Home » » Tự sự của Kỳ Duyên sau ly hôn

Tự sự của Kỳ Duyên sau ly hôn

Sự tan vỡ của đôi trai tài gái sắc Kỳ Duyên – Trịnh Hội làm bao người phải nuối tiếc. Sau những râm ran tin đồn, họ đã lịch sự ra một bản thông báo chung rằng “chúng tôi đã chia tay trong êm thấm”. Sau đớn đau, Kỳ Duyên đã tự rút ra cho mình những bài học quý giá về hôn nhân. Bài viết này của cô được đăng tải trên website cá nhân ngày 9/1.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên





Kỳ Duyên – Trịnh Hội và đám cưới như mơ bên bờ biển



Trên một bờ biển thần tiên, khi ánh nắng cuối cùng nhuộm đỏ rực những áng mây in trên nền trời tím, tôi đã nhìn sâu vào mắt anh để trao đổi lời thề “trọn kiếp bên nhau.” Quanh tôi tiếng sóng rì rào những nốt nhạc tình êm ái nhất. Trong giây phút thiêng liêng đó tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự vĩnh cửu của tình yêu. Tại sao không? Tôi yêu anh. Anh yêu tôi. Như vậy là chúng ta đã học được bài học “quý giá nhất” rồi còn gì nữa? 


Hôm nay sau khi ký đơn ly dị, tôi bước ra khỏi văn phòng luật sư và chợt nhớ tới câu hát xưa. Tôi bùi ngùi tự hỏi “mình đã thật sự học được gì?” Có lẽ điều đầu tiên tôi học được (và chắc không phải là điều “quý giá nhất”) là “love is not enough.” Có nghĩa là tình yêu một mình không đủ để đưa đến cuộc hôn nhân thành công. Thành công theo định nghĩa của tôi là mình sống hạnh phúc trong hôn nhân. Mình ở với người đó không phải vì bổn phận, con cái, tiền bạc, xã hội, gia đình, lễ giáo… nhưng vì người đó là nửa phần hồn của mình, là người bạn tri kỷ, là nơi để mình quay về và nương tựa. Một người hiểu mình sâu sắc để mình có thể trò chuyện, thủ thỉ, tâm sự, chia sẻ, cười đùa và nhất là cho mình cảm thấy mình được nâng niu, quý trọng và yêu thương. 


Tôi biết nhiều cặp ở với nhau vì họ không có sự lựa chọn nào khác, hoặc có, nhưng họ không đủ can đảm để quyết định ra đi, họ vẫn sống với nhau – sống trong sự thầm lặng bất mãn triền miên. Như vậy là ăn gian. Không kể! Thành công trong hôn nhân là khi nào mình có tất cả sự lựa chọn và điều kiện, nhưng mình vẫn ở với người đó vì “Tôi quyết định chọn anh. Tôi yêu anh. Tôi không thể tưởng tượng có thể sống bên ai khác ngoài anh”. 


Nhưng nếu hai người cùng yêu nhau, cùng là người tốt mà còn chưa đủ để đưa tới cuộc hôn nhân thành công thì thế nào mới đủ? Theo tôi, và đây là bài học thứ nhì (khá “quý giá”), là chúng ta cần thêm sự hiểu biết về tâm lý, vai trò vợ chồng và cách ứng xử trong quan hệ lứa đôi (tiếng Việt nói dài dòng vì tôi không biết dịch chính xác tiếng Anh gọi là “relationship skills”). Tại sao tôi nói như vậy? Vì tôi mới đọc xong cuốn sách mà tôi phải gọi là “Cửu Dương Chân Kinh” của tình yêu và hôn nhân, đó là cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” (“Đàn ông đến từ Mars, Đàn bà đến từ Venus”).




Trịnh Hội và 2 con gái của Kỳ Duyên



Cuốn sách này nói về tâm lý, sự khác biệt giữa đàn ông/đàn bà và ảnh hưởng của sự khác biệt đó trong hôn nhân. Càng đọc tôi càng thấy tôi với tất cả ngu ngơ lầm lẫn. Tôi bừng tỉnh “Ủa?… tôi làm vậy vì tôi yêu anh…tôi tưởng làm cho anh vui… té ra chỉ làm anh thêm bực mình?”. Không phải vì anh khó chịu nhưng vì tôi cho anh những thứ anh không cần còn những cái anh cần tôi không biết để cho. Ngược lại tôi thấy anh với tất cả những cố gắng. Không phải anh không yêu tôi, nhưng anh không biết yêu tôi như cách tôi muốn được yêu. À há! Thì ra là vậy! Nhưng có lẽ khám phá hay nhất mà tôi thấy được là tôi và anh đều bình thường như mọi cặp khác. Bao nhiêu trường hợp tương tự, bao nhiêu ngàn người đã trải qua y hệt những gì chúng tôi đã đi qua. Không phải vì họ không yêu nhau, không muốn có cuộc hôn nhân bền vững, nhưng vì họ không biết cách diễn đạt tình yêu để đối tượng có thể cảm nhận được. Họ, như anh và tôi, đều là những đứa trẻ mồ côi lạc loài đáng thương trong tình yêu. Hiểu được điều này giúp tôi trút đi gánh nặng của tâm hồn. Tôi không còn trách anh, và quan trọng hơn… tôi tha thứ cho tôi. 


