Bệnh nhân nên thu thập những thông tin cần thiết từ bác sĩ điều trị cho mình trước khi phẫu thuật. Để không phải hối hận sau khi phẫu thuật, bạn nên thu thập những thông tin cần thiết xung quanh ca phẫu thuật đó từ bác sĩ điều trị cho mình.
Việc trả lời cho những câu hỏi mà bạn đặt ra là 1 trong những yếu tố quyết định để bạn phẫu thuật. Hơn nữa cách thức mà nhà phẫu thuật trả lời về trường hợp của bạn cho phép bạn đánh giá tay nghề của ông ta cũng như khả năng chữa lành căn bệnh và mang lại sức khỏe cho bạn. Sau đây là 13 câu hỏi bạn cần biết trước khi có quyết định làm phẫu thuật hay không.
1. Bác sĩ sẽ làm gì trong quá trình cuộc phẫu thuật diễn ra?
Đây không chỉ là câu hỏi mục đích của cuộc phẫu thuật là gì mà là nhà phẫu thuật sẽ tiến hành ra sao, mổ gì và chính xác là lấy đi bộ phận nào và chữa trị ra sao?
2. Tại sao phải trải qua cuộc phẫu thuật ấy?
Đương nhiên đây là một câu hỏi chủ chốt mang tính quyết định và là tiền đề cho những câu hỏi tiếp theo.
3. Liệu có còn cách chữa trị nào khác nữa không?
Thường thì giải pháp phẫu thuật cạnh tranh với những hình thức chữa trị khác như bằng thuốc hay vật lý trị liệu (như xạ trị) hoặc ngay cả khi không tiến hành giải phẫu.
4. Bệnh nhân chờ đợi điều gì từ ca phẫu thuật?
Không chỉ so sánh với việc không điều trị bằng phẫu thuật, mà nên có sự so sánh với các hình thức điều trị khác có thể. Yếu tố cơ bản để bệnh nhân quyết định có nên để bác sĩ tiến hành phẫu thuật hay không phụ thuộc vào sự cân nhắc những rủi ro có thể xảy đến trong ca mổ.
5. Những rủi ro trong quá trình tiến hành ca mổ là gì?
Những rủi ro này phụ thuộc vào căn bệnh mà người bệnh đang mắc phải cũng như tình trạng sức khỏe tổng quát của họ lúc đó (có còn mắc bệnh nào khác không?) và tay nghề của vị bác sĩ giải phẫu. Câu hỏi này cũng mang cả hàm ý so sánh với những rủi ro của những hình thức chữa trị khác.
6. Chuyện gì sẽ xảy đến với bệnh nhân nếu như họ không chịu giải phẫu?
Câu hỏi tự nó đã rất quan trọng. Nhưng thật sự, điều đáng quan tâm là sự so sánh giữa câu trả lời của bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ chẩn đoán bệnh của bạn. Bạn phải có sự ngờ vực nếu câu trả lời của họ quá bất đồng quan điểm.
7. Người bệnh nên tham khảo thêm ý kiến từ ai?
Câu hỏi này đôi khi không mấy quan trọng đối với một cuộc tiểu phẫu hoặc một ca thật sự khẩn cấp. Nhưng ở phần lớn các trường hợp, đây là câu hỏi vô cùng cần thiết. Trên thực tế, một khi đã trải qua cuộc phẫu thuật thì sau đó, nếu bạn có hối hận cũng vô ích vì bạn không thể quay ngược thời gian để quyết định lại, nên nhớ rằng chính bạn chứ không phải bác sĩ là người phải trải qua cuộc giải phẫu.
Vì thế, việc bạn tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia khác là điều hiển nhiên. Tại Mỹ, quyền tham khảo ý kiến trước khi tiến hành phẫu thuật đươc khuyến khích và hoàn toàn miễn phí, đây cũng là một trong những tiêu chuẩn mà người dân hướng đến để lựa chọn cơ quan bảo hiểm sức khỏe cho mình.
Ngoài ra, cách mà bác sĩ trả lời câu hỏi bạn đặt ra cho thấy họ có thực sự nắm rõ bệnh trạng của bạn không. Một nhà phẫu thuật thông minh, cởi mở, tự tin và cảm thông sẽ giải đáp cho bạn một cách trực tiếp, cụ thể và đơn giản nhất, chứ không quá xa rời thực tế, sự thận trọng của họ sẽ giải tỏa nỗi lo lắng của bệnh nhân.
8. Kinh nghiệm gì cho bạn khi quyết định phẫu thuật?
Một kinh nghiệm ai cũng biết từ lâu: càng ở cương vị bác sĩ có chuyên môn cao đứng ra tiến hành ca mổ thì tính an toàn của nó càng cao. Tuy nhiên, liệu bệnh nhân có tin tưởng giao phó mạng sống mình cho những vị bác sĩ chỉ thực hiện không quá 10 ca mổ trong một năm không?
9. Ca phẫu thuật sẽ được tiến hành ở đâu?
Các bệnh viện cũ kỹ, nhân viên mệt mỏi vì kiệt sức, hay cáu gắt, quá bận rộn… tất cả đều là dấu hiệu không tốt. Hãy tìm một bệnh viện đáng tin cậy, uy tín và bàn bạc vấn đề này với bác sĩ trực tiếp phụ trách phẫu thuật là điều nên làm.
10. Loại trạng thái gây mê nào sẽ được áp dụng cho bệnh nhân?
Bác sĩ phẫu thuật không phải lúc nào cũng trả lời được câu hỏi này vì có rất nhiều khả năng có thể xảy ra, câu trả lời luôn phải đi kèm với quyết định của bác sĩ gây mê. Cái chính là gây mê cục bộ hay từng phần ít rủi ro hơn gây mê tổng quát (hoàn toàn), nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ là một trạng thái được gây mê hoàn toàn đôi khi là giải pháp duy nhất hay chí ít là hợp lý nhất.
11. Thời kỳ dưỡng bệnh và hậu phẫu diễn ra như thế nào?
Bệnh nhân tỉnh dậy sau khi đươc mổ sẽ có cảm giác đau, khó chịu hay không? Chế độ tập luyện hậu phẫu có cần thiết hay không? Thông thường, sau thời gian bao lâu thì bệnh nhân có thể trở về nhà? Họ có thể trở lại sinh hoạt bình thường hay không? Có chơi thể thao lại được hay không?
12. Bệnh nhân có bị di chứng sau phẫu thuật hay không? Có bị sẹo không?
Theo sau những cuộc phẫu thuật, vết sẹo để lại có thể to và khó coi. Bạn cũng nên nhớ, trong quá trình mổ cũng có thể xảy ra những sự cố ngoài dự đoán bắt buộc bác sĩ phải thay đổi tiến trình của cuộc phẫu thuật.
13. Chi phí cho một cuộc giải phẫu?
Bác sĩ phẫu thuật không chờ đợi câu hỏi này mà ông ta là người đưa ra giá cả và những thông tin liên quan. Bạn phải biết ca phẫu thuật có thuộc diện bảo hiểm y tế hay không, và những yếu tố phụ khác.
(Theo Thanh niên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét