Home » » Tái hôn - con đường hoa hồng hay hành trình sỏi đá?

Tái hôn - con đường hoa hồng hay hành trình sỏi đá?

Tái hôn - con đường hoa hồng hay hành trình sỏi đá? là một đề tài nóng bng làm trăn trở không ít những người trong cuộc. Sau ly hôn, cuộc sống vẫn tiếp tục. Sau ly hôn, người ta vẫn cần được sẻ chia, được yêu thương và đem đến yêu thương cho một người nào đó...


Nhưng, so với lần kết hôn đầu tiên, tái hôn phức tạp và khó khăn hơn bội phần.  Xin mời các bạn cùng đọc những lời chia sẻ và góp ý hữu ích của mọi người từ khắp các miền đất nước. 
======================

Không thể thử

Khi kết hôn, người ta thường “ưu tiên” cho tình yêu trước, quyết định chọn bạn đời cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều, bởi ta chọn “một nửa” chỉ cho riêng ta. Nhưng khi tái hôn, ta không chỉ vì tình yêu, không chỉ chọn bạn đời cho mình mà còn cho cả con cái. Thế nên, ta phải đắn đo, suy xét nhiều điều.

Tôi có những người bạn gái đã chán ngán cuộc sống hôn nhân nhưng vẫn cố níu giữ nó với những lý lẽ không phải là không có lý. Họ e ngại rằng, ly hôn rồi không biết có “ở vậy” được không hay lại “cầm lòng không đậu” mà vơ quàng vơ xiên phải đối tượng còn tệ hơn người cũ. Đó là chưa kể đến trăm mối phức tạp, rồi con ông, con bà, con chúng ta... Vậy thì tốt nhất là không ly hôn để tránh... tái hôn!

Thực tế, khi tái hôn chẳng mấy ai có được cuộc sống ấm êm, vẹn cả đôi đường. Người phụ nữ khi đã ly hôn, dù không phải lỗi của họ, dù họ có nhiều điều tốt đẹp thì vẫn cứ “rớt giá” trong mắt mọi người, bởi đã qua một lần đò. Nếu thêm vướng bận con cái lại càng “mất thế” hơn nhiều. Bởi vậy, “chẳng dại chui đầu vào rọ” như suy nghĩ của chị Hoàng Anh cũng là suy nghĩ của nhiều phụ nữ sau ly hôn.

Sau ly hôn, thường thì người đàn ông bước tiếp “tập hai” nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều so với người phụ nữ. Chẳng phải họ “có giá” gì hơn, nhưng do quan niệm xã hội, dù đã “thoáng” hơn rất nhiều, vẫn cứ bất công với người phụ nữ. Cứ nhìn vào thực tế thì thấy rõ, đàn ông đã “một đời vợ” vẫn có thể tái hôn dễ dàng với “gái tân”, nhưng phụ nữ “một đời chồng” mà lấy được “trai tân” là điều hiếm thấy. Họ nhẹ nhàng hơn cũng bởi vì khi đã ly hôn, họ ít khi trực tiếp nuôi con nên cái sự “ràng buộc” cũng phần nào được “nới lỏng”, dễ được chấp nhận hơn. Trong bài “Tập 2: cũng đáng để thử...” của anh Minh Phúc đã thể hiện rất rõ điều đó. Dù cũng đau khổ, mất lòng tin vào hôn nhân như chị Hoàng Anh, nhưng sau một thời gian nguôi ngoai, anh lại háo hức “bước tiếp” với tinh thần đầy lạc quan, và cho rằng chẳng có gì đáng ngại nếu cả hai đều có lòng. Và việc tái hôn với anh hình như cũng chẳng mấy quan trọng, nếu không được như mong đợi thì cũng “đáng để thử một lần lắm chứ!”. Tôi cứ nghĩ mãi điều này, chỉ “thử” thôi sao? Chuyện hệ trọng liên quan đến cuộc đời của không chỉ một người mà sao lại là “thử”? Chỉ riêng mình anh thôi hay rất nhiều người đàn ông trước khi tái hôn đều nghĩ như thế? Biết bao bi kịch từ những cuộc “tái hôn” mà không được suy xét thấu đáo mọi bề. Biết bao cuộc “tái hôn” mau chóng thất bại khi những người trong cuộc chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết cho “tập 2”, hoặc do chưa đủ tấm lòng độ lượng bao dung. Vậy nên, chuyện vô cùng quan trọng này chúng ta không thể “thử”.

Tái hôn, dẫu có là “con đường hoa hồng” thì thực sự cũng rất khó để vượt qua. Hoa hồng dù đẹp và ngát hương, nhưng ẩn sau những bông hoa đẹp là rất nhiều gai nhọn. Ai dám chắc bước đi trên con đường ngát hương hoa ấy mà không một lần “dính” gai tứa máu, đớn đau? Chẳng có hạnh phúc nào trọn vẹn, đặc biệt là hạnh phúc từ những cuộc tái hôn nếu không được trân trọng và có ý thức giữ gìn, vun đắp... Đối với con riêng của mỗi người, cũng cần trang bị cho chúng kiến thức cần thiết về kỹ năng ứng xử trong cuộc sống mới, nếu chúng đã đủ lớn để hiểu biết. Và hơn cả, cần nhất vẫn là tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, bao dung. Chỉ có vậy mới có thể hóa giải được những xung đột tất yếu trong cuộc sống chung “lắp ghép” này.

Sẽ chẳng ngoa chút nào nếu nói rằng, tái hôn đòi hỏi lòng dũng cảm, sự kiên trì và tấm lòng rộng mở. Tái hôn đòi hỏi ý thức và sự nỗ lực gấp nhiều lần của mỗi người trong cuộc. Để vững vàng trong suốt hành trình và đi hết con đường này, ngoài nỗ lực vượt khó của hai người trong cuộc, còn cần đến sự ủng hộ, giúp sức của những người thân yêu bên cạnh hai người. Điều này xin chớ bỏ qua, bởi chính họ sẽ cùng ta làm nên cuộc sống mới.

                                                Hoài Thu
**********************************

Nắm bắt cơ hội

Lời khuyên yêu thêm một lần nữa hay tiếp tục tập hai của các chuyên gia tâm lý, hay của chính người trong cuộc dành cho những người đã từng đổ vỡ trong hôn nhân thường đi kèm điều kiện: phải hiểu rõ bản thân và hiểu rõ đối tượng.

Người ta nói, cơ hội không đến với ai hai lần, nên khi cơ hội tới, dù đó là lần đầu yêu hay tập hai, thậm chí tập ba của một cái kết có hậu thì cũng cần phải nhanh tay nắm lấy. Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội rồi thì sao, có phải là chỉ việc đi tới với nhau về mặt hình thức là “xong phim”, như cái kết có hậu trong những tác phẩm điện ảnh, sân khấu… ta vẫn thường xem?

Cuộc sống vợ chồng thực tế không đơn giản như thế, nên mới có chuyện để nói mỗi ngày, mới có vấn đề để con người suy ngẫm, giải quyết. Ai đó nói, nếu cuộc sống quá bình lặng thì rất chán, riêng tôi thấy rằng sóng gió hay đổ vỡ trong hôn nhân cũng dạy ta nhiều điều hay ho, cũng giúp ta lớn khôn, và tô vẽ cho cuộc sống những gam màu sáng-tối, đủ để cảm nhận và nâng niu hạnh phúc.

Thông thường, đã một lần đau, ta thường rụt rè, nhút nhát hơn khi bước lại vào lộ giới tình trường lần nữa bởi “kinh nghiệm trước đó “dạy” mình chùn chân”. Chùn chân nhưng lòng ta thì khấp khởi hy vọng, và cũng lúng túng không biết rồi cuộc hôn nhân thứ nhì sẽ đi về đâu trong mớ hỗn độn của cảm xúc, của những mảnh vỡ còn vương vãi đó đây, của những vết thương dai dẳng sẹo lồi. Sự rụt rè ấy đôi khi giúp ta nhận diện rõ hơn con đường, nhưng cũng trở thành cản lực khiến ta khó lòng tin yêu và dựng xây cuộc sống mới.

Do vậy, tìm hiểu kỹ bản thân, hiểu rõ đối tượng mình tiến tới hôn nhân (tập hai) thì hãy nhẹ nhàng “bỏ đá trong lòng”, thứ đá hoài nghi, lo sợ, hoặc những ám ảnh về tập một không mấy đẹp đẽ trước đó. Chỉ khi nào lòng ta nhẹ nhàng, toàn tâm toàn ý với cuộc hôn nhân hiện tại thì ta mới có hạnh phúc, và giúp cho người “đầu ấp tay gối” thấy an vui.

Do vậy, “an trú trong hiện tại” ở trường hợp chọn tái hôn và bắt đầu một hành trình mới cho bản thân chính là gác lại quá khứ, cùng người hiện tại hướng tới tương lai để “yêu như chưa yêu lần nào”. Ám ảnh quá khứ giống như một nhát dao đủ bén để cắt đứt hạnh phúc hiện tại và đẩy ta tới chỗ tiếp tục “tuột xích”, lao vào trong giông bão của hôn nhân.

Thật sự, không hiếm những người “rũ bùn” để “đứng dậy sáng lòa” sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ (do thiếu một điểm nhấn, thiếu tôn trọng nhau, thiếu lắng nghe nhau…). Đôi khi sự chắp nối lần hai đến từ những “đôi đũa lệch” về hình thức, tuổi tác, địa vị… nhưng lại rất “tương xứng” nhau về sự lắng nghe, nhẫn nhịn, nâng niu. Điều đó minh chứng cho một sự thật là, sau đổ vỡ thì cả hai đều thấm thía giá trị của hạnh phúc gia đình, sự cần thiết của tổ ấm là phải “ấm” thật sự, nên không để những nông nổi cá nhân làm “hư bột hư đường” cuộc hôn nhân mới. Điều đó luôn đúng đối với những ai biết lắng nghe từ tiếng vỡ vụn của tình đầu, của cuộc hôn nhân thứ nhất. Lắng nghe chính mình để nhìn nhận lỗi lầm, để uyển chuyển trong ứng xử mà tránh đi những “dấu vết đau thương” như đã từng; từ đó biết cách phát huy những cái hay, cái đẹp trong ứng xử với bạn đời nhằm tránh tổn thương nhau, tránh sát thương tình thương vốn dĩ được hình thành từ sự tương thông tâm hồn trước đó.

Tuy nhiên, suy cho cùng thì hôn nhân là hành trình sỏi đá hay hoa hồng thường không phải do một người. Bởi, điệu tango không thể dìu dắt, không thể uyển chuyển đến cuối bài khi một trong hai lỗi nhịp, nên cả hai nếu biết trân trọng hạnh phúc, tương kính nhau như buổi đầu gặp gỡ thì sợ gì không dìu nhau nhảy bản tango đến cuối đời?

                                                     Long Alô
***********************************

Hãy mở lòng

Ngột ngạt và bế tắc từ việc không cùng chung quan điểm sống, ngoại tình, không còn tôn trọng nhau… nên nhiều cuộc hôn nhân đã đến cái kết tan vỡ.

Thường sau đổ vỡ, phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi hơn cả. Vì thế, họ rất e dè, cẩn trọng trong việc tái hôn. Họ sợ đi phải lối mòn của “tập 1”, sợ những va chạm của “con anh, con em”…