Thiết nghĩ nếu tôi nắm vững những bài học về tâm lý này trước khi bước vào hôn nhân thì có thể tôi tránh được những khúc gãy của cuộc đời hay ít ra cũng đi qua một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng làm sao tôi biết được? Có ai dạy tôi đâu? Có ai khuyên tôi nên học và nghiên cứu về vấn đề này đâu? Thường khi lấy nhau chúng ta chỉ được nghe những câu chúc phúc hoặc cùng lắm là những lời khuyên đại khái như “ráng giữ đạo vợ chồng” “thương yêu lo lắng cho nhau”, “tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau”… Rồi! Biết như vậy là đủ rồi đó! Hãy đưa nhau đi đến cuối cuộc đời “dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây”… hèn chi tỷ lệ ly dị bây giờ hơn 50 phần trăm.



Tôi chợt nghĩ trong bất cứ ngành nghề gì như là thư ký, kỹ sư, bác sĩ hay những nghề phục vụ như cắt tóc, làm móng tay, nấu ăn… nói chung là mọi ngành, chúng ta đều cần học tập và được hướng dẫn nhưng có hai việc làm quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là “nghề” làm vợ/chồng và “nghề” làm cha/mẹ thì chúng ta chẳng học hỏi gì cả. Chúng ta “làm đại” theo kiểu “trial and error” (“thí nghiệm và sửa sai”) được thì tốt… không được thì thôi! Chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho duyên số, định mệnh và nếu thành công là nhờ sự may mắn. Như vậy thì buồn quá phải không? Vì hơn nửa dân số ở Mỹ thuộc thành phần kém may mắn. Và sau khi thất bại lần đầu chúng ta lại gói ghém tất cả những tư tưởng sai lầm vốn có sẵn cộng thêm những kinh nghiệm đau thương vừa trải qua để dồn vào cuộc tình mới. Vì vậy không ngạc nhiên khi thống kê cho thấy rằng tỷ lệ ly dị của những cuộc hôn nhân lần thứ hai lên tới 60 phần trăm. Có nghĩa là “chuyển từ bại thành xụi.” Nhưng dù vậy con người bao giờ cũng sống trong hy vọng vì trong số người đã ly dị rồi thì 85 phần trăm sẽ tái hôn. Như đại văn hào Samuel Johnson đã nói “Remarriage is the triumph of hope over experience” (“Tái hôn nhân là sự chiến thắng của hy vọng vượt trên kinh nghiệm”).


Còn về chức năng làm cha mẹ? Ai dạy cho ta cách dạy con? Ta có học hỏi, trao dồi, nghiên cứu không? Hay ta cứ lập đi lập lại và bắt chước cách thức của cha mẹ mình để lại? Ta có bao giờ dám tự hỏi cha me mình dạy có đúng không? Và cách dạy dỗ cũng như tư tưởng của thế hệ trước có còn thích hợp cho thế hệ sau không? Và nếu không đúng hoặc không còn thích hợp thì mình dạy con mình cái gì? Vì mình cũng chỉ biết bấy nhiêu đó thôi… 


Đối với tôi bài học quý giá nhất là yêu không chưa đủ, mà tình yêu (tình vợ chồng, tình con cái) cần thêm sự hiểu biết và công phu rèn luyện, như bao việc làm khác, để được thành công. Ví dụ một cô ca sĩ yêu hát, yêu với tất cả con tim và sự đam mê cuồng nhiệt, nhưng nếu cô không học hát, không luyện thanh, không học nhạc lý, thì chắc chắn cô sẽ không thành một người ca sĩ nổi tiếng. Và rất may cho tôi là những sách vở, tài liệu, nghiên cứu về hôn nhân, tình yêu, cách làm cha mẹ… có đầy rẫy trên thị trường để tôi học hỏi. 


Vì vậy lần sau (vẫn phải còn niềm tin chứ!) trước khi bước vào tình yêu tôi sẽ bước vào thư viện, bước vào tiệm sách, lướt trên internet… Tôi cần phải học hỏi thật nhiều, nhất là về giáo dục con cái. Trong vai trò làm vợ, tôi đã thất bại… hy vọng sẽ có cơ hội lần nữa. Nhưng trong vai trò làm mẹ tôi không thể thất bại vì tôi chỉ có một cơ hội duy nhất mà thôi.




Chị đã bình tâm sau những đổ vỡ


0 nhận xét:

Đăng nhận xét