Co ro vì lạnh, bà mặc chiếc áo khoác dày cộp mà bà đã mua của một phụ nữ tại nhà thờ, đôi bao tay màu sậm, chiếc mũ đan màu vàng nhỏ nằm trên mái tóc dày màu xám và đen.
Bà là một phụ nữ trẻ hơn tuổi với đôi mắt đen cương nghị và những nếp nhăn trên trán, đặc biệt khi bà cau mày. Khi đi có tôi bên cạnh, người ta tưởng lầm bà là mẹ tôi. Nhưng mỗi lần như thế – mặc dù ở chỗ nào, người nào, hay hoàn cảnh nào – tôi cũng nhảy dựng lên đính chính sự sai lầm. “Đây không phải là mẹ tôi.” – Tôi giảng giải cho những người lạ thiếu hiểu biết. “Bà ấy là bà tôi,” sau đó tôi chỉ vào bà như để xác nhận đó là một sự thật hiển nhiên. “Bà lớn tuổi rồi.”
Vẫn đứng tại hiên nhà trong cái lạnh về đêm, bà nhìn vào căn hộ của gia đình Gordie, sau đó chỉnh lại túi hàng đồ khô. “Bà xin lỗi bà đã đến trễ.”
Vẫn ngồi trên ghế xô-pha, ông Gordie đưa một bàn tay lên để chào. “Chào cô, Katherine,” ông chào to, vang lên cả phòng, đoạn quay lại nhìn vào tivi.
“Cháu xem tivi đủ chưa?” Bà hỏi tôi.
Tôi mỉm cười. Không nói một lời, tôi lấy áo khoác và cặp đeo sau lưng nằm trên sàn nhà. Bà Gordie từ nhà bếp lại đi ra, bà tôi lại xin lỗi một lần nữa.
“Katherine, cô không muốn vào à?” bà Gordie hỏi, tay bà khoanh lại do cái lạnh của khung cửa mở.
“Ồ không, cháu nó mặc áo khoác xong ngay ấy mà.” Bà ngoại đưa mắt nhìn tôi hối thúc. “Chúng tôi thực sự cần phải về nhà. Tối mai có thể tôi sẽ ghé chơi.”
Bên ngoài, những đám mây của một trận mưa chiều bao phủ làm ấm không khí lên một ít. Bị tuyết ngăn chận và chôn lấp, xe ô tô của những người hàng xóm trông giống như những hóa thạch bằng kim loại chờ tuyết tan mùa Xuân phát hiện. Nắm chặt tay tôi, bà ngoại bước đều xuống các bậc thang lạnh cóng nơi hiên nhà ông bà Gordie.
Chúng tôi đến một trong hai đống tuyết đông cứng phủ cao trên những con đường đi về nhà. Bà nâng cánh tay tôi lên để bước qua đụn tuyết. Vừa lên tới đỉnh, tôi giằng tay ra, chạy ra giữa đường, nhìn lại, vừa cười vừa chọc tức bà.
Bà đưa mắt nhìn sang trái, sang phải, đoạn dọc con đường giờ trông giống như một con kênh dài trắng xóa. Không một người hoặc một chiếc xe di chuyển trên đường. Bà nhướng cao chân mày và nhíu lại, gật gật đầu chấp nhận thách thức. Bà bỏ túi đựng tiền vào túi xách, rồi với một tay không vướng bận, bà chậm rãi nắm lấy một nắm tuyết kế bên mình. Tôi vội vàng quỳ xuống, khởi sự vo tròn một nắm tuyết. Bà ném ra một quả, cố tình không trúng, cách chỗ tôi vài inch. Vẫn đứng yên tại chỗ, tay không vũ khí, bà cười to. Tôi ném trả.
Nhưng cú ném của tôi yếu, quả tuyết rơi gần tôi hơn gần bà. Bà cúi xuống nắm tròn quả thứ hai. Thấy thua, tôi bò qua đống tuyết đông cứng thứ hai nằm trên lề đường, đến dãy nhà nơi chúng tôi đang ở. Co mình sau những bậc thang, tay tôi đau nhức vì lạnh, tôi còn nghe tiếng tấn công dữ dội. Tôi lén nhìn qua tay vịn cầu thang. Bà xuất hiện trước mặt tôi, tuy kiệt sức, nhưng một tay bà xách túi đựng thức ăn, còn tay kia, bà xách cái cặp mà tôi đã bỏ lại trên đường, Không có quả đạn tuyết nào cả.
“Thôi nào, cháu cưng,” bà thở ra. “Đã đến lúc vào nhà.”
Giày bốt phủ đầy tuyết, chúng tôi mệt nhọc lao lên bốn dãy cầu thang, đi ngang qua những cánh cửa bảo vệ cẩn mật của những căn hộ láng giềng. Đặt túi thức ăn khô lên một bên đầu gối co lên, bà mò tìm cái túi đựng tiền và xâu chìa khóa, mở chốt cửa thứ nhất rồi cái thứ hai, đoạn đến cái nắm cửa, cái mà bà than phiền chẳng ra cái tích sự gì. Chúng tôi giậm giậm chân ngay bên ngoài cánh cửa mở, làm rơi tuyết đóng trên giày xuống tấm thảm trơ cả sợi ở hành lang.
Bà cười hỏi tôi. “Đủ tốt để ngăn ngừa lũ trộm, phải không?” Tôi gật đầu đồng ý. Bà bước vào trong, mở công tắc điện và đi vào trước.
Hai bà cháu tôi chen nhau bước vào tiền sảnh nhỏ của căn hộ. Bà tôi đóng nhanh cửa, khóa hai chốt cửa lại, sau đó vặn nắm cửa, rồi đưa các ngón tay sờ lên nắm cửa, tin chắc bà đã làm đúng. Sau khi choàng qua cửa sợi dây xích, bà nhìn lại lần cuối công trình bảo vệ an toàn và sau khi tin chắc mọi việc cần làm đã làm, bà mới trở vào căn hộ lạnh lẽo, không đèn đóm. Bà bước tới trước và tôi đi theo sau. Bà bỏ cái cặp tôi xuống, tôi đưa hai tay chụp lấy. Tôi đứng chờ bà tại căn phòng tối đen của mình, nhìn bà đi ngang qua để lại sau lưng một dòng ánh sáng. Sau đó, mỗi căn phòng đều sáng ánh đèn, tôi bèn vặn đèn phòng tôi.
Tôi ném cặp vào ngăn kéo của giường ngủ, làm xáo tung đống sách mà bà mua cho tôi theo catalô và chúng được mang đến vào mỗi đầu tháng dựa theo địa chỉ của tôi. Như mọi ngày, mỗi sáng bà dọn dẹp giường, và vào chiều tấm phủ giường vẫn thẳng băng. Tôi buông người nằm xuống, hai chân buông thõng bên cạnh giường, hai tai và mũi của tôi vẫn còn lạnh do đi bộ lâu trên đường. Mệt mỏi, trong các góc phòng dần tối của đêm đen, đầu óc của tôi dần dần trống rỗng.
ANDREW BRIDGE
Bên dưới hành lang, bà tôi để túi thực phẩm xuống bàn của nhà bếp, đoạn đi ngang qua nền nhà bằng gỗ để đến phòng khách, và giờ đang loay hoay với cái nút của lò sưởi.
“Andy, sau buổi ăn tối, cháu có muốn Bà đọc cho nghe vài đoạn trong Kinh Thánh mà cháu sẽ đọc vào ngày Chủ nhật không?” bà hét to từ bên kia tường, “Chúng ta có thể thực hành bài học mà thầy giáo đã chỉ định cho cháu.” Lò sưởi nổ lách tách và có hơi nước bốc lên. Bà quay trở lại bếp. “Điều đó chẳng tốt cho cháu sao?” Bước chân của bà dừng lại trên hành lang, dường như bà đang tháo đôi giày bốt ướt ra. “Cháu có nghe bà nói không? Bà hỏi nếu như...”
“Vâng, cháu nghe,” tôi cũng hét to để đáp trả. Bước chân nhè nhẹ của bà lại trở về nhà bếp. Tôi đứng dậy khỏi giường, lững thững đến cánh cửa sổ màu nâu đỏ có khí lạnh tràn vào. Tôi nhìn xuống con đường vắng, cách vài ngôi nhà bên dưới, một khung cửa hình chữ nhật màu xám có ánh đèn le lói của căn hộ nơi bà Gordie, sau khi nấu nướng xong, có lẽ đang ăn buổi tối cùng với chồng trước tivi.
“Andy, cháu có thể đến đây để giúp bà một tay không?” Tiếng bà vọng từ gian bếp đến phòng tôi. Tôi đưa mắt nhìn vào hướng cửa ra vào và các bức tường bao quanh. Các vết nứt dài, răn reo, sứt mẻ nằm khắp nơi trên những bức tường thạch cao. Tôi nghĩ đến chân của con nhện bệ vệ đong đưa trên các bức tường của phòng.
“Andy!” Bà lại kêu.
Tôi chạy vội ra hành lang, rồi xuống bếp. Bàn ăn đã dọn sẵn cho hai người.
“Cháu đói chưa, cháu yêu? Bà đã làm món spaghetti cho buổi tối,” bà khuấy đều cái nồi nhôm đặt trên lò. “Sao cháu không đem mấy cái lon rỗng quăng giúp cho bà?” Bà cầm cái muỗng đầy xúp chỉ vào mấy cái lon rỗng để trên bàn gần bà, sau đó là cái túi xách bằng giấy nằm ngay giữa phòng. Tôi đưa mắt nhìn cửa nhà bếp dẫn đến chỗ ban công, rồi lại nhìn bà. Bà tròn mắt, nói to, “Cháu ngoan, quăng ra ngoài kia. Tối hôm nay bà thật sự rất mệt.” Bà quay lại để khuấy tiếp. “Đi đi cháu, cháu ngoan, giúp bà chút coi!”
Tôi ném mạnh mấy cái lon vào túi xách và kéo lê lên trên sàn nhà, Ra đến cửa, tôi mở cửa, cái lạnh tràn vào và tôi bước ra ngoài. Xuyên qua cái ban công bằng gỗ, ánh sáng đèn nhà bếp chiếu le lói lên những khối nước đá lạnh cứng do tuyết tan đông đặc lại.
“Đừng quên đóng cửa nghe, cháu yêu,” từ bếp lò bà dặn với ra. “Cháu có nhớ chất đốt rất đắt tiền không?”
Với bàn tay còn rảnh, tôi kéo nhẹ nắm cửa về phía mình, cửa khẽ đóng lại.
Hàng tá giàn giáo đóng đinh lô nhô phía sau dãy nhà gần như giống nhau của vùng phụ cận. Tôi nhìn xuống con đường nhỏ và dài chia đôi khối nhà kế cận làm hai. Tiếng khóc nghèn nghẹn của một người phụ nữ – nghe như khá gần – vang dội lên các bức tường của hành lang có ánh sáng le lói, phá tan sự im lặng, và chấm dứt ngay khi có tiếng đóng cửa.
Một lò đốt rác có cửa sập đặt ngang tầm mắt của tôi, rộng hơn chiều ngang vai tôi, và đủ to để nuốt tôi vào đó. Rỉ sét đã ăn lan ra trước mặt và hai bản lề nặng nề giữ cho cánh cửa nhỏ còn tại vị. Trong cái nóng ẩm mùa hè Chicago, mùi hôi nồng nặc của thức ăn thiu bốc lên từ tầng trệt. Mùa Đông lạnh khử được cái mùi ấy, tuy nhiên mùi rác rưởi đó vẫn bám lấy vật gì hay người nào đến gần nó. Tôi đặt cái túi lon xuống dưới chân, nắm lấy tay nắm và giật mạnh. Cánh cửa lò đong đưa trước vào mặt tôi.
“Andy, ổn cả chứ?” tiếng bà xuyên qua cánh cửa.
“Vâng ạ,” tôi hét to trả lời, nắm lấy cái túi xách, ném xuống miệng lò. Mấy cái lon chạm vào thành gạch, kêu leng keng cho đến đáy lò, nơi ngọn lửa khủng khiếp đang chờ đợi. Hy vọng thấy ngọn lửa bùng lên, tôi nhảy lui nhưng tôi không thấy gì cả. Cái lưới mắt cáo lung lay dưới chân tôi, tôi chụp lấy thanh bảo vệ bằng gỗ.
“Andy!” bà tôi la to.
“Cháu về liền đây,” tôi cố hết sức đậy cái nắp lò bằng kim loại lại, sau đó chạy ngang qua ban công lạnh ngắt trở về nhà.
Bên cạnh bàn bếp ăn, bà dành cái ghế dựa cho tôi. Hai cái chén đầy spaghetti, chỗ tôi ngồi có để một ly sữa, chỗ bà một ly nước lạnh.
“Xem chân cháu kìa,” bà chỉ các dấu chân từ cửa vào đến bàn. Tôi tháo đôi giày đầy tuyết và cẩn thận đặt chúng bên lò cho mau khô.
Bà đẩy tôi vào bàn, xong bà mới vào chỗ của mình. Bà chắp tay ngay bên cạnh bàn và ra hiệu bảo tôi cũng làm y như thế. Thay mặt cho cả hai, bà cảm tạ Chúa về ngày hôm nay và công việc của mình, biết ơn Chúa đã ban cho spaghetti có trước mặt chúng tôi và cầu mong Người bảo vệ cho các con bà được an toàn – cậu Terry đang ở trong quân đội, người mà tôi chưa hề gặp, và mẹ tôi, cô con gái của bà ở California, người mà tôi luôn luôn nhớ đến. Sau đó, bà cầu Chúa luôn ban phước lành cho tôi trong tương lai.
Buồn chán, tôi ngước nhìn đôi mắt nhắm nghiền của bà.
Gần ngày sinh nhật lần thứ ba mươi của mình, bà đã góa chồng, rồi lại bị một ông chồng khác bỏ. Hope và con trai Terry cũng rời xa bà đã lâu. Chỉ còn lại Chúa và đứa cháu ngoại trong những bữa ăn tối. Nhìn bà trong im lặng, nếu như tôi hiểu bà cô đơn, ngay cả sợ hãi những gì đã đi qua trong cuộc đời bà, tôi cũng không biết làm gì khác hơn. Tôi chỉ mới có năm tuổi rưỡi. Bà là của tôi. Tôi là của bà. Đó là tất cả những gì tôi mong muốn.
Bà lầm thầm lời cầu nguyện cuối cùng, sau đó day qua, thấy tôi nhìn bà chăm chăm, bèn hỏi tôi có cầu nguyện gì thêm không.
“Thưa không,” tôi nhanh chóng trả lời, không muốn kéo dài thêm lời cầu nguyện của bà.
Bà lại nhắm mắt, nói lên lời cuối, “Amen.” Bà ngước mặt lên, cầm lấy nĩa, đoạn bắt đầu ăn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét