Lễ độ

Người lễ độ, theo tôi, là người không bao giờ vô lễ với ai cả, mặc dầu người ta hết sức khiếm nhã với mình.


Người ta thường bảo: kẻ bị nhục mà không biết thẹn, và trả thù, là người nhu nhược. Cho nên lắm khi, trong lòng không bất bình mà cũng vẫn phải làm ra dáng bất bình, kẻo phải bị kẻ khác khinh miệt. Cho nên người ta mắng mình, mình phải mắng lại, người ta đánh mình, mình phải đánh lại, đó là người anh dũng.

Ta quên rằng: kẻ mắng ta, đánh ta, là kẻ không tự chủ. Nếu ta mắng và  đánh lại, ta sẽ là kẻ ngang hàng với hạng người ấy hay sao? Đó là cái dũng của kẻ thất phu.

Người điềm đạm, ở trong trường hợp này, vẫn giữ gìn lễ độ, không vì người ta nhục mình mà chịu khuất thân làm kẻ tiểu nhân như họ. Danh dự thật là ở nơi chân giá trị của mình chứ không phải là ở nơi lời khen tặng của kẻ khác.

Cho nên người ta khen hay chê, không phải vì đó mà giá trị mình tăng lên hay giảm xuống.

Marc Aurèle nói: "Cách trả thù hay nhất là  đừng tự mình giống với kẻ dữ".

Bacon cũng nói: "Trả thù là đứng ngang hàng với kẻ nghịch, tha lỗi là đứng trên kẻ ấy".

Đụng chạm nặng nề đến bản ngã là một cách luyện tập thử thách tinh thần điềm đạm.

Câu chuyện nhà võ sĩ trứ danh Tokiyori lúc mới vào xin làm đệ tử của phái Thiền môn, bị ông thầy mình bất ngờ đánh cho một bạt tai mà không biết giận là một chứng cứ của điều tôi đã nói trên.

Tokiyori, một tay đánh kiếm có danh, sức mạnh ít người địch nổi, thế mà hờ cơ bị đánh phải một bạt tai, vẫn thản nhiên không biết giận, thật tình là lòng tự chủ của ông đã đến bực nhất!

Ông tự thú: "Trước kia tôi vẫn tưởng tôi là người đại dũng, lúc mà trong tay tôi cầm mấy vạn tinh binh đánh Nam dẹp Bắc; trước mặt tôi không có một người nào dám cản đường. Thế mà khi phải bị đánh một bạt tai, tôi trấn tĩnh được ngay, quả tim tôi không đập mạnh, lòng tôi yên lặng như không có việc gì, bấy giờ, tôi mới cảm thấy cái khí độ hùng dũng trước kia, sánh với bây giờ, rất còn nhu nhược, hèn thấp đến bực nào".

"Tự chủ được cái lòng tự đại của mình mới là đại dũng".


Trích từ  "Cái Dủng của Thánh Nhân" - Nguyển Duy Cần

0 nhận xét:

Đăng nhận xét