Làm một người mẹ đơn thân sau ly hôn có thể không khó với người này, nhưng lại vất vả với người khác. Nếu là người thành đạt, kinh tế ổn định, tính cách mạnh mẽ, quyết định ly hôn khi tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn, bạn sẽ cảm nhận việc ly hôn là cần thiết và trở nên nhẹ nhàng. Đối với những phụ nữ mang thân phận “tầm gửi”, ít có mối quan hệ bên ngoài, không có tính quyết đoán, hoặc suy nghĩ “sống vì con”, thì việc ly hôn luôn là vấn đề phải cân nhắc, thận trọng, thậm chí có người cảm thấy chông chênh trước rất nhiều khó khăn bủa vây. Có chị ngại bước vào “tập 2” vì phải đối diện với những “được” và “mất” sau tái hôn. Cũng có chị muốn chấm dứt cuộc sống cô đơn và cần một điểm tựa để chở che. “Một nửa” của “tập 2” đang khiến bạn suy ngẫm để tạo thế cân bằng cuộc sống, và bạn đang đứng trước một sự lựa chọn, đấu tranh để có được sự cân bằng ấy.

Làm sao để người ấy hiểu và thông cảm với cuộc sống, với tâm tư tình cảm của bạn là điều quan trọng hơn cả. Người ấy có khả năng che chở, hàn gắn sự tổn thương của bạn và con bạn hay không? Tất cả những điều đó đều phải bắt nguồn từ tình yêu chân thành, không toan tính, vụ lợi. Đáp lại, bạn sẽ là người như thế nào đối với anh ấy và đứa trẻ kia? Trong tình yêu, một số người quan niệm “đời ngắn ngủi, việc gì phải ăn kiêng”, nhưng cũng không ít người định kiến, e dè về những cuộc hôn nhân “tập 2”, cho rằng nó dễ vỡ hơn “tập 1”, vì thế mà họ ngại ngần, không dám mở lòng với bạn tình.

Trong thực tế, có rất nhiều cuộc tái hôn mà người trong cuộc rạng ngời hạnh phúc, thậm chí có người tiếc khoảng thời gian họ đã cố níu kéo cuộc hôn nhân rệu rã. Hãy mở lòng một cách tỉnh táo để đón nhận những tình cảm mà con tim mách bảo, đừng vì những đổ vỡ trước đây mà nhìn cuộc đời bằng một màu xám xịt. Nên nhớ rằng, quanh ta có biết bao điều mới mẻ, bao cơ hội và nhiều người tốt đang chờ đón. Từ những đổ vỡ của cuộc hôn nhân trước, hãy lấy đó làm bài học, tạo cơ hội để cuộc tái hôn bền vững hơn.

Khi tình yêu đủ lớn, hãy tiến tới hôn nhân, đừng nhìn nhận cuộc sống một chiều, cũng đừng quá cầu toàn để rồi thất vọng. Một tình yêu đúng nghĩa sẽ giúp con người ta trở nên yêu đời, độ lượng và chan hòa. Hãy tin rằng, khi yêu và được yêu, người ấy sẽ yêu thương con của bạn như chính con của người ấy, và bạn cũng vậy, hãy dành nhiều tình cảm cho những đứa con bé bỏng của người ấy hơn. Khi đó, trẻ sẽ cảm nhận được hạnh phúc mà người thay thế bố/mẹ đã mang đến cho chúng, trẻ sẽ xóa dần nỗi đau thiếu vắng người thân, thay vào đó là sự hồn nhiên, hạnh phúc. Nghĩa là khi ấy bạn đã chiếm được tình cảm của trẻ.

                                     Song Nguyên


***************************************

Xác định hành trang

Sau ly hôn, dù chủ động hay bị động, cũng khó tránh khỏi hụt hẫng, chơi vơi, nhất là đối với người nhận nuôi con. Những phút giây đó đôi khi nhấn chìm ta trong buồn tủi và uất nghẹn, để rồi loay hoay không thoát khỏi những ám ảnh quá khứ mà tự kỷ ám thị, không cho phép mình mơ đến hạnh phúc mới nữa.

