Tính điềm đạm

Điềm đạm, tức là cái tính "như như bất động", thản nhiên bình tĩnh, "không thể cho ngoại vật động đến tâm của mình".


Người điềm đạm, tức là người đã làm chủ được tình dục và ý chí của mình.

Nói một cách khác, người điềm đạm, tức là người "chủ động", không "bị động" vì những vật không theo mình nữa. "...

Khổng Tử bị vây ở đất Khuông, không còn phương thế nào thoát ra được, bèn lấy đờn, ngồi đờn và ca.

Tử Lộ hỏi: "Phu Tử làm sao vui được thế?..."

Khổng Tử nói: "Ngươi lại đây, ta nói cho mà nghe... Ta đã làm hết sức ta, để tránh cái chuyện này, thế mà không được, đó không phải còn tại ta nữa, mà là tại Trời. Xưa Nghiêu, Thuấn không bị sự cùng như ta ngày nay đây, chẳng phải do nơi cái tài thận trọng của các ông ấy hơn ta mà  được, mà là tại cái Mạng của họ không như của ta. Kiệt, Trụ không phải tại họ tài ba ít hơn Nghiêu, Thuấn mà họ bị hại, chỉ vì cái Mạng của họ không giống hai người kia... 


Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ , đó là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân..."

Cái Dũng của Thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của Điềm đạm.

Một chuyện cổ tích xưa của Nhật đả diển tả rất chính xác về tính cách này.

Các vị Thần ở trên cõi Trời, có một lần cùng tranh nhau quyền bá chủ thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị Thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài này có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, lại cũng là người cao tuổi hơn hết.

Mổi vị Thần đều biểu hiện sức lực và uy vủ của mình, Thần xấm xét, Thần Bảo tố, ...và sau cùng Thần Điềm Đạm lên tiếng :

- "Tôi là "Điềm Đạm". Tôi là kẻ huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó. Có ích gì lo đi chế trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt...Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dâng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai..."

Các vị Thần cúi mặt làm thinh.

Vị trọng tài lên tiếng:

- "Quyền bá chủ, là người này. Sức mạnh thật, nơi tâm hồn điềm tĩnh của người này!  Hơn cả sự điều khiển sự vật, người này đã khéo léo biết điều khiển tình dục của mình. Bất kỳ là một thế lực nào, nếu còn bị một thế lực khác đánh ngã, không còn gọi đặng là sức mạnh nữa. Người này không phô trương những thế lực vô ích như thế, rõ ràng là người có sức mạnh trên hết. Bất kỳ là những ám thị, những dẫn dụ nào, cũng không làm nao núng tâm hồn của người này đặng. Trái lại, người này đã thấy hết, và  đã khéo lợi dụng cả thảy để làm tôi mọi cho mình. Nếu các anh em tin cậy nơi sự phê phán của tôi thì tôi xin nói thật: "Vị thần Điềm Đạm này là chúa tể của chúng ta cả thảy".

Từ đấy đến nay, câu phê phán ấy vẫn không sai.

Phải, sự điềm đạm là chúa tể của chúng ta cả thảy. Đạo hạnh con người đi đến đó, là  đã tới chỗ cùng cực của nhân cách con người rồi.


Trích từ  "Cái Dũng của Thánh Nhân"

0 nhận xét:

Đăng nhận xét