hay. Tôi thích như vậy. Càng bí mật, càng hấp dẫn “.
Khiêm thích như vậy. Nghĩa là thích người ta không hiểu mình. Nghĩa là thích tự mình đi tìm hiểu, khám phá. Nguy hiểm thật. Có phải vì vậy mà tôi bỗng dưng trở  thành bạn bè với Khiêm chăng.
Chẳng biết chính xác từ lúc nào. Sau cái đám cưới kia hay là sau chuyến dã ngoại lâu rồi.
Lúc đó, bên Khiêm luôn luôn có Nguyễn Thị. Mọi người đang cố ghép đôi cho họ. Tôi ngồi chung băng ghế với Nguyễn Thị, bên kia là Khiêm. Họ nhoài người qua tôi để nói chuyện. Vừa ngượng vừa chán, tôi chạy xuống ghế giành riêng cho lơ xe, ngồi ngay cửa lên xuống suốt đường đi, về. Ai hỏi  sao lại ngồi thấp xủm, hẩm hiu, lẻ loi, tôi viện cớ ngồi cao thót ruột, gió lùa nhức đầu, thế nào cũng bị say xe.
Lúc xe dừng để mua sắm, Khiêm xách cả chục ký chôm chôm mời hết chiếc xe. Thấy tôi cười cười “ Tưởng Khiêm là chủ hãng kẹo kéo “, Nguyễn Thị tự đắc sung sướng “ Lầm to rồi. Khiêm không phải là hạng người ấy đâu. Ta rành gã quá mà “. À. Ra thế. Suốt buổi, tôi đã chứng kiến nhiều thứ Nguyễn Thị tỏ ra am hiểu Khiêm, mà quên mất. Ví dụ, Khiêm không ăn ớt, không ăn nem và chỉ biết bơi chó…
Nhưng Nguyễn Thị lại còn không biết cả bơi chó. Nguyễn Thị chỉ dám run rẩy co cúm, bước dò dò ra đến chỗ nước ngập đầu gối rồi kêu thét từng hồi.
Tôi một mình đi ra xa, nằm thả nổi, nheo mắt ngắm diều, máy bay và trời xanh. Khiêm tự nhiên lần đến, đòi tôi dạy cách nằm trên mặt nước. Tôi đã từng chỉ bảo tận tình rất nhiều người, cũng như bị rất nhiều lời oán trách “ chơi ác “ vì họ cứ vội vàng ngồi nhổm dậy, hì hục hít thở để bị sặc sụa nước biển mặn đắng chát. Nói chung, tôi chưa bao giờ được xưng tụng là “ sư phụ ” vì chưa đào tạo được một học trò nào. Nên tôi cẩn thận giao hẹn trước.
 _ “ Làm không được. Cấm giận à nghe “.
 Khiêm bóp hai tay cho nước bắn thành vòi, vọt lên cao.
 _ “ Cứ dạy đi rồi biết. Đừng nói trước “.
 ( Hồi này, Khiêm chưa biết nói “ Hảo lúc nào chẳng thua tôi “ )
Tôi cứ theo bài bản đã được học mà bày vẽ. Này, nằm thẳng. Thật thoải mái. Như nằm trên giường nhà mình. Thả lỏng hoàn toàn. Có biết thả lỏng là gì không. Biết thì tốt. Cứ để nước vào tai để giữ thăng bằng. Tai ngoài thôi, không bị thối tai đâu mà sợ. Khẽ gập cái cằm xuống, để nhìn thấy mấy ngón chân của mình nổi trên mặt nước. Hiểu chưa. Vừa nói tôi vừa đỡ khẽ dưới lưng. Nói xong tôi thả tay ra. Khiêm vẫn nằm tươi tỉnh, nổi lềnh bềnh như mớ vỏ bắp trôi dạt chung quanh. Tôi mừng rỡ hét lớn, tay đập nước tung tóe.
 _ “ Trời ơi. Khiêm thông minh ghê. Giỏi giang không ngờ “
 Khiêm ngồi phắt dậy, chẳng loạng choạng như mọi người
 _ “ Chưa ai nói như vậy với tôi cả “
 _ “ Tại sao ? “
 _ “ Họ thấy điều đó hiển nhiên. Nói là thừa “
Tôi “ vậy hả “ rồi cho qua luôn, vì đang thích thú có người cùng nằm bềnh bồng với mình. Nằm chán, tôi rủ Khiêm chơi trò kẹp cổ. Khiêm đặt hờ bàn chân lên vai tôi nhé. Cứ nằm thẳng như thế, tôi sẽ đập chân trong nước, sẽ đẩy Khiêm đi lòng vòng trên biển. Đã lắm. Thật là vui. Chẳng có ai dám ra đến nước mấp mé mũi miệng. Lần đầu tiên đi biển, tôi kiếm được bạn cùng chơi đùa trong nước mát, cười khan cả giọng.
Trên đường về, Nguyễn Thị có vẻ giận. Hai người vẫn ngồi chỗ cũ nhưng không nói chuyện thân mật nữa. Khiêm mấy lần kêu với xuống chỗ tôi “ ngủ hả “
Vậy là thành quen, kha khá đặc biệt với nhau.
Càng ngày mọi người càng bớt ghép đôi Khiêm với Nguyễn Thị. Và bây giờ chuyển hướng qua tôi, nhưng mà cảnh báo.
Những người quen biết nhau thường nói chuyện xã giao, trao đổi ý kiến, tâm sự và gì nữa? Tôi với Khiêm cũng là người quen, cũng gặp mặt chào hỏi. Hôm nay trời nắng, hôm qua trời mưa, ngày mai trời thế nào nhỉ. Vậy mà, dần dà, tôi thấy sao mình hợp với Khiêm đến thế. Khiêm cũng thường xuyên gật gù đồng ý với tôi.
 _ “ Tôi mới bảo cô bé Tuyền, nên đi xét nghiệm nhóm máu cả hai vợ chồng xem sao “.
 _ “ Tôi cũng nghĩ vậy mà ngại không nỡ nói. Nếu nhóm máu không hợp, thì phải bỏ nhau sao đành “.
 _ “ Đành phải vậy thôi. Phải vì tương lai của con cái. Chẳng thà biết rõ để chia tay sớm. Còn hơn chung sống mà làm khổ nhau “.
 _ “ Khiêm làm tôi nhớ hồi đi học sinh vật lớp 12, ông thầy khuyên trước khi làm đám cưới nên đi khám sức khỏe cả hai vợ chồng cho chắc ăn. Vậy mà sao hễ tôi nói ra, ai cũng cười bảo tôi ngớ ngẩn “.
 _ “ Tôi cũng bị như vậy “.
 _ “ Không ngờ bây giờ có người nghĩ giống như mình “
 _ “ Giống sao được. Hơn chứ  “
 _ “ Sao ? “
 _ “ Hơn ở chỗ dám nói với cô bé Tuyền chuyện đó “
Tôi về suy nghĩ mãi cái chuyện hơn thua, dám và không dám nói. Sao Khiêm lại nói cái điều có thể chia lìa tình chồng vợ của Tuyền ? Hay là ...
 _ “ Khiêm thích Tuyền phải không ? Khiêm đang chờ kết quả xét nghiệm máu. Rồi Khiêm sẽ ... “
 _ “ Hảo nỡ nghĩ xấu về tôi như vậy hả. Hảo còn lâu mới hiểu tôi “.
Khiêm đang rất tức giận. Còn tôi thì hoang mang.
Nói chuyện với tôi, Khiêm luôn luôn đặt nặng một điều duy nhất: hiểu hoặc không hiểu. Nếu hiểu, Khiêm cười tươi rói, hả dạ. Nếu không hiểu, Khiêm vênh vang, khuyến khích.
Khiêm muốn tôi hiểu. Tức là muốn xếp tôi vào với Nguyễn Thị, Lê Thị, Trần Thị, Hoàng Thị của ngày xưa. Họ đều tự hào đã tường tận về Khiêm rõ ngọn rõ ngành. Nhưng sao chẳng có kết thúc song hỉ.
Nên không phải vô cớ, mà thiên hạ buộc tôi phải cảnh giác với giọng cười vô tư, con người khôn ngoan sắc sảo của Khiêm.
Có lẽ Khiêm nói đúng. Tôi chưa hiểu gì hết về Khiêm. Nhưng càng bí mật thì càng hấp dẫn. Tự tôi buộc mình lăn lóc lặn lội đi tìm hiểu. Tôi để ý, góp nhặt, ghi nhớ như thể khắc cốt ghi tâm những sở thích, ưu điểm, khuyết điểm của Khiêm. Có dịp là tôi tung ra, rất đúng thời cơ, để Khiêm cười sung sướng “ Hiểu ý quá ta “. Lúc đó tôi còn sung sướng hơn Khiêm gấp mấy lần, vì tôi biết Khiêm rất tiết kiệm lời khen gợi. Tôi bắt chước Khiêm, kiêu hãnh“ Không tìm được ai như tôi đâu. Tôi không có bản sao”. Khiêm nhìn vào mắt tôi “Hiện giờ thì đúng”.
Điều đáng sợ nhất là, càng ngày tôi càng cố gắng sửa mình cho phù hợp với Khiêm. Vì càng ngày Khiêm càng ban phát cho tôi cái tiếng hiểu quý báu ấy một cách hào phóng, cùng với ánh mắt rạng rỡ, nét mặt hả hê. Bởi vì.
 _ “ Có người hiểu mình thích ghê Khiêm nhỉ ? “
 _ “ Cũng có thích “.
 _ “ Sao ? “
 _ “ Hảo chưa hiểu tôi đâu “.
 _ “ Khiêm đã nói câu này với bao nhiêu người rồi “
 _ “ Chỉ một mình Hảo “
 _ “ Tôi không tin “
 _ “ Tùy. Hảo đã biết tôi rất căm ghét sự dối trá “
 _ “ Nhưng Khiêm nói dối làm sao tôi biết “
 _ “ Bởi vậy mới nói, Hảo làm sao hiểu tôi được “
 _ “ Khiêm nói thế có nghĩa là chẳng bao giờ, phải không ? “
 _ “ Không thể nói trước được. Có khi hiểu tôi xong rồi, Hảo lại thấy chán. Hết bí mật. Hết lôi cuốn “.
 _ “ Câu này cũng chỉ giành cho một mình Hảo chứ gì “
 _ “ Nếu Hảo tin tôi “.
Tôi đâu thể đi gặp những gì Nguyễn Thị, Lê Thị, Trần Thị, Hoàng Thị kia mà hỏi, có thật không. Có thật là Khiêm chưa hề nói như vậy với họ. Hay bởi vì họ đã biết rõ Khiêm, như biết mặc áo nào đi làm, váy nào đi chơi để chứng tỏ là người phụ nữ lịch duyệt. Khiêm đâu còn gì để nói nữa.
Tôi càng không dám hỏi những người đã từng đi qua đời Khiêm câu ấy. Tôi sợ họ sẽ cười nhạo báng “ Thế mà cũng không hiểu. Thật là bất hạnh “
Quả thật. Tôi bất hạnh lắm lắm. Với cặp kính lão một độ rưỡi và một người đàn ông cứ luôn mồm bảo tôi chưa hiểu anh ta.
Bất hạnh hơn nữa, là không thể khóc hu hu như nhân vật trong truyện cổ tích, vì chắc chắn chẳng có ông bụt ông tiên nào hiện ra, ân cần hỏi han “ Vì sao con khóc ? “.  Đây là chuyện tình yêu chứ có phải chuyện cổ tích đâu.
Tôi chẳng có ai giúp đỡ để gỡ rối mối tơ tình vẩn vơ này. Tôi phải tự mình chỉ lối cho tôi. Những “ thị “ kia đã hiểu, đã bỏ ra đi. Hay Khiêm đã hiểu và đã xa lánh họ. Cả hai bên đều đã thấy, không còn gì hấp dẫn lẫn nhau. Chán ngán như phải làm một việc không hề ưa thích. 
Nhưng mà tôi thích Khiêm lắm. Cái con người không hề ngượng ngùng nhận mình rất thông minh ấy. Tôi thích nghe Khiêm kiêu ngạo phán “ Hảo chưa hiểu tôi đâu “, để tôi chuyên chú tìm nữa tòi nữa những điều gì Khiêm ưa, những cái gì Khiêm ghét. Rồi tinh quái trưng ra với Khiêm, để Khiêm thán phục “ Biết ý quá chừng “
Vậy thì, tôi phải tự mình điều tiết cái sự hiểu, không hiểu này. Tôi sẽ lâu lâu mới chịu hiểu Khiêm một lần. Tôi sẽ thường xuyên làm ra không hiểu, để Khiêm tức tối, háo hức quăng ra cái câu nói thách đố kia, để tôi và Khiêm còn lâu còn dài là hai thực thể rất gần mà cũng rất xa, rất lạ, luôn luôn xúi bẩy lẫn nhau, hãy khám phá nhau đi.
Vậy nhé. Ngày mai, ngày mai nữa cũng được. Tôi sẽ nhận định, phát biểu gì đấy. Thí dụ “ Khiêm sai lầm. Khiêm kém cỏi “ để Khiêm nhăn mặt.
 “_ Hảo nói vậy là không hiểu tôi.”
Tôi sẽ cất cao giọng khiêu khích.
 _” Tại sao Khiêm cứ có cái khát vọng muốn tôi phải hiểu. “
Tôi biết chắc Khiêm sẽ bắt bẻ.
 _” Sao lại nói là khát vọng”
Rồi Khiêm sẽ đứng ngẩn người ra mà trách.
 _” Hảo làm tôi bị phân tâm rồi ne ”
Khiêm thường bị chia trí vì luôn tập trung cao độ vào bất cứ điều gì. Tôi hiểu Khiêm quá mà.
Nhưng Khiêm sẽ chẳng bao giờ biết đâu. Khiêm chẳng bao giờ biết tôi giả vờ không hiểu để kéo dài mãi mãi, lê thê và lan man cái chuyện gần như một chuyện tình yêu này.
Vì tôi thích .
Và bởi vì tôi biết, Khiêm cũng thích giống như tôi.

LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P05: Vào hang

Đò nhỏ nên họ chia đoàn ra làm hai nhóm. Chiếc đò đầu đông người vì nằm ngay dưới bậc thang dẫn xuống bến. Linh cứ băn khoăn chọn lựa mấy tấm ảnh hang động mãi, nên phải ngồi bên chiếc vắng người.
Chỉ có hai bà già tóc bạc như tóc bạch kim là hàng xóm của Loan, hai vợ chồng Loan và đứa con tám tuổi, ông tài xế, một người thợ chụp hình. Rộng rinh.
Vừa nổ máy, trên bờ có người kêu réo, nhà đò quên đem theo cơm ăn trưa, quay lại lấy. Chạy được một quãng ngắn, phải ngừng để gỡ rong bám vào chân vịt, chiếc đò có Linh đã đi sau lại còn bị chậm. Chiếc đông người đã chạy trước, mất dấu. Ở đằng trước đó, chắc Trường đang ngồi một góc, lặng lẽ ngắm nghía cảnh vật bằng cặp mắt kính năm độ.
Hai bên bờ sông xanh mát mắt những bụi tre và các sườn núi. Từng bầy trâu phì phì ngụp lặn giữa dòng nước trong xanh. Trong đám trâu đen, nổi bật mấy con trâu trắng hồng hồng. Có thể Trường đang nheo mắt, bấm máy luôn tay. Chụp để coi chơi. Mỗi dịp đi chơi đâu đó, máy của Trường hầu như chỉ có những tấm ảnh không có người, hoặc những người lạ hoắc ở tại chỗ ấy. Khi về, trong lúc mọi người khoe nhau những tấm hình cười tươi roi rói, nghiêng đầu kéo áo, thì Trường chỉ trưng ra những tấm ảnh chụp cây cối cỏ hoa dọc đường.
Ở trên đò nhìn xuống càng thấy nước sông xanh đến lạ lùng, có chỗ còn nhìn thấy cả rừng rong ngoe nguẩy theo luồng nước. Trường chắc đã dám chụp ảnh luôn mặt nước rồi đấy, mặc dù biết, tráng rửa xong chỉ thấy loang loáng, chẳng nhìn cái nào ra cái nào.
Màu nước xanh lạ mắt lôi cuốn đến độ Linh phải nghiêng người cho mấy ngón tay vào nhúng thử. Mát lắm. Mát như nước chai để trong tủ lạnh. Thế là chợt nhớ, không biết hai cha con ở nhà có chịu khó nấu nước đổ vào chai để uống không, hay lại đi mua nước đóng chai cho tốn tiền. Tối nay, phải gọi về nhắc nhở mới xong.
Chuyến đi này quá xa, kéo dài suốt một tuần lễ. Loan có ông bà nội qua coi nhà giùm nên mới đi được đủ cả vợ chồng. Còn lại, ai cũng đi lẻ. Mấy cô cậu chưa có gia đình nói đùa “cuộc lữ hành của những người độc thân”. Chỉ riêng Trường, lúc nào cũng đi chơi một mình, với cái máy chụp hình đắt tiền. Người bảo, tại vợ Trường kênh kiệu, không thèm đi chơi chung với cơ quan của chồng. Kẻ lại cho rằng, vợ Trường đảm đang, chăm chút con cái cho chồng rảnh rang du lịch khắp nơi.
Linh cũng có lần đi chơi không kèm theo hai cha con. Lần đó, họ chui vào hang núi lửa. Dù đã được dặn trước nên đem theo đèn pin, nhưng đâu phải ai cũng có. Trường khoe cái đèn nhỏ xíu, quắt queo như cây lạp xưởng thịt nạc. Ánh sáng chiếu xa vừa bằng cái trứng cút.
Lúc hướng dẫn viên phân phối ba cái đèn pin to như miệng tô, mọi người còn bảo nhau chắc là để vào trong đó soi bắt mấy con dơi, chỉ đến khi lò dò leo xuống mới bắt đầu kêu thét vì tối quá. Tối như ban đêm trong nhà thình lình bị cúp điện. Xòe tay ra trước mặt không thấy. Không biết mình đang đi khúc giữa hay ở sau cùng. Những ánh đèn chỉ đủ rọi lờ mờ đường đi gồ gề, còn sự trơn trợt thì người ta tự mình nhận ra được ngay bởi những tiếng kêu hoảng hốt. Đường trong hang chỗ rộng chỗ hẹp, có chỗ thấp hẳn xuống, đành phải bò bốn chân. Hụp đầu xuống và quờ quạng hai tay trước mặt, đó là do nghe truyền từ trên xuống, chứ thật ra không thấy nóc hang đâu hết. Tối đen thùi lùi.
Linh diện đôi giày bít mũi, bảy phân nhưng không có quai gài sau, nên vừa lọt vào bóng tối đã bước lên ngay một đống gì cứng ngắc. Linh lảo đảo, chống tay vào vách hang xù xì, ẩm ướt. Một bàn tay rắn rỏi nắm ngang khủy tay Linh khi Linh vừa kêu xong “Ui da”. Linh đứng ngay người được liền nhờ cái đỡ rất kịp thời ấy, và nhìn thấy bàn tay còn lại có ánh đèn pin nhỏ xíu, tròn vo. “Cảm ơn. Cảm ơn nghe”. Đáp lại là mấy tiếng ậm ừ như muốn nói không có chi. Từ lúc đó cho đến khi nực nội ngộp thở mò mẫm vòng lại cửa hang, bàn tay ấy cứ nương nhẹ phía sau tay áo ngắn của Linh, cẩn trọng như các ông quí tộc dìu các bà quí phái trong vũ hội linh đình. Cái hang không dài, chỉ chừng trăm thước, nhưng có rất nhiều tiếng thét kinh hoàng dọc theo vách hang. Linh không kêu, vì thỉnh thoảng giọng đàn ông ồm ồm lại nhắc “khum xuống”, “cục đất phía tay phải”, “chỗ này bằng phẳng”. Linh không bị vấp lần nào nữa, mặc dầu chỉ có ánh đèn nhỏ le lói. Ở những chỗ gặp nhiều đèn chiếu tới, Linh còn nhìn thấy cả mũi giầy người đang dắt mình. Kiểu giầy đặc biệt, được kết bởi những sợi da đan nhau như chiếc rổ. Trường thường xuyên mang loại giầy rọ ấy. Ai chê, Trường bảo “Cho nó mát cái chân”.
Vừa ra đến chỗ đủ sáng thấy đường đi, bàn tay ấy vội buông Linh ra ngay, nhanh như lúc mới chạm vào trong bóng tối. Mọi người nhìn rõ mặt nhau, cười hỉ hả, đua nhau kể lại nỗi hồi hộp lo sợ, lúc bị tối om trong hang. Linh kín đáo nhìn những người đứng sau lưng mình. Không ai có đôi giày nào giống như cái rổ cả.
Dọc đường về, ai nấy im tiếng vì ngủ, hình như Trường cũng đang gật gù ở phía cuối xe. Linh không ngủ được. Cây cối hai bên đường chạy thụt lùi như trong đầu Linh đang quay lại đoạn phim trong hang lúc nãy. Thì ra Trường đã đi sát ngay đằng sau mình? Hay là do tình cờ đẩy qua đẩy lại người này người nọ mà tới?
Trường là một người đàn ông đẹp, theo kiểu các nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn. Mình dây, rất cao và rất gầy guộc, trông Trường vừa yếu đuối vừa rất nhiều nam tính. Phụ nữ thường thích đàn ông có dáng cao ráo. Chiều cao tạo cho họ cái vẻ vững chãi, sẵn sàng che chở, dễ làm chỗ dựa nương.
Trường ít nói, những lúc mọi người bàn tán này nọ thì Trường cắm cúi đọc báo. Mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, quần áo sạch sẽ, mấy cô gái trẻ mới về nhận việc bao giờ cũng chú ý đến Trường trước tiên. Rồi hỏi dò cho chắc ăn. Rồi tiếc rẻ “Ủa! Ổng có vợ rồi sao! Uổng ơi là uổng!”.
Với tất cả phụ nữ trong cơ quan, Trường không xa cách cũng không thân mật. Lớn tuổi hơn gọi chị, nhỏ hơn gọi cô. Ai nhờ giúp việc gì thì sẵn sàng nhưng chưa bao giờ tự nguyện giúp ai cả. Ví dụ, ở nhà để xe, nếu có cô nào xe bị chết máy, Trường đi qua mà cô ấy không kêu nhờ giúp, Trường sẽ cứ đi thẳng, chẳng đoái hoài.
Cứ xét cái cách sống ấy, thì việc Trường dắt Linh vượt qua gần hết đường hang khó đi ấy, có là chuyện bất thường hay không? Nếu là ai khác, Trường có đưa tay ra đỡ không? Ra khỏi bóng tối, Trường lẩn ngay vào đám đông, không để cho Linh kịp cảm ơn lần nữa. Lúc ai nấy giành nhau kể lể, Linh im lặng, coi như mình không chen được miệng với họ. Chẳng lẽ, kể ra rằng Trường đã nắm tay Linh mà không ai thấy? Chẳng lẽ hỏi “Hồi nãy ông nào dắt tui đi vậy?”. Mà thật ra, có đúng là Trường không? Linh không dám chắc lắm. Nhưng chắc rằng, lúc đó không ai thấy, không ai biết chuyện đó cả. Cũng có thể, họ cho rằng, chuyện ấy có gì lạ đâu. Nắm tay để giúp đỡ chứ đâu phải lợi dụng. Linh tự trấn an mình như thế. Nhưng cái cảm giác được che chở, được an toàn, được đối xử tử tế ân cần trong bóng tối kia thì khó diễn tả lắm thôi. Về nhà, Linh càng không kể cho chồng nghe. Linh chỉ lắc đầu, rụt vai “Tối kinh khủng. Đi một lần với người ta cho biết”.
Lần này lại đi vào hang. Linh đã có kinh nghiệm, mang theo trong hành lý một đôi giày vải, gót xẹp lép.
Chiếc đò chở Linh bắt kịp chiếc đông người khi tới cửa hang. Thật giống y như cái hang xưa. Vừa vào bên trong hang là thế giới chia ra hai phía đối lập nhau. Sau lưng vẫn sáng lòa, thoáng đãng còn phía trước mặt thì tối đen ngột ngạt. Nhà đò thắp đèn măng-sông, yêu cầu du khách dồn qua một chiếc cho gọn, vừa có đủ người chèo tay, vừa dễ nghe thuyết minh. Nước sông trở nên đen kịt vì hang tối. Bỗng giữa bao tiếng suýt xoa trầm trồ cảnh tượng hang lạ, Linh kêu to:
- Dột!
Hướng dẫn viên trợn mắt:
- Chị hên lắm đó! Em làm ở đây ba năm mà chưa thấy ai bị nước rơi trúng người. Có truyền thuyết nói rằng, nếu lãnh đủ chín mươi chín giọt là được thành tiên đó.
Ai nấy ồ à kinh ngạc, mong muốn. Linh hỏi, hồi hộp:
- Một giọt có được cái gì không?
- Đạt được mong ước.
- Hai giọt?
- Tiền vô như nước.
- Ba giọt?
- Sinh con theo ý muốn.
Mọi người cười vang vang khắp hang.
- Thôi không ham thứ đó. Bể kế hoạch, mất tiên tiến!
Trường nói:
- Khoan. Chớ vội mừng. Cô Linh thật ra chỉ có được nửa giọt thôi! Cái giọt hồi nãy cô bị dột cùng lúc với tôi. Nó văng trúng vai bên phải tôi, còn cô lại bị bên trái. Lúc cô hỏi anh này, tôi lại bị một giọt nữa, ngay đỉnh đầu.
- Sao không la lên?
- La làm chi. Biết nước gì đâu. Sạch hay dơ. Hay là nước miếng của ai bắn trúng không chừng.
Bà già hớt tóc tém lên tiếng.
- Chú gì đừng nói chơi mắc tội. Tui mới được một giọt tại lỗ mũi đây nè. Mát lạnh hà. Nước này là nước trời, quí hiếm lắm, làm sao mà dơ được. Hay chú đổi chỗ cho tui. Tui còn mong được thêm mấy giọt nữa đây.
Vì vậy, khi đến chỗ đò cặp vô vách đá để lên xem hang khô, hai bà già rủ nhau ngồi lại dưới đò. Một cái đèn phải để lại cho hai bà. Nhưng chỉ cái đèn còn lại cũng đủ soi sáng đường đi. Hang cao rộng không ngờ, lại có nhiều ngóc ngách đi lên đi xuống, hoàn toàn không giống cái hang tối tăm hồi đó. Khác nhất là ở chỗ, đường đi có các bậc thang lát gạch đá như ở công viên, rất dễ bước, và rải rác góc này góc nọ có gắn bóng đèn. Ánh sáng không nhiều, không đủ để chụp hình nhưng vẫn thấy rõ từng người, giống như đang ở trong một gian nhà rộng mênh mông mà thắp đèn dầu.
Thăng lấy cây đèn pin Trường đang đeo trước ngực, để ra xa, nheo mắt chế diễu.
- Cái này mà cũng dám gọi là đèn. Coi nè, còn thua con đom đóm. Quăng cho rồi.
Trường giựt lại, tắt mở liên tục để chứng minh.
- Ậy. Đừng chê nó. Hồi xưa, nó từng lập nên công trạng, tại không ai biết đó thôi.
- Cứu người hoạn nạn chứ gì?
- Nói chính xác là một người đẹp đã có thời rất đẹp.
Linh đứng trong nhóm đang chắc lưỡi kinh ngạc bởi khối thạch nhũ lấp lánh lốm đốm như có dát kim cương nên nghe thấy hết. Vậy ra, Trường vẫn còn nhớ như mình. Trường lại đem cái đèn quý giá ấy theo để lặp lại một lần dẫn dắt nữa hay sao.
Có lẽ, cả hai đều không ngờ trong hang có sẵn đèn, đủ đầy ánh sáng. Mạnh ai nấy đi ngắm nghía, không phải sờ soạng dắt díu gì hết. Mải coi ngó săm soi cảnh lạ, Linh không biết nãy giờ Trường có đi sau lưng mình không. Trường không hay nói, không hút thuốc lá, không xức nước hoa, đôi giày đan rổ xẹp gót chẳng phát ra tiếng thình thịch. Chẳng có cách nào nhận ra. Chẳng có gì đặc biệt.
Linh tự nháy mắt với mình. Không có gì đặc biệt, lại càng hay. Đi du lịch để được nghỉ ngơi cho khỏe khoắn, chứ đâu phải là dịp để trốn vợ, trốn chồng đi nắm tay kẻ khác lén lút trong bóng tối. Lần này thì xin chừa luôn nhé. Mai mốt đi đâu có hang hốc, Linh sẽ ở nhà.
Trong khi mọi người túm tụm chờ đến lượt “chụp một tấm” bên tảng đá lấp lánh, Trường hí húi rọi đèn, bốc một nắm cát cho vào bịch nilông “Thử coi ra ngoài trời, nó có còn chiếu sáng không. Đem về làm kỷ niệm luôn”. Rồi lấy máy ra bấm đủ chỗ. Đèn lóe sáng phía đám đông đang chờ đợi được chụp với tảng đá kim cương. Đèn làm giật mình hướng dẫn viên với cái quần ống thấp ống cao. Trường chụp luôn ông thợ chụp hình đang khom lưng đếm một hai ba.
Mọi người chụp hình xong, í ới gọi nhau vào sâu bên trong nữa. Linh cũng vẫn cái tật cà kê nên đi sau cùng. Trường gọi.
- Cô Linh. Cho nhờ chút xíu. Chụp giùm tôi cảnh này.
Trường bấm đèn soi vào một cột đá lóng lánh, ra vẻ như đang tìm tòi nghiên cứu gì đó.
- Rồi. Cô đứng chỗ này. Bấm cái nút màu xám lớn nhất, là xong.
Linh lùi lại, ngắm rất cẩn thận, cố gắng để Trường không bị mất chân mất đầu. Nếu đủ ánh sáng, Trường sẽ có một tấm ảnh thật tự nhiên, thật lạ so với cả đoàn. Trường đang đi tìm cái đẹp? Hay đang phục chế kỷ niệm chỉ có hai người biết trong cái hang tối om xưa?
Rồi Linh la hoảng ngay sau khi đèn tắt phụp.
- Chết cha. Quên. Chụp có cái đằng sau lưng không à.
Trường cười mỉm.
- Ý tôi tính vậy mà. Thấy cái mặt không hay đâu. Tấm này chắc chắn phải đẹp. Hồi nãy tôi được hơn một giọt nước trời cho. Linh còn nhớ không?
Câu nói cuối cùng sao có vẻ như dò hỏi, như chất chứa ý tứ tăm tối. Tăm tối và dễ sợ như những hang động Linh đã chui vào. Linh không trả lời, bước vội vã về phía đám đông.
Khi đã bắt kịp mọi người, thở phào an toàn, Linh len lén đưa mắt tìm Trường. Cái dáng cao lêu đêu đang xoay trở tìm góc độ trong những khối đá hình thù kỳ thú. Đèn lóe lên loang loáng.
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P06: Biển của người ta

Năm giờ sáng, Thăng gọi cửa nhà Xuyên. Xuyên vừa mở khóa vừa nói đùa: “Ở lại cả ngày hôm nay, tới chiều mai mới về. Làm gì mà gấp đi sớm quá vậy?”. Thăng cười tít mắt dưới ánh đèn vàng ệch trong hẻm. “Đến trễ, xe bỏ mình chạy mất tiêu, không chờ đâu. Bà lúc nào cũng giỡn chơi được. Lẹ lên cho tôi nhờ”.
Thăng nhanh nhẹn xếp túi xách của Xuyên lên xe, nhắc Xuyên đừng quên chai nước, sợ ra ngoài đó nước lạ, uống không được, rồi đau bụng thì hết đi tắm biển. Rồi hối Xuyên lên xe. Cái xe ọp ẹp mà thường ngày Thăng chẳng bao giờ chở ai vì “xe yếu”. Xuyên trợn mắt hỏi “Sao bữa nay lại chở?” Thăng xòe rộng bàn tay như phân bua “Tại đi gần gần”.
Quãng đường đến nơi xe chờ quả thật rất ngắn, chỉ ba phút là tới. Nhưng cũng đủ để Xuyên nghĩ ngợi lung tung.
Gió thổi phồng lưng áo pull của Thăng, hắt vào mũi Xuyên mùi xà bông giặt tẩy, hăng hắc. Chung nơi làm việc khá lâu, đây là lần đầu tiên hai người ngồi cùng một chiếc xe, sát cạnh bên nhau như thế này. Xuyên hít vào mũi một hơi mùi chiếc áo của Thăng, tự dưng thấy ngường ngượng. Còn Thăng, không biết có lúng túng gì không, cứ thấy Thăng nắm lại mở ra mấy ngón tay trên tay ga. Hay là thói quen ? Xe ì ạch bò trên đường Xuyên đã sợ xe hư, nhìn tay Thăng múa máy càng thêm khó chịu.
Họ đến không trễ, nhưng trưởng đoàn yêu cầu, trẻ khỏe nên ngồi phía cuối xe.
Thế là lại ngồi gần nhau, Xuyên được ưu tiên hàng ghế áp chót với Thu, Thảo, Loan. Băng sau cùng, Thăng chen chúc với mấy tên ăn to nói lớn, xe vừa chạy đã đòi hát karaoke. Phe lớn tuổi không cho hát vì ồn ào, chỉ chịu nhạc tình cảmtrong băng cassette, hát vừa đủ nghe. Thứ nhạc đó dễ làm buồn ngủ. Xuyên nhắm mắt, nghe loáng thoáng, cứ mỗi lần dứt bài hát nào, Thăng lại vỗ tay lét đét khen “Hay”. Tiếng hay kéo dài, hồn nhiên vui thích, như con nít đang coi xiếc chó mèo.
Chương trình ở đến hai ngày, nên không cần phải vội vàng tắm biển. Xe chạy rề rà dọc eo núi, cho du khách ngắm thèm thuồng vùng nước xanh biếc, rồi ghé một khu di tích bảo tồn bảo tàng.
Đường đi lên tòa nhà chính uốn lượn và dốc ngược như ở Đà Lạt. Thăng đi trước, chân thoăn thoắt như leo cầu thang trong cơ quan. Nhưng chỉ  được mấy trăm thước thì ngồi phịch xuống lề đường đắp bằng xi măng. Phía sau có trồng những hàng cây cảnh, lá xanh thẫm, bóng loáng, cắt xén đều, giả làm hàng rào. Mọi người đi qua cười rần rộ, chê bai, trêu chọc anh chàng yếu nhớt, rồi lũ lượt, ì ạch theo nhau lên tiếp.
Xuyên đi tới trước mặt Thăng, nhớ lại hồi sáng Thăng rất tử tế đến rủ mình cùng đi. Mặc dù Xuyên chỉ dặn sơ, không nhắc đi nhắc lại “Ra đường sớm quá, sợ ma, sợ ăn cướp”. Chẳng lẽ bây giờ lại bỏ Thăng ngồi trơ trọi, thở hồng hộc một mình?
Xuyên bước thêm hai bước ngập ngừng nữa, rồi quyết định đứng lại, trở xuống với Thăng. Sắc mặt Thăng bình thường, chẳng có vẻ gì mệt mỏi. Xuyên đứng khom lưng, hỏi:
- Sao vậy?
Thăng cười rộng miệng, mặt tươi rói:
- Ngồi chơi. Hít thở không khí trong lành. Nghe tiếng sóng biển. Ngắm nhìn cây cối xanh tươi. Hồi nãy trong xe ngộp quá.
Xuyên kêu trời trời. Uổng công mình tưởng hắn cần người cứu giúp. Nghĩ vậy, Xuyên quay lưng định đi tiếp. Thăng kêu cuống quít.
- Ê. Đừng đi. Lại đây cho coi cái này hay lắm.
Cái này hay lắm. Xuyên nhìn theo tay Thăng. Những bông hoa trắng đục như sữa, như hoa huệ, hoa lài, chen trong đám lá xanh mướt mượt chạy dọc theo lối đi, nơi Thăng đang ngồi gần như dựa lưng vào. Màu trắng tinh khiết hòa với màu xanh mát rượi, làm cho cái hàng rào trở nên sạch sẽ, đẹp mắt. Xuyên à lên, nhớ lại, loại cây kiểng này hay trồng viền quanh các bồn bông, các vòng xoay, ở công viên.
Xuyên cúi xuống, sờ vào cánh hoa.
- Biết thứ cây này rồi. Nhưng sao ở đây lại có bông. Hay là họ gắn bông giả?
Thăng trả lời, giọng là lạ.
- Thiệt. Nhiều như vầy, hơi đâu mà gắn bông giả. Những cây ở đây trổ bông vì nó đã đến tuổi. Nó phải nở, phải phơi bày lòng dạ của nó ra cho người ta thấy. Cũng như con người.
Xuyên nhăn mũi, nhìn Thăng.
- Ý nói gì?
- Không có gì. Chỉ muốn cho Xuyên thấy cái bông lạ lạ thôi. Nói là hơi hiếm mới đúng. Coi xong rồi. Bây giờ mình đi, kẻo thiên hạ lại nói.
Thăng đứng bật dậy, đi lên dốc, nhanh nhẹn, chẳng có gì ra vẻ yếu đuối, đứt hơi như lúc nãy. Mà cũng chẳng bước chậm lại để chờ Xuyên.
Xuyên ấm ức rủa thầm.
-  Muốn điên hay sao !
Rời khu nhà cổ, xe chạy tới nơi ở là một khách sạn hiện đại nằm dưới chân núi. Cả đoàn chia nhau ở hết các phòng trên tầng sáu, tầng cuối cùng. Thang máy chỉ chứa được năm người một lượt. Chờ chực cái thùng kín mít ấy trở lên trở xuống, còn lâu hơn leo sáu cái cầu thang dài thượt. Mà nóng ruột, muốn đi bộ thì ớn vừa mỏi chân vừa mệt đứt hơi.
Nhưng bù lại, được có một cái sân thượng ở ngay trên nóc nhà. Rộng thênh thang và lồng lộng gió. Chỉ rán đếm tiếp hai mươi bậc cầu thang nữa thôi.
Buổi chiều, ở biển về, còn ướt mèm, rít rịt nước muối mặn, Thăng đã sà vào anh anh em em, làm quen với tay bảo vệ giữ việc đóng mở cửa cái sân trên trời ấy, mượn luôn cây đàn ghita của y. Lúc đi lên phòng, đâu chừng khúc cầu thang thứ mười một rưỡi, Thăng thở phì phì, nói nhỏ vào tai Xuyên“Tối nay lên sân thượng chơi. Đừng rủ ai”.
Xuyên đã đủ khôn ngoan để hiểu, đó là một lời hò hẹn.
Suốt buổi tối thả bộ rề rề, đi dạo chơi vòng vòng quanh chợ, Xuyên đã nghĩ tới nghĩ lui. Tóm lại, tối nay, Thăng sẽ tỏ tình với mình.
Chẳng biết hắn để ý tới mình từ hồi nào.
Chẳng hiểu hắn thấy hợp với mình ở chỗ nào.
Năm sinh của Thăng  lớn hơn  năm sinh của Xuyên một số, ở hàng đơn vị. Cái khoảng cách tuổi tác ấy, đủ để người phụ nữ cảm thấy mình già hơn, thường hay ra mặt đàn chị. Nhưng Xuyên chưa xưng chị với Thăng, như mấy cô khác,  lớn hơn Thăng hai, ba tuổi. Thăng cũng không kêu Xuyên bằng chị như xưng hô với mấy cô kia. Thăng gọi Xuyên, khi thì cô khi thì bà. Còn Xuyên gọi tên Thăng xưng tui. Đàn bà gọi đàn ông bằng tên là đã định ranh giới rõ ràng, chẳng bao giờ họ chịu đổi qua tiếng “anh” cam chịu thân phận dựa nương. Nếu lỡ phải duyên mắc nợ mà lấy nhau rồi, thành vợ chồng, họ vẫn ngoan cố kêu tên chồng, xưng tên mình. Như chị Hoàn của Xuyên kìa. Mỗi lần nghe con dâu nói chuyện với con trai, bà mẹ chồng chị Hoàn lại trợn mắt, lắc đầu, ngán ngẩm, chê bai. Chị Hoàn cười hối lỗi “ Tại quen miệng rồi”.
Dạo chơi về, khi băng qua mảnh sân cây cối um tùm, thấm đẫm mùi hoa dạ lý hương trong sân khách sạn, Thăng còn đi sát lại bên Xuyên, nhắc
-  Nhớ nghe.
Thang máy không bận lắm, vì nhiều người mệt ở lại phòng, ngại gió, không theo đoàn đi chơi chợ. Thấy Thăng ngoắc tay gọi, rủ đi thang máy, Xuyên lùi lại, bảo thích đi thang chân hơn, cho đỡ ngộp hơi người.
Thật ra, Xuyên nghĩ, đứng với Thăng trong cái thùng nhỏ xíu, chật chội ấy, lúc này, thấy kỳ kỳ, sợ sợ. Xuyên còn chưa quyết định, lát nữa, có nên lên sân thượng gặp riêng Thăng hay không. Tự nhiên, Xuyên thấy khó chịu, và chỉ muốn về nhà ngay. Mặc kệ luôn, nỗi háo hức sáng mai, sẽ dậy sớm, đi đón ngắm cảnh mặt trời chui lên từ dưới biển.
Mười giờ, Xuyên nghe tiếng gõ cửa khe khẽ. Loan, Thu, Thảo đã ngủ say sưa vì nhảy sóng quá nhiều. Ra hay không? Xuyên chặc lưỡi liều lĩnh, quàng cái khăn tắm lên vai, biết chắc ngoài sân rất lạnh, rồi mở cửa. Kệ. Mình có mất gì đâu. Nói cho cùng, thì ai lại chẳng thích khi có người để ý mình.
Cả hai người cùng chỉ tay vào nhau, cố cười nhỏ tiếng vì đều khoác khăn tắm như nhau. Thăng vác thêm cây đàn. Họ nhấc cao bàn chân, đi từng bước khẽ trên cầu thang dẫn lên sân thượng.
Vừa lên tới, Xuyên kêu thảng thốt.
- Đẹp quá. Thăng ơi.
Thăng khẽ ừ. Họ đứng cạnh nhau ngắm nhìn chung quanh. Trời đêm đầy chi chít, lấp lóe những ngôi sao nhỏ xíu, như tấm áo dạ hội dát đầy kim tuyến của những người đàn bà thích chưng diện. Hình như ở biển, người ta được thấy nhiều ngôi sao hơn ở phố chợ. Những vì sao sáng khiến cho bầu trời như hạ thấp xuống.
Xuyên thì thào từng câu liền nhau, vì không nghe Thăng đáp trả.
- Cứ tưởng tượng có thể nhón chân, với tay là sờ tới được.
- Mặt biển như dâng cao hơn.
- Trên mặt biển cũng sáng luôn kìa.
Xuyên nói những suy nghĩ ấy với Thăng, bằng cái giọng ngang hàng như mọi ngày, quên mất lý do bí mật đã khiến họ có mặt ở đây.
Thăng nói đều đều như ánh đèn hải đăng đang quét qua quét lại:
- Biển đêm có nhiều ánh sáng như thế không hay đâu, đối với những người đi trốn. Trống trải và nguy hiểm. Vậy mà… Thôi. Không nói chuyện đó. Bà ngồi xuống đây, tôi đàn cho bà nghe.
Xuyên hoang mang nhìn những ngón tay Thăng chạy thoăn thoắt trên cây đàn. Chơi nhạc cổ điển đấy. Hắn muốn gì?
- Bà thấy tôi đàn hay không? Tại cây này không phải là loại đặc biệt giành riêng để móc classique.
Xuyên thấy cổ họng nghẹn nghẹn. Xuyên nói ngắc ngứ.
- Mình không biết. Nếu có Thúy thì …
Thăng ngừng đàn, nói vội vàng.
- Đó đó. Ý tôi muốn hỏi bà, tôi đàn như vầy có bằng Thúy chưa?
Sao lại có Thúy ở đây thế ? Xuyên ngước nhìn lên bầu trời tối đen, chăm chú như đang đếm vô cùng các vì sao. Chẳng hiểu mình đang mắc vào chuyện gì.
Bên cạnh Xuyên, Thăng nói, thủ thỉ:
- Hồi xưa, người yêu của tôi đi vượt biên. Mất tích. Cô ấy đàn giỏi nhất lớp, như Thúy bây giờ. Nói cho đúng ra là chỉ có tôi yêu cô ấy thôi. Đơn phương, một chiều. Bởi vậy, cái hình ảnh Thúy ngồi đàn trong đêm sinh nhật bà, đã khiến tôi xúc động dâng trào, mãnh liệt. Nhưng tôi ngại, không dám ngỏ lời. Y như hồi đó với… Bà chơi thân với Thúy. Bà có thể nói dùm tôi không. Đừng hiểu lầm là tôi nhờ bà mai mối. Bà chỉ cần kể cho Thúy nghe, tôi cũng biết đàn. Là đủ.
- Để làm gì?
- Để, nếu cô ấy thích tìm bạn tri âm, cô ấy sẽ tự tìm đến với tôi. Biết đâu, lâu ngày sẽ có chuyện gì tốt đẹp xảy ra. Bà hiểu không?
- Vậy thôi?
- Ừ, cám ơn trước. Tặng bà bài này, hay lắm.
Thăng âu yếm ôm cây đàn vào lòng, dịu dàng vuốt ve.
Xuyên cảm thấy đôi vai mình từ từ xệ xuống, thất vọng.
Vậy mà cứ tưởng bở. Kể ra cũng hơi quê. Vậy mà suốt buổi tối Xuyên cứ ngỡ, Thăng sẽ run run nắm lấy tay mình. Thăng sẽ lắp bắp nói một câu gì đó, như trong tuồng hát, loại tuồng tình cảm ướt át, mê li.
Cũng may là mình chưa có manh nha cái ý nghĩ là thấy thích Thăng. Nếu không, ngay lúc này, mình sẽ khóc, sụt sùi, như vai nữ chính, lúc bị tác giả kịch bản và đạo diễn bắt ép, rơi tõm vào nghịch cảnh éo le.
Nói cho cùng thì, cũng hơi hơi… tiêng tiếc. Thăng được mọi người đánh giá chung là đàng hoàng, tử tế.
Xuyên tực cằm trên cánh tay mình, kín đáo ngắm những ngón tay Thăng đang vờn trên mấy sợi dây đàn, chợt thấy thương Thăng quá đỗi. Không cần tưởng tượng là đang đóng phim, Xuyên chỉ muốn nắm lấy bàn tay ẻo lả ấy mà chia sẻ, an ủi.
Thăng ơi, Thăng đâu biết. Thúy cũng có một người yêu - thực sự - đã vượt biển ra đi, và sắp trở về làm đám cưới. 
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P03: Đi săn

Đi săn

Mưa rất to, khi Dao bắt đầu bữa ăn chiều. Mưa làm trời sập tối ngay, và cúp điện. Bà lao công đã thắp trước cây đèn dầu. Loại đèn đặt trên bàn thờ, để đốt nhang, hoặc dùng làm đèn ngủ sau khi vặn xuống gần hết cỡ cái tim đèn, chỉ còn một đốm lửa leo lét, nhỏ bằng hột quít.
Ngọn đèn được chỉnh cho vừa sáng, vừa không tỏa khói khét lẹt, chỉ đủ soi mờ ảo mấy miếng đậu hũ kho thịt mỡ nhiều hơn nạc, đĩa rau muống loe hoe vài cọng xanh xám vì xào thiếu lửa.
Dao nuốt một tiếng thở dài, ngao ngán ngó mâm cơm đạm bạc. Không có bếp ăn tập thể, nấu một phần ăn nhỏ là vấn đề lớn, rắc rối. Đây là món ăn gia đình của nhà bà lao công sớt qua. Cả hội đồng coi thi chỉ có Dao là người nơi khác đến. Những người còn lại có nhà ở gần trường, hoặc ở xã, huyện quanh đó. Buổi tối, chỉ còn một mình Dao ở lại, không có xe, không thể về. Không có nhà tập thể, lãnh đạo hội đồng thi thu xếp cho Dao ở phòng họp giáo viên, ngủ trên bàn.
Buổi tối nơi xa lạ, vắng vẻ quá và cô quạnh quá. Không sợ ma cũng thấy hơi gai gai sống lưng. Dao ngồi dựa tường. Cửa sổ, cửa cái đóng chặt. Nhưng Dao vẫn căng mắt nhìn chăm chăm, hồi hộp.
Vừa sợ vừa mong.
Mưa to thế này, cuộc săn đêm đã hẹn hò suốt buổi sáng, buổi chiều với hai gã kia sẽ ra sao đây.
Trường này có mấy ông giáo, hễ rảnh một chút là réo nhau đi săn đêm. Xách súng hơi đi một vòng vườn tược trong xóm, có bữa hăng quá đi tới cửa rừng luôn. Gặp lúc như vậy, phải trưa hôm sau mới về tới nhà. Đi bộ mà.
Trong lúc ngồi chờ phân công, chờ nộp bài, nghe họ kháo nhau, máu phiêu lưu của Dao bùng dậy. Ra trường, dám nhận nhiệm sở xa nhà hơn trăm cây số, hai ba tháng mới về một lần, Dao tự hào rằng mình có máu mạo hiểm, thích làm lãng tử giong ruổi dặm đường. Nên Dao lên tiếng đòi họ cho đi theo “cho biết”.
Hai gã trẻ tuổi người địa phương nhìn nhau ngần ngư.
- Đàn bà con gái ở đây không đời nào làm như cô đâu.
- Mấy anh sợ tôi theo phá đám chớ gì.
- Không phải. Tụi này không dám nghĩ vậy. Chỉ là thấy quá lạ thôi.
- Nếu mấy anh thấy khó coi thì thôi.
- Không mà. Không có khó coi đâu. Cô muốn thì cứ đi. Nhưng nói trước. Giữa chừng không được đòi về. Đi xa lắm. Tối thui hà.
Dao nôn nóng nhìn đồng hồ. Tám giờ. “Hai đứa nó” hẹn bảy rưỡi. Trời hết mưa sau lúc Dao trệu trạo nhai xong bữa cơm ẩm ướt, tối mò. Không muốn cho rằng mình đã bị hứa lèo hứa cuội, Dao nghĩ ra đủ thứ lý do để chờ.
Hai gã đó, một tên nói nhiều và lớn tiếng, một tên ít nói, tiếng vừa đủ nghe, cứ bẽn lẽn ngượng ngập như con gái trước mặt đàn ông lạ. Nhưng bù lại, hắn - tên bẽn lẽn - rất thông thái. Đọc sách nhiều, chăm chỉ đi thành phố lớn học nâng cao bằng cấp. Hắn ít nói vì đứng đắn. Không như tên kia, lúc nào cũng tía lia cái miệng chọc ghẹo.
- Lúc giao nộp bài thi, bắt quả tang thằng Đặng lén ngó cô Dao.
Đặng cười cười, cụp mắt xuống, mặt đỏ lựng.
- Nói bậy mày. 
- Nói bậy nói bạ mà trúng tùm lum tà la chứ gì.
Giọng nói của Đặng có âm sắc gắt gỏng “Thôi đi”, thì gã lắm mồm mép ấy quay qua khều chọc Dao:
- Cô Dao. Nhà thằng Đặng có cây ổi xá lỵ. Thơm ngon nổi tiếng. Cả huyện này chỉ có một cây duy nhất mọc ở sân trước nhà nó. Tôi thấy cô thích ăn ổi. Tôi dám cá mười ăn một. Cô chỉ cần nói một tiếng, có ổi ăn liền. Cô dám nói không?
Biết Đặng giả vờ không nghe, Dao cố ý khích bác.
- Nghe nói ba của ông Đặng khó tánh như bà già xưa. Ông Đặng hái một trái ổi, chắc bị một trận đòn rưỡi. Cho thiếu nợ nửa trận để răn đe. Tôi không dám nói đâu. Không hại bạn.
Dao nói vừa xong, Đặng bỏ đi ra ngoài, lát sau cầm vô trái ổi còn nguyên cuống với lá xanh lè, đặt trước mặt Dao cái cốp:
- Đây. Ổi mới hái. Cô cũng biết nhà tôi khít vách trường này. Vậy nãy giờ cô có nghe tiếng tía tôi đánh mắng gì không?
Gã kia nhanh nhảu cướp lời:
- Thứ người ngậm miệng suốt ngày. Có khóc cũng đâu có nghe được.
Rồi gã cười hà hà hả hả, cười nhắm mắt. Còn Dao quá bất ngờ, chỉ biết lí nhí cụt ngủn “Cám ơn”.
Những vụ chọc ghẹo như thế thường xảy ra khi họ có dịp gặp nhau. Gác thi, chấm thi, học thêm nghiệp vụ tập huấn đủ thứ gì đó mỗi dịp nghỉ hè. Hai ngôi trường mang chung một cái tên. Trường Dao có kèm thêm số một. Trường Đặng số hai để biết huyện đó có hai trường. Mọi người gán ghép Đặng với Dao vì thấy họ còn độc thân, cùng học rộng hiểu nhiều, cùng tỏ ra rất kén chọn nửa còn lại của mình đang bị thất lạc, lang thang đâu đó trong thần thoại tự hồi nào.
Thiên hạ cáp đôi cho họ đã mấy năm nay, nhưng đôi mắt sáng láng thông minh của Đặng vẫn nhìn xuống, cái miệng hơi hô chúm chím cười. Đặng vuốt ngược mái tóc lên vầng trán rộng. Rồi xong. Rồi thôi. Chẳng chối, chẳng nhận. Gã nhiều chuyện phán một câu “Sức ỳ quá lớn”, rồi nói thêm “Máy ổn áp. Là mày đó Đặng”.
Dao thấy anh ta hay hay, lạ lạ so với những chàng giáo viên tỉnh lẻ mà Dao gặp gỡ mỗi ngày. Có điều anh ta còn nguyên vẹn vẻ nhà quê ở cách ăn mặc, giọng nói, cách nói. Nghe xù xì, thô và nhão. Anh ta là người địa phương gốc gác nhiều đời. Người cha phong kiến còn búi tóc củ hành, mặc đồ bà ba lụa trắng. Biết anh ta có được nếp suy nghĩ phóng khoáng hay không?
Có thể anh ta cũng đang so đo Dao, như Dao từng đánh giá anh ta. Bởi Dao luôn tỏ ra là người có xuất thân sang cả. Yểu điệu thục nữ, nhưng không kém phần táo bạo, bạt mạng theo kiểu dân chơi thành thị. Bên phe nữ, Dao nổi bật bởi cách nói năng thông minh, có duyên. Dao thường làm cho mọi người chú ý bởi thái độ cư xử tự nhiên hơn hẳn các cô gái khác. Cũng dễ hiểu vì họ là con gái huyện lỵ nhỏ xíu, heo hút. E thẹn, rụt rè đã thành tính cách.
Mặc kệ cả hai nghĩ thế nào về nhau, mọi người cứ gặp là chọc. Chẳng được gì thì cũng có chuyện nói cho đỡ buồn.
Dao ngó xuống đồng hồ đeo tay. Chín giờ thiếu mười lăm.
Hay là Đặng không chịu đi?
Hồi chiều lúc hứa hẹn, chỉ có gã nhiều chuyện nói ào ào. Đặng đứng bên cạnh, chắp tay đằng sau, cười ké, gật đầu đều nhịp, miệng ậm ừ, chẳng nghe ra được, hay là thôi.
Sau đó, chắc là Đặng đã từ chối, đã trách móc thằng bạn. Nếu không, sao giờ này, chẳng thấy ai tới.
Không nghi ngờ, phỏng đoán gì nữa, Dao nghe tai nóng nóng, má sần sần, mắt mũi cay cay. Xấu hổ với chính mình, cảm thấy mình bị mất giá với hai gã “nhà quê”. Dao buột miệng thốt ra thành tiếng, cái từ ngữ vẫn tránh né nói ra vì quá thiếu tế nhị.
Hai tiếng đó, dù nói khẽ cho chính mình nghe, nhưng cũng làm vang căn phòng rộng hoác, vắng tanh. Dao nhìn bóng mình in trên vách. Sao hẩm hiu quá thế này. Nước mắt đã đầy ứ, nhưng chưa thành giọt rơi xuống. Như có cái gì nặng, chặn lên ngực, Dao thấy ngộp thở. Nỗi hờn tủi ấy lấn át hết cái sợ bóng tối đen đúa ngoài sân với những dãy phòng thăm thẳm không ánh sáng, những cây cối to lớn im lìm. Dao bước gấp về phía cửa sổ, gạt cái chốt, dùng cả hai tay đẩy mạnh.
Một tiếng ê hoảng hốt bật lên, vọng vào phòng.
Một cái mặt người, một thân áo sơ mi trắng ướt sũng hiện ra. Cái thân mình to lớn, che lấp hơn nửa khung cửa.
Tiếng Dao vui mừng
- Anh Hơn! Làm tôi hết hồn.
Hơn - gã nhiều chuyện - nói năng từ tốn, chẳng còn vẻ lanh chanh lóc chóc thường ngày.
- Tôi đi săn. Đi mấy vòng chỉ bắn được con chim ốm nhách. Ngang qua đây, thấy phòng có đèn, tôi ghé coi thử. Cô sợ nên tính để đèn sáng đêm phải không?
Dao như bị tạt một gáo nước lạnh vào giữa mặt, khắp người chợt ứa ra một thứ mồ hôi giựt mình, kinh sợ. Sao hắn tỉnh bơ trơ tráo, như chưa hề hò hẹn chắc chắn mới hồi chiều này. Còn Đặng sao không thấy.
Dao cũng đành giả lơ theo. Sửa cho giọng tự nhiên như thường khi, Dao hỏi:
- Anh nói săn được con chim gì. Cho tôi coi với.
Hơn gác tay lên bệ cửa, nắm tay mở ra, năm ngón xòe rộng như phân bua. Một xác chim sẻ nằm rụi, cặp chân khẳng khiu duỗi dài, khô cứng trong lòng bàn tay vuông vức. Có thêm mấy vệt máu loang.
Dao rùng mình nhắm chặt mắt. Rồi mở mắt ra, thấy Hơn đang nhìn mình rất lạ, như đang đóng phim đến cảnh ướt át tình cảm. Lúc này mắt Hơn cũng có tia sáng giống mắt Đặng. Hay tại Dao chưa bao giờ để ý? Hay tại nước mưa?
Hơn nói giọng rất khẽ, rất ấm:
- Trời mưa lạnh ghê. Nhưng con chim này nóng hực. Không tin cô rờ thử coi.
Bàn tay vẫn mở rộng, mời gọi. Dao đưa ra một ngón tay trỏ, chạm nhẹ lên mớ lông màu đất, thoáng nghĩ thật nhanh. Lỡ... Hơn cụp tay lại nắm tay mình thì sao. Hình như mấy ngón tay to tướng kia đang run run, cử động.
Dao rụt tay về rồi, Hơn mới chậm chạp co lại mấy ngón tay.
- Thôi tôi về. Đứng đây hoài thấy mình làm như bắt chước tuồng cải lương Thanh Nga Mộng Tuyền. Cái thằng cha kép độc đó, làm bộ đi săn dưới trời mưa để tán tỉnh tống tình bà chủ đồn điền. Chúc cô ở lại một mình suốt đêm tới sáng không sợ nghen.
Dao nặn ra mấy tiếng cười, cám ơn, đóng cửa lại. Vừa quay lưng đã nghe tiếng gõ lách cách.
- Quỳnh Dao ơi.
Cửa mở. Hơn không đứng dựa sát tường nữa mà xích ra xa, như thủ thế. Giọng nói vẫn nhẹ như gió thoảng, rù rì như trên đài phát thanh đọc truyện đêm khuya.
- Nói thiệt là hồi tối, tôi có rủ thằng Đặng qua đây mời cô cùng đi săn. Nhưng ba nó nói, nó đi trước lâu rồi. Tôi phải đi một mình. Thấy trong bụng áy náy quá, nên xẹt vô đây kêu cô. Nó không đến gặp cô phải không. Cái thằng gà rù đó. Sao cô lại tên là Quỳnh Dao. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Tôi cũng có đọc thơ Kiều chớ bộ. Tên cô đẹp quá mà. Cái đồ gà chết đó.Thôi. Cô đóng cửa ngủ sớm đi.
Hơn quay lưng, đi mất hút vào bóng tối. Dao làm theo lời Hơn, ngoan ngoãn như đứa trẻ con. Nhưng không ngủ được.
Vậy thì Đặng đi đâu?
Đi trốn. Đi săn một mình.
Hay là từ chập tối tới giờ, anh ta vẫn đang đứng trong sân trường này, nhờ bóng tối cái cây nào đó che giấu.
Vớ vẩn! Mà đứng để làm gì chứ. Dao cười khan, mình giỏi tưởng tượng lắm rồi. Cho mười điểm.
Biết đâu chừng ba của Đặng nói dối. Có thể Đặng chẳng đi đâu hết. Giờ này anh ta đang chong đèn tra cứu này nọ. Gã tên Hơn ấy đã nhiều lần kể, Đặng là giáo viên môn hóa nhưng đang theo học giáo trình Hán - Nôm. Đặng còn âm thầm ôm ấp một công trình nghiên cứu, phát minh phát kiến rất to lớn.
Có ngày, chính tiến sĩ Võ Đặng sẽ công bố, đã tìm ra cái nền nhà mà ngày xưa còn bé, cụ Đồ Chiểu đã từng ngồi mòn bậc thềm ngóng mẹ đi chợ về, ở ngay tại xứ này.
Chẳng biết có thực hay không.

LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )

P04; Sang ngang

Trăng không tròn hẳn vì đã qua rằm. Hòa nói hơi lớn tiếng: “Hai mươi giấc tốt”, nhưng chẳng ai hưởng ứng. Có thể vì không hiểu, hay vì thấy trăng sáng quá hiển nhiên, có thể vì quá mệt chẳng muốn mở miệng nói gì nữa.
Trong số đó, chắc chắn là Vĩnh không nghe. Vĩnh đang buông lỏng tay ga, cần mẫn rề rề phía sau để soi đường cho mấy chiếc xe đạp chạy phía trước. Trong đám đông đó chỉ có một mình Vĩnh có xe gắn máy. Họ là một chi đoàn vừa đi dự lễ kỷ niệm bên chi đoàn bạn kết nghĩa. Qua đó, ca hát, tặng quà, ăn uống xong rồi về. Đường xa và vắng vẻ. Nghe đồn khúc đường này hay có cướp. Không chỉ cướp của cải mà còn bắt người để làm bậy. Mấy cô gái sợ rúm chân, đạp xe loạng choạng. Mấy người đàn ông chia nhau bọc trước bọc sau, bao mấy cô vào giữa như cái bánh da lợn ba lớp. Hai bên màu xanh, ở giữa là đậu xanh màu vàng. Vĩnh nhận phần đi sau cùng, vừa nói vừa cười “Xe cũ, người xấu. Không sợ”.
Nói chơi vậy thôi. Vĩnh không xấu, mặc dù hơi thấp nhỏ so với người cao lớn. Dân gian gọi cỡ người của Vĩnh là người tầm thước. Mũi cao, mắt sâu, hai bên mang tai mờ mờ xanh những chân sợi râu cạo sát rạt. Vĩnh hơi bị lưng tôm thành ra nhìn giống như ông già. Nhưng Vĩnh biết đàn, biết đánh trống, khi thiếu người cũng dám ra đứng hát cho đủ chỗ. Giọng hát chẳng truyền cảm, nhưng không bị sai tông lạc nhịp.
Hòa thích Vĩnh.
Hòa luôn để ý coi Vĩnh làm gì. Thiếu thì giúp, vui thì chia. Nhưng hết sức giấu giếm. Những lúc đó, Hòa tìm đủ cách để không ai nghi ngờ, để Vĩnh không hề biết, để Vĩnh nghĩ Hòa cũng như bao nhiêu người khác. Sự quan tâm của Hòa chỉ là thói thường của một tập thể phải có, thân tình theo kiểu “Bầu ơi thương lấy bí cùng”.
Bởi vì Vĩnh công khai tỏ ra yêu thích Thiều Hoa.
Thiều Hoa đẹp, có nhà mặt tiền cho thuê. Thiều Hoa là con gái duy nhất trong một gia đình có ba anh em trai. Vóc người Thiều Hoa mảnh mai, tóc dài lả lướt, suôn đuột không một nếp gợn vì buông xõa cả ngày, không phải buộc búi gọn lên để làm việc nhà.
Hình như để bù trừ cho bà mẹ chỉ có một đứa con gái, ông trời đã gom tất cả số sắc đẹp dự định phân phối cho số con gái trong nhà ấy, đổ hết vào cho Thiều Hoa. Không đẹp xuất sắc, nhưng trong đám dung nhan tầm thường thì Thiều Hoa nổi bật. Thế là đủ hãnh diện, bao người ao ước.
Thiều Hoa không tỏ ra thích Vĩnh đặc biệt nhưng cũng không từ chối những gì Vĩnh dâng tặng. Vừa như rất cần đến Vĩnh vừa như hạ cố ban ơn. Như thế đủ cho Vĩnh sung sướng vô cùng. Hai người vốn là bạn cùng xóm, là bạn học từ nhỏ, bây giờ làm chung cơ quan. Vĩnh qua nhà Thiều Hoa chơi, lấy đàn gẩy tình tang là thường, buồn tay còn bắt ve cho đám chó kiểng nữa.
Vĩnh cũng có vài lần đến nhà Hòa. Nhưng là đi chung cả đám hái mít xẻ ăn, nhổ khoai mì luộc chấm muối đậu phọng, uống nước đá lạnh chung trong một cái ca, cười giỡn chọc ghẹo um xùm. Vĩnh về rồi, Hòa còn vui tới mấy ngày hôm sau. Cái ghế này Vĩnh đã ngồi. Cái võng này Vĩnh đã ngả lưng, ngáp dài khoan khoái. Con mèo này Vĩnh đã vuốt ve. Khắp nhà, chỗ nào hầu như cũng có dấu chân của Vĩnh. Hòa thận trọng ngắm nhìn, hít thở cái không khí mà Vĩnh đã thở, đã nói cười.
Nhưng nhà Vĩnh thì Hòa chưa dám đến.
Nhà Vĩnh chẳng có cây trái gì để tụ họp đãi đằng. Ba má Vĩnh khó khăn, không muốn ồn ào. Mỗi lần có dịp đi ngang qua nhà Vĩnh, qua hàng rào cây thiết mộc lan lá xanh đen tối tăm, Hòa luôn cố ngó vào, mong nhìn thấy Vĩnh, luôn tự hỏi không biết Vĩnh đang làm gì trong ấy. Nhà Vĩnh không giàu, nhưng có một vẻ quí phái, danh gia vọng tộc gì đó. Điều này làm cho người ta hãnh diện dù không có tiền, và khiến những người đã dư dả tiền bạc thèm thuồng ham muốn.
Vĩnh chơi thân với Thiều Hoa, nhưng những dịp đi chơi xa như thế này, Vĩnh không rủ được cô gái nhà giàu ấy đi cùng. “Buổi tối sương xuống lạnh lắm”. Vĩnh nài nỉ, tình nguyện chở thì Thiều Hoa rùng mình “Xe chạy nhanh, gió lạnh càng nhiều”. Trong khi Vĩnh đang cố nghĩ ra những câu thuyết phục khác thì Thiều Hoa dứt khoát
“Đi về khuya, mẹ không cho”. Thôi, Vĩnh chẳng dám xin xỏ bà mẹ nắm vững giá trị của cô quý nữ.
Không có Thiều Hoa, mấy cô gái tự nhiên nói năng cười cợt với Vĩnh.
(Mặc dù hai người chẳng công khai thừa nhận là gì của nhau, nhưng các cô không muốn Thiều Hoa nghĩ rằng họ không biết điều).
Người vui nhất là Hòa. Hòa đàng hoàng ngồi cạnh Vĩnh, nhờ Vĩnh gắp giùm những món ở xa, cho Vĩnh những thứ mà Hòa bảo “Không biết ăn”.
Món cuối cùng là lẩu tươi. Thịt thà tôm cá sống nhăn. Ngó những miếng gan nâu bầm, ướt rượt, Vĩnh xua tay:
- Thứ này không ăn. Sống thấy ghê.
Hòa rất thích ăn mực, dai dai, dòn dòn, mềm mềm. Ăn hải sản có thêm iôt, khỏi sợ bị bướu cổ. Thấy Vĩnh gớm, tự nhiên Hòa cũng gớm theo. Hòa từ chối khéo:
- Mình chỉ ăn được mực ống thôi. Mực này là mực nang.
Vĩnh gắp một miếng, nhúng nhúng trong xoong nước đang sôi, bỏ vào chén Hòa.
- Vậy thì ăn gan, bổ máu. Món này Thiều Hoa ưa lắm.
Hòa nhìn miếng gan đã co lại, xam xám, suy nghĩ theo kiểu mấy người đang yêu tự coi bói bằng cách rứt từng cánh hoa cúc trắng. Ăn, không ăn. Ăn, không ăn...
Đằng nào hay hơn. Ăn, vì đây là miếng Vĩnh gắp cho riêng mình. Không ăn, vì không muốn là bản sao của Thiều Hoa. Vĩnh không thích món ăn vừa chín tới, nhưng vẫn thích Thiều Hoa. Mình có ăn đến một trăm miếng gan này thì chuyện Vĩnh thích mình vẫn không thể xảy ra. Mà còn có thể thấy rờn rợn vì ngồi cạnh một cô gái đang khoái khẩu món ăn tái nữa. Người ta đâu phải sống để ăn. Hòa quyết định buông đũa.
Vĩnh hỏi ân cần:
- No rồi hả?
Hòa lắc đầu:
- Chưa. Nhưng không biết đồ ăn có tươi không. Ăn vô lỡ trúng, đau bụng rồi... Xấu lắm.
Vĩnh cười tiếc rẻ:
- Uổng quá. Nếu có Thiều Hoa ở đây, cổ dám ăn giùm hết phần của cả hai tụi mình.
Cả bàn thấy hai người có thói ăn uống giống nhau, nhưng không ai mở miệng chọc ghẹo. Dù vắng mặt, Thiều Hoa vẫn sừng sững tỏa bóng, ghán ghép chỉ bằng thừa. Mà Hòa lại chẳng có gì đặc sắc. Da dẻ vàng vàng như da vịt luộc. Tóc lưa thưa như tấm rèm cửa. Hòa chỉ được mỗi cái chăm chỉ, giỏi giang, năm nào cũng có giấy khen lao động tiên tiến. Mà danh hiệu ấy thì cả cơ quan ai cũng có.
Có một lần Thiều Hoa bệnh, Hòa lãnh phần làm giùm. Khi Vĩnh tới thì việc đã xong. Vĩnh chúm môi kêu chíp một tiếng: “Chữ đẹp quá ta. Người viết chữ đẹp là người cẩn thận, sạch sẽ, ngăn nắp, khéo léo”. Hòa cười tươi “Sao biết?”. “Thiều Hoa nói. Tại nàng chê chữ mình xấu thấy ghê”.
Có thế chứ. Vĩnh phải biết Vĩnh đã bị Thiều Hoa chê rồi. Vĩnh có cả đống kỷ niệm trẻ con với Thiều Hoa, nhưng dấu ấn thời thanh niên thiếu nữ thì đâu có. Hòa tự an ủi mình như vậy. Nhưng cũng không hề ao ước có ngày Vĩnh vỡ mộng tình yêu với Thiều Hoa. Nghĩ thế xấu lắm và ác lắm! Mẹ Hòa nói “Mong điều xấu cho người khác, có ngày điều xấu sẽ đến với mình”. Bởi vậy, Hòa chỉ cần gặp mặt Vĩnh, nói, cười, đi chung đây đó cả đám có Vĩnh... là đủ.
Như buổi tối này là đã quá vui.
Trăng sáng soi rõ từng loại lùm bụi. Trên trời chỉ có một khoảng không vô cùng, đen láng, sâu thẳm và hơi lạnh lạnh.
Đêm vắng lặng, yên ả. Một tiếng cười rất khẽ cũng nghe thấy.
Hai bên đường không có nhà, chỉ tít tắp những hàng cây cao su non, thân bằng cổ tay người lớn. Ánh trăng chiếu sáng những thân cây thẳng tắp và những lối đi bất tận. Bây giờ mà được đi vào trong đó thì hay biết mấy. Cả đám sẽ vòng vèo, luẩn quẩn, sẽ sợ lạc bầy mà nắm lấy tay nhau...
Nhưng lúc này thì đoàn người xe vẫn đang đều đều lăn bánh. Trăng vẫn sáng lạnh lùng. Lần lượt người này người nọ về tới nhà. Ai ở sâu trong ngõ ngách thì được hộ tống về đến tận cổng rào. Tiếng chó sủa gấp gáp trong mùi hoa ngâu, hoa lài, hoa bưởi. Mọi người đồng ý với nhau, đi như vầy vui chứ. Người ta ngủ hết, chỉ còn mình thức, mình đang chuyện khác thường, mình thực sự thoải mái, tự do. Không khí hình như trong lành hơn, không bị bụi bặm ô nhiễm môi trường, hít vào tới đâu mát lạnh buồng phổi tới đó. Đêm bí mật và quyến rũ. Đi nghênh ngang hàng ba, hàng tư giữa đường chẳng sợ công an thổi người la, xe đụng. Nhưng lại nghe rờn rợn phía sau lưng, tim đập thình thịch khi trợn mắt nhìn vào những bóng cây đen tối. Và sung sướng làm sao khi về đến cửa nhà mình an toàn, nguyên vẹn.
Khi về qua chợ, chỉ còn Hòa với Vĩnh.
Quán hủ tíu mì hoành thánh trước cửa nhà Thiều Hoa còn sáng đèn, khói bốc lên mùi thơm ngầy ngậy. Vĩnh cho xe băng qua đường, rủ:
- Ghé ăn Hòa ơi. Đói bụng quá.
Hòa nhìn đồng hồ
- Thôi. Mình về trước. Khuya rồi.
Vĩnh nắm chặt ghi đông xe Hòa.
- Không ăn cũng phải vô. Chờ mình ăn xong đưa Hòa về. Con gái đi một mình giờ này không tốt.
Họ ngồi đối diện nhau, mặt bàn hình chữ nhật dán mica bông hoa vằn vện. Hòa uống nước ngọt, nhìn Vĩnh ăn vội vàng, thấy lòng mình nở ra từng khúc hả hê vui sướng. Quán vắng chỉ có hai người. Tha hồ ngắm Vĩnh, chẳng sợ mích lòng ai. Thiều Hoa có bao giờ hưởng cái niềm hạnh phúc này chưa? Sau lưng Hòa, ngôi nhà của Thiều Hoa đã tắt hết đèn đóm. Hòa thấy rất yên tâm. Kệ. Trời cho tới đâu hưởng tới đó.
Vĩnh ăn xong, kêu thêm ly cà phê đá. Hòa đang vui nên tự cho mình cái quyền ngăn cản:
- Khuya đừng uống cà phê, ngủ không được. Mai còn đi làm đó.
Vĩnh nhếch mép cười:
- Đêm nào cũng uống. Quen. Chẳng sao hết.
Hòa hỏi lại đêm nào cũng uống ở đây hả. Vĩnh ừ. Ngay tại cái bàn này, ngay tại chỗ ngồi này, chừng nào quán đuổi thì về.
Nghe Vĩnh thổ lộ, bao nhiêu vui sướng đang phồng căng trong lòng Hòa nổ tung một cái, xẹp lép. Đồ si tình khờ khạo kia. Thì ra đói bụng chỉ là cái cớ. Đó là cái thời khóa biểu đều đặn mỗi ngày phải tuân theo. Mất tiền uống vào người thứ nước đen ngòm đắng nghét này chỉ để được ngó cái nhà đã ngủ, người đẹp cũng ngủ. Chẳng ai biết, chẳng ai hiểu cho.
Hòa cười thầm. Thì mình cũng vậy, có khác gì đâu. Chắc những lúc như thế này, Vĩnh cũng thấy nở ra những nỗi sung sướng được độc quyền ngồi chiêm nguỡng Thiều Hoa. Như mình đang ngó Vĩnh, chẳng cần biết hậu quả trắng trợn phũ phàng.
Nghĩ vậy, Hòa lại càng thấy thương Vĩnh hơn, thấy thương mình hơn nữa. Cũng như hiểu rõ ràng rằng chẳng bao giờ Vĩnh thấy được Hòa tha thiết với Vĩnh tới đâu. Trong mắt Vĩnh, Thiều Hoa đã đầy ắp, chật ních. Mình với Vĩnh là hai cực nam châm cùng dấu, bị hút về một phía khác và luôn đẩy lùi nhau. Hoa cay đắng nghĩ, quy luật của tự nhiên sao mà tai ngược, có chung một tính chất hút mà mãi mãi không được hòa quyện vào nhau.
Lát nữa Vĩnh sẽ đi chung đường với Hòa đến nhà Hòa, nhưng cũng chỉ như hai đường thẳng song song, không bao giờ gặp nhau, dù có đi đến cùng trời cuối đất.
Thôi đành hẹn sang năm. Chắc chắn Vĩnh lại ngồi dựa lưng vào cái vách ám khói mỡ màng vàng ệch kia, mắt mơ màng lóng lánh nhìn say đắm ngôi nhà tối om bên đó.
Và mình sẽ ngồi ngó Vĩnh, con mắt cũng y như thế. chẳng ai biết hết.
Ra khỏi quán mì, Hòa nói bằng giọng hảo hán trong phim dài nhiều tập, nhưng mà đùa cợt:
- Hẹn sang năm, gặp tại chỗ này.
Vĩnh nói theo như máy:
- Ừ. Sang năm.
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )