Home » » Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 4

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 4

Ngày hôm trước tôi đã gặp ông Ginder. Ông ta là một người vạm vỡ, mạnh mẽ, có chức danh Cán bộ chăm sóc sức khỏe tâm thần cấp I. Khi đem bữa ăn xuống, ông ta cho đó là “ân sủng”.
Ông ta chịu trách nhiệm giám sát bọn con trai, bọn trẻ kêu ca ông ta làm nhiều điều không phải, như gọi mẹ chúng là những con “chó cái”, xúi giục bọn trẻ đánh đấm nhau để rồi dúi đầu bọn chúng vào tường và đấm vào lưng bọn chúng.
Thường việc chỉ xảy ra vào ban đêm, vào những ngày nghỉ cuối tuần khi ông ta và bọn trẻ hay kêu ca bị gọi riêng ra ở cùng với ông. Khi bị hỏi về vấn đề này, ban quản trị trung tâm cho rằng chỉ có Ginder và mấy đứa trẻ ở vào thời điểm đó, nên không có gì làm chứng cứ. Một vài vấn đề đã được xem xét về sau này.
“Tại sao bọn họ giữ cháu tại đây?”
“Cháu không chịu dậy để đi học.”
Nhốt dưới tầng hầm là cách trị liệu khắc nghiệt nhưng hiệu quả đối với một đứa trẻ không chấp hành nội quy của ban điều hành. Tôi đã có một lần vô ý xúc phạm ban điều hành tại MacLaren Hall, Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ em Cơ nhỡ tại Los Angeles County. Người ta đã giam giữ tôi như một thiếu niên trong khi tôi chỉ mới bảy tuổi, qua sự việc đó, tôi nhanh chóng hiểu ra phải tuân thủ mọi yêu cầu nhỏ nhặt nhất của trung tâm.
“Chú không phải là người ở đây, đúng không?” nó hỏi. “Ý cháu chú không phải là người miền Nam. Cháu có thể nói thế là do giọng nói của chú. Ngoài ra, bất cứ ai ở Alabama đều biết đi trong mưa,” nó nhe răng cười. “Áo và cà vạt của chú đều ướt.”
“Đúng thế, chú không phải là người ở đây, chú lớn lên ở Los Angeles.”
Mặt Jeff rạng lên khi nghe nói về vùng đất đầy sóng biển và mặt trời, rồi sa sầm khi nghe tôi nói tôi phải rời nơi đây và đi thủ đô Washington. Tôi lại cảm thấy lạnh, và nhìn lên phía trên qua khe cửa sổ đang tối dần. Đã muộn rồi. Bà chuyên gia chắc đã xong việc sớm, đang chờ tôi bên ngoài cửa. “Cháu đã ở Eufaula bao lâu rồi?”
“Từ tháng Ba.” Nó im lặng, đưa năm ngón tay chỉ số tháng, “Năm tháng.”
“Cháu có gặp cha mẹ cháu không? Họ có đến đây để thăm cháu không?”
“Cha cháu đòi Birmingham nói cho cháu biết có người muốn bắt cháu từ ngôi nhà chung để rồi đưa cháu về đây.”
“Cháu từ đâu tới?”
“Athens.” Thằng bé nhận thấy cái nhìn dò hỏi trên mặt tôi. “Tận phía Bắc, gần Huntsville.”
“Còn mẹ cháu? Bà ấy thế nào?”
“Cha cháu bảo mẹ cháu thương cháu lắm. Mẹ chỉ nổi giận thôi. Mẹ không nói với cháu, nhưng cháu biết, mẹ muốn cháu về nhà.”
Chúng tôi ngồi im lặng hồi lâu. Nó lại nhìn cái đốm trên bức tường trống trải.
“Cậu Stevie của cháu, em của mẹ cháu,” giọng nó chùng xuống và đều đều hơn, “cậu ấy không làm việc, do vậy cậu thường trông nom cháu và đứa em còn bé của cháu vào buổi chiều sau giờ tan học. Cháu nói với mẹ là cháu có thể làm việc đó, rằng anh em cháu không cần vú em.” Thằng bé day sang tôi. Không chắc nên khuyên giải thế nào với thằng bé, tôi im lặng gật đầu. Rõ ràng như thế là cũng đủ nên nó nhanh chóng trở lại đề tài của nó. “Cậu Stevie chẳng làm gì giúp cháu cả.”
Bên ngoài, mưa dần nặng hạt, nước mưa đổ xuống chung quanh chúng tôi. Trong khi tầng hầm càng tối dần, Jeff vẫn giữ giọng đều đều, nó chống chế cho cậu nó, cho mẹ nó, cho cha nó và tự cho mình là một kẻ nói láo và lừa đảo.
Sau nhiều tháng ở với chú vào buổi chiều, Jeff về với cha mẹ. Nhưng mẹ nó không tin nó, bà tin em bà hơn là đứa con trai cả của mình. Jeff tức tối trong mấy tuần liền, nhưng sau cùng nó cho rằng nó cần cha mẹ hơn là chuyện đúng sai. Nó trở lại chỗ cha nhằm đính chính những gì đã nói, nhằm xác nhận những điều không đúng. Nó nói với cha rằng mình đã nói dối, đúng như mẹ nó đã buộc tội nó, nhưng nó không bao giờ có ý xúc phạm ai.
Cha nó thứ lỗi cho nó, nhưng mẹ nó thì chống lại; bà nhất quyết cho rằng trong người của Jeff có ma, có quỷ và thề rằng không bao giờ tha thứ cho nó. Thằng bé không chịu đầu hàng, nó quyết làm cho mẹ nó vừa lòng với nó. Nó cố làm mọi việc phải, nó nhớ lại mọi điều, chọn lọc từng lời từng câu, ngay cả khi trở lại nhà của cậu Stevie vào những buổi chiều. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Sự thật vẫn chưa được người trong nhà chấp nhận. 
============
Sau cùng, vào một đêm rất khuya, Jeff lấy xe ôtô của gia đình, không xin phép và cũng không bằng lái. Cha mẹ nó giận dữ, gọi các đội tuần tra của tiểu bang. Khi đội tuần tra chận bắt được Jeff, mẹ nó đòi phải trừng phạt nặng. Bà bào chữa, cho rằng mình đã làm đúng.
Jeff là đứa nói láo, lớn lên sẽ thành trộm cắp. Cha mẹ nó tranh cãi với nhau, sau cùng quyết định thằng bé phải bị giam giữ, chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nó cần phải được giáo dục, và cách làm đúng nhất là giao nó cho tiểu bang.
Thằng bé trở nên im lặng.
“Cháu có yêu cầu gì không?” Tôi ngây ngô hỏi. “Cháu có cần chú làm điều gì cho cháu?”
Jeff cân nhắc trước lời đề nghị của tôi. “Nếu chú có gặp mẹ cháu, nhờ chú nói với mẹ cháu rằng cháu xin lỗi mẹ, giờ mẹ cháu có thể đến thăm cháu.”
Cuối cùng, nó chứng tỏ mình là một đứa con có hiếu. Nó tặng cho mẹ mình mọi thứ mà bà mong muốn. Bị mẹ cáo buộc, từ nhiều tháng trước đây, ở nơi xa ngàn dặm, bị nhốt dưới tầng hầm, nó vẫn hy vọng được trở về với mẹ. Dù cho mẹ nó có làm gì, nó vẫn tha thứ cho bà. Cậu nó vẫn thong dong, sự thật vẫn không sáng tỏ – cái giá phải trả chỉ là tuổi ấu thơ của thằng bé.
Tôi nhìn đồng hồ. Chúng tôi ở đây đã gần một tiếng, bây giờ đã mười giờ năm phút. Bà chuyên gia của chúng tôi giờ đang chờ tôi ở xe, chắc đang nổi sùng.
“Chú sắp đi, phải không?”
Tôi bối rối, biết rằng tôi chẳng khác gì vô số kẻ khác đến hỏi chuyện Jeff, lắng nghe nó tâm sự, ghi nhận rồi lại ra đi.
“Chú phải đưa một người ra sân bay. Đi mất hai tiếng.” Tôi nghĩ đến cơn mưa và con đường hai làn xe, sau cùng quyết định điều tôi có thể làm. “Jeff, chú sẽ trở lại.”
Trước mặt tôi, thằng bé như bất động.
Tôi đứng dậy. “Jeff, chú hứa, chú sẽ trở lại. Ngay tối nay. Vào bất cứ giờ nào. Chú hứa.”
Đến chỗ khung cửa trống, tôi đưa mắt nhìn lại, “Tạm biệt, Jeff.”
Giống như tôi nhìn thấy lúc ban đầu, thằng bé nằm dài trên tấm nệm, lưng day ra ngoài, quay mặt vào tường.
Tôi đi ngang qua những gian phòng cửa mở, tối đen. Tại cuối hành lang, tôi nhẹ nhàng nói với bác sĩ Carlton. “Giờ tôi phải đi. Bà chuyên gia cần ra sân bay.”
Ông ta mở cánh cửa của tầng hầm. Lên đến cuối khu vực cầu thang, khi tôi nhìn trở xuống, gió lùa vào tóc tôi.
“Tôi nghĩ thằng bé bị lạnh, bác sĩ Carlton.” Tôi dịu dàng nói, sau đó lập lại to hơn. “Tôi nghĩ thằng bé bị lạnh. Ông có thể đổi cho nó cái mền khác?”
Ông ta quay lưng, bước vào trong, và đóng sầm cửa.
Tôi chạy vội ra cửa trước, thấy bà chuyên gia đang núp dưới tấm bạt của ngôi nhà, cố tránh không cho nước mưa tạt ướt. Bãi xe đậu gần như trống rỗng.
“Xin lỗi đã đến trễ.”
Bà liếc nhìn đồng hồ, bà có quyền nổi sùng.
Băng qua con đường đi bộ, tôi vội vã đưa tay vào các túi lục tìm xâu chìa khóa, đoạn mở cửa cho bà vào. Tôi mở cửa bên phía tay lái, chui vào trong xe. Bà ngồi khoanh tay, nhìn dãy hàng rào cao chằng chịt dây kẽm gai. Tôi lái xe ra khỏi con đường rải sỏi, bỏ lại Trung tâm phía sau.
Những con đường khá hẹp, mưa đổ ào ào khỏa lấp sự im lặng khó chịu giữa tôi và bà chuyên gia. Qua kính chắn gió, những ánh đèn xe chạy ngược chiều quét qua mặt chúng tôi. Ánh sáng của thị trấn nhỏ loáng thoáng chiếu sáng qua kính xe, và khi chúng tôi đến gần, vầng sáng càng sáng hơn, sau đó bỗng nhiên biến mất trong bóng đêm phía sau chúng tôi.
Tôi và thằng bé ở tầng hầm tại Eufaula, cách xa nhau gần một thế hệ. Cách nói của tôi và nó khác nhau, cái nhìn cũng không giống nhau. Cuộc sống của tôi và nó cách xa nhau một nửa lục địa. Tuy nhiên cũng có một số điều đáng nói. Mớ bông dày cộp nhồi trong tấm đệm ngủ cũng bốc mùi như thế, và vỏ nệm cũng xù xì như thế. Khi ông Ginder xuống tầng hầm tại Eufaula để tắt đèn, ở đó cũng tối đen hệt như tầng hầm MacLaren Hall. Và Jeff cũng thế, một mình chống chọi nỗi cô đơn từ trong da thịt.
Ngày cuối cùng tôi rời mẹ và cũng là đêm đầu tiên tôi ngủ tại Trung tâm nuôi dưỡng, tôi được bảy tuổi. Lúc tôi vào tuổi teen, một nửa phần đời tôi là nằm dưới sự trông nom của thành phố. Tôi không có ý niệm gì về mẹ của Jeff, người đàn bà mà nó muốn tôi tìm kiếm, nói với bà rằng nó xin lỗi, nói cho bà biết nó cần bà. Bà ta có thể tốt hoặc xấu, tử tế hay hung bạo, hay nói đúng hơn, trộn lẫn những thứ đó.
Tuy nhiên điều mà tôi biết chính là nó không bao giờ quên mẹ, dù rằng mọi điều và mọi người chung quanh nó đều bảo nó nên quên bà. Nó bất chấp, vẫn giữ nguyên ý kiến, trở thành người duy nhất tin tưởng mẹ nó mặc mọi khuyết điểm của bà, và kỷ niệm về mẹ nó vẫn đáng được gìn giữ.
Nó lặng lẽ chờ đợi bà sẽ trở lại, như tôi đã chờ đợi mẹ tôi và hàng ngàn đứa trẻ khác đã làm như thế - tất cả chúng tôi được phân đến những trung tâm và những gia đình có thể nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ cơ nhỡ như Jeff, hoặc đến ngay nhà cha mẹ chúng, nói cho họ biết chúng nó không bao giờ quên mẹ, chúng luôn nhớ mẹ, và vẫn mãi yêu thương mẹ của mình.
Mẹ tôi là một phụ nữ đẹp, với mái tóc ngắn và đen tuyền, nước da hơi xanh và khuôn mặt thanh tú, con ngươi đen bên mắt trái của mẹ nằm dọc dài bên trong tròng mắt màu xanh lục, dường như Chúa đã quên vạch lằn ranh. Mẹ ích kỷ, bốc đồng và vô trách nhiệm. Mẹ quên những ngày sinh nhật, ngày lễ Giáng sinh, có thể quan tâm những nhu cầu của con mèo hơn nhu cầu của tôi.
Mẹ giấu các séc phúc lợi để sắm sửa quần áo và đôi giày bốt, đứng chờ ngoài cửa tiệm MacDonalds trong khi tôi đang ở trong cửa hàng ăn xin hamburger để nuôi sống hai mẹ con chúng tôi. Giống như con mắt của mình, đầu óc mẹ có lúc cũng quá đà, làm ảnh hưởng cả mẹ và tôi. Tuy nhiên, là một đứa con, tôi tha thứ cho bà. Ngay khi đã là người lớn, mặc dù đã qua nhiều đổi thay, tôi vẫn tha thứ cho bà. Bởi vì tôi sẽ luôn luôn là đứa con của mẹ.
ANDREW BRIDGE

0 nhận xét:

Đăng nhận xét