Thay vì cay đắng nghĩ về số phận, triền miên liên tưởng quá khứ khi ngày ngày đối diện với “bản sao thu nhỏ” của người xưa, thậm chí… khó thở khi thấy người xưa may mắn hơn, sao ta không cho trái tim đã tổn thương của mình thời gian và cơ hội để tự chữa lành. Trong giai đoạn “trị liệu” đó, ta từ từ rút tỉa những kinh nghiệm quý báu mà chỉ có những ai đã nếm trải mới thấm thía. Trải lòng qua dăm trang nhật ký, hay chỉ là những gạch đầu dòng ngắn ngủi, nhưng không phải kể lể những “được và mất” sau cuộc hôn nhân, mà nhấn mạnh những gì ta đã thiếu sót và sai lầm. Chúng có thể không giải tỏa bức bối ngay tức thời, nhưng hữu ích cho ta rất nhiều về sau, một khi ta không may lại vấp phải những khúc mắc, trở ngại tương tự như thế. Mở lòng với tất cả để thân - tâm được nhẹ nhàng, ít nhất một đến hai năm để thích nghi với điều kiện sống hiện tại và bắt đầu một mối quan hệ mới. Có thể mất nhiều thời gian hơn, tùy vào sang chấn tâm lý ở “tập một” và nỗ lực của chính ta.

Di chứng mà “tập một” để lại nặng nề hay không, còn thể hiện qua cách ta nuôi dạy “kết quả của tình yêu cũ”. Công cuộc chuẩn bị tâm lý cho con cái cũng vô cùng quan trọng, dù ta có sợ hãi “cái rọ” hôn nhân đến đâu, thì ngay từ đầu vẫn nên giúp con cái hiểu, cha mẹ chia tay không có nghĩa là mọi thứ tốt đẹp đã tan vỡ, khái niệm “gia đình” đã chấm dứt; cũng như, nếu cha hoặc mẹ có “bước thêm bước nữa”, không có nghĩa là cha mẹ hết yêu thương và quan tâm chúng.

Kéo dài thời gian và cân nhắc tìm hiểu người mới trước khi tái hôn là việc vô cùng quan trọng, bởi không còn kiểu hẹn hò đơn thuần và tình yêu chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để quyết định.

Nếu đối tượng cũng là người “đồng cảnh ngộ” thì phức tạp hơn, nhưng lại có cái lợi là dễ chia sẻ và thông cảm. Dành thêm thời gian cùng sự chân thành để từng bước làm quen, kiên nhẫn tiếp cận và… chấp nhận được con riêng của người mới và ngược lại. Không ai có thể yêu thương “người dưng” như máu mủ của mình, nên đừng kỳ vọng quá nhiều vào người mới và con cái họ. Một điều lưu ý nữa là chọn thời điểm thích hợp để chính thức đến với nhau, tránh giai đoạn con cái đang ở độ tuổi dậy thì, có nhiều khả năng ương bướng và phản kháng, hay con đang ở những cột mốc quan trọng như thi cử, cưới xin…

Thông thường, kết hôn lần đầu nhân danh tình yêu, lúc còn trẻ tuổi, và thiếu… đủ thứ, nhưng lại hiếm ai chịu khó theo học lớp tâm lý dành cho những cặp đôi sắp cưới, nên cứ theo bản năng mà ứng xử với nhau. Ở “tập hai”, nên chăng trang bị các kỹ năng làm vợ chồng, thậm chí làm dâu rể, làm cha mẹ mà ở “tập một” mình đã bỏ sót. Bên cạnh việc làm quen với những người thân khác của người mới, nếu được, có thể gặp gỡ và trò chuyện với “tập một” của người mới để nắm rõ vấn đề cũ của họ. Hạn chế đào xới chuyện cũ nhưng lại có thái độ tôn trọng “tập một” của người mới và của chính mình, là cách đơn giản nhưng hữu hiệu để đẩy lùi “bóng ma quá khứ”.

Trên con đường đi tìm hạnh phúc, nhất là sau một lần gãy đổ, ngoài tình yêu và sự bao dung, cần nhiều kiến thức và cả nghệ thuật trong hành trang của mỗi người…

                                               Duyênmay@...


                                            (Báo Phụ Nữ TP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét