Hiển thị các bài đăng có nhãn Trưởng thành từ hi vọng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trưởng thành từ hi vọng. Hiển thị tất cả bài đăng

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 10

 “Đi nào, Hope, đánh thức cháu dậy đi,” Carol thì thầm với giọng cười trẻ trung, ngay bên ngoài phòng tôi. Đang nằm sấp, tôi đưa mắt nhìn cánh cửa hé mở và một làn ánh sáng đi từ hành lang vào phòng.
“Carol,” Mẹ tôi suỵt nho nhỏ, “đã gần hai giờ sáng. Sáng mai cháu còn phải đi học. Cô giáo cháu sẽ gửi sổ điểm về nhà.”
“Chúa ơi, Hope, đâu đã khuya dữ vậy! Tuần rồi cháu đi học ở mẫu giáo thế nào? Chị nghĩ cháu nó đang đọc Chiến tranh và Hoà bình chắc? Ai lo cho nó?”
“Mình lo, Carol.”
“Con khỉ, Hope! Giờ chúng ta không tìm được người giữ trẻ đâu,” Carol rên rỉ “Đi nào, thằng bé sẽ yêu thích việc này mà. Hãy cho cháu một tách cà phê và một cái gì khác.” Dì cười khúc khích.
“Không phải chuyện đùa,” mẹ tôi đáp. “Chị gặp quá đủ điều tệ hại từ Louis. Chị không cần điều đó từ em”.
Cuộc trao đổi dừng lại.
“Thật là kỳ lạ,” Mẹ tôi thở dài, “Nếu như chúng ta bị bắt?”
“Ồ, chị Hope, chúng ta sẽ không bị bắt đâu. Và với thằng bé sáu tuổi như vầy, ai dám làm gì chúng ta cơ chứ? Đi nào. Áo khoác của thằng bé đâu? Em sẽ đi lấy những áo gối.”
Những giọng nói lại im bặt, rồi có tiếng mẹ tôi.
“Áo jacket của cháu ở trên tràng kỷ. Em đi lấy giùm đi. Chị sẽ đánh thức cháu. Ở trong bóng tối, nếu có người lạ đánh thức nó, nó sẽ sợ.”
“Được rồi, được rồi. Chị lo chuyện thằng bé, còn em đi lấy áo.”
Có tiếng bước chân của dì Carol đi xuống hành lang. Một khoảnh khắc trôi qua. Tôi hé mắt nhìn, thấy cánh cửa nhẹ nhàng mở ra. Ánh sáng từ hành lang chiếu vào khuôn mặt mẹ tôi và đổ dài trên sàn nhà trước mặt. Tôi vẫn nằm sấp, mắt nhắm nghiền, bất động.
“Andy?”, Mẹ kêu nho nhỏ, đoạn đi lại chỗ tôi và cố làm cho tôi không giật mình. “Andy, con yêu, con đã dậy chưa?”
Mẹ chờ một lát, nghiêng mình xuống giường trước khi ngồi xuống. Tôi nhận thấy cái vuốt ve nhẹ nhàng của mẹ trên áo sơ-mi của tôi khi mẹ đặt bàn tay lên phần lưng nằm giữa hai vai tôi.
Mẹ luôn cho rằng bộ pyjama là phù hợp cho các bé trai. Ngay từ lúc tôi mới tới, mẹ đã tập cho tôi mặc quần áo lúc đi ngủ. Mẹ nói, “Phải chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi thằng bé lớn lên.”
Mẹ cúi xuống và hôn vào gáy tôi. “Con yêu, con có muốn đi cùng dì Carol và mẹ không?” Má của mẹ lạnh. Cái áo jacket bằng da của mẹ thoảng mùi không khí bên ngoài và mùi thuốc lá vừa mới hút.
Mẹ vui vẻ thì thầm vào tai tôi. “Mẹ biết con nghe lời mẹ nói, ngài con trai ạ.” Ngực mẹ tựa vào tôi nghe ấm, và tôi cảm nhận được âm thanh tiếng cười mỉm của mẹ. Tôi cố gắng để không bật ra tiếng cười. Mẹ đưa tay sờ qua bẹ sườn bên kia của tôi. Tấm thân mẹ trùm lên tôi, tôi lăn qua một bên, cố hết sức làm ra vẻ còn ngái ngủ, dù biết rằng tôi không thể qua mặt mẹ.
“Gì thế mẹ?” Tôi hỏi. “Dì Carol có đây không?”.
Mẹ mỉm cười, chờ cho tôi chấm dứt cái trò giả bộ. Sau đó, biết rằng tôi đã thức dậy từ lâu, Mẹ nói với giọng bình thường: “Chúng ta đi nào, con yêu. Mẹ sẽ lấy quần áo cho con, còn dì Carol đi tìm áo jacket.”
Mẹ đứng dậy, đi ra chỗ cửa, bật công tắc điện ở trên tường. Mắt tôi bị ánh đèn làm chói lòa.
“Con để giày con ở đâu?” Mẹ lại gần giường hơn và ôm lấy đôi chân còn nằm trong tấm đắp. “Con bao giờ cũng quấy với bà như thế à? Giày có dưới này không?”. Mẹ cúi xuống và nhìn dưới gầm giường.
Bằng một cử chỉ thất vọng, mẹ đứng thẳng người lên và nói với cái giọng của một điều tra viên. “Hừ, ông Panda, không có giày, không có quái quỷ gì hết.” Mẹ mỉm cười với tôi khi tôi ngồi dậy, làm tiêu tan mọi bực dọc của mẹ. “Có thể bọn quỷ đã lấy và mang đi. Mẹ nghe những bước chân nhẹ nhàng của bọn chúng.”
Tôi lắc đầu và chỉ qua bên kia giường, “Con để giày trong nhà vệ sinh, Mẹ bảo con để ở đấy kia mà.”
Mẹ bước qua bên kia phòng.
“Tốt, chúng đây rồi, giỏi lắm.”
Mẹ trở lại chỗ tôi, tay đu đưa đôi giày.
Tôi nhảy từ trên giường xuống đến ngay giữa phòng, có ý thúc mẹ tiếp tục trò chơi. Tuy nhiên mẹ đứng lặng một lát, bỗng thình lình ném đôi giày lên giường, đi ngang qua tôi đến chỗ cửa phòng, và bảo tôi: “Nhanh lên, đã đến lúc thay quần áo. Dì Carol và mẹ cần phải đi.”
Vài phút sau, tôi bước vào phòng khách, quần áo đã chỉnh tề. Trước cửa phòng, dì Carol và mẹ đang châu đầu vào nhau nói chuyện và cười đùa. Mỗi người cầm một cái áo gối, ăn mặc toàn màu đen, ngoại trừ cái nón màu cam cùa dì Carol mà dì đã lấy ở đâu đó. Hai người tiếp tục nói chuyện còn mẹ tôi thì đẩy nhẹ tôi ra phía trước họ, ra ngoài ban công. Lúc mẹ đóng cửa, tôi nắm lấy tay mẹ. Mẹ hờ hững nắm lấy tay tôi.

Bên ngoài, đêm đã khuya. Không khí ẩm và lạnh, mặt trăng thì mờ mờ. Những con đường dài và vắng lặng. Ba chúng tôi đi qua vài dãy nhà, tiến vào một vùng đất lạ.
“Mình đi đâu đây?” Tôi hỏi nhỏ dì và mẹ.
Không một ai trả lời tôi. Tôi bèn làm thinh.
Sau cùng, chúng tôi dừng lại tại lối vào một con đường nhỏ. Dì Carol mở miệng nói trước: “Chỗ này cũng tốt như những chỗ khác, phải không?” Mẹ tôi nhìn thẳng phía trước mặt. Dì Carol nói tiếp: “Ý tôi là ánh sáng vừa đủ nhưng không quá sáng. Chị không cho rằng chúng ta biết hết mọi người ở tại đây đấy chứ?” Dì cười to trong khi mẹ tôi không quan tâm đến dì, quan sát kỹ đường hành lang của một sân sau. Dì Carol nắm vai mẹ và lắc lắc. “Đi nào, chị Hope. Hãy thư giãn. Thật là kỳ lạ nếu chị làm như thế.” Mẹ tôi hờ hững nhìn dì.
Sau đó, dì Carol nghiêng xuống tôi và nói chuyện với tôi với cái giọng đơn đớt của trẻ con mà người lớn hay dùng với tôi trước đây. Mẹ cứ để cho dì nói mặc dùmMẹ không ưa cái âm điệu chậm rãi, đớt đát ấy. Và mỗi khi mẹ nghe nói như thế, mẹ chỉnh ngay người ấy và bảo họ đừng nói như thế nữa. Nhưng nếu họ cố tình không nghe, mẹ tấn công ngay, “Cháu là một cậu bé, không phải là đứa đần độn.”
“Andy, mẹ cháu và dì nghĩ rằng chúng ta có thể tham gia...” Dì dừng lại và ngước nhìn lên với thái độ trông chờ được giúp đỡ, nhưng Mẹ không nhìn dì, để cho dì tự mình giải quyết. “Mẹ cháu và dì cho rằng chúng ta có thể chơi trò mèo ăn trộm.” Cố làm cho tôi yên lòng, dì đưa hai tay lên khỏi đầu và cào cào vào không khí. “Nhưng trước tiên, chúng ta nhớ phải rất im lặng, bởi vì mèo ăn trộm không bao giờ muốn bị bắt.”
Tôi nhìn dì Carol, khi ấy tôi cảm thấy tay mẹ tôi nắm chặt tay tôi.
“Ối Trời, em làm nó sợ hết hồn. Để chị nói cho.”
Carol nhăn mặt. Mẹ tôi cúi xuống, thay thế vai trò của dì Carol, mẹ nắm lấy hai tay tôi.
“Mẹ muốn con nghe theo lời của mẹ, con yêu ạ. Ch...” Mẹ ngưng bặt, nhìn ra chỗ khác giây lâu. “Mấy tuần nay Wade đã ngưng gửi tiền cho chúng ta và hiện giờ chúng ta đã sạch túi.”
“Mẹ không thể hỏi ông chủ của mẹ vay trước một ít tiền à?” Tôi hỏi, chỉ có thể gợi ý như thế.
“Không thể, ông chỉ trả tiền công vào ngày thứ Sáu. Và ông nói chúng ta phải chờ cho đến ngày đó.”
Mẹ nhìn dì Carol rồi quay lại nhìn tôi. “Giờ đã khuya, mọi người đều đang ngủ. Như dì Carol đã nói, chúng ta phải rất im lặng.” Mẹ đưa hai tay ôm chặt lấy tôi. “Mẹ luôn nói với con, con phải là một đứa bé dũng cảm. Con có thể nào là một đứa con dũng cảm của mẹ không?” Tôi lặng lẽ gật đầu. “Con đừng bao giờ nói cho ai biết chuyện chúng ta đang làm nhé. Con có hiểu ý Mẹ không? Con có thể hứa với mẹ như thế không?” Tôi lại gật đầu.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi. “Con thật là tuyệt vời.” Mẹ vuốt má tôi, hôn nhanh tôi một cái, đoạn đứng dậy và nói với cô bạn: “Được rồi, chúng ta chuẩn bị.”
Đứng giữa hai người đàn bà, tôi nhìn xuống con đường nhỏ. Đường chạy dọc dài theo một dãy nhà có đèn đường chiếu sáng lờ mờ đánh tan bóng tối cái hành lang ở cuối đường. Ngoại trừ chiếc xe ô tô tình cờ chạy ngang, mọi thứ đều im lìm.
Ba chúng tôi đi sâu vào bóng tối, các sân sau nằm hai bên đường được bảo vệ bằng những hàng rào bằng gạch, bằng cây sơn màu đỏ, bằng đất nung và bằng dây xích. Ánh sáng mái hiên chiếu lên các bức tường được trang trí hoa văn và qua các cửa sổ tối tăm cùa một vài ngôi nhà. Kế chân chúng tôi, một dòng nước nhỏ rỉ rỉ lên con đường trát xi măng. Mùi chua chua bốc lên từ những lon đựng thức ăn thừa lan tỏa trong màn sương mù bao quanh chúng tôi.
Carol dừng lại trước một cái cổng, “Mẹ nó, hôi quá!”
Mẹ không để ý đến lời than phiền của dì.
Dì Carol nhìn ngôi nhà gần chúng tôi hơn cả và nói nhỏ, “Nhà này thì sao?” Mẹ tôi nhún vai. Carol đi đến cái hàng rào có chằng dây xích, nhìn vào sân sau ngôi nhà, đoạn trở lại. “Các cửa sổ đều tối đen, chắc mọi người đều đang ngủ. Có thể họ không có nhà.” Dì đút hai tay vào túi sau và thúc vào hông mẹ. “Sao, chị nghĩ thế nào, chị Hope?”
Mẹ nhìn chăm chú đống rác nằm sau hàng rào. Mẹ nhìn tôi một lúc lâu rồi mới trả lời: “Đáng lẽ chúng ta không nên đem thằng bé theo. Chúng mình thật là điên. Hậu quả ra sao nếu như chị và nó đều bị tóm? Cô giáo nó đã muốn trao đổi gì đó với chị rồi.” Mẹ tôi xuống giọng và nhìn thẳng vào mặt dì Carol. “Chị đã nói với em về chuyện đó.”
“Nhưng nếu như chị không nuôi nổi nó? Nếu chị không có tiền trả tiền thuê phòng trọ? Cháu mới có sáu tuổi. Điều gì sẽ xảy ra? Chị nghĩ nó sẽ được yên lành suốt ngày ở trường à? Chị nghĩ nó sẽ không nói điều gì với cô giáo của nó à? Chị là người duy nhất muốn có nó, giờ nó là của chị.”


Tôi yên lặng lắng nghe hai người bàn chuyện về tôi. Sau đó, chung quanh chúng tôi trời càng lúc càng tối đen, tôi thúc vào mẹ tôi, hy vọng mẹ bảo dì Carol đã đến lúc về nhà.
Mẹ choàng hai tay qua vai tôi, kéo đầu tôi vào sát người mẹ. Dì Carol nhìn cả hai chúng tôi, thở dài một cái, đoạn xuống giọng.
“Thôi được, chị Hope, em xin lỗi. Nhưng chị nên nghĩ kỹ một chút. Chị đã nói đi nói lại về điều đó và em cũng đã nói với chị hàng chục lần. Không có chuyện gì xảy ra đâu. Cả chị và cả Andy. Không một ai bắt nó đi khỏi chị.” Dì tiến đến gần hơn. “Thằng bé chỉ có mình chị, và nó thương yêu chị.” Dì liếc nhìn tôi. “Xem kìa, nó bám chặt lấy chị. Chúa ơi, hệt như con chó con vậy.”
Tôi tức điên lên, quắc mắt nhìn dì. Tôi không phải là chó con. Tôi tự nghĩ. Hãy để cho mẹ con chúng tôi yên.
Dì mỉm cười nhìn mẹ tôi. “Đối với nó, chị không bao giờ cho là đủ, đúng không?”
Dì nhìn cái hàng rào kế bên chúng tôi, đoạn nói tiếp. “Hơn nữa, có ai mà chui lọt qua cửa sổ?”
“Được rồi, được rồi,” mẹ tôi đáp, nhích ra khỏi tôi.
Cả ba chúng tôi tiến gần đến hàng rào và nhìn vào gian nhà tối đen nằm phía bên trong. Mẹ tôi nhìn tôi.
“Chúng ta sẽ leo qua hàng rào và chạy đến cái cây gần cái vỉ nướng barbecue. Nhớ không được nói tiếng nào.” Mẹ nhìn vào sân sau đoạn nhìn tôi. “Nếu con nghe thấy cái gì đó, mẹ muốn con hãy chạy. Chạy qua khỏi hàng rào, chờ mẹ tại cuối dãy nhà. Chạy hết sức mình, được chứ? Dì Carol và mẹ sẽ tìm một cửa sổ mở. Trong lúc mẹ và dì vào trong nhà, mẹ muốn con nhặt được cái gì ở ngoài vườn thì nhặt.”
Mẹ ra lệnh cho dì Carol. “Cháu nó sẽ không vào nhà. Có vào cũng không biết làm gì. Chính là ngôi nhà này. Được chưa?”
Dì Carol cười: “Ối chời, chắc chị chờ đến khi người ta thấy chúng ta, chúng ta mới bắt đầu hả?”
Mẹ bước qua chỗ khác để nhìn rõ hơn bên hông ngôi nhà, để tôi và dì Carol đứng lại tại chỗ. Dì quay lại nhìn tôi. Lần này dì nói với giọng người lớn. “Andy, cháu có thấy khu vườn bên kia không?” Dì chỉ một vạt đất đen ở cuối sân sau, cách xa chỗ mẹ tôi đang đứng. “Cháu có thể lấy cái gì mà cháu có thể, và để vào trong này.” Dì đưa một cái áo gối cuộn tròn đang kẹp dưới nách. “Hãy nhớ những gì mẹ cháu dặn. Nhớ giữ im lặng. Nếu như cháu nghe có tiếng động gì thì chạy càng nhanh càng tốt. Mẹ cháu và dì sẽ đi tìm cháu.”
Tôi chả có ý niệm gì về chỗ đang đứng và bằng cách nào để trở về phòng trọ của chúng tôi. “Nếu như dì và Mẹ không tìm thấy cháu thì sao?” Dì Carol cúi nhìn tôi một cách chán chường.
Mẹ tôi trở lại và đưa ra kế hoạch. “Cháu nó qua trước, sau đó là chị rồi em. Chúng ta lắng nghe, xong chạy. Nếu bọn cớm bắt được một người trong chúng ta, chúng ta không khai gì cho người khác, chỉ nhận có một mình.” Mẹ dừng một lúc, “Ngoại trừ Andy. Ai thoát được, người đó sẽ đi tìm nó.” Mẹ chỉ vào Carol. “Nếu chị bị bắt, em lo cho cháu cho đến khi chị trở lại. Thế nhé.”
Dì nhún vai: “Được rồi, Chúa ơi, được rồi.”
Mẹ tôi có thể sẽ chấm dứt mọi việc ở đây và cô bạn của mẹ chắc chắn cũng động lòng. Điều gì đã đưa mẹ đến một ngôi nhà xa lạ giữa đêm khuya như thế này? Có phải vì mẹ thiếu tiền? Có phải không vì cái gì mà mẹ phải đi trộm cắp như thế này? Có phải vì mẹ mới hai mươi bốn tuổi, tâm trạng còn chưa ổn định, còn muốn đi thật xa, còn quá liều lĩnh không nhận ra sai và đúng, tốt và xấu cho bản thân mình và cho con trai mình? Hay muốn thách thức với bóng tối, dám đương đầu với những hiểm nguy, chứng tỏ Mẹ là người dũng cảm hơn tất cả? Dù bất cứ lý do nào, mẹ vẫn cương quyết đứng đầu sóng ngọn gió.
Mẹ đưa mắt nhìn tôi. “Con yêu, con có biết leo hàng rào không? Con làm được không?” Tuy lo sợ, nhưng tôi cảm thấy nên nghe lời mẹ nói, tôi leo lên dây xích. Xích kêu lách tách. Mẹ chạy đến và giữ hông tôi từ phía sau. Bên cạnh tôi, dì Carol bước chân lên sợi dây xích, cố gắng không gây ra tiếng động. Khi xích không còn rung, Mẹ nói nhỏ vào tai tôi, “Con cần leo thật chậm. Hãy cẩn thận khi lên tới trên cao.”
Tôi dùng các ngón tay nhỏ bé bám lấy các hình thoi bằng kim loại ẩm ướt, ấn các ngón chân vào bên dưới để giữ cho khỏi té. Tôi lên đến đỉnh hàng rào nhưng độ cao, cái lạnh làm cho tôi lo sợ, không tin chắc sau cùng sẽ phải làm gì. Đứng vài bộ bên dưới tôi, mẹ tôi khuyến khích: “Rút mình lên, một chân choàng qua.” Nhưng chân tôi quá ngắn, và hàng rào rung rung theo mỗi cử động của tôi. Tôi đu đưa trên sợi dây và nhìn xuống thấy mẹ tôi đang lo sợ. “Con hãy ở yên đó, mẹ sẽ giúp con.” Mẹ nói nhỏ. 


Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 9

Vào lúc chúng tôi rời quán, nhiều cửa hàng đã mở cửa, và mặc dù chúng dành cho khách du lịch, Mẹ vẫn quyết vào mua. Khi tôi đứng giữa hai dãy hàng, mẹ lấy các áo sơ-mi ướm thử lên vai tôi và quần lên hông tôi, kiểm tra kích thước áo quần đã thử và tự xét xem các thứ nào mẹ thích nhất.
Rồi mẹ làm điều mà tôi chưa hề trông thấy bà Kate làm, lấy một lô một lốc áo và váy ngắn, sau đó cầm một món biến vào phòng thử đồ để tôi đứng bên ngoài với ôm quần áo còn lại. Khi mẹ gọi lấy thêm món khác, tôi rút chúng ra từ đống quần áo, đoạn với tay đưa vào cho Mẹ qua bức màn kéo kín. Cứ vài phút, mẹ lại bước ra khỏi phòng thử, đi chân trần, mặc một bộ đồ mới, biểu diễn cho tôi xem, nhưng hầu như là cho tấm gương trước mắt.
Cơn mưa phùn buổi sáng dần dần nặng hạt, làm cho hai chúng tôi và các túi xách đựng đồ thấm ướt đến giữa xế trưa. Mẹ dừng ngẫu nhiên tại một khách sạn, tặng nhanh cho tôi một nụ cười, đoạn kéo tôi vào bên trong. Mẹ đưa mắt nhìn các bức tường trống không, dành chút ít thời gian để ngắm trần nhà to rộng.
Hai cánh mũi phập phồng hít hít mùi hỗn hợp của bụi đến từ phòng tiếp tân và cái ẩm ướt từ bên ngoài, mẹ nhìn tôi đoạn nhún vai, sau đó đưa mắt tìm âm thanh phát ra từ cái tivi của quán bar bên cạnh. Mẹ trao đổi vài phút với viên tiếp tân buồn chán của khách sạn về việc làm thủ tục đăng ký mà không phải trả thêm tiền. “Con tôi và tôi sẽ bị sưng phổi trước khi về đến nhà.” Mẹ không nói gì với y nữa khi y quay lại với công việc giấy tờ. Mẹ nói nhỏ đôi điều về việc mẹ và tôi phải làm.
“Có con có mẹ cũng thuận lợi đấy chứ!” Mẹ cúi xuống nhìn mặt tôi trong khi viên tiếp tân lo làm xong việc sổ sách. Đưa các ngón tay lên mái tóc ướt của tôi, Mẹ cào đủ mọi hướng và chắc chắc lưỡi. Tôi nhìn lại phía sau, mỉm cười đoạn nhanh chóng sắp xếp đồ đạc vào đúng chỗ. Mẹ gục gặc đầu, “Bà ngoại đã dạy dỗ con thành một đứa bé rất ngoan.”
Chúng tôi đi lên phòng trọ, ở đây phòng bốc mùi còn hơn ở phòng tiếp tân. Trên giường, mẹ và tôi nằm bên cạnh nhau, cùng xem tivi và ngủ thiếp đi trong tiếng mưa rơi ở bên ngoài. Khoảng vào giờ ăn tối, mẹ gọi một cái bánh pizza. Khi đêm xuống, mẹ lau mặt cho tôi và bảo tôi chuẩn bị đi ngủ.
Khi ra khỏi phòng tắm với cái áo thun và cái quần đùi, tôi thấy mẹ đang mặc một cái áo nịt ngực, đưa tay vào túi xách vừa mua ban chiều tìm cái gì đó để mặc. Ở cách giường vài bộ, mẹ mở cánh cửa sổ trông ra lối đi hẹp, ở cách giường vài bộ, để cho lò sưởi thoát hơi. Trời gần như ngưng mưa, để lại những vết ẩm ướt trên những chiếc xe chạy ngang, và một ngọn gió lạnh ùa vào phòng.
Giựt cái nhãn ra khỏi chiếc áo mới, mẹ thản nhiên nói, “Cưng à, đã đến giờ đi ngủ.” Tôi ngoan ngoãn leo lên chiếc giường ọp ẹp, tái tê giữa các tấm trải giường lạnh ngắt.
Sau khi cài xong nút áo và xỏ xong đôi giày, mẹ bước đi mấy bước, sau cùng dừng lại trước gương soi để sửa sang mái tóc. Khi mẹ nghiêng vào gần tấm gương hơn để thoa son, tôi cảm thấy lạ lẫm, vô nghĩa. Mẹ ngước lên để ngắm lại mình lần nữa trước khi trở lại hộc tủ nhỏ nằm ở bên giường. Mẹ lấy từ trong ví vài tờ giấy bạc, đoạn ngồi lên giường và nhìn tôi.
“Mẹ định đi đâu đó?” Tôi hỏi, nhìn lại mẹ. “Đừng để con ở lại một mình.”
“Con có còn bé lắm nữa đâu!” Mẹ hỏi, lùa tay vào tóc tôi. “Mẹ xuống dưới nhà kiếm cái gì uống. Thế thôi. Mẹ trở lại ngay.”
“Mẹ thích bạn trai của mẹ lắm à? Con không cố ý làm đổ cà phê lên người ông ấy.”
“Con muốn nói đến Louis à? Dĩ nhiên là con không cố ý. Đừng lo nghĩ về ông ta.”
“Mẹ có thể ở lại không? Chúng ta có thể xem tiếp tivi.”
“Đối với con thì quá trễ rồi. Mẹ đi không lâu đâu.” Mẹ tỏ ra cương quyết, đoạn nói thêm, “Nào, ngủ đi con trai. Ngoan với mẹ đi. Con nhắm mắt lại, chừng nào con ngủ mẹ mới đi. Mẹ sẽ trở về trước khi con thức giấc.” Mẹ thả phịch cái gối xuống cạnh đầu tôi. Con sẽ không biết lúc nào mẹ đi. Mẹ hứa mà. Giờ con hãy ngoan nghe.” Mẹ nghiêng người xuống chỗ tôi, đầu mẹ gần sát đầu tôi.
“Cái đó là cái gì?” Tôi hỏi, ý muốn giữ mẹ ở lại lâu hơn.
“Cái đó là cái gì?” Mẹ tò mò, cười hỏi.
Tôi rút tay khỏi người mẹ và lấy ngón tay chỉ vào khoảng không giữa hai chúng tôi. “Kia kìa.” Mẹ ngồi ngay dậy, Nhưng tôi thấy mẹ hiểu tôi muốn nói gì. “Cái gì trong mắt mẹ vậy?” Tôi nhìn chăm chăm đồng tử mắt bị toạc một đường ra tận tròng đen màu xanh lục sậm, gần như chạm đến tròng trắng. “Mẹ sinh ra đã như thế à? Phải chăng Chúa đã làm thế?”
Mẹ cười to, bóp mạnh hai hông tôi. “Chúa à? Không, Chúa không làm thế.” Mẹ dợm bỏ đi, rồi nói thêm, “Một người đàn ông mà mẹ đã quen.”
“Ai vậy mẹ?” Tôi nằn nì.
Mẹ gượng cười. “Wade, cha của con.”
Mẹ ôm lấy tôi, giải thích, Wade dẫn mẹ đến một quán bar khi hai người quen nhau mới vài tháng. Sau khi đe dọa tay pha rượu vì tội ép bạn gái vị thành niên của ông uống rượu, ông bắt đầu bắt nạt mẹ. “Ông ấy gọi mẹ bằng một cái tên vô cùng thô bỉ.” Mẹ giải thích. “Một cái tên mà con không nên bao giờ gọi một người đàn bà.” Mẹ tát vào mặt ông ấy và đứng dậy bỏ đi. Say mèm và bị sỉ nhục, ông ta gọi to tên mẹ và khi mẹ quay lại nhìn, ông ta ném cái ly vào mặt mẹ. Các vết cắt không nặng và khi lành không để lại vết thẹo. Nhưng mảnh vỡ của thủy tinh đã cắm sâu vào mắt mẹ, để lại thẹo.
Cái đêm trong khách sạn đó, là lần duy nhất mẹ gán cho Wade danh xưng là cha. Về sau này, khi có việc gì liên quan đến ông ta, tôi sẽ theo ý của mẹ. Tôi cũng sẽ gọi ông ta bằng cái tên riêng. Nếu tôi khăng khăng gọi ông ấy là Cha hay thậm chí là Bố, chắc mẹ tôi cũng cho phép. Nhưng tôi biết nếu tôi gọi ông ta bằng Wade thì mẹ sẽ vui hơn, và đó là điều quan trọng nhất. Khi tôi không nghĩ gì đến ông ấy thì sự có mặt của mẹ làm tôi vui sướng. Nụ cười của mẹ đối với tôi là quan trọng hơn cả.
Mẹ lại cúi xuống giường và hôn lên trán tôi. “Khi mẹ trở lại, mẹ sẽ ôm con ngủ.” Mẹ hứa, đưa mắt nhìn cái gối còn trống kế bên tôi. Tôi nhìn mẹ với đôi mắt ngái ngủ, sau đó cảm thấy tấm đắp lỏng ra khi mẹ đứng lên, chỉ còn lại hơi ấm của mẹ.
Mẹ có thể đi không lâu, trước khi tôi thức giấc, trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng. Có cái gì đó xuất hiện trong bóng tối. Tôi lăn qua, nhìn xuống chân giường. Mắt tôi dần tập trung vào một bóng đen ở phía dưới chân mình. Đôi vai rộng, nghiêng nghiêng và cái lưng của một người đàn ông càng lúc càng thấy rõ. Đầu hắn quay sang một bên, và hắn liếc mắt nhìn lên giường. Hắn và tôi nhìn nhau trong bóng tối. Khi mắt hắn bắt gặp cái ví đựng tiền của mẹ tôi, hắn tiến lại chỗ bàn trang điểm ở trước mặt hắn. Hắn thò tay nhẹ nhàng nhón lấy cái ví, rồi tự tin hơn, hắn nhấc cái ví lên. Một thỏi son lăn qua mặt kiếng và rơi xuống đất.
Tôi la to.
Hắn quay lại, giận dữ.
Tôi lại thét lên.
Hắn chạy lại chỗ tôi.
Đầu gối hắn thúc vào bẹ sườn tôi, vừa ngay lúc có tiếng mẹ tôi đập mạnh vào cửa. “Andy!” Mẹ hét to đồng thời với tiếng mở khóa cửa. “Andy! Andy! Andy!”
Ánh sáng từ hành lang chiếu vào phòng. Mẹ tôi chạy đến bên giường. Trong khi mẹ con chúng tôi đứng nhìn, hắn quay lưng biến mất sau khung cửa sổ mở rộng. Hắn chạy theo lối thoát hiểm, xuống con đường nhỏ bên dưới.
Lỗi chúng tôi là không đóng cửa sổ khiến tên trộm có thời cơ đột nhập. Tuy nhiên ngay đêm đó, chỉ một lúc sau, khi mẹ đưa tôi trở về giường, mẹ tôi dặn tôi không nên la to lần nữa khi thấy trong bóng tối có dáng người lạ ở trong phòng. “Đừng sợ, con yêu!” Mẹ kề tai tôi nói nhỏ, hai tay mẹ đu đưa tôi chầm chậm, nhìn nhân viên khách sạn và hai viên cảnh sát đang khám nghiệm phòng trọ. Mẹ quay lại nhìn cánh cửa sổ nằm xa bên kia giường, sau đó siết chặt tôi hơn. “Đừng sợ, nghe con!” Mẹ chùi nước mắt trên má tôi. “Không có gì đâu. Đừng sợ. Đừng khóc nữa.” 

 Mẹ và tôi sống ở một Hollywood khác, nơi nằm phía sau bảng hiệu Hollywood. Qua một ngọn đồi, trong thung lũng San Fernando, miền Bắc Hollywood chẳng có chút gì đáng phô trương như người láng giềng phía Nam của mình.
Các ngôi sao điện ảnh không bao giờ bách bộ trên vỉa hè của vùng này; không ai lái xe đến đây để tìm thú vui. Bị ngăn cắt bởi một số con đường nóng bức, lặng tanh, tài nguyên phong phú nhất nơi đây là vữa trang trí.
Những ga lông vữa được tô lên các trạm xăng và các trạm sửa xe nối liền với con đường chính của trung tâm. Và vẫn còn những ngôi nhà khiêm tốn, đơn lẻ cùng những căn hộ thấp lè tè, lộn xộn trải dài trên những con đường nhỏ hơn. Giống như phần lớn những vùng phụ cận Los Angeles, ở đây không ai biết ai, mọi người sống gần như biệt lập. Mặc dù không nghèo, phần lớn chỉ sống nhờ đồng lương hoặc trợ cấp xã hội.
“Con có thích chỗ này không?” Mẹ tôi cầm tay tôi hỏi, khi đứng trước thềm cửa phòng ngủ.
Trước khi gọi từ Los Angeles đến Chicago yêu cầu bà tôi cho tôi đến đây, mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng. Mẹ thuê một căn hộ có hai phòng nhỏ mà mẹ có khả năng lo được, sau đó trang trí căn phòng trống dành cho đứa con trai mà mẹ muốn đem về nhưng biết rất ít về nó.
“Con có thích xe đua không?” Mẹ chỉ tấm trải giường được in màu sáng. “Trẻ con dường như đều thích xe đua?” Trước khi tôi kịp trả lời, Mẹ lại chuyển hướng sang cái cửa sổ. “Mẹ lựa cho con căn phòng nhìn ra phía trước.” Tôi đưa mắt nhìn ra thảm cỏ trước tòa nhà. “Này con có thích chim biết hót không?” Mẹ bước một bước vào bên trong, đến bức tường bên cạnh cửa cái. Tôi đi theo mẹ. Cái đầu to của con chim mới nở màu vàng và đôi mắt nhìn tôi cảnh giác, đôi cánh cụp lại chuẩn bị đối phó. “Con có biết không, chim luôn cảnh giác đối với chú mèo hung bạo.” Mẹ ngồi lên giường, ngắm nhìn tôi. “Nếu con muốn, chúng ta có thể vẽ.”
Tôi đưa mắt nhìn mớ đồ đạc khá khiêm tốn của căn phòng: một cái giường đôi với tấm trải trang trí hình những chiếc xe đua, một cái tủ tàn tạ với những hộc tủ trống rỗng, một con chim biết hót vẽ ở trên tường
“Tốt rồi, mẹ ạ.” Tôi tiến lại chỗ mẹ, cảm nhận đôi tay mẹ ôm lấy tôi và đưa tôi lại giường. Nằm bên cạnh mẹ, biết mẹ muốn cho tôi nhiều điều hơn nữa, tôi thầm thì. “Con thích như thế này.”
Vài ngày sau, mẹ tôi đăng ký cho tôi vào mẫu giáo, ở một trường sơ cấp, cách chỗ chúng tôi ở chỉ vài dãy nhà. Mỗi buổi sáng Mẹ ngồi bên giường tôi, nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy. Sau đó mẹ đưa tôi đến trường. Một tháng rưỡi sau khi tôi đến đây, là ngày sinh nhật lần thứ sáu của tôi. Điều mà tôi nhớ nhiều nhất vào ngày lễ đó là mẹ và dì Carol đưa tôi đến tiệm MacDonald, kế bên trường dạy trang điểm và thẩm mỹ viện Page, nơi mẹ tôi học nghề. Cũng có quà tặng nhưng nhỏ thôi, giống như quà của bà Kate. Trong những tuần đầu tiên này, tôi ít nhớ đến Louis, chỉ khi nào tôi dậy thật sớm, trước khi Mẹ đi vào phòng, tôi mới gặp ông ta tại nhà bếp hoặc phòng tắm, đang sẵn sàng để ra đi.
Sau giờ học khi mẹ rước tôi về, tôi trải qua buổi chiều ở trường trang điểm, nhìn mẹ cắt và uốn tóc, nhổ và kẻ lông mày, rửa và sơn móng tay, móng chân. Trong bộ đồng phục tập sự màu hồng, mẹ có thể làm việc suốt nhiều giờ, luôn mỉm cười với những vị khách nữ mặc những bộ áo dài lóng lánh, hợp thời trang nhưng kiêu kỳ và hay càu nhàu.
Đối với tôi, thẩm mỹ viện là một phòng hóa học. Khắp mọi nơi là cả một đống dụng cụ đặc biệt, tôi chọn lấy tùy thích: những chai xịt nước có mũi nhọn bắn xa cả mấy thước, kẹp lông mi có dáng nửa mặt trăng, những cặp nhíp dùng để cặp những chỗ xước cạnh móng tay, những lá thiếc vuông dùng bọc những búi tóc quăn queo.
Lang thang ra phía sau phòng, tôi lén lấy sơn móng tay để trên các khay hình bán nguyệt, những chai bằng thủy tinh nặng và có dạng như giọt nước mắt, sau đó đem ra ngoài giấu vào một chỗ bị bỏ hoang. Không gian nơi đây bốc mùi gỗ mục và bụi bẩn ẩm ướt. Khán giả chỉ có bọ cánh cứng và nhện, tôi lôi đồ đánh cắp ra và ngắm nghía chúng. Tôi vẽ nhánh cây thành những con rắn có sọc, đổ sơn bóng lên trên mặt những chiếc hộp hư, trộn các màu với nhau thành màu nâu sôcôla.
Bạo gan hơn nữa, tôi lấy sơn móng tay sơn lên các móng tay của tôi, sau sợ quá bèn vội chùi đi.
Bị phát hiện từ chỗ thí nghiệm bí mật và kín đáo của mình, tôi trở lại chỗ mẹ và các đồng nghiệp của mẹ, họ rất thích tôi. Ở đây tôi nghe nhiều chuyện tào lao và chuyện gẫu liên tu bất tận của họ khiến cho ngày tháng trôi qua nhanh.
“Hello, chào ông Andy. Cháu mau lớn quá, chú bé có mái tóc vàng hoe. Chúng ta biết cháu đã lên sáu.” Một cô gái trẻ mặc bộ đồ màu hồng giống như mẹ tôi gọi tôi trong khi cô đang nghiêng người xuống và giựt giựt mái tóc màu xám của một khách hàng. Tôi nhún vai, bước gần lại chỗ cô đang làm. “Cháu giữ cái này cho cô một tí được không?” Cô đưa cho tôi một chiếc lược lớn giống như đưa cho tôi một tấm bằng cấp. “Cám ơn Ngài.”
Tôi ngắm kỹ người đàn bà ngồi trên ghế, đầu bà ta ngăn cắt với thân mình bởi một tấm tạp dề lớn bằng nhựa. Trán của bà bị siết chặt bởi một niềng quanh sọ. Bà chịu đựng cái đau, không biết đến thằng bé đứng cạnh bà, trố mắt nhìn bà bị hành hạ.
Phía bên kia của tôi, một cô tạo mẫu lớn tuổi hơn, mặc áo choàng trắng loại chuyên viên, đang chăm sóc cho một khách hàng khác. Nghiêng mình xuống tôi, cô áp mình lên bà khách hàng, bà này nhăn nhó vì bị ép quá chặt. “Hôm nay cháu học giỏi chứ? Cháu có nghe lời cô dạy bảo không?”.
“Có ạ.”
Đứng giữa hai hàng ghế, một cô làm tóc khác chen vào. “Cháu ơi, cháu có thể đi mua giúp cho cô một ly cà phê ở tiệm kế bên? Cháu có thể mua cho riêng cháu một thỏi kẹo. Cháu đừng nói cho mẹ cháu nghe. Và cháu cũng đừng quên, một ly có kem với nhiều đường.” Tôi bỏ lược xuống và đi lại chỗ cô làm tóc. Cô mở lấy ví tiền và đưa cho tôi tờ giấy năm đô la.
Khi tôi đi ngang qua dãy ghế của các bà khách, tôi nghe một giọng nói quen thuộc, khá lớn đủ cho tôi nghe thấy. “Cậu có biết thằng bé là con của Hope không? Mỗi ngày chị ấy đưa nó đến trường và đến rước nó.” Tôi thích nhất trên đời là nghe những đồng nghiệp của mẹ nói về mẹ, kết nối tôi với mẹ, cho thấy tôi luôn thuộc về mẹ.
Khi tôi đi ra cửa để mua cà phê ở tiệm tạp hóa gia đình kế bên, tôi quay lại, cũng người thợ đó mỉm cười và vẫy vẫy cái lược về hướng tôi. “Và nó luôn giúp chúng ta những chuyện lặt vặt ở đây.”
ANDREW BRIDGE

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 7

Tôi không hề nghe tiếng gõ nhẹ tại cửa trước. Tiếng gõ nhẹ có thể không nghe thấy nếu như bà không bất thình lình đưa mắt nhìn lên và lắng nghe tiếng âm thanh buổi tối. Nghe tiếng gõ cửa lần thứ hai, bà uống vội một hớp nước trong ly của mình, đoạn đẩy cái ghế ra xa bàn, đứng dậy đi ra, tôi nối gót theo sau.
“Cháu yêu, ổn cả mà.” Bà đặt tay lên vai tôi, ra dấu cho tôi đứng yên. “Bà chỉ đi một phút.” Tôi nhìn bà đi ra hành lang.
Bà nhìn qua lỗ nhỏ ở cửa một vài giây. Hai tiếng tách tách của then cài bật lên vang khắp phòng. Cánh cửa kêu crắc một tiếng và mở ra, tiếng xích cửa kêu loảng xoảng
“Tôi rất tiếc đã làm phiền bà, bà Katherine” – Tôi nhận ra tiếng của ông chủ nhà – “nhưng có ai đó gọi điện thoại cho bà. Cô ta nói cô ta gọi từ Los Angeles.” Ngay tức thì, tôi bỏ mặc spaghetti, đứng lên khỏi ghế, phóng nhanh ra cửa.
“Bà có muốn nghe không?” Ông hỏi vọng qua khe hở giữa cửa và bức tường.
“Ồ, dĩ nhiên rồi. Cám ơn ông.” Bà đóng cửa, kéo sợi dây xích ra khỏi lỗ, rồi lại mở cửa. Ông ta bước lên cầu thang và trở lại căn hộ của mình để lấy cái điện thoại. Bà nhìn tôi, hy vọng.
Điện thoại vào buổi tối hiếm khi xảy ra. Hầu như các cao ốc trong khối không có dây điện thoại, ngoại trừ vài người trong số láng giềng của tôi chi thêm một số tiền để gắn điện thoại cho căn hộ của mình, đồng ý trả tiền phục vụ tháng – như bà tôi đã cho biết – dù có xài điện thoại hay không. Bà tôi thì không làm như vậy.
Ông bà Gordie có điện thoại, và những buổi sáng khi tôi bị bệnh hay bà có việc phải đi làm trễ, bà qua nhà Gordie để gọi nhờ đến trường hoặc đến ông chủ tại Sinclair. Nếu như ông bà Gordie không có nhà hoặc còn quá sớm, bà chạy đến điện thoại công cộng ở góc đường – trong túi áo chuẩn bị sẵn đồng mười xu. Ông và bà chủ nhà tình nguyện giúp chúng tôi gọi và nhận điện thoại, bằng cách mua một sợi dây điện thoại thật dài đủ để kéo từ căn hộ của vợ chồng ông đến cửa căn hộ chúng tôi.
Chủ nhà lại xuất hiện tại hành lang, tay cầm điện thoại và ống nghe. “Vợ tôi nghĩ đó là con gái của bà. Tôi có thể để nó tại đây?” Ông cúi xuống và đặt điện thoại xuống sàn nhà. “Cám ơn. Cho tôi gửi lời cám ơn bà nhà.” Bà tôi bước vội tới, biết rằng mỗi phút gọi điện thoại rất tốn tiền.
“Không có chi, bà Katherine. Chỉ có điều dùng xong thì xin bà mang lên giúp cho.” Chủ nhà nói, và sau khi nhận thấy tôi đứng ngay sau khung cửa. “Andy, cháu thích đến trường không? Xe buýt mới đưa học sinh chạy có tốt không?”
Tôi toét miệng cười háo hức.
“Thế là tốt.” Ông nhìn bà tôi, một nụ cười nóng ruột hiện lên trên gương mặt bà. “Andy là một cậu bé ngoan, phải không?”
Bà gật đầu.
“Tốt, đừng lo nghĩ gì về thời gian. Chúng tôi không đi ngủ sớm đâu.”
“Cám ơn ông.” Bà ngồi lên bậc cầu thang, chờ cho ông chủ đi lên tầng trên. Bà lấy ống nghe từ dưới chân, đưa lên nghe. Ở tầng trên, có tiếng cửa phòng của chủ nhà đóng lại. Bà chờ thêm một giây lát, tin chắc hành lang không còn ai.
“A lô, Hope à?” bà hỏi, “cháu vẫn khỏe”. Bà đưa mắt nhìn lên thang lầu. Tôi mỉm cười tươi. “Không, thời tiết không quá lạnh.” Bà dừng lời. “Sao? Mẹ không nghe con nói.” Bà nhìn máy điện thoại nằm dưới chân mình. “Mẹ không chắc...” Bà cau mày nhìn tôi, ra dấu bảo tôi vào nhà.
Tôi rút vào sau khung cửa. “Sao? Giờ mới được nửa niên học. Mẹ có cảm tưởng vừa mới ghi danh cho cháu. Ngày nghỉ ở trường chưa tới -” Bà dừng lời một lúc lâu hơn.“Con không thể chờ cho đến cuối – “Giọng bà to hơn, “mẹ hiểu, nó là con của con. Dĩ nhiên là con có mọi thứ quyền...” Bà ngưng lại, đoạn lại thử cố gắng. “Như mẹ vừa nói nó là một đứa bé.”
Tôi bò ra khỏi cửa, không để bà trông thấy. Giọng bà dịu lại, “Hope, con yêu, mẹ không chắc con đã sẵn sàng để -” Tiếng người gọi tới cắt ngang lời bà. Bà nóng nảy lắng nghe, thình lình bực dọc nói, “Có phải có Wade ở đó không? Chính nó bảo con làm như thế, phải không?” giọng nói của người gọi tới to hơn cho đến khi bà tôi ngắt lời, “Mẹ xin lỗi... Mẹ biết con không cần hắn... Mẹ cho rằng con không bao giờ làm thế... Được, mẹ nghĩ cho cháu đi là tốt hơn.”
Bà lại nhìn lên. Tôi cho rằng bà sẽ giận dữ, lại ra lệnh cho tôi trở vào nhà. Thay vì thế, bà lãnh đạm nhìn tôi, trông dường như bà không còn nghe tiếng điện thoại.
Tôi nhìn lại bà. “Bà ngoại ơi, bà có muốn cháu nói chuyện với mẹ không?”
Bà như không biết đến tôi, tiếp tục nói chuyện qua điện thoại, “Mẹ không thể. Nó đã ngủ.” Tôi nhìn bà, ngạc nhiên vì bà nói dối. Bà ngưng nói lâu hơn, càng lúc càng ít nói, đồng ý càng lúc càng nhiều hơn. Sau cùng, bà hoàn toàn ngừng nói, nhẹ đưa ống nghe cho tôi. “Đó là mẹ cháu,” bà khẽ khàng nói. “Mẹ cháu cần nghe cháu nói chúc ngủ ngon và thương yêu mẹ cháu.”
Tôi đưa ống nghe lên tai nhưng không nói gì.
Giọng nói khàn khàn của Mẹ phá tan sự im lặng. “Andy, con đó hả?”
“Vâng, con đây.”
“Con có nhớ Mẹ hứa Mẹ sẽ trở lại?”
“Vâng.”
“Khi vắng Mẹ thì con có ngoan không?”
“Có ạ”
Mẹ im lặng.
“Con có hứa là sẽ không quên Mẹ không?”
“Có”.
Tôi nhìn lên, không biết mình nên nói gì. “Cháu nghĩ mẹ cháu muốn nói chuyện với bà.” Tôi đưa ống nghe cho bà. Bà vẫn ngồi ở bậc cầu thang, cố mỉm cười. “Cháu có nói gì sai không bà?”
“Tại sao cháu không trở vào trong nhà?” Bà dịu dàng nói. Bỗng tiếng nói trong đường dây gọi đến tên tôi. Bà đưa tay bịt lên ống nghe, bảo nhỏ tôi, “Cháu đi ngủ đi, cháu yêu.” Tôi nhìn vào đôi mắt cam chịu của bà, mặc dù bà không thể nói ra điều ấy, tôi hiểu bà đã sẵn sàng chịu lìa xa tôi. Đứa bé mà bà đã nuôi dưỡng, giờ sắp ra đi.

Tôi về phòng mình chỉ cách cánh cửa mở chừng vài bộ. Trong khi cuộc nói chuyện vẫn tiếp tục, giọng nói của bà trở nên bình tĩnh, mặc dù nó có vẻ mệt mỏi khi bà nói lời tạm biệt và tắt máy. Khi bà lên thang lầu để trả máy lại cho chủ nhà và vợ ông ta, tôi gục ngủ, và sau khi khóa cửa, bà quên đánh thức tôi dậy để thay quần áo.
Vào một buổi sáng cuối năm, khi tôi đang học giữa chừng lớp mẫu giáo, bà tôi đưa tôi ra sân bay O’Hare. Bà lên tận máy bay, ngay cả khi tiếp viên đã cài dây an toàn cho tôi và đảm bảo với bà mọi sự đều ổn, bà vẫn chần chừ chưa chịu xuống. Khi mọi hành khách đã ngồi vào chỗ, bà khom lưng xuống, vỗ nhẹ vào đầu gối tôi và nhìn ra ngoài cửa sổ hình bầu dục.
“Bà ơi, giờ bà phải đi đi.” Tôi nói nhỏ. “Máy bay không thể chở bà,” tôi nói thêm, không biết máy bay đưa tôi đến đâu. “Không có chỗ ngồi cho bà.”
“Cháu có nhớ bà không?” Bà nói nhỏ. Bà quay nhìn tôi, mắt bà đỏ hoe. Sau đó, bà lấy lại bình tĩnh, dặn dò tôi, “Cháu nên nhớ cháu là đứa bé ngoan của chúng ta, bà và mẹ cháu.”
Tôi gật đầu, rồi nhìn bà khuất dần sau lối đi.
Nhờ cô tiếp viên hàng không khẽ lay, tôi giật mình thức giấc. Tôi nhìn chung quanh, thấy máy bay đã trống trơn. Vừa ra khỏi đường hầm cùng với người đi kèm, tôi thấy hai người phụ nữ trẻ đang đứng chờ giữa một ít người đi nghỉ lễ. Người phụ nữ cao hơn trông hơi giống tôi. Tóc vàng hoe và rám nắng, mặc quần đỏ sọc vàng, áo ngắn màu trắng tay phồng, đi giày mọi và đội nón nỉ rộng vành màu cam. Người phụ nữ kia có vẻ tự tin, ăn mặc cổ kính hơn. Tóc người ấy đen, ngắn và tém sát. Chiếc áo cổ lọ cao, sát nách – có viền và màu xanh dương sậm – để lộ hai cánh tay xanh xao, thon gọn. Bên dưới quần jean, một đôi giày bốt mềm, màu đen che kín hai bắp chân và hai bàn chân nhỏ nhắn.
Không ai nói cho tôi biết người nào chính là mẹ tôi. Tuy nhiên trước khi người ấy quỳ xuống và dang rộng đôi tay, tôi chạy đến người có nước da sậm hơn. Người ấy ôm chầm lấy tôi, thân hình nhỏ bé của bà phủ kín lấy tôi. Cái cổ cao ghì sát mặt tôi, đôi tay mát rượi ôm chặt tôi. Người kéo tôi vào sát hơn, một tay ghì vào sau đầu tôi, một tay vào mông tôi. Mùi thuốc lá và mùi mồ hôi nhè nhẹ hòa lẫn vào nhau, mùi nước hoa thoang thoảng. Tôi nghe hơi thở của người ấy trong cái cơ thể thinh lặng.
“Andy", giọng nói khàn khàn nhẹ vang lên, gần như buồn buồn. Tôi nhìn lên. Thấy sự e dè trong đôi mắt tôi, người ấy thả lỏng tay ra, giữ tôi đứng trước mặt, đoạn cười to trước cái nhìn của tôi. “Mẹ chờ đợi con đã rất lâu.” Mẹ lắc lắc tôi, sau đó cau mày, bắt chước sự kinh ngạc của tôi với một nụ cười. Tôi mỉm cười đáp trả, mẹ đã chinh phục được tôi. Sau đó tôi biết nói ra điều mà tôi biết phải nói, cũng là điều mà bà ngoại Kate đã dạy tôi, “Con cũng yêu Mẹ,” trước khi người đàn bà trẻ nói ra, “Mẹ yêu con.”
“Đây là dì Carol.” Mẹ nhìn qua người bên cạnh.
Người phụ nữ tóc vàng hoe mỉm cười, “Chúng ta đã nghe nói nhiều về cháu, Andy.” Dì nghiêng mình đưa tay ra.
Mẹ giựt lấy cái túi xách mà bà ngoại đã chuẩn bị cho tôi, đoạn đứng chờ bên người bạn gái. “Con yêu, hãy bắt tay dì Carol đi.”
Tôi nắm lấy tay dì Carol.
“Andy, dì rất hân hạnh được gặp cháu.” Người phụ nữ trịnh trọng nói.
“Đây có phải là nón cao bồi không?” Tôi hỏi.
“Không phải, đây là nón cao bồi dành cho con gái,” Dì vỗ vỗ lên cái nón nỉ màu cam, sau đó giở nón lên và đội lên đầu tôi.
Tôi rụt cổ, nép mình vào mẹ tôi.
“Andy,” mẹ tôi cau mày, đẩy tôi ra trước mặt hai người.
Dì Carol nhún vai, lấy nón đội lại trên đầu. Dì giành cái túi xách trong tay mẹ tôi. Sau đó cả ba chúng tôi đi xuống dãy hành lang dài, sáng sủa. Trong khi dì Carol đi lấy xe, mẹ tôi và tôi đứng im lặng bên cạnh hàng rào. Trời hơi lành lạnh, nhưng cái áo jacket bà sắm cho tôi giữ cho tôi được ấm. Dì Carol trở lại với chiếc xe Rambler màu đỏ. Xe đậu đã lâu, dì Carol phủi bụi và dọn dẹp ba cái đồ linh tinh ở băng trước. Dọn dẹp xong dì gật đầu. Mẹ nắm lấy tay tôi và chạy vòng qua đường dành cho người đi bộ
Ngồi giữa hai người đàn bà ở băng trước, tôi nhìn lên bầu trời đầy mây. Những cây cọ xếp hàng hai bên đường, thân cây trần trụi chọc thẳng lên trong không trung trước khi rủ xuống những tán lá giống như bộ lông chim xanh lục. Tôi quay sang mẹ tôi, “Trời sắp mưa hở Mẹ?” Mẹ nhìn ra ngoài cửa sổ xe.
“Nếu đúng như thế, mẹ mong trời mau tạnh. Chúng ta có thể sẽ đi Rose Bowl ngày mai. Nào, không phải xem đá bóng. Vé đá bóng đắt tiền lắm. Mình đi xem diễu hành...” Mẹ nghiêng người qua tôi, nói nho nhỏ, giọng đùa cợt. “Xem diễu hành không tốn tiền.”
Không rõ Mẹ đang nói gì về đá bóng hay diễu hành nào, tôi gật gật đầu, rồi nhìn trở lại hàng cây cọ lướt nhanh qua bên ngoài. Một lát sau, tôi buột miệng, “Chúng ta đang ở Hawaii hả?”
Mẹ tôi nhìn tôi, mỉm cười nhưng bối rối.
“Cây cọ,” tôi chỉ ra hai bên đường. “Cây cọ mọc ở Hawaii.”
Dì Carol cười to, lắc đầu. “Không, đây chắc chắn không phải là Hawaii.” Dì khịt khịt mũi. “Chào mừng cháu đã tới Los Angeles.”
ANDREW BRIDGE

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 8

Đêm hôm ấy, tôi giật mình thức dậy vi tiếng cười chói tai ở phía sau của chiếc xe tải. Đối diện với tôi, tôi thấy mẹ tôi ngồi ở ghế hành khách kế bên người lái xe. Trước mặt họ cây gạt nước gạt qua gạt lại những giọt nước mưa.
Bên dưới tôi, cái sàn xe bằng kim loại lạnh ngắt. Đôi giày thể thao và vớ nhớp bẩn thấm ướt chân tôi. Cổ áo của tôi bó chặt cổ tôi.
“Thằng nhóc này là ai vậy?” Một người đàn ông ngồi trên sàn xe xeo xéo tôi hỏi trổng. Ánh sáng che khuất mặt y, thân hình y lắc lư cùng với con đường. Trong bóng tối, y có vẻ hốc hác, và bộ râu khiến y trông như vừa mới qua tuổi vị thành niên. Tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông tóc phủ đến vai, do vậy tôi nhìn y chăm chú. Điếu thuốc động đậy trên môi y khi y nói với cái giọng to hơn, gay gắt hơn. “Tôi hỏi, thằng nhóc này là ai?”
Ngồi kế bên y, với đôi mắt nhắm, dì Carol nói trống không, “Có im đi không? Người ta đang cố ngủ.” Dì ngồi nghiêng qua một bên để tránh xa y hơn. Sau đó, dì càu nhàu to hơn “Mẹ kiếp, chúng ta đang giở trò gì vậy? Trời đang mưa và lạnh cóng!”
Người lái xe quay lại nhìn ba chúng tôi đang ngồi trên sàn xe. “Này cô Carol, đấy là cuộc lễ diễu hành Rose Parade. Tôi chưa bao giờ được xem xe diễu hành, ngoại trừ trên tivi. Và Hope cũng mong được xem.” Ông ta ngoái nhìn lại con đường. “Hope nghĩ thằng bé cũng sẽ thích xem. Chắc cô cũng thích chứ gì?”
Gã đàn ông tóc dài lại la lên, “Chẳng có ai trả lời tôi sao?” Ngạc nhiên khi không thấy Mẹ nói gì nên tôi cũng chẳng buồn động đậy.
Người lái xe cuối cùng cũng trả lời, “Ối trời ơi, ta nghĩ ta đã nói với mi rồi, nó là con của Hope.”
“Hope có con à?” Tay tóc dài hỏi, trong bóng tối, y nghiêng người xuống để trông cho rõ hơn. Tôi quay về hướng mẹ tôi, đầu Mẹ vẫn dựa vào chỗ ghế ngồi, lắc lư cùng với con đường.
Lái xe nói tiếp, “Đúng, nó sống với mẹ của Hope ở Chicago. Trước lễ Giáng sinh, Hope gọi điện thoại và nói cô ấy muốn có nó. Bà già khó chịu, không muốn cho nó đi. Nhưng Hope dọa sẽ đưa ra tòa nếu như bà ta làm thế.” Lái xe cười khùng khục đoạn hạ giọng, “Mi biết đấy, chó cái nào cũng làm thế.” Tên tóc dài nhăn răng cười và gục gặc đầu trong bóng tối.
“Dù sao đe dọa như thế cũng đủ rồi. Bà già sáng nay đã đưa thằng bé lên máy bay. Tao bảo Hope để thằng bé ở Chicago.” Giọng y trầm hơn, “Cô ta sẽ làm gì với thằng bé năm tuổi? Nhiều tuần nay cô ta chỉ nói về thằng bé.” Hắn đổi giọng với vẻ chế nhạo, lắc lư đầu trong mỗi câu nói. “Nó sẽ cần thứ này, đòi cái kia. Tao sẽ có gì với nó? Sẽ làm gì với nó?”
Tôi chui sâu vào trong áo jacket, kéo phủ lên hai chân và dùng tay áo phủ lên cả hai bàn tay. Các đầu ngón chân của tôi bắt đầu tê cứng và hai tay thì đau nhức.
“Thế tên nó là gì?” Tên tóc dài la lớn át cả tiếng ồn ào của con đường, y quan sát tôi, tôi chỉ cách y vài bộ.
“Cô ta gọi nó là Andy,” người lái xe trả lời. “Chiều nay khi về đến nhà,” hắn cười khẩy, “ta sẽ cố dạy nó kêu ta bằng Cha. Khi Hope phát hiện, Hope sẽ nghe lời ta thôi.” Hắn kéo dài giọng nói cùng với tiếng huýt sáo. “Cứt, ta đếch cần cái gì cả. Mi tưởng ta muốn có nó lắm à?” Hắn ngẩng cao đầu để nhìn ra sau thông qua kính chiếu hậu, tôi bắt gặp cái nháy mắt của hắn.
Sau cùng mẹ tôi cũng lên tiếng. Tôi nhìn thấy dáng Mẹ nghiêng qua người tài xế. Mẹ nói chậm rãi và cẩn trọng, “Louis, anh nói thế là sao?” Câu hỏi rơi vào im lặng. Mẹ tôi chờ đợi cho đến khi hắn nhìn Mẹ.
“Không gì đâu, cưng ạ. Anh nghĩ thằng bé đã thức giấc.” 

Mẹ tôi day lại và nhìn về hướng tôi. Mẹ ra hiệu cho tôi. Tôi thò tay ra khỏi áo jacket và bắt đầu đứng dậy đi đến chỗ mẹ; nhưng tôi bị trượt trên sàn xe ướt, suýt nữa thì té. Tay tóc dài lao tới trước và dang hai tay ôm lấy cổ chân tôi giữ cho tôi khỏi ngã nhào.
“Ta giữ được cháu rồi.” Y mỉm cười, ôm lấy eo tôi đưa lên và đu đưa tôi vào giữa mẹ tôi và tài xế. “Chỗ của cháu đó, bé con,” y nói nhỏ.
Hai tay của mẹ tôi đỡ lấy tôi và mẹ tôi đặt tôi ngồi vào trong lòng Mẹ. Mẹ kéo áo khoác phủ lên người tôi, tôi tựa vào cơ thể ấm áp của Mẹ. Mẹ úp mặt vào cổ áo tôi và tôi cảm thấy hơi thở của mẹ phả vào cổ tôi. Tôi nhìn ra con đường chạy loang loáng ở trước mặt, nhìn mưa rơi trên kính chắn gió, những giọt mưa rơi nhanh giống như hàng ngàn giọt lệ rơi xuống. Tôi đưa mắt nhìn qua người lái xe, người mà mẹ gọi là Louis. Ông ta gục gặc đầu. Sau đó, trong vòng tay ấm áp của mẹ, tôi ngủ thiếp đi.
Đám khán giả vẫn còn đông trên con đường diễu hành khi dì Carol báo đi kiếm cà phê. Khi dì trở lại, tay dì cầm một cái ly bằng giấy còn bốc khói và một hộp bánh mạch nha. Nhận thấy tôi đang thèm ăn, dì cau mày nhìn tôi, nhưng tôi không chịu thua. Dì đưa cho tôi ly cà phê, tay kia còn có vài thỏi sôcôla, tôi định chộp lấy thì bỗng nhiên có chân của một khán giả đụng tay tôi.
Cái ly bằng giấy bay qua bên cạnh, đổ cà phê lên quần của chú Louis. Chú kêu lên; nhưng mẹ tôi nhanh chóng can thiệp, quát lại. Mẹ nắm lấy tay tôi, để mặc những người bạn ở lại với đám đông. Trong buổi sáng mưa phùn, mẹ và tôi đi qua một số dãy nhà trước khi dừng lại ở trạm điện thoại công cộng để kêu xe taxi. Ngay lúc, chiếc xe diễu hành đầu tiên đi ngang qua, mẹ tôi và tôi phải ra đi.
Khi xe đến, mẹ chạy ra đường, tay giữ lấy cửa xe cho tôi leo lên. Đẩy tôi sâu vào chỗ ngồi bên trong rộng rãi, mẹ ngồi xuống và nắm lấy tay tôi. Lái xe quay nhìn chúng tôi và chờ đợi...
Mẹ nhìn bác tài, đoạn quay sang tôi, “Con nghĩ chúng ta nên làm gì?”
“Con không biết,” tôi nói nhỏ, e ngại trước cái nhìn của bác tài cách biệt với chúng tôi bởi tấm chắn bằng nhựa bảo vệ an tòan.
Mẹ tôi chờ ở tôi một câu trả lời rõ hơn.
Tôi rút tay tôi ra khỏi tay mẹ, ngả người ra sau chỗ ngồi. Để tránh cái nhìn của bác tài, tôi tập trung nhìn vào đôi giày thể thao đang đong đưa bên trên cái sàn xe màu đen, đầy bùn. “Con chưa bao giờ đi trên một chiếc xe như thế này.”
“Mẹ nghe nói họ nhặt chúng ở Chicago.” Mẹ vỗ ngón tay lên bàn tay tôi.
Câu nói đùa rơi vào yên lặng, bác tài nhăn nhó. “Này cô, cô và cậu bé định đi đâu?”
“Tôi cũng chưa biết,” Mẹ trả lời ngắn gọn, mắt vẫn nhìn vào tôi. Mẹ thở dài, đoạn đưa tay chỉ vào con đường diễu hành còn vắng, “đưa chúng tôi ra khỏi chỗ này.”
Không biết rõ phải đi đâu, nhưng bác tài vẫn quay lại chỗ tay lái, bẻ cò và lái xe đi.
Bỗng mẹ ngước đầu, nhìn ra cửa sổ xe. “Mẹ có ý này.” Mẹ quay sang tôi. “Con có muốn đi xem thành phố không? Tại sao chúng ta không thử đi Hollywood? Luôn luôn có cái gì mới ở đó.”
Tôi mỉm cười khi nghe đến địa danh hơi quen thuộc đó.
“Được rồi.” Mẹ gật đầu, trông như nhẹ người. “Thống nhất thế nhé.” Sau đó, trước khi tôi kịp nói, mẹ đập vào tấm chắn bằng nhựa và báo cho biết quyết định của chúng tôi.
Bác tài vội vã quành xe, quay trở lại dãy nhà mà chúng tôi vừa đi qua và lái xe qua nhiều dãy khác. Với hai hành khách ngồi sau lưng, bác tài cho tăng vận tốc, vượt qua một ngọn đèn đỏ, đoạn đổ dốc xuống những ngọn đồi xanh rì bao quanh Los Angeles.
Ngồi kế bên tôi, mẹ cười vui, đoạn xem xét chiều cao của tôi. “Này, bà Katherine không bao giờ đưa quần áo của mẹ gửi cho con mặc à?” Mẹ lấy ngón tay sờ vòng quanh cổ áo tôi, đoạn giật mạnh một cái.
Tôi nhìn sang, ngạc nhiên.
Mẹ nghiêng xuống gần hơn, mở to đôi mắt, và nhăn mặt lắc đầu. “Katherine? Con có biết Kate? Con gọi bà ấy bằng gì? Bà? Bà ngoại? Cái bà lão đã đưa con lên máy bay ở Chicago ấy?” Chiếc xe vấp lên một cục đá, tôi và Mẹ tôi giật nảy lên khỏi chỗ ngồi. Vẫn giữ nụ cười, mẹ cau mày và nhìn kỹ chân tôi, “Con không biết cột dây giày như thế nào à?”
Tôi nhìn xuống cái nút thắt lỏng.
“Sao?” Mẹ chờ tôi trả lời.
Quá mệt vì đi máy bay, kiệt sức, vì cả đêm dài trên xe, tôi hiểu lầm lời đùa của Mẹ là sự giận dữ, tôi đưa hai tay xuống che mông, ngồi dang ra xa chỗ mẹ tôi, và cảm thấy mắt mình đỏ hoe.
Mẹ thay đổi ngay cách biểu lộ, “Con yêu, con không có gì phải lo sợ.” Mẹ kéo tôi sát vào mẹ. “Chúng ta sẽ đi sắm vài bộ đồ mới. Và dây giày...” Mẹ cúi xuống thắt dây giày lại cho tôi. “Thắt dây giày thật dễ.”
Ngay cả khi tôi biết mẹ không quen gần gũi với trẻ con, tôi vẫn ép sát người vào mẹ. Mẹ không hoàn toàn đúng khi cho rằng đứa con trai năm tuổi quan tâm nhiều đến quần áo nó mặc hoặc nó chưa được học cách cột dây giày. Ngồi trên xe, tôi biết bà Kate không bao giờ mắc những sai lầm như thế. Bà sẽ biết rằng tôi mệt và sẽ bảo tôi đã đến giờ đi ngủ. Trong cả lô câu hỏi mà người đàn bà hai mươi ba tuổi này đặt ra, trong cái nhìn lo sợ khi tôi lùi ra xa, tôi có thể thấy Mẹ muốn những điều mẹ làm cho tôi là đúng.
Trong khi mẹ nhìn ra cửa xe, bác tài đưa chúng tôi vào những con đường của thành phố. Khi tấm bảng HOLLYWOOD xuất hiện ra trước mắt, Mẹ chỉ cho tôi dòng chữ màu trắng nằm bên cạnh đồi, bên dưới đỉnh đồi. Khoảng mười phút sau, Mẹ nghiêng người qua chỗ bác tài, chỉ chỗ giao lộ lớn và bảo cho chúng tôi xuống chỗ đó.
“Hãy xem như chúng ta đi đâu cho hết thời gian trước khi đi mua sắm”
Mẹ nhìn xuống dãy hàng quán im lìm. “Con có ý gì không?”
“Con đói.” Tôi nhìn lên.
Chúng tôi dừng lại một quán cà phê ngay góc đường có bảng hiệu có dạng giống như một tàu trang bị tên lửa. Cô tiếp viên đưa cho Mẹ bản thực đơn và Mẹ đưa cho tôi. Tôi cầm lấy cái bìa cứng khổ lớn, màu sáng trong khi Mẹ kêu một tách cà phê đen. Khi cô tiếp viên trở lại, Mẹ gật đầu, bảo tôi chọn thức ăn. Tôi nhìn qua bàn và chỉ một tấm hình. Rồi mẹ uống tách thứ hai rồi tách thứ ba vừa nhìn tôi ăn ngấu nghiến thức ăn mà tôi đã chọn.
ANDREW BRIDGE

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 6

Cảnh đấu súng phim cao bồi miền Viễn Tây vào buổi xế chiều của ông Gordie đã đến hồi kết thúc. Lợi dụng cơ hội đó, tôi chạy ra trước cửa và thấy bà tôi đứng trước hiên nhà, một tay xách một túi hàng tạp phẩm, cái túi đựng tiền nằm lủng lẳng bên hông.
Co ro vì lạnh, bà mặc chiếc áo khoác dày cộp mà bà đã mua của một phụ nữ tại nhà thờ, đôi bao tay màu sậm, chiếc mũ đan màu vàng nhỏ nằm trên mái tóc dày màu xám và đen.
Bà là một phụ nữ trẻ hơn tuổi với đôi mắt đen cương nghị và những nếp nhăn trên trán, đặc biệt khi bà cau mày. Khi đi có tôi bên cạnh, người ta tưởng lầm bà là mẹ tôi. Nhưng mỗi lần như thế – mặc dù ở chỗ nào, người nào, hay hoàn cảnh nào – tôi cũng nhảy dựng lên đính chính sự sai lầm. “Đây không phải là mẹ tôi.” – Tôi giảng giải cho những người lạ thiếu hiểu biết. “Bà ấy là bà tôi,” sau đó tôi chỉ vào bà như để xác nhận đó là một sự thật hiển nhiên. “Bà lớn tuổi rồi.”
Vẫn đứng tại hiên nhà trong cái lạnh về đêm, bà nhìn vào căn hộ của gia đình Gordie, sau đó chỉnh lại túi hàng đồ khô. “Bà xin lỗi bà đã đến trễ.”
Vẫn ngồi trên ghế xô-pha, ông Gordie đưa một bàn tay lên để chào. “Chào cô, Katherine,” ông chào to, vang lên cả phòng, đoạn quay lại nhìn vào tivi.
“Cháu xem tivi đủ chưa?” Bà hỏi tôi.
Tôi mỉm cười. Không nói một lời, tôi lấy áo khoác và cặp đeo sau lưng nằm trên sàn nhà. Bà Gordie từ nhà bếp lại đi ra, bà tôi lại xin lỗi một lần nữa.
“Katherine, cô không muốn vào à?” bà Gordie hỏi, tay bà khoanh lại do cái lạnh của khung cửa mở.
“Ồ không, cháu nó mặc áo khoác xong ngay ấy mà.” Bà ngoại đưa mắt nhìn tôi hối thúc. “Chúng tôi thực sự cần phải về nhà. Tối mai có thể tôi sẽ ghé chơi.”
Bên ngoài, những đám mây của một trận mưa chiều bao phủ làm ấm không khí lên một ít. Bị tuyết ngăn chận và chôn lấp, xe ô tô của những người hàng xóm trông giống như những hóa thạch bằng kim loại chờ tuyết tan mùa Xuân phát hiện. Nắm chặt tay tôi, bà ngoại bước đều xuống các bậc thang lạnh cóng nơi hiên nhà ông bà Gordie.
Chúng tôi đến một trong hai đống tuyết đông cứng phủ cao trên những con đường đi về nhà. Bà nâng cánh tay tôi lên để bước qua đụn tuyết. Vừa lên tới đỉnh, tôi giằng tay ra, chạy ra giữa đường, nhìn lại, vừa cười vừa chọc tức bà.
Bà đưa mắt nhìn sang trái, sang phải, đoạn dọc con đường giờ trông giống như một con kênh dài trắng xóa. Không một người hoặc một chiếc xe di chuyển trên đường. Bà nhướng cao chân mày và nhíu lại, gật gật đầu chấp nhận thách thức. Bà bỏ túi đựng tiền vào túi xách, rồi với một tay không vướng bận, bà chậm rãi nắm lấy một nắm tuyết kế bên mình. Tôi vội vàng quỳ xuống, khởi sự vo tròn một nắm tuyết. Bà ném ra một quả, cố tình không trúng, cách chỗ tôi vài inch. Vẫn đứng yên tại chỗ, tay không vũ khí, bà cười to. Tôi ném trả.
Nhưng cú ném của tôi yếu, quả tuyết rơi gần tôi hơn gần bà. Bà cúi xuống nắm tròn quả thứ hai. Thấy thua, tôi bò qua đống tuyết đông cứng thứ hai nằm trên lề đường, đến dãy nhà nơi chúng tôi đang ở. Co mình sau những bậc thang, tay tôi đau nhức vì lạnh, tôi còn nghe tiếng tấn công dữ dội. Tôi lén nhìn qua tay vịn cầu thang. Bà xuất hiện trước mặt tôi, tuy kiệt sức, nhưng một tay bà xách túi đựng thức ăn, còn tay kia, bà xách cái cặp mà tôi đã bỏ lại trên đường, Không có quả đạn tuyết nào cả.
“Thôi nào, cháu cưng,” bà thở ra. “Đã đến lúc vào nhà.”
Giày bốt phủ đầy tuyết, chúng tôi mệt nhọc lao lên bốn dãy cầu thang, đi ngang qua những cánh cửa bảo vệ cẩn mật của những căn hộ láng giềng. Đặt túi thức ăn khô lên một bên đầu gối co lên, bà mò tìm cái túi đựng tiền và xâu chìa khóa, mở chốt cửa thứ nhất rồi cái thứ hai, đoạn đến cái nắm cửa, cái mà bà than phiền chẳng ra cái tích sự gì. Chúng tôi giậm giậm chân ngay bên ngoài cánh cửa mở, làm rơi tuyết đóng trên giày xuống tấm thảm trơ cả sợi ở hành lang.
Bà cười hỏi tôi. “Đủ tốt để ngăn ngừa lũ trộm, phải không?” Tôi gật đầu đồng ý. Bà bước vào trong, mở công tắc điện và đi vào trước.
Hai bà cháu tôi chen nhau bước vào tiền sảnh nhỏ của căn hộ. Bà tôi đóng nhanh cửa, khóa hai chốt cửa lại, sau đó vặn nắm cửa, rồi đưa các ngón tay sờ lên nắm cửa, tin chắc bà đã làm đúng. Sau khi choàng qua cửa sợi dây xích, bà nhìn lại lần cuối công trình bảo vệ an toàn và sau khi tin chắc mọi việc cần làm đã làm, bà mới trở vào căn hộ lạnh lẽo, không đèn đóm. Bà bước tới trước và tôi đi theo sau. Bà bỏ cái cặp tôi xuống, tôi đưa hai tay chụp lấy. Tôi đứng chờ bà tại căn phòng tối đen của mình, nhìn bà đi ngang qua để lại sau lưng một dòng ánh sáng. Sau đó, mỗi căn phòng đều sáng ánh đèn, tôi bèn vặn đèn phòng tôi.
Tôi ném cặp vào ngăn kéo của giường ngủ, làm xáo tung đống sách mà bà mua cho tôi theo catalô và chúng được mang đến vào mỗi đầu tháng dựa theo địa chỉ của tôi. Như mọi ngày, mỗi sáng bà dọn dẹp giường, và vào chiều tấm phủ giường vẫn thẳng băng. Tôi buông người nằm xuống, hai chân buông thõng bên cạnh giường, hai tai và mũi của tôi vẫn còn lạnh do đi bộ lâu trên đường. Mệt mỏi, trong các góc phòng dần tối của đêm đen, đầu óc của tôi dần dần trống rỗng.
ANDREW BRIDGE

Bên dưới hành lang, bà tôi để túi thực phẩm xuống bàn của nhà bếp, đoạn đi ngang qua nền nhà bằng gỗ để đến phòng khách, và giờ đang loay hoay với cái nút của lò sưởi.
“Andy, sau buổi ăn tối, cháu có muốn Bà đọc cho nghe vài đoạn trong Kinh Thánh mà cháu sẽ đọc vào ngày Chủ nhật không?” bà hét to từ bên kia tường, “Chúng ta có thể thực hành bài học mà thầy giáo đã chỉ định cho cháu.” Lò sưởi nổ lách tách và có hơi nước bốc lên. Bà quay trở lại bếp. “Điều đó chẳng tốt cho cháu sao?” Bước chân của bà dừng lại trên hành lang, dường như bà đang tháo đôi giày bốt ướt ra. “Cháu có nghe bà nói không? Bà hỏi nếu như...”
“Vâng, cháu nghe,” tôi cũng hét to để đáp trả. Bước chân nhè nhẹ của bà lại trở về nhà bếp. Tôi đứng dậy khỏi giường, lững thững đến cánh cửa sổ màu nâu đỏ có khí lạnh tràn vào. Tôi nhìn xuống con đường vắng, cách vài ngôi nhà bên dưới, một khung cửa hình chữ nhật màu xám có ánh đèn le lói của căn hộ nơi bà Gordie, sau khi nấu nướng xong, có lẽ đang ăn buổi tối cùng với chồng trước tivi.
“Andy, cháu có thể đến đây để giúp bà một tay không?” Tiếng bà vọng từ gian bếp đến phòng tôi. Tôi đưa mắt nhìn vào hướng cửa ra vào và các bức tường bao quanh. Các vết nứt dài, răn reo, sứt mẻ nằm khắp nơi trên những bức tường thạch cao. Tôi nghĩ đến chân của con nhện bệ vệ đong đưa trên các bức tường của phòng.
“Andy!” Bà lại kêu.
Tôi chạy vội ra hành lang, rồi xuống bếp. Bàn ăn đã dọn sẵn cho hai người.
“Cháu đói chưa, cháu yêu? Bà đã làm món spaghetti cho buổi tối,” bà khuấy đều cái nồi nhôm đặt trên lò. “Sao cháu không đem mấy cái lon rỗng quăng giúp cho bà?” Bà cầm cái muỗng đầy xúp chỉ vào mấy cái lon rỗng để trên bàn gần bà, sau đó là cái túi xách bằng giấy nằm ngay giữa phòng. Tôi đưa mắt nhìn cửa nhà bếp dẫn đến chỗ ban công, rồi lại nhìn bà. Bà tròn mắt, nói to, “Cháu ngoan, quăng ra ngoài kia. Tối hôm nay bà thật sự rất mệt.” Bà quay lại để khuấy tiếp. “Đi đi cháu, cháu ngoan, giúp bà chút coi!”
Tôi ném mạnh mấy cái lon vào túi xách và kéo lê lên trên sàn nhà, Ra đến cửa, tôi mở cửa, cái lạnh tràn vào và tôi bước ra ngoài. Xuyên qua cái ban công bằng gỗ, ánh sáng đèn nhà bếp chiếu le lói lên những khối nước đá lạnh cứng do tuyết tan đông đặc lại.
“Đừng quên đóng cửa nghe, cháu yêu,” từ bếp lò bà dặn với ra. “Cháu có nhớ chất đốt rất đắt tiền không?”
Với bàn tay còn rảnh, tôi kéo nhẹ nắm cửa về phía mình, cửa khẽ đóng lại.
Hàng tá giàn giáo đóng đinh lô nhô phía sau dãy nhà gần như giống nhau của vùng phụ cận. Tôi nhìn xuống con đường nhỏ và dài chia đôi khối nhà kế cận làm hai. Tiếng khóc nghèn nghẹn của một người phụ nữ – nghe như khá gần – vang dội lên các bức tường của hành lang có ánh sáng le lói, phá tan sự im lặng, và chấm dứt ngay khi có tiếng đóng cửa.
Một lò đốt rác có cửa sập đặt ngang tầm mắt của tôi, rộng hơn chiều ngang vai tôi, và đủ to để nuốt tôi vào đó. Rỉ sét đã ăn lan ra trước mặt và hai bản lề nặng nề giữ cho cánh cửa nhỏ còn tại vị. Trong cái nóng ẩm mùa hè Chicago, mùi hôi nồng nặc của thức ăn thiu bốc lên từ tầng trệt. Mùa Đông lạnh khử được cái mùi ấy, tuy nhiên mùi rác rưởi đó vẫn bám lấy vật gì hay người nào đến gần nó. Tôi đặt cái túi lon xuống dưới chân, nắm lấy tay nắm và giật mạnh. Cánh cửa lò đong đưa trước vào mặt tôi.
“Andy, ổn cả chứ?” tiếng bà xuyên qua cánh cửa.
“Vâng ạ,” tôi hét to trả lời, nắm lấy cái túi xách, ném xuống miệng lò. Mấy cái lon chạm vào thành gạch, kêu leng keng cho đến đáy lò, nơi ngọn lửa khủng khiếp đang chờ đợi. Hy vọng thấy ngọn lửa bùng lên, tôi nhảy lui nhưng tôi không thấy gì cả. Cái lưới mắt cáo lung lay dưới chân tôi, tôi chụp lấy thanh bảo vệ bằng gỗ.
“Andy!” bà tôi la to.
“Cháu về liền đây,” tôi cố hết sức đậy cái nắp lò bằng kim loại lại, sau đó chạy ngang qua ban công lạnh ngắt trở về nhà.
Bên cạnh bàn bếp ăn, bà dành cái ghế dựa cho tôi. Hai cái chén đầy spaghetti, chỗ tôi ngồi có để một ly sữa, chỗ bà một ly nước lạnh.
“Xem chân cháu kìa,” bà chỉ các dấu chân từ cửa vào đến bàn. Tôi tháo đôi giày đầy tuyết và cẩn thận đặt chúng bên lò cho mau khô.
Bà đẩy tôi vào bàn, xong bà mới vào chỗ của mình. Bà chắp tay ngay bên cạnh bàn và ra hiệu bảo tôi cũng làm y như thế. Thay mặt cho cả hai, bà cảm tạ Chúa về ngày hôm nay và công việc của mình, biết ơn Chúa đã ban cho spaghetti có trước mặt chúng tôi và cầu mong Người bảo vệ cho các con bà được an toàn – cậu Terry đang ở trong quân đội, người mà tôi chưa hề gặp, và mẹ tôi, cô con gái của bà ở California, người mà tôi luôn luôn nhớ đến. Sau đó, bà cầu Chúa luôn ban phước lành cho tôi trong tương lai.
Buồn chán, tôi ngước nhìn đôi mắt nhắm nghiền của bà.
Gần ngày sinh nhật lần thứ ba mươi của mình, bà đã góa chồng, rồi lại bị một ông chồng khác bỏ. Hope và con trai Terry cũng rời xa bà đã lâu. Chỉ còn lại Chúa và đứa cháu ngoại trong những bữa ăn tối. Nhìn bà trong im lặng, nếu như tôi hiểu bà cô đơn, ngay cả sợ hãi những gì đã đi qua trong cuộc đời bà, tôi cũng không biết làm gì khác hơn. Tôi chỉ mới có năm tuổi rưỡi. Bà là của tôi. Tôi là của bà. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn.
Bà lầm thầm lời cầu nguyện cuối cùng, sau đó day qua, thấy tôi nhìn bà chăm chăm, bèn hỏi tôi có cầu nguyện gì thêm không.
“Thưa không,” tôi nhanh chóng trả lời, không muốn kéo dài thêm lời cầu nguyện của bà.
Bà lại nhắm mắt, nói lên lời cuối, “Amen.” Bà ngước mặt lên, cầm lấy nĩa, đoạn bắt đầu ăn.

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 4

Ngày hôm trước tôi đã gặp ông Ginder. Ông ta là một người vạm vỡ, mạnh mẽ, có chức danh Cán bộ chăm sóc sức khỏe tâm thần cấp I. Khi đem bữa ăn xuống, ông ta cho đó là “ân sủng”.
Ông ta chịu trách nhiệm giám sát bọn con trai, bọn trẻ kêu ca ông ta làm nhiều điều không phải, như gọi mẹ chúng là những con “chó cái”, xúi giục bọn trẻ đánh đấm nhau để rồi dúi đầu bọn chúng vào tường và đấm vào lưng bọn chúng.
Thường việc chỉ xảy ra vào ban đêm, vào những ngày nghỉ cuối tuần khi ông ta và bọn trẻ hay kêu ca bị gọi riêng ra ở cùng với ông. Khi bị hỏi về vấn đề này, ban quản trị trung tâm cho rằng chỉ có Ginder và mấy đứa trẻ ở vào thời điểm đó, nên không có gì làm chứng cứ. Một vài vấn đề đã được xem xét về sau này.
“Tại sao bọn họ giữ cháu tại đây?”
“Cháu không chịu dậy để đi học.”
Nhốt dưới tầng hầm là cách trị liệu khắc nghiệt nhưng hiệu quả đối với một đứa trẻ không chấp hành nội quy của ban điều hành. Tôi đã có một lần vô ý xúc phạm ban điều hành tại MacLaren Hall, Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ em Cơ nhỡ tại Los Angeles County. Người ta đã giam giữ tôi như một thiếu niên trong khi tôi chỉ mới bảy tuổi, qua sự việc đó, tôi nhanh chóng hiểu ra phải tuân thủ mọi yêu cầu nhỏ nhặt nhất của trung tâm.
“Chú không phải là người ở đây, đúng không?” nó hỏi. “Ý cháu chú không phải là người miền Nam. Cháu có thể nói thế là do giọng nói của chú. Ngoài ra, bất cứ ai ở Alabama đều biết đi trong mưa,” nó nhe răng cười. “Áo và cà vạt của chú đều ướt.”
“Đúng thế, chú không phải là người ở đây, chú lớn lên ở Los Angeles.”
Mặt Jeff rạng lên khi nghe nói về vùng đất đầy sóng biển và mặt trời, rồi sa sầm khi nghe tôi nói tôi phải rời nơi đây và đi thủ đô Washington. Tôi lại cảm thấy lạnh, và nhìn lên phía trên qua khe cửa sổ đang tối dần. Đã muộn rồi. Bà chuyên gia chắc đã xong việc sớm, đang chờ tôi bên ngoài cửa. “Cháu đã ở Eufaula bao lâu rồi?”
“Từ tháng Ba.” Nó im lặng, đưa năm ngón tay chỉ số tháng, “Năm tháng.”
“Cháu có gặp cha mẹ cháu không? Họ có đến đây để thăm cháu không?”
“Cha cháu đòi Birmingham nói cho cháu biết có người muốn bắt cháu từ ngôi nhà chung để rồi đưa cháu về đây.”
“Cháu từ đâu tới?”
“Athens.” Thằng bé nhận thấy cái nhìn dò hỏi trên mặt tôi. “Tận phía Bắc, gần Huntsville.”
“Còn mẹ cháu? Bà ấy thế nào?”
“Cha cháu bảo mẹ cháu thương cháu lắm. Mẹ chỉ nổi giận thôi. Mẹ không nói với cháu, nhưng cháu biết, mẹ muốn cháu về nhà.”
Chúng tôi ngồi im lặng hồi lâu. Nó lại nhìn cái đốm trên bức tường trống trải.
“Cậu Stevie của cháu, em của mẹ cháu,” giọng nó chùng xuống và đều đều hơn, “cậu ấy không làm việc, do vậy cậu thường trông nom cháu và đứa em còn bé của cháu vào buổi chiều sau giờ tan học. Cháu nói với mẹ là cháu có thể làm việc đó, rằng anh em cháu không cần vú em.” Thằng bé day sang tôi. Không chắc nên khuyên giải thế nào với thằng bé, tôi im lặng gật đầu. Rõ ràng như thế là cũng đủ nên nó nhanh chóng trở lại đề tài của nó. “Cậu Stevie chẳng làm gì giúp cháu cả.”
Bên ngoài, mưa dần nặng hạt, nước mưa đổ xuống chung quanh chúng tôi. Trong khi tầng hầm càng tối dần, Jeff vẫn giữ giọng đều đều, nó chống chế cho cậu nó, cho mẹ nó, cho cha nó và tự cho mình là một kẻ nói láo và lừa đảo.
Sau nhiều tháng ở với chú vào buổi chiều, Jeff về với cha mẹ. Nhưng mẹ nó không tin nó, bà tin em bà hơn là đứa con trai cả của mình. Jeff tức tối trong mấy tuần liền, nhưng sau cùng nó cho rằng nó cần cha mẹ hơn là chuyện đúng sai. Nó trở lại chỗ cha nhằm đính chính những gì đã nói, nhằm xác nhận những điều không đúng. Nó nói với cha rằng mình đã nói dối, đúng như mẹ nó đã buộc tội nó, nhưng nó không bao giờ có ý xúc phạm ai.
Cha nó thứ lỗi cho nó, nhưng mẹ nó thì chống lại; bà nhất quyết cho rằng trong người của Jeff có ma, có quỷ và thề rằng không bao giờ tha thứ cho nó. Thằng bé không chịu đầu hàng, nó quyết làm cho mẹ nó vừa lòng với nó. Nó cố làm mọi việc phải, nó nhớ lại mọi điều, chọn lọc từng lời từng câu, ngay cả khi trở lại nhà của cậu Stevie vào những buổi chiều. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Sự thật vẫn chưa được người trong nhà chấp nhận. 
============
Sau cùng, vào một đêm rất khuya, Jeff lấy xe ôtô của gia đình, không xin phép và cũng không bằng lái. Cha mẹ nó giận dữ, gọi các đội tuần tra của tiểu bang. Khi đội tuần tra chận bắt được Jeff, mẹ nó đòi phải trừng phạt nặng. Bà bào chữa, cho rằng mình đã làm đúng.
Jeff là đứa nói láo, lớn lên sẽ thành trộm cắp. Cha mẹ nó tranh cãi với nhau, sau cùng quyết định thằng bé phải bị giam giữ, chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nó cần phải được giáo dục, và cách làm đúng nhất là giao nó cho tiểu bang.
Thằng bé trở nên im lặng.
“Cháu có yêu cầu gì không?” Tôi ngây ngô hỏi. “Cháu có cần chú làm điều gì cho cháu?”
Jeff cân nhắc trước lời đề nghị của tôi. “Nếu chú có gặp mẹ cháu, nhờ chú nói với mẹ cháu rằng cháu xin lỗi mẹ, giờ mẹ cháu có thể đến thăm cháu.”
Cuối cùng, nó chứng tỏ mình là một đứa con có hiếu. Nó tặng cho mẹ mình mọi thứ mà bà mong muốn. Bị mẹ cáo buộc, từ nhiều tháng trước đây, ở nơi xa ngàn dặm, bị nhốt dưới tầng hầm, nó vẫn hy vọng được trở về với mẹ. Dù cho mẹ nó có làm gì, nó vẫn tha thứ cho bà. Cậu nó vẫn thong dong, sự thật vẫn không sáng tỏ – cái giá phải trả chỉ là tuổi ấu thơ của thằng bé.
Tôi nhìn đồng hồ. Chúng tôi ở đây đã gần một tiếng, bây giờ đã mười giờ năm phút. Bà chuyên gia của chúng tôi giờ đang chờ tôi ở xe, chắc đang nổi sùng.
“Chú sắp đi, phải không?”
Tôi bối rối, biết rằng tôi chẳng khác gì vô số kẻ khác đến hỏi chuyện Jeff, lắng nghe nó tâm sự, ghi nhận rồi lại ra đi.
“Chú phải đưa một người ra sân bay. Đi mất hai tiếng.” Tôi nghĩ đến cơn mưa và con đường hai làn xe, sau cùng quyết định điều tôi có thể làm. “Jeff, chú sẽ trở lại.”
Trước mặt tôi, thằng bé như bất động.
Tôi đứng dậy. “Jeff, chú hứa, chú sẽ trở lại. Ngay tối nay. Vào bất cứ giờ nào. Chú hứa.”
Đến chỗ khung cửa trống, tôi đưa mắt nhìn lại, “Tạm biệt, Jeff.”
Giống như tôi nhìn thấy lúc ban đầu, thằng bé nằm dài trên tấm nệm, lưng day ra ngoài, quay mặt vào tường.
Tôi đi ngang qua những gian phòng cửa mở, tối đen. Tại cuối hành lang, tôi nhẹ nhàng nói với bác sĩ Carlton. “Giờ tôi phải đi. Bà chuyên gia cần ra sân bay.”
Ông ta mở cánh cửa của tầng hầm. Lên đến cuối khu vực cầu thang, khi tôi nhìn trở xuống, gió lùa vào tóc tôi.
“Tôi nghĩ thằng bé bị lạnh, bác sĩ Carlton.” Tôi dịu dàng nói, sau đó lập lại to hơn. “Tôi nghĩ thằng bé bị lạnh. Ông có thể đổi cho nó cái mền khác?”
Ông ta quay lưng, bước vào trong, và đóng sầm cửa.
Tôi chạy vội ra cửa trước, thấy bà chuyên gia đang núp dưới tấm bạt của ngôi nhà, cố tránh không cho nước mưa tạt ướt. Bãi xe đậu gần như trống rỗng.
“Xin lỗi đã đến trễ.”
Bà liếc nhìn đồng hồ, bà có quyền nổi sùng.
Băng qua con đường đi bộ, tôi vội vã đưa tay vào các túi lục tìm xâu chìa khóa, đoạn mở cửa cho bà vào. Tôi mở cửa bên phía tay lái, chui vào trong xe. Bà ngồi khoanh tay, nhìn dãy hàng rào cao chằng chịt dây kẽm gai. Tôi lái xe ra khỏi con đường rải sỏi, bỏ lại Trung tâm phía sau.
Những con đường khá hẹp, mưa đổ ào ào khỏa lấp sự im lặng khó chịu giữa tôi và bà chuyên gia. Qua kính chắn gió, những ánh đèn xe chạy ngược chiều quét qua mặt chúng tôi. Ánh sáng của thị trấn nhỏ loáng thoáng chiếu sáng qua kính xe, và khi chúng tôi đến gần, vầng sáng càng sáng hơn, sau đó bỗng nhiên biến mất trong bóng đêm phía sau chúng tôi.
Tôi và thằng bé ở tầng hầm tại Eufaula, cách xa nhau gần một thế hệ. Cách nói của tôi và nó khác nhau, cái nhìn cũng không giống nhau. Cuộc sống của tôi và nó cách xa nhau một nửa lục địa. Tuy nhiên cũng có một số điều đáng nói. Mớ bông dày cộp nhồi trong tấm đệm ngủ cũng bốc mùi như thế, và vỏ nệm cũng xù xì như thế. Khi ông Ginder xuống tầng hầm tại Eufaula để tắt đèn, ở đó cũng tối đen hệt như tầng hầm MacLaren Hall. Và Jeff cũng thế, một mình chống chọi nỗi cô đơn từ trong da thịt.
Ngày cuối cùng tôi rời mẹ và cũng là đêm đầu tiên tôi ngủ tại Trung tâm nuôi dưỡng, tôi được bảy tuổi. Lúc tôi vào tuổi teen, một nửa phần đời tôi là nằm dưới sự trông nom của thành phố. Tôi không có ý niệm gì về mẹ của Jeff, người đàn bà mà nó muốn tôi tìm kiếm, nói với bà rằng nó xin lỗi, nói cho bà biết nó cần bà. Bà ta có thể tốt hoặc xấu, tử tế hay hung bạo, hay nói đúng hơn, trộn lẫn những thứ đó.
Tuy nhiên điều mà tôi biết chính là nó không bao giờ quên mẹ, dù rằng mọi điều và mọi người chung quanh nó đều bảo nó nên quên bà. Nó bất chấp, vẫn giữ nguyên ý kiến, trở thành người duy nhất tin tưởng mẹ nó mặc mọi khuyết điểm của bà, và kỷ niệm về mẹ nó vẫn đáng được gìn giữ.
Nó lặng lẽ chờ đợi bà sẽ trở lại, như tôi đã chờ đợi mẹ tôi và hàng ngàn đứa trẻ khác đã làm như thế - tất cả chúng tôi được phân đến những trung tâm và những gia đình có thể nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ cơ nhỡ như Jeff, hoặc đến ngay nhà cha mẹ chúng, nói cho họ biết chúng nó không bao giờ quên mẹ, chúng luôn nhớ mẹ, và vẫn mãi yêu thương mẹ của mình.
Mẹ tôi là một phụ nữ đẹp, với mái tóc ngắn và đen tuyền, nước da hơi xanh và khuôn mặt thanh tú, con ngươi đen bên mắt trái của mẹ nằm dọc dài bên trong tròng mắt màu xanh lục, dường như Chúa đã quên vạch lằn ranh. Mẹ ích kỷ, bốc đồng và vô trách nhiệm. Mẹ quên những ngày sinh nhật, ngày lễ Giáng sinh, có thể quan tâm những nhu cầu của con mèo hơn nhu cầu của tôi.
Mẹ giấu các séc phúc lợi để sắm sửa quần áo và đôi giày bốt, đứng chờ ngoài cửa tiệm MacDonalds trong khi tôi đang ở trong cửa hàng ăn xin hamburger để nuôi sống hai mẹ con chúng tôi. Giống như con mắt của mình, đầu óc mẹ có lúc cũng quá đà, làm ảnh hưởng cả mẹ và tôi. Tuy nhiên, là một đứa con, tôi tha thứ cho bà. Ngay khi đã là người lớn, mặc dù đã qua nhiều đổi thay, tôi vẫn tha thứ cho bà. Bởi vì tôi sẽ luôn luôn là đứa con của mẹ.
ANDREW BRIDGE

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 5

Kỷ niệm xa xưa nhất của tôi về mẹ tôi là sự vắng mặt của bà. Cái ngôi nhà tường sơn trắng đứng im lìm. Mặt trời treo trên bầu trời xanh không một đám mây. Bên kia bãi cỏ màu xanh là con đường, bên kia con đường là cánh đồng lớn đầy gốc rạ đã cày xới.
Không một dây giăng hay hàng rào, cũng không một mương rãnh nào phân cách chúng. Về sau này, dãy cỏ bị xén gợi cho tôi nhớ lại thung lũng San Joaquin, vùng đất trũng sâu nơi có nhiều trang trại, đổ dốc xuống phía sau California giống như chỗ hõm nơi xương sống của người đàn ông đang nằm.
Tôi không phải là một em bé, mặc dù tôi chỉ mới lớn lên thành một thằng nhóc. Phải có người chăm sóc cho tôi. Tuy nhiên sự việc không phải như thế. Nếu như ai bảo tôi nói tại sao tôi lại ở đây, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ rằng tôi đành phải chờ đợi.
“Mẹ sẽ trở lại tìm con,” mẹ tôi đã nói như thế, vừa quỳ xuống hôn tôi. “Mẹ sẽ trở lại với con. Andy, mẹ hứa. Mẹ sẽ trở lại.”
Nếu như tôi đã trả lời những câu hỏi như thế tại trường, nếu như tôi nói ra sự thật và chân thực như lòng tôi mong muốn, tôi phải nói gì đây? Tôi bắt đầu từ đâu? Mọi điều nên bắt đầu từ mẹ tôi.
Mẹ lớn lên tại đồng bằng phía đông Colorado, nơi đây là miền đất cuối cùng của Trung Tây nước Mỹ tiếp giáp dãy Rocky Mountains. Tại ngôi nhà trệt bụi bặm nằm gần Colorado Springs, Mẹ biết đến ngọn Pikes Peak – mà đỉnh của nó mang tên Zebulon Pike – tên một người đàn ông da trắng, sau khi phát hiện ra đỉnh núi đã cố chinh phục nó nhiều lần nhưng thất bại và mất tích từ đó. Gần một thế kỷ về trước, Katherine Lee Bates, một cô giáo người Anh đến từ trường Wellesley College, đã dùng xe ngựa lên đến đỉnh, bảo rằng cô đã trông thấy Cổng Trời và viết quyển Nước Mỹ xinh đẹp khi cô trở về thị trấn.
Gia đình của mẹ tôi nối tiếp từ những trang trại “đất đai khô cằn” dưới bóng của đỉnh núi, nơi đây sự sống tùy thuộc vào những trận mưa ngắn hạn và sự thông minh kiên cường của con người. Gia đình tôi khá giả nhất là khi ông cố ngoại tôi nhận được một mảnh đất cằn cỗi mà sau đó ông để gia tài cho bà ngoại tôi, Katherine Reese. Bà tôi kết hôn với một người đàn ông lớn hơn bà một thế hệ, rồi ông tử trận vào Thế chiến Thứ nhất.
Ông để lại cho bà hai đứa con: mẹ tôi, lúc này vừa tròn sáu tuổi, và cậu tôi khoảng ba tuổi. Cơ quan phúc lợi trẻ em tại địa phương đề nghị đưa bọn trẻ vào trại trẻ. Trong thất vọng, bà lập gia đình lần thứ hai với một người đàn ông, ông này ngay sau đó bán miếng đất của bà để đầu tư vào dầu hỏa. Khi việc làm ăn thất bại, người chồng thứ hai của bà Katherine rời bỏ gia đình. Bà ngoại tôi đã hai lần sai lầm trong cuộc đời, điều đó mang đến cho bà đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Con gái và con trai của bà ra vào trại trẻ trong khi bà đã làm hết sức mình để giữ cho được tuổi thơ của hai con.
Khi mẹ tôi, Hope, được mười sáu tuổi, mẹ gặp Wade – một người lính hai mươi mốt tuổi đóng quân ở một trong những căn cứ quân sự gần đó. Theo lời của bà Katherine, Wade là một người đàn ông thô bạo, yêu mẹ tôi một cách ích kỷ.
Mặc dù trái với ý bà, Mẹ vẫn giao du với Wade gần một năm. Mẹ bỏ học vào giữa năm lớp Mười. Sau cùng, với một hành vi đầy thách thức, Mẹ thành hôn với Wade tại phòng đăng ký kết hôn của thị trấn, một tuần sau khi mẹ được mười bảy tuổi.
Sau khi giải ngũ, Wade thuyết phục mẹ tôi rằng họ có thể đi khắp thế giới với chiếc xe Chevrolet có kéo toa xe phía sau. Hai người rời Colorado, trong nhiều tháng họ đi du lịch bụi nhiều nơi trong nước Mỹ. Khi đến Missouri, họ gọi cho bà Katherine để báo tin tôi đã ra đời, một baby có mái tóc vàng hoe có vẻ giống Wade hơn là giống mẹ. Họ nói rất vui và ở lại nơi nào mà họ thích, ban đầu họ dùng số tiền tiết kiệm mà bà Katherine cho, sau đó là những tờ séc giả. Khi đến Bakersfield, California, họ bị bắt do lừa đảo ngân hàng. ở tuổi hai mươi, họ bị giam giữ trong nhà tù. Tôi chưa đầy bốn tuổi, được gửi về sống với bà ngoại, lúc đó bà đã chuyển về Chicago.
Giống như bà ngoại Katherine trước kia, mẹ Hope đã chọn lầm người. Sau khi ra khỏi nhà tù, Mẹ định cư tại Los Angeles, vẫn để tôi sống với Bà ở Chicago, không trở về với cha tôi và đòi ly dị. Trên băng ghế trong công viên, Wade đồng ý ly dị, nhưng ra điều kiện: Nếu như mẹ tôi kiên quyết bắt tôi, không để bà Katherine nuôi nữa, Wade tuyên bố thẳng thừng hằng tháng chỉ sẽ đưa mẹ một số tiền nho nhỏ để nuôi tôi.
Ngoài số tiền đó ra không có một số tiền trợ cấp nào khác. Hai người không có bất cứ tài sản nào để phân chia. Wade tuyên bố sự thỏa thuận giữa cha và mẹ là sự thỏa thuận riêng tư, không có sự can thiệp hoặc cưỡng chế của tòa án. Nếu như người vợ trẻ khước từ lời đề nghị của ông, nếu như bà yêu cầu nhiều hơn, nếu như bà nhờ luật pháp can thiệp, Wade nhắc nhở bà, có hay không có phép của luật pháp, ông cũng sẽ bắt con.
Qua kinh nghiệm của bà ngoại, mẹ tôi hiểu rằng người phụ nữ có thể dễ dàng mất con như thế nào. Mẹ đồng ý với điều kiện của Wade, và ngược lại, cha từ bỏ mọi yêu sách liên quan đến tôi. Thế là mẹ tôi giữ lấy đứa con mình yêu thương và tách khỏi người đàn ông mà mình khinh bỉ. Tuy nhiên ngay khi Wade đã ra đi, mẹ tôi vẫn luôn lo sợ mất tôi. “Con hãy coi chừng,” mẹ dặn tôi. “Có thể có người đến bắt con đi".

“Đã đến giờ dọn dẹp gọn đồ đạc,” bà Gordie gọi to át cả tiếng ồn của chiếc tivi nằm đầu kia phòng khách. Nằm trên sàn nhà gần ghế xô-pha, tôi ngước nhìn lên, nhận ra gian phòng đã tối sầm. “Bà cháu bảo bà sẽ đến đây lúc sáu giờ mười lăm.
Cháu không định cho bà chờ đấy chứ?” Trên đầu gối của tôi là món đồ chơi LEGO mà bà Gordie và chồng đã tặng tôi như là món quà sớm nhân dịp lễ Giáng sinh và một số khủng long bằng plastic, ngang bụng có mang nhãn hiệu SINCLAIR OIL – thứ mà bà Kate của tôi thường để trong túi xách của bà và lôi ra cho tôi mỗi khi bà đi làm về.
Dáng bà Gordie xuất hiện trên lối vào nhà bếp, “Nào, nhanh lên cháu yêu.” Bà nhìn đồng hồ để trên nóc tivi. “Bà cháu đến ngay bây giờ. Cho đồ đạc vào ba lô đi. Học mẫu giáo có nghĩa học chơi, đúng không?” Bà chỉ tay đến chỗ mớ viết chì bị gặm nham nhở và các chữ cái in rô-nê-ô mà tôi đã lôi ra và quăng bừa bãi bên cạnh cửa ra vào. Tôi rùn vai trước cái đám lộn xộn và nhìn bà Gordie biến trở lại trong nhà bếp, để cho chồng ở lại trông chừng tôi.
“Tháng Hai sắp tới là sinh nhật cháu. Sáu tuổi có nghĩa cháu đã lớn rồi đấy. Một trong những đứa lớn nhất lớp.” Bên kia cửa bà Gordie la to trong khi tôi bắt đầu miễn cưỡng tháo rời từng bộ phận bộ đồ chơi LEGO. Do biết tôi quá nên bà la to một lần nữa để hối thúc tôi. “Nhưng đến trước ngày sinh nhật của cháu, cháu cũng biết, có thể còn những món quà khác cho ngày lễ Giáng sinh.”
Gia đình Gordie sống bên kia đường nhà bà tôi, nếu như tôi nhớ không lầm. Mỗi buổi xế trưa, khi xe buýt của trường thả tôi xuống cuối khu nhà, bà hoặc ông Gordie – đôi khi cả hai – luôn đứng sẵn ở đấy, kiên nhẫn chờ đợi tôi.
Ông Gordie nghiêng mình khỏi ghế xô-pha để xem tôi có làm theo lời vợ ông nói hay không. Dưới chân tôi, bức tường đồ chơi LEGO đã được tháo rời, những viên gạch của nó bị gỡ ra thành mảnh nhỏ có thể xếp gọn vào hộp giày đặt ở phòng treo áo khoác cạnh cửa ra vào. Những con khủng long kích thước bằng cái túi áo vẫn còn nguyên. Tôi lén liếc nhìn ông Gordie, ông vẫn theo dõi sự chú tâm của tôi... Một nụ cười lướt qua khuôn mặt của ông. Ông ngả người lên ghế xô-pha và mở tivi xem chương trình xế chiều.
“Cháu có muốn uống phần xô-đa còn lại không?” Ông ngước mắt nhìn lên và hỏi, vẫn ngồi yên trên ghế xô-pha. Bàn tay ông đưa lên khỏi tay dựa, lắc lắc cái chai RC COLA còn lại phân nửa đoạn đưa lên môi. Tôi nắm lấy, nhưng ông giật lại từ tay tôi. Tôi giật lại, thế là ông cười to. Khi tôi giật đến lần thứ ba, ông bỏ cuộc. “Đừng làm đổ nhé, nếu không cả hai chúng ta cùng bị trừng phạt đấy, ta có thể báo trước như thế.” Sau khi dùng hai tay nắm chắc chai xô-đa, tôi ghì mạnh đáy chai xuống tấm thảm dơ bẩn nằm giữa ghế xô-pha và tôi.
Căn hộ của chúng tôi tại Lincoln Park nằm ngay phía Bắc khu phố chính Chicago, vài chiếc xe lửa từ Loop đến dừng lại tại đó. Bà tôi làm thư ký cho hãng Sinclair Oil tại Loop. Vào buổi chiều, bà cố làm cho xong việc trước năm giờ, đôi khi bỏ ăn trưa cho kịp giờ. Vào mùa Hè, trên đường về nhà, lợi dụng lúc trời còn sáng, có khi bà đi mua sắm chút đỉnh.
Nhưng vào mùa Đông mặt trời lặn sớm, bà đi thẳng về nhà, không ưa đi một mình vào buổi tối. Bà Gordie thường chế nhạo bà về chuyện đó. “Ối. Trời ơi, Katherine, sống thoải mái một chút đi! Ai nhồi nhét vào con người tâm hồn già cỗi, âu lo thế? Cô bao nhiêu tuổi rồi? Ba bảy, hay ba tám?”
Bà tôi lắc lắc đầu, không né tránh trước câu hỏi tế nhị đó, bà trả lời nho nhỏ, “Tôi à, bốn mươi ba.”
Vào cuối những năm sáu mươi, khi bà tôi và tôi đến đây, sự phồn thịnh vùng phụ cận của Lincoln Park bắt đầu xuống dốc. Những dãy nhà gạch đỏ, nơi mà chúng tôi và gia đình Gordie sống, đã bị phân chia, rồi lại phân chia, thành những ngôi nhà tập thể, nơi đó cả nửa tá gia đình chen chúc nhau sống trong khoảng không gian mà trước kia trong những năm thịnh vượng chỉ một gia đình sinh sống.
ANDREW BRIDGE

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 3

Đúng như tôi nghĩ, Carlton nắm ngay cơ hội, ông quay nhìn thẳng vào tôi. “Chúng tôi có đủ thời gian ở nơi đây để cùng làm việc với ông và các chuyên gia của ông, ông Bridge. Bao nhiêu lâu cũng được.” Ông ta nhìn vào bức tường, chắt chắt lưỡi, sau đó lại nhìn tôi. “Ông cố vấn Bridge ạ, cho phép tôi chọn cái khác.
Hãy tin chắc cả hai chúng ta sẽ dễ chịu.” Ông mỉm cười, nghiêng xuống gần hơn, kéo dài giọng. “Tôi là kẻ dốt nát. Nhưng tôi biết tôi có những đặc quyền” đoạn cúi xuống gần hơn nữa. “Chúa ban cho tôi mà, phải thế không?”
Tôi bối rối. Mắt tôi nhìn xuống cái rãnh bằng bê tông ở dưới chân. Được lắm. Bác sĩ Frankenstein. Trước cái giọng nói làm cho tôi bối rối như một đứa trẻ, tôi thầm bảo. Ông đã thắng. Giờ hãy lấy chìa và mở cửa.
Dường như nghe lời nói thầm của tôi, Carlton đưa xâu chìa khóa lên ngang bụng, chọn một chìa trong cả hơn chục chìa. “Đây, tôi nghĩ cái này đúng là nó.” Ông ta lắc lắc cái chìa trước mặt tôi giống như một cai ngục trước tù nhân.
“Cám ơn, bác sĩ. Bác sĩ thử xem sao.”
“Thế sao, tôi rất hân hạnh, ông Bridge ạ.” Ông ta quay lại chỗ cửa, tra chìa vào ổ khóa. “Như tôi đã nói, bao giờ các vị đến đây, chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác hết mình.”
Liếc qua vai ông ta, tôi thấy cổ tay ông vặn nhẹ và e ngại ấn về phía trước. “Tôi có thể tự lo liệu tại đây, cảm ơn bác sĩ.”
Ông ta dùng cánh tay đẩy mạnh cánh cửa, làm bật tung thanh gài. “Tôi biết ông có thể ‘tự lo liệu’ tại đây, ông Bridge à. Nhưng tôi biết ông cũng không phiền nếu tôi đi cùng ông,” ông ta bước né qua một bên, giữ cho cánh cửa mở để cho tôi vào. “Xin mời, ngài luật sư.”
Chen người giữa ông và khung cửa, tôi bước vào trong. Con đường hầm vắng lặng, từ mặt đất bốc lên mùi ẩm mốc. Tôi thu mình lại, cảm thấy lạnh sau khi chịu đựng cái nóng ở bên ngoài. “Máy điều hòa làm cho nơi đây lạnh phải không?”
Carlton không trả lời, đóng sập cửa sau lưng.
Tôi bước tới trước, đến một hốc tường không cửa sổ, đoạn dừng lại trước một dãy các cánh cửa rộng, màu tối. Carlton vẫn đứng ở bậc cửa, lắc lắc xâu chìa khóa. Tôi rẽ qua hành lang trước mặt và nghe hơi thở của chính mình. “Làm đúng theo pháp luật.” Tôi tự nhủ. “Hành động như một luật gia. Bọn họ biết hai chúng tôi đến đây, nhằm thực thi đúng theo pháp luật.”
Đi chừng vài thước, tôi ngoái lại và đặt một câu hỏi như một luật gia. “Bác sĩ Carlton, tôi muốn mọi việc cho rõ ràng. Ông vừa bảo với tôi rằng đây là tầng hầm duy nhất nằm bên dưới Trung tâm, đúng không?” Hành lang làm tiếng nói của tôi to hơn, nhưng câu hỏi có vẻ yếu ớt, gần như vô vọng.
Carlton trả lời, giọng uể oải và buồn chán, “Tôi đã nói với ông rằng tôi sẽ chỉ trả lời các câu hỏi của ông khi có mặt ông Henson, luật sư của tôi. Ông ta làm cố vấn cho tôi, và tôi biết ông ta đã báo cho ông rằng...”
Một thoáng tự tin, tôi ngắt lời ông ta. “Ông Henson không phải là luật sư của ông trong vấn đề này. Ông Henson là luật sư của Tiểu bang Alabama. Theo tôi biết, ông không có luật sư ở nơi này, ngoại trừ ông thuê riêng cho ông.”
Nhưng những lời nói của tôi dường như vô nghĩa. Đứng chắn cái hành lang chỉ có một lối thoát, ông ta im lặng mỉm cười, nụ cười của kẻ chiến thắng.
Tôi bắt đầu bước xuống con đường hành lang, tiếng giày của tôi gõ nhẹ lên những tấm gạch vuông màu sáng. Tôi chầm chậm mở từng cánh cửa, bước vào trong bóng tối, bật đèn và đưa mắt nhìn vào.
“Các phòng đều trống rỗng thế này à?”
“Đó chẳng phải là điều ông cần tìm sao, hở ông Bridge? Đó là nghề của ông. Tôi có chuyên môn của tôi. Chẳng phải thế sao?”
Đứng ở khung cửa giữa đường xuống hành lang, tôi hỏi Carlton, giọng hơi bực: “Đây có phải là nơi bọn trẻ gọi là TCT?”
Đang cắm mắt xuống đất, ông ta ngước nhìn lên, nhún vai.
“Đây đúng là một dãy gian phòng trống.” Tôi lẩm bẩm. Ngại bị đưa ra ngoài, tôi quay lưng lại với Carlton, sẵn sàng bỏ đi.
Thế nhưng ông ta lại bối rối trước hành động của tôi. Ông hiểu lầm tôi đã phát hiện ra điều gì đó.
“Chỗ nào mà chúng tôi giữ bọn trẻ thì chúng tôi gỡ cửa luôn.” Carlton bỗng nhiên nói to.
Ngạc nhiên, tôi nhìn lại lần nữa. Đằng kia, ở cuối hành lang, tôi đã nhận ra cái mà ông ta ngỡ rằng tôi không thể nào bỏ sót: một tia sáng chiếu xuống nền nhà.
“Chúng tôi giữ chúng đúng theo cung cách thực hiện của ngành y, và dĩ nhiên, đúng theo điều lệnh đã đưa ông và bà chuyên gia đó đến đây,” ông ta nói lớn khi tôi đi đến bậc cửa để ngỏ.
Ánh đèn mờ mờ cho thấy tấm lưng của một đứa bé đang ngủ, mặc đầy đủ quần áo, nằm trên một tấm đệm, tay ôm quả bóng. Cậu bé mặc áo T-shirt rộng thùng thình, quần jean, vớ thể thao màu trắng. Tay cậu gầy khẳng khiu và trắng bệch tựa như que củi. Mùi hôi do không tắm rửa của kẻ đang ngủ lan tỏa trong không khí chung quanh cậu.
Cậu bé cựa quậy, đoạn ngồi bật dậy. Trong tích tắc, cậu quan sát kẻ mới đến tại cửa, rồi lùi vào góc xa hơn của tấm đệm.
“Không sao đâu. Không có gì đâu,” tôi nhỏ nhẹ, sau đó bước qua thềm cửa, tiến lại gần cậu bé. “Chú xin hứa, không có gì đâu. Không sao đâu.”
===
Tôi đứng lại gần cậu bé, nhặt cái mền đơn và đưa cho cậu. Nó không cầm lấy mà thu hai gối lên ngực, hai tay ôm chặt chân, hai bàn tay đưa lên che mặt. Xương cùi chỏ nhọn hoắt gần như thòi ra khỏi da. Những vết thẹo chằng chịt trên đôi tay và lên đến tận tay áo.
Vài vết thương đã khô, tróc da, có màu trắng, những vết khác còn mới thì dày cộm và có màu xam xám. Các vết mới toanh thì còn rướm máu, máu nâu và lên vảy. Hàng chục đứa trẻ ở bên trên cũng bị như thế. Cậu bé thấy cái nhìn của tôi vội cụp mắt xuống nhìn đôi vớ.
Cậu bé trạc mười ba, mười bốn tuổi. Những mụt mụn đầu tiên đã lốm đốm trên trán; tóc mai phủ xuống hai má. Tuy nhiên, việc đoán tuổi của trẻ em ở các trại cứu tế – đặc biệt con trai – là rất khó khăn. Bọn chúng phần lớn thời gian ở bên trong nhà nên xanh xao khác thường. Chúng thường gầy gò, nhỏ con hơn nhưng đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Sự khốc liệt trong môi trường trung tâm này thì không thể phủ nhận; nơi này nuôi dạy chúng, cách ly cái nhìn của chúng với thế giới bên ngoài, làm cho chúng ngây thơ đến đáng kinh ngạc, khiến chúng không biết đến mọi sự kêu ca.
Tôi đưa mắt nhìn khắp phòng. Sau khi ban điều hành di dời cánh cửa, họ dọn sạch căn phòng giống như kẻ trộm chuyên nghiệp. Những cánh cửa nhà vệ sinh bị giỡ đi. Bên trong, những ngăn kéo của tủ bị lấy đi, thanh treo quần áo cũng không còn. Phía trên nó, tấm mành sáo long ốc vít từ khung cửa sổ hẹp màu xám buông lòng thòng từ trần xuống tận sàn tầng hầm. Tôi nhìn lại thằng bé, nó vẫn ngồi bất động.
Tôi đặt tấm mền lên trên nệm, rồi ngồi xuống nền nhà, đối diện với thằng bé, thận trọng giữ khoảng cách vừa đủ giữa tôi và nó.
Bắt đầu từ đâu? Nói gì đây?
Ngày hôm trước, bà chuyên gia đã giúp tôi cách giới thiệu và cách đặt một loạt các câu hỏi. Tôi bắt đầu theo như chỉ dẫn của bà, “Chú tên là Andrew Bridge. Chú là luật sư – luật sư của cháu.” Thằng bé đưa mắt nhìn sang bên. “Chú sẽ không nói lại với bất kỳ ai điều gì cháu kể lại cho chú nghe.” Thằng bé vẫn không nói gì “Chú nói thật đấy,” tôi đã nói ngoài lời chỉ dẫn, “chú cho rằng người ta sẽ thu lại bằng cấp của chú nếu chú làm điều đó.” Căn phòng vẫn im lặng. Tôi đưa mắt nhìn qua bên, cố tìm xem thằng bé đang nhìn cái gì ở cái đốm trắng trên tường.
Bỗng nhiên, nó quay lại, nhìn thẳng vào mắt tôi. Mắt nó âm u, căng thẳng. Tôi tự ví mình như một đứa trẻ, gặp một luật sư lạ hay một nhân viên công tác xã hội, một kẻ xa lạ đến kêu gọi, bảo ban tôi hãy cẩn thận, muốn biết rõ tôi và giúp đỡ tôi. Nào, cháu hãy nói cho chú nghe về cháu... Chú nghe nói cháu rất ngoan lúc ở trường... Cha mẹ nuôi của cháu và chú rất tự hào về cháu... Chúng ta có thể đi xem xi-nê lần tới... Giờ chú phải đi, nhưng vài tuần nữa cháu có thích gọi điện thoại cho chú không?
Tôi mỉm cười với đứa bé ngồi trước mặt tôi, “Giờ cháu đã biết tên chú, thế còn tên cháu?”
“Jeff,” nó lí nhí.
Tôi gật đầu, suy nghĩ nhanh, “cháu biết không, tên người bạn tốt nhất của chú là Jeff. Các chú là bạn cùng lứa tuổi.” Tôi đã thử dùng chiêu này với ít nhất nửa chục đứa trẻ ở tầng trên. Vài đứa xoe tròn mắt, hỏi tôi đến đây có phải để giúp đỡ chúng sống tốt hơn? Nhưng đứa bé bị nhốt dưới tầng hầm này lại toét miệng cười ngờ nghệch.
Một thoáng trôi qua trước khi nó bật ra câu hỏi. “Thế chú phải đi học mất bao lâu để trở thành luật sư?”
“Bốn năm cao đẳng. Ba năm trường Luật. Cháu có muốn trở thành luật sư không?”
“Không,” thằng bé trả lời. Nó nhìn qua vai tôi, hướng mắt về phía khung cửa trống rỗng. “Bác sĩ Carlton có cùng đi với chú không?”
“Có, ông ấy đang ở cuối hành lang.” Tôi hiểu ý thằng bé. “Chú nghĩ rằng ông ta không thể nghe chúng ta nói chuyện. Nhưng nếu cháu muốn, chú có thể bảo ông ta đi chỗ khác.” Tôi nói tiếp, đưa ra lời hứa tôi có thể làm điều đó.
Thằng bé tin lời tôi, nhìn vào tấm đắp để trên nệm: “Lúc nãy ông ấy đến đây, và mang cái này đến.”
“Ông ấy tử tế nhỉ,” tôi lẩm bẩm, háo hức tiếp tục. “Cháu ở đây đã bao lâu?”
“Ở Eufaula hay ở đây?” nó hỏi, đưa mắt nhìn quanh phòng.
“Bắt đầu từ nơi này đi, ở tầng hầm này.” Tôi mỉm cười.
“Năm hay sáu ngày gì đó, có thể lâu hơn nữa. Cháu không nhớ rõ.”
Sau một cuộc kiểm tra và các ghi chú về sau này, bà chuyên viên của chúng tôi đúc kết gần ba mươi phần trăm bọn trẻ đã bị nhốt dưới tầng hầm tại cùng chỗ đó trong thời gian chúng ở tại trung tâm. Tuy nhiên, theo như bác sĩ Carlton đã nói với tôi, ông không cho rằng việc giữ những đứa trẻ dưới tầng hầm là vi phạm pháp luật. Do vậy, lý do đứa trẻ bị giữ dưới tầng hầm và thời gian bao lâu đều không được lưu hồ sơ.
“Cháu có được rời khỏi đây để ngủ hay ăn không?”
“Không,” thằng bé trả lời. “Ông Ginder ở tầng trên đưa khay bữa ăn sáng và chiều xuống.” Nó chỉ về phía nền nhà ở cửa vào phòng. “Tối, ông ấy đến tắt đèn.”

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 2

 “Nhớ lời khuyên của tôi mà cư xử cho phải phép nhé. Sẽ có nhiều chuyện xảy ra tại nơi này nhiều hơn là cậu nghĩ,” bà cảnh báo tôi, đoạn quay xe trở lại thành phố sau một ngày đi quan sát Trung tâm.
Tôi nhìn qua cửa sổ trước phòng đợi, quan sát bãi đậu xe rải sỏi. Tấm bảng số trắng gắn trên chiếc xe ô tô thuê của chúng tôi nhìn lại tôi. Tôi đưa mắt nhìn bầu trời Alabama, chợt thấy đám mây buổi sáng đã tối sầm lại.
Nằm giữa con đường thủ đô Tiểu bang Montgomery và vịnh Florida, căn cứ ra-đa xoay là một căn cứ kề cận các cứ điểm bảo vệ bầu trời phía Nam của đất nước. Các sử gia gọi đây là “miền đất hàng rào dây thép” – trung tâm của Liên minh xưa, giờ phủ đầy cỏ cao và những khu rừng nhỏ đầy thông, gợi nhớ những chuyến đi săn chim dẽ, các lễ hội rắn chuông và các nhà thờ Baptist.
Những làng lân cận, như Opp và Andalusia, chịu thua sự cám dỗ của hệ thống xa lộ liên bang cũng như triển vọng của các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng thức ăn nhanh. Nhưng thành phố Eufaula thì không phải thế. Những nhà trồng trọt, các thương gia, những người cai trị đều xuất thân từ Eufaula, họ sống ở đây và qua đời tại đây. Tại trung tâm thành phố, các dinh thự, cơ ngơi riêng của họ, vẫn còn đó, mặc dù chúng bốc mùi nấm sương phấn vào mùa hè nóng bức.
Liên minh phương Nam có thể đã tiêu vong, nhưng nền chính trị thì không. Những người bạn của Eufaula ở thủ đô Washington và Montgomery thậm chí còn chưa xây dựng xong hồ chứa nước rộng 45.000 mẫu Anh cho thành phố – đầy đủ các kho hàng dự trữ như cá trê, cá pecca và những thứ hàng lặt vặt khác – trước khi chuyển giao nó cho một tiền đồn quân sự mới vào cuối thập niên 1950.
Chỉ một vài năm ngắn ngủi, căn cứ đã trở thành một trong những công ty lớn nhất trải dài nhiều dặm, vượt qua cả dịch vụ du lịch của vùng. Nhưng khi cuộc Chiến tranh Lạnh chưa kết thúc, thì tiền cấp cho địa phương không có, căn cứ đành phải đóng cửa vào thập niên sau. Trong con mắt của người dân Eufaula, cái từng bảo vệ và nâng đỡ họ đã bị lấy đi. Họ yêu cầu có cái gì thay thế.
Nhìn thấy cái tiền đồn trống rỗng và nghĩ đến các cử tri thất nghiệp, các nhà lập pháp tiểu bang đưa ra lời hứa phải làm một cái gì đó. Một khoản tiền đã được giới lập pháp thông qua. Ngay sau đó, những đoàn người của tiểu bang đến, đất đai của căn cứ được dọn dẹp, nhà cửa được sơn phết và tấm bảng phía trước được đổi thành “Trung tâm thanh thiếu niên Eufaula”.
Cùng lúc đó, các viên chức tại Birmingham, Montgomery và Mobile thực hiện lời hứa, lập danh sách các đứa trẻ đi lạc, bị bỏ rơi và vô thừa nhận. Vài chục đứa trẻ đã được dân địa phương chăm sóc và thuê mướn. Thế là một số tiền công quỹ lớn và công ăn việc làm lại được đổ vào thành phố cạnh bờ hồ này.
Ngày 22-10-1970, một nhóm các luật gia về quyền công dân và công ty luật tư nhân đã khởi kiện Tiểu bang Alabama về việc chăm sóc và đối xử với đàn ông, phụ nữ và trẻ em tại bệnh viện tâm thần lớn nhất thành phố. Ba năm sau, ngôi trường mới của trẻ em lại bị khiếu kiện. Khi Bộ trưởng Tư pháp của Tổng thống Nixon đi theo đoàn luật gia, đại diện cho lớp bình dân khiếu kiện, mọi chống chế của Alabama đều sụp đổ.
Thất bại trước đoàn luật gia tư nhân và các thẩm phán dự bị của liên bang, chính quyền tại Alabama đành đồng ý hủy bỏ sắc lệnh đã thông qua. Một lần nữa, sự kiên trì và sức mạnh tài nguyên của Washington lại áp đảo miền Nam cao ngạo nhưng đã có phần suy yếu.
Nhiều cuộc phỏng vấn và hồ sơ cho thấy một số trẻ em tại Eufaula hơi bất bình thường, hay như bà chuyên gia của chúng tôi gọi, là “đầu óc bị chạm mạch”. Chúng phần lớn là trẻ vô thừa nhận, phạm các lỗi thông thường của tuổi trẻ như trốn học, trấn lột, hút xách, bướng bỉnh trong gia đình hoặc bỏ nhà đi bụi.
Được xem là có “hạnh kiểm xấu”, hàng trăm đứa trẻ đã đi qua cửa của trung tâm này. Mặc dù thành phần của nhóm khiếu kiện nhiều hơn, họ bao gồm hàng ngàn người đã trưởng thành bị cầm giữ trong Trung tâm tâm thần Eufaula, số lượng trẻ em thì ít hơn một trăm, chúng mắc bệnh tâm thần nặng và ít quan tâm đến việc thực hiện những gì liên quan đến chúng trong nhiều năm qua.
Sau đó, xảy ra chuyện David Dolihite 15 tuổi treo cổ tự tử tại một trong các phòng ngủ tập thể của căn cứ. Ban giám đốc Eufaula tìm thấy David trong nhà vệ sinh của phòng ngủ, treo cổ bằng một sợi dây giày thể thao. David không chết, mặc dù chỉ trong vài phút việc ấy đã khiến Eddie Weidinger, cậu trai mười bốn tuổi, bạn cùng phòng của cậu nghĩ đến cái nút treo cổ. David chết ngạt lâu đến nỗi óc cậu bị cái mà bác sĩ gọi là “tổn thương trí não nghiêm trọng”.
Theo chẩn đoán của bác sĩ, David sẽ sống cuộc sống như một đứa trẻ lên ba, được cho ăn bằng ống chuyền và ở lại bệnh viện suốt quãng đời còn lại. Việc tự sát của cậu bé khiến cho giới quản trị ở Eufaula phải nhận thấy các thanh treo ngang trong các toa-lét của bọn trẻ là rất nguy hiểm. Thế nhưng họ không làm gì cả! Sáu tuần sau đó, Eddie lại làm điều mà David đã làm. Khi ban quản trị Eufaula nhận thấy Eddie đi đâu không rõ, cho đi tìm trong các toa-lét của phòng ngủ thì thấy cậu bé đã chết. 
===========
Cả hai đều đã bị giam trong cái mà ban quản trị và bọn trẻ gọi là Dinh 112. Từ phòng tiếp tân nơi chúng tôi chờ bác sĩ Carlton, vượt qua khuôn viên là Dinh 112, đó là một kho chứa hàng nơi bọn trẻ xuất các mồi câu bằng cao su cho các du khách ở hồ nước kế bên. Dinh còn có ba xà lim biệt lập.
Ban quản trị cột một vỉ lò bằng thép và một bóng đèn điện trên trần mỗi xà lim. Cửa phòng sơn đen và được khóa chặt với những then cài hình chữ U bằng gỗ. Dinh và các xà lim đều không được sưởi ấm. Bọn trẻ ngồi trên sàn bê tông đầy bùn đất. Chúng năn nỉ được thả ra, đấm đạp mạnh vào các bức tường xám xịt, để lại trên tường những vết chân tay dơ bẩn, đỏ quạch màu đất sét của Alabama.
Thời gian mà David Dolihite và Eddie Weidinger bị nhốt tại xà lim Dinh 112 không rõ là bao lâu – các hồ sơ và lời khai chỉ cho biết là hơn một tuần. Tuy nhiên thời gian ấy cũng đã đủ khiến cho hai cậu trai mất hy vọng vào tương lai nên đã chọn cái chết. Hôm trước khi cô chuyên gia và tôi đến lần đầu, ban điều hành đã ra lệnh các xà lim phải được che kín – giấu sau các tấm ván ép được cưa cắt một cách vội vã.
Tuy nhiên bọn trẻ cũng ngầm báo cho chúng tôi biết về một nơi khác, một tầng hầm tại phòng ngủ tập thể, nơi bọn chúng đã từng bị nhốt. Chúng gọi tầng hầm là Trại Cải tạo, gọi tắt là TCT. Trong khi Carlton dừng lại để khoe các giấy khen đóng khung đầy tự hào của ông, bà chuyên gia và tôi báo cho ông ta biết chúng tôi có ý định kiểm tra TCT vào sáng hôm sau.
Bác sĩ Melvin Carlton, giám đốc các công trình cải tạo thanh thiếu niên của Eufaula đã có bằng cấp bệnh học tâm thần từ lúc còn ở trong quân đội. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào kỷ luật và quyền lực. Ông tỏ rõ thái độ bảo thủ, thường ra vẻ hơn người, dù rằng sự khiếu kiện tại Alabama đã xảy ra từ lâu trước khi ông về nhậm chức tại Eufaula hoặc trước khi tôi chấm dứt việc khảo sát lần đầu tiên; ông ta khó chịu về việc đó, về tôi và bà chuyên gia cùng đi với tôi.
Những tuần lễ trước, tòa án của Liên bang đã phán quyết rằng, Carlton với tư cách là bác sĩ có học vị, sẽ đi cùng chúng tôi đến nơi nào và lúc nào tùy ý ông ta. Theo phán quyết của tòa, mọi việc được thực hiện qua ý kiến của ông, và ông sung suớng trước thắng lợi nhỏ do các luật sư ở Alabama đại diện cho ông. Khi từ văn phòng đi ra và xuất hiện ở phòng tiếp tân, ông ta cười mãn nguyện tỏ vẻ khinh miệt việc khiếu kiện và cả chúng tôi.
“Chào buổi sáng, tôi quá bận việc. Xin lỗi đã để quý vị chờ đợi.” Carlton đứng nhìn bà chuyên gia và tôi đứng lên khỏi cái ghế xô-pha gãy chân, đoạn đưa mắt nhìn cô tiếp tân, lúc này đã trở về vị trí của mình. “Có ai gọi tôi thì bảo rằng tôi đi với một chuyên gia xem xét việc khiếu kiện...”, ông ta đưa mắt nhìn tôi, “và một luật sư trẻ đi khảo sát chung quanh Trung tâm. Tôi nghĩ sẽ không mất bao nhiêu thời gian.” Nói đoạn, ông bước nhanh qua cửa hông và đưa chúng tôi ra bên ngoài.
“Tôi không bỏ qua ngày nghỉ cuối tuần,” bà chuyên gia nhắc tôi, trong khi Carlton đi trước chúng tôi, tiến đến chỗ phòng tập thể của bọn con trai. Sáng nay trời ấm lắm. “Nếu có mưa, tôi muốn chúng ta ra về khoảng năm giờ. Tôi tin chắc anh sẽ không ở lại đây.”
Phi trường gần nhất là tại Colombus, mất hai giờ đi xe về hướng Bắc, vừa vượt qua đường Alabama – Georgia. Dù mới vào nghề, tôi hiểu rằng những gì chúng tôi mang theo không có giá trị bằng thời gian quan tâm của một luật gia đến đám công dân trẻ. Bà chuyên gia sẽ phải bay ngay chiều nay, trước ngày nghỉ lễ cuối tuần. Còn tôi, chờ đến ngày Chủ nhật có chuyến bay về nhà rẻ hơn.
“Bà đừng lo,” tôi nói nhỏ, trước khi đưa mắt nhìn bầu trời tối dần, “Chúng ta sẽ xong việc đúng giờ.”
Các phòng tập thể của Trung tâm trước kia dành cho những người phục vụ. Nhưng từ khi chuyển đổi căn cứ ra-đa Không quân thành Trung tâm Thanh thiếu niên, bọn trẻ – những sinh mệnh mà Tiểu bang cho rằng cần có sự điều trị tích cực bệnh tâm thần – giờ đây đi lang thang trên những dãy hành lang dài, ở chung trong các phòng, và tắm trong các phòng tắm không có màn che. Một phòng tập thể dành cho trẻ gái, một cái khác dành cho trẻ trai – mặc dù các khu vực ngủ nghê, tắm rửa và khu vực cầu thang cách xa nhau – ban điều hành tại chỗ cũng gặp ít nhiều khó khăn.
Mất quá nhiều thời gian vào buổi sáng, bà chuyên gia quyết định làm việc suốt buổi trưa, nhưng các cuộc phỏng vấn vào buổi xế trưa kéo dài lâu hơn là chúng tôi nghĩ, như thế chúng tôi không thể đi hết các nơi. Vì thời gian cần thiết để ra sân bay mất hai tiếng, và thời tiết mỗi lúc một xấu hơn, bà bảo tôi xuống tầng hầm cùng với Carlton, còn bà làm cho xong việc với bọn trẻ. Bà bảo tôi làm nhanh nhanh và gặp lại bà trước cổng cửa trung tâm, bà lại nhắc tôi không được trễ.
Đi riêng với tôi, Carlton biết ông ta có thể thao túng thời gian theo ý mình. Trước tiên, ông ta bảo ông ta cần gọi điện thoại, rồi băng qua bãi cỏ rộng để đến văn phòng. Bốn mươi phút sau, ông ta quay trở lại, kêu lên bảo bỏ quên xâu chìa khóa, lại đi tìm mất ba mươi phút. Trong thời gian ông ta trở lại khu vực cầu thang để xuống tầng hầm, những đám mây đen đã bắt đầu rơi hạt. Áo ông ta bị ướt nước mưa ở hai vai và tay áo. Áo jacket và cà vạt của tôi cũng không khá hơn.
Đến đầu khu vực cầu thang, Carlton giành đi trước tôi. Dáng bệ vệ của tuổi trung niên của ông ta có từ lúc học trung học. Lấn qua người tôi, phần hông của ông choán gần hết chỗ để di chuyển. Cái nóng xế trưa tỏa ra từ các bức tường và không gian tràn ngập mùi nước hoa cạo râu và mùi mồ hôi của ông. Tôi chờ đợi ông ta dùng xâu chìa khóa tra hết chìa này đến chìa khác vào ổ khóa cửa.
“Bác sĩ Carlton,” tôi nóng ruột đề nghị, “nếu ông không biết chìa nào thì ai biết?”
Ông ta nhăn nhó, nhưng đôi mắt vẫn nhìn vào cánh cửa. “Ông có để cho tôi ngồi xuống để nhớ xem cái chìa nào, được không? Nếu không như thế, tôi đành phải trở lại văn phòng để nhớ xem chìa nào.”
“Được thôi, thời gian là của ông mà. Ông biết đấy, chúng tôi còn phải về nhà.” Dĩ nhiên không có gì tốt hơn sự thật. Đột nhiên, tôi tiếc đã nói ra lời nói chua cay trong không gian nóng bức này. Sự chân thật ngu ngốc dành cho những luật gia ngu ngốc. Tôi nhớ đến một giáo sư trường Luật đã dạy tôi. Một luật sư giỏi không bao giờ hỏi điều mà ông ta không muốn. Carlton biết ông ta có nhiều thời gian hơn bà chuyên gia và tôi. Tôi đã dại dột nhắc cho ông ta nhớ điều đó.
ANDREW BRIDGE