Những nguyên tắc vàng trong công việc lãnh đạo

Nếu là lãnh đạo mà luôn tỏ ra mình giỏi nhất trên cõi đời, đối xử không ra gì với cấp dưới, không sớm thì muộn, nhân viên sẽ rời xa bạn...

Đối xử tốt với nhân viên

Để trở thành một nhà quản lý thành đạt, bạn cần trau dồi cái “tâm” của mình. Nhân viên của bạn phải luôn cảm nhận thấy sự quan tâm và tình cảm chân thành của bạn trong mỗi lời nói, mỗi việc làm.

Lý tưởng nhất là khi mọi người trong công ty coi tập thể là một gia đình thứ hai, còn giám đốc như người cha, người mẹ nghiêm khắc nhưng bao dung, rộng lượng, thấu hiểu mọi điều.

Không tỏ ra mình là người giỏi nhất trên cõi đời này

Không nên sống chết chứng minh rằng bạn biết tất thảy mọi thứ. Bạn là nhà lãnh đạo, bởi thế về nguyên tắc bạn không thể nắm hết mọi chi tiết, đó là lẽ dĩ nhiên. Khi đã làm giám đốc, bạn không thể cùng lúc là chuyên viên. Nhiệm vụ của bạn ở cương vị lãnh đạo bây giờ là tin tưởng vào kiến thức, trình độ của các nhân viên trong lĩnh vực họ được giao phó.

Chẳng một vị giám đốc nào lại đi tranh luận với luật sư để chứng tỏ rằng mình thành thạo về pháp luật hơn. Nhưng cứ động đến những lĩnh vực như marketing và quảng cáo là dường như vị sếp nào cũng cho rằng mình cũng tinh tường chẳng kém ai.

Hãy cho phép nhân viên của bạn được quyền đôi khi mắc lỗi

Một đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ học đi được nếu không nhiều lần vấp ngã. Đừng nghĩ tới chuyện kiểm soát từng động tác của nhân viên dưới quyền bạn.

Có thể trong một vài trường hợp vị giám đốc sẽ thực hiện công việc tốt hơn so với nhân viên, nhưng làm thế, bạn sẽ vô hình tự tạo ra một đội ngũ những người bị động, thiếu chính kiến, sáng tạo và không có điều kiện hoàn thiện kỹ năng bản thân. Bởi nhân viên của bạn luôn đinh ninh rằng: rồi sếp sẽ lại chấn chỉnh rằng phải làm thế này, thế kia mới đúng.

Chỉ làm việc với những người mà bạn thực sự tin tưởng. Nếu bạn đã cho nhân viên quyền được mắc sai lầm, nghĩa là bạn tin tưởng vào họ như những chuyên gia. Mà cũng chỉ có cách ấy công việc mới chạy, bạn phải tin vào nhân viên như tin vào chiếc máy tính của mình vậy, từng bộ phận một, processor tới ổ cứng, cho đến bộ ghi đĩa...

Khi người dưới quyền mắc lỗi, một vị sếp cần chỉ dẫn, ra nhiệm vụ mới, kiểm tra kết quả, rồi tiếp tục tin tưởng cho nhân viên quyền làm việc độc lập. Nếu sau đó bạn vẫn cảm thấy không an tâm, nên tuyển người khác thế chỗ.

Giữ một khoảng cách nhất định với nhân viên

Người lãnh đạo phải luôn có uy tín trước cấp dưới. Ngay cả khi bạn trở thành bằng hữu với nhân viên, vẫn phải lưu lại cho mình vị trí “mâm trên”. Bởi nếu trong những cuộc tâm sự cởi mở và chia sẻ với nhân viên, bạn lộ ra những điểm yếu của mình, hoặc tỏ cho thấy những băn khoăn, do dự của mình, thì có cơ bạn sẽ “đánh mất” vị trí lãnh đạo trong con mắt của nhân viên.

Diệu Huyền  (Tiền Phong)